SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Đời Thủy Thủ 2

Vũ Thất

http://www.bienkhoi.com/so-100/doithuythu2_image002.jpg

(tiếp theo)

Chương 4

Hải phận Phú Yên
Thứ bảy 5/8/1967 03:45G

Tôi cố dỗ lại giấc ngủ nhưng đầu óc cứ lởn vởn giấc chiêm bao lạ kỳ. Vì sao trở lại Quy Nhơn? Có phải là điềm báo chuyến công tác không thành công? Hay sứ mệnh hoàn tất, tôi an toàn về nhà? Nhưng Quy Nhơn là quê nhà của Hưng, đâu phải quê nhà Vĩnh Long của tôi? Hay đó là lời khuyên nên rút lui, hủy bỏ công tác? Mà có muốn rút lui cũng đã quá muộn. Nhảy xuống biển thì dễ dàng nhưng sức đâu lội vào bờ?

Ba má tôi sau mỗi giấc mơ còn nhớ được, đều kể cho nhau và cùng đoán điềm giải mộng. Tôi ước phải chi có Hưng. Anh là người thường nhìn sự việc một cách lạc quan, chắc chắn có lời giải đáp giúp tôi bớt bi quan. Anh có đang nhớ em không? Anh đã lên xe về Sài Gòn chưa? Em vừa chiêm bao thấy trở về nhà ba má anh nhưng tỉnh giấc trước khi thấy anh…

Có tiếng mở tủ lạnh ở phòng ăn và tiếng cười đùa. Tôi nhìn đồng hồ. Gần 4 giờ sáng. Đúng là Võ Bằng vừa mãn phiên hải hành. Nhớ tới lời hứa tặng tô mì của anh chàng, tôi tự dưng thấy đói cồn cào. Buổi chiều, ba má Hưng cho tôi ăn sớm để chuẩn bị xuống tàu. Các món ăn chỉ là rau cải mà Anh Đào cho là nhẹ bụng, ói mửa đỡ mệt hơn. Nhưng giờ này mà mò qua phòng ăn, liệu Bằng có cho là tôi đã thức chờ gặp lại anh chàng? Hoặc giả tôi quá tham ăn? Tôi quyết định không ăn và vờ ngủ say. Tôi nhắm mắt mà đầu óc cứ mơ màng chờ nghe tiếng gõ lắc cắc, lốc cốc của chiếc xe mì đêm khuya đẩy qua căn nhà trọ học. Tôi thật sự thèm tô mì thay cho bún sứa, bún cá, mực rim, nem nướng suốt nửa tháng ở nhà ba má Hưng. Tô mì cùng hương vị đặc thù của nó cứ nhảy múa chờn vờn trong đầu.

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa. Tôi vờ không nghe. Tiếng gõ lớn hơn một chút. Tôi nghĩ tội gì mà không ăn! Nên ăn quá đi chứ! Vừa được đã thèm vừa được Hạm Phó một chiến hạm phục dịch. Không chừng còn thấy ngon hơn bao giờ. Tôi nói:

- “Xin chờ một chút, tôi có mặt ngay.”

Tôi rời giường, mở túi đeo vai trên bàn lấy bọc trang điểm mang vào phòng vệ sinh. Mười lăm phút sau, tôi vào phòng ăn. Võ Bằng và Thiếu úy Hoàng Văn cười chào và tôi tươi cười đáp lễ. Hoàng Văn ngồi ở chiếc ghế trong cùng. Võ Bằng ngồi cạnh chiếc ghế anh chàng nhường cho tôi. Hai tô mì đang tỏa khói…

Bằng kéo ghế cho tôi. Tôi ngồi mà thấy vui vui. Lời chúc của tôi có hiệu quả. Bằng còn sống và đang phục dịch tôi ăn uống…

- “Ngủ ngon chứ, cô Phượng?”
- “Ngon mà không ngon!” Tôi trả lời Võ Bằng.
- “Tôi biết cô không quen tiếng còi đổi phiên. Nó phải ré to để đánh thức cho bằng được bất kể ngủ say đến thế nào! Nhưng chúng tôi quen rồi. Ai đi phiên thì bật dậy, ai không đi phiên thì ngủ tiếp dễ dàng. Tiếng còi trở thành một lời ru…”
- “Tôi sợ kiểu ru này lắm. Chắc không bao giờ dám quá giang lần nữa.” Tôi cầm đũa và nói tiếp. “Tôi mà ngủ lại được thì Đại úy ăn luôn tô mì này rồi! Cám ơn nha, Đại úy. Mà mì hiệu gì vậy? Trông thật ngon.”
- “Mì của Thiếu úy Văn, nấu cũng Thiếu úy Văn. Tôi chỉ là người…  được ăn như cô.”

Tôi nghiêng mặt nói với Thiếu úy Hoàng Văn:

- “Cám ơn Thiếu úy.”
- “Không có chi. Hiệu mì là Nissin của Nhật!”

