SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

KHÔNG LÀ TRĂM NĂM

Viết tặng LT và bạn đồng môn SPQN 6 &7 của anh

Phân vân mãi rồi tôi cũng quyết định ghi danh tham dự buổi Họp mặt Cựu giáo sinh Trường Sư phạm tôi đã tốt nghiệp hơn 50 năm trước, ngày tôi chỉ qua tuổi hai mươi mới vừa đôi năm. Từ rất lâu tôi vẫn nghĩ mình là người bạc tình với ngôi trường nên thơ nằm bên ghềnh biển có ngôi mộ của chàng thi nhân mệnh yểu. Ra trường nhận nhiệm sở lên vùng cao nguyên Di Linh trùng điệp những đồi trà náu mình trong sương sớm, chỉ vài tháng sau tôi đã vội bỏ lớp, bỏ trò, phụ lòng phấn trắng bảng đen, đi vào đời quân ngũ để quên buồn, rồi vui với sóng nước hải hồ. Suốt những tháng năm sau đó cuộc đời tôi là một chuỗi dài của định mệnh. Hay ít ra trong một thời gian rất lâu tôi đã yên tâm nghĩ vậy. Chỉ là định mệnh mà thôi. Rồi sống, rồi vợ con gia đình, phận nước phận nhà, thân thế lênh đênh. Tuy thế lòng vẫn thường nghĩ về Tâm, người con gái của mối tình đầu có đính ước mà không có trầu cau. Có duyên mà không nợ, người đời nói vậy. Thời gian sau này, tôi thường tự hỏi phải chăng lòng ích kỷ cùng nỗi thôi thúc chiếm hữu tuyệt đối đã khiến tôi quá lý tưởng trong tình yêu thời son trẻ để rồi tất cả trở thành nỗi mất mát lớn lao cho đời mình. Nỗi ân hận triền miên như thân phận, tâm đắc lời thơ của Hoài Khanh như dòng sông đã chảy xa mù. Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu… Dù sao chăng nữa tôi chẳng hề hết yêu em.
Đêm họp mặt, không phải tình cờ mà tôi được xếp ngồi chung bàn với các cô cựu giáo sinh sau tôi một khóa. Ngoài tôi còn có một cô cũng đến một mình. Tranh, cô bạn đồng môn tôi còn giữ liên lạc, gia đình đang định cư ở Nam Cali, chỉ cách nơi họp mặt chừng nửa giờ xe. Tranh tươi cười nhìn tôi.

- Anh Nhân còn nhớ Cầm không? Tụi ni cùng phòng với Tâm đó. Cầm từ Việt Nam qua thăm cháu ngoại du học bên này. Thấy hai người “mồ côi” nên sắp ngồi chung để nhận lại bà con.

Từ lúc nhìn chào sơ giao tôi đã nhận ra nét mặt quen nhưng không nhớ nỗi tên người. Nhân ngạc nhiên, đứng dậy thốt lên.

- Cầm, nữ danh ca của khóa 7 đây mà! Cô này hát Nguyệt Cầm hay tuyệt. Rồi anh đùa… Có lẽ sau này Cầm hát nhạc opera thường nên tôi nhìn mà chưa nối được tên với người. Rất hân hạnh gặp lại.

Mọi người đang lạ lẫm nhìn nhau thì một ông chồng cười lớn, gật gù nói với Nhân.

- Anh Nhân chắc ở nhà thường hay bị Tham Mưu Trưởng cho ăn đòn mập mình quá!?

Cô vợ hơi bị phì nhiêu của ông này, mắt liếc Nhân sắc như dao cau, giọng Huế đãi ra dài hơn cầu Trường Tiền.

- Cầm, mi thụi ôn Nhân một thụi cho tau. Ôn nớ nói mi với tau “ăn được cơm” đó.

Nhân né Cầm đang cười cười vờn vờn ngũ trảo trước mặt, bỡn cợt phân bua.

- Oan tui O Cầm ơi, tui chỉ nghĩ là có thể bầy cháu nội ngoại của mệ kén ăn quá nên mệ phải ăn mứa cho cháu thôi mà.
- Nhưng mà hát nhạc Opera là răng? Cầm hỏi.

Một ông chồng khác trong bàn âm mưu đổ xăng vào lửa.

- Ở những nước Tây Phương, các buổi diễn tại Hí viện Nhạc kịch Opera chỉ khi nào thấy một mệ ca sĩ có da có thịt, tròn tròn, mum mum ra hát thì mới vãn tuồng được, cho nên mới có câu “The opera ain't over until the fat lady sings”.

Cả bàn cười xòa, tiếp tục chuyện trò nổ như bắp rang. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều O Huế tụ lại một chỗ nhiều như tối nay. Tất cả đều là hành khách vui vẻ, dễ tính trên chuyến tàu kỷ niệm cùng nhau trở về thuở xuân xanh có ngôi trường sư phạm bên bờ vịnh biển kiêu sa hàng dương liễu xanh. Ngày đó những tâm hồn không đơn chiếc thỏa thuê tắm mát trong suối nguồn tình thân và tuổi trẻ. Họ vui với tự do trước mặt, chưa kịp ưu tư với trưởng thành, với ngã rẽ phải chọn lựa và dự cảm lìa xa.

