SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

CHUYỆN LẠ,“ĐỜI THƯỜNG”

CAO VỊ KHANH

Tôi bỏ xứ ra đi đã bốn mươi ba năm tám tháng chín ngày. Chưa một lần về lại dù lòng vẫn thắp thỏm cái thứ tâm sự mà loại văn chương hay làm điệu thường gọi là nỗi-niềm-cố-quận. Rồi từ khoảng ba mươi mấy năm nay, nghe tin người qua lại như đi chợ, lòng cứ thấy áy náy mà chứng nào tật nấy, con tim nằng nặc đòi về mà cái đầu thì cứ trơ trơ. Thiệt là hết nói !

Biết là mộ phần cha mẹ đang nằm heo hút đâu đó, trên một doi đất, chỗ xoáy nước có hai con kinh giao đầu như hai con kình ngư quẫy sóng. Biết là nền nhà cũ đã lạng mất sau từng cơn “giải phóng mặt bằng”. Biết là ngôi trường học cũ đã đổi tên sau những cuộc đổi tiền đổi chữ đổi nghĩa đổi luôn mớ nhân tình thế thái... Trăm ngàn thứ đổi sau cuộc đổi đời năm đó.

Biết như vậy thì lẽ ra, theo cái tánh tò mò tọc mạch muôn đời của loài người hẳn là phải về ít ra cũng một lần. Ít nữa cũng thấy được tận mắt sự thay đổi rốt ráo ra sao. Để rồi có bắt chước bà Huyện Thanh quan mà chắc lưỡi ngậm ngùi... lối xưa xe ngựa hồn thu thảo... thì cũng là... phải phải !

Vậy mà lần lữa tháng ngày qua, qua như vó câu chiến mã, vẫn cứ chần chừ, giữ rịt mình lại như chân bị cùm xích ngày còn trong trại cải tạo. Hết biết. Làm như sau cơn chao đảo của những ngày tháng tư năm đó, tôi bị chứng dị ứng với màu-cờ-đỏ-máu hay sao á. Cứ sợ lỡ giống như ông Trần Dần... Về rồi không- thấy-phố-thấy-nhà, chỉ-thấy-mưa-sa-trên-màu-cờ-đỏ !!!

Thì thôi. Đã không về để chính mắt nhìn những trò mà-mắt đằng sau mớ cao ốc cao lêu nghêu tới nổi lấp liếm hết đám lều tranh lều lá lều vải lều giấy chắp vá, nằm lểnh nghểnh đâu đó. Đã không về để được (bị) nhìn thấy con gái chxhcnvn khỏa thân nhảy múa đầy đường mừng chiến thắng của đội bóng-đá nước mình dù thiệt tình cũng chẳng biết bóng-hổng-có-chưn-làm-sao-mà-đá. Đã không về để có dịp nhìn thấy tận mắt những tàu-lạ cứ thì thụp vô ra chụp giựt biển-đảo của cha ông để lại mà đảng-và-nhà-nước-ta cứ la oai oái là chẳng-có-gì-lạ. Đã không về để nghe Nhạc Vàng mà đảng-và-nhà nước-ta đã hết lòng cấm đoán đang thi nhau hát rân qua các thùng loa kéo lê trên lề đường hè phố... Đã không chịu về nhìn lại những đổi thay trái tai gai mắt mà hằng triệu người Việt vốn đã bỏ nước chạy xấc bấc xang bang rồi bây giờ lại hồ-hởi quay về, thì thôi, thử ngoái đầu nhìn lại chính mình đằng đẵng trong suốt hơn bốn mươi năm qua, đã dâu bể tới ngần nào... Hổng chừng cũng là một cách để so đo mấy cái chuyện lạt lẽo kiểu nắng sớm mưa chiều. Hay thắt ngặt chết sống như đong đưa sợi giây thừng của định mệnh. Mà dù suông đuột hay lắt léo cũng vẫn là thứ chuyện- đời-thường (dù thiệt tình mà nói cũng chẳng biết chữ đời-thường nó khác với đời-không-thường ở chỗ nào), theo kiểu chuyện-thiệt-đời-người, không thêm bớt, chẳng thèm vặn vẹo làm chi cho nó ra vẻ éo le. Chuyện thường, đời-thường y như đã xảy ra dầu không biết có... thường không !

Dẫu sao để được nói thêm lời... tạ ơn đời. Lần nữa.

Chuyện như vầy:

Số là, y như mọi người Việt ở lứa tuổi trên dưới đôi mươi những năm 70 của thế kỷ trước sống ở miền Nam thuở đó, đặc biệt là dồn đống ở những nơi mà khi giành giựt được bằng máu và xương, người ta gọi ngon ơ là vùng tạm-chiếm, tôi được theo thầy cô học chữ Việt, thứ chữ Việt có lịch sử thăng trầm y như vân nước cùng với những bài học đức dục ít nhiều bắt nguồn từ mớ nhân nghĩa ẩn tàng trong bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Thêm nữa, như mọi đứa trẻ sống ở bên nầy con sông Bến Hải, ngoài chuyện thu tóm được mớ chữ đúng y văn phạm ngữ pháp, tôi đã mặc tình thả hồn mình nghêu ngao khắp bốn bể năm châu chớ không như đám trẻ cùng lứa bị nhốt gọn trong cái thiên-đàng-cộng-sản ở miền Bắc, dù thiệt tình mà nói chân chưa vượt qua được cái bến bắc Mỹ Thuận quá trăm bước. Thêm một chút ngoại lệ, giống như mọi công-tử-vườn ở tỉnh lẻ, trong những năm cuối cùng của người Pháp ở Việt Nam, cũng được đưa vô trường Tây lăm le học đòi mớ chữ Pháp với bài học đầu đời Nos ancêtres sont des Gaulois. Có điều ba cái mớ chữ Tây đánh vần chưa trơn miệng thì xảy đâu đã bị rút hết về nước. Bỏ lại tôi, ngổn ngang mớ vần quốc ngữ bập bẹ riết rồi cũng trơn tru. Nhất là những bài học-thuộc-lòng mà ý nghĩa nồng nàn tình người, tình nước. Cùng với những bài học lịch sử thấm đẫm nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Thêm hai năm vừa học vừa chơi bắn cu-li, chọi đáo, u bắt mọi... rồi cũng đến lúc làm sĩ tử ra trường thi bằng... Tiểu Học. Đậu cái rót dù mấy bài toán đố nước-chảy-ra-nước-chảy-vô khó hiểu còn hơn phương trình đổi quỹ đạo của vệ tinh bây giờ. Rồi thi tiếp lên Đệ thất trường trung học lớn nhất tỉnh-nhưng chắc hạng nhì nếu so với một ngôi trường danh tiếng khác. Dẫu vậy, cũng có sao. Suốt sáu năm dùi-mài-kinh-sử ở đó với mọi lớp thầy cô, từ tư-nhân-dạy-giờ đến giáo-sư-chính-ngạch, xuất thân hẳn hoi từ trường Cao-Đẳng-Sư-Phạm- chạy-giặc-cộng-sản từ Hà Nội vô Sài Gòn, tôi cũng giựt được cái chứng chỉ Tú Tài Một. Chừng này mà nhập ngũ, sau chín tháng dãi nắng dầm mưa trên đồi Tăng Nhơn Phú miệt Thủ Đức cũng sẽ le lói cái lon chuẩn úy. Nhưng không, đất nước mới tái sinh, đang cần người cho mọi địa hạt chớ chẳng riêng gì mặt quân sự. Tại vậy, lại tiếp tục con đường tầm sư học... chữ. Lần này, trường hết lớp phải gởi qua Cần Thơ, học ké ở một trường trung học lớn nhất miền Tây. Ở đó, số học trò ban C hiếm hoi rải rác suốt dọc miệt Hậu giang được gom lại vài ba chục mạng, tạm quên khúc ngâm Cung Oán với lại tiếng kêu đứt ruột của Thúy Kiều... để làm quen với ba ông tây triết gia ... Mười mấy tuổi đầu nghe chuyện tâm lý với lại siêu hình... cứ y như nghe giảng kinh Hoa Nghiêm hay kinh Sáng Thế, trong khi cái đầu thì cứ vơ vẩn loanh quanh ba cái búp hoa mới vừa he hé nhụy. Dẫu vậy, rồi cũng qua. Rồi cũng lại lều chõng đến trường thi. Lại được chấm đậu. Ba má hay tin mừng chảy nước mắt. Ít ra, thằng con cũng tạm tránh được chuyện lửa đạn, vói thêm đôi ba năm đại học, theo luật hoãn-dịch-vì-học-vấn giữa khi bao nhiêu trai tráng phải dẹp bút nghiên lo chuyện... binh đao. (Gần năm mươi năm sau, bây giờ nghĩ lại chẳng biết có công bằng không khi chiến tranh là tai họa chung mà trai trẻ, đứa vầy đứa khác... !). Thôi, đổ thừa cho thời thế...

Chớp được bằng Tú tài 2, bỗng dưng thấy mình lớn đại, phen nầy lên đại học học đại món mình thích dù biết ba cái chữ nghĩa văn chương vẫn bị coi là cái thứ khó kiếm ra tiền. Văn khoa. Vậy mà cha mẹ vẫn cưng cho bằng được, muốn gì được nấy, vẫn lo cho khăn gói lên đường... du học.

Ôi thôi, đèn-Sài gòn-ngọn-xanh-ngọn-đỏ, nó chấp chới còn hơn mấy cái đuôi mắt gái dậy thì. Hành trang gọn bâng. Vài ba cái áo sơ-mi tetoron mỏng dánh, hai cái quần jean mài đá cho ra vẻ bụi đời, thêm mớ đồ lặt vặt hằng ngày cộng mớ tiền lẻ mà ba má nhịn nhót. Một quảng đường quốc lộ số 4 dài 136 cây số, xe tài nhứt khởi hành lúc 4 giờ khuya, khi trời chưa kịp sáng. Hai con mắt còn hấp háy giấc ngủ muộn đêm qua đã bỏ xe lội bộ để xuống bắc Mỹ Thuận rồi lên xe chạy tiếp qua cầu Bến Lức rồi cầu Tân An, chỗ xe-qua-cầu-ăn-gì-xả-rác-trên-xe-bà-con-ơi, xảy tới ngã ba Trung Lương rồi thẳng đường để tới bến xe lục tỉnh đường Pétrus Ký. Xe chạy phom phom. Cửa sổ xe mở tác hoác. Tóc tai phừng phừng gió-viễn-phương.

Ôi thôi, cả một cõi đời mới tinh mở ra trước mắt thằng học trò tỉnh lẻ. Thiên hạ qua lại dập dìu mà chẳng ai để ý tới ai. Sướng vậy, chẳng bù ở cái tỉnh nhỏ vừa- dứt-áo-ra-đi đó hở chút là thiên hạ đã hăm he đi mét... thầy-tư-ba-tôi ! Coi nè. Đúng là hòn-ngọc-viễn-đông. Phố xá tưng bừng. Quán ăn, tiệm nhảy, phòng trà... tha hồ mà lê la. Lại nữa rạp chiếu bóng có gắn máy lạnh, chiếu liền liền không nghĩ phim mới phim cũ màn-ảnh-đại-vĩ-tuyến với lại màu tếch-nít-cô-lo. Cạnh đó tiệm sách to đùng tràn ngập sách báo tới ngộp mắt, mỗi lần ghé qua rờ rẫm, đọc ké quên thôi. Đại lộ phẳng phiu, xe cộ phun khói mịt mù. Ngã sáu ngã bảy như mạng nhện. Mấy cái hẻm nhỏ chạy lằng quằng bí hiểm như mê cung. Nắng Sài gòn anh đi mà mát rượi !

Vậy rồi, lẹ như chớp. Học gì thì khó chớ học chơi thì dễ ợt. Mấy chốc, nhà quê cách mấy cũng nhập-vai thành phố cái một. Chữ nghĩa một phía, vui chơi một phía. Chẳng có bên nào ức hiếp bên nào. Chẳng những vậy mà còn bắt quàng qua ngành gõ-đầu-trẻ cho ra vẻ con nhà. Bốn năm sau, cha mẹ chưa kịp mừng đoàn tụ sau ngày thành đạt đã nghe tin xách va-li, đổi chỗ làm, bỏ xứ đi trình diện nhiệm sở ở một chỗ mới nghe qua đã thấy xa mù xa mịt. Đường đi Rạch Giá thị quá sơn trường...

