SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

BÃO BIỂN

CAO VỊ KHANH

Biển lạ. Mùa hè vẫn có những con sóng dữ quẫy theo gió nghịch chiều. Tàu đã qua lại mấy lần những bến cảng xa xôi. Và chiều nay, lại nhổ neo dập dềnh nẻo sóng.

Và người khách đã lạc lõng giữa một thế giới phù hoa vô lối, vẫn lạc lõng chiều nay.

Những người bạn đồng hành vẫn còn tiếp tục vui trong những trò chơi lòe mắt, chấp chới thứ ánh sáng nhân tạo lộ liễu, vẫn đang lúc lắc theo điệu nhạc thời thượng trân tráo hoặc còn cố ngửa cổ nốc cạn ly rượu được bưng dọn bằng những bàn tay điệu nghệ đến ngây ngô. Sao bỗng dưng rồi người khách chợt bật cười khan, dằn ly rượu còn quá nửa, đứng dậy mặc kệ người bạn chung bàn dang tay kéo níu. Ông ta bỏ đi một nước, ngang qua cái sàn nhảy lố nhố bóng người, nháy mắt trả lại cho người đàn bà mặc xường xám xẻ hông tới hết chỗ xẻ, đi suốt qua cái phòng ăn dài thậm thượt, mở lớp cửa thứ nhất rồi lớp cửa thứ hai, gió lạnh tát vào mặt lạnh buốt. Ông ta sựng người rồi đưa tay kéo dựng cổ áo khoác, rẽ nhanh vào cái bar rượu lộ thiên giờ này vắng ngắt. Đèn đuốc vẫn sáng rực, bóng xanh đỏ chấp chới theo từng cơn gió hú. Người pha rượu quen mặt trốn đâu mất biệt. Cả những người phục dịch trên boong cũng lánh đâu hết. Phải rồi hồi chiều ông có nghe trên loa văng vẳng lời thông báo mà không để ý. Đêm nay khi ngang qua vĩ độ 60 bắc biển động sao đó. Nhưng rồi tánh lơ đãng ông cũng quên phứt. Gió quậy sóng rầm rầm, tung bọt trắng xóa, bắn vọt lên sàn tàu lênh láng những vạt nước mặn và lạnh như nước đá. Ông tính quày trở vô nhưng rồi bỗng nhớ đến cái không khí nhếch nhác của một đêm dạ hội rẻ tiền, ông lại ngần ngừ. Ban nãy, trên bàn tiệc, giữa hai hớp rượu, có lúc ông tự hỏi tại sao mình có mặt ở đây. Cái lối du hành tập làm trưởng giả này vốn dĩ ông đã chán chê từ lúc chưa từng tham dự. Vậy mà lần này, chỉ vì một chút nể nang với dăm ba chút bạn bè mà ông có mặt. Nhưng rồi qua vài ngày, ông cứ thấy ngán ngẩm, cứ muốn tìm cách xé lẻ mà rồi trên trời dưới nước và quanh quanh mấy góc phố lạ, ông cứ bị vây bọc chẳng có lối thoát. Bởi vậy, ngoài những lúc phải lên bờ, lội theo đoàn người rồng rắn cứ hay loay hoay nhìn ngó, lắm lúc đến nực cười tự hỏi không biết họ ngắm cảnh hay họ ngắm họ trong cảnh với những chiếc điện thoại tinh khôn quay lên lộn xuống, lúc trở về tàu là ông hay tìm cách bỏ ra lang thang một mình trên boong, hay ngồi lì nơi một góc bar, nhắp chút rượu mạnh rồi ngó cái không mênh mông của mặt biển mênh mông. Có hôm nắng tươi, chói chan, nước xanh ngan ngát. Có hôm mây mù, đục lờ con nước. Ông không vui không buồn. Nhưng mà ông thấy bình yên. Người ta vui chơi kéo nhau qua lại. Trước mắt ông chỉ có trời mây, biển lớn và những con chim hải âu cánh trắng bay vật vờ như không có nơi để đến mà cũng không có chốn để về. Ông cũng vậy, hơn ba mươi mấy năm nay dẫu vẫn ở cùng một địa chỉ mà thật ra ông có thấy ông ở đâu, làm gì, để làm gì... trong cái đời sống lưu vong ngày qua tháng tháng qua năm như một điệp khúc buồn rầu. Đã có lúc, từ thăm thẳm của lòng như có gì thúc giục, ông cũng lôi giấy bút ra hí hoáy, chữ nghĩa đau đớn từ những kỷ niệm đau đớn của dân tộc ông và của chính ông chạy ùa ra tới không kịp nắn nót. Ông thức khuya dậy sớm, ngoài giờ lao động kiếm ăn, trên tay lái một chiếc xe van chở hàng giữa ngã tư đèn đỏ, nơi góc vắng một quán cà phê bình dân trong khi chờ đến lượt đổi phiên... ông đã làm thơ, ông đã viết văn... Những tờ giấy trắng kê trên đùi, những hàng chữ xiên xẹo được viết bằng mẩu bút chì đen lúc nào cũng nằm sẵn trong túi áo, ngày qua ngày, chất chồng trong những hộc tủ. Lâu ngày, xứ lạnh không mốc meo, nhưng phủ đầy bụi. Đôi khi rỗi rảnh, ông lục ra phủi sạch, đọc tới đọc lui, rồi xếp cất lại. Có khi ông thấy đâu như hai con mắt mình rươm rướm. Nhưng riết rồi ông thấy lạnh tanh. Bạn bè mến mộ, có người đưa lên mặt báo này báo nọ. Có người gởi lên thế giới trên mây. Mấy khúc đoạn trường lâu ngày trở nên lạc lõng giữa cái vòng quay vô tình của lịch sử và lòng người. Đường về nước ngày một mù mịt. Quê hương rồi có lúc trở thành một hoài vọng mơ hồ, không bờ không bến, có đó mà không có đó, bởi vì phải thật lòng mà nói, cho tới giờ có còn gì là cái hình ảnh mà ông đã ôm ấp mang theo khi phải bỏ đi. Lâu rồi, lòng ông chỉ còn lại thứ tâm thức lạc loài kiểu lục bình không rễ.

