SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

Đời Thủy Thủ 2

Vũ Thất
* Thương tặng Người bạn đời 50+ năm và các con

 

 

TỰA

Truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất xuất bản lần thứ nhất năm 1969 tại Sài Gòn, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ với nhân vật chính Võ Bằng, một sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp.

“Đời Thủy Thủ 2” được viết xong vào tháng 3/2023, 54 năm sau. Nhân vật chính lần này là một người đẹp Nha Mân, sinh viên khoa Sử Địa thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến, có người yêu là một kiến trúc sư, nhân viên USAID, con trai một chủ thầu rác cho căn cứ Mỹ ở Quy Nhơn. Thuộc gia đình khá giả nhờ chiến tranh nhưng chàng ta lại đi theo Việt Cộng và muốn lôi kéo người yêu cùng hoạt động với mình. Dù đã được hai bên cha mẹ đồng ý, nhưng nếu hai người muốn cử hành hôn lễ, nàng phải lập thành tích bằng cách cho nổ tung một chiến hạm của Hải quân VNCH.

Mù quáng trước tình yêu cộng thêm những buổi học tập cách mạng, nghe theo lời tuyên truyền “căm thù và chống đối Mỹ Ngụy” của cộng sản, cô bằng lòng dùng giấy phép quá giang giả với tên giả để mang quả bom xuống chiến hạm.

Câu chuyện bắt đầu từ 7 giờ tối ngày thứ sáu 4/8/1967 và kết thúc vào khoảng 9 giờ 30 phút tối chủ nhật 6/8/1967 với hai ngày hai đêm trên biển cả qua các vùng biển Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, vịnh Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, Phước Tuy, vịnh Gành Rái và sông Lòng Tào.

Trong chuyển hải hành dài 50 tiếng đó, qua từng chương sách, tác giả đã khéo léo tỉ mỉ giới thiệu về Hải quân VNCH mà ông chọn làm binh nghiệp. Từ cách phân biệt sĩ quan hạ sĩ quan và thủy thủ đoàn dựa trên kiểu quân phục và cấp bậc đến các ngành nghề chuyên môn cũng như việc thuyên chuyển, thăng cấp trong Hải quân. Ông cũng đề cập đến cách bày trí, kích cỡ của các phòng trên chiến hạm, cách chọn màu sơn cho đến tiếng còi hiệu thay đổi phiên hải hành hoặc sẵn sàng chiến đấu. Ông cũng giới thiệu các loại chiến hạm, chiến đỉnh, chiến thuyền và duyên đoàn, các loại hiệu kỳ mang những ý nghĩa khác nhau, như tàu đang chở hàng nguy hiểm, tàu đang lâm nạn, tàu đang neo v.v...  Rồi cách xác định vị trí tàu trên đại dương để tránh bị dạt vào vùng đá ngầm, bãi cạn.

Câu chuyện chiến hạm xuyên nhật đạo ngày 9 tháng 2 năm 1967 nhằm ngày Mồng Một Tết Đinh Mùi thật thú vị. Qua mỗi hải phận Miền Nam, tác giả nhắc tới các danh lam thắng cảnh kèm theo một câu chuyện về đặc điểm nơi đó, hoặc lịch sử, hay văn nghệ rất lý thú. Cũng có lúc tác giả giới thiệu sách hay phim ảnh nên xem để hiểu rõ hơn về một sự việc được đề cập...

Tác giả cũng không quên nhờ chàng Hạm Phó giải thích cho người đẹp Nha Mân vì sao bầu trời và biển có màu xanh, vì sao biển thì xanh mà sóng lại bạc đầu, vì sao mây trôi lang thang, vì sao mỗi dạng mây mang tên khác nhau, vì sao có cầu vồng sau cơn mưa, vì sao có thủy triều, vì sao có bão... Đặc biệt, ở một phiên hải hành ca tiên từ nửa đêm tới bốn giờ sáng, tác giả dùng truyện ngắn Les Étoiles của Alphonse Daudet mào đầu cho chàng và nàng nhắc đến những vì sao, những chòm sao... Đây là một chương đẹp và thơ mộng nhất.

Nhưng trên tất cả, tác giả nhắc tới hiện trạng bất ổn của Miền Nam sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết. Sinh viên thì bị xúi giục rầm rộ biểu tình chống đối chính quyền. Được Công Sản Nga Tàu tích cực yểm trợ súng đạn tối tân hơn, Cộng Sản Bắc Việt gia tăng xâm nhập mở nhiều trận đánh. Đặc công gia tăng khủng bố nhiều nơi. 

Một người đẹp đặc công Nha Mân mang quả bom xuống chiến hạm, được Hạm Trưởng, Hạm Phó, thủy thủ đoàn, kể cả cố vấn Mỹ vô tình tiếp đón nồng hậu trên suốt cuộc hải hành. Tận tai tận mắt nghe thấy sinh hoạt của chiến hạm, thắm thía lòng nhiệt thành bảo vệ Tổ Quốc của mỗi người, liệu cô nàng đặc công có thay đổi ý định hay vẫn sẽ cố sức làm nổ tung con tàu giết chết toàn bộ thủy thủ đoàn?  Câu trả lời sẽ làm hài lòng độc giả vào cuối truyện qua văn phong trong sáng, bố cục chặt chẽ, nội dung hấp dẫn và cuốn hút…   

Nơi đây xin được cảm ơn nhà văn Vũ Thất đã để lại cho những thế hệ sau một tác phẩm văn chương cũng là một tài liệu sống động về Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn Miền Nam hết sức nhiễu nhương.
Ước sao ông còn đủ sức và ý nguyện để tiếp tục viết Đời Thủy Thủ 3. Mong lắm thay!

Trần Thị Nguyệt Mai
30-4-2023  

 

MỞ   

Hưng thả tôi ngay chân chiếc thang dẫn lên chiến hạm rồi trở đầu Honda đậu chờ gần đó. Chiến hạm mang màu xám thẫm, súng ống tua tủa, chiếm trọn chiều dài của cầu tàu hải cảng Quy Nhơn. Ba người lính trên trạm gác giữa tàu đang chiếu tướng tôi một cách soi mói. Một người mang súng ngắn bước lên cầu thang. Chiếc thang rung nhẹ theo nhịp bước. Bộ quân phục cùng chiếc mũ casquette nói lên chức vị của anh chàng.

Trong một lần quan sát sinh hoạt lên xuống chiến hạm ở bến Bạch Đằng chuẩn bị cho chuyến công tác này, Hưng chỉ tôi cách phân biệt giữa quan và lính. Sự khác biệt là ở kiểu quân phục. Nhưng với sĩ quan và hạ sĩ quan thì quân phục giống nhau, khác biệt ở vành nón casquette. Đường viền trước vành nón màu vàng là sĩ quan. Còn thấy màu đen là hạ sĩ quan. Một phân biệt khác: sĩ quan mang giày trắng, hạ sĩ quan giày đen. Về cấp bậc, thì đều đeo ở cầu vai. Trên nền đen, nếu thấy gạch vàng thẳng là sĩ quan, gạch vàng gãy là hạ sĩ quan. Cấp Thiếu úy thì một gạch thẳng. Càng nhiều gạch thì cấp bậc càng cao. Hưng bảo công tác chỉ chừng hai ngày, biết đại khái thế là đủ…

Tôi dừng chân ở cuối cầu thang cũng vừa đúng lúc anh chàng hạ sĩ quan mang hai gạch gãy đặt chân lên cầu tàu. Anh lịch sự hỏi:

- “Chào cô. Cô muốn tìm ai?”

Tôi nở nụ cười thật tươi gây cảm tình:

- “Tôi muốn xin quá giang về Sài Gòn!”
- “Cô có giấy phép quá giang?”

Tôi mở bóp, trao tờ Lệnh Chuyển Vận. Anh hạ sĩ quan xem rồi nhã nhặn:

- “Cô vui lòng chờ một chút.”

Anh xoay người bước trở lên tàu và đưa tờ giấy cho người sĩ quan mang một gạch vàng.  Người này chăm chú đọc rồi nhấc ống liên hợp trên vách, quay số.  Tôi nghe tiếng anh vọng xuống:

- “Thưa Hạm Phó, đây Thiếu úy Văn, sĩ quan trực hạm kiều. Có một cô muốn xin quá giang về Sài Gòn. Có giấy phép của Phòng Chuyển Vận.”

Tiếng “giấy phép” gợi trong tôi cảm giác nôn nao, bồn chồn. Nếu như họ biết đó là giấy giả thì sao? Hưng đã trấn an tôi nhiều lần rằng không ai có thể khám phá ra giấy giả. Trước tôi anh đã cho hai cô đi quá giang dò đường cũng bằng giấy giả và mọi sự êm xuôi. Hai lần đó, người bảo lãnh là hai thủy thủ. Riêng với tôi lần này là một Trung úy, xem ra uy thế hơn nhiều.

Tôi thở hắt ra rồi hít đầy không khí trong lành.  Gió buổi sáng xoa dịu dần nỗi lo âu. Mặt nước đầm Thị Nại lấp lánh long lanh kéo tôi bước dần về phía cuối cầu. Tôi, Hưng và em gái Hưng đã đi ghe băng ngang qua đầm đến bán đảo Phương Mai. Một ngày thật vui với những dân chài chân chất hiền lành. Quy Nhơn là quê hương của Hưng. Ba Hưng là chủ thầu rác cho căn cứ Mỹ. Hưng tốt nghiệp đại học xin được việc làm ở Cơ quan USAID. Anh nghỉ hai tuần đưa tôi về giới thiệu với ba má và cô em gái năm tới vào đại học Sài Gòn. Rồi hai tuần trôi qua thật nhanh nhưng để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Hình ảnh các di tích lịch sử của vua Quang Trung, những thắng cảnh, những món ăn lạ miệng ngon lành. Nhất là những cuộc bàn cãi chừng như bất tận mà rốt cuộc Quy Nhơn trở thành nơi ghi dấu khởi đầu một thành tích tôi cần đạt được để Thành Ủy cho phép tôi và Hưng nên duyên vợ chồng. Cuộc bàn cãi dẫn đến việc tôi bằng lòng thực hiện một chuyến quá giang với nhiệm vụ mang theo quả bom để khi về đến Sài Gòn tôi đặt thời chỉnh cho nổ tung chiến hạm…

- “Chào cô Phan Kim Phượng!”    

Tôi giật mình quay lại. Khuôn mặt hiện ra ngay trước tôi là của tài tử Burt Lancaster trong phim Thói Đời mà tháng rồi tôi xem đến ba lần. Chỉ có một khác biệt nổi bật: Da mặt chàng Hải Quân thì sạm đen còn chàng tài tử thì sạm trắng. Còn về khuôn mặt, cho dù vốn mang ác cảm, tôi cũng cho là khá hơn coi được.

- “Xin lỗi đã làm cô giật mình.” Anh chàng cười. “Tôi cũng từng thích ngắm Đầm Thị Nại để nhớ trận thủy chiến giữa các… phe ta! Còn cô, cô đang nhớ gì?

Giọng thân mật đẩy lùi tinh thần cảnh giác trong tôi. Tôi nhìn bảng tên Võ Bằng bên trên túi áo và hai vạch vàng óng ánh hai bên cầu vai. Anh chàng này hơn anh chàng canh gác một gạch hẳn là cấp trung úy.

- “Cô là gì của Trung úy Phan Kim Đính?” Bằng hỏi.

Hưng đã chuẩn bị tôi sẽ bị hỏi câu này. Theo thủ tục xin giấy phép quá giang, tôi phải có người trong Hải Quân bảo lãnh mới được cấp phép. Vì vậy, giấy thì giả nhưng người bảo lãnh thì thực. Phan Kim Đính là bạn học Pétrus Ký với Hưng.

- “Là em.” Tôi lấy giọng tự nhiên.

Võ Bằng cúi đọc tờ phép quá giang:

- “Phan Kim Phượng! Tên đẹp quá!”

Vừa nói anh chàng vừa chiếu tướng. Mắt Võ Bằng mở to và mắt tôi như bị nung nóng. Tên thật của tôi còn đẹp hơn nhiều, nếu anh chàng biết được hẳn quê một cục! Võ Bằng lại tiếp:

- “Cái thằng thật tệ. Học cùng khóa hai năm mà chưa bao giờ nghe khoe là có em gái… rất đẹp!”

“Cùng khóa!” Hai tiếng như một lời báo động, như tiếng nổ của quả bom.  Đây là một tình cờ đáng e ngại. Tự nhận ‘là em’ mà chẳng biết tí gì về ông anh thì khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Tốt nhất là nên né đi để khỏi trả lời những câu hỏi liên quan. Tôi cố giữ giọng bình thản:

- “Tôi là em chú bác với anh Đính.”

Anh chàng gật gù, cười mỉm:

- “Thì vẫn là ruột thịt chớ không phải người dưng khác họ!

Tôi thở nhẹ, hài lòng với sự nhanh trí của mình. Tôi chờ Võ Bằng nói thuận cho tôi quá giang nhưng anh chàng chỉ lặng thinh, dáng vẻ trầm ngâm suy tư. Rồi anh chàng nhìn tôi, lối nhìn cân nhắc như tìm xem tôi có điểm nào giống Phan Kim Đính. Con chú con bác thì hẳn cũng có ít nhiều. Võ Bằng đột ngột hất hàm về phía Hưng:

- “Anh chàng kia là người yêu của cô?”
- “Anh tôi đó.”

Võ Bằng đăm đăm hướng mắt vào Hưng nhưng may quá Hưng không quay mặt nhìn lui. Anh em gì mà không có chút nào giống nhau!

- “Cô có người yêu rồi chứ hả?”

Anh chàng bắt đầu mở máy tán đây. Tôi nghĩ thầm và thấy cần chận lại ngay:

- “Dĩ nhiên là có rồi!”
- “Là Hải Quân chứ hả?”

Đang cảm thấy khó chịu nên tôi không kềm được chút mỉa mai:

- “Thật đáng buồn là không!”
- “Đáng buồn thật!” Bằng lặp lại, theo sau là tiếng thở dài rõ ràng là giả vờ.

Tôi đổ quạu, cao giọng:

- “Tại sao không có người yêu Hải Quân là đáng buồn?”
- “Đáng buồn là cô không đủ điều kiện để quá giang!”

Tôi chăm chăm nhìn Võ Bằng, không thể tin anh chàng vừa tuôn ra một câu khó nghe như thế. Hẳn anh chàng muốn tôi nhận làm người yêu rồi mới cho quá giang chắc. Tôi nói mỉa:

- “Điều kiện gì lạ vậy? Tôi có giấy phép chính thức mà!”