Đúng ra, chuyện hoán đổi nhiệm sở hồi đó cũng hay đòi hỏi một đền bù. Đằng này chẳng thu về một xu nhỏ. Số là vì cảm thương cặp bạn chung lớp lỡ yêu nhau trong suốt mấy năm học làm thầy, nên nổi hứng nhường chỗ cho họ tới nhiệm sở chung nhau, sát chỗ quê mình, khỏi chịu cảnh chia uyên rẽ thúy. Còn mình thì xếp hành trang xuống tuốt chỗ hết chỗ... xuống.

Có phải đây là khúc rẽ của một đời người. Và cũng là niềm bí ẩn riêng tư mà tới giờ chót, bỗng muốn phanh phui.

Nghĩ lại rồi, có ai xúi ai biểu đâu. Càng nghĩ thêm càng thấy... lạ. Có ngón tay vô hình nào đã khều móc, đã níu kéo về... phía này mà không về phía khác.

Y như cua-rơ đường trường, đang chạy ngon ơ, bỗng quẹo cúp ngang xương... mà không kịp chớp đèn !?

Sinh ra rồi lớn lên ở một tỉnh nhỏ nằm lọt thỏm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, không núi non, cũng chẳng biển cả. Cái xứ buồn hiu như mặt người buồn ngủ. Dẫu vậy vẫn là nơi dòng họ đã sống qua đó mấy đời. Nền nếp đâu đã vào đó, có vùng vẫy cách mấy rồi cũng như mấy cái vòng sóng đồng tâm trên mặt hồ tù hãm. Đã qua ba bốn thế hệ an cư lạc nghiệp. Tới lượt nối đuôi mà rồi hổng ai đòi hỏi lại quẹo phắt đi một góc vuông 90 độ. Ngay lúc cha mẹ đã quá tuổi về chiều, tiền hưu trí suốt một đời cặm cụi đã đem đầu tư vào thằng con từ bốn năm qua đi học xa, tưởng nó sẽ quy hồi cố hương phụng dưỡng cha mẹ già như sách Nhị Thập Tứ Hiếu đã dạy. Vậy mà không phải vậy. Có một xúi bẫy lắt léo nào đó của cái “số” như mấy ông thầy bói hay nói ? Hay tại cái tánh bốc đồng của tuổi trẻ đã bẻ ngoặc bước chân ? Thay vì đi về lại đi luôn...

... một mạch xuống tới mấp mé chỗ tận cùng của đất nước. Trước khi dứt-áo ra đi về miền quan tái (!), người quen khóc hu hu khi nhìn vô bản đồ thấy chỉ còn cách mũi Cà Mau chưa tới gang tay với nguyên một cạnh phía tây ngó thẳng ra một vùng trời nước mênh mông có tên gọi là Vịnh Thái Lan, với lố nhố hòn lớn hòn nhỏ đảo xa đảo gần, lu bu tới nỗi đã làm ai đó tức cảnh sinh tình mà phán mấy câu ca dao mới nghe qua đã thấy lao đao như say sóng. Tôi ở hòn Khoai chạy về hòn Đá bạc. Tôi trương bườm chạy lạc tới hòn Nhum. Gặp lão tiều đốn củi lum khum. Tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai...

Tại ai. Ai biết. Chỉ có chuyện mình, mình biết. Tại cái tánh anh hùng rơm ? -chắc có chút chút. Tại khoái phiêu lưu dởm ? -chắc có hơi hơi. Hay có ai xúi biểu ? - Ai mà xúi được cái tánh ngang như cua. Ngoài... “chàng”. Mà nếu thiệt vậy thì đã có biết gì đâu về cái nơi sắp đến mà... nhắm mắt đưa chân.

Vậy thì do đâu, do đâu mà có chuyện đổi hướng cái rụp, bỏ nơi chốn đã quen từng lối tắt đường ngang để tới một nơi chưa từng...

Ngẫm đi ngẫm lại chẳng thấy có lý do nào khả thể...

Dẫu vậy, có điều, y như nhà Phật gọi là túc duyên chi đó, để đến lúc túng cùng rồi mới ngộ ra ở đó có một cửa biển... mở ra một... thế giới tự do.

Nghĩ cho ráo, mọi chuyện trên đời rồi đều có nguyên do và hậu quả. Hay nói như mấy ông già xưa, lẩm cẩm “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”. Chẳng có gì có thể nói ỉa “ khi không ” !!!

Đúng ? Sai ? Có khi đợi tới lúc vãn tuồng rồi mới biết. Quả vậy, có ai mà biết trước cái kết cuộc lãng nhách ở miền Nam thuở nọ. Đúng là bừng-con-mắt-dậy- thấy-mình-tay-không. Chẳng những vậy, chẳng những tay-không mà còn-tay-trói nữa. Thôi chuyện đó nói hoài phát rầu. Chỉ biết rằng sau ngày bị-giải-phóng đó, bỗng dưng thấy mình trở thành kẻ tội đồ của chế độ mới, dẫu dạy học nghe ra là cái nghề bạc bẽo nhất thế gian. Đùng một cái, nghe tin anh em đi tù, bạn bè đi tù. Thì thôi mình cũng đi tù. Cho bác-và-đảng yên lòng xây dựng thiên đường mới trên cái dãy đất mà hơn hai mươi năm rồi bác-và-đảng đã biến thành địa ngục. Nghe ra rất là hợp lý. Màn hạ rồi, dựng tuồng mới thì phải lo thay đào kép mới. Có điều, thực tế không giản dị như vậy. Kỳ này tuồng tích thuộc loại quỷ quái kinh dị gì đâu á. Toàn là “ủy” không hà. Hết chính “ủy” đến tỉnh “ủy” rồi thị “ủy” rồi đảng “ủy... một đám toàn là “ủy” ! Rồi tới cái chuyện dọn dẹp, gọi là cải-tạo-xã-hội, xây dựngcon-người-mới-xã-hội-chủ-nghĩa. Kỳ này thực thi vượt chỉ tiêu trăm-lẻ-một-phần-trăm. Nhổ cỏ chẳng những nhổ cho tận gốc mà ôi thôi rễ cái rễ con rễ chằng rễ chịt gì cũng bứng cả chùm cả bụi. Trại cải tạo, trại giam thi nhau mọc lên chi chít như cỏ-dại-giống-mới. Cùng lúc với bo bo và khoai sắn lần lần thay thế cho gạo trắng... trăng thanh ! Cơm nước càng lúc càng đạm bạc mà dân lành thì càng lúc càng no óc ách với mớ khẩu hiệu kêu như thùng rỗng. Vậy đó mà ngay lúc cả nước đang “hồ hỡi” đón chào cách mạng, người ta càng “hồ hỡi” bỏ nước ra đi bất kể sống chết...

