SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

ĐỪNG XA… EM

Mai, vợ ông chết đã ba năm ông vẫn chưa vơi buồn và nhớ thương người đi bên cạnh mình nửa thế kỷ, bà không đẹp, dễ nhìn, thu hút từ đôi mắt sâu lắng để lại ít nhiều cảm tình với người đối diện.

Bà dịu dàng, rất tâm lý, nhạy bén nên mấy bà vợ các bạn của ông ai cũng thích tâm sự với bà vì họ đều thuộc thế hệ xuất giá tòng phu, chồng là người tình cũng là tía luôn.

Ông không thâm, không độc, chỉ gia trưởng một tí thôi, thời đi lính nhờ vợ ngoan hiền chăm lo gia đình nên ông tha hồ đi mây về gió khắp bốn vùng chiến thuật.

Ngày ông ra tù CS vì mặc cảm ăn cơm nhờ vợ nên ông dễ nổi nóng, bà càng co cụm hơn trước năm 75, may thay chương trình HO đã cứu vớt gia đình ông ra khỏi địa ngục CS.

Đặt chân lên đất lành, ông bà làm lại từ đầu, nhờ hội nhập xã hội văn minh nên ông bỏ lại quê nhà tính gia trưởng chăm sóc vợ con chu đáo hơn.

Thỉnh thoảng họp mặt bạn cũ ông hãnh diện khoe bà làm việc giỏi nên được thăng chức lên lương.

Ngoài bốn mươi ông mới nhận ra vợ mình thuộc loại phụ nữ xưa cũ dù thành công ngoài xã hội bà vẫn quý chồng như xưa.

Bà từng nói với ông :

- Chồng con là gia sản đời em, chức vị tiền tài chỉ là phương tiện để mình sinh tồn tiến thân nhưng khi về hưu thì mình sẽ từ giã phồn vinh xã hội để quay về nhà thôi.

Ông mang ơn xứ Mỹ đã giúp ông nhận ra chồng không hẳn là xếp của vợ mà là người đồng hành và cùng sang sẻ việc nhà với vợ vì bà cũng đi làm mang lương về nhà lại còn gánh vác cái bếp và bao thứ linh tinh khác.

Mười mấy năm lao động cần cụ, bà về hưu được vài năm thì bị ung thư vú, hơn hai năm vào ra bệnh viện bà ra đi trong giấc ngủ sâu, ông như người mất hồn, Quân con trai và Vy con gái, cháu nội ngoại bàng hoàng trước hung tin này, may mà các con cũng ở gần nhà ông.

Thấy ông suy sụp cuối tuần các con rủ ông đi nhà hàng, đi chơi đó đây, ông lắc đầu trả lời :

- Bố cần thời gian để làm quen với sự vắng mặt của mẹ các con.

Căn nhà ba phòng ngủ với vườn hoa quả một tay bà chăm bón bỗng trở nên mênh mông, có hôm đi làm về ông mang tô mì gói ra vườn ăn nhìn dàn hoa giấy nhớ bà da diết.

Buổi tối sau giờ coi tin tức trên TV, ông lên mạng tìm hiểu về Thiền, nghe sư thầy giảng về đạo ông hối hận vì hơi gia trưởng với bà thuở ban đầu, may mà sau này ông đã ngộ ra bà là một nửa của ông.

Từ đó cuối tuần ông thường đi chùa, mua vài món chay ăn dần trong tuần, sư cô thấy ông hay mua thức ăn nên hỏi:

- Ông ăn chay trường ?

Ông lắc đầu :

- Tôi không rành nấu ăn nên mua đồ chay cho gọn và tập nấu món chay đơn giản hơn món mặn.

Một cô đứng bán hàng cười :

- Hình như ông mới đến đây vài tháng nay.
- Vâng tôi là tín đồ mới.

Trao đổi vài câu xã giao rồi ông rút lui, về nhà lên youtube học nấu đồ chay, chủ nhật ông gọi các con đến ăn thử, Vy con gái của ông góp ý :

- Bố nêm hơi lạt, nhưng đậu hủ chiên của bố giòn ngon.

Bé Ty con của Vy đoán mò :

- Sư cô ở chùa chỉ ông nấu đồ chay ?

Ông lắc đầu :

- Youtube dạy ông đấy, con thấy được không ?

Bé Ty trố mắt :

- Thật vậy sao hay có bà nào chỉ ông nấu ?

Ông khỏ nhẹ lên đầu nó :

- Món chay không khó như đồ mặn, hiểu chưa con khỉ.

Con bé chưa tha, hỏi tiếp :

- Vậy nếu nấu món mặn ông phải tìm cô giáo giúp đỡ ?
- Ông ăn chay nên chả cần cô nào cả.

Chiều về nhà Ty nhắc vụ nó gài ông ngoại tìm người bầu bạn mà ông không quan tâm, Vy nhìn con bé trân trân :

- Chuyện người lớn con để ý làm gì ?
- Con tội nghiệp ông vào ra một mình chắc ông nhớ bà ngoại lắm.