Bằng cười, giọng bỡn cợt:

- “Giấy phép đó không áp dụng cho tàu này! Tàu này chỉ chở người yêu của thủy thủ.” 

Tôi tức nghẹn, nổi nóng:

- “Tôi không thích lảm nhảm. Trung úy trả lời dứt khoát: cho hay là không?”
- “Không!” Bằng trả lời cộc lốc với nụ cười.

Tôi cao giọng:

- “Khi tôi xin giấy phép quá giang, không ai đặt điều kiện tôi phải là người yêu của Hải Quân. Người ta chỉ hỏi thân nhân bảo lãnh. Và thân nhân bảo lãnh của tôi là Trung úy Phan Kim Đính.”
- “Đó là điều kiện của nơi cấp giấy phép. Còn nơi thi hành có điều kiện riêng!”
- “Điều kiện gì mà vô lý quá.”
- “Với cô thì vô lý nhưng với chiến hạm này thì không. Nói rõ hơn, với chiến hạm khác thì được!”

Xem ra anh chàng lèm bèm cố tình muốn tôi năn nỉ.  Nhưng năn nỉ một người tôi vốn coi thường thì khó nói quá. Nỗi thất vọng và cơn giận cùng lúc ập tới. Tôi như nghẹt thở, định bỏ đi nhưng nghĩ đến công tác, tôi đành giữ giọng nhã nhặn:

- “Có thực phải là người yêu của Hải Quân mới được đi tàu? Tôi cho rằng Trung úy nói chơi.”
- “Tôi không nói chơi!” Võ Bằng đáp bằng nụ cười.

Tôi lại tức nghẹn, gằn giọng:

- “Không được đi, ngay cả tôi có giấy phép?
- “Ngay cả cô có giấy phép!”
- “Về Sài Gòn tôi sẽ đi thưa Trung úy!”
- “Cô đi thưa, tôi đi hầu!”

Bằng vẫn giữ giọng bỡn cợt và tôi thực sự đổ quạu:

- “Cái điều kiện Trung úy nêu ra thật thậm vô lý! Các bạn tôi có giấy phép quá giang đều được cho quá giang!”

Võ Bằng lại mỉm cười, dai dẳng:

- “Là nhờ họ có người yêu lính thủy!”

Tôi gắt:

- “Không ai có cả! Chỉ có thân nhân là Hải Quân.”
- “Với tàu này, tôi rất tiếc!”

Nghĩ đến mọi công phu chuẩn bị thành công dã tràng, tôi ước gì có súng để tặng anh chàng ấm ớ này một phát! Tôi buông lời cuối cho hả dạ:

- “Thiệt là… cà chớn cà cháo!”

Tôi hậm hực xoay người bỏ đi. Được mươi bước, sực nhớ tờ giấy phép Võ Bằng còn giữ, tôi quay lại. Võ Bằng đang đứng nhìn theo. Tôi nói lớn:

- “Không cho quá giang thì trả tờ giấy lại để tôi còn đi chiếc khác.”

Võ Bằng tà tà bước lại gần, nói bằng giọng thân thiện:

- "Thấy cô nổi giận, tôi… sợ quá! Không phải sợ vì cô dọa thưa Bộ Tư Lệnh Hải Quân mà vì sợ thằng bạn thân cùng khóa Phan Kim Đính! Tôi sợ nó giận rồi nó cấm tôi… gặp lại cô!”

Tôi quạu cọ nói:

- "Lải nhải hoài! Trả giấy lại cho tôi!"

Anh chàng không trả mà lại mở ra đọc, cái kiểu câu giờ tìm lời tán tỉnh. Tôi dứt khoát:

- “Nè, Trung úy! Cứ nói trắng ra Trung úy muốn gì?”

Võ Bằng chỉ mỉm cười, ra dáng suy tư. Tôi cũng tự ngẫm nghĩ sao mình lại tiếc một lời ba xạo. Cứ hứa bừa rồi được … tung cánh chim tìm về tổ ấm! Rồi Võ Bằng không bao giờ còn dịp nham nhở. Tôi tiếp:

- “Nè, Trung úy. Nếu Trung úy cho tôi quá giang, tôi hứa sẽ trở thành người yêu của Hải Quân.”

Võ Bằng toác miệng cười, rộng cỡ miệng Burt Lancaster:

- “Mới chỉ hứa thì vẫn chưa đủ điều kiện!”
- “Thì Trung úy cũng phải cho tôi thì giờ tìm người chứ!”
- “À, phải, phải! Cho cô quá giang, cô sẽ có cả một thủy thủ đoàn và mấy ngày đêm trên chiến hạm để chọn lựa. Tha hồ chọn lựa. May mắn thì tôi được chấm!”

Tôi trố mắt nhìn Võ Bằng:

- “Vậy… có nghĩa là tôi được quá giang?”
- “Vậy có nghĩa là tôi mới chỉ hứa cho cô quá giang.”

Anh chàng quả là tên nham nhở. Chưa cho đi đã nham nhở, huống hồ làm khách quá giang. Thôi thì đành chờ chuyến tàu sau. Còn gần một tháng mới đến ngày nhập học. Hưng cũng đã muốn tôi ở lại. Tôi hậm hực cao giọng:

- “Đủ rồi Trung úy! Tưởng tôi cần đi tàu này lắm sao! Trả lại tôi tờ giấy phép!”
- “Cô Phượng bớt giận! Chuyện đâu còn có đó. Tôi sẽ nói giúp cho…”

Tôi không hiểu “nói giúp” là nói thế nào, xem chừng lại tiếp tục câu giờ. Tuy vậy tôi đẩy đưa lần cuối:

- “Cám ơn Trung úy hứa “nói giúp”. Vậy chừng nào tôi… xuống tàu?”
- “Tốt nhất là cô cho tôi địa chỉ, rồi khi nào được chấp thuận, tôi sẽ cho cô biết. Trong tờ phép, địa chỉ ghi ở Sài Gòn. Còn ở đây, cô ở đâu?”

Anh chàng hỏi thật hay muốn tìm biết địa chỉ để tìm đến tán tỉnh? Tôi hỏi ngược:

- “Trung úy cần biết lắm sao?”

Võ Bằng cười mím chi:

- “Cần cho cô chớ không phải cho tôi.”
- “Nghĩa là sao?”
- “Cô không cho địa chỉ thì làm sao tôi thông báo khi cô được chấp thuận quá giang.”

Tôi kêu khổ thầm. Địa chỉ ở Sài Gòn là giả, họ có biết thì đã… muộn. Còn địa chỉ ở đây, tôi đâu thể để ba má Hưng liên lụy. Tôi thấy cần hỏi ý Hưng. Tôi vờ ngơ ngẩn:

- “Tôi ra đây nghỉ hè ở nhà bà con, không để ý số nhà…. Để tôi hỏi anh tôi.”

Tôi dợm bước thì Bằng bảo:

- “Thôi khỏi, cô Phượng. Có thể anh cô cũng không biết. Tôi đề nghị thế này. Vào ngày thứ bảy hay chủ nhật tới đây, mỗi ngày cô chịu khó… dòm ngó bóng dáng chiến hạm. Chừng nào thấy cập cầu, cô nói lính gác muốn gặp tôi. Tôi sẽ cho cô biết ngày giờ xuống tàu. Trường hợp quá một tuần mà không thấy tàu trở lại, thì coi như chúng tôi đã về thẳng Sài Gòn!”

Tôi buông giọng chán nản:

- “Xem chừng đây là lối từ chối thật khéo!”

Võ Bằng cười, lắc đầu:

- “Không! Đó là lối chấp thuận kiểu… Hải Quân!”

Trong hy vọng mong manh, tôi cố nở nụ cười cầu tài:

- “Trung úy nói gạt là tôi méc anh họ tôi đó. Thôi thì cứ coi tôi là người yêu của Trung úy, Trung úy ừ đại cho tôi vui!”

Võ Bằng cười tươi, chừng không hiểu là tôi vừa mai mỉa. Tuy vậy anh chàng vẫn ấm ớ:

- “Ừ được thì tôi đã ừ!”

Không còn cách nào hơn, tôi đổi giọng thân mật:

- “Trung úy đã hứa thì đừng quên, thứ bảy và chủ nhật mỗi ngày tôi sẽ đến cầu tàu này trông ngóng… Trung úy! Còn như cho tới giờ Trung úy chỉ cợt đùa thì xin tha cho. Hãy biết tội nghiệp người trông ngóng…”

Anh chàng nở nụ duyên dáng nhất của Burt Lancaster:

- “Lúc đầu thì có cợt đùa nhưng giờ thì đứng đắn. Rất đứng đắn. Hãy nhớ là tôi cũng rất mong sớm gặp lại... cô em họ thằng bạn!”

Bằng trao trả tờ Lệnh Chuyển Vận. Tôi ra vẻ cảm động:

- “Cám ơn Trung úy nhiều …”

Tôi xoay người bước đi, kịp giấu nụ cười thương xót: “Dám giỡn mặt với… tử thần!”

 

Chương 1

Vịnh Quy Nhơn
Thứ sáu 4/8/1967 19:00G

Đến cuối đường Gia Long nối liền cầu tàu, chiếc xích lô tấp vào lề, thắng sững lại, còn cách chiến hạm một quãng khá xa. Bác xích lô bảo đây là điểm giới hạn, không được phép vào cầu tàu. Bác giúp nhấc hai chiếc túi xách để lên lề đường, dọn chỗ cho tôi dễ dàng bước khỏi xe. Tôi đưa bác thêm ít tiền ngoài giá thỏa thuận.

Mỗi tay một túi xách nặng trên dưới mười ký, tôi thầm cám ơn đôi giày bata mềm mại khít khao giúp tôi giữ đều bước với dáng vẻ thảnh thơi bất kể mồ hôi bắt đầu rịn trên da thịt. Gió nhẹ nhưng chỉ phả thêm hơi nóng.

Còn mươi bước đến đầu chiếc thang bắc lên tàu, tôi chợt nhận ra chiếc thang nghiêng cao hơn lần trước, đâm lo không biết có đủ sức mang cả hai xách lên tàu. Chắc chắn là tôi phải để một túi xách trên cầu và trở lui cho chuyến thứ nhì. Nhưng túi xách nào nên mang trước để được nhiều cơ may? Tôi quyết định chọn túi xách đựng ration C và hộp quà tặng. Tôi vừa đặt túi xách đựng quả bom lên cầu tàu thì có tiếng vọng đến:

- “Xin chờ đó!”

Tôi ngẩng lên, nghe dạ nôn nao. Sáng nay Võ Bằng đã cho biết là tôi được phép quá giang, chẳng lẽ giờ lại đổi ý. Anh chàng Thiếu úy nhấc ống liên hợp và nhấn nút màu xanh trên vách. Tôi nghe loáng thoáng: “Thưa Hạm Phó, thân nhân Hạm Phó đã đến”. Im lặng vài giây lại tiếng rõ hơn “Đáp nhận”. Anh chàng gắn lại ống liên hợp rồi nói với anh hạ sĩ quan xuống giúp mang hành lý lên tàu. Tôi nghe mà nhẹ người. Trạm gác vẫn là cặp ba nhưng không ai quen mặt lần trước. Tôi mỉm cười chào anh hạ sĩ quan. Anh gật đầu đáp lễ rồi nhấc chiếc xách trên cầu và cầm luôn chiếc xách đang trên tay tôi. Tôi cố giữ nhưng anh cười bảo mỗi tay một xách dễ đi hơn. Tôi hồi hộp theo sau anh. Chiếc cầu thang nhún nhẩy hòa với nhịp tim của tôi.

Hai túi xách được đặt lên sàn tàu. Anh chàng Thiếu úy mang bảng tên Vương Văn Tiến nhã nhặn nói:

- Xin cô vui lòng cho xem thẻ căn cước.

Tôi mở túi đeo vai lấy tấm thẻ. Tấm thẻ giả được Hưng bầm dập cho nó cũ nhưng xem ra vẫn còn quá mới. Thiếu úy Tiến chăm chú đọc rồi ngước nhìn vào mặt tôi rồi lại nhìn vào hình. Anh so đo thêm lần nữa.  Những sợi thần kinh trong tôi lao xao. Tôi cầu Trời khấn Phật cho tôi đừng biến sắc. Khi anh trả tấm thẻ, tia mắt anh cũng dịu êm như lời nói: “Welcome aboard.”

Tôi vừa chớm vui với sự tiếp đón lịch sự thì Thiếu úy Tiến lại tiếp:

- “Chúng tôi mạn phép khám hành lý.”

Dù vẫn biết là sẽ bị khám và đã ngụy trang cẩn thận, nhưng vẫn hồi hộp. Tôi cố nở nụ cười tươi:

- “Xin tự nhiên.”

Thiếu úy Tiến ra hiệu hạ sĩ quan Trần Thanh Tùng mở túi xách. Anh chàng này chọn túi chứa quả bom. Tim tôi ngưng đập vài nhịp. Tôi rủa thầm sao không chọn túi xách kia cho người ta nhờ. Thông thường xét túi xách đầu không thấy gì, túi sau thông qua dễ dàng. Tùng khom người kéo chiếc fermeture rồi nhấc bọc đựng bộ đồ ngủ để trên quả bom. Quả bom tênh hênh đến độ chân tôi muốn sụm xuống. Hạ sĩ quan Tùng mở bọc nylon, nhìn thoáng vào bên trong rồi đặt chiếc bọc lên sàn tàu.

Mắt anh chàng hướng qua túi xách, chợt reo lên:

- A, margarine! Tôi cũng có mua hai thùng cho má tôi. Bà thích thứ này lắm, bảo dùng tiện hơn mỡ heo, mà giá chỉ bằng nửa!

Tôi vội tán thành:

- Má tôi nói Quy Nhơn giá rẻ hơn ở Sài Gòn nhiều, mà vì sợ xách không nổi nên tôi chỉ mua một thùng!
- “Phải biết sớm, tôi giúp cô!” Chúng tôi trao đổi tiếng cười.

Tùng mở rộng miệng túi, chừng như anh chàng muốn lấy thùng margarine ra. Từng sợi thần kinh của tôi căng như dây đàn. Tôi len lén hít vào đầy ngực rồi từ từ thở ra. Thùng mỡ ăn Margarine 20 lbs với chữ và số còn mới tinh nhưng bên trong là cả khối chất nổ, đủ để làm chìm tàu. Nếu anh chàng mang nó ra khỏi túi xách và lật ngược xem phần đáy thì coi như tôi đi đứt. Phần đáy có hai lỗ cắm dành cho cái thời chỉnh tuy được một mảnh băng keo dán vắt ngang ghi tên Phan Kim Phượng và địa chỉ nhà ở Sài Gòn nhưng gặp xui thì băng keo bị gỡ! Nhưng anh chàng hạ sĩ quan chỉ mò mẫm các lớp áo quần tôi xếp quanh thùng.