Tù ra với tội danh chẳng biết tội chi, nghe tin thiên hạ đi vượt biên mà ngậm ngùi... ôm mộng. Ở xứ cạnh biển, người ta đi vượt biên như đi chợ. Sáng nghe đầu trên có anh đi vượt biên tối hôm qua. Chiều nghe xóm dưới có chị đi vượt biên bữa trước. Bữa sau xì xào tin nhà có cửa sắt bị công an tới niêm phong vì đi vượt biên cả nhà -rồi sau đó có cán bộ tới ở đỡ rồi... ở luôn. Có hôm còn thấy cả xâu người bị bắt, dắt ngang chợ vì chuyến đi bị bể. Mà cũng lạ cái chuyện bắt bớ vượt biên thì cứ y như bắt cóc bỏ trong giỏ. Nhốt tới nhốt lui năm ba tháng một vài năm gì chẳng biết mà thả ra là kiếm ghe đi nữa. Cứ vậy mà không ngớt những chuyến đi. Mà cũng ngộ, cái xứ gì kỳ cục làm như trời cắt đất mở toác hoác ra khơi cho người ta đi vượt biên hay sao á. Cho dẫu biển cả có tiếng dữ dằn, công an, B2, B3... rình mò như mèo rình chuột, kể cả ra khơi trên những phương tiện chắp vá, đa số vốn là ghe đánh cá chạy ven biển, có khi còn là ghe chạy trên sông. Biết vậy, nhưng rồi đó là con đường sống duy nhất cho những kẻ đang bị dồn vô đường chết. Nhất là đối với một kẻ vừa được thả về từ một trại giam với danh xưng hết mực mỹ miều, trại học tập cải tạo. Lòng cứ nhấp nhỏm như có sóng xô gió đẩy trong lòng. Khổ nổi, cái nghề dạy học trước đây, phong lưu thì có mà của cải thì không. Lại nữa còn mắc phải cái tánh hay phung phá, từ nhỏ đã có lần nghe má la cái-thằng-không-để-tiền-dính-túi, làm như chẳng biết tiền là cái chi chi. Tới lúc biết thì thiệt là chẳng biết tìm đâu cho ra... tiền. Nhất là khi bác Hồ lên ngôi thì giá trị mấy tờ giấy bạc in hình bác lai xuống tới hết mức xuống. Đóng ghe vượt biên mà trả bằng tiền bác hổng chừng phải chở bằng cả chục chiếc ghe chài mới đủ. Làm vậy có khác gì lạy ông tui ở bụi này ! Chẳng những vậy mà cũng có thể còn vì lịch sự, chớ hổng lẻ lấy tiền bác mà tổ chức vượt biên bỏ bác ở lại, nên chi phí hải hành phần lớn đều tính bằng vàng lượng. Đó là chưa kể những chuyện lường gạt, gài bẩy... cứ xảy ra như cơm bữa. Riêng mình, nôn nao thì nôn nao, háo hức thì háo hức mà xét lại mình thì túi rỗng vẫn rỗng túi. Nên đành từng ngày đi vác mướn mà vểnh tai nghe chuyện vượt biên như nghe kể chuyện thần tiên cái thuở còn vòi tiền má đi ăn cà-rem sầu riêng. Mấy bao xi-măng, bao gạo vác nặng trình trịch mà cái túi thì nhẹ tênh. Bác-và đảng thì càng ngày càng lộ rõ cái bản mặt sta-li-nít với những trại tù ở Tây Bá Lợi Á mà Alexandre Soljenitsyne đã cực tả trong mấy bộ sách đoạt giải Nobel Văn Chương của ông ta. Bí lối cùng đường, con đường sống duy nhất còn lại là con đường len lách giữa những con sóng bạc đầu và đám hải tặc bất nhân. Vậy mà ngày ngày cứ vểnh tai nghe ngóng chuyện ra khơi của người quen kẻ lạ mà mình thì cứ phải bình chân như vại. Tình thế mỗi ngày mỗi thắt ngặt hơn. Cha mẹ ở quê thì bị xếp vào thành phần phản động vì sanh con “để” làm ngụy-quân-ngụy-quyền, bị thúc ép bán tháo bán đổ căn nhà gạch nhỏ có bụi tre vàng và giàn hoa giấy tím rồi xua về làm ruộng. Từng ngày qua như từng vòng dây siết cứng cổ họng... Để có sống cũng chỉ như cá sông mắc cạn.

Vậy rồi dưng không có chuyện lạ, do nhu cầu mở cửa lại trường lớp chắc là cho ra vẻ đỉnh-cao-của-trí-tuệ-loài-người, nhà nước ra lệnh cho đám lỡ thời lỡ vận làm lại nghề cũ. Riêng tôi, với thứ lý lịch gia đình rặt ngụy, được xua đi hành nghề ở một trường xa thành phố, đặc biệt là xuống cấp cho hết cái vẻ trí-thức- như-cục-phân theo kiểu Mao-xếnh-xáng đã dạy. Thì thôi, cũng được đi, ít nữa cũng đỡ phải đi lao-động-xã-hội-chủ-nghĩa vác cuốc xẻng đi bới đất đào mương khơi khơi. Tới đây thì chuyện-lạ-đời-thường bắt đầu, y như một vở tuồng cải lương với đầy đủ lớp lang, bi hài đủ kiểu lại thêm phần “suspence” như trong mấy bộ phim phiêu lưu mạo hiểm Hồ-Ly-Vọng.