Cả hội trường chật ních người, đêm nay đang tưng bừng mở hội. Mọi người đều náo nức trở về với tuổi hai mươi, tay bắt mặt mừng, hét vào tai nhau lời thăm hỏi vì tiếng nhạc vang dội bập bùng làm rung động cả những hàng đèn rực rỡ ánh màu. Họ ôm chầm lấy nhau bởi có người đã chưa hề gặp lại nhau từ ngày tốt nghiệp. Hơn nửa thế kỷ mà tưởng mới hôm qua.

Tôi xúc động nhìn quang cảnh ồn ào, rộn rã quanh mình. Lòng suy nghĩ vẩn vơ nhưng không buồn mấy. Những “nếu như”, “phải chi” tôi đã nhiều lần nghĩ tới trong suốt 50 năm qua đang lúc này trở về trong ý nghĩ. Ước chi có chiếc thảm thần tôi sẽ bay ngược dòng thời gian về trước cổng trường xưa, mở toang cánh cửa khép im lìm để nhìn thấy hàng phượng sân trường vẫn còn xuân sớm. Tôi sẽ kịp xé nát tờ thư chia tay chưa gởi. Căn phòng thân quen trên tầng 2 có riêng tình em đằm thắm đợi chờ như chưa hề có cuộc chia tay. Bỗng chợt tất cả những hình ảnh cảm tình đó tưởng đã xa xôi chợt như hiện ra trước mặt, rõ ràng như tiếng sóng rì rào vỗ bờ vịnh biển, cát loáng nắng sân trường, đôi mắt mở lớn dịu vời sau rèm tóc buông, tất cả hòa nhập vào nhau theo từng bước chân sum họp trở về. Bồng bột, ích kỷ đã bay xa cho lớp trầm phiến một thời tưởng nhỏ lệ xanh rêu chợt trở mình, máy động lắng nghe niềm ray rứt trong từng nhịp đập của tim. Phải chăng đó là tiếng gọi trở về của từng tiếng sóng vỗ bờ Gềnh Ráng và tiếng lòng đôi ta đang cùng rung lên một nhịp.

- Máy bay về tới Huế chưa mà răng mặt mày khờ ra rứa?

Tôi giật mình quay nhìn khuôn mặt phúc hậu của Cầm đang chúm chím cười. Tôi nửa đùa nửa thật.

- Mới đáp xuống Quy Nhơn, vừa tới trước cổng trường Sư phạm thôi. À, mà cũng tại cái cô đang ca bài Biển Nhớ của niên trưởng Trịnh Công Sơn trên kia hơi bị không hay lắm. Tôi tha thiết yêu cầu danh ca khóa 7 lên trình bày vài bài và dứt khoát phải có Nguyệt Cầm.

Tranh ôm vai Cầm, khuyến khích.

- Ôn anh khỏi lo. O Cầm cả năm ni tập trên Hakara nhuyễn nhừ rồi.

Vừa lúc người MC trịnh trọng giới thiệu ca sĩ Ngọc Cầm của khóa 7 lên sân khấu. Hội trường lắng xuống chờ đợi, rồi chợt òa lên đồng điệu theo nhịp vỗ tay lúc Cầm len qua những dãy bàn bước lên. Nguyệt cầm! Nguyệt cầm!

Ngọc Cầm cất tiếng hát. Hội trường lúc này mọi người đều im lặng lắng nghe. Tiếng hát thanh trong lúc thì thầm lời ca cơ hồ bóng trăng tàn rụng bãi khuya, lúc ngân rung cao vút như cả trùng dương trầm kha một thời chợt nở bung ắp đầy tiếng sóng kỷ niệm nghiêng chao cánh hải âu buồn.

Nguyệt Cầm nghe nấc từng câu...Có hàng mây trắng về đâu? Mắt chìm sâu, đêm lắng đời sâu. Nguyệt Cầm khơi mãi tình sầu . Khơi mãi nguồn đêm ...” (Cung Tiến).

Chờ cho tràng pháo tay thật lắng xuống, Ngọc Cầm xúc động nói.

- Sau đây tôi xin trình bày bài hát “Em mãi là hai mươi tuổi” để riêng tặng cho hai người bạn đồng môn của tôi. Lẽ ra thì cả hai người đều ở đây đêm nay, nhưng tiếc là chỉ có “ôn” thôi còn “mụ” thì vẫn còn ở Việt Nam, đã một nửa “bách niên” như rứa rồi.

Nhân xúc động lắng nghe mà nước mắt chực trào. “Em mãi là 20 tuổi. Anh mãi là mùa xuân xưa. Những cây ổi thơm ngày cũ. Và vầng hoa ngâu ngày thu. Em mãi là 20 tuổi. Anh mãi là mùa xuân xưa. Tóc anh đã thành mây trắng. Mắt em dáng thời gian qua. Con đường xưa những mùa trút lá. Cành bàng mồ côi đứng giữa rêu phong. Con đường xưa ta ngồi hóa đá. Mùa đông mồ côi đứng đợi người. Con đường xưa men vườn ổi thơm. Em bỏ đi dài bao chia ly. Con đường xưa hàng cây trút lá. Có những cuộc tình không là trăm năm…” (Thơ Quang Dũng, Nhạc Việt Dzũng).

Câu hát cuối ngân dài theo nước mắt của người ca sỹ. Ngọc Cầm trở về chỗ ngồi, cố giấu ngậm ngùi mà mắt đỏ hoe. Nhân ngập ngừng lời cảm ơn, im lặng thở dài.