Sau khi đặt quần áo lại như cũ, anh chàng mở túi xách còn lại đựng một hộp quà, một hộp bánh LU và ba hộp ration C. Hộp quà được bọc giấy có họa tiết đẹp và dây buộc thắt thành nơ, bên trong là cái thời chỉnh cho quả bom. Anh chàng Tùng cầm hộp quà ngắm nghía chiếc nơ rồi để gần lỗ tai, lắc lắc.

Có tiếng kêu sột soạt. Tùng hỏi:

- “Cái gì ở trong?”
- “Cái quẹt lửa Zippo tặng cho ba.”
- “Chà! Cô có hiếu dữ a!” Tùng ra vẻ thán phục. “Hiếm có người đi chơi mà vẫn nhớ mua quà cho song thân!”

Tùng lại hướng mắt vào túi xách. Anh chàng lại kêu to:

- “Ration C! Chà ngon lành!

Tùng đặt hộp quà vào túi, nhấc hộp bánh LU. Sau khi lúc lắc, anh cười:

- “Nghe như là… ma túy!”

Anh loay hoay mở nắp. Đúng lúc đó thì Võ Bằng xuất hiện. Cả ba đứng nghiêm giơ tay chào. Bằng chào đáp rồi nói với tôi:

- “Chào cô Phượng”.
- “Xin chào!” Tôi lí nhí.
- “Khám xong chưa?” Bằng hỏi Thiếu úy Tiến.

Thiếu úy Tiến nhìn Tùng. Tùng đáp:

- “Vừa xong, thưa Hạm Phó!”

Tùng đặt hộp bánh LU vào túi xách rồi kéo khóa. Võ Bằng nhờ anh lính gác mang hành lý của tôi xuống phòng ăn sĩ quan. Anh lính gác giao khẩu súng dài cho hạ sĩ quan Tùng rồi nhấc hai túi xách bước một đoạn ngắn rồi ngoặt vào một khung cửa mất dạng. Tôi lo ngại không biết có còn thêm khám xét nữa chăng?

- “Còn cô, mời theo tôi!” Bằng nói như ra lệnh.

Tôi hồi hộp bước sau Bằng cùng lối đi của anh lính gác. Lối đi hẹp là một hành lang, một bên là dây an toàn dọc theo mạn tàu, một bên là vách xám treo lỉnh kỉnh ống nước, phao cá nhân, hai chiếc búa màu đỏ bắt chéo, các bình chữa lửa, một hộp kính đựng dụng cụ mới thấy lần đầu.

Võ Bằng bước qua một khung cửa dẫn vào một căn phòng sáng choang và mát rượi. Sàn tàu lót gạch nhựa màu xanh phơn phớt các vệt trắng như hoa sóng. Căn phòng chật hẹp, sơn trắng, dây nhợ và ống dẫn khác màu chạy dọc theo chiều dài giao tiếp vách và trần tàu. Phòng không bàn ghế. Gắn trên bốn bức vách mỗi bức một loại vật dụng: Một vách toàn hộp sắt kích cỡ khác nhau có hàng chữ nhỏ. Một vách gắn các kệ đựng sách dày cộm. Một vách gồm các tủ đứng không rõ chứa những gì. Trên vách thứ tư là một hộp khá lớn mang dấu hiệu hồng thập tự. Ở cuối vách này, bên mặt là một cửa buồng đóng kín, trên có gắn một biển xanh mang hai chữ màu vàng: “HẠM TRƯỞNG”. Hai tiếng “hạm trưởng” gợi tôi lời căn dặn của Hưng: “Ráng giết tên chỉ huy tàu để đạt thành tích xuất sắc.” Nhưng ai là Hạm Trưởng?

Làm sao gặp? Và quả bom sẽ đặt nơi nào… cho ăn chắc?

Có tiếng gọi của Bằng. Anh chàng đang đứng bên một ô vuông trên sàn tàu ở bên trái hộp hồng thập tự. Tôi bước đến gần Bằng. Ô vuông là ngõ xuống tầng dưới bằng một cầu thang gần thẳng đứng. Ánh sáng phản ánh sàn tầng dưới cùng loại gạch màu xanh phơn phớt hoa sóng. Bằng bước lên bậc thang đầu tiên. Rồi anh chàng tụt dần, tay giơ cao ngoắt tôi bước theo. Tôi lo ngại nói:

- “Coi bộ dễ té quá!”
- “Không sao đâu! Té biết liền!”

Tôi ấm ức:

- “Trung úy cứ cà giỡn hoài!”

Võ Bằng xuống hết các bậc thang, ngước lên thấy tôi còn đứng yên, hối thúc:

- “Lẹ lên chứ! Hạm Trưởng đang chờ.”

“Hạm Trưởng đang chờ!” Tự dưng tôi thấy ơn ớn. Cơn ớn lạnh phát sinh từ bốn tiếng “Hạm Trưởng đang chờ” hay từ luồng hơi của máy điều hòa từ dưới thốc lên? Sao lại phải gặp Hạm Trưởng? Mấy người đi trước đâu có ai phải gặp đâu. Thậm chí còn không biết Hạm Trưởng là ai!

Cơn ớn lạnh quyện thêm vào mùi chiên xào, mùi khói, mùi xăng dầu khiến tôi như ngộp thở. Tôi nín hơi, một chân đạp lên bậc thang trên cùng, thận trọng đặt chân kia lên bậc thứ nhì. Rồi tôi khòm người, hai tay bám lấy mép ô cửa để vững vàng bước lên bậc kế tiếp. Rồi hai tay tôi rời ô cửa nắm hai bên lan can để bước xuống từng bậc. Nếu không được cảnh báo mà đi guốc cao gót thì quả là… té biết liền!

Bằng đã đứng trên sàn, đưa tay cho tôi vịn. Tôi mừng húm nắm lấy. Đôi bata không còn đủ sức cân bằng thân thể tôi. Bàn tay Võ Bằng giúp tôi nhảy từ bậc chót lên sàn. Sàn lại là một hành lang ngắn. Anh lính xuất hiện ở đầu hành lang đang tiến về phía tôi với hai tay không. Chàng ta đã bỏ hai túi xách nơi nào? Ông Hạm Trưởng mà ra tay lục soát thì chỉ có nước rục xương trong tù!

Thấy Bằng ngắm nghía tôi, tôi hỏi:

- “Bộ tôi xốc xếch lắm hả Trung úy?”
- “Không! Đủ đàng hoàng khi trình diện Hạm Trưởng!”
- “Sao phải trình diện Hạm Trưởng?” Tôi thắc mắc.
- “Thủ tục!”
- “Sao mấy người tôi quen không ai phải gặp Hạm Trưởng?”
- “Vì cô… đặc biệt!”

Tôi bặm môi, có hỏi nữa chỉ thêm bực mình! Mà giờ tôi có muốn rút lui cũng đã muộn, cũng đã vào hang ổ. Từ nhỏ tôi vốn lỳ lợm. Ba má tôi chỉ mong đứa con đầu lòng là con trai, nên nhất định bắt tôi làm con trai. Tôi ăn mặc kiểu con trai, chơi đùa với bọn con trai. Thậm chí từng đập lộn, chả ngán bất cứ tên con trai đồng lứa nào. Mãi đến khi đi học, tôi mới được mặc áo quần con gái. Nhưng tôi lại vất vả hơn. Từ năm đầu đi học, tôi phải học thêm Vovinam. Vậy mà nghe “trình diện Hạm Trưởng” vẫn thấy ngại ngùng. Cái từ “trình diện” nghe như cú đánh phủ đầu ra hồn! Tôi thầm trách mình sao bỗng đâm ra hèn. Võ nghệ đầy mình, có gì mà sợ. Con đường thoát thân cũng đã vạch sẵn: phá tan hang ổ!

Chúng tôi bước về cuối hành lang, nối liền một khung cửa. Võ Bằng vạch bức màn, bước qua và giữ bức màn cho tôi qua theo. Tôi ngỡ ngàng trước một quang cảnh đột ngột đổi thay. Không phải là một căn buồng chật hẹp sáng choang đầy dây nhợ, những hộp sắt tủ sắt vô hồn tôi vừa rời đi, mà là một không gian khoảng khoát màu đọt chuối mát mắt có một bàn ăn dài với một số người ngồi quanh cười nói. Và tất cả đột ngột nín lặng hướng mắt vào tôi. Tên Mỹ nổi bật với mái tóc hoe, đôi mắt xanh, làn da trắng và bộ kaki vàng giữa tám sĩ quan Việt với đồng bộ kaki xanh. Thêm một khác biệt nữa là hắn đeo tấm thẻ bài treo lủng lẳng trước ngực của một vóc dáng to xác. Rồi cặp lon hai gạch bằng kim loại bạc gắn lên cổ áo cũng chẳng có chút gì hòa hợp với những cầu vai đen với các gạch kim tuyến vàng của tám dân Việt vóc dáng khiêm nhường. Tên Mỹ niềm nở mỉm cười với tôi. Tôi đáp lại bằng cái mím môi, nghĩ thầm: “Thì ra Hạm Trưởng là tên này đây! Đúng là tên xâm lược, ngay cách ăn mặc cũng tỏ rõ ai chủ ai tớ!”  Tôi cảm nhận sự hiện diện của hắn như là một kích thích tố xua đi nỗi lo âu và tăng thêm quyết tâm hoàn thành sứ mệnh.

Một anh lính đang nhanh nhẹn thu dọn chén dĩa toàn bằng sứ trắng; đũa, muỗng nĩa đều bằng bạch kim.
Bằng nắm cánh tay, đẩy nhẹ tôi tiến thêm vài bước gần một sĩ quan ngồi đầu bàn. Thế ngồi dựa ngửa trông dễ ghét. Hai chân bắt chéo, hai cánh tay tì lên tay tựa, mặt nghiêng nghiêng lốm đốm tàn nhang như điểm thêm nét tươi vui.

Giọng Võ Bằng trịnh trọng:

- “Thưa Hạm trưởng, đây là cô Phượng, là người tôi đã trình Hạm Trưởng muốn xin quá giang về Sài Gòn.”

Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ người được gọi Hạm Trưởng. Thì ra Hạm Trưởng là ông này, không phải tên Mỹ.  Mái tóc đen chải tém như tài tử Clark Gable nhưng khuôn mặt chữ điền, không râu. Cùng với vầng trán phẳng phiu là đôi mày rậm, miệng rộng, môi dày. Số tuổi chừng khoảng tuổi con dê. Trên nền đen ở mỗi cầu vai là hai gạch kim tuyến vàng kèm một gạch nhỏ. Giọng ông ôn tồn như giọng thầy dạy sử tôi ưa thích:

- “Cho tôi xem giấy phép quá giang?”

Tôi mở túi đeo vai, trao tờ giấy cho ông. Ông chăm chú đọc. Rồi đôi mắt ông chiếu thẳng vào mắt tôi. Câu hỏi như phát từ tia nhìn soi mói:

- “Sao cô lại xin quá giang tàu Hải Quân?  Đi máy bay có phải vừa nhanh vừa khỏe hơn không?”

Tôi vờ ngượng ngùng buông câu đã được chuẩn bị:

- “Các bạn tôi nói đi tàu Hải Quân được ngắm biển tuyệt đẹp! Mà còn khỏi tốn tiền!”

Ông buông ra tiếng “hườm”, tay thọc túi áo móc gói Pall Mall, gắn một điếu lên môi. Tên Mỹ vội vàng móc lấy hột quẹt và tiếng “tích” làm bùng ngọn lửa xanh đầu Zippo. Ông Hạm Trưởng nghiêng người bập bập châm thuốc, hít một hơi dài rồi khoan khoái phà khói. Mùi thơm ngọt ngào gợi tôi nhớ mùi thuốc Bastos khét nghẹt của Hưng. Tôi chợt nhớ hai túi xách và đưa mắt đảo quanh. Chúng đang nằm dưới chân ghế bành ở vách phía sau lưng Hạm Trưởng.

Giọng Hạm Trưởng khô khốc:

- “Cô có biết là cô chọn nhầm tàu để xin quá giang không? Tàu này là tàu tác chiến chớ không phải tàu chuyên chở. Lỡ có lệnh hành quân là chết… như chơi. Cô còn trẻ quá, mà đẹp nữa, chết uổng phí!”

Tôi nhìn ông, tỏ vẻ không hiểu. Ông tiếp:

- “Hải Quân có nhiều loại tàu, mỗi loại có chức năng riêng. Giấy phép của cô, chỉ có hiệu lực cho loại tàu chuyển vận.”

Lòng đầy thất vọng, tôi nhìn Võ Bằng, như nhắc về một lời hứa. Anh chàng lặng thinh, bình thản. Giọng ôn tồn của Hạm Trưởng lại vang lên:

- “Trong tờ Lệnh Chuyển Vận có ghi câu này: ‘Tôi cam kết chấp nhận mọi rủi ro. Tuyệt đối không khiếu nại!’ Cô có đọc không? Tôi đoán là trước khi ký tên, hẳn cô đã đọc?”
- “Tôi đã đọc!”
- “Tức là cô chấp nhận rủi ro?”
- “Tôi chấp nhận.”

Ông chậm rãi tiếp:

- “Rủi ro thì ở đâu cũng có nhưng với tàu tác chiến chữ thọ mong manh hơn tàu chuyên chở. Nói rõ hơn, mức độ rủi ro về thương tích và tử thương được ghi nhận là cao nhất! Thí dụ như ngay cả hôm nay về nghỉ bến, chiến hạm vẫn có thể bị địch phục kích, cũng như rất có thể nhận lệnh hành quân bất thường dài ngày. Cho nên tàu tác chiến thường không nhận khách quá giang. Nếu không cần về Sài Gòn sớm, tôi khuyên cô nên đợi đi tàu chuyên chở, an toàn hơn.”

Tôi ngẩn ngơ, cân nhắc. Mấy người đi trước gặp tàu, trình xin là được cho đi liền, không bị hăm he gì! Ông này không muốn cho đi nên nói để hù mình đây. Tôi mạnh dạn đáp:

- “Tôi chấp nhận mọi rủi ro!”

Ông chặc lưỡi, lắc đầu:

- “Cô nhất định đâm đầu vào cửa tử?”

