SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

BỨC THƯ

Trang giấy trắng và cây bút bi đã nằm trên mặt bàn của chị Anh như thế là một tuần rồi. Chị cứ cầm bút lên rồi đặt bút xuống không biết bao nhiêu lần mà thời gian không cho phép chị chần chờ mãi được. Đêm nay chị phải viết cho xong vì ngày mai người ta sẽ giúp đem bức thư này đến cho con trai chị. Nếu đêm nay chị không viết thì tiếng kêu của chị mãi mãi chìm vào hư vô...

Đêm càng lúc càng khuya. Tiếng tíc tắc đồng hồ như những nhát búa mỗi lúc mỗi gia tăng cường độ, gõ vào đầu chị những tiếng ong ong nhức nhối. Trên chiếc giường gỗ bên cạnh, trong cái mùng lụp xụp, con gái chị và đứa con trai lên bốn của nó đang nằm ngủ. Chị biết là con gái chị không ngủ được vì chốc chốc chị lại nghe tiếng nó cựa mình trăn trở. Trong nhà tắm tiếng tí tách của nước vẫn nhỏ xuống đều đều từ cái vòi bị hư. Nhà thuê ở tạm. Giá rẻ. Cái gì cũng hư cũng hỏng. Chị liếc nhìn những mạt gỗ do mối ăn rớt đầy trên bệ cửa sổ. Tờ giấy trắng thì vẫn trơ trơ ra đó, nhìn chị đầy thách thức. Chị có cảm tưởng như nó càng lúc càng rộng ra, rộng như cánh đồng đầy tuyết mà chị thì như con mèo đi lạc đang ngập ngụa trong ấy, lạnh cóng đến từng sợi lông tơ. Một cơn giận bất thần trào ra. Chị đấm mạnh lên mặt bàn rồi nghiến răng bẻ cây bút làm hai quăng mạnh xuống đất. Con gái chị ngồi nhổm dậy trên giường. Hai mắt nó nhìn chị trân trối. Nó bật lên những tiếng tức tưởi:

- Má. Má viết thư cho anh Hai đi má. Má hứa với con rồi mà... Không lẽ má để cho con với thằng Bin chết luôn hả má?

Nó nói xong thì òa lên khóc nức nở.

Chị Anh ngồi bất động như pho tượng. Chị định đưa tay lau nước mắt nhưng chợt nhớ nước mắt chị có còn đâu mà lau. Hai bàn tay chị thừa thãi quá, cứ xoắn lấy nhau, bóp bóp lấy nhau một cách vô vọng. Những ngón tay này vuốt vuốt ngón tay kia như cái cách con thú vẫn liếm bộ lông của chúng những khi bị thương. Rồi chị cố nén tiếng thở dài. Hai bàn tay rời nhau ra. Bàn tay phải của chị lần lần trên mép bàn tới gần cái ngăn kéo. Chị biết trong ấy còn một cây bút nữa.

Không ai biết được tình cảnh của chị trong lúc này. Chị, con gái chị và đứa cháu ngoại đang đi trốn nợ. Cái món nợ trời giáng ấy chị không hề hay biết là có nó trên đời cho tới cái ngày một mụ đàn bà và hai gã du côn kéo tới nhà chị. Mụ ra hiệu cho hai gã này ấn chị xuống ghế không cho cựa quậy đoạn nói:

- Con gái chị thiếu tiền chúng tôi. Nó có trốn lên trời cũng không thoát được đâu. Bây giờ chị tính sao?

Mụ ta vừa nói vừa chìa ra một xấp giấy nợ có chữ ký rành rành của con gái chị. Mắt chị Anh hoa lên. Chị nghiến răng bảo:

- Con tôi vay mượn gì của mấy người thì mấy người kiếm nó mà đòi. Tôi không biết.

Mụ đàn bà cười khẩy. Mụ liếc hai gã đàn em. Hai lưỡi dao lạnh toát lập tức áp vào má chị. Mụ ta gằn giọng:

- Liệu mà nói với con gái chị ba ngày nữa đem tiền trả cho chúng tôi. Nếu không thì tụi này xẻo cái lỗ tai của cháu ngoại chị đem về xài đỡ đó.

