SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

MỘT VÌ SAO RƠI

Nén hương lòng tưởng nhớ OC Nguyễn NgọcBạch

Nắng đã tắt, buổi chiều tháng tư chầm chậm buông xuống, giờ ra về giống như mọi người tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng ra khỏi xưởng. Băng qua những sạp hàng trống, tôi len theo con hẻm ra đường lớn dọc vỉa hè lèo tèo những gian hàng rau cải héo úa, những mâm cá lụn vụn, mất đầu sắp sửa ươn được sắp hàng dưới đất, đứng dài theo là những người công nhân viên ngồi chống chân trên chiếc xe đạp dựa lề đường kỳ kèo trả giá mua mớ thực phẩm tồn đọng của buổi chợ chiều mang về nhà.

Theo dòng chảy tôi đạp xe qua cầu Khánh Hội, ánh nhìn của tôi trăm lần như một đều hướng về phía bên tay phải có bức tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay xuống giòng sông. Đạp xe vòng quanh công trường tôi trở lại đầu con đường cũ vì không muốn vượt qua bức tượng để đi thẳng về hướng Bộ Tư Lệnh Hải Quân bởi nhìn thấy quang cảnh chung quanh làm dâng lên nỗi buồn trong lòng về quá khứ.

Ngày nào cũng thế, sáng đạp đi chiều đạp về giống như cỗ máy nuốt thời gian. Ngày xưa nếu nói về truyền thuyết Từ Thức đi lạc vào thiên thai lúc trở về thấy cảnh cũ đổi thay mới biết một ngày tiên cảnh bằng trăm năm trần thế, ngơ ngác ngậm ngùi thơ thẩn trước cảnh bể dâu thay đổi. Bây giờ chỉ mới hơn mười năm cảnh nương dâu hóa thành bãi bể thê lương bởi cơn sóng đỏ tàn phá tất cả thành bình địa, ngay cả cung cách phân biệt cư xử giữa con người với con người. Tất cả đều héo hắt bi thảm, khô khốc ước vọng tuổi trẻ nhìn về tương lai, còn lại những ngày cũ giờ là một giấc mơ không nén được thảng thốt nuối tiếc mỗi khi nhớ lại.

Mãi miên man nghĩ ngợi trong khi chân vẫn đều đều đạp, vừa mới ngang qua ngôi chùa Chà cạnh nước mía Viễn

Đông, bỗng tôi nghe tiếng ai đó gọi tên mình :

- Nghĩa, Nghĩa?

Đảo mắt nhìn quanh tôi thấy trên vỉa hè một người đang ngồi cạnh chiếc xe đu đủ khô bò, vừa đứng lên vẫy tay với tôi. Vội vã đạp thắng, nói thêm về chiếc xe đạp của tôi nếu muốn ngừng lại thay vì tay bóp thắng như những chiếc xe thông thường, tôi phải lui chân về phía sau đạp mạnh một cái gờ sắt, bánh xe bị kẹp giữa hai cái má giống như gọng kềm bắt buộc chiếc xe đột ngột dừng lại. Saigon có lẽ không có cái xe đạp thứ hai nào dùng thắng chân giống như xe tôi, nhìn nó không khỏi nén tiếng thở dài! Chỉ có cái sườn đặt trên hai cái bánh trước, sau trên cái yên ngồi, không có vè xe cũng như cái thắng tay quen thuộc bởi sợi dây thắng “quốc doanh” cứ vài chục lần bóp lại là bị đứt nên tôi dẹp quách.

Nhìn kỹ người gọi, theo quán tính tôi kêu lên:

- Bạch phải không? Bạch!

Hai người nhìn nhau không biết nên buồn hay vui khi gặp gỡ bởi giờ này còn ở lại đây. Chắc vẻ bề ngoài của cả hai bây giờ “xuống sắc” khác với lần gặp cuối cùng gần mười bốn năm trước. Hôm đó tôi gặp Bạch ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân đầu đường Cường Để vào cuối năm 1973. Với bộ tiểu lễ trắng tinh tôi đến trình diện sự vụ lệnh khi từ Duyên đoàn 23 về nhận đơn vị mới ở Căn cứ Cát Lái. Bạch lúc đó đã được đổi về và đang làm việc tại đây sau thời gian trên chiến hạm. Qua ly cà phê gặp gỡ trước khi ra về tôi thì thầm hỏi nhỏ :

- Con sóng nào đẩy ông trôi về cặp cầu tàu tại Bộ Tư Lệnh hay vậy?