Tôi giở giọng thiết tha:

- “Đây là cuộc hành trình tôi luôn mơ ước. Và tôi đã xuống tàu. Có chết cũng… ngậm cười!”
- “Vậy thì chúc cô hưởng một chuyến hải hành như ý.” Ông nhìn sang Võ Bằng, tiếp. “Hạm Phó đã được thỏa mãn theo yêu cầu. Bao giờ cũng vậy: quyền lợi đi đôi với trách nhiệm…”

Anh chàng cười tươi: 

- “Nhận hiểu 5 trên 5, thưa Hạm Trưởng.”

Tôi ấp úng:

- “Cám ơn…. Hạm Trưởng!”

Các sĩ quan đồng loạt vỗ tay hoan hô. Tiếng cười rộn rã nổi lên. Tôi ngượng ngùng khi nhận ra mình vô tình hòa vào niềm vui chung.

Ông Hạm Trưởng nghiêm giọng:

- “Cũng cần nói thêm với cô Phượng. Xưng hô ‘Hạm Trưởng’ và ‘Hạm Phó’ là dành riêng cho thủy thủ đoàn. Cô là khách quá giang, nên gọi chúng tôi bằng cấp bậc. Hoặc thân mật hơn, gọi bằng anh!”

Nhiều tiếng cười vang lên. Tôi lúng túng nói:

- “Tôi xin gọi bằng cấp bậc nhưng tôi chưa biết cấp bậc Hải Quân.”

Ông mỉm cười:

- “Giờ là tới mục đố vui để học. Hạm Phó sẵn sàng nhường ghế cho cô Phượng chứ hả?”

Võ Bằng mời tôi ngồi vào ghế bên tay mặt của Hạm Trưởng. Các sĩ quan dịch chuyển nhường ghế cạnh tôi cho Võ Bằng. Khi chúng tôi an vị, Hạm Trưởng nói:

- “Cô Phượng hãy nhìn cầu vai các sĩ quan. Đố cô một gạch là gì?”
- “Thiếu úy!” Tôi nhanh nhẩu đáp.

Hạm Trưởng nhìn Võ Bằng:

- “Hạm Phó giới thiệu các sĩ quan cấp úy.”

Bằng chỉ từng người đeo một gạch vàng ngồi cuối bàn:

- “Đây là Thiếu úy Tiến, Thiếu úy Ấn, Thiếu úy Văn.”

Tôi gật đầu chào từng người. Hạm Trưởng lại nói:

- “Còn hai gạch là gì?”
- “Trung úy.”

Bằng lại giơ tay chỉ:

- “Xin giới thiệu Trung úy Thân, Trung úy Bạch, Trung úy Cang.”
- “Còn ba gạch?”
- “Đại úy!”

Hạm trưởng lắc đầu:

- “Cô sai từ cấp bậc “hai gạch”. Hãy nhìn cho kỹ cầu vai cấp Trung úy với cầu vai của Hạm Phó Bằng. Có gì khác biệt?”

Tôi nhìn qua nhìn lại hai lần mới khám phá ra hai gạch… có khác biệt. Hai gạch của cấp Trung úy không bằng nhau. Một gạch lớn và một gạch nhỏ chỉ bằng nửa. Còn hai gạch của Võ Bằng thì lớn bằng nhau. Tôi nói:

- “Khác biệt là… không như nhau!”
- “Nghĩa là?”
- “Nghĩa là Trung úy và Đại úy.”
- “Thế ba gạch là cấp gì?”

Tôi nhìn cặp lon của ông, đáp nhanh:

- “Thiếu tá.”
- “Hãy nhìn kỹ, có gì lạ?”
- “Một gạch nhỏ nằm giữa hai gạch lớn”
- “Vậy ba gạch lớn bằng nhau là cấp gì?”
- “Trung tá chăng?”
- “Đúng! Hãy nhớ kỹ ba gạch bằng nhau là Trung tá, chớ có nhầm là Đại úy.
- “Cám ơn… Thiếu tá hướng dẫn.” Tôi ngượng ngùng nói.
- “Chưa hết! Còn bốn gạch là gì? Bốn gạch lớn như nhau, không có gạch nhỏ.”

Tôi nhẩm tính: bốn gạch có gạch nhỏ là Đại tá, bốn gạch bằng nhau hẳn là Đô đốc. Tôi đáp:

- “Đô đốc.”

Hạm trưởng cười: - “Lộn xộn quá phải không? Đại tá là bốn gạch lớn. Không có gạch nhỏ. Cô ghi nhận rồi chứ?”
Tôi gật đầu và cảm thấy vui vui từ nay sẽ phân biệt được một loại cấp bậc quá… lộn xộn! Hạm Trưởng lại lên tiếng:

- “Bây giờ là câu đố chót. Hãy nghĩ cho kỹ: Đố cô Phượng… gạch một đống là gì?”

Cấp bậc trên bốn gạch nhất định phải là cấp Đô đốc. Tôi nhanh nhẩu đáp:

- “Là Đô Đốc!”
- “Sai hoàn toàn! Gạch một đống là… một đống gạch!”

Tất cả cười rần. Tôi cũng đành cười theo. Lạ nhất là tên Mỹ cười lớn hơn ai hết! Hạm trưởng lại hỏi:

- “Sẵn dịp, cô có muốn biết luôn cấp bậc Hải Quân Hoa Kỳ?”

Lòng thì không muốn mà đành gật đầu. Hạm Trưởng nhìn tên Mỹ. Tôi cũng đăm đăm nhìn hắn. Chẳng lẽ hắn biết rành tiếng Việt? Tên Mỹ mỉm cười:

- “Tôi nói sơ sơ thôi!”

Hắn nói giọng Mỹ nhưng dễ nghe. Mà dùng được từ “sơ sơ” là đủ cho thấy… đế quốc có hạng rồi! Hắn tiếp:

- “Chúng tôi có ba loại cấp bậc khác nhau, tùy vào quân phục chọn mặc. Quân phục làm việc, quân phục tiểu lễ và đại lễ. Quân phục kaki vàng tôi đang mặc là loại làm việc. Như Hải Quân Việt Nam mặc quân phục xanh. Cấp bậc tôi đang đeo là đại úy.” 

Hắn chỉ vào hai bên cổ áo, mỗi nơi có đính mảnh thiếc bạc nhỏ kết hợp bằng hai vạch song song. Hắn tiếp:

- “Còn khi tôi mặc tiểu lễ, quân phục trắng thì đeo lon gần giống Hải Quân Việt Nam. Tôi không đủ chữ diễn tả từng thứ bậc các cấp cũng như cho bộ đại lễ. Nay mai tôi sẽ cho cô xem hình. OK?”

Tôi gật đầu đồng ý ngay. Hắn có nói thêm thì tôi cũng không nhớ hết. Mà ích lợi gì để biết và nhớ cấp bậc kẻ tử thù!

Hạm Trưởng vụt đứng lên. Tất cả chộn rộn đứng lên theo. Ông nói:

- “Nào! Đến lúc chúng ta… về Sài Gòn!”

Tất cả cười rộ, hân hoan rời bàn ăn. Hạm Trưởng đưa tờ Lệnh Chuyển Vận cho Thiếu úy Tiến bảo lưu hồ sơ quá giang rồi rời bước qua khung cửa. Tên Mỹ theo sau, miệng hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” Tôi nói với Võ Bằng:

- “Xin lỗi, lâu nay gọi Trung úy.”
- “Ba cái lẻ tẻ!” Anh chàng đổi giọng thân mật, “Cô có thể chọn một: hoặc là vào buồng nghỉ ngơi, hoặc lên boong gửi nụ hôn từ biệt Quy Nhơn.”

Gãi đúng chỗ ngứa! Hai anh em Hưng hứa là sẽ có mặt tiễn đưa khi tàu khởi hành. Chắc chắn là họ đang đứng đâu đó gần cầu tàu. Tôi tươi cười với Võ Bằng:

- “Cám ơn Trung úy, ô, xin lỗi Đại úy. Quả là tôi đang rất muốn gửi nhiều nụ hôn từ biệt Quy Nhơn!”

 

Chương 2

Hải phận Bình Định
Thứ sáu 4/8/1967 19:30G

Tôi vịn khung cửa thông ra boong tàu nhìn mấy mươi lính thủy trong đồng phục trắng dàn hàng từ mũi đến lái. Ngay khi tiếng còi vang lên, tất cả thẳng người, trang nghiêm giơ tay chào phố thị Quy Nhơn. Con tàu từ từ tách bến hướng về cửa vịnh. Tôi dõi mắt tìm bóng dáng Hưng và Anh Đào. Con đường Gia Long dài hun hút. Các mái phố lầu nhuộm ánh vàng chạy lùi trên hàng mũ polo trắng. Hưng và Anh Đào đang vẫy tay ở đúng vị trí tôi xuống xích lô. Tôi nồng nhiệt gửi đi những nụ hôn gió.

Những ngày đầu tôi đến với gia đình Hưng, cả hai bên đều vất vả với ngôn ngữ bất đồng. Giọng Bình Định đấu với giọng miệt vườn miền Tây. Với tôi thì đó là sự việc bất ngờ. Ngày tôi quen Hưng, giọng Bình Định của anh đã bị giọng Sài Gòn đồng hóa sau 15 năm làm học trò và làm việc. Tuy nhiên, bất kể trở ngại ngôn ngữ, Anh Đào lại tỏ ra hết sức thân thiết với tôi và ba má Hưng thì xử sự như tôi đã là con dâu tương lai. Tháng trước, tôi đưa Hưng về Vĩnh Long ra mắt ba má tôi và Hưng được ông bà cho phép đưa tôi ra mắt ba má Hưng. Tôi những tưởng hạnh phúc đang trong tầm tay…

Từng mệnh lệnh ngắn gọn, dứt khoát “hữu tiến”, “tả lùi”, “lái thẳng”…  vọng mồn một đâu đó, bên trên. Sau một lệnh là tiếng nhắc lại kèm theo tiếng leng keng. Tôi nghiêng đầu nhìn ngược lên phía tiếng nói nhưng chỉ thấy đáy của một chiếc ca-nô. Gió hâm hấp từng đợt ập vào người tôi, xóa dần độ mát của không khí điều hòa bên trong con tàu. Khi chiếc cầu đã xa sau lái, tiếng còi lại vang lên chấm dứt dàn chào.

Tôi đứng lùi vào, nhường khung cửa cho từng người bước qua. Tôi nhẩm đếm. Người cuối cùng thứ bốn mươi chín. Nếu kể luôn những người đang thi hành nhiệm vụ ở các vị trí khác, hẳn tổng số thủy thủ cũng tròn một trăm. Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình. Nhiệm vụ của tôi là phải đặt quả bom đâu đó có thể gây thiệt hại tối đa cho người và chiến hạm. Đó là điều kiện cần và đủ để Thành Ủy cho phép tôi và Hưng thành vợ thành chồng.

Tôi bước ra boong, vịn sợi dây an toàn chăng dọc mạn tàu, cao ngang ngực. Từ cuối tầm nhìn, bãi cát trắng ôm vùng nước xanh còn đầy ghe đánh cá chưa rời bến. Vài căn ngói đỏ ẩn hiện giữa rừng cây tiếp liền rặng núi. Thành phố chia thành hai phần rõ rệt. Phần mái nhà còn là ngày, phần vách tường đã ngả hoàng hôn.

Tôi nghĩ đến ba má Hưng, thầm cám ơn đã tiếp đãi ân cần, đã yêu thương chiều chuộng. Xin bái biệt giang sơn của anh hùng áo vải Quang Trung, thần tượng đời đời. Xin cảm ơn những danh lam thắng cảnh. Xin từ giã các con đường vắng vẻ tôi và Hưng lang thang vạch định tương lai. Xin chia tay các hàng quán thôn làng cho thưởng thức hương vị các đặc sản tuyệt vời.

Suốt hai tuần, Quy Nhơn đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhưng không hiểu sao tôi không mảy may có ý muốn trở lại. Có thể vì Quy Nhơn quá khô cằn, nóng bức, quá chộn rộn, xô bồ với hàng quán ngày một nhiều đua nhau đáp ứng nhu cầu giải khuây lính Mỹ, lính Hàn. Cũng có thể vì Quy Nhơn ghi dấu chuyến công tác đầu đời mà chắc chắn là tôi muốn quên đi, chuyến công tác mà tôi và Hưng đã lời qua tiếng lại suốt ba ngày. Rốt cuộc, thấy Hưng có lý, tôi nhận lời…

Dù luôn luôn tự tin, nhưng đây là lần đầu, lại là công tác chết người, tôi không sao đè nén được nỗi lo âu. Tôi đề nghị Anh Đào cùng đi nhưng Hưng viện ba lý do để không đồng ý. Anh Đào vừa đi dò đường tháng rồi. Hai người đẹp cùng một chuyến dễ sinh nghi ngờ. “Trên” chọn tôi vì công tác này đòi hỏi một người lanh lợi, hoạt bát.

Tôi nhìn xuôi theo lái tàu. Tôi không còn nhận ra bóng dáng Hưng và Anh Đào. Cửa vịnh đã lờ mờ hoàng hôn, chỉ còn rõ nét mũi vách đá của bán đảo Phương Mai. Bên trái là xóm chài đã lên đèn, đầm Thị Nại phủ đầy những đốm sáng của ghe câu. Bên phải ngọn hải đăng Phước Mai là vùng nước thẫm xanh mênh mông chập chờn ánh lân tinh. Gió lồng lộng, hâm hấp, khô khan.

Phố Quy Nhơn chưa mấy xa mà tôi đã bắt đầu da diết nhớ Hưng. Hai năm trước, chúng tôi quen nhau. Hưng học năm cuối Kiến Trúc, tôi mới vào Sư Phạm. Vào một tối ca nhạc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở sân trường Văn khoa, chúng tôi đứng gần nhau và cùng chạy trốn khi mật vụ giải tán. Từ đêm đó chí hướng của tôi bắt đầu thành hình. Mỗi tháng một lần, Hưng đưa tôi ra ngoại ô dự buổi học tập đường lối chánh sách cách mạng. Tôi đã nhìn thấy Mỹ là quân xâm lược, là tên sen đầm quốc tế. Và ngày qua ngày tôi càng yêu quý Hưng hơn. Tháng rồi anh ngỏ ý muốn cưới tôi. Tôi vui sướng nhận lời…

Bãi đá cuội ven bờ trông quen quen, chừng như là bãi tắm Hoàng Hậu. Nếu đúng vậy thì trên khoảng cao là mộ Hàn Mặc Tử hoang lạnh. Hưng cũng đưa tôi đến trại cùi Quy Hòa, thắp nhang ngôi mộ ông an nghỉ thời gian đầu. Tôi rất mê thơ ông và thương xót đời ông. Hưng thì chỉ thích thơ hừng hực đấu tranh.

