SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

Mùa thu và nỗi buồn của cái chết

Nguyễn thị Hải Hà

Nhà văn Pico Iyer nói rằng xa Nhật Bản ông rất nhớ mùa thu vì mùa thu là mùa đẹp nhất.  Khi ông bố vợ người Nhật qua đời, Pico trở lại Nhật Bản.  Nỗi đau buồn về cái chết của người thân trong vẻ đẹp của mùa thu đã khiến ông viết quyển sách có tựa đề “Autumn Light - Season of Fire and Farewell” có nghĩa là ánh sáng của mùa thu, mùa của rừng phong màu cam và màu đỏ rực rỡ trong nắng như những vầng lửa cháy trên các ngọn cây; mùa thu cũng là mùa chia tay. 

Trong thi ca Việt Nam, không hiếm những cuộc chia tay giữa người sống và người chết xảy ra vào mùa thu.  Những người cùng thế hệ với tôi có lẽ vẫn còn nhớ bài thơ Viếng Người Trinh Nữ của Nguyễn Bính được Trịnh Lâm Ngân phổ nhạc thành bài Hồn Trinh Nữ.  Bài thơ có những câu như sau:

Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi.
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi,

Lá vàng rơi trong màu trắng tang tóc như những giọt nước mắt tiễn đưa.  Không chỉ Nguyễn Bính khóc thương cô gái trẻ Hà Nội mà Đinh Hùng cũng gửi những vần thơ tưởng tiếc đến người dưới mộ sâu.

Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

Có phải người ta qua đời nhiều hơn vào mùa thu?  Ngày xưa bệnh lao phổi còn hoành hành dữ dội, và ngày nay bệnh cúm cấp tính thường cướp mạng sống con người vào mùa thu.  Do đó chúng ta có những bài thơ, bản nhạc về mùa thu buồn thê thiết.  Ai mà không thấy được nỗi buồn trong Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi,
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu, ai khóc ai than hờ

và Buồn Tàn Thu của Văn Cao.

Ôi vừa thoáng nghe,
em mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Ðếm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng.

Sự chia ly không chỉ dành riêng cho cái chết. Người chiến binh trong Chinh Phụ Ngâm lên đường ra chiến trường cũng chọn một ngày vào mùa thu.

Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

Nỗi buồn chia cách của những người yêu nhau cũng thường xuất hiện trong mùa thu, xin hãy nghe những câu hát sau đây trong bài Vẫn Một Cõi Đời Hiu Quạnh của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Đời chia xa những giòng sông khuất mờ
Tình phôi pha những mùa rơi lá vàng
Lệ em rơi hàng lệ nến những mùa mưa nhạt nhòa

Buổi chiều là mùa thu của một ngày.  Nhà văn Kazuo Ishiguro, người được giải văn chương Nobel 2017, đã quan niệm rằng, buổi chiều là phần đẹp nhất của một ngày, chúng ta làm xong việc, giờ là lúc gác chân lên để nghỉ ngơi hưởng thụ thành quả của một ngày. 

Mùa thu là buổi chiều của một năm.  Mùa thu cũng được đem so sánh với phần cuối của đời người, người Tây phương gọi là golden age, tuổi hoàng kim, thời điểm người ta hưởng thụ thành quả của một đời người.  Nhưng không phải ai cũng có thể hưởng thụ tuổi hoàng kim.  Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã than thở.

Xuân đời chưa hưởng kịp.
Mây mùa thu đã sang.

Đỗ Phủ lên núi cao nhìn lá rơi lay động nỗi sầu bệnh tật vì tuổi già

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lí bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài

Sông dài không dứt cơn sầu đến,
Vô số là vàng gió lắt lay.
Muôn dặm thu buồn thân lãng tử,
Trăm năm bệnh hoạn có ai hay.
Bản dịch của Trường Xuân Phạm Liễu

Nhà thơ Bàng Bá Lân bùi ngùi với tuổi vào thu

Vào thu là đã xế chiều
Đã già phân nửa cái điều nhân sinh.
Trông gương mình lại thẹn mình
Giận chưa phỉ chí bình sinh đã già

Nhà thơ Việt buồn vì tuổi già mà chưa được phỉ chí bình sinh.  Trong khi nhà thơ ngoại quốc kêu rêu với nhức mỏi của thể xác.

The leaves fall early this autumn, in wind.
The paired butterflies are already yellow with August
Over the grass in the West garden;
The hurt me.  I grow older.
Ezra Pound 1885-1972  The River Merchant’s Wife: A Letter (After Rihaku)

Mùa thu năm nay lá rơi sớm, trong gió
Đôi bướm tung tăng cánh đã trổ vàng mãi từ tháng Tám
Trên bãi cỏ phía vườn Tây;
Thể xác tôi đau mỏi.  Vì tuổi già.
(Nguyễn Thị Hải Hà tạm dịch)

Tôi thường nghĩ, mùa thu năm nay ắt phải buồn hơn mùa thu năm ngoái, và mùa thu năm ngoái buồn hơn mùa thu năm kia, tổng số người chết vì bệnh dịch cúm trên thế giới cho đến ngày hôm nay đã hơn năm triệu hai trăm ngàn người.  Mùa thu vẫn đẹp, đến rồi đi. Người năm nay già hơn năm trước.  Những cuộc chia tay vẫn xảy ra hằng ngày.
Pico Iyer viết. 

We cherish things, Japan has always known, precisely because they cannot last; it’s their frailty that add sweetness to their beauty. [...]
Beauty, the foremost Jungian in Japan has observed, ‘is completed only if we accept the fact of death.’ Autumn poses the question we all have to live with: How to hold on to the things we love eventhough we know that we and they are dying.  How to see the world as it is, yet find light within that truth.(*)

Chúng ta yêu mến sự vật, người Nhật đã biết điều này từ lâu, chính xác là bởi vì nó không trường tồn; chính cái sự mỏng manh dễ vỡ này càng làm tăng vị ngọt ngào của Vẻ Đẹp [...]

Vẻ Đẹp, theo quan niệm nổi tiếng của Jung, ‘được xem là trọn vẹn nhất chỉ khi nào chúng ta chấp nhận cái chết. 

Mùa thu đặt ra một vấn đề mà chúng ta phải sống chung với nó: Làm thế nào để giữ gìn những thứ chúng ta yêu mến cho dù vẫn biết là cả chúng ta, và những thứ ấy đều dần dần chết đi.  Làm thế nào để nhìn sự vật một cách hiện thật, mà vẫn thấy được ánh sáng tỏa ra từ sự thật ấy. 

Nguyễn thị Hải Hà - New Jersey.
Viết lúc Covid đang hoành hành nước Mỹ. Thứ Hai 29 tháng 11 năm 2021


* Pico Iyer.  “Autumn Light - Season of Fire and Farewell.” pp. 13-4

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023