Không giấu diếm Bạch trả lời ngay :

- Cũng nhờ phó Đề đốc DQ Thủy là bà con bên vợ tôi kéo về thôi.

Nguyễn Ngọc Bạch thuộc khóa đàn anh của tôi, vào Quang Trung anh thuộc Liên đội A, tôi ở Liên đội D nhưng khi qua Mỹ lại cùng đại đội Victor, khóa 6 OCS. Tôi và Bạch ở cùng một dãy phòng, lại bên cạnh nhau do vậy thân quen nhiều. Sau khi ra trường như những mũi tên bắn đi thỏa chí “tang bồng hồ thỉ”. Ngoài những chiến hạm, khu trục hạm, hộ tống hạm chúng tôi tỏa đi khắp các căn cứ Hải quân có những hải đội dọc theo vùng duyên hải hoặc những đơn vị thủy bộ ngang dọc trên các sông ngòi miền Nam. Câu “Tứ hải giai huynh đệ” được thể hiện bởi đi đâu cũng đều gặp bạn bè xuất thân từ OCS và đây cũng là lần đầu tôi gặp lại Bạch khi mãn khóa từ Mỹ trở về.

Nói theo văn chương diễn giải, thời gian qua nhanh như bóng câu qua cửa mới đó đã mười mấy năm lá đổ. Bạch và tôi không ngờ đây là lần thứ hai tình cờ gặp nhau nhưng lần này trong tình trạng “bất khiển dụng” giống như con tàu đang “mắc cạn” mặc dù tất cả máy móc vẫn còn hoàn hảo. Con người lúc này giống như những con cá bị xua ra khỏi nước đang há miệng thoi thóp thở.

Bạch hỏi tôi :

- Giờ ông làm gì, ở đâu?
- Tôi làm công nhân xưởng mộc trong Công ty công tư Hợp Doanh Xây lắp công nghiệp do ông Ba Đức chồng cô đào Bạch Tuyết làm giám đốc, hình như Saigon chỉ có một mình ông dám nhận những người như mình thôi.

Khi bà chị vợ tôi chạy chọt để xin cho tôi vào đây, tay cán bộ nói với bà ấy :

- Ừ, vô đó đi, cả ổ trong đó đó.

Ban đầu tôi không hiểu câu nói này, nhưng khi nhận việc tôi mới té ngửa ra, chẳng phải một mình tôi với thành tích sáu năm, trong này đầy nhóc từ dưới xưởng cho đến các công trình toàn là phe ta. Những ông trưởng công trường hầu hết là bên công binh, cho đến trên văn phòng cũng có những người từ lò Quốc gia hành chánh mà ra. Nghe nói ông Đức là dân có quốc tịch Pháp, có người còn nói ổng hình như có người cha đỡ đầu là cộng sản gộc bên Pháp khi du học. Hèn gì ổng đặc biệt ưu ái cho người miền Nam trước bảy lăm. Công ty của ông ta chỉ toàn người miền Nam nếu phải nhận cán bộ Cộng Sản vào khung quản lý theo quy định thì cũng phải là dân tập kết, ngồi ghế Phó giám đốc bởi là Công tư Hợp Doanh, ban bệ đóng khung theo kiểu nhà nước quản lý hữu danh vô thực họ chỉ ngồi chơi xơi nước. Nhờ vậy tôi ẩn nấp ở đây được ba bốn năm sau nhiều lần vượt biên thất bại trở về vẫn còn nơi chốn nương thân.

Tôi hỏi lại Bạch :

- Con sóng nào đưa ông trôi dạt đến đây vậy?
- Tôi qua mé sông quận tư kiếm mua cây về đóng cái sập bán báo, tại mới mướn góc sân nhà của người ta ở đường Phạm viết Chánh xin được phép ở Phường mở sạp báo làm kế sinh nhai.