Vy gật đầu :

- Biết vậy thì để cho ông yên, ở tuổi này ông cần được yên tịnh hơn là tìm một người khác thay bà.

Con bé nhanh nhẩu :

- Chắc ông còn thương nhớ bà nên…

Con nhỏ chưa dứt lời,Vy mắng con :

- Đừng có lộn xộn, để cho ông yên, con cháu đến chơi với ông là ông vui rồi, hiểu chưa !

Chuyện con Ty muốn ông ngoại tìm người bầu bạn cho vui không ngờ lại xảy ra thật, mấy tháng sau trong sân chùa ông đang chuyện trò với sư cô, một phật tử chờ ông chào sư cô rồi cô ta đến bên ông hỏi :

- Xin lỗi có phải anh Sơn hồi trước ở gần chợ Đa Kao, em Sương đây hàng xóm cũ nè.

Ông nhìn cô suy nghĩ một chút rồi trả lời :

- Nhớ rồi, em qua bên này hồi nào vậy ?
- Gia đình em đi vượt biên năm 92, nhờ ba là cựu quân nhân VNCH nên mới được chính phủ cho định cư ở đây.

Cô Sương dù trẻ hơn ông cả chục tuổi nhưng cũng lên hàng bà nội, bà ngoại, cô lỵ dị chồng hơn mười năm, họ chia nhau mỗi người một tiệm nail.

Từ lúc gặp lại ông cô đi chùa thường xuyên để gặp ông, cô mời ông đến nhà cô cho biết, sau đó ông phải mời cô đến nhà ông đáp lễ, hôm đó cô thắp nén nhang khấn vái đôi lời với vợ ông, cô khấn điều gì, giời biết.

Thời gian qua lại với cô Sương gần đủ để họ hiểu nhau, một hôm ông bảo các con đến nhà để cha con trao đổi về cô láng giềng ngày xưa.

Ông « báo cáo » như ri :

- Bố gặp cô Sương ở chùa, con cháu của cô vẫn ở bên Texas, thỉnh thoảng các em có về đây thăm cô.

Quân thắc mắc :

- Bố đã gặp các con của cô chưa ?

Ông gật đầu :

- Chúng nó lớn rồi, có đứa đã lập gia đình lại không ở gần cô nên ủng hộ chuyện cô đến với bố.

Vy hỏi ông :

- Bố có hình cô Sương ?

Ông mở laptop khoe hình cô Sương và hình cô chụp chung với ông, con cháu bu quanh laptop khám phá người đẹp của ông, xem cả chục tấm hình, Vy kéo tới kéo lui hình hai người chụm đầu vào nhau.

Vy tặc lưỡi :

- Eo ơi, hình này mùi hơn mít rụng !

Thế là thiên hạ chen lấn « nhòm » người đẹp, con Ty lanh chanh :

- Cô Sương điệu quá, môi đỏ lét, dầy cui…

Con nhỏ chưa dứt lời, Vy chỉnh con bé :

- Con phải gọi là bà chứ không phải cô, môi dày của bà nói theo thời thượng là môi mộng đấy.

Con bé le lưỡi nói nhỏ :

- Ý ẹ.

Thúy vợ của Quân giải hòa :

- Đúng là cô Sương có chỉnh sửa nhan sắc, đẹp hay đẹp ngất ngây tùy người đối diện.

Con Ty lại thắc mắc:

- Người đối diện là ai vậy bác Thúy?

Ông câu cổ con bé:

- Ôi cái con mù chữ tiếng Việt nên thắc mắc tùm lum, người đối diện là ông của mi đây này.

Cả nhà cười vui vẻ, ông phân trần:

- Cô Sương tân trang gương mặt thật chu đáo, lúc đầu bố hơi sốc, nhìn mãi cũng quen, nhưng tính cô thật thà, nghĩ sao nói vậy, cái nết ăn đứt cái đẹp.

Mọi thắc mắc về cô Sương đã được ông trả lời thỏa đáng, một tháng sau ông mời cô đến nhà dùng cơm và ra mắt gia đình của ông.

Hôm đó nhà ông vui nhộn hẳn khi họ nhắc lại thuở sống tại Đakao, gia đình ông và vợ chồng cô Sương thân thiện với nhau hơn sau 30 tháng 4, họ thay nhau xếp hàng đi mua gạo, đường, than, dầu hôi…theo tiêu chuẩn phân phối nhu yếu phẩm của giặc cộng ở phường.

Sau giờ cơm cô Sương biểu diễn màn karaokê, hát một lúc cô đưa micro cho các con của ông đồng ca rồi lôi ông nhảy với cô.

Tiễn cô Sương ra về, con Ty lên tiếng :

- Bà Sương điệu thiệt, áo quần, son phấn như tài tử, bù lại bà hát karaokê quá hay, nhảy đầm giỏi nữa nên con cũng okê.

Vy trêu con bé :

- Ô hay, đâu ai cần con okê bà Sương, ông ngoại gật đầu là đủ rồi.

Cả nhà được một trận cười thỏa thích, ông chợt nghĩ, con Ty nói đúng, cô Sương son phấn hơi dày so với vợ của ông, nhưng ông không phiền.