Tính núp bóng trường học cho đỡ phần vinh-quang vì lao-động-tốt có dè đâu mà chuốc lấy oan khiên. Càng nhận ân huệ của bác-và-đảng càng khổ tâm với bảy- bước-lên-lớp, với tập giáo án như bản án nhà giáo -ai đời dạy học mà làm như hình nhân hay con múa rối, mỗi một cử chỉ, mỗi một lời nói, thiếu điều nhảy mũi, cũng đều phải y chang lịch trình và bài soạn sẵn với từng dấu phẩy, dấu chấm... Hết nói. Còn đâu chuyện dạy học như một nghệ thuật, còn đâu những bài giảng thơ văn như thêm một lần sáng tạo với phong cách hùng biện cũng như tâm nguyện truyền đạt. Khổ nhất là vốn nhà nòi chuyên dạy văn học, đổi đời rồi mà vẫn phải giữ nguyên món cũ, cái môn Văn với mấy bài thơ kiểu bác-hồ-chúc-tết ! Chẳng vậy mà mỗi lần lên lớp y như tên hề diễu dở dù thương hết sức đám trẻ vô tội đang ngóng mắt nhìn lên chờ nghe những điều ông-thầy-nói-mà-ông-thầy- chẳng-tin-chút-nào.

Bi hài kịch kéo dài mỏi mê như quảng đường hai mươi mấy cây số mỗi ngày đạp xe mượn của người quen chạy vô chạy ra, bụng đói với đồng lương mua chưa được hộp bia Heineken bán lậu ngoài chợ trời. Tình thế mỗi ngày một tuyệt vọng. Biển lớn mỗi ngày một mênh mông. Con đường chạy đến ngôi trường nhỏ càng lúc càng dài ra tưởng chừng thiên lý. Chữ nghĩa sau khi đổi đời càng lúc càng lắp ba lắp bắp như cà lăm. Bản năng thích ứng biến đâu mất tiêu. Viễn tượng tối hù.

Lâu lâu lại nghe tin sắp tập trung lại đám tù cũ. Cổng trại giam như lưỡi gươm Damoclès...

Bỗng dưng rồi...

Rồi bỗng dưng mà có chuyện lạ...

Ngay giữa lúc mà người ta nhìn nhau càng lúc càng nghi ngại, thiện tâm của lòng người như một đóa hoa héo, mỗi lúc một rụng dần những cánh úa phai màu. Tính từ mánh-mung càng lúc càng thịnh hành trên đầu môi chót lưỡi. Chất xám trong đầu chắc càng lúc càng đen thui. Ngó quanh ra ngoài, mỗi lúc thấy thú tính mỗi vượt trội mà nhân tính thì càng lúc càng bị đè bẹp dưới ba cái thứ mà nhà nước gọi là nhu-yếu-phẩm. Đứa con gái lớn vừa đến tuổi nhập học lớp một, nay mai sẽ đến trường để rồi sẽ bị thắt vào cổ chiếc khăn-quàng-đỏ. Cha mẹ già vẫn tiếp tục bị o-ép đến mức túng đói ở quê nhà. Ba anh em trai vẫn tiếp tục học-tập-cải-tạo ở các trại lao-động-khổ-sai tận đâu mấy miệt sương lam chướng khí trên dãy Hoàng Liên Sơn, Yên Báy...