Cả hội trường sau vài phút lắng lòng đã náo động trở lại với các màn trình diễn ca nhạc, hoạt cảnh vui tươi giữa những tràng pháo tay dòn dã. Tuy thế không khí quanh bàn tiệc nơi Nhân ngồi vẫn còn chùng xuống. Tranh vừa mới đây chuyện trò nói như sanh như sứa, giờ cũng ngồi trầm ngâm đưa đẩy qua chuyện cháu con, cây cảnh vườn tược trong nhà.

Đêm hội bắt đầu tàn, bạn cũ lần lượt chào nhau giã từ tuy sàn nhảy vẫn còn đông đảo những cặp “cao niên” mà tâm hồn còn son trẻ và đôi chân vẫn dẻo dai theo nhạc quay cuồng.

O Tranh mời tất cả về nhà để tiếp tục chuyện trò và ăn cháo khuya.

- Tui với Cầm nấu nướng chuẩn bị nồi cháo gà suốt buổi chiều đó nghe. Rước cả đầu bếp Sài Gòn qua đó! Mấy người ăn không hết, tụi này kêu lính bắt ráng chịu.

Tranh giả giọng Nam “kêu lính bắt” rồi cười hi ha.

- Với lại mình phải bắt ôn Nhân kể chi tiết phần thanh-mai-trúc-mã của “Chuyện tình Thanh Tâm và Nhân” nghe cho vui cửa vui nhà.

Nhân cười, biết khó bề thoái thác.

- Có phải vui không đó!? Nhưng mà được thôi! Biết đâu vào vài ly Cognac tôi lại dám tham gia trình diễn văn nghệ với ca sĩ Ngọc Cầm không chừng. Phải đa tạ thịnh tình của cô chứ.

Cả năm sư muội đồng loạt vỗ tay tán thưởng, lớn miệng nhất vẫn là Tranh.

- Tau nhớ rồi! Mấy đứa mi nhớ không? Con Tâm hồi nớ đặt tên cho ôn Nhân là ngâm sĩ Tô Kiều Nhân, chắc là ngâm thơ giọng Huế hay lắm đây.

Người chồng Không quân của Tranh nhìn ba ôn rễ của trường Sư phạm, nói nhỏ.

- Ông Nhân ngâm hay vậy mà sao để tuột cô Tâm ra vậy ta?

Khách đều là người từ phương xa ngoài Cali đến với mục đích chính là gặp lại bạn cũ chuyện trò tâm sự nên ai cũng mau mắn đồng ý.

Đêm thâu. Từ mái hiên rộng sau nhà nhìn ra, một thứ ánh sáng mờ ảo mịn màng trải lụa vàng lên khu vườn đêm. Trời không một vẩn mây đầy sao lấp lánh, vầng trăng thiếu nữ chưa kịp tròn mười sáu thả ánh trăng vàng lóng lánh lên từng bóng lá đang say ngủ im lìm.

Năm người đàn ông chúng tôi ngồi quanh quần chiếc bàn lớn nói chuyện xưa, chuyện nhà binh, cải tạo, vượt biên… Tiếng lục đục nấu nướng của năm bà nội trợ lẫn trong tiếng cười đùa và tiếng nhạc dặt dìu vọng ra, ngân nga cao vút. Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người. Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi. Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người… Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió. Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ…(Vũ Đức Sao Biển)
Ánh đèn bật sáng cùng lúc với tiếng quở của bà chủ nhà.

- Mấy ôn ni răng chi lạ ri hè. Ngồi trong tối ri làm răng mà ăn. Không khéo lại đút vô lỗ mũi.

Nồi cháo gà nóng hổi, tiêu hành thơm phức cùng hai đĩa lớn gà xé phay kiểu Huế với muối, tiêu, chanh, rau răm được các bà nhanh chóng mang ra bày biện trên bàn cùng với chén, muỗng, đũa và khăn ăn. Ai cũng than đói, nhớ ra đã không ăn gì nhiều ở tiệc họp mặt. O Tranh trở vào nhà mang ra chai Cognac loại ngon và ly uống rượu đưa cho chồng rồi quay ra hỏi bạn.

- Mấy đứa mi uống chi? Có chè hột sen đó nghe.
- Nhà có soda không mi? Thấy chai rượu có chữ XO tau bỏ qua trời phạt chết.

Tranh ngạc nhiên, mở to mắt nhìn Cầm đang nheo mắt cười.

- Con ni ngon bây!?
- Ngon chi mà ngon. Dạo ôn chồng tau chưa nghỉ hưu, thỉnh thoảng tau theo uống phụ cho ôn những lần nhậu nhẹt, đút lót để được duyệt công trình.

Ông chồng O Tranh nhanh nhẹn đứng dậy.

- Để tôi lấy vài chai Perrier và ly lớn để chị uống pha. Ông nào muốn pha với soda xin tự nhiên, hay là “on the rocks” cũng được.

Nồi cháo thơm ngon chẳng mấy chốc đã thấy đáy nồi cùng với phần lớn gà xé phay cũng biến mất. Ngon tuyệt!
Mỗi người một tay lau dọn sạch bàn chỉ trong một loáng là xong. Các bà lại vào bếp mang chè hột sen và cà phê ra. Tranh còn khệ nệ bưng một khay bánh nậm, bánh lọc và chén nước mắm ớt đỏ tươi thật bắt mắt.

