SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

Duyên

Hà Bạch Trúc

Hồi nhỏ, tôi thường theo mẹ đi chùa. Mẹ đi chùa để “lạy Phật và nghe thuyết pháp”, tôi đi chùa để được ngồi bên mẹ, nghe tiếng đọc kinh vang rền, nhìn những pho tượng to lớn và những người lạ chung quanh để cảm thấy mình được mẹ che chở.

Chùa khác với nhà thờ, toàn ngồi dưới đất. Mẹ ngồi xếp bằngngay ngắn, còn tôi thì siêu vẹo lúc ngồi tựa vô người mẹ, lúc nằm dài bên chân mẹ, lim dim trong tiếng kinh rền chung quanh. Có lẽ vì thế mà tôi thích đi chùa. Tôi còn nhỏ, đâu hiểu gì những câu kinh, những bài kệ, nhưng vẫn thích được đắm mình trong tiếng kinh, tiếng mõ, thích bầu không khí ở chùa. Mẹ đi chùa Kỳ Viên ở đường Phan Ɖình Phùng. Mẹ là một Phật tử trong tâm, không thường xuyên đi chùa, chỉ ăn chay mỗi tháng hai ngày (ngày rằm và mùng một), ngày mùng một Tết năm nào cũng đi chùa và ăn chay, và chỉ thỉnh thoảng mới đi nghe thuyết pháp ở chùa. Ở nhà, mẹ có cuốn kinh nhỏ và khuyến khích các con đọc. Tôi là người hay theo mẹ và nghe lời mẹ nên cũng thuộc vài câu kinh, dù chẳng hiểu gì.

Lớn lên tôi cũng không thường xuyên đi chùa, coi đó là cái duyên mỗi khi có dịp đến chùa. Ðối với tôi, đạo Phật là một cách sống hơn là một tín ngưỡng. Tuy nhiên tôi vẫn ý thức mình là người Phật tử nên luôn cố gắng sống theo giáo lý nhà Phật, xem Nhân Quả là căn bản hành xử trong cuộc sống. Và lâu lâu, khi có dịp, cũng vui mừng được đến chùa lạy Phật.

Sau ngày 30 tháng tư 1975, cái duyên đi chùa bị gián đoạn. Phải chờ đến nhiều năm sau, khi định cư tại Hòa Lan, cái duyên đó mới lại đến. Bốn mươi năm trước, làm gì có một ngôi chùa Việt Nam nơi đây, cho nên khi đặt chân đến Hòa Lan, tôi theo chân chồng tham gia vào việc thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan.

Cái duyên đưa chúng tôi gặp gỡ ông bà Jas là những người có lòng muốn giúp Phật tử tị nạn Việt Nam tạo dựng một ngôi chùa nơi quê hương mới của họ.

Rồi cũng do duyên mà tôi được theo các thầy Thích Minh Tâm, Thích Thiện Huệ đi thông dịch tiếng Hòa Lan cho các thầy trong những lần gặp gỡ đầu tiên với ông Henk Jas về việc thành lập Hội và việc bảo lãnh một thầy từ trại tị nạn sang Hòa Lan để hướng dẫn tinh thần cho Phật tử Việt Nam.
Rồi chúng tôi đi cùng ông bà Jas qua chùa Khánh Anh của thầy Thích Minh Tâm ở Bagneux bên Pháp để ông bà tìm hiểu về sinh hoạt trong một ngôi chùa.


Qúy Thầy gặp gỡ ông bà Jas lần đầu

Phật sự tại Hòa Lan từ đó được hình thành, đầu tiên qua việc chính thức thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam, rồi tiếp theo một thầy được chấp thuận cho sang Hòa Lan định cư với tư cách tị nạn. Vị thầy này, đại đức Thích Minh Giác đã biến cải ngôi nhà thuê của mình thành Niệm Phật Ðường “Niệm Phật”. Từ đó tôi lại có duyên và có nơi để đến lễ Phật.