Chị Anh ngồi như trời trồng. Không hiểu con gái chị dính dáng tới bọn xã hội đen này hồi nào, nợ nần dan díu với chúng thế nào mà chúng kéo tới dọa ăn tươi nuốt sống cả nhà. Tối đó Duyên - con gái chị đành thú thật với mẹ. Thì ra bấy lâu nay chồng Duyên dối vợ biểu đi mượn tiền cho anh ta hùn hạp làm ăn không ngờ Duyên đem về bao nhiêu anh ta nướng hết trên chiếu bạc bấy nhiêu. Rồi thì òn ỉ, xin lỗi, hứa hẹn. Nợ một đẻ trăm, nợ trăm đẻ ngàn. Số tiền sau cùng Duyên mượn về anh ta ôm trọn rồi bỏ nhà đi mất tiêu. Duyên cuống cuồng trong cái mê cung không lối thoát. Chị Anh phải bán nhà, cầm cố, vay mượn đủ mọi nơi mọi chỗ để giúp con trả nợ nhưng chỉ trả được một phần. Cuối cùng không chịu nỗi sự vơ vét tàn bạo của bọn chủ nợ chị và hai mẹ con Duyên phải bỏ quê Vĩnh Long dắt díu nhau lên Biên Hòa trốn chui trốn nhủi. Hai mẹ con chị sống qua ngày bằng gánh xôi gánh chè để nuôi thằng Bin mà phập phồng không yên. Chị lúc nào cũng nơm nớp sợ bọn người kia sẽ đánh hơi tìm tới vì tiền trả chưa hết thì dễ gì bọn chúng buông tha cho mẹ con chị.

Duyên nói:

- Má. Má viết thư cho anh Hai đi má. Nhờ anh Hai giúp mình trong lúc này. Rồi mai mốt con sẽ làm trả nợ cho ảnh chớ sống như vầy hoài làm sao con sống nổi.

Chị Anh im lặng. Chị không muốn đụng tới Giang - đứa con trai lớn của chị trong lúc này bởi Giang là cái quá khứ buồn đau của chị, là cái khối u của niềm hối hận không nguôi trong đời làm mẹ của chị dù chỉ có Giang mới đủ sức làm cái phao cho mẹ con chị bám vào. Nước mắt chị ứa ra. Chị đâu có quyền đòi hỏi ở Giang điều gì. Chị có nuôi Giang ngày nào đâu mà bây giờ trong cái lúc lâm nguy lại cầu xin Giang giúp đỡ. Duyên lại nói:

- Má. Anh Hai tốt lắm má à. Ảnh không nề hà gì đâu. Má viết thơ cho anh Hai đi má.

Chị Anh không đáp. Đôi mắt u buồn của chị hướng ra một chân trời xa xăm nào đó của mấy chục năm về trước nơi chị thấy lại hình bóng của mình trong chiếc áo nữ sinh hiền lành, nơi chị là con nghé con bê khờ khạo cứ mơ màng đạp trên lá khô mà đi, không biết nơi đâu là nguy hiểm chực chờ. Mối tình đầu của chị là ông ấy, một người đàn ông suy đồi, đổ đốn. Gã đi lính, một thứ lính kiểng, ngồi sa lông, hút thuốc lá. Tại sao chị si mê hắn? Nhờ hắn giỏi đường mật, thế thôi. Đến khi chị có bầu với hắn thì mới hay hắn đã có vợ và bốn con ở một tỉnh lỵ nào rồi. Vừa sinh Giang được một tháng thì chiến cuộc sôi bùng. Chị gói đứa con còn đỏ hỏn đưa cho hắn bồng qua Mỹ trong cái ngày loạn lạc 30 tháng 4. Chị xa Giang từ đó. Trong những giấc mơ chị luôn luôn thấy có một đứa bé đứng bên hàng rào trong sương mù ảm đạm mà khi chị đưa tay ra với thì nó chỉ khóc chứ không bao giờ chạy lại. Chị biết chị có lỗi với Giang. Cái mặc cảm ấy đi theo chị như cái đuôi theo sau con mèo. Chị muốn quên mà không khi nào quên được, trái lại nó càng làm chị ray rứt hơn, tủi hổ hơn khi chị lập gia đình khác, khi chị có Duyên và những đứa em của Duyên. Chị tự hỏi không biết chị còn gặp lại Giang không. Chắc là không. Chồng sau của chị là một người tốt nhưng không dư dả gì. Anh có miếng đất hương hỏa của ông bà ở Vĩnh Long, đưa chị về đó sinh sống. Bao nhiêu năm chị sống âm thầm, ẩn dật, cho tới một ngày anh qua đời, khi đó thì tóc chị đã phai màu, nỗi nhớ về đứa con lưu lạc như hòn đá dưới đáy sông, bên trên là dòng chảy cuồn cuộn không ngừng của đời sống. Chị đành chịu, đành chấp nhận tất cả, bởi một lẽ quá giản dị là chị không thể làm gì khác hơn được...