- Bà xã ở nhà có làm món Huế cho ôn Nhân không rứa? Ở đây cứ ra ngõ là có đặc sản Huế.
- Mụ tui gốc Huế rặt, Nguyễn Khoa mà. Sinh ra, lớn lên ở Vũng Tàu, nói giọng Nam. Chưa bao giờ ra tới Huế nhưng học bà cụ làm món ăn Huế khá ngon. Bà ấy đảm đang, làm thê cho thân tui cư. Cứ thế đời người cũng qua… riết rồi quên, té ra mình cũng có phước phần mà nhiều khi quên “tạ ơn em”. Cũng là duyên nợ, như các cụ nói. Năm 72, gia đình từ Quảng Trị chạy giặc di tản vào Vũng Tàu, tan tác bơ vơ. Tôi đang đi tuần ngoài biển. Hai bà cụ xa lạ tình cờ gặp nhau. Mẹ của Thương đồng cảm tình đồng hương đã mời mẹ tôi và gia đình về tạm trú trong nhà. Rồi hai bà cụ rù rì toan tính với nhau, còn tôi cứ a vô “đòi nợ” Thương và thực hành cư thê từ năm 73.

 Ngọc Cầm nâng cao ly rượu mời.

- Cư mô, cư đâu thì cứ cư. Đừng có quên chương trình văn nghệ kể chuyện đêm khuya là được. Tụi ni lần này phải khảo ôn khai cho ra.

Nhân đứng lên, ực cạn ly rượu, cầm gói thuốc lá trên bàn.

- OK, nhưng tui phải xin phép ra ngoài nhang khói, khấn vái để lấy can đảm mà lên sân khấu chứ.

Trăng sáng quá. Khu vườn đêm thoảng mùi hương nguyệt quế. Hương gần làm lảo đảo bước chân khơi động mùi ngải cứu lan bất tận vào đêm. Không gian lắng đọng, thời gian ngừng trôi, trăng chong đèn khơi vơi ước mơ cho lòng vun lên câu thơ tụng ca mùa tình đơm mật ngọt. Giữa yêu thương chúm chím môi cười chợt rộn ràng cơn lốc cuốn xoay mùa của trời đất kéo quay lại thời gian, mở ra đêm bát ngát dáng em ngồi học bài, tóc rơi hờ trên trang sách làm nghiêng nghiêng hàng dậu ướp hương đêm để mắt ai thắp mộng đăm nhìn.

Có một nhà văn Huế đã viết “Mỗi người Huế có một mùa mưa riêng trong trí nhớ đã thành kỷ niệm...” Mùa mưa riêng của tôi chấp chới qua dòng sông Thạch Hãn năm mười bảy tuổi làm ướt áo cô bé mười lăm. Trường Trung học Nguyễn Hoàng. Lớp Đệ Tam trên lầu hai, qua cửa sổ thỉnh thoảng những lúc lơ đãng trong việc học tôi vẫn hay nhìn trộm cô bé dáng dấp dịu dàng với mái tóc thề e ấp bờ vai. Cô bé học lớp Đệ Ngũ ở tầng trệt dãy lầu bên kia. May mắn vào một dịp đi chùa được vài chị bạn cùng lớp giới thiệu với cô bé. Thì ra Tâm là Huynh trưởng Oanh Vũ Gia đình Phật tử ở chùa Thạch Hãn. Hai đứa quen nhau từ đó rồi tình yêu sè sẹ đến lúc nào không hay. Nhà nàng và nơi tôi trọ học trở thành hai đầu nỗi nhớ có ngôi trường Nguyễn Hoàng chia đôi chờ đợi ngóng trông. Trường là cầu Ô Thước cho chúng tôi hối hả tới trường để được gặp nhau mỗi ngày chẳng chờ chi tháng Bảy mưa ngâu. Có những chiều tan học tôi đi ngược lối về nhà, theo sau tà áo trắng em gió bay e ấp lối về thôn Thạch Hãn, mái tóc thề ôm bờ lưng thon len lén gió mơn man xao xác bờ tre lả ngọn. Những sớm Thu-Đông tôi thức dậy thật sớm rời nhà trọ ở phường Đệ Tứ chọn lối đi xa, không vào trường mà tiếp bước theo đường Hồ Đắc Hanh có hàng cây sầu đông trổ hoa tím nhàn nhạt bâng khuâng. Tôi chờ cô bé từ lối tre xanh hiện ra để được đón nhận nụ cười e thẹn. Đôi mắt mở lớn ngây thơ vướng sau nhánh tóc mây buông rèm theo bờ mi thanh xuân. Trong thảng thốt tôi nghe nhịp tim mình đập nhanh xúc động nỗi hạnh phúc vô biên.

Tôi tìm mọi cơ hội để được gần gủi Tâm, hay ít ra ở trong tầm mắt nhìn nhau, cho dù trên hành lang lớp học, trong sân trường, hay sân chùa ngày Rằm và những cuối tuần sinh hoạt gia đình Phật tử. Có khi cùng nhóm bạn đạp xe về các làng xa như Sãi, Triệu Phong, hay đi thăm chùa và nhà thờ La Vang. Những chuyến đi đã để lại kỷ niệm suốt cuộc đời dài, nồng nàn mùi vị của những tô bún bò, nem lụi hay láu táu húp chén nước mắm nhân tôm ngon hơn cả bánh bèo.

Tôi yêu và đang được yêu. Cơn bão tình yêu thổi suốt qua hồn trai tơ, qua cuộc đời chung chưa kịp thử đá vàng. Nhưng có cần chi bởi em đã đầy trong nỗi nhớ. Tà áo em bay hồn nhiên buổi chiều ra phố, cùng nhau chung bước dọc bờ sông Thạch Hãn, cà phê Chị Phú đắng ngọt bờ môi, bẽn lẽn mắt nhìn.