Bạch nhỏ giọng tâm sự thêm với tôi :

- Tôi cũng giống ông thôi, cũng vài lần rục rịch di chuyển nhưng thất bại, lần chót tôi bị bắt ở quê nhà, vợ con tôi được thả ra trước, ở nhà chạy cho tôi dữ lắm khi được ra thì cả gia đình “dzọt” về saigon ở đậu bên nhà vợ. Saigon rộng lớn dễ cho mình hơn. Cứ đi đi về về nay thì làm tổ hợp này, mai lại lại đi sản xuất nông trường kia để mua cái giấy tạm trú. Cũng nhờ quen biết nên lâu lâu được mối chạy tìm cung cấp “đồ chơi” cho bạn bè thân tín trước khi họ lướt sóng, kiếm được chút đỉnh tạm sống vài tháng, nửa năm. May mắn có người gởi cho cái đầu máy xem video là hàng hiếm, con trai lớn của tôi năm mất nước nó mới một tuổi, bây giờ được nhờ cậy rồi, mỗi ngày sau giờ học nó kéo đầu máy đi cho thuê trong các xóm kiếm tiền chợ mỗi ngày, có khi phải thức khuya lơ khuya lắc canh chừng máy.

Những năm giữa thập niên tám mươi cái đầu máy video là thứ hàng cao cấp, nếu có được là một mối kinh doanh nhẹ nhàng đơn giản, được người làm chủ mang đi cho thuê theo giờ. Thời gian này phim bộ Hong Kong chuyển âm tiếng Việt đưa lậu vào Việt Nam làm người xem mê mẩn nhưng đâu phải ai cũng có đầu máy để xem. Hai ba xóm lao động trong các hẻm mới có một cái đầu máy cho thuê. Tôi nhớ lần đầu thuê được cái đầu máy khi bà chị vợ giành giựt mua được cái Ti vi màu hàng phế thải của Nhật. Cả nhà, cả xóm kẻ nằm, người ngồi xem bộ phim sáu bảy tập của Hong Kong nói tiếng Việt, từ ba bốn giờ chiều đến quá nửa đêm. Xem say mê hình ảnh sinh hoạt của đời sống bên ngoài “bức màn tre” mà mười bốn, mười lăm năm nay mới được nhìn lại.

Người ta nâng niu cái đầu máy xem video như báu vật, trong nhà nóng nực vì đông đúc người ngồi xem, nhưng cái quạt máy duy nhất chỉ để quạt ngay cái đầu máy cho mát theo yêu cầu người cho thuê. Bây giờ mới hiểu thực tế câu nói của người Cộng sản ‘Vật chất quyết định hết thảy...’

oOo

Có ngày được nghỉ vì công trình thiếu ‘vật tư’ chờ được cung cấp. Tôi đạp xe ra sạp báo của Bạch ngồi chơi, tán gẫu cả nửa ngày. Ở đây tôi mới thấy và công nhận sự quen biết rộng rãi của Bạch. Hầu như những anh em hải quân OCS đều biết sạp báo của Bạch, họ đều vòng qua, ghé lại khi đi bỏ mối, mua bán hàng họ đang kiếm sống. Người nhanh nhất cũng mười lăm phút, nhiều nhất là nửa ngày như tôi. Những câu chuyện xoay quanh tin tức đời sống của anh em hải quân trong ngoài nước mỗi khi liên lạc thêm được một người, nhờ vậy mọi người mới biết nhiều sinh hoạt của bạn bè bên ấy. Một hôm gần Tết Bạch nói :

- Tôi có nhận được một ít tài trợ của các bạn bên ấy gởi về cho đám mình. Tôi định liên lạc với mọi người họp mặt một buổi để gởi cho các anh em ăn Tết.

Tôi băn khoăn :

- Bây giờ mà tụ họp trên dưới chục người không xin phép là bị “hốt” liền, ông tính mời gặp nhau “uống mật gấu” hả. Lý do gì gặp nhau, bàn bạc phản động à.
- Tôi tính rồi, nhờ có quen với một bà hiệu trưởng trường mẫu giáo, mượn sân chơi tổ chức cho gần một chục gia đình mở tiệc sinh nhật cho con cái. Vị trí trường ở cuối hẻm, chung quanh là những căn nhà kín cổng cao tường ngăn cách với nhau, mình gặp mặt dễ dàng với lý do này.