Vậy rồi, chừng giữa tháng giêng năm đó, bỗng có một thanh niên gốc người Sài Gòn đến nhận việc ở ngôi trường đang dạy. Gặp gỡ giữa thời cách-mạng-thành- công, ai nấy đều ra sức giữ mình. Lời ăn tiếng nói dè sẻn. Nhưng rồi bất ngờ như bèo nước tương phùng, tôi và người bạn trẻ mới quen dưng không mà trở thành tri kỷ. Qua vài ba câu trao đổi đã thấy như đâu sẵn một lòng tin cậy lẫn nhau. Mắt sáng. Vai ngang. Tiếng cười như hả hết lòng. Có một chút bất cần đời trong cách vung tay như chẳng thèm cầm giữ gì cho mình. Dường như trong lòng mỗi người đã có một chỗ dành sẵn còn bỏ trống nên vừa mới gặp nhau đã thấy sít sao. Chuyện hè phố Lê Lợi thả rong những chiều thứ bảy. Chuyện ly cà- phê phin đặc sệt xóm Hiền Vương trộn lộn nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Khúc bánh mì thịt Đakao. Tô phở Tàu Bay đường Trần Quốc Toản. Những hẹn hò trật vuột với mấy em trường nữ Lê Văn Duyệt, Gia Long... Kể sao cho hết những kỷ niệm riêng trên vùng đất chung. Chuyện đeo xe buýt, chuyện đèo Honda... Đủ thứ chuyện tạp nhạp mà làm cả hai sống lại cùng nhau cái tuổi Sài Gòn chưa dâu bể. Vậy rồi lấn sang cả những chuyện thời sự với một giọng kể và phê phán dí dỏm mà vừa sâu vừa sát. Sự chênh lệch tuổi tác chưa tới mươi năm như bị xóa mất hồi nào không hay. Chẳng vậy mà rồi thấy y như cả hai đã quen biết và thân thiết nhau đâu lâu lắm rồi. Kiểu như người xưa hay nói... đồng thanh tương ứng ! Mỗi sáng sớm, hẹn nhau dưới chân cổng tam quan, hai chiếc xe đạp cà tàng kè nhau đến trường. Tiếng cười phung phá hơi sương còn đọng đầy hai bên lề cỏ. Con đường hơn hai mươi cây số đi đi về về khi thì trải nhựa khi trộn lộn đá sỏi với bùn đen như ngắn lại. Từ đó, lúc thì ly xây-chừng chia hai chia luôn hơi thuốc lá hiệu Samit mua lẻ từ đám buôn lậu qua ghe cá Thái Lan. Bữa thì xị rượu đế nuốt ực cay xè bữa ăn giỗ nhà anh ba hớt tóc. Có lúc còn tính rủ nhau đi buôn lậu cho hả tức cái lối ngăn sông cấm chợ của đám cầm quyền mới. Tính cho đã rồi cười xòa vì nói tới vốn liếng chẳng biết đào đâu cho ra tiền. Vậy đó mà thiết thân như ruột thịt, kể lể với nhau chẳng ngại ngùng mọi riêng tư. Anh chàng một vợ một con. Chưa kịp tốt nghiệp khóa sĩ quan cảnh sát thì lịch sử xoay chiều nên lý lịch còn trắng tươi, bèn đầu quân qua ngành sư phạm. Mãn khóa, nghe đồn xứ biển dễ ăn nên làm ra nên bỏ Sài Gòn chọn tuốt xuống chỗ hết chỗ xuống. Sẵn máu giang hồ, gần năm sau kết bè với một nhóm giang hồ địa phương làm thêm nghề... đưa rước, tiếng rỉ tai gọi là chạy taxi. Thiệt ra, ở xứ đó làm gì có đủ đường ngang ngã dọc mà chạy taxi. Họ cũng đưa đón khách đó, nhưng thay vì bằng ba cái xe hơi hiệu Renault sơn xanh trắng như ở Sài Gòn lúc chưa bị giải phóng, ở xứ biển họ chạy giỏ-vọt để đưa rước người đi vượt biên từ bãi đón người đâu đó trong sông rạch ra ghe lớn đậu tuốt ngoài khơi. Mỗi một chuyến suông sẻ được chia tiền cũng khá là hậu hĩnh. Cầm mớ tiền công trở vô bờ là kiếm người kể lể. Cũng chẳng biết tại sao, chuyện bí mật mà cứ bật mí với tôi, anh chàng cứ đem chuyện riêng ra mà tâm sự. Tôi nghe vậy thì biết vậy mà thân nghèo kiết xác cũng chẳng một tiếng bàn ra tán vô. Lần nào gật gù bên chai rượu tây... giả (!) cũng chỉ biết dặn dò cẩn thận mà trong đầu thì van vái Trời Phật phù hộ cho người bạn trẻ an lành. Vậy đó, hơn một năm sau, trong một bữa rượu mừng... chiến thắng, anh ta vỗ vai tôi và nói một câu xanh dờn... mai mốt rành đường đi, em kêu khách rồi làm ghe đưa anh đi luôn. Biết phận mình, tôi hắng giọng từ chối thẳng. Hổng đi đâu V. ơi. Anh em còn kẹt hết trong tù, ông bà già còn đó không ai nuôi ( cỡ này thậm thụt chợ trời, đôi khi cũng có gởi chút đỉnh tiền về lo thuốc men, đong thêm mươi lít gạo... ). Vậy rồi thôi. Rượu tiếp. Cạn rượu, ai về nhà nấy, ngủ vật vờ qua đêm. Sáng dậy lặn lội tiếp mấy cái ngõ cụt, bít chịt không lối rẽ. Chuyện tưởng vậy rồi thôi. Ai dè.

Ít lâu sau, người bạn trẻ cho hay đã móc nối với một người quen, bắt đầu kiếm mối, kêu khách với chi phí là hai lượng vàng cho mỗi đầu người, lo đóng ghe mua máy móc...

Suốt gần một năm trời sau đó là cả một thiên trường ca dài và biến tấu còn hơn Con Đường Cái Quan của ông Phạm Duy. Chuyện trục trặc, trật trịa, trắc trở, trớ trêu, tráo trở... thôi khỏi nói. Tôi ngồi một chỗ, thỉnh thoảng nghe người bạn trẻ đạp xe ghé qua kể lể, khi thì bên một lon bia-ngoại, khi thì một xị rượu thuốc- mà toàn là do người bạn bao bị !- lòng thì vừa xuôi xị vì túi không tiền mà lại vừa háo hức như hồi con nít đọc truyện Vòng quanh thế giới 80 ngày của ông Jules Verne ! Khi thì chuyện mua máy xay lúa chế biến thành máy tàu, khi thì chuyện mua ghe xịp đóng be cao để phòng sóng lớn, khi thì chuyện mua hải đồ hải bàn bị gạt gẫm mất luôn cả chì lẫn chài, chuyện đi kêu khách mà úp mở như truyện gián điệp... Rồi tới chuyện đêm hôm giả thợ câu ra cửa sông ngồi canh con nước, có hôm mưa ướt như chuột lột mà còn phải đi chợ mua cá đem theo để phòng khi công an hỏi han, đến nỗi vợ con cứ than phiền sao ăn cá hoài... chuyện hối lộ công an phường để mua dầu rồi hối lộ công an khóm để cất dầu... chuyện một ông hai bà cứ bối rối không biết đóng tiền cho bà nào đi trước, bà nào đợi kiếm chuyến sau... Một ngàn lẻ một chuyện mà chuyện nào chuyện nấy nghe như chuyện... trên trời dưới đất, chẳng ăn nhằm gì tới mình. Dẫu vậy, lòng cứ băn khoăn chuyện thành bại, nếu bị “bể” giữa chừng thì tiếc biết mấy, thêm nữa chuyện tù đày. Mà nếu suông sẻ lỡ mình đổi ý thì lấy gì đóng góp. Gia đình riêng mỗi ngày một phình to, trước có ba mạng, lỡ bộ chút ông trời đã nâng-cấp lên bốn mạng. Một chỉ vàng còn không có nói gì tới lượng nọ lượng kia. Lời hứa của người bạn trẻ giữa một bữa nhậu mà người ta hay nói... rượu vào lời ra dẫu nghe hào sảng như lòng người chiến quốc vẫn cứ làm băn khoăn như chuyện thần tiên. Có điều tới đây bỗng nhớ lại một chi tiết mà hổng chừng thêm thắt vô có làm rõ phần... kỳ kỳ... ngộ ngộ. Số là từ những ngày đầu khi bị đày vô ngôi trường hẻo lánh, trước khi chàng tuổi trẻ bạt mạng đó xuất hiện, đã xuất hiện một nhân vật lạ lùng. Một ông già, tuổi tác trên dưới chút đỉnh ba tôi, mà người trong xóm kêu là bác sáu. Tác người phương phi, ăn nói đỉnh đạc dù có lần tâm sự vốn mồ côi cha từ khi mới ba tuổi, mẹ tảo tần nuôi dưỡng chỉ học được tới lớp 5 trường làng. Vậy mà lớn lên lại thành công và trở thành một người lịch lãm được xóm làng nể trọng. Với vai trò hội trưởng hội Cha Mẹ Học Sinh, ông vẫn thường ra vào trường để giúp đỡ và cố vấn cho ban điều hành. Chỉ sau vài lần gặp gỡ, chẳng biết tại sao ông lại đâm ra thương mến và hết lòng bảo trợ tôi, cái thằng người đang lúc thất thời thất chí. Tới lui qua lại, riết rồi đối với tôi, ông y như người cha ruột còn đang bị bầm dập bởi đám cán bộ địa phương ở quê nhà. Bác sáu lo cho tôi từng gói xôi, lắm khi tô hủ tiếu... khi thấy tôi sáng sớm còng lưng đạp xe ngang nhà, mặt mày xanh lét vì cái bụng lép xẹp. Ông sai con tới trường khoanh tay mời cơm trưa những buổi phải ở lại trường dạy xuất chiều. Cơm xong, kêu vợ lau sạch bộ ván ngựa kê trên sàn nhà sau cho tôi nghỉ trưa. Chớp mắt mấy chút, tỉnh dậy đã có tiếng ông rủ qua tiệm nước kế bên uống ly cà-phê đá. Tôi ái ngại nhận sự chăm sóc như cha với con của ông mà lòng thì băn khoăn tới nỗi không biết nói cám ơn sao cho đủ nghĩa. Với sự bảo bọc của bác sáu, tôi vô tình trở thành người tiếp tay cho người bạn trẻ đang lo tổ chức chuyến đi mà chưa bao giờ nghĩ xa hơn chuyện giúp đỡ qua lại giữa bạn bè. Cứ mỗi lần phải vắng mặt vài hôm để đi xa lo cho chuyến đi rất... xa, V. lại nhờ tôi nói với bác sáu tới trường xin phép giùm. Nhờ uy tín của bác mà mọi chuyện đều trót lọt.