Bỗng một ngày kia cái xóm nhỏ bên Cù lao An Bình bỗng nhiên dậy sóng. Có một người thanh niên hỏi thăm nhà chị tìm đến. Anh ấy xách vali, vai đeo túi, cao lớn, tóc dợn sóng, chân mày đen rậm, đẹp như một tài tử xi nê. Chị bước ra ngỡ ngàng. Người thanh niên lấy ra một tấm ảnh ngày chị còn trẻ nói bằng cái giọng tiếng Việt ngọng nghịu: “Con tìm mẹ con.” Chị Anh gần khuỵu xuống. Chị tưởng mình đang sống trong mơ. Chị còn chưa dám đụng vào Giang thì Giang đã ôm lấy chị mà khóc. Chị nắm tay Giang, sờ lên mặt, lên tóc con. Giang bồng chị lên xoay một vòng. Chị như đứa bé nhỏ xíu trong đôi tay vạm vỡ của người thanh niên ấy. 

Ôi cuộc đời của chị. Cuộc đời đầy những éo le, lên thác xuống ghềnh. Bà con trong xóm tràn vào nhà chị, mừng cho chị có phước. Có lẽ đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời chị. Giang cho chị tiền , cho các em tiền, ăn bữa cơm chị nấu, thủ thỉ nói chuyện với chị hàng đêm. Giang không hề chất vấn chị “Tại sao má không nuôi con? Tại sao thế này, tại sao thế khác...” Chị hỏi bên đó Giang làm gì để sống. Giang đáp: “Con làm đủ thứ má à. Cái gì làm được thì làm.” Rồi Giang cười. Nụ cười của Giang như liều thuốc mát làm dịu đi những vết bỏng trong lòng chị. Rồi Giang tả cho chị nghe công việc của nó. Chị không mường tượng ra được. Chị chỉ mê mải nhìn khuôn mặt của con với đôi mắt giống chị, đôi môi giống chị, miệng cười giống hệt chị. Giang hỏi: “Con nói má có hiểu không?” Chị không trả lời Giang, chỉ mỉm cười sung sướng. Nỗi sung sướng ấy không nói được ra lời mà cần gì phải nói ra lời chứ. Nó chan chứa trong tim chị, trong tâm hồn chị, trong tiếng nói, tiếng cười và đầy ắp cả bầu trời xung quanh chị.

Sau ba tuần thì Giang đi, để lại cho chị cái địa chỉ. “Má có cần gì thì gởi thư cho con.” Tuy nhiên từ khi liên lạc được với Giang chị chỉ gởi cho con những bức thư thăm hỏi chứ chưa bao giờ gởi cho Giang một bức thư bảo là chị “cần gì”. Chị không cho phép mình cái quyền đó. Hơn nữa cái món nợ của Duyên quá khổng lồ, chị làm sao muối mặt mà viết thư cho Giang được...

Trong mùng tiếng thút thít của Duyên vẫn còn rấm rức.

Hình như sắp có giông nên gió mạnh lắm. Chị nghe gió gào thét trên mái tôn, đồng thời mưa kéo tới, quất sầm sập rồi gió giật mạnh làm cái cửa ọp ẹp của chị bung ra. Một luồng nước lạnh ngắt tạt vào phòng. Chị Anh hốt hoảng chạy vội ra đóng sập cửa lại rồi lui cui lau chỗ ướt trên nền nhà. Tới một lúc thì mưa tạnh. Chị vẫn còn ngồi thừ ra trên bàn với cây bút và tờ giấy trắng. 

Đồng hồ đã chỉ năm giờ sáng.

Tiếng gà gáy giục giã vang lên nối tiếp nhà nọ nhà kia.