Cơn gió đột ngột mang theo mùi khói khét lẹt, phần phật vào người vào mày mặt làm tôi nhờn nhợn nôn mửa. Tôi nắm chặt một trụ cột, nín thở. Rồi từ từ thở ra, hít vào. Đó là kinh nghiệm của Anh Đào. Tôi thấy khá hơn nhưng khói tàu vẫn tiếp tục quấn lấy tôi. Tôi hốt hoảng đi dần về hướng lái hy vọng thở được không khí trong lành. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, phần lái nhấp nhô, lay lắc mạnh hơn và tiếng ồn rầm rập, rì rào to hơn. Tôi lần đến ngồi lên một trong hai trụ sắt kề nhau có sợi dây to quấn chéo hình số 8, nhắm mắt lắng nghe phản ứng của cơ thể. Nó có vẻ hòa hợp với sóng gió. Tôi hít một hơi dài rồi thở mạnh, rồi lại hít, lại thở, theo hướng dẫn của Anh Đào. Cũng theo lời khuyến cáo, tôi cố gắng tỉnh bơ, phớt lờ hiện trạng.

Những dải mây nhiều sắc màu chỉ còn hai màu duy nhất đen và trắng chen lẫn những vì sao.

Đang mải mê, con tàu bỗng vặn vẹo, nhấp nhô, đong đưa, rung rinh. Tôi lại nghe nhờn nhợn khó chịu. Cả thân người như đang quay mòng. Tôi chụp hai tay vào dây an toàn, ngậm cứng miệng. Sợ không đủ sức giữ, tôi bụm cả hai tay. Nhưng thức ăn trào lên, hai bàn tay tự động mở, miệng há rộng. Mọi thứ trong bụng nhộn nhạo tuôn ra. Nước mắt nước mũi tuôn theo. Tôi hổn hển thở…

Như có linh cảm bị nhìn trộm, tôi nghiêng mặt. Bằng đứng bên tôi tự bao giờ, lên tiếng:

- “Chờ đó, tôi đi lấy khăn giấy.”

Anh chàng phóng vội vào lòng tàu. Hưng cũng sốt sắng như Bằng mỗi khi thấy tôi cần được giúp đỡ. Hưng hẳn không thể nào tưởng tượng được rằng người anh yêu đang say sóng ngất ngư. Anh còn đứng đó hay đã ra bến xe về Sài Gòn? Đừng quên đón em ở bến Bạch Đằng. Em đang tha thiết mong chờ giây phút cùng ngắm chiến hạm nổ tung.

Tội nghiệp Võ Bằng. Anh trở lại với xấp khăn cho tôi lau mặt mũi. Tôi sẽ trả ơn bằng quả bom nổ tung? Con tàu lại nhún nhảy, lắc lư mạnh. Cổ họng tôi lại nhờn nhợn, miệng đầy nước miếng. Tôi thò đầu ra ngoài mạn tàu, phun mạnh và khạc nhổ. Mồ hôi rịn trên trán trên lưng. Tôi tự khuyên mình cố gắng lên, chỉ mới bắt đầu.

Con tàu lại giật mạnh đánh sầm, rung rinh, phát tiếng răng rắc. Võ Bằng cho biết chiến hạm đang đổi đường, năm ba phút nữa là xuôi sóng, sẽ dễ chịu hơn. Anh chàng đề nghị tôi đến đứng ở giữa tàu, ít nhấp nhô và ồn ào hơn. Bằng băng qua phía mạn trái, rồi tiến dọc hành lang. Không gian mông lung mở rộng. Nhiều ánh đèn xa khơi. Võ Bằng chỉ hai nhóm đèn sáng nhất cho biết đó là hai thương thuyền. Còn vô số đèn lập lờ là đèn các ghe câu. Một ngọn đèn rực sáng, rồi tắt rồi sáng. Tôi nhớ ánh đèn hải đăng Phước Mai. Tôi hỏi:

- “Hải đăng ở chếch mũi tàu, phải hôn Đại úy?”
- “Đúng! Đó là hải đăng Poulo Gambir do Tây xây cất trên đỉnh của một cù lao cùng tên. Nhưng từ hàng trăm năm trước đó, ông bà ta đã đặt tên là Cù Lao Xanh. Xanh là vì hòn đảo bốn mùa cây xanh tươi tốt. Từ ngày Tây rút khỏi Đông Dương, chúng nó cũng rút theo cái tên Tây. Tháng trước, chiến hạm tham dự ba ngày hành quân, yểm trợ hải pháo cho Địa Phương Quân tảo thanh Việt Cộng trên đảo. Ngày chót, thủy thủ đoàn được phép lên bờ. Chúng tôi cũng tảo thanh, nhưng nhằm vào rừng dừa.”

Tôi cười thành tiếng:

- “Lần tới, Đại úy nhớ mang cho tôi vài trái.”
- “Lần tới, cô đích thân tới đó với tôi.” Bằng nói, cười duyên.

Tôi biết là mình vừa tạo cơ hội cho Bằng tiến tới. Cũng nên lắm! Anh chàng càng mê mẩn, tôi càng dễ lợi dụng và càng dễ che giấu sơ suất!

- “Cảnh hoàng hôn trên biển đẹp quá phải không cô Phượng?”

Tôi lặng thinh, e bị lạc vào mê hồn trận. Võ Bằng tiếp:

- “Hãy nhìn qua rừng cây. Mặt trời đã khuất nhưng còn bắn các tia màu hồng, đỏ, cam, tím vào các dải mây trên đỉnh núi. Đẹp kỳ ảo.”

Tôi vẫn lặng thinh. Võ Bằng lại tiếp:

- “Người thủy thủ được trời ban cho hai buổi tuyệt vời trong ngày: đó là cảnh bình minh và cảnh hoàng hôn. Đặc biệt là không buổi nào giống buổi nào, không ngày nào giống ngày nào. Đúng là thiên thượng phù vân, thiên biến vạn hóa.”
- “Ngày nào cũng ngắm thì không thể không sinh ra nhàm chán!” Tôi mỉa.

Võ Bằng đăm đăm nhìn tôi:

- “Tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán. Tựa như ngắm một giai nhân, cho dù giai nhân đó một ngày như mọi ngày!”

Tôi tìm lời đáp trả. Đầu óc rỗng không. Tôi thầm trách tôi: Mày được khen là lanh lợi hoạt bát, sao cứ câm như hến! Võ Bằng nhởn nhơ:

- “Thế nhưng một giai nhân mà đẹp quá thì cũng nguy hiểm. Sắc trời cũng vậy. Nếu thấy bầu trời có màu óng ánh như mỡ gà thì phải nhớ câu thành ngữ ‘Ráng mỡ gà có nhà thì giữ’. Nghĩa là dông bão sắp đến, cẩn thận bảo vệ nhà cửa. Hải quân chúng tôi sửa lại câu trên cho hợp cảnh hợp tình: Ráng mỡ gầu có tàu thì giữ!”

Tôi bật cười thành tiếng. Anh chàng đáo để thật. Cũng nên cho anh chàng biết ta cũng rành tục ngữ ca dao. Tôi hỏi:

- “Còn câu này: ‘Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy, cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi’ nghĩa là sao?”
- “Cô biết câu đó, tự nó cho thấy cô đã rành sáu câu! Tuy vậy tôi cũng nói ra xem có đúng ý cô không. Cơn là cơn mưa. Nếu thấy mưa ở hướng Đông thì mưa sắp tới, mau tìm chỗ trú; còn thấy ở hướng Nam thì cứ tự nhiên ăn chơi như người Sài Gòn!”
- “Câu rồi chỉ nêu hai hướng Đông Nam, Đại úy có biết câu nói về hai hướng Tây Bắc?”
- “Tôi không thấy câu nào đề cập hướng Tây Bắc. Có thể tại vì mưa ở hai hướng này, nông dân cứ ăn chơi hết mình!”

Tôi nhìn mông lung, cố nhớ thêm một tục ngữ:

- “Còn câu này: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm! Không biết ở biển có chuồn chuồn?”
- “Tôi không lần nào thấy chuồn chuồn bay ở biển nhưng tiếng ‘râm’ gợi tôi nhớ tiếng ‘thâm’ trong câu tục ngữ cũng về mưa hướng Đông: Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm… ư ư…”

Bằng im bặt, tủm tỉm cười. Tôi tức mình, hối:

- “Thâm gì nữa?”
- “Tưởng cô biết rồi! Thôi, để dành cho cô về Sài Gòn tra cứu, nói ra không tiện.”
- “Không có gì bất tiện. Tôi rất thích ca dao tục ngữ. Đại úy cứ nói.”
- “Về Sài Gòn tra cứu đi mà, nói ra dị hợm!”

Tôi làm mặt giận, bước dần về phía mũi. Võ Bằng nói:

- “Được rồi, tôi nói đây. Nguyên văn đó nghen: Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.”
- “Vô duyên!”
- “Cô nói tôi hay tác giả?”
- “Cả hai!”

Chúng tôi cùng cười. Tôi nhớ đến những câu ca dao tục ngữ tương tự mà bái phục cổ nhân. Hàng trăm năm trước các cụ đã táo bạo không ngờ. Tôi không biết Võ Bằng đang nghĩ gì. Nhưng anh chàng lên tiếng trước:

- “Cô nói với ông Hạm Trưởng rằng cô xin quá giang là vì nghe đồn biển tuyệt đẹp. Cô thấy biển thế nào?”

Tôi nhìn mặt nước dao động, lao xao. Ánh lân tinh chập chờn trên các ngọn sóng. Tiếng xạc xào đều đều êm êm như khúc nhạc du dương. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Tôi nuốt nước bọt, cay đắng:

- “Đẹp thì đẹp thật! Nhưng giống như giai nhân, có giai nhân tàn ác. Gặp phải là … ói mửa!”
- “Vừa say sóng, vừa say tình, cô quạu quọ cũng phải!” Võ Bằng cười ngất.
- “Đại úy nói vậy là ý gì?” Tôi dọ dẫm.
- “Khi tàu rời bến, tình cờ tôi bắt gặp một anh chàng đứng cạnh chiếc Honda liền tù tì gửi hôn gió cho… chiến hạm! Nếu là “anh” thì không thể gửi hôn kiểu đó!”

Tôi ớn lạnh. Võ Bằng tinh tế thật. Trời xui đất khiến chi cho tôi vớ phải anh chàng cà chớn này. Giờ có muốn thoát cũng không xong, có muốn nói cũng nghẹn lời! Bằng tiếp tục chế nhạo:

- “Than ôi! Bước chân xuống tàu nước mắt như mưa!”
- “Nguyên tác là ‘Bước chân xuống thuyền!’”
- “Thuyền hay tàu gì thì cũng khóc. Cô Phượng nhận là có khóc đi.”

Sau ngày gặp Bằng, Hưng đã dặn tôi cố tìm cơ hội gặp gỡ và lợi dụng cho công tác. Hạm Phó là người uy quyền thứ hai trên tàu, lợi dụng được thì công tác càng thuận lợi. Cơ hội thì đã có, còn lợi dụng thì coi bộ khó ăn. Chỉ một sơ suất nhỏ đã đủ cho anh chàng suy ra Hưng không phải là “anh” thì quả đáng ngại. Có lẽ nên rù quến cho anh chàng mù quáng. Thì đã sao! Khi mình lìa tàu thì anh chàng cũng… lìa đời! Tôi vờ kịch liệt phản đối:

- “Anh ruột thì có mắc mớ gì mà phải khóc! Hôn gió thì hôn ai chẳng được. Đại úy có thấy em gái của tôi hôn không? Cũng như anh tôi thôi. Tại đại úy hay… nghĩ bậy!”

Không gian còn đủ sáng cho tôi thấy ánh mắt Bằng đang cân nhắc thật hư. Tôi vờ phân trần:

- “Tôi nói thật đó. Ba má tôi khó lắm. Cấm tôi không được “dớ dẩn” yêu đương trước khi ra trường. Tới nay, tôi chưa dám để ý đến bất cứ ai.”
- “Cô học ở trường dạy chữ hay dạy nghề?”
- “Ba má tôi muốn tôi thành giáo sư.”
- “Còn cá nhân cô, cô muốn thành gì?”
- “Làm con thì phải nghe lời cha mẹ!”
- “À, vậy ra cô đang học Đại học Sư phạm!”

Tôi giật mình. Tôi vừa nói thật. Tôi đã cảnh giác mà vẫn vào tròng. Lẽ ra tôi phải nói Đại học Kiến Trúc. Đó là trường Hưng theo học. Anh nói đi nói lại mấy ngày liền cho tôi nhớ trường ở đường nào, tên ông Viện trưởng, giáo sư gồm những ai, năm thứ nhất thứ nhì gồm những môn học gì. Giờ lỡ mồm nói thật, nếu Võ Bằng không chết theo tàu, thì tôi cũng khó thoát! Hưng cũng đã cảnh báo nhiều lần, tôi sẽ là mục tiêu cho mọi câu hỏi, từ đó người ta có thể khám phá tôi là ai. Anh bảo tôi ráng nhập tâm căn cước mới. Căn cước mới là căn cước cô bạn thân, tôi rành rẽ đời tư. Nhưng từ thuở tôi biết nói suông câu, tôi lại nhập tâm lời dạy của cha mẹ là phải luôn thật thà, không nói dối. Tôi chỉ tập nói dối từ ngày quen Hưng. Bây giờ đã trót lỡ lời nhưng chưa đến nỗi! Với đầu óc đang chập chờn, có thể lại phạm lỗi lầm. Tôi nghĩ tốt nhất là… đi ngủ cho khỏe. Tôi nói:

- “Sao nhức đầu quá, mệt và khó chịu quá… phải đi nằm mới được.”
- “Để tôi đưa cô xuống phòng.”
- “Cám ơn Đại úy”.
- “Chừng nào cô thấy dễ chịu, thì bắt đầu bước.”

Tôi vờ còn choáng váng, nhắm nghiền mắt, hít thở không thôi. Có đến năm phút tôi mới mở miệng:

- “Sẵn sàng rồi, Đại úy.”
- “Cô hãy đi như tôi, người sẽ vững vàng hơn.”