Còn đang ngần ngừ, bỗng thấy lạt môi, ông nép vào một góc kín, tính đốt điếu thuốc tìm chút vị quen, ngay lúc đó, tiếng chuông reo lên. Chiếc điện thoại nhỏ rung rung như có ngón tay ai khều khều trong túi quần. Ai ? Ai gọi giờ này ? Có ai biết ông ở đâu mà gọi ? Lâu lắm rồi ông ít liên lạc với ai nếu không nói là gần như cắt đứt mọi giao thiệp. À mà chẳng lẽ lại là... Nghĩ tới đó rồi ông vội gạt ngang. Làm gì có. Hẳn là còn bận bịu với trăm ngàn chuyện vây quanh. Nhưng nếu không thì là ai. Người duy nhất ông đã nói chuyện vài ngày trước khi lên máy bay rồi xuống tàu để tỉ tê một ít về chuyến đi gần như ngoài ý muốn này. Kể cả lịch trình của chuyến đi. Bởi vậy nếu không là... Ai mà biết giờ này, ngày này ông đang lênh đênh trên một vùng biển lạ. Ngoại trừ...

Bất ngờ làm ông luống cuống, nhét vội lại bao thuốc lá vào túi rồi thò tay móc cái điện thoại. Chiếc quần jean bó sát, miệng túi hẹp té, càng vội càng kẹt. Tiếng chuông vẫn reo... reo. Sau hết ông cũng lấy được ra và bấm nút nhận. Trong góc kín mà gió vẫn tìm cách luồn vô thổi mấy tấm vải bạt kêu phần phật. Ánh sáng mấy ngọn đèn canh lao chao theo gió. Thêm mấy ngọn sóng dữ dồn dập lắc lư thân tàu. Ông vừa ngửa ngửa nghiêng nghiêng theo nhịp sóng vừa chú mắt nhìn, thoáng qua, ông chưng hửng. Trên mặt điện thoại, hình một người nữ. Vẫn nét cũ không phai. Buổi trưa xứ đó nắng còn vàng trên mái tóc ửng nâu. Chiếc kiếng mát đeo ngược lên tóc như chiếc lược cài. Y nguyên nét cũ dìu dịu. Và nụ cười mím như cứ ngần ngại trước những xô bồ của đời sống. Y như từ năm ba năm trước. Y như từ mươi năm trước khi biết nhau. Người đã đàn bà vẫn còn nguyên lòng con gái. Thoắt cái vụt biến mất. Nụ cười chưa kịp trọn vụt tắt ngang. Chắc thời tiết xấu quá làm mất tín hiệu. Tự dưng, tự dưng giữa lòng ông như có một nhịp tim hụt. Mà đúng ra, từ mấy ngày nay ông có đợi đâu mà bây giờ như vừa vuột tay một cái gì ông đã chờ. Ờ mà chắc ông không có đợi một cái gì đó không, mơ mơ hồ hồ lẩn khuất giữa lòng ông dù chính ông cũng thấy mình không có lý do gì để chờ đợi. Một chút hụt hẫng chưa kịp lắng xuống thì bỗng đâu điện thoại lại reo lên. Tim ông lại hụt một nhịp. Ông bấm nút nhận. Lần này chỉ nghe tiếng mà dáng dấp chẳng thấy đâu. Thầy vui không. Tiếng nói bay lẫn lẫn trong tiếng gió hú bầy. Vẫn cái tiếng thầy vừa nghiêm vừa nghịch ngợm. Bây giờ. Hồi đó. Ờ thì tui có dạy chữ nào đâu mà kêu thầy. Thì thầy dạy em tui cũng như dạy tui vậy. Hổng dám đâu. Mẩu đối thoại lần đầu cho đến giờ còn nhớ. Bữa đó mới ra trường đổi về một tỉnh nhỏ. Dạy học trò như một chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng lâu ngày chầy tháng, riết rồi đâm ra hết lòng với đám em út mới lớn. Học trò có đứa thân còn hơn em ruột. Qua lại thăm viếng cả ngoài giờ học. Đứa học trò trai vừa tuổi lớn, thông minh và nghịch ngợm, cứ hay đem chuyện ông thầy mình về kể cho gia đình. Dưng không rồi ông thầy trở thành một hình ảnh quen thuộc trong nhà. Tới nỗi, cuối năm, có cô chị đang học đại học ở Sài-gòn về quê nghỉ tết, cũng rủ rê ghé lại chào hòi. Cô chị đằm thắm mà tinh quái, chiều lòng em trai. Vậy đó. Có gì lạ đâu. Vậy mà sau lần gặp mặt có chủ đích đó, những lần sau, khi tình cờ, lúc có việc cần, mỗi lần mỗi kéo dài hơn, và rộn rã hơn. Tết qua, cô trở lại Sài-gòn tiếp tục việc học. Thỉnh thoảng, những lá thư thăm viếng, kể chuyện học hành, chuyện phim ảnh, chuyện đường phố lộn xộn, chuyện sinh viên biểu tình, chuyện những cuốn sách mới xuất bản ở Sài-gòn... Những lá thư với hàng chữ nắn nót cố ý ngoài phong bì và giọng điệu giả vờ lơ lửng trên những tờ giấy pelure mỏng dánh và trắng muốt. Có lúc đều đặn tới nỗi nhiều khi thấy người đưa thư đi qua mà không ghé lại, dưng không