Được hai cái Tết mọi người hân hoan phấn khởi với tin chương trình HO bắt đầu cho nộp đơn xin đi Mỹ, vậy là tin tức thơ từ được Bạch gửi đi giùm nhờ những bạn đã qua trước, đang định cư bên ấy bảo trợ cho các anh em còn lại tại Việt Nam. Rất nhiều bạn bè giúp nhưng tôi chỉ nhớ được một cái tên mà Bạch lập đi lập lại rất nhiều lần đó là OC Lê Quang Trung. Riêng tôi có gặp OC Vũ Đức Vàn ghé sạp báo của Bạch khi anh này đi giao sữa trước hôm anh đi vượt biên, khi qua được Mỹ tôi nhờ anh xin lại giúp tôi tấm bằng chứng nhận ra trường OCS “làm bùa hộ mệnh” khi vào gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn.

Thời gian nộp đơn vợ tôi phải xin nghỉ việc với lý do xin xuất cảnh, vợ chồng tôi mở quán bán cà phê trên lề đường trước nhà. Đúng vào lúc đó sạp báo của Bạch bị chủ nhà “đuổi”, có lẽ thấy bán đông khách nên họ lấy lại để tự kinh doanh, vậy là Bạch dời “đô” về quán cà phê của tôi. Là quán nhà không cần e dè nên mọi người lại tụ họp về một cách danh chánh ngôn thuận là khách uống cà phê đông đúc như bao nhiêu quán khác. Có những kỷ niệm vui tôi chắc rằng ai cũng nhớ, những khi thấy bóng công an dẹp buôn bán lòng lề đường là mỗi anh em đồng thanh đứng dậy tay cầm ly cà phê hay trà, tay kia cầm cái ghế mình đang ngồi, còn tôi bưng cái bàn xếp lại thảy vô nhà, vậy là không có gì để tịch thu, để “hốt” như các quán khác. Cơn sóng dẹp lề đường lặn qua, bàn ghế khách khứa lại ngồi xuống như trước như không có chuyện gì vừa xảy ra.

Mỗi ngày Bạch ngồi “đồng” quán tôi từ sáng đến hơn giữa trưa mới đạp xe đi về, Bạch nói :

- Tôi ngồi đây đến hết nửa ngày rồi đi về ăn cơm trưa đúng giờ giống như đi làm để hàng xóm chung quanh không thắc mắc.

Vả lại mọi người sau khi nộp đơn đi Mỹ, được xếp vào danh sách theo số thứ tự chờ đợi là thấy tương lai nhẹ nhàng dễ thở do thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Có lẽ những ngày chờ đợi được phỏng vấn là những ngày hạnh phúc nhất vì hồ sơ nộp cho phái đoàn đáp ứng đầy đủ điều kiện theo yêu cầu. Những nụ cười hân hoan lại xuất hiện nhiều trên những khuôn mặt bớt đi phần khắc khổ, tụ tập ồn ào nhất là nhóm ngồi gần bậc thềm cửa nhà tôi. Bạch đặt tên cho anh bạn quen ở cùng trại cải tạo với tôi biệt danh “Minh mười hai ly bảy “. Với tiếng nói rổn rảng đặc trưng của người miền Nam giống đại liên nổ, rất bạo miệng anh này hay kể chuyện đánh đấm với Việt cộng bởi anh thuộc bên bộ binh, có lần anh hào hứng quá kể lại chuyện dẫn lính phục kích một trận tơi bời bắn mấy tên du kích chạy có cờ. Tôi thấy mấy anh bạn khác ngồi cùng bàn đứng lên bỏ chạy hết. Người dắt xe ra, kẻ chạy vào nhà tôi giả vờ rửa tay, anh khác lui vào bậu cửa. Bạch lắc đầu ngồi nhìn chung quanh và nói :

- Ông dư biết cạnh bên là gian nhà tập thể của đám cán bộ ông lại bắn đại liên 12ly7, họ vây lại vạch lưng bọn mình tên nào cũng đầy thẹo bốn năm năm, ông không sợ nhưng tụi này thì ớn đó.