Có tiếng người hàng xóm gõ cửa nhà chị. Duyên ngồi bật dậy. Chị nghe tiếng đối đáp giữa hai người:

- Má con viết thư xong chưa đưa cho cô.
- Dạ ...gần xong rồi cô.
- Viết gì lâu dữ vậy. Sáu giờ sáng là em cô ra phi trường rồi. Nếu má con viết xong thì đem qua cho cô, còn không thì thôi...

Chị nghe tiếng Duyên cài then cửa rồi bước vào.

Chị ngước nhìn con trong cái ánh sáng mờ mờ của căn phòng lúc ấy. Hai mắt Duyên sưng húp nhìn lại chị. Chị vội vã xếp trang giấy thật nhanh cho vào phong bì dán kín lại, đoạn lật qua hí hoáy ghi địa chỉ người nhận. Duyên gần như giật lấy phong thư trong tay mẹ, hấp tấp chạy đi. Bên ngoài trời đã sáng rõ. Những âm thanh lao xao của buổi đầu ngày vọng đến tai chị như từ một cõi nào. Chị kêu đứa cháu thức dậy, bảo nó thay quần áo, ăn sáng, chuẩn bị đến trường. Rồi Duyên chạy về , phụ chị dọn hàng ra chợ, làm hàng trăm công việc tủn mủn tẳn mẳn vô danh. Có một lúc chị chợt nhìn lên trời và trông thấy một chiếc máy bay bay lướt ngang đầu. Chị nhớ tới bức thư của mình vừa gởi đi. Một tiếng kêu thoát ra từ lồng ngực héo hon của chị, như tiếng chim lạc lõng giữa sa mạc hoang vu : “Giang ơi...”

Bức thư của chị đến tay Giang chỉ mất vài ngày. Anh mở phong bì và vô cùng ngạc nhiên khi bên trong không có một dòng chữ nào cả. Mẹ anh chỉ gởi qua một tờ giấy trắng! Giang loay hoay lật qua lật lại tờ giấy nhưng vẫn thế thôi. Không hề có một chữ. Anh lờ mờ cảm thấy dường như có một sự gì không lành đằng sau tờ giấy vô tội ấy. Có gì bất trắc chăng? Hay đây là sự câm lặng vì ngại ngần, vì không đủ cam đảm? Có lẽ mình nên điện thoại cho mẹ để nói chuyện thì rõ hơn-  Giang nghĩ. Nhưng nhà mẹ không có điện thoại. Hay gọi về bưu điện tỉnh hay bưu điện thôn xã gì đó rồi người ta cho mẹ hay, mẹ ra nghe. Không biết vậy được không? Hay thế này ...Hay thế kia...Tội nghiệp Giang. Anh xoay sở cách này, cách khác, sau rốt nhờ một người quen sẵn tiện về thăm nhà tới gặp mẹ anh để hỏi cho ra lẽ. Khi ấy thì mọi chuyện được giải bày không phải trên mặt giấy nữa. Giang gỡ rối cho mẹ từ từ. Người ta nói ông Trời không bao giờ đóng tất cả những cánh cửa. Ông đã chừa cánh cửa duy nhất ấy lại cho chị. Đó là Giang - một sự trớ trêu đến tận cùng.

Cuối cùng thì cơn mưa nào rồi cũng tạnh.

Nhiều năm đã trôi qua sau cái biến cố tang thương ấy…

Giờ thì chị Anh đã già. Cơn ác mộng đã qua. Cuộc sống của Duyên dần dần khá hơn nhờ sự giúp đỡ của Giang. Bin cũng đã vào đại học. Chị Anh nghĩ đã đến lúc chị rời gia đình, bắt đầu con đường riêng của chị được rồi. Chị xuống tóc, xuất gia vào chùa, sống những ngày cuối đời không vọng động. Trước khi đi chị có viết một bức thư gởi cho Giang. Tự nhiên chị có cảm tưởng như đây là bức thư sau cùng để nói với con tất cả những gì chị muốn nói. Không biết chị viết gì nhưng mắt Giang cay sè, cầm những trang thư của mẹ đọc đi đọc lại, hình dung cái dáng nhỏ xíu còm cõi của mẹ, khuôn mặt mẹ, bàn tay mẹ. Cầu xin Phật phù hộ cho mẹ - anh lẩm bẩm. Bức hình của mẹ trong khung kính như mỉm cười với Giang. Anh cũng mỉm cười, tin rằng ở phương xa chắc mẹ anh cũng nghe được những lời cầu xin đó.

Nghi Phương 
1/2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024