SỐ 100 - THÁNG 10 NĂM 2023

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 43

Mariam

Trên lầu, trong phòng của Mariam, thằng Zalmai căng thẳng lắm. Nó thảy trái bóng rổ của nó vòng vòng trong phòng một hồi, hết xuống đất rồi vô tường. Mariam biểu nó đừng làm, nhưng nó thừa biết Mariam không có quyền gì với nó, cho nên nó cứ tiếp tục, vừa thảy vừa thách thức nhìn thẳng mặt Mariam. Một lúc khá lâu, hai người chơi trò đẩy chiếc xe đồ chơi màu đỏ của nó qua lại trong phòng, chiếc xe cứu thương có chữ màu đỏ đậm hai bên hông.

Trước đó, lúc gặp Tariq ở ngoài cửa, thằng Zalmai đã ghì chặt trái bóng vô ngực và đút ngón tay cái vô miệng - điều nó đã hết làm, ngoại trừ khi nó cảm thấy lo sợ. Mắt nó nhìn Tariq dầy vẻ nghi ngờ.

“Ông đó là ai?” giờ nó hỏi. ”Con không thích ông đó.”

Mariam đang sắp giải thích rằng ông đó với Laila lớn lên với nhau, nhưng Zalmai ngắt lời và bảo Mariam quay chiếc xe cứu thương lại để đầu xe hướng về phía nó, và khi nàng đã làm theo ý nó thì nó lại nói muốn trái bóng.

“Bóng đâu rồi?” nó hỏi. “Bóng ba mua đâu rồi? Ðâu rồi? Con muốn bóng! Con muốn bóng!” giọng nó cao lên và càng lúc càng chói tai. “Mới ở đây mà,” Mariam nói, thì nó ré lên,”Không, mất rồi. Con biết mà. Con biết mất rồi mà! Bóng đâu? Bóng đâu?”

“Ðây,” Mariam đến bên tủ lấy trái bóng đã lăn vô đó ra. Nhưng thằng Zalmai lại hét loạn lên và đấm thình thịch, vừa kêu khóc rằng đó là trái bóng khác, không phải của nó, bỏi vì trái bóng của nó đã mất, còn trái bóng này là giả, trái bóng thật của nó đâu rồi? Ðâu rồi? đâu rồi đâu rồi đâu rồi?

Nó hét cho đến khi Laila phải lên lầu, ôm ru nó và lùa tay vô những lọn tóc đen quăn tít của nó, lau nước mắt trên má nó và tặc tặc lưỡi vô tai nó.

Mariam chờ ở ngoài phòng. Từ trên đầu cầu thang nhìn xuống, Mariam chỉ thấy đôi chân dài của Tariq mặc quần ka-ki dài, chân thật và chân giả dũi ra trên nền phòng khách không trải thảm. Ngay lúc đó, Mariam chợt hiểu ra tại sao người đàn ông gác cửa Khách Sạn Continental trông quen quen cái hôm nàng và Rasheed đến đó để gọi điện thoại cho ông Jalil. Bữa đó anh ta đội nón và đeo kính mát, vì thế Mariam không nhận ra ngay. Tuy nhiên giờ thì nàng nhớ lại rồi, chín năm trước, anh ta đã ngồi dưới nhà chậm trán bằng chiếc khăn tay và xin nước uống như thế nào. Giờ đây, bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong tâm trí nàng. Có phải những viên thuốc trụ sinh cũng là một phần của mưu mẹo lường gạt? Trong hai người, ai là người đã nghĩ ra âm mưu này, đã cung cấp các chi tiết có sức thuyết phục đó? Và Rasheed đã trả cho Abdul Sharif bao nhiêu tiền - nếu đó là tên thật của y - để y đến và đánh gục Laila bằng câu chuyện về cái chết của Tariq?

Chương 44

Laila

Tariq kể có người bạn tù có anh em bà con bị xử đánh trước công chúng vì đã vẽ những con chim hồng hạc. Người anh em bà con đó đặc biệt thích loài chim này.

“Cả bao nhiêu tập hình phác thảo,” Tariq kể. “Hàng chục bức tranh sơn dầu toàn chim này, lội trong hồ nước mặn, tắm nắng nơi đầm lầy. Và cất cánh bay trong cảnh chiều tà nữa.”