Hai chân Bằng dang rộng, từng bước về hướng mũi. Chúng tôi băng qua khung cửa vào lòng tàu. Cái mùi hỗn hợp khói tàu, thức ăn, mùi sơn càng nồng nặc. Tôi đưa tay bụm cả mặt lẫn mũi. May quá, bụng chỉ quặn đau, ợ chua mà không mửa.  Mửa lên sàn tàu, ai rửa ai lau? Chừng như mùi hỗn tạp cũng bắt chiến hạm rùng mình.

Võ Bằng nắm cánh tay tôi, dìu tôi đi. Lần mò đến được chiếc thang nghiêng, tôi thấy dễ chịu hơn. Cái mùi đặc biệt gần như tan biến, chừng như thấm hết vào da thịt. Bằng nắm cả hai bàn tay tôi, giữ thăng bằng cho tôi xuống trước. Bước đến bậc thứ ba, Bằng nhả một tay cho tôi nắm thanh an toàn rồi nhả nắm tay còn lại. Tôi nghĩ phải chi Bằng là Hưng, tôi sẽ bắt anh cõng. Khi tôi đã đứng trên sàn, Bằng chạy vụt xuống dễ dàng như bị trượt chân. Con tàu không còn lay lắc. Tôi bước những bước bình thường dọc hành lang về phòng ăn. Lần này tôi có thì giờ nhìn quanh.

Căn phòng chiếm trọn chiều ngang con tàu. Rộng rãi, sáng sủa. Tám ống néon kép được thiết trí khéo léo trên trần. Tên Mỹ đang ngồi bói bài ở salon. Dưới chân ghế cạnh đó là hai chiếc xách của tôi. Tên Mỹ không phải là đứa tò mò; tôi an tâm với ý nghĩ đó. Hai sĩ quan đang chơi domino. Tấm khăn bàn màu trắng khi ăn đã được thay bằng tấm nỉ xanh mát mắt. Một sĩ quan đọc sách trên ghế bành đặt cạnh góc. Một sĩ quan đang pha cà phê. Bằng lên tiếng:

- “Cô Phượng uống chút gì nghe. Sẽ giúp cổ họng tan vị đắng!”
- “Cảm ơn Đại úy.”
- “Cám ơn yes hay cám ơn no?

Tên Mỹ ngẩng lên cười. Đôi mắt xanh của hắn chờ tôi trả lời.

- “No!” Tôi đáp.
- “Vậy thì mời cô về buồng nghỉ ngơi.”

Tôi vội bước đến hai túi xách. Bằng bảo:

- “Cứ để đó, tôi mang sau!”

Tôi vẫn khom người, hai tay vừa nắm hai quai xách thì tên Mỹ nói “Để tôi giúp” rồi giành lấy. Tôi không nói cám ơn. Tôi ghét hắn, tôi không nhờ hắn. Võ Bằng vén màn nhường tôi và tên Mỹ qua trước. Sau khung cửa là một hành lang khá dài, ánh sáng dịu mát. Hai bên hành lang là vách đứng sơn trắng, có nhiều màn treo cách khoảng, đối nhau. Bằng vén tấm màn đầu tiên, bên tay mặt:

- “Buồng của cô đây.”

Tôi bước vào. Gian buồng sơn màu ngà, chật hẹp nhưng gọn gàng. Chiếc giường nệm trải drap trắng tinh trông thật hấp dẫn. Tên Mỹ đặt hai túi xách lên mặt bàn bọc formica xanh rồi biến sau bức màn đối diện. Tôi nghe ơn ớn. Chẳng lẽ nó ngủ gần mình. Trời ơi nửa đêm nó mò qua thì sao. Hoàng đai đệ nhị cấp của Vovinam có đủ đối phó? Mặt bàn bọc formica xanh được ánh đèn tập trung tỏa sáng tạo cho hai túi xách hơ hớ tênh hênh. Phía trong là hai khung ảnh. Một là ảnh cô thiếu nữ bồng đứa bé thật dễ thương và khung kia là ảnh có vẻ là một gia đình 5 người. Tôi cúi nhìn kỹ hơn. Không thể lầm lẫn. Đó là Võ Bằng với cha mẹ chị em. Tôi kêu lên:

- “Đây là buồng của Đại úy mà! Đại úy làm ơn cho tôi ngủ ở khu quá giang.”

Bằng cười:

- “Đã nói rồi, tàu này là tàu chiến, làm gì có khu quá giang. Thì cô cứ coi đây là khu quá giang!

Thấy tôi ngần ngừ, Bằng tiếp:

- “Tôi đã từ chối không cho cô quá giang nhưng cô cứ nằng nặc, buộc tôi trình xin Hạm Trưởng. Rồi bây giờ cô tiếp tục làm khó tôi!”

Tôi chợt vỡ lẽ cái từ “nói giúp”. Tôi dịu giọng:

- “Cám ơn Đại úy đã “nói giúp”. Nhưng nhường cho cả phòng riêng thì tôi áy náy lắm! Đại úy đã giúp thì giúp cho trót. Làm ơn cho tôi ngủ chỗ nào khác, chỗ nào nằm được là được rồi!”
- “Chỗ nào nằm được thì quá dễ. Chỉ cần một tấm nệm và một chiếc gối đem đặt trên boong. Tuy nhiên cô sẽ gặp hai trở ngại lớn. Khi mưa thì ướt như chuột lột. Khi cần thì không có chỗ vệ sinh! Cô nhắm chịu được suốt hai ngày?”

Tôi cứng họng. Anh Hưng, anh có biết đã đẩy em vào tình cảnh ngặt nghèo. Anh nói có khu quá giang, lúc nào cũng đông người. Bây giờ em chỉ một mình và từ đêm nay em bị vây quanh bởi những tay gây tội ác trời không dung đất không tha! Em có võ nhưng mãnh hổ sao địch quần hồ. Em thấy sợ… Giọng Võ Bằng dứt khoát:

- “Tôi nhường buồng không vì cô mà vì thằng bạn cùng khóa! Tùy ý cô, hãy chọn một: ngủ ở đây hay là ngủ ở nhà?”

Thấy tôi tỏ ra không hiểu, Võ Bằng lạnh lùng tiếp:

- “Muốn ngủ ở nhà thì tàu sẽ ủi bãi cho cô lên bờ!”

Anh chàng dám làm thật lắm! Lên bờ giữa đường thì biết về đâu, biết ngủ đâu. Thôi đành ba bảy cũng liều. Nếu Bằng nằm chung giường thì chịu khó thủ thân! Còn nếu bị tập thể thì… tử thủ! Tôi hỏi dò:

- “Rồi Đại úy ngủ ở đâu?”
- “Có một sĩ quan đang đi phép, tôi ngủ ở buồng của anh ta.”
- “Đại úy cho tôi ngủ ở đó.”
- “Nó nằm ở mũi tàu, ở đó sóng nhồi dữ lắm, cô không chịu nổi đâu!”
- “Tôi chịu nổi!”
- “Cô còn bướng bỉnh thì tôi nhất định trả cô lên bờ.” Bằng gắt.

Đến nước này thì không thể nằn nì nữa. Đành nhập gia tùy tục. Tôi đã quá mỏi mệt. Cứ ngủ một giấc rồi tùy cơ ứng biến. Tôi đuổi khéo:

- “Cám ơn Đại úy nhường buồng!”

Giọng Bằng ấm áp:

- “Tôi biết cô Phượng đang rất thèm nghỉ ngơi nhưng cho tôi thêm vài phút. Có một vài tiện ích cô cần biết cách sử dụng.”

Tôi theo anh chàng bước sâu vào trong. Phòng vệ sinh bên trái được ngăn đôi. Một bên là bồn rửa mặt và cầu tiêu. Một bên sát mạn tàu là phòng tắm. Bồn rửa mặt và phòng tắm có hai cần ngắn. Một, màu xanh để mở nước mát và một màu đỏ cho nước nóng. Bằng vói tay nhấn chiếc cần bên hông một chậu sành sau bàn cầu:

- “Đây là cần xả nước đi cầu.”

Tiếng nước rút đi tạo âm thanh lạ tai. Bằng tiếp:

- “Cầu tiêu trên chiến hạm tân tiến hơn cầu tiêu chúng ta thường dùng. Ngồi bẹp chớ không chồm hổm. Và chỉ nhấn nút chớ không múc xối!”

Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu biết. Bằng bước ra phía cửa, dừng lại ở chiếc bàn. Anh chàng nhấc cả hai túi xách dời qua cái kệ đối diện, bên dưới chứa giày dép. Tôi lại nhìn hai khung ảnh. Người đẹp bồng con là ai? Nếu là vợ Võ Bằng thì sao anh chàng không chụp chung?

Võ Bằng đưa tay nhấn vào đầu ngọn huỳnh quang nằm ngang có cánh tay gắn vào vách. Ánh sáng vụt tắt. Bằng đẩy ngọn đèn sang phía đầu giường. Đèn vụt sáng, tỏa lên cặp gối kề sát đầu bàn. Anh chàng nói:

- “Chừng nào thấy khát nước, thì qua phòng ăn. Nước uống từ cái máy đứng ở góc. Nước ngọt hay bia thì trong tủ lạnh. Còn đói bụng thì có… gạo sấy, thịt chà bông.”

Bằng nhìn tôi. Tôi gật đầu tỏ ra đã ghi nhớ. Anh chàng lại tiếp:

- “Suốt thời gian ở trên tàu này, mỗi ngày cô được mời dự ba bữa ăn. Xin vui lòng ghi nhớ. Sáng từ 7 đến 9. Tự do, ăn lúc nào cũng được. Nhưng trưa và chiều phải có mặt đúng giờ. Trưa: đúng ngọ. Chiều đúng 6 giờ. Cô cần có mặt sớm 10 phút, vì Hạm Trưởng rất đúng giờ. Chúc cô Phượng ngủ ngon.”

Nghĩ tới cả tiếng phải ngồi chung bàn, mặt đối mặt với tên Mỹ, tôi năn nỉ:

- “Đại úy cho tôi tự túc ăn uống. Tôi có mang theo Ration C đủ cho hai ngày.”
- “Ration C chỉ dành cho lính Mỹ, cô Phượng người Việt, ăn cơm Việt.”

Bằng bỡn cợt nhưng tôi chừng như bị búa giáng. Khi mua tôi chỉ tính tiện lợi cho việc quá giang chớ bình thường tôi vốn ghét thức ăn Mỹ. Tôi định phân trần thì Bằng đã tiếp:

- “Nói là mời nhưng đúng ra là… lệnh.”
- “Làm ơn mà!” Tôi nài nỉ.
- “Hãy nhớ vị thế của cô hiện tại. Cô đã biết tàu này không nhận khách quá giang rồi mà. Cô được chấp thuận cho đi là vì tôi nhận cô là thân nhân.” Võ Bằng nhìn vẻ ngỡ ngàng trên khuôn mặt tôi, cay đắng tiếp: “Đã là thân nhân của Hạm Phó thì làm ơn hành xử như… thân nhân của Hạm Phó!”

Tôi ngớ người, cúi mặt. Sự việc đang vượt xa mọi dự liệu. Giọng Bằng trở lại bỡn cợt:

- “Chịu khó hai ngày ăn cơm Việt. Bảo đảm thức ăn Mỹ cô ưa thích không bị tịch thu. Về Sài Gòn cô thưởng thức sau!”

Lời Võ Bằng như nước lạnh tạt vào mặt. Xót xa và xấu hổ. Tôi từng tự hào chống Mỹ cứu nước mà lại nuôi thân bằng thức ăn Mỹ! Tôi mắng thầm “đồ vô ý thức!” Bằng mỉm cười, tiếp:

- “Điểm lưu ý chót, khi cô ngủ mà nghe tiếng còi thì cứ ngủ tiếp. Đó là tiếng còi gọi nhân viên đổi phiên hải hành. Cứ mỗi 4 tiếng còi ré một lần. Ngủ thật ngon nghe, cô Phan Kim Phượng.”

Anh chàng vén màn bước ra và biến mất. Tôi thở phào bước vội đến bồn cầu. Khu vệ sinh không có cửa đóng then cài, chỉ có tấm màn plastic mờ ảo kéo ngang.

Tôi mở nắp đậy bằng gỗ sơn trắng láng bóng và hài lòng với bồn cầu bằng men sứ sạch bong. Nhớ lời Bằng dặn phải ngồi bẹp, tôi thở dài. Từ nhỏ chỉ biết ngồi chồm hổm, nay ngồi bẹp thì sao ngồi được. Giấy cuộn tinh khôi, mềm mại. Đúng là Mỹ! Tôi nhận xét mà không biết mình khen hay chê!

Tôi xề qua bồn rửa mặt. Tấm gương chữ nhật phản chiếu màu bạc sáng láng của chậu kim loại rửa mặt. Tấm gương cũng cho thấy một khuôn mặt xanh xao, xơ xác. Tôi vặn vòi đỏ vòi xanh, thử độ ấm, xoa xà phòng chà xát hai tay. Khỏe ơi là khỏe! Ở nhà phải múc nước rửa từng bàn tay. Tôi bụm nước cúi đầu xoa mặt. Xoa tới lui mãi đến chán chê, cũng là lúc tôi chợt nhận ra tôi quên mở xách tay lấy khăn lau.

Vừa xoay lui tôi bắt gặp ngay hai chiếc khăn lông trắng tinh máng sẵn ở vách ngăn. Trên một bệ nhỏ tiếp nối tấm gương, cây kem đánh răng và chiếc bàn chải còn chưa khui hộp. Tôi khen thầm Bằng quá chu đáo!