như có gì thiêu thiếu. Vậy thôi. Thì cũng vậy vậy thôi M. Vẫn thói quen gọi tên không ngôi thứ. Tự nhiên bữa nay trời nổi gió, sóng gió tơi bời M. ơi. Ai biểu đi chơi mà không rủ M. theo. Vẫn cái giọng ấm và ngọt tới xóa hết mọi ngại ngùng của người tiếp chuyện. Thêm nữa, một tấm lòng mà nhiều khi ông thấy thấm nhuần huệ từ bi. Gió vẫn rú từng hồi. Sóng tha hồ quẫy đập bắn tung từng chùm bọt biển trắng xóa lên tới góc kín. Con tàu thì vẫn sì sụp lê lết. Và ông, người khách lạc lõng từ mấy bữa nay, bỗng dưng rồi thấy như có gì vui ! Rồi chuyện trò tiếp tục trơn tru như đang tiếp nối một bữa chuyện trò nào khác, không từng đứt đoạn. Phải qua đây chơi, M. tặng cho không biết bao nhiêu là nắng vàng. Có hôm nghĩ tới xứ lạnh, M. muốn lùa bớt nắng sang cho. Vậy đó. Vậy đó. Toàn là cái chuyện không đầu không đuôi mà sao không dứt được. Cứ hết mưa nắng rồi lại nắng mưa, chuyện đời, chuyện người, chưa bao giờ, hơn mươi năm qua một lần lấn sang chuyện mình. Vậy mà từ thăm thẳm, làm như ngong ngóng một tiếng chuông reo. Hôm rồi, gặp ông anh họ làm nhà in, M. có hỏi chuyện in mấy cuốn sách của thầy. Ồ làm chi vậy em. Chuyện của M. thầy hỏi làm chi. Vẫn cái giọng dịu dàng mà quyết đoán. Lâu lâu thầy cũng cho M. làm một việc mà em thấy cần làm. Em ơi sách vở bây giờ có ai mà đọc. M. đọc. Thì bài vở của tui em đã đọc hết rồi. Thì tại M. đọc hết rồi nên em thấy cần in lên giấy trắng mực đen. Bỗng dưng ông thấy mũi lòng. Để làm dịu cái giọng dấm dẳn, ông pha trò. Vậy chớ em có bao nhiêu tiền mà đòi in sách cho tui. Mười ngàn đồng. Câu trả lời gọn bâng như người ta nói vài ba đồng bạc, biểu lộ một sự quyết tâm. Ông lặng người chưa biết tìm câu trả lời vừa lúc một vạt nước biển bắn lên mặt buốt như kim chích. Ông lách sâu hơn vào kẹt khoang vừa kịp nghe môi mình mằn mặn. Nước biển hay nước mắt rướm trên khóe hồi nào. Nhà in hỏi gấp em mấy chi tiết kỹ thuật. Ông nghẹn giọng. Lâu rồi, cái ý in sách cho ông đôi khi có nhắc tới nhắc lui nhưng rồi hoặc do ông hoặc do bận rộn bên đó mà khất lần khất lữa. Tại sao, đêm nay, giữa trời biển mênh mông và sóng động ì ầm lại được nhắc lại. Nhắc lại với một giọng dứt khoát và khẩn thiết. Và làm sao giấu được cái giọng thiết tha một cách bất ngờ. Bỗng dưng ông nghe thoáng thoáng lẫn trong tiếng gió rít... cho M. được một lần lo cho an... ơ... thầy. Nước mắt ông không kềm lại được nữa. Và xa tít bên kia biển lớn, dường như có một tiếng nấc. Rồi lặng thinh. Ờ thì đã từ lâu, sau khi gặp lại vẫn hay nói thích bài vở của ông mỗi khi đọc được. Đôi khi còn biểu lộ những xúc động với tâm trạng của người viết về những thảm cảnh sau khi cuộc chiến tàn, cũng như chia xẻ hết sức ân cần với số phận của cả một thế hệ đồng lứa với ông mà ông hay kể lể. Từ đó đến việc muốn giúp ông thực hiện cái giấc mộng mà bất cứ một người cầm bút nào cũng ao ước thật ra cũng không phải là một điều tất nhiên. Vậy sao... Vả lại hồi nãy ông nghe tiếng gì như tiếng gọi lộn mà nửa chừng cầm lại. Có một cái gì là lạ làm ông bối rối. Bên kia đầu giây cũng nín lặng. Rồi cả hai cất tiếng cùng một lúc. Anh .. Em. Rồi lặng thinh. Một giây. Một phút. Hay nhiều hơn. Cũng chẳng biết. Chẳng ai đo được cái phút giây kỳ diệu đó. Thứ danh xưng mà gần như suốt nhiều năm ai cũng lẩn tránh. Làm như có một sợi giây vô hình nào đó chắn ngang nên cứ nói trỏng riết thành quen. Gió vẫn thổi miên man. Và sóng biển vẫn ì ầm. Bao nhiêu tháng. Bao nhiêu năm đã lũ lượt kéo qua, hối hả và chẳng bao giờ trở lại. Xuân thì như ánh chớp đêm giông. Có ai sống được hai lần. Chúng ta đã để cho vuột qua dẫu không ai cố ý. Trong cái giây phút tưởng chừng bất tận đó, hai cuộc đời ở hai đầu một ngã rẽ bỗng như nối lại, sau cơn thất tán não lòng.