Mùa hè ở Quảng Trị năm tôi thi đậu Tú tài Bán oi ả trôi qua, hiếm hoi những ngày mưa. Tâm muốn hai đứa cùng nhóm bạn đi đò qua bờ Bắc sông Thạch Hãn kiếm chỗ ăn mừng Nhân thi đậu. Cơn mưa mùa hè bất ngờ đổ xuống bến sông. Bầy học trò ồn ào bỏ bến nước, té chạy vào một ngôi từ đường kín đáo trầm tư trong khu vườn mướt xanh cây trái. Nép mình bên gốc phượng vỹ, Nhân điếng người không dám thở mạnh, nhìn mưa sa mù trên dòng Thạch Hãn bất chợt lênh đênh bởi Tâm đang đứng nép sát bên mình. Gần lắm. Từ cuối tia mắt nhìn xuống, lụa đẫm mưa hồng ôm bờ chân thuôn mịn màng thiếu nữ. Mưa vẫn rơi. Không gian rạt rào luân vũ, thấm đượm vào thân thể dòng cảm giác ngần say của cơn sốt lạ nóng bừng da thịt. Hạt mưa đọng trên môi, lưỡng lự lăn dài xuống cằm, xuống cánh áo lụa đẫm mượt vóc tràm thơm. Hắn hoảng hồn quay mặt, bước đâm sầm xuống bến sông. Những giọt mưa mát mặt và dòng “mồ hôi của đá” quyện chảy dưới chân giúp Nhân choàng tỉnh chỉ để tự trách mình sao quá vụng về. Té ra Tâm đẹp dễ sợ. Trong bụng Nhân muốn gan góc quay lại dòm cho bưa, nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ dám một thoáng nhìn. Nhân mường tượng bóng lụa hồng bên bờ nước lẫn chìm trong tàng phượng rũ lá, mênh mông màu hoa đỏ lưng trời vừa ngớt hột. Cậu học trò bỗng muốn làm thi sĩ… Em về rải mộng ngày mưa. Vóc tràm thơm dáng xuân vừa khơi phương. Tóc mai níu nụ môi hường. Vắn dài sợi nhớ sợi thương mượt mà. Ngần tay hứng giọt mù sa. Đôi bờ chân duỗi ngọc ngà lụa phô. Nhớ nguồn sông dục sóng xô. Mây nghiêng lời núi chiều phôi pha trời…

Ngày tháng dịu êm trôi cùng tình yêu hai đứa ngày càng lớn theo lấp lánh ước mơ. Học sinh trường Nguyễn Hoàng ai cũng biết Nhân-Tâm là trời sinh một cặp đẹp đôi. Cô bé học trò hồn nhiên lớn trong vòng tay tình yêu và mơ ước đơn sơ không thao thức, ưu phiền.

Năm lên Đệ Tam, Tâm vui mừng nao nức suốt mùa hè vì sắp được chuyển lớp qua cùng dãy lầu, không phải nhìn nhau qua khoảng cách một sân trường. Nhân đỗ Tú Tài Toàn, anh xin được việc làm cho văn phòng một Giáo hội Truyền giáo Cơ Đốc của Mỹ ở Cam Lộ. Khoảng đường Quảng Trị - Cam Lộ chưa đầy 30 km nên hai người không gặp được nhau mỗi ngày. Tình yêu của họ thăng hoa, lãng mạng hơn với đợi chờ nhung nhớ và những tờ thư e lệ trao nhau vào mỗi cuối tuần. Có những lần về muộn vì công việc, Nhân luôn có cảm giác của người đi xa trở về, nôn nao lo lắng cho người yêu như trong thơ Hoàng Trúc Ly. Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn. Em ngủ một mình trong gió mưa…

Năm tiếp theo, vì chuyện động viên, Nhân quyết định thi vào trường sư phạm ở Quy Nhơn. Khoảng cách chia xa bây giờ đầy đặn cả một ngày xe, và số lần về Quảng Trị thăm người yêu chỉ vài lần cả năm học. Trong sân trường Nguyễn Hoàng, Tâm vẫn là hoa có chủ. Nhớ nhung thương nhớ nhiều hơn qua những tờ thư bưu điện đều đặn gởi cho nhau. Đêm ngồi học bài trong ngôi nhà yên lặng mà hình ảnh hai đứa đi bên nhau dưới hàng cây sầu đông hoa tím lửng lơ buổi chiều cuối tuần, vạt áo em bay luống cuống mắt anh nhìn vẫn lãng đãng trên từng dòng nhạc Trịnh mỗi khi nghe. Mỗi bài hát như khung cửa sổ khép hờ của căn nhà kỷ niệm, chắt chiu cất giữ từng nỗi nhớ đẫm hương mong chờ. Người ở đất Quy Nhơn thì ngoài giờ học và tham gia công tác xã hội qua phòng Cố vấn của trường, Nhân thường một mình lang thang đi dọc theo bờ Gềnh Ráng. Giữa chiều trôi và sóng biển rạt rào, Nhân ngồi nhìn khơi xa tâm hồn tan vào thương nhớ, lòng chợt bâng khuâng lãng đãng tiếng nguyệt cầm…Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh
Một lần trên đường về Quảng Trị thăm người yêu, xe lên đèo Hải Vân giữa chiều mưa, trong lòng nhớ em chi lạ, muốn được gần bên nhau mãi mãi…Tôi về ngậm ngải tìm mơ. Trầm em hương vọng cuối bờ thơ ngây. Bóng tà huy đọng mây ngàn. Đèo xa quán lú sương bàng hoàng rơi. Này em nhấc chén tình khơi. Tóc xanh màu nói chi lời phân vân. Mắt như lá mộng mây gần. Chiều e ấp núi một lần thanh xuân…