Rồi Phật sự ngày thêm khởi sắc; nhờ sự đóng góp của toàn thể Phật tử, Hội đã mua một trang trại nhỏ và biến cải thành ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Hòa Lan, chùa Vạn Hạnh tại Nederhorst-den-Berg. Thế là duyên đi chùa của tôi chuyển về chùa Vạn Hạnh ở thị xã nhỏ này. Rồi nhiều năm sau, một ngôi chùa Vạn Hạnh hoàn toàn mới được xây cất tại thị xã Almere. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa cũng là cái duyên cuối cùng tôi được gặp thầy Thích Minh Tâm. Thế là từ đó tôi đi lễ Phật ở chùa Vạn Hạnh, Almere. Cũng như mẹ, tôi đến chùa vào những ngày lễ lớn trong năm: Tết Nguyên Ðán, lễ Phật Ðản và lễ Vu Lan. Trong lòng ước hẹn sẽ đến chùa thường xuyên hơn khi cuộc sống không còn nhiều bận rộn cơm áo.

oOo

Sáng hôm nay, tôi lên chùa dự lễ thất tuần của thân mẫu một người bạn. Trời hôm nay trong sáng, gió nhè nhẹ đuổi mây trắng bay tỏa khắp bầu trời. Chánh điện rộng rãi, thanh cao, sáng trưng bởi ba bức tượng: Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bố Tát và Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Mỗi lần bước chân vô chánh điện, tôi thấy lòng thanh thản tức thì, quên hết mọi ưu phiền, mọi suy nghĩ tiêu cực, chỉ còn những ý niệm lành thiện và nụ cười tươi với mọi người.

Chúng tôi mỗi người một cuốn Kinh Nhật Tụng, thành tâm chăm chú đọc theo thầy. Giọng thầy trầm ấm nhưng rất rõ và vang dội như tiếng đại hồng chung. Trong tiếng rền vang theo thầy đọc kinh, tôi thoáng thấy như mình sống lại đoạn đời êm đềm ngày xưa theo mẹ đến chùa.

Lòng chân thành, tâm bình thản nhưng cũng thấy mình như két, đọc mà chẳng hiểu bao nhiêu. Có những đoạn kinh chữ Phạn thuộc lòng nhưng mù tịch nghĩa: “Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da”; có những đoạn dịch ra chữ Hán hay chữ Quốc ngữ thì cũng chỉ hiểu lờ mờ. Nhưng có hề gì, đắm mình trong tiếng kinh mõ hồi lâu thì mọi hoạt động của trí óc cũng dần chậm lại, mọi suy nghĩ và mọi suy tính cũng tan biến đi. Thức rơi vào cởi bỏ, chỉ cố đọc theo thầy cho kịp, cố giữ hơi thở cho đều và giọng ngân nga cho đúng nhịp. Hồn như say trong tiếng kinh rền, bay bổng nhẹ tênh trong niềm thanh tịnh ngào ngạt nhiệm màu. 

Bỗng trí bất chợt dừng lại, như xe thắng gấp trước một câu kinh. Thầy đã đọc xa mà tôi vẫn còn đứng đó.

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ …
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

Tôi bỗng chợt hiểu câu này có nghĩa là trăm đời ngàn kiếp khó gặp lại. Rồi choáng ngợp trong sự vui mừng thức tỉnh! Bao nhiêu năm đọc kinh như két, chẳng hiểu gì, sao hôm nay bỗng chợt sáng ra, như ánh sét đánh vô đầu, trí bừng tỉnh, và trong một chớp tôi bỗng ngộ một điều. Chỉ một điều thôi nhưng đủ để ánh sáng chói lòa, để niềm vui dâng trào, để lòng ngập tràn hạnh phúc. Tôi như nhìn thấy câu trả lời cho bao nhiêu câu hỏi của mình.

Trong vô số kiếp luân hồi, đầu thai làm thân người là điều khó được, là một phước lớn do nhơn lành và tu dưỡng của nhiều đời trước. Gặp gỡ nhau trong kiếp này là có duyên lớn với nhau. Mất nhau rồi, khó mà gặp lại. Kiếp này gặp nhau phải trân trọng cái duyên gặp gỡ đó, phải tận hưởng hạnh phúc bên nhau, phải bỏ qua những dị biệt nhỏ nhặt, không nên giận hờn rồi xa cách. Phải biết quý mọi duyên gặp gỡ trong cuộc đời, từ một người thân, người yêu, người bạn hay chỉ một người sơ quen. Bởi bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, bởi trăm ngàn muôn kiếp khó mong gặp lại.

Về nhà, lên mạng tìm hiểu thêm thì biết đây là một trong bốn câu của bài Khai Kinh Kệ thường thấy trong kinh điển Phật giáo. Bài kệ này do hoàng đế Võ Tắc Thiên cảm hứng đề bút khi được dâng tặng bộ Kinh Hoa Nghiêm vừa được phiên dịch.

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.