Tôi quyết định không thay đồ ngủ, thả ngửa lên giường. Bộ nệm quá êm ái. Tôi nhớ chiếc phản gỗ của nhà trọ và ở nhà ba mẹ Hưng. Tôi ao ước sau này đi làm có tiền sẽ ưu tiên cho… êm ái! Nhưng hiện tại, hiện tại thật gai góc. Tôi không biết phải ứng xử thế nào cho qua hai ngày lê thê xem chừng lành ít dữ nhiều. Hai ngày đó hẳn phải thường “vật lộn” với những người rõ ràng có học vấn cao hơn, nhiều kinh nghiệm trường đời hơn. Chỉ sơ sẩy một lời nói, một cử chỉ là tương lai tan tành. Hưng đã tưởng nhờ cậy sĩ quan bảo lãnh thì tôi dễ dàng vượt ải khám xét, dễ dàng hành động. Anh nào biết tôi đã phải trải qua những giây phút căng thẳng đứng tim. Anh lại càng không biết cái tên bạn học của anh đã đẩy tôi vào hang ổ của Võ Bằng! Riêng mỗi Võ Bằng cũng đã nhiều móng vuốt…

Từng thớ thịt như đang giãn nở và mắt cứ muốn híp lại. Ngọn đèn trên trần vẫn sáng chói dù mắt tôi đã híp. Nhưng tắt đi thì chắc chắn tôi càng không ngủ được dù tôi vốn quen ngủ không đèn. Tôi không sợ ma nhưng ở đây thì sợ người. Tôi trở mình nằm nghiêng, mặt hướng ra ngoài. Ở vị trí này tôi có thể thỉnh thoảng nhướng mắt canh chừng…
Gian buồng chật hẹp phát đều tiếng động rầm rừ, lạch cạch, lách cách chen với âm xạc xào, bùm bụp, đì đùng. Tôi nghe mãi nghe hoài và thiếp đi…

 

Chương 3

Hải phận Bình Định
Thứ sáu 4/8/1967 23:45G

Tiếng còi “te-tít, te-tít, te-tít” rền rĩ. Tôi choàng tỉnh, tim thùm thụp đập. Siết chiếc gối vào ngực và mở mắt, tôi thót người. Mọi hình ảnh đều lạ hoắc lạ huơ. Đây là đâu? Ai mang tôi đến đây? Tại sao tôi lại nằm trên chiếc giường êm ái này? Tiếng động gì mà cứ rầm rì, bùm bụp, xạc xào? Và tôi nhớ ra là đang ở trên một chiến hạm cùng tiếng còi đổi phiên hải hành.

Tôi nhấc cổ tay xem đồng hồ: 11 giờ 45. Tôi đã ngủ được bao lâu? Đang buổi trưa hay khuya? Trong lòng con tàu, ngày đêm giống nhau, lúc nào và nơi nào cũng được tỏa sáng bằng những ống huỳnh quang. Tôi lắng nghe động tĩnh. Ngoài các dị âm đã quen tai, không có tiếng động đáng nghi ngờ. Tôi cũng cảm nhận con tàu không còn nhấp nhô, lay lắc.

Tôi trở người nằm ngửa. Ánh đèn huỳnh quang chói chang. Một khối tròn như trăng rằm mọc trên vách cuối giường. Đó là chiếc đồng hồ tôi mới gặp lần đầu. Vòng ngoài ghi số lớn, bắt đầu từ đỉnh với số 00, 1, 2… đến số 23.  Vòng số nhỏ nằm trong, bắt đầu với số 00, 5, 10 … đến số 55. Cũng có ba cây kim chỉ giờ, phút, giây. Tôi suy ra giờ chiến hạm hiện là 23 giờ 45 phút. Mười lăm phút nữa là tới nửa đêm. Tôi đã ngủ nhiều lắm là ba tiếng. Khỏe đâu không thấy chỉ thấy mỏi mệt hơn.

Tôi hít vào cho đến khi không khí thật đầy phổi và bụng, đếm đến 3 rồi thở ra. Tôi làm lại vài lần.  Nghe đâu đây thoang thoảng mùi khói. Chắc chắn không phải là mùi chiến hạm. Mùi khói không còn kinh dị mà thơm dịu. Mùi thuốc lá thơm tôi ngửi ở phòng ăn. Tôi xoay vào vách, ngửi chiếc gối. Cái gối cũng là mùi đó. Có lần tôi than phiền mùi Bastos khét lẹt. Hưng bảo tiết kiệm để mua nhà, làm đám cưới. Tôi đành chịu đựng.

Có tiếng văng vẳng và tiếng đóng cửa như là cửa của tủ lạnh. Tôi bỗng nghe cổ khô khốc. Tôi lồm cồm ngồi dậy, bước chân không đến mở chiếc xách lấy đôi dép. Rồi đi rửa mặt, chải lại tóc.

Tôi lần lượt vén hai bức màn để vào phòng ăn. Võ Bằng đang ngồi ở chiếc ghế tôi ngồi ban chiều. Thấy tôi, anh chàng có vẻ ngạc nhiên:

- “Chỗ lạ, khó ngủ phải không?”
- “Ngả xuống giường là thiếp đi, không còn biết trời biết đất!” Tôi cười gượng.
- “Nhưng còn biết biển chứ?” Võ Bằng chế nhạo.
- “Thấy Đại úy mới biết!” Tôi đáp trả.
- “Và thấy khỏe?” Võ Bằng mỉm cười.
- “Chút chút!”

Đáp xong tôi mới biết bị lừa. Tôi như thú nhận có chút khỏe là nhờ thấy Bằng. Đành đánh trống lảng:

- “Còn mệt đừ nhưng khát quá phải mò ra đây kiếm nước.”
- “Cô thích nước lạnh hay nước ngọt?”

Anh Đào đã cho biết nước trên tàu có vị lờ lợ, khó uống. Tôi nhìn anh chàng sĩ quan đang pha cà phê, thấy thèm nhưng chợt nhớ đã nửa đêm mà chơi cà phê thì hết ngủ. Thôi thì giữa hai thứ, dại gì không chọn thứ ngon. Tôi nói:

- “Xin cho nước ngọt.”
- “Thứ nào?”

Đáng ghét thật. Thứ nào tàu có cho thứ ấy, cứ làm như nhà hàng. Tôi chọc quê bằng cách nói thứ tôi thích nhưng hiếm có trên thị trường:

- “Nếu có thể, xin cho lemonade.”
- “Mời cô Phượng ngồi. Ăn sáng, cô có thể ngồi bất cứ ghế nào. Nhưng trưa và chiều phải ngồi đúng ghế, nghĩa là ghế tôi đang ngồi.”

Tôi nhớ lại lúc Võ Bằng giới thiệu các sĩ quan, các Thiếu úy ngồi cuối bàn, các Trung úy ở giữa, Đại úy Bằng bên tay mặt của Hạm Trưởng, tên Đại úy Mỹ bên tay trái. Thì ra tôi được tiếp đãi như một… thượng khách! Đã không thấy vui mà càng khổ thân; ngày hai buổi phải đối mặt với tên Mỹ khốn kiếp! Tôi cằn nhằn:

- “Đại úy làm ơn cho tôi ngồi tuốt dưới kia. Chỗ này của Hạm Phó mà!”
- “Cô quên rồi sao? Cô là thân nhân của tôi!”

Nằn nì cũng vô ích. Với Võ Bằng, coi như ván đã đóng thuyền. Thì cứ trực diện kẻ thù, để thêm căm thù. Thậm chí ngay lúc này, lẽ ra tôi ngồi đối diện Võ Bằng cho phải phép, nhưng tôi kéo chiếc ghế cạnh ghế tên Mỹ. Tôi không muốn ngồi lên ghế của hắn.

Võ Bằng đang mở cả hai cánh cửa tủ lạnh đặt cạnh bàn pha cà phê. Tủ lạnh to gấp đôi tủ lạnh thường dùng ở nhà. Cả bốn ngăn gần như trống trơn, chỉ ít hộp trái cây và vài tô nhựa có nắp đậy. Ngăn dưới cùng chứa các chai nước ngọt để chồng lên nhau. Võ Bằng khom người lục lọi và cầm lên một chai. Đúng là lemonade. Anh chàng bước qua bàn cà phê, lấy cây khui nắp, nhấc một chiếc ly trên giá, rót một nửa, mang cả hai đến đặt trước tôi.

- “Không biết là cô hay tôi may mắn! Thường thì tủ lạnh trống trơn khi hết công tác.”
- “Cám ơn Đại úy, dĩ nhiên người may mắn là tôi. Thật tình mà nói, tôi có ý chọc quê Đại úy. Tôi đã nghĩ tàu làm gì có lemonade.”
- “Thì cô hẳn biết, mỗi người một ý thích. Mười quan trên tàu này chứng minh điều đó. Ông Hạm Trưởng thì chỉ nước đá lạnh. Tên Mỹ thì chỉ Coke, các quan thì không ai giống ai.”
- “Còn Đại úy?”
- “Tôi à? Tôi bắt đầu thích… lemonade.”

Anh sĩ quan quay lại nhìn tôi mỉm cười. Tôi nâng ly lemonade uống cho tới cạn. Vị ngọt lần này có pha vị ngọt trong lời của Võ Bằng. Tôi rót thêm vào ly. Chiếc ly thủy tinh in hình mỏ neo tuyệt đẹp…

- “Xin phép Hạm Phó, tôi lên Đài Chỉ Huy trước.”
- “Thiếu úy ký nhận phiên, tôi lên trễ một chút! Thấy gì bất thường, cho tôi biết ngay.”
- “Đáp nhận, thưa Hạm Phó.”

Tôi đã thấy bảng tên. Thiếu úy Hoàng Văn. Bằng chào đáp Thiếu úy Văn rồi quay nhìn tôi:

- “Bình thường thì tôi không đi phiên, chỉ tạm thay khi có sĩ quan đi phép, đau yếu.”
- “Thì ra làm Hạm Phó… khỏe re!”
- “Khỏe re như con bò kéo xe!”

Chúng tôi cùng cười rồi cùng lặng thinh. Tôi tránh đôi mắt của Bằng, cố nghĩ xem sẽ hỏi gì để tránh bị… tấn công. Chợt nhớ lời Bằng vừa nói với Thiếu úy Văn ‘Thấy gì bất thường cho tôi biết ngay’, tôi hỏi:

- “Đại úy nói ‘cho tôi biết ngay’ là cho biết thế nào? Đài Chỉ Huy hẳn ở trên cao, từ đó chạy xuống đây qua mấy cầu thang thẳng đứng thì đâu còn ‘biết ngay’ nữa!”
- “Chiến hạm có điện thoại nội bộ từ Đài Chỉ Huy đến các vị trí quan trọng như phòng Hạm Trưởng, phòng họp sĩ quan, phòng chiến báo, phòng truyền tin, hầm máy…”

Tôi nhìn ống liên hợp gắn gần khung cửa, ngang ghế ngồi của Hạm Trưởng. Tiếng của Võ Bằng như phát ra từ đó:

- “Tôi nhận cô là ‘thân nhân’ mà cả tôi lẫn cô chả ai biết ai là ai! Còn 20 phút nữa tôi sẽ lên Đài Chỉ Huy, chúng ta mỗi người có 10 phút kê khai tiểu sử. Mời cô nói trước.”
- “Tiểu sử!” Tôi kêu lên. “Nghe ghê quá! Tôi quê mùa mà tiểu sử tiểu siếc gì!”

Võ Bằng im lặng như một hình thức không chấp nhận. Tôi tìm cách hoãn binh để duyệt lại tiểu sử giả của mình. Tôi nói:

- “Đại úy nói tiểu sử của Đại úy trước đi.”
- “Một yêu cầu thông minh. Nhưng nghe xong rồi mà cô… chạy làng là không được đó. Nên nhớ cô đang ở trên tàu, có chạy trời cũng không khỏi nắng.”

Lời của Võ Bằng gợi tôi nhớ câu thơ ‘Con Cóc là cậu ông Trời…’, tôi mỉa:

- “Tôi biết chứ. Đại úy là… cậu ông Trời mà!”

Võ Bằng lườm tôi:

- “Tôi sinh ở một làng thuộc tỉnh Châu Đốc. Cha làm công chức, mẹ buôn tảo bán tần. Ông bà có năm người con, tôi lớn nhất.  Khi tôi lên đại học được một năm thì xem ra ba má tôi đã đuối sức. Nhân Hải Quân mở khóa sĩ quan, có thằng bạn rủ rê, tôi gia nhập. Về đường thê tử thì rất long đong. Thê thì định cưới cô nào là cô đó bỏ đi lấy chồng. Còn tử thì không biết có hay không. Hết!”
- “Gia cảnh của Đại úy quá độc đáo!” Tôi cười lớn. “Còn đường công danh, xem ra Đại úy đi lính chỉ để cha mẹ bớt gánh nặng chớ đâu phải vì yêu nước, phải hôn?”
- “Đúng như vậy. Nhưng vào lính rồi mới thấy quyết định đó đúng hết chỗ nói! Tôi ra trường vào thời điểm ông Diệm bị giết, các tướng tranh giành quyền lực, quân đội suy yếu, Việt Cộng mở những cuộc đánh lớn.”
- “Và Mỹ nhảy vô đô hộ!”
- “Mỹ đô hộ? Cô nghe cộng sản tuyên truyền rồi! Pháp thì có đô hộ nhưng Mỹ thì không. Họ đến vì chính quyền yêu cầu tiếp sức.”
- “Tiếp sức? Tiếp sức kiểu gì mà giết Tổng Thống của người ta!”

Bằng nhìn tôi đăm đăm. Tôi cúi nhìn tấm nỉ xanh phủ mặt bàn. Tôi vừa rót phần lemonade cuối cùng vào ly vừa giận mình quá nhạy miệng. Lẽ ra tôi phải giả vờ ngu dốt thời sự. Tôi đưa ly lên môi, tìm lời điều chỉnh nhưng Võ Bằng đã lên tiếng:

- “Ở Đại học Sư phạm, có sinh viên tham gia biểu tình chống Mỹ?”
- “Cũng có.” Báo chí đều đăng, tôi không thể nói không.
- “Cô có dự?”

Cái điều tôi lo sợ đã đến. Tôi buộc phải nói dối:

- “Không!”

Võ Bằng vẫn chiếu tia mắt ngờ vực:

- “Rất tốt! Hãy dành hết thì giờ cho việc học. Được miễn học phí, được làm giáo sư, vinh dự biết bao. Đừng dại dột nghe cộng sản, bị đuổi học, uổng lắm.”

Tôi nóng mặt, thẳng thừng:

- “Tôi không ưa cái giọng thầy đời của Đại úy. Tôi… tôi…”
- “Đủ rồi, cô Phượng. Có dịp chúng ta bàn tiếp nơi khác. Trên chiến hạm, chính trị bị nghiêm cấm.  Bây giờ đến lượt cô.”

Tôi nhìn đồng hồ. Đúng là đến 10 phút của tôi. Tôi quyết định nói thật tiểu sử của mình. Chỉ dùng tên giả là đủ an toàn rồi, cần gì nhớ thêm thân thế của nhân vật giả.   Nói dối không quen, sao khỏi lầm lẫn chân giả, giả chân. Tôi nói:

- “Tôi sinh ra ở Vĩnh Long. Ba má đều là giáo sư trung học Tống Phước Hiệp. Tôi đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Sài Gòn. Chưa dám yêu ai. Hết!”
- “Tiểu sử của cô cũng quá độc đáo, ngắn kỷ lục!” Võ Bằng nhìn đồng hồ. “Cô còn 8 phút nữa.”
- “Tiểu sử chỉ có thế, không còn gì thêm. Chỉ còn một thắc mắc lớn: Vì sao cùng khóa mà anh Đính còn mang Trung úy. Chắc anh ấy bê bối lắm?”
- “Đính nổi tiếng siêng năng, đàng hoàng. Hắn sẽ được thăng cấp một ngày rất gần. Trong quân đội việc thăng cấp dựa vào tiêu chuẩn tính điểm. Như kỷ luật, năng lực, thành tích, chức vụ. Phải không bị phạt, hoàn thành mọi công tác, được ân thưởng huy chương và nhất là được đề bạt một chức vụ có cấp bậc cao hơn.”
- “Như chức vụ Hạm Phó của Đại úy Bằng?”