Năm sau Tâm theo tôi vào học cùng trường. Chúng tôi đính hôn trước khi rời Quảng Trị. Trao nhau nụ hôn sâu lắng đầu đời, trong vòng tay chung đôi chúng tôi đã thuộc về nhau. Nếu ở trường trung học Nguyễn Hoàng hai người là thanh mai trúc mã thì tại trường Sư Phạm trong mắt mọi người Nhân-Tâm là vợ chồng mặc dù chúng tôi vẫn giữ gìn trong vòng lễ giáo. Như đôi chim liền cánh, hai đứa ríu rít bên nhau. Nắng Ghềnh Ráng rực rỡ hơn, biển chiều vui hơn với đôi tâm hồn hạnh phúc.

Vào trường được vài tháng, Tâm đau nặng phải trải qua cuộc giải phẫu nghiêm trọng tại Bệnh viện Dã chiến Mỹ ở Quy nhơn. Nhân nghĩ học cả tuần lễ, túc trực bên Tâm suốt thời gian điều trị. Cuộc giải phẫu thành công, đêm trước ngày xuất viện, đăm đắm nhìn rèm mi cong trên khuôn mặt hiền hậu của người yêu đang trong giấc ngủ yên bình Nhân chợt cảm thấy thời gian một đời người cho dù là trăm năm vẫn chưa đủ dài cho hai đứa sống trọn thương nhau. Anh nghĩ tới đôi mắt đẫm lệ của người yêu một chiều cuối tuần hai đứa thơ thẩn phố Quy Nhơn, la cà ở quán sách Tao Đàn rồi vào rạp Lê Lợi xem phim “Splendor in the grass” rất nổi tiếng do Natalie Wood và Warren Beatty đóng. Tuổi trẻ, tình yêu cuồng nhiệt bị kìm nén vì những ràng buộc từ gia đình và xã hội đã xô đẩy mối tình thanh xuân vào dang dở, hoài bảo tương lai lụi tàn. Tâm khóc theo và khóc cho cô gái Deanie trong phim vì những khổ đau uất hờn nàng phải gánh chịu. Nhưng có lẽ bài thơ mà phim lấy làm đề tựa “Splendor in the grass” của William Wordsworth đã khiến Nhân xúc động nhiều. Cuộc đời như cỏ hoa có vòng đời rất ngắn ngủi và khó lường. Khoảnh khắc nở rộ của đóa hoa rực rỡ hay ánh huy hoàng của một ngọn cỏ chỉ là chớp mắt thoáng qua tựa như ánh hào quang trên đỉnh của một thời tuổi trẻ ngông cuồng sẽ nhanh chóng lụi tàn. Hãy tìm thấy sức mạnh từ những gì còn sót lại của thời gian để giữ mãi sát na hoa-cỏ-huy-hoàng được trường tồn với lòng trân trọng và niềm cảm khái rưng nước mắt lúc trăm năm đầu bạc…Giữ đêm thanh lặng, em yêu. Để nghe ngày tháng chẳng nhiều đi qua. Bao năm là đủ là nhiều. Cho ta ôm khoảng tình yêu bây giờ. Để nghe trong thoáng hương yêu. Trăm năm hò hẹn không nhiều đâu em. Một bông hoa, một trời đêm. Tay em níu chặt êm đềm đã qua. Một giọt sương, một giấc hoa. Môi em uống cạn trong ta ân tình. Và xin em hãy lặng thinh. Để nghe ngày đến sơ sinh tuyệt vời. Đêm trong ngần, môi em cười. Đủ cho ta gởi một đời thiên di…

Mái hiên khuya lặng theo niềm cảm xúc của mọi người, đặc biệt là các cô bạn đồng môn vì hơn năm mươi năm trước họ đã chứng kiến cuộc tình đẹp mà phải đứt gánh giữa đàng này.

O Tranh trầm ngâm.

- Tui còn nhớ như in. Ôn Nhân ra trường lên Di Linh dạy, tụi này vô năm hai vẫn học hành sinh hoạt bình thường, tuy thấy Tâm buồn buồn nhưng đứa nào cũng nghĩ là vì nhớ “dôn” nên thỉnh thoảng chỉ chọc cười cho vui. Lúc đó bỗng có tin đồn Tâm có người đến trường thăm. Cầm, Tranh ở cùng phòng nhưng chưa bao giờ biết chuyện đó. Đùng một cái thì Tâm nhận được thư Nhân gởi “trả tự do”. Hơn năm mươi năm rồi, không thay đổi được chi nhưng Ôn Nhân phải khai cho rõ là chính xác chuyện gì đã xảy ra giữa hai người.

Thà một lần đi khuất xa nhau ngàn đời. Cho lệ này ngừng rơi, tiếng cười còn vương trên môi. Người vội vàng lên, nhan sắc chưa tàn úa. Mai mốt sang cuộc vui, chẳng còn mong những ngọt bùi… Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào. Chẳng nợ gì nhau, hãy để hồn ta bay cao. (Diên An)

Nhân ngừng hát, cười buồn.