Một ngày đẹp trời cô Sương khăn gói đến nhà ông chụm củi nấu cơm, ông tạm thời goodbye chùa chiền. Cuối tuần ông báo con cháu đến nhà để cô đãi bữa cơm chính cô nấu và sẽ nấu dài dài cho ông thưởng thức mỗi ngày.

Sau đó ông mời các bạn đến nhà dự sinh nhật ngày ông tròn 70 đồng thời ra mắt cô Sương và các con của cô với bạn bè, con anh con em vui vẻ ra mắt nhau, cơm nước xong các bà dọn chén bát, pha cà phê cho các ông rồi mấy bà chuẩn bị hát karaokê.

Không khí nhộn nhịp không khác ngoài phố khi cô khai mạc màn karaoké, vừa hát cô kéo bạn của cô, bạn của ông, múa mây với cô một lúc rồi thay « partenaire » cho đến hết bài hát.

Úi chà màn diễn xuất của cô thiệt là lạ với người này nhưng sống động với người khác, mấy ông bạn của ông được cô nắm tay dìu theo điệu nhạc bỗng thấy mình trẻ ra.

Con Ty trố mắt theo dõi «bà trẻ » thật điêu luyện dìu vài cụ ông lướt nhạc theo bà, bà Liên bạn cô Sương tiếp tục hát để cô nghỉ xả hơi.

Con Ty đến bên cô nói nhỏ :

- Chút nữa bà kéo ông ngoại nhảy với bà đi.

Bà để ngón trỏ lên môi, nói khẽ :

- Ty nói đúng, để ông thổi nến rồi bà sẽ nhảy với ông.
- Bà chọn bài nào hay nhe bà, đừng hát bài « Happy Birthday » xưa lắm.

Bà gật đầu đứng lên đến bên ông uống ly rượu lúc nãy bà vừa nhấp môi, tiếng nhạc vừa dứt, bà Liên đến trao micro cho bà Sương, bà nói :

- Các bạn cho mình xả hơi một chút, anh chị nào thích thì hát giúp vui nha.

Tiếng nhạc trổi lên vài người thay nhau cầm micro hát hò cho thiên hạ nhảy nhót, cô Sương ngoắc Vy đi vào phòng với cô, một lúc sau Vy đi ra chờ cô Liên dứt bài « Tình » của Văn Phụng, Vy mời mọi người về chỗ ngồi nghỉ giải lao.

Một lúc sau, Thu Cúc con gái cô Sương cầm dĩa bánh sinh nhật của ông ra đặt lên bàn, Vy nắm tay cô Sương trong chiếc áo dài màu hồng nhạt đến bên bố mình,

Vy cầm micro mở lời :

- Thưa các bác và anh chị em, cháu cảm ơn mọi người đến chung vui với gia đình cháu nhân ngày sinh nhật bố cháu tròn 70 tuổi, mời cô Sương đốt nến cho bố.

Chăm lửa cho cây nến số 7 và số 0, ông lên tiếng cảm ơn cô Sương và con cháu cũng như bạn bè đến đây chung vui với ông, ông định thổi nến thì con Vy chạy đến bên ông nói :

- Ông khoan thổi nến chờ bà trẻ hát tặng ông một bài, mà không phải bài « Happy Birthday ».

Mọi người ngạc nhiên nhìn cô Sương, ông quay nhìn cô chưa kịp lên tiếng, cô chìa ngón trỏ lên môi ông :

- Anh cho em vài phút hát tặng anh ngày vui hôm nay.

Cô cầm micro, mở phần nhạc đệm và cất tiếng hát,

Đừng xa em đêm nay khi bóng trăng qua hàng cây
Đừng xa em đêm nay, đêm rất dài…

Cô cất tiếng  hát và kéo ông nhảy với cô, thiên hạ cũng kéo nhau nhảy theo tiếng hát của cô Sương, con Ty chụp hình lia lịa, khi cô Sương dứt lời mọi người vây quanh ông và cô Sương đồng thanh, kiss, kiss…please.

Ừ thì kiss nào, ông hôn phớt lên má của cô, bé Ty đang chụp hình la làng :

- Ông ngoại ăn gian, ông phải kiss chứ sao lại hug.

Ông véo tai nó :

- Con khỉ, tối nay đi ngủ ông sẽ kiss bà, bây giờ ông phải thổi nến đây.

Tất cả quay quần bên ông chờ ông thổi nến, đám con nít tung confettis trong tiếng vỗ tay của mọi người, nút chai Champagne văng tung tóe… tất cả nâng ly chúc mừng ông và cô Sương.

Tối hôm đó, ông và cô Sương đang tỉ tê trên giường, phone của ông reng lên, ông mở haut parleur, tiếng con Ty ré lên :

- Ông ơi, ông ngủ chưa, ông nhớ kiss bà trẻ như ông hứa nhá.

Nói xong nó tắt phone ngay, ông nháy mắt nói với bà, one more em nhé…

Oct 2023 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023