Cái bản mặt thần tượng ciné nở nụ cười tươi:

- “Đúng. Nhưng để được chức vụ Hạm Phó, tôi phải đạt các yếu tố còn lại. Kỷ luật của tôi không được mấy ngon lành nhưng nhờ các yếu tố khác ngon lành hơn nên bù qua sớt lại. Khi còn là Sĩ quan Đệ tam tôi được gửi qua Mỹ lãnh tàu. Suốt sáu tháng đầu tiên tôi được học bổ túc hải nghiệp như hàng hải thiên văn, luật hàng hải quốc tế. Rồi thêm nửa năm on-the-job-training, nghĩa là học hỏi và thực tập sử dụng các máy móc dụng cụ tân trang hiện đại cho chiến hạm. Sau đó là suốt hơn một tháng hải hành liên tục từ Mỹ về Sài Gòn. Khi đi, tôi là Sĩ quan Đệ tam; khi về, tôi lên Sĩ quan Đệ nhị. Nói cho đúng, cũng nhờ có thêm thành tích trận Vũng Rô. Cô có nghe về trận Vũng Rô?”
Đó là thời điểm tôi mới yêu Hưng. Anh đã tức giận, than thở, buồn phiền mấy tuần liền trước tin con tàu chở quân dụng tiếp viện cho quân Giải phóng bị bắn chìm và vô số vũ khí đạn dược bị tịch thu. Vụ này quá lớn, cả Sài Gòn xôn xao, tôi không thể nói không biết.
- “Có, tôi có nghe!”
- “Tôi tham dự trận đó, được ân thưởng huy chương vàng, nhờ đó thêm số điểm đáng kể.”
- “Ồ!” Tôi ngạc nhiên kêu lên cùng với nỗi xót xa. Thì ra, kẻ góp phần đã gây đau buồn cho người tôi yêu là tên ngồi đối diện. Nên hắn có chết cũng đáng kiếp.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã qua 7 phút. Còn chưa đầy 3 phút. Chẳng lẽ đứng lên chào về buồng, mà ngồi lại thì cặp mắt Võ Bằng cứ nhìn tôi chăm bẳm. Anh chàng nâng tách cà phê, tôi biết, ngay khi đặt ly xuống, thế nào cũng buông câu tán tỉnh. Bèn vội nói:

- “Mình đang ở đâu, Đại úy?”
- “Không thể nói chính xác. Mình đã đi được ba tiếng. Có lẽ sắp rời vùng biển Bình Định, vào lãnh hải Phú Yên.”
- “Mới nghe tên lần đầu! Đại úy có đến Phú Yên?”
- “Cô có đến Bình Định?”

Tôi ngớ người, Võ Bằng cười, tiếp:

- “Dĩ nhiên là cô có đến Bình Định, nhưng cụ thể thì cô chỉ viếng cùng lắm là tỉnh lỵ Quy Nhơn và vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Còn bao nhiêu thành phố làng xã trong tỉnh cô chưa đi tới. Có phải không? Tôi cũng vậy, thậm chí chỉ mới dạo qua một đoạn đường của phố Tuy Hòa. Riêng thị xã Sông Cầu và Duyên Đoàn đồn trú ở đó thì tìm hiểu kỹ hơn.”

Cái lối ăn nói chi li, lòng vòng nghe chướng tai. Tôi hết muốn hỏi hay nghe thêm. Chỉ mong anh chàng đứng lên. Nhưng Võ Bằng vẫn ngắm nhìn. Thôi ráng chịu đựng vậy. Chỉ còn một phút mong manh nữa hắn buộc phải lên Đài Chỉ Huy. Đài Chỉ Huy! Thêm vào danh sách một từ lạ nữa từ khi xuống tàu: Hạm Trưởng, Hạm Phó, hạm kiều, hàng hải thiên văn… những danh từ nghe hấp dẫn. Đài Chỉ Huy hẳn là nơi dành cho giới chỉ huy. Cho nổ một phát là một đống quan đi đứt, mong là gồm cả Võ Bằng!

Anh chàng uống cạn tách cà phê. Tôi uống cạn ly lemonade. Tôi liếc nhìn đồng hồ, vừa hết giờ. Võ Bằng đứng lên, giọng ân cần:

- “Cô nên tiếp tục ngủ. Nếu thích đọc sách thì có một số trên kệ. Tàu đang xuôi sóng, hết lắc rồi, hết mửa rồi, đọc sách được lắm!
- “Tôi thích lên Đài Chỉ Huy hơn. Để về khoe bạn bè.”
- “Cô không là người yêu thủy thủ, không được phép!”
- “Nói thật, tôi quá ghét cái lối móc họng của Đại úy.”

Võ Bằng cười như hài lòng vì đã chọc được tôi nổi quạu, tuy vậy lại đổi giọng ân cần như lời xin lỗi:

- “Tôi sẽ dứt phiên hải hành vào lúc 4 giờ. Nếu cô không ngủ được và thấy đói bụng, tôi sẽ tặng cô tô mì ăn liền!”

Tôi định nói ‘không thèm’ nhưng chợt nhận ra anh chàng đâu phải là Hưng mà nhỏng nhẻo. Bằng nói ‘Hẹn gặp’ rồi rời phòng. Tôi vừa lầm bầm vừa bước về buồng. Hai túi xách còn nguyên chỗ. Tôi đi thẳng vào khu vệ sinh rồi lại ngả lên giường.

Đúng như Bằng nói, tàu xuôi sóng rất êm nhưng tôi cảm thấy chính tôi mới còn lắc lư. Ngọn đèn trên trần quá chói mắt, tôi ngồi dậy, bước qua mở đèn ở bàn và tắt đèn trên trần. Ánh sáng rực chiếu mặt bàn bọc formica xanh soi rõ từng gương mặt trong hai khung ảnh. Một khung ảnh là gia đình Võ Bằng. Anh chàng trông giống mẹ nhiều hơn cha. Hai chị em thì ngược lại. Tất cả đều tươi cười hạnh phúc. Khung ảnh kia là nàng thiếu phụ bồng con, phải chăng là hai nhân vật Võ Bằng ám chỉ qua ‘tiểu sử’ vừa kể? Nếu tôi nêu thắc mắc, liệu Võ Bằng có cho tôi quá tò mò? Mà cũng chắc gì anh chàng chịu nói!

Chiếc giường thật êm như đang san sẻ cơn mỏi mệt của tôi. Kể ra anh chàng Bằng gian nan sóng gió rất xứng đáng được đền bù. Còn mình, thật mỉa mai, được hưởng là nhờ mưu đồ tiêu diệt chủ nhân của nó. Luồng gió điều hòa từ khe hở trên trần về khuya trở nên lạnh hơn. Tôi đặt chiếc gối lên ngực và giấu hai cánh tay vào trong. Chiếc gối mềm mại, ấm áp. Điệp khúc rầm rì, xào xạc, bùm bụp làm đầu óc lung tung nghĩ ngợi.

Anh Đào đã căn dặn là vào lúc gần sáng, mọi người còn ngủ say, đi thám sát địa điểm đặt bom là tốt nhất. Tôi cũng thừa biết nhưng bây giờ chỉ mới nửa đêm. Bằng nói sẽ mãn phiên vào bốn giờ. Ăn mì xong thì vẫn còn quá sớm. Mà vội chi, còn nhiều thì giờ mà…

Có tiếng động ở phòng ăn. Tôi ngồi dậy, nằm trở đầu nhìn ra ngoài và lắng nghe. Ở vị thế này, tôi thấy an tâm hơn. Bất cứ ai bước vào buồng, tôi có đủ thì giờ tự vệ.

Nhưng tự vệ thế nào trường hợp hàng chục trai tráng được rèn luyện đánh đấm chí tình ra tay cùng lúc. Có vẫy vùng gì thân thể cũng sẽ nát như tương. Chỉ còn mối hy vọng họ không tàn ác như lời đồn. Hay ít ra cũng phải nể mặt Võ Bằng. Thân nhân của Hạm Phó mà! Nhưng nếu chính Võ Bằng?

Tôi chợt nhớ đến ba má tôi và nghe rùng mình. Trời ơi, mãi đến lúc này tôi mới nghĩ tới hai người thương yêu và tin tưởng tôi nhất. Ông bà đâu có ngờ con gái mình quá liều lĩnh. Khi nhận lời công tác, tôi không hề nghĩ tới cha mẹ, chỉ lo sợ Hưng giận, chỉ biết chiều lòng người yêu. Lỡ tôi có mệnh hệ nào. Tôi không dám nghĩ tới…

Đúng lúc đó, qua khe hở của chiếc màn và khung cửa, tôi thấy bóng dáng to kềnh của tên Mỹ dừng ngay trước cửa buồng. Tôi nín thở, chuẩn bị thế võ, chờ hắn bước vào. Nhưng hắn biến mất, hẳn là đã vào buồng hắn. Tôi thở phào…

Gian buồng càng khuya càng lạnh, Võ Bằng để cái mền ở nơi nào? Trong tủ đứng hay tủ nằm? Ngăn thứ mấy? Thôi đành chịu lạnh. Tôi nằm nghiêng, ôm chiếc gối vào ngực, một bàn tay giấu vào cái gối ở ngực và bàn tay kia luồn dưới gối kê đầu. Hóa ra dưới cái gối kê đầu là chiếc mền lông cùng màu trắng với tấm drap, được xếp nhiều lớp đặt nằm vắt ngang cuối giường.

Tôi tung chiếc mền ra, trùm kín người. Tôi cảm thấy ấm dần. Tôi lại nghĩ đến ba má tôi, đến căn phòng riêng của tôi trong căn nhà xinh đẹp ở Long Hồ, gần cầu Thiềng Đức. Tôi nhớ chiếc giường với tấm nệm mỏng manh, cặp gối thêu hoa hồng, con chó bông trên thành cửa sổ…

Những lời mơ hồ đâu đó vẳng bên tôi: “Tay lái bên phải. Tay lái bên trái. Máy tiến. Máy lùi…” Tôi nghe tiếng còi dài. Tôi thấy một hàng lính thủy áo trắng giơ tay chào.

Con tàu êm ả cập cầu. Hai thủy thủ đang hạ hạm kiều. Tôi xách hai chiếc bị bước lại gần cầu thang. Công tác hoàn tất. Quả bom đã được đặt ở phía trong của chân bàn ăn sĩ quan, chỗ Hạm Trưởng, Hạm Phó và tên Mỹ ngồi. Đó là nơi kín đáo khó ai phát giác. Càng may mắn cho tôi là tại bàn ăn sẽ có buổi họp phân công cho sĩ quan ngay sau khi tàu cập bến, cũng là lúc tôi đặt quả bom với thời chỉnh đúng 30 phút.

Tôi đã sợ toát mồ hôi khi phải chờ gặp Hạm Trưởng để nói lời cám ơn và từ giã. Mất thêm vài phút để lên đến hạm kiều. Lại thêm vài phút để Võ Bằng dặn dò toán canh gác. Tôi cố kềm cái ước muốn nhảy đại lên bờ bỏ chạy thật xa. Đâu có gì bảo đảm quả bom không nổ sớm hơn. Và tôi cũng toi đời.

Tôi đã nói với Võ Bằng miễn tiễn đưa nhưng anh chàng cứ khăng khăng giành lấy hai túi xách. Chúng tôi tiến đến chiếc xích lô còn đậu như chờ tôi trở lại. Tôi leo lên xe. Bằng đặt nhẹ hai cái xách lên chỗ để chân rồi đặt hai ngón tay lên môi. Rồi thả ra.

- "Cám ơn Đại úy về mọi giúp đỡ." Tôi thành tâm nói.
- “Mong tái ngộ.” Bằng tha thiết nói rồi quay mặt thất thểu bước.

Tôi yêu cầu bác xích lô cho tôi vài phút. Tôi nhìn chiến hạm lần cuối. Nó cập hướng mũi ra cửa biển như khi khởi hành. Chỉ một thời gian ngắn nữa tôi sẽ trở thành kẻ giết người. Tôi vẫy tay chào vĩnh biệt khối sắt có chiếc giường nệm thật êm. Vĩnh biệt Hạm Trưởng và thủy thủ đoàn. Xin chúc ngàn thu an giấc.

Bằng dừng lại giữa hạm kiều. Anh nghiêng mặt nhìn tôi. Khuôn mặt Burt Lancaster tôi ưa thích. Ánh nhìn đắm đuối thiết tha. Thế đứng gợi tôi ngày được anh tiếp đón và những đãi ngộ tốt đẹp nhất sau đó. Tôi nao nao buồn đưa hai ngón tay lên môi, thầm chúc anh sống sót và mong cầu còn dịp gặp lại nhau trên cõi đời này. Rồi tôi nhờ bác phu xe đạp nhanh về đường Trần Cao Vân như muốn sớm giao tội ác lại cho Hưng. Vừa khi chiếc xích lô ngang qua chùa Long Khánh, một tiếng nổ lở đất long trời vang lên…

Tôi choàng mở mắt. Đầu óc lơ mơ hình ảnh con tàu đang từ từ chìm. Không phải tiếng nổ mà tiếng còi te-tít, te-tít, te-tít… Tôi mở mắt, định thần. Trên trần không phải là hình ảnh quen thuộc của căn buồng nhà ba má tôi. Nó lờ mờ những khung sắt, những đường dây, những ống dẫn. Ngọn đèn huỳnh quang rọi hai khung ảnh trên bàn … Tôi chợt nghe cơn lạnh chạy dài theo cột sống. Tiếng còi đổi phiên. Tôi xem đồng hồ: 3:45. Đúng rồi, tiếng còi đổi phiên hải hành.  Tôi còn ở trên chiến hạm…

Giấc mơ của tôi sao lạ lùng! Rõ ràng con tàu đã nổ đúng thời chỉnh nhưng không nổ ở bến Bạch Đằng mà lại chính tại cái bến tôi vừa ra đi…

Giấc mơ gợi điềm báo gì? Lành hay dữ?

Còn tiếp

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023