Vậy đó. Chuyện như chuyện thần tiên với đoạn kết đã được định sẵn. Tao phùng. Ly tan. Tái hợp. Có điều, định mệnh có bao giờ suông sẻ như lòng người ao ước. Cuộc tỏ tình qua bằn bặt không gian rồi cũng phải chấm dứt. Bên kia chiều đã hết. Và ai rồi cũng phải trở lại với cuộc đời thực của mình. Dù muốn hay không.

Ông còn đứng lại, gần như bất động, khuất trong bóng tối. Đêm không sao. Ông châm lửa điếu thuốc. Gió thốc ngang không kip vướng lại chút khói bay. Ông thấy cổ đắng mà lòng vui và buồn mênh mông cùng lúc. Cũng như vừa yên lòng vừa lo lắng. Cõi lòng bỗng chốc chông chênh như biển. Biển ngoài kia dập vùi, dù sâu dưới lòng biển là một cõi lặng thinh. Dẫu vậy biển vẫn muôn đời khôn dò. Cuộc đời thăm thẳm như biển. Ai biết được ra sao giọt nước chơi vơi giữa cuồng nộ đại dương. Cũng như những cuồng nộ của lịch sử. Thứ lịch sử nghịch thường đã phá tan hết mọi giấc mơ hiền lành nhất của ông và nhiều người khác. Năm tháng đó, những lá thư hồn nhiên qua lại và những gặp gỡ bất định của hai người đã là dấu hiệu của một dặn dò hẹn ước nào đó, dù chưa ai có dịp xác định. Tháng cuối năm 73, đứa em trai xui rủi rớt tú tài hai bị gọi động viên. Đêm trước ngày đi bạn bè đưa tiễn, ông cũng được mời tham dự, có mặt cả M. từ Sài-gòn lật đật về gặp em. Giữa tiệc, bạn bè đứa cười đứa khóc. Cảm thán ông viết huyệch hoạc lên tấm giấy khăn ăn mấy câu thơ. Ngày mai em xa rồi. Ta còn trên bục giảng. Bạn bè ngơ ngác đợi. Bài Chinh Phụ như than. Tiệc tan, mọi người ra về. Còn đang lui cui mở khóa xe bỗng thấy M. cầm tấm giấy khăn ăn đi tới, hai con mắt đỏ hoe. Thầy bỏ quên... hay là cho M. xin bài thơ này, nhen thầy. Vừa nói, M. vừa quẹt nước mắt. M. không ngờ thầy tình cảm tới vậy. Ông cười buồn, gật đầu. M. nói với nó mai mốt tui đi thăm.

Khi ông rồ máy xe chạy đi, ngoảnh lại còn thấy M. nhìn hút theo. Lòng ông bỗng nao nao.

Mấy tháng sau, có dịp đi Sài-gòn, ông theo M. đi Thủ Đức thăm đứa em trai. Khi về, sẵn dịp, hai người dạo ngang phố Lê Lợi. Chiều thứ bảy, phố đông nghẹt người. Người ta áo vàng áo đỏ. Áo M. trắng tinh. Qua hàng sách bày dọc theo lề đường, ông ghé lại tìm vài quyển sách cũ. M. lựa giúp ông rồi trả tiền lúc nào không biết. Ông ngần ngừ. M. dẩy nẩy. Thôi tui đưa cô đi uống nước bù. Chiều Sài-gòn bỗng nhiên hực nắng. Ông đưa M. vào La Pagode. Đường Tự Do áo dài vạt bay như bướm. Cùng lúc, tiệm để nhạc Mộng dưới hoa. Chưa gặp em tôi đã biết rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Giọng Jo Marcel lừng khừng mà thấm như hơi thuốc lá Lucky. Hai người ngồi đó khi nắng vàng rút ngắn lên nóc nhà thờ Đức Bà, thả cái bóng chạng vạng lên mấy đọt me châu đầu như cổng lá. M. kể cho ông nghe chuyện học hành, hỏi han ông chuyện dạy dỗ. Bất ngờ kể ông nghe chuyện vui. Cô bạn gái cùng trường quê ở Vĩnh Long mới về thăm nhà trở lên có cho M. trái ổi xá lỵ to như bàn tay M. nắm lại mà ngọt ngây. Mà tự nhiên sao nghe tên Vĩnh Long em thích ghê. Mấy lần về quê, xe đi ngang em tính ghé lại chơi cho biết mà rồi không có dịp. Vậy hả, Vĩnh Long là quê tui đó. Ủa thiệt hông thầy. Thầy nói chơi hay nói giỡn. Thiệt mà, tui sanh đẻ ở Vĩnh Long, lớn lên mới đi học xa. Tự nhiên ông thấy gò má vốn đã ửng hồng của M. như đậm hẳn lên. Rồi thôi lãng sang chuyện khác.