“Hồng hạc,” Laila nói. Cô nhìn Tariq ngồi dựa lựng vô tường, cái chân lành co lên đầu gối. Cô bị thôi thúc bởi ý muốn được một lần nữa chạm tay vào người Tariq, như đã làm lúc nãy ngoài cổng lúc cô chạy ùa tới anh. Giờ cô cảm thấy ngượng khi nhớ lại mình đã ôm cổ Tariq và úp mặt vô ngực anh mà khóc, đã lắp bắp gọi tên anh không ngừng bằng một giọng khàn đục. Cô tự hỏi mình có hành động một cách quá háo hức, quá tuyệt vọng hay không? Có thể. Nhưng cô đã không cưỡng được. Và bây giờ Laila thèm được chạm vào người Tariq một lần nữa, để một lần nữa chứng minh cho cô rằng Tariq thực sự có mặt ở đây, rằng Tariq không phải là một giấc mơ, một bóng ma hiện hình.

“Đúng vậy,” Tariq nói. “ Hồng hạc.”

Tariq nói, lúc quân Taliban tìm thấy các bức tranh, chúng đã bị xúc phạm bởi cặp chân dài và trần trụi của chim. Chúng trói chân người bà con lại và dùng roi đánh vô lòng bàn chân của anh cho tới ruớm máu, rồi chúng bắt anh chọn: một là hủy hoại các bức tranh, hai là làm cho chim trở thành lịch sự. Vì thế người bà con cầm cọ lên và vẽ cho tất cả chim đều mặc quần.

“Thế là bây giờ có chim hồng hạc theo Hồi giáo,” Tariq nói.

Laila muốn phá ra cười, nhưng kịp giữ lại. Cô xấu hổ vì hàm răng vàng, vì cái răng cửa bị mất. Xấu hổ vì vẻ mặt khô héo và cặp môi xưng vù của mình. Cô ước phải chi mình được rửa mặt, hay ít ra chải lại mái tóc.

“Tuy nhiên người bà con rồi sẽ thắng,” Tariq bảo. “Anh ta vẽ quần bằng màu nước. Khi quân Taliban đi rồi, anh ta sẽ chùi đi hết thôi.” Tariq mỉm cười – Laila để ý thấy Tariq cũng có mất một cái răng - và cuối nhìn hai bàn tay. “Quả nhiên.”

Tariq đội nón bê-rê len, đi giầy leo núi, chiếc áo len màu đen nhét vô thắt lưng quần kaki. Anh cười nửa miệng, gật gù chậm rãi. Laila nhớ chưa từng nghe Tariq nói chữ quả nhiên này hay thấy cử chỉ trầm ngâm này, mấy ngón tay chắp thành lều trên đùi, cái gật gù này cũng mới. Lời nói người lớn, cử chỉ người lớn, mà sao lại phải ngạc nhiên? Tariq bây giờ là một người trưởng thành, một người đàn ông 25 tuổi với cử động chậm rãi và nụ cười mệt mỏi. Cao, râu ria, ốm hơn trong những giấc mơ của Laila, nhưng với hai bàn tay trông khỏe mạnh, hai bàn tay thợ, nổi gân ngoằn ngoèo. Gương mặt Tariq vẫn còn thon và đẹp trai nhưng da không còn trắng nữa; trán nhìn phong trần và rám nắng cũng như cái cổ của anh, cái trán của một người lữ khách sau cuộc hành trình dài và mệt nhọc. Chiến bê-rê len đẩy ra phía sau đầu nên Laila nhìn thấy tóc anh đã bắt đầu sói. Màu hạt dẻ mắt anh tẻ nhạt hơn trong trí nhớ của Laila, nhợt nhạt hơn, hay có lẽ chỉ vì ánh sáng trong căn phòng.

Laila nghĩ đến má của Tariq, đến cử chỉ không vội vã, nụ cười thông minh, bộ tóc giả màu tím tẻ nhạt của bà. Và cha của Tariq, cái nhìn nheo mắt và tính khôi hài của ông. Lúc nãy ngoài cửa, bằng một giọng lắp bắp đầy nước mắt, Laila đã kể cho Tariq nghe những gì cô tưởng đã xẩy ra cho Tariq và gia đình, và Tariq đã lắc đầu. Vì vậy bây giờ Laila hỏi thăm cha mẹ Tariq có khỏe không. Nhưng khi Tariq nhìn xuống đất và lơ đãng nói “chết rồi,” Laila hối hận vì đã hỏi.