Quán cà phê của tôi dạo đó trở thành nơi gặp nhau của các OC còn lại. Người đứng tuổi nhất là anh Gia, tiếp theo là Hạnh “cao bồi”, anh Bình, Tống ngọc Điệp, Toàn, Minh fulro, Sơn, Chấn và nhiều người nữa tôi không nhớ tên.

Người ta xếp loại trong các quân chủng lính hải quân là lính đa tình có thể đúng mà không đúng. Bà vợ lính nào lại không truy vấn chuyện tình ái của đức ông chồng nói rằng không tin nổi vì ai cũng nói lính hải quân rày đây mai đó, mỗi bến bờ dừng lại là một mối tình. Đó là một nỗi oan cho tôi và Bạch. Tôi thì không đẹp trai vai năm tấc rộng thân mười thước cao như Từ Hải, nhưng Bạch lại có thừa cộng thêm một chút mồm mép. Bạch kể cũng vì cái duyên thu hút này chút xíu rơi vào vòng tình ái lãng mạn không mong muốn, Bạch kể lại bên bàn trà dư tửu hậu ở quán cà phê của tôi:

- Năm ấy mùa hè đỏ lửa, tôi có quen cô sinh viên văn khoa là bà xã bây giờ. Lúc đó do tình hình chiến trường cần tăng viện nên biệt phái Hải quân mang tàu ra vận chuyển một số gia đình trong các trại gia binh và những người dân sự di tản từ Quảng trị và Huế về Saigon. Trong số đó có một gia đình thuộc hàng chức phận, cô con gái bạo dạn dễ sợ dám đem mỡ treo miệng mèo, leo lên giường tôi tấn công tới tấp. “Tình cho không biếu không. Tình là tình nhiều khi không mà có, tình cho đi chẳng nói năng chi làm lòng mênh mang như làn gió” Cũng vì cô ta quá bạo nên tôi đâm hoảng rút lui liền, sợ gặp cảnh “khôn ba năm, dại một giờ “, phải giả vờ đến phiên trực để ở lì trên buồng lái. Vậy mà sau đó cô này đến đơn vị tìm gặp khiến tôi trốn luôn không dám ra cổng một tuần lễ, ăn sáng toàn mì gói, mỗi ngày hỏi lính gác khi họ nói cổ đi rồi, tôi hú hồn trở lại. Tất cả do tôi nhận được lá thư cô ta gửi cho biết cha bắt lấy người không yêu trong khi đó chỉ mới gặp tôi là yêu liền. Không dám làm anh hùng cứu mỹ nhân nên tôi chạy trốn luôn là vậy.

Không biết vợ tôi có tin chuyện này hay không nhưng cuối năm đó tôi nhanh chóng lấy vợ bởi sợ gặp phải hoàn cảnh cọc đi tìm trâu cầm lòng không đậu. Khi tôi được lên bờ đổi về bộ tư lệnh, ngày nào bà xã cũng mang bụng bầu đi xích lô mang cơm trưa cho tôi, người ta muốn chứ đâu phải tôi muốn, lại vơ đũa cả nắm cho rằng những anh chàng lính hải quân đều thuộc loại đa tình thật là oan ức.

oOo

Không lâu chỉ hơn nữa năm gia đình Bạch được bảo trợ về Cali trong khi tôi lại được bên Canada cho nhập cảnh nên đi trước Bạch mấy tháng. Bây giờ ba chục năm, hai chúng tôi gặp nhau được hai lần. Lần đầu hai vợ chồng Bạch lái xe lên Seattle dự đại hội OCS, tôi bên Canada qua gặp và mời vợ chồng anh về nhà ở chơi cũng chỉ là một ngày một đêm ngắn ngủi tâm sự tay bắt mặt mừng. Lần thứ hai tôi xuống Cali dự đại hội gặp gia đình Bạch vài giờ đồng hồ trong buổi tiệc, nhưng có hề gì vì dù kẻ Bắc người Nam chúng tôi vẫn thường gọi phone tán gẫu hỏi thăm tin tức của nhau.