Những lần sau đó, mỗi khi có dịp về Sài-gòn, ông hay ghé lại cư xá Thanh Quan tìm thăm M. Hai người lại có dịp lang thang qua mấy phố quen. Có khi ông đưa M. ghé lại Brodard uống cà-phê liégoies, có khi lội ngang qua Passage d'Eden xem phim mới chiếu. Bỗng dưng rồi ông tìm lại được Sài-gòn của ông thời còn sinh viên, rủ M. đi ăn phở Pasteur, bánh cuốn ngã sáu Ngô Tùng Châu, qua khu Cường Để ông chỉ cho M. trường văn khoa mà ông đã học, kể cả cái quán cà- phê ông hay bỏ lớp ngồi làm thơ. Kể cả ngôi trường mà tường vách gì cũng cũ mèm, ở góc đường Cộng Hòa-Thành Thái, nơi ông đã ép mình theo đuổi cho đủ ba năm học làm-thầy dù cái đầu thì cứ lung lăng muốn làm-giặc... Cùng với M. làm như ông đi ngược lại thời tuổi trẻ đã mất. Mà cũng ngộ, M. đi theo ông như một tình nhân dù giữa hai người không ai xác nhận một điều gì. Ông kể cho M. nghe mọi thứ chuyện, từ chuyện kéo nhau đi vũ trường lúc đầu tháng đến chuyện gặm bánh mì thay cơm khi cuối tháng, chuyện đầu khóa ăn chơi vun vít đến cuối khóa uống cà-phê đen thức suốt đêm ôn bài cho kịp kỳ thi, ngay cả chuyện những mối tình lăng nhăng chẳng đâu vào đâu... M. nghe hết, cười với ông những chuyện phá phách, buồn với ông chuyện người bạn thân vừa tử trận, theo ông đi đưa đám tận nghĩa trang quân đội. Lúc ra về, lặng lẽ đi cạnh ông giữa hai hàng sao cao vút, có lúc len lén nhét vào tay ông chiếc khăn tay khi thấy mắt ông đỏ hoe. Mọi thứ mọi điều M. chia xẻ với ông hết lòng, như sống hẳn cùng ông tận cùng mọi kỷ niệm. Sự gần gũi đã vượt hơn một lằn ranh lễ nghĩa. Nhưng lại chưa bao giờ tới độ gá thân. Không biết sao, trong tận cùng ông làm như có một cái gì ái ngại. Hay ngần ngại ? Tại M. trong trắng đến độ hồn nhiên ? Hay tại chính ông, vốn rất buông thả, hay trửng giỡn chuyện yêu đương lại tự dưng rồi trở nên dè dặt, sợ đụng tới cái chuyện mà chính ông cứ cho là như mấy sợi lòi tói buộc riết chân người.

Đêm về khuya, gió cũng bỏ đi, biển dịu lại, trời len lén vài vì sao mọc muộn. Sinh hoạt trên boong trở lại bình thường. Khách bắt đầu rủ nhau lui tới . Ông tấp vô bar rượu, gọi một ly rượu mạnh, rồi kiếm chỗ khuất ngồi ngó biển, tưởng đến vùng đất ở bên kia chân trời. Chắc là đã trở lại với những công việc quen thuộc của một người đàn bà với gia đình. Cơm nước. Dọn dẹp. Coi chút tin tức. Rồi ngủ qua đêm chờ sáng mai thức dậy, trang điểm qua loa rồi lái xe tới sở. Cái nhịp điệu bất biến của bổn phận và trách nhiệm. Vậy mà mươi năm qua, lặng lờ đi bên cạnh cuộc đời chính thức với một nỗi lòng nặng trĩu và kín bưng. Đôi ba hôm, lấy giờ nghỉ trưa để gọi sang ông, thăm hỏi vu vơ, kể lể mưa nắng. Thời gian lật bật qua, tuổi tác lính quýnh chạy theo mà lòng thì vẫn bền hơn sợi chỉ đỏ xe duyên, dù chưa lần thề thốt.