- Có lẽ tại Di Linh buồn quá, xứ đèo heo hút gió. Gã giáo làng be bét, bèo nhèo thì thân phận làm sao sánh được với người. Ngỏ lời với Tâm ngày ra trường muốn hai đứa sum họp ở Di Linh thì nàng lửng lơ, trong lúc đó tin đồn bay lên là Tâm không từ chối chuyện có người muốn hẹn hò. Tôi đã quá lý tưởng trong tình yêu đôi lứa, không chấp nhận cho dù là một khiếm khuyết nhỏ nên đã viết thư “trả tự do”. Một thời gian sau đó nàng đã gởi trả nhẫn đính hôn. Còn tôi bỏ trò, bỏ lớp đi lính học làm quan với người ta.

Thời gian còn ở Di Linh chờ vào lính, tâm trí tôi cạn kiệt bởi thất vọng chán chường. Nhiều khi muốn đi Quy Nhơn một chuyến nhưng lại chần chừ rồi thôi. Giận nhau, cách xa, nhưng lòng tôi luôn tưởng nhớ đến em. Những buổi chiều thị trấn đêm xuống mau, sương mù giăng phủ, vàng vọt lắt lay hàng đèn giăng giăng phố núi, hình bóng người yêu hiện ra chập chờn giữa cơn say rượu uống một mình… Mai về phố nhỏ chiều mưa. Còn chăng áo mỏng ta chừa cho nhau. Mai về lòng có còn đau. Nghe mùa gió cũ thổi sau lưng người. Mai về đi giữa phố đời. Trong tim còn một bóng vời vợi xa. Mai về còn một mình ta. Câu ân tình thoáng như là gió bay. Mai về tay vẫy mòn tay. Sinh ly ai biết kiếp này còn không…

Nhân mắt đượm buồn, kể tiếp chuyện đời mình.

Năm 71. Khi du học trường Sĩ quan Hải quân từ Mỹ về, Nhân chuẩn bị quà có phấn son, nước hoa và cả mini bảy màu định về sẽ tặng nàng. Tình cờ một người bạn cho hay Tâm đã có người đi hỏi, sắp sửa đám cưới. Nhân buồn quá, uống rượu say ngất ngưởng với bạn suốt đêm.

Chiều hôm sau, khi tỉnh dậy, anh cầm gói quà lên phố đi lang thang rất lâu. Cuối cùng anh trông thấy một cô gái duyên dáng tóc dài, áo trắng đi ngược chiều, anh gật đầu chào ngăn bước chân cô.

- Xin lỗi cô đã đường đột. Tôi ở xa mới về, đây là gói quà tôi mang về định tặng cho người yêu, nhưng cô ta đã đi lấy chồng. Tôi không biết làm gì với những món quà này, xin cô nhận cho.

Nói xong Nhân dúi gói quà vào tay cô gái rồi vội vàng rảo bước đi. Cô gái đứng sững sờ, mắt ngỡ ngàng nhìn theo anh chàng sĩ quan Hải quân vừa khuất sau cánh cửa quán cà phê nhạc bên đường. Từ trong quán tiếng hát Lê Uyên Phương vọng ra, nức nở liêu trai…Màn đêm mở huуệt sâu. Mộng đầu xin dài lâu. Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói baу. Ái ân ơi đừng phụ lòng ta. Nhớ thương sâu xin gởi người xa. Khóc nhau trong cuộc đời. Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô. Có уêu nhau ngọt ngào tìm nhau.CϹhết bên nhau thật là hồn nhiên…

Trăng vời vợi treo trên đỉnh trời khuya. Ngọn đèn dưới hiên nhà đã tắt tự lúc nào, đêm tỏa sáng màu trăng chiếu tràn vào nhà, lung linh huyền ảo lên những khuôn mặt trầm tư. Nhân rót cho mình ly rượu, ngửa cổ uống cạn. Ngọc Cầm nhìn Tranh, lắc đầu.

- Mi có biết chuyện con Tâm không muốn lên Di Linh? Thật tình là tau không hề hay biết chi cả. Mấy chục năm ni, hai đứa qua lại với nhau cũng chưa bao giờ nghe hắn nhắc lại những gì đã xảy ra thời gian đó… Có điều tui muốn kể cho ôn Nhân nghe để biết Tâm thời gian năm 71. Tội lắm.

Chuyện có người đi hỏi cưới lúc đó đều do hai bà mạ đi chùa gặp nhau rồi toan tính, sắp đặt. Cả hơn năm rồi.Tâm không để ý đến điều chi… Cưới hỏi mà Mạ biểu thì con dạ, rứa thôi. Tội tình là trước ngày cưới, người nhà lại tình cờ bắt gặp chú rể đang đi phố với vợ. Mạ giận lên, bên đàng trai phân bua là đang trong thời gian chờ ly dị. Mạ biểu thôi thằng nớ đi, Tâm lại dạ làm theo, chẳng tỏ vui buồn. Mãi đến sau 75, nghe đồn con gái trong Nam phải lấy chồng bộ đội thương binh sức que gãy gọng nên ai cũng lo sợ, may mà sự bất quá tam, lấy được người chồng người miền Nam, lớn hơn tụi mình vài tuổi, có học thức, vợ chồng con cái yên ấm tới chừ.