“Cho em chia buồn.”

“Ừ. Anh cũng buồn. Đây.” Tariq lấy trong túi ra một bao giấy nhỏ đưa cho Laila. “Của Alyona gởi.” Trong bao có một miếng phó-mát bọc nhựa.

“Alyona. Tên đẹp lắm.” Laila cố giữ bình tĩnh để nói những lời tiếp theo. ”Vợ anh hả?”

“Con dê của anh.” Tariq mỉm cười nhìn Laila, như chờ đợi Laila nhớ lại một kỷ niệm.

Và Laila chợt nhớ. Cuốn phim Liên Xô. Alyona là con gái của vị thuyền trưởng, cô gái yêu anh thuyền phó. Cái hôm Laila, Tariq, và Hasina đi coi xe tăng và xe jeep Liên Xô rời khỏi Kabul, cái hôm Tariq đội chiếc nón lông thú Liên Xô tức cười đó.

“Anh phải cột nó vô cái cọc đóng xuống đất,” Tariq đang kể. “Rồi làm hàng rào. Vì chó sói. Dưới chân đồi chỗ anh ở, khoảng bốn trăm thước cách đó có một khu rừng nhỏ, chủ yếu là thông, một ít linh sam, bách hương. Phần lớn chúng lẩn quẩn trong rừng, chó sói là vậy, nhưng một con dê non kêu be be lại thích đi lang thang, có thể khiến lũ sói ra khỏi rừng. Vì vậy hàng rào. Cọc.”

Laila hỏi chân đồi nào.

“Pir Panjal. Nước Pakistan,” Tariq bảo. “Chỗ anh ở gọi là Murree; một khu nghỉ hè cách Islamabad một giờ đồng hồ. Chỗ đó nhiều đồi núi xanh tươi, nhiều cây cối lắm, cao hơn mực biển. Nên mùa hè mát mẻ. Thích hợp cho du khách.”
Tariq nói người Anh đã xây dựng nơi này như một trạm nghỉ mát trên đồi, gần các trụ sở quân sự chính ở Rawalpindi, để người Anh thời nữ hoàng Victoria cuối thế kỷ 19 trốn cái nóng. Vẫn còn sót vài vết tích của thời thuộc địa, Tariq bảo, như cái quán trà, những căn nhà trệt mái thiếc mà người ta gọi là nhà miền quê, đại loại như thế. Thị trấn chính thì nhỏ và dể thương. Con đường chính tên là “Khu Mua Sắm”, nơi có một bưu điện, một cái chợ nhà lồng, vài tiệm ăn và cửa hàng bán những món hàng bằng kiếng sơn màu và thảm thắt bằng tay cho du khách với giá rất mắc. Lạ lùng là giao thông trên đường này chỉ một chiều, và mỗi tuần đổi chiều ngược lại.

“Dân địa phương bảo giao thông ở xứ Ái Nhĩ Lan nhiều nơi giống như vậy,” Tariq nói. “Có biết đâu. Dù sao cũng hay. Cuộc sống ở đó rất đơn giản, nhưng anh thích. Anh thích sống ở đó.”

“Với con dê của anh. Với Alyona.” Laila nói, không phải để đùa mà đúng ra là để kín đáo lái câu chuyện qua một hướng khác, chẳng hạn như có ai khác ở đó để chia xẻ cùng Tariq nỗi lo dê bị chó sói ăn thịt hay không. Tuy nhiên Tariq chỉ gật đầu.

“Anh cũng chia buồn với em về cha mẹ của em,” Tariq nói.

“Anh có nghe à.”

“Anh có nói chuyện với một vài người hàng xóm,” Tariq bảo. Trong lúc anh tạm ngừng nói, Laila tự hỏi những người hàng xóm đó đã kể gì nữa. “Anh chẳng nhận ra ai hết. Anh muốn nói, những người hồi xưa đó.”

“Họ đi hết rồi. Không còn ai anh biết đâu.”

“Anh không nhận ra Kabul.”

“Em cũng vậy,” Laila nói. “Mà em có bao giờ rời nơi đây đâu.”

“Mẹ có bạn mới,” thằng Zalmai nói, tối hôm đó sau khi ăn cơm, sau khi Tariq ra về. “Một ông.”

Rasheed ngẩng lên. “Thật sao?”                   

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023