... Giáng sinh năm 74, nghe lời nhắn, ông lấy chuyến xe đò tài nhứt về Sài-gòn. Đường xá cầu cống xiệu xạo, tới nơi đã xế chiều. Mặt trời cuối năm nhợt nhạt, dẫu vậy vẫn không giấu được chút chộn rộn của buổi chiều áp lễ. Vừa bước xuống xe, ông đã thấy M. đứng bên kia đường ngóng sang. Bên cạnh là chiếc xe solex mới tinh gia đình vừa mua cho mà M. đã khoe trong thư. Thầy về đi lần này khỏi trả tiền taxi nữa. Vả lại sao chạy một mình M. run quá. Về tập cho M. chạy solex đi thầy. Bên kia đường vẫn áo dài trắng thả lỏng đường eo, gió lật tung vạt trước để lộ cặp chân khép nép trong chiếc quần sa-teng đen rộng ống. Đêm đó ông chở M. trên chiếc solex mới tinh quanh quanh mấy khu xóm đạo. M. vén vạt áo dài ngồi yên sau mà làm như không biết để tay vào đâu. Lúc thì níu hờ cái yên trước, lúc lại vịn hờ lưng áo ông, mỗi lần tới ngã quẹo là như chực hờ bám vào hông ông mà vòng tay chưa khít đã rụt tay về. Chạng vạng, những hàng lồng đèn ngôi sao đủ màu giăng dọc theo đường bật sáng làm phố đêm lấp lánh. M. có vẻ thích chí, chỉ trỏ nói cười luôn miệng. Một lúc, ngang qua nhà thờ xóm Kỳ Đồng, M. đòi ghé lại nói hồi nhỏ có lúc ở gần đây. Đèn đuốc sáng trưng. Tháp chuông lừng lững ngó xuống. Ông kiếm chỗ gởi xe rồi đưa M. đi loanh quanh ngắm nhìn mấy cái máng cỏ. Người đi lễ bắt đầu qua lại rộn rịp. Chiều lắng sâu vào đêm đẩy nhạc thánh ca cao lên lồng lộng. Ông đọc cho M. nghe mấy câu thơ của Nhất Tuấn thuộc đâu từ thời còn trung học mà coi bộ M. thích lắm. Nhà thờ nơi cuối phố. Thấp thoáng sau ngàn dâu. Anh chờ em đi lễ. Chung dâng lời nguyện cầu. Chợt hỏi mà nếu mình ngoại đạo thì mình xin, chúa có cho không thầy. Ai mà biết. Mà M. muốn xin gì. Thoáng qua, ông thấy gò má M. ửng hồng, nín lặng và quay qua nhìn nơi khác. Hai người đi dần tới dưới tàng cây cuối sân. Khoảng sân chợt vắng hẳn vì dường như lễ thánh sắp bắt đầu. Hai người lại tiếp tục những câu đối đáp vô thưởng vô phạt. Từ thơ nhạc giáng sinh xoay qua tập thơ Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư vừa được trao giải thường Văn Học Toàn Quốc. Dưng không ông bắt gặp trên gương mặt M. một nét gì thanh thoát như nét hạc bay qua trong thơ của họ Phạm. Cặp