Cho đến một lần, bác kêu tới nhà tặng cho tôi cái kính hiệu Ray-Ban cũ của bác và cái hộp quet Zippo rồi cho biết ngày mai sẽ đi Hà Tiên, nơi người con trai của bác đang chuẩn bị một chuyến đi. Từ đó... rồi bặt tăm.
Có một tương quan nhân quả nào trong sự nối kết những sợi tơ của cái mạng nhện chằng chịt đó chăng. Cũng chẳng biết.
Cái biết chắc là từng ngày qua là từng nỗi vô vọng, dồn đống trong cái đầu đã gần như hết chỗ chứa.

Cho tới một lần, khi mọi sự chuẩn bị cho chuyến đi coi như đã xong xuôi, chiều cuối năm buồn như một tiệm buôn tới hồi khánh tận, V. đến gặp tôi cho biết ngày giờ khởi hành. Tôi còn cứ băn khoăn, do dự vì tình cảnh cha mẹ già, thêm cái nỗi cho tới giờ chót chẳng có gì để đóng góp. V. cười nói rổn rang có ai đòi đâu mà anh đóng góp. Tóp thêm ngụm bia, phà hơi thuốc Vàm Cỏ khét nghẹt rồi trầm giọng nửa như nhắc nhở nửa như thúc hối. Em đi rồi, không có ai để đưa anh đi nữa ! Lời thốt ra như một cú sốc thiệt mạnh chọc thẳng vào tâm não. Bỗng chốc, nhồi thêm lần nữa, cảnh ngộ của những kẻ thất thế -kể cả con cháu họ, dưới thời Stalin bên Nga, Mao Trạch Đông bên Tàu... như hiển hiện ra trước mắt, dù đã xa gần hai phần ba thế kỷ. Rồi gần hơn như chờn vờn mới đâu đây, hình ảnh những cuộc đấu tố địa chủ ở miền Bắc sau năm 54 như mũi dao đâm sâu tới lút cán, rồi ngoáy ngoáy cho xương thịt tung toé ra bầy nhầy, sâu tới độ chẳng bao giờ lành miệng. Rồi chuyện Nhân Văn Giai Phẩm với những đòn trù dập văn nhân thi sĩ, thâm độc tới nỗi chữ nghĩa sau đó cũng trở nên đồng dạng một cách dị thường... Mà dị hình nhất là cảnh những ông bà cán bộ với chiếc nón cối và cái túi dết được đưa từ miền Bắc vào Nam gọi là chi viện vừa ngờ nghệch vừa tham lam vơ vét từng chiếc chén ăn cơm tới chiếc đồng-hồ-không- người-lái mà miệng thì lúc nào cũng thông tư với nghị quyết, cứ lẩn quẩn trong đầu như một thứ ám ảnh ma quái. Tương lai của mình và con cái như vậy đó sao ! Đêm về, chẳng cần gác tay lên trán cũng thấy hoảng hốt. Lời rủ rê mà quyết liệt như tối hậu thư. Như đem đời mình bỏ lên bàn cân sinh tử. Đời mình, dẫu mới tuổi 30 nhưng kể bỏ đi cũng được. Mà có trầy da tróc vảy cũng đáng đời. Cả một tuổi thanh niên, giặc đánh tới đánh lui, người chết la liệt... mà coi như đứng ngoài cuộc. Làm cái chuyện đi giảng Chinh Phụ Ngâm mà tưởng như chuyện chinh phu với cô phụ ở chung quanh là chuyện từ trăm năm trước, chẳng ăn nhằm gì tới cái thân dẫu chưa tới bảy thước nhưng cũng tròm trèm thước bảy... Bây giờ mà có lãnh hậu quả của lối sống thờ ơ trước đây cũng là chuyện đáng đời. Nhưng còn con cái ! Mấy đứa nhỏ vô tội đem chi ra giữa trần ai rồi bỏ nó cho đảng-và-bác hành tội. Lỡ lầm này rồi có tát hết nước sông Cửu Long mà rửa cũng không sao sạch được. Càng nghĩ càng lao đao cái thân vốn dĩ đã xửng vửng vì ba cái trò xây-dựng-con-người-mới-xã-hội-chủ-nghĩa của đám cầm quyền mới. Nghĩ ngợi thêm lại nhớ tới có bao nhiêu người muốn ra đi mà bít lối. Không tiền. Hoặc vàng bạc rủng rỉnh mà bị gạt gẫm tới nỗi tự do đâu không thấy chỉ thấy nhà giam. Nhìn ra ngoài trời thì tối đen như mực tàu. Ngay cả trăng sao cuối năm cũng trốn biệt. Càng nghĩ ngợi sao thấy bốn bên toàn tuyệt lộ. So đi so lại, nhắm tới nhắm lui, rồi quyết định. Hoặc chết giữa lòng biển cả. Hoặc sống cho người ra người. 30 tết năm đó, tôi bồng con về thăm cha mẹ, lần chót.