- Hồng nhan đa truân!

Tranh nhìn người vừa buột miệng câu thở dài.

- Ôn nhà văn từ tối tới chừ tịnh khẩu đủ rồi, cho biết suy nghĩ của ôn đi, ôn ơi!
- Cũng là câu nói đó! Hồng nhan đa truân. Cụ Nguyễn Du cảnh báo “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. CụCao Bá Quát cảm thán “Tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh, Buồn cho ai mà lại tiếc cho ai”. Bà Đoàn Thị Điểm thì “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Chưa nói đến ôn Tô Đông Pha bên Tàu Tự cổ giai nhân đa mệnh bạc. Bế môn xuân tận dương hoa lạc”, tạm dịch là “Người đẹp xưa nay thường bạc mệnh. Cửa đóng xuân tàn hoa rụng rơi”… Hồng nhan! Đáng tiếc là “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, nghe ca tụng nhiều mà chưa có dịp gặp mặt. Tiếc thay!
- Đành là hồng nhan đa truân, là hồng nhan bạc mệnh, hay định mệnh đã an bài nhưng nếu thử cưỡng cầu một chút thì ôn nhà văn nghĩ ôn Nhân, vào thời gian đó, nên làm gì khác hơn để bảo vệ mối tình của mình không bị đổ vỡ? Một người hỏi.

Ôn nhà văn cười lớn.

- Để tôi kể các bạn nghe một chuyện. Ôn Nhân cứ tùy thuận mà “duyên”. Tuy đã trễ hơn 50 năm nhưng vẫn có thể truyền chiêu cho cháu chắt mà.

Có một quân tử và một thiếu nữ đẹp bị trễ chuyến đò ngang cuối ngày. Hai người đành phải nghỉ qua đêm tại một lều tranh nhỏ bên bến đò vắng. Trước khi ngả lưng cạnh nhau, nhìn nét mặt bất an của cô gái, người quân tử đặt chiếc gậy giữa hai người, đưa tay thề nếu làm điều xằng bậy sẽ bị đầu thai làm súc vật. Đêm dài chậm trôi, người quân tử nằm thao thức, ngửi mùi hương giai nhân nằm cạnh muốn chảy máu mũi, nhưng rồi cũng cố gắng phấn đấu mà chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tiếng chim hót rộn ràng đánh thức quân tử dậy. Trời đã sáng rõ, nhìn quanh không thấy cô gái đâu, chỉ mảnh giấy nhỏ trên nệm rơm đập vào mắt, cây gậy thì nằm lăn lóc ngoài sân. Quân tử đọc mảnh giấy có vỏn vẹn bốn chữ “Không bằng súc vật”.

Mọi người rộ lên cười. Đồ cha già dịch! O Tranh giả giọng người Nam mắng mỏ.

- Nếu ôn nhà văn viết lại chuyện tình này thì đoạn kết có hậu sẽ như thế nào?

Người đàn ông lắng nghe câu hỏi có lẽ là của một Ngọc Cầm hơn 50 năm trước, bởi trong giọng nói còn nỗi rưng rưng xúc động của người đang nhìn bạn mình mắt đẫm lệ, run run cầm lá thư chia tay của người yêu. Chúng ta có thể viết lại đoạn kết của một chuyện tình được sao? Khi trái đắng hay quả ngọt của nó đã rớt khỏi nhánh tình. Làm sao hốt được giọt nước mắt đã rơi, giọt sương đã tan, hay ly rượu vu quy đã đổ xuống đất? Chúng ta thường đổ lỗi cho định mệnh mà quên đi đó cũng chính là chuỗi nhân quả mà chúng ta đã gieo gặt nhãn tiền. Khi đôi trai gái yêu thương nhau, hoàn toàn sống trọn vẹn cho nhau, bầu trời tình yêu xanh ngắt không một vẩn mây thì họ thanh-mai-trúc-mã vui tươi, hẹn hò đính hôn hạnh phúc, tung tăng trong thế giới khóa chặt riêng biệt của mình. Đến lúc cô gái đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành mới ngập ngừng nhận ra cuộc đời ngoài kia còn có những điều mới lạ thích thú. Tự do vừa tìm thấy tuy chỉ mới dọ dẫm, khám phá cũng đủ gieo hạt băn khoăn, do dự vào tương lai đã định trước cho nhau. Người con trai thì quá lý tưởng trong tình yêu, gieo trồng sự ích kỷ áp lực lên bạn tình, không chấp nhận cho dù chỉ một khiếm khuyết nhỏ. Trái đắng đã kết! Lá thư “trả tự do” gởi đi, nhẫn đính hôn trả lại. Họ làm thế có thể vì ích kỷ, vì tự ái hay có thể nói hai người đã không dám trầm luân với nhau. Nhưng mỗi người vẫn yêu thương thắm thiết về nhau. Nhiều năm sau này, số phận vào cuộc cho cả hai phải sống truân chuyên vất vả nhưng họ đã gieo được hạt tốt trên luống cày mới đời mình. Mỗi người đều có gia đình mái ấm hạnh phúc, con cái thành đạt. Phải chăng đó chính là đoạn kết có hậu của “Chuyện tình Thanh-Tâm và Nhân”!? Và xúc động thay, căn nhà ngăn nắp kỷ niệm của những ngày xưa thân ái vẫn còn đó. Cây sầu đông trước ngõ vẫn sống chờ trăm năm, hoa tím thả hương vào những ngày Đông.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023