mắt trong sáng, hiền lành không chút vẩn đục. Da dẻ tươi tắn dìu dịu chút son môi và phơn phớt chút phấn hồng. Nét hồn hậu không làm nhạt nét tinh anh. Thân thiếu nữ vừa quá tuổi dậy thì sao mơn mởn mà thoáng rất nhẹ mùi thơm xác thịt. Giọng nói tiếng cười ấm hĩm cứ như vuốt ve người nghe làm như cứ sợ người ta giận. Vậy rồi ngay lúc môi M. đang mấp máy theo điệu thánh ca quen thuộc, tự nhiên đứng ngay giữa sân giáo đường mà ông lẩm nhẩm mấy câu thơ phảng phất hương thiền đã thích từ lâu... Ni cô hiện giữa ta bà. Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng...Tiếng em hát giữa giáo đường. Chúa về trong những thánh kinh bàng hoàng. Câu thơ ông đọc lẩm nhẩm mà M. lắng nghe, rồi từ trong hai con mắt thoát ra một chút gì xao xuyến làm rung lòng ông. Ông đặt tay lên vai M, kéo sát lại, vừa lúc M. ngửa mặt, hai vành môi rưng rưng, ông cúi xuống đặt lên đó nụ tình vừa hé trong lòng ông dịu dàng như một búp sen. M. nhón chân khứng chịu. Khi hai đầu lưỡi vừa khẽ chạm nhau, ông nghe chừng như vai M. run run. Một thoáng, hai riềm mi khép lại. Lâu hơn một giây. Vừa lúc giáo đường vọng lên hồi chuông nửa đêm, dội lại lòng ông ràn rụa tiếng kêu thương. Ông ôm sát M. vào lòng mà sao nghe lòng bình an đến lạ. M. úp mặt vào ngực ông, tựa hẳn người vào ông như đuối sức. Khuya im im. Một chốc, ông nghe như vải áo ngực ông ươn ướt. Đêm loang loáng sao thưa.

Tan lễ, người ta túa ra sân, từng nhóm nói cười vang vang. Hai người buông nhau ra. Bóng cây che nửa mặt người. M. đưa tay vuốt tóc. Ông vén mấy sợi tóc vướng mắt M. Một chút ngại ngùng. Một chút bối rối. Nhưng hai cặp mắt không rời nhau. Không ai lên tiếng. Dù chắc lòng ai cũng ăm ắp điều muốn nói. Mà thật ra có điều gì để nói thêm, mà có cần để nói thêm điều gì khi nụ hôn đầu đã nói với nhau hơn một điều cần nói.

Đêm đó khi ông đưa M. về cư xá, M. không nói gì thêm. Chỉ lúc chia tay, hai con mắt vui như một lời cám ơn lẳng lặng. Sáng hôm sau trước khi ra bến xe trở lại nhiệm sở, M. nhờ ông chở ra đường Lê Thánh Tôn, chỗ có mấy tiệm giày dép nổi tiếng. Rồi lục lọi mua cho được đôi guốc cao gót. Dáng thanh lại thêm chút vẻ nhí nhảnh của con chim vành khuyên vừa xổ lòng.