Dịch:

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Nhờ lời dịch, tôi hiểu bài kệ có ý nghĩa cao siêu hơn, đó là cái duyên gặp Phật. Không dễ gì gặp được Phật pháp vì trăm ngàn muôn kiếp biết có được làm thân người, biết có cơ hội đến chùa, gặp thầy, lạy Phật, đọc kinh và thấu hiểu ý nghĩa. Cho nên khi đã gặp Phật pháp thì phải hết lòng trân quý duyên lành này để lo tu tập, trì tụng và thực lòng tìm hiểu giáo lý Phật. Càng hiểu, tôi càng cảm thấy hối hận vì bấy lâu nay đã qua loa cùng Phật pháp, cứ lần lựa hẹn sẽ đến chùa, sẽ học Phật.

Tôi chợt nhớ có một lần, lâu lắm rồi, nằm mơ thấy mình vô chùa, được thầy ban cho chiếc áo cà sa. Tôi sung sướng mặc vào, theo thầy đi dạo trong chùa, rồi không biết nghĩ sao lại cởi áo ra, trả lại cho thầy. Kể mẹ nghe, mẹ nói tôi đã đánh mất cái duyên của mình. Phải chăng do vô thức, vô minh nên tôi đã đánh mất cái duyên đến với Phật pháp ngày ấy.

Bài kệ này cũng khiến tôi liên tưởng tới những điều chính ra mình không nên làm. Tôi nhớ tới những lần đã buồn giận thằng con vì nó làm không đúng ý mình, những lúc hờn dỗi chồng vì những lời nói không bùi tai, những lời trách hờn em út vì nó hay cãi, những cuộc đôi co với bạn rồi lạnh nhạt chia tay. Tôi đã không biết tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc bên những người thân quen đó.

Tôi cũng chợt nghĩ tới những người, những cuộc gặp gỡ chính ra mình phải biết trân trọng. Như những người găp gỡ trong buổi tập thể dục hàng tuần mà tôi thường dửng dưng, ít khi bắt chuyện hay dành cho họ chút thì giờ ít ỏi của mình. Phòng tập thể dục nhìn ra một khu rừng nhỏ, bốn mùa, bốn màu, bốn cảnh khác nhau. Mùa đông cây trụi lá, mùa xuân lộc non nhú ra mơn mởn mầm hy vọng, mùa hè cây cối xanh um, mùa thu lá đổi sắc màu vàng, đỏ, nâu. Trong lúc tập, tôi thích nhìn ra bên ngoài, cảnh rừng luôn thay sắc đó, và thực tâm không mấy hứng thú khi có người đến bên trò chuyện. Những người đồng tập phần đông là người lớn tuổi, họ đã về hưu từ lâu và thích nói chuyện hơn là tập. Chỉ hỏi họ một câu xã giao là họ huyên thuyên kể chuyện không dứt, tôi thường hay tránh nói chuyện với họ trong khi tập. Nghĩ lại, tự trách mình đã không đáp lại sự thân tình họ dành cho mình, đã không dành cho họ nhiều thì giờ hơn, đã không sẵn sàng trò chuyện lâu hơn để đem lại cho họ thêm chút niềm vui trong cuộc sống. Bởi tôi đã không thấu hiểu cái duyên gặp gỡ đó. Giờ đã hơn một năm phòng tập thể dục bị đóng cửa vì nạn dịch Covid, không biết bao giờ mới được đi tập lại, mà có đi lại, biết có còn gặp được các ông bà ấy không?

Một người tôi hối hận nhiều nhất khi nhớ tới là bà Thea, người bạn cuối cùng của tôi. Gọi là cuối cùng vì sau đó tôi không “tậu” được người bạn nào khác. Và có lẽ từ đây cho đến hết đời cũng sẽ không có được một người bạn như thế. Trẻ con dễ dàng làm bạn, còn người lớn thì càng lớn tuổi càng khó. Rồi đến một lúc nào đó, chỉ còn nhìn lại kiểm điểm xem mình có được bao nhiêu người bạn. Ðó sẽ là lúc mình giật mình, hay đó sẽ là lúc mình sung sướng vì biết mình đã “bỏ túi” được vài bông hoa “bạn”.