Đêm mùng chín tết, xuống ghe. V. trả thêm nửa lượng vàng cho mỗi đầu người để mua bãi, ém người. Vợ chồng con cái vị chi là thêm 2 lượng. Tổng cộng hết thảy trị giá 10 lượng vàng mà V. để cho... thất thoát !

Chuyến đi trót lọt, dẫu cũng cắc cớ vài ba chuyện bất ngờ. Thật ra, chuyện vượt biển để vượt biên làm sao mà suông sẻ hoàn toàn. Cho dẫu có tính toán tới đâu cũng làm sao mà bằng trời tính. Người ta đã kể ngàn ngàn chuyện thương tâm trên biển đến đỗi làm nhúc nhích cả lương tâm nhân loại. Chuyện của mình đi biển cũng cỡ chuyện đàn bà đi biển, vậy thôi. Dẫu có đau xé thịt nhưng rồi vẫn tạo ra được mầm sống mới. Chuyện muốn nói ở đây là thứ ân nghĩa mà đời đã dành riêng, kể từ cơn đại nạn đó...

... dẫu là một thằng người rất... thường, thường đủ mọi mặt, thường tới nỗi lọt giữa một đám đông sẽ không làm sao thấy ra có gì là bất thường. Ngược lại nếu xảy ra một chuyện gì bất thường sẽ thấy rõ ra cái thường của nó. Vậy mà đến lúc cùng lại có người dang tay ra níu. Những cánh tay hào hiệp dang ra đó, ai xui ai biểu ai thúc ai ép ? Ai là ai ? Làm sao giải thích ?

Từ đó, những chữ “nếu” ...

Nếu từ tháng sáu năm đó, tôi không hứng ẩu nhường chỗ tốt cho cặp bạn về chung nhiệm sở gần nhà mình mà lại giữ rịt lấy cho mình, quay về quê hành nghề như lẽ thường đời thường thì mươi năm sau, giữa bốn bề ruộng đồng vườn tược cây xanh ngút mắt thì lấy đâu ra cái ngõ trống trơn dẩn đường ra biển cả bao la. Dĩ nhiên, người ở đó rồi cũng len lỏi ra đi, nhưng hẳn là nhiêu khê hơn gấp bội.

Nếu sau 5 năm múa may trên bục giảng ở ngôi trường trung học cũ, dẫu không là “siêu sao” nhưng cũng không đến nỗi “lu câm”, ngày trở lại trường sau gần hai năm tù-cải-tạo, tên giám-hiệu-chi-viện dang hai tay ra đón, ờ mà quên, hình như hắn ta chỉ còn có một tay, thì làm gì có chuyện đẩy tuốt vô xóm nhỏ, có ngôi trường cũ mái lợp tôn cũ xì và cây bàng lá to che rợp cả một góc sân chơi...

Nếu không có ngôi trường nhỏ đó, từ cấp tiểu học bỗng nhảy vọt lên cấp trung học thì làm gì có chuyện còng lưng đạp xe vô ra mỗi ngày, thì có đâu Bác sáu ngồi chờ đầu ngõ, dang hai tay ra rộng như cánh đại bàng mà cưu mang tôi từng buổi sớm trưa. Hơn vậy nữa, còn mở hé cho tôi một lối rẽ, chẳng ngờ.

Và làm gì có chuyện gặp được người bạn trẻ thời cộng sản bó rọ mà lòng thì rộng như thời chưa bị bó rọ bởi cộng sản. Tấm lòng đó, đem trải ra hổng chừng rộng quá cái... mênh mông.

Thử nghĩ lại, nếu còn được (bị) giữ lại ở trường cũ như mọi người đồng nghiệp đồng tù khác, giữa phố phường rộn rịp người xuôi ngược, kể cả sẵn sàng làm chuyện ngược xuôi, đời có dung ruổi cho gặp những con người... chẳng giống ai đó chăng ! Rõ là có chút gì kỳ kỳ lạ lạ trong chuyện gặp gỡ những người lạ lạ kỳ kỳ trong cái thời kỳ quá sức kỳ cục đó !

Nghĩ cho cùng, hóa ra đời là những khúc quành vô định. Trúc trắc. Trục trặc. Trắc trở. Trớ trêu. Mà rồi có khi cũng suông đuột. Con người là khách dạ hành, cứ quờ quạng mà đi. Chẳng biết đâu mà rờ.

Có một cái gì đó mà người ta gọi là định mệnh kiểu như ông Nguyễn Gia Thiều có lần đã cảm thán ? Cái quay búng sẵn trên trời !

Như vậy hổng có cái gì gọi là ... khi không, dẫu hai tiếng “khi không” cứ như sẵn đầu môi mỗi khi có chuyện... khi không.

Quả tình có những chuyện rất lạ trong một đời rất thường ! Những chuyện lạ đó rồi biết lấy gì mà đền đáp. Mà đền đáp bao nhiêu cho đủ, những tấm lòng !

Xin tạ ơn đời, lần nữa vậy.

Cao Vi khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024