Trước khi lên xe, nơi một góc khuất hiếm hoi của bến xe lục tỉnh, ông hôn M. thêm một lần. Lần này, M. không phải nhón chân.

Vậy đó, một nụ hôn đầu. Rồi một nụ hôn kế. Rồi thôi.

Sau cơn thất tán, mỗi người chạy chết theo mỗi hướng khác nhau.

25 năm sau, khi mọi sự đã an bày, ở một thành phố có nắng vàng hực hở, họ gặp lại nhau. Gặp lại nhau như một rắn mắc của định mạng. Gặp lại nhau khi ai nấy đã yên phận lứa đôi. Gặp lại nhau chỉ để hàn huyên mưa nắng dù giữa lòng ai sao cũng quá đỗi bồi hồi. Từ đó, qua hai đầu điện thoại viễn liên, là những nhắc nhở, kể lể, dặn dò... từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ mỗi lúc mỗi kề cận tưởng đâu như chung nhà chung cửa...

Mười năm sau nữa. Điện thoại gọi qua cơn bão biển. Tiếng “anh” được gọi lần đầu. Bất chợt như tiếng thất thanh. Hẳn đã là một cố gắng tuyệt cùng của mối tình tuyệt vọng, là tiếng kêu cứu của con chim lẻ bạn sau cơn vật vã của giông tố vô tình. Ông nốc cạn ngụm rượu chót rồi bỏ tuốt lên sân thượng. Mặt biển đen ngòm. Gió còn rền rỉ trên cao. Và sóng nước vẫn rập rờn dưới đó. Ông đứng tựa vào lan can tàu, khoanh tay ép sát lớp áo dạ vào mình không chặn được hơi lạnh ngấm sâu vào da thịt. Ông đứng đó. Im lìm như tượng. Lòng rã rời dù cứ thầm nhủ với mình. Như đang thầm nhủ với người bên kia. Sau hết, chúng ta đã tìm lại được nhau để trao cho nhau chút của riêng tư. Nhưng rồi ? Nhưng rồi, để làm gì ? Để làm gì em ! Mai mốt sách vở của tôi đươc tung ra, có người ngưỡng mộ, có người chê bai. Ngưỡng mộ ? Chê bai ? Để làm gì em ? Em mà từ lần gặp lại sau khi biệt tung tăm tích, tôi mới biết mình đã thật sự mất nhau. Em mà từ hơn mươi năm nay vẫn len lách gọi tới gọi lui để nói với tôi một lời thăm hỏi khi trái gió trở trời, để vỗ về tôi một lần thất bại, để nhắc nhở tôi một hướng tâm linh... Em mà tiếng gọi trưa hè nghe mát rượi như một giọt nước trong. Em mà cuối tiếng cười vui trở cao giọng, như để phủ dụ người nghe khi tay mình không vói tới tay nhau. Rồi để làm gì em, mớ chữ nghĩa tôi mà em đã vun bồi bằng chính thứ mỹ cảm tuyệt vời của hồn em nhan sắc, đã xui tôi viết ra với hết dạ yêu thương tiếng mẹ đẻ của mình. Rồi để làm gì em, tình của chúng ta, khi hai người đã xa nhau như hai thành phố. Khi buổi sáng em là đêm tối tôi. Khi vàng nắng em là mây mù tôi. Khi nỗi nhớ em là biển sầu tôi, cùng tận.

Để làm gì em. Để làm gì nữa. Khi mỗi sáng mỗi trưa mỗi chiều mỗi tối, tôi chỉ gần em trong tâm tưởng tôi. Để làm gì em. Để làm gì nữa. Khi gần gũi em tôi phải dang xa em. Khi mắt mình vô ý chạm nhau, chúng ta, mỗi người phải nhìn ra hai hướng khác.

Để làm gì em. Để làm gì nữa. Đã trễ tràng một hẹn ước dù hai nụ hôn đã là một kết ước không lời. Đã bỏ lỡ một cơn mơ khi tuổi mơ em đã có tôi mà rồi mơ chung không kịp giấc.

Còn làm sao nữa em. Khi mỗi một xẻo nhớ là xối xả một nguồn đau. Khi chút dấu sót lại là hằn sâu tầng tầng kỷ niệm. Chỉ một nét chữ mơ hồ thăm hỏi đã long lanh rướm lệ.

Chỉ một nét chữ mơ hồ thăm hỏi đã long lanh rướm lệ.

Ít ngày sau tàu cặp bến cuối. Người đàn ông bước lên bờ, biển ngoài xa, mà chân cứ dập dềnh... dập dềnh như lòng còn vật vã hoài với cơn bão biển mấy ngày qua.

Cao Vị Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023