Một điểm đặc biệt hiếm có hơn nhiều người là Bạch rất khéo tay, chữ viết chân phương thật đẹp, ngày gia đình tôi đi Canada Bạch viết cho tôi miếng vải ghi họ tên, địa chỉ nơi đến may vào hông chiếc vali độc nhất. Định cư tại Cali, ngoài giờ lăn lộn cơm áo, gạo tiền lo cho ba đứa con ăn học, lo lắng về người vợ bị bệnh tật di chứng do những ngày bị Cộng sản bắt đi tù lúc vượt biên khiến đôi lúc tinh thần bất định. Còn lại tâm huyết Bạch gởi vào mô hình những chiến hạm lớn nhỏ đủ loại, thỉnh thoảng có người đến nhờ Bạch thiết kế lại cho mình chiếc tàu ngày xưa đã từng phục vụ để làm kỷ niệm một thời binh nghiệp.

Những người nghệ sĩ khi sáng tác một tác phẩm họ đều mang hết tâm huyết thể hiện cảm xúc của mình. Từ lúc khởi công đóng chiếc HQ 10 nếu kiên nhẫn theo dõi sẽ công nhận Bạch có đầu óc quan sát tỉ mỉ mặc dù chỉ thấy nó qua hình ảnh. Khi chiếc Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 hoàn thành mới thấy bàn tay khéo léo của Bạch, tất cả được phục dựng, thu nhỏ bằng phương pháp thủ công nhưng không kém phần tinh tế từng chi tiết nhỏ nhoi. Đài chỉ huy, tháp pháo, cột cờ, phao cứu sinh. Dường như tình yêu về những con tàu đầy ắp trong trái tim, từng hơi thở, qua bàn tay Nguyễn Ngọc Bạch đều thể hiện ra, anh đã thổi hồn cho con tàu HQ 10 sống dậy từ đáy biển sâu, lừng lững trôi trên con đường Bolsa thủ phủ người Việt tị nạn trong ngày diễn hành Hội chợ Tết Cali. Người ta mường tượng trên đó anh linh người hạm trưởng Ngụy văn Thà, cùng thủy thủ đoàn, những chiến sĩ trong trận Hoàng Sa đang đứng vẫy tay trên bong tàu chào mừng ngày trở lại.

Nghe tin bạn mắc bệnh hiểm nghèo, gọi phone hỏi thăm Bạch bình thản vui vẻ cho biết bác sĩ nói bạn chịu thuốc và đang bắt đầu phát đồ chữa trị. Cũng là anh Minh 12ly 7 phone cho tôi mỗi khi anh ghé Cali đều đến thăm Bạch. Cho đến sáng nay anh Minh gọi phone thuật lại chị Bạch cho biết phổi của Bạch chỉ còn hoạt động 30% mặc dù vẫn có ống trợ thở. Nào ngờ chỉ cách mấy tiếng đồng hồ. Dẫu biết trước là thế nhưng vẫn ngạc nhiên, thảng thốt khi được tin Bạch thở hơi cuối cùng vào chiều 6/9/2023 lúc 18 giờ.

Nhìn di ảnh của bạn, khuôn mặt tươi tỉnh miệng hơi mỉm cười vì bạn ra đi đã hoàn thành xong bổn phận người cha mang ba đứa con sang bến bờ tự do cho chúng sống một đời đáng sống. Còn người đầu ấp tay gối phải đành thôi hẹn lại kiếp sau...

Lòng tôi chùng xuống không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc. Ai cũng biết Sinh Lão Bệnh Tử là lẽ tuần hoàn của vũ trụ nhưng làm sao tránh được nỗi buồn. Làm người ở lại có gì vui đâu? Đêm nay trên bầu trời chi chít những vì sao bản mệnh... bên tai tôi nghe như tiếng vọng của ai đó đang hát bài ca Sao rơi trên biển của Nguyễn Vũ.

Ngàn sao đến đây về soi sáng phương này đưa anh về kỷ niệm. Em ơi anh nhớ ngày xưa chúng mình bên nhau nhìn sao rơi. Hôm nay anh là lính, tàu anh đi bốn phương... Bao la đêm biển vắng làm sương rơi áo anh. Trên boong nhiều gió lộng tàu còn đi khắp miền. Anh xin người yêu anh đừng khóc và xin em đừng buồn...!”

Không buồn sao được vì ngôi sao Nguyễn Ngọc Bạch giờ đã rơi rụng xuống giang hà!!!

Cỏ Biển
Tháng 10/2023

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023