Lần đầu chúng tôi gặp nhau là hôm cộng đồng người Việt tại thị xã tôi ở tổ chức mừng Tết Nguyên đán, có mời rất nhiều khách Hòa Lan trong đó có ông thị trưởng cùng một số đại diện của Tòa thị chính. Ðó là cái Tết đầu tiên của tôi ở xứ người. Trong buổi lễ, tôi được cử làm xướng ngôn viên tiếng địa phương. Giữa chương trình văn nghệ, trong giờ giải lao có một người phụ nữ Hòa Lan đến làm quen và trò chuyện rất cởi mở, mời tôi đến nhà chơi và nói sẵn sàng dạy tiếng Hòa Lan cho tôi. Có lẽ bà thấy tiếng Hòa Lan của tôi còn kém. Người đó là Thea. Từ đó cứ cách hai tuần, tôi đến nhà Thea để học thêm tiếng Hòa Lan. Chúng tôi thân nhau nhanh chóng, dễ dàng, trò chuyện cởi mở về mọi đề tài. Thea thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi, nâng đỡ tinh thần tôi và kể tôi nghe về cuộc sống thường nhật của bà. Tôi có điều gì vui buồn, thắc mắc hay thất vọng trong cuộc sống mới cũng kể cho Thea nghe. Khi mẹ tôi mất, Thea viết cho tôi một bức thư dài, cám ơn đã được mời dự lễ cúng 49 ngày ở chùa, đã đưọc phép chia sẻ cùng tôi nổi đau lớn này. Tôi sanh con, Thea đến thăm, ngoài quà cho em bé còn thêm lọ nước hoa cho tôi. Thea nói: “Người ta thường chú ý tới em bé mà quên đi người mẹ”. Thea tình nguyện giữ em bé, khuyến khích tôi đi chơi, đi ra khỏi nhà cho thoải mái. Mỗi lần đến nhà tôi ăn cơm, món nào thích thì nói: “Lần sau cứ làm món này nữa nhé, không cần thay đổi”, rất thật lòng, như một người bạn. Còn tôi, không hiểu sao cứ dè dặt, cứ ái ngại, không dám đến thăm Thea thường, mỗi khi nghĩ Thea là vợ ông thị trưởng và lại là ombudsman giữ nhiệm vụ xử những vụ dân khiếu nại cách làm việc của các công sở.

Dần dà, tôi nói Thea cho tôi đến thăm sau ngày sinh nhật của Thea bởi vì tôi ngại nếu đến đúng ngày sẽ gặp bạn bè của Thea và của ông thị trưởng. Khi Thea dọn nhà đi xa, vẫn cố gắng về thăm tôi, còn tôi thì lâu lắm mới đi thăm Thea một lần, cứ lần lữa hẹn, với lý do bận rộn công việc, bận rộn con cái, bận rộn cuộc sống. Rồi Thea về hưu được mấy tháng thì phát bịnh nặng. Tôi chạy đến thăm, nhưng chỉ được một lần thì Thea qua đời. Ngày đưa đám Thea, tôi ôm bó hoa xanh-trắng, hai màu mà Thea thích, đi sau quan tài tiễn Thea đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Ðám ma rất đông người, ngoài gia đình của Thea, tôi chỉ biết có vài người nhưng nhiều người biết tôi. Họ đến bắt tay chia buồn và nói: “Bà là người bạn Việt Nam của Thea; Thea hay nhắc đến bà”. Tôi buồn và hối hận, cảm thấy mình thiếu sót vô song vì đã không đáp lại đúng mức tình bạn chân thật của Thea. Thôi thế là hết, chẳng bao giờ còn cơ hội đến với Thea, người bạn cuối cùng ấy.

Trong văn hóa Nhật chữ duyên cũng bàng bạc trong khái niệm Ichigo Ichie (nghĩa đen: một lần, một gặp gỡ) nhắn nhủ mọi người phải biết trân quý giây phút hiện tại vì mỗi giây phút là một kinh nghiệm độc nhất không thể nào lập lại, cũng như mọi gặp gỡ trong đời chỉ đến một lần duy nhất, mất đi rồi không bao giờ tìm lại được.

Cây thay lá mỗi mùa, lá rụng rồi lá lại mọc, con người đã mất thì mất luôn, có tái sinh cũng đầu thai một kiếp người khác, khó lòng gặp lại những người muôn năm cũ.

Tôi thầm hứa từ nay sẽ không để cái duyên gặp gỡ bị chi phối bởi những dị biệt nhỏ nhặt trong cuộc sống, cũng như không để cái duyên đi chùa bị lệ thuộc vào những bận rộn cơm áo thường tình. Khi có duyên gặp gỡ người, có duyên đến với Phật pháp thì chớ nên lơ là, chểnh mảng để lỡ cơ hội, phải nhiệt tình đón nhận và thành tâm tu tập. Bởi khi duyên đã mất thì “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, trăm ngàn kiếp cũng khó mong gặp lại.

Hà Bạch Trúc

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023