Tôi xới đều vắt mì rồi gắp một ít đưa vào miệng. Xem ra hương vị còn hơn cả mì gõ tôi ưa thích. Chắc vì ăn lần đầu và đang đói chăng?

- “Cô Phượng ở Sài Gòn mà ở đâu?” Thiếu úy Văn hỏi.

Tôi chủ trương nói thật nhưng với câu hỏi này thì buộc phải trả lời dối. Mà đã thú nhận học Đại học Sư phạm thì phải chọn nhà ở gần đó cho hợp lý. Tôi nói:

- “Chợ Quán”.
- “Đường nào?”
- “Cộng Hòa.”
- “Ba năm trước tôi học Đại học Khoa học, trên cùng đường.”

Võ Bằng chen lời:

- “Cô Phượng học Đại học Sư phạm, coi như chúng ta là láng giềng.”

Tôi cúi ăn tô mì, bụng thấy lo lo. Nếu cả hai lần lượt hỏi tiếp, nhà số mấy, thỉnh thoảng ghé thăm được không, biết trả lời sao! Tôi tự khuyên phải nắm thế chủ động, phải là người hỏi, chớ làm người trả lời xem ra dễ giấu đầu lòi đuôi! Mà hỏi gì đây?

- “Nói như vậy, hẳn Đại úy cũng học Đại học Khoa học?”
- “Hầu hết Sĩ quan Hải Quân đều tốt nghiệp hay qua vài năm ở đó.”
- “Tại sao?”
- “Vì một số môn học hải nghiệp đòi hỏi Toán và hình học Giải tích.”
- “Thí dụ như môn học gì?”
- “Như Hàng hải thiên văn, Cơ học, Điện kỹ nghệ.”
- “Còn những môn không cần Giải tích?”
- “Nhiều lắm!” Bằng tủm tỉm cười. “Cô định làm người yêu thủy thủ chắc? Hỏi kỹ thế!”

Tôi tiếp tục tấn công:

- “Đại úy học Khoa học mà môn gì?”
- “Toán Đại cương.”
- “Môn học?”
- “Tùm lum về toán. Như Vi phân, Tích phân.”
- “Có học ‘đoán điềm giải mộng’ không?”
- “Cô giỡn với tôi chắc? Hai thứ là khắc tinh của nhau mà!”
- “Tôi vừa nằm chiêm bao, có phần lạ lùng. Tưởng Đại úy có học Phân tâm, thử giải giùm!”

Võ Bằng sửa thế ngồi, đổi giọng quan tâm:

- “Chiêm bao thấy gì? Dù gì tôi cũng là đệ tử đời thứ 10 của Sigmund Freud!”
- “Tôi chiêm bao thấy chiến hạm quay lại Quy Nhơn!”

Bằng cười:

- “Kiểu chiêm bao này tôi rành sáu câu.”
- “Ý nghĩa thế nào? Tôi cứ lo lo…”

Võ Bằng ngẩng mặt, chăm chú ngắm tôi:

- “Sao lại lo lo? Chẳng phải cô từng cam kết với ông Hạm Trưởng là ‘có chết cũng ngậm cười’?”
- “Chết được thì nói gì, sợ ngất ngư, ngáp ngáp! Đã có khi nào tàu rời bến rồi quay trở lại không, Đại úy?”
- “Có thể có với lý do chính đáng. Còn quay lại chỉ vì một giấc chiêm bao thì không!”
- “Nhưng ông Hạm Trưởng có nói trên đường về Sài Gòn, tàu có thể bị địch phục kích, hoặc bị tham dự hành quân dài ngày.”
- “Sau các bất thường đó, tàu vẫn tiếp tục về bến, không quay trở lại.”
- “Vậy, giấc mơ của tôi có ý nghĩa gì?”
- “Ý nghĩa là… vớ vẩn! Chẳng qua cô bị ám ảnh bởi lời hù dọa …”
- “Hù dọa? Ai hù dọa?” Tôi nóng nảy hỏi.

Võ Bằng uống vài ngụm lemonade, nhởn nhơ trả lời:

- “Cô quên là tôi đã dọa sẽ tống cô lên bờ nếu cô không chịu ngủ ở buồng của tôi? Lời hù dọa đó đã nhập vào tiềm thức của cô.”
- “Cứ cho là vậy đi, nhưng phải có ý nghĩa gì chứ? Ba má tôi, mỗi lần nằm chiêm bao, ông bà đều bàn tán cho tới khi họ thấy thỏa mãn về một ý nghĩa.”
- “Tôi đã nói rồi. Chiêm bao của cô phát xuất từ lời dọa đùa, chả có ý nghĩa gì hết!”
- “Nhưng ông Hạm Trưởng có nói là tôi cố tình đâm vào cửa tử, phải chăng giấc mơ muốn khuyên là đừng đi nữa, hãy quay trở lại, đi là chết?”

Võ Bằng trợn mắt:

- “Cô nhất định trở lại Quy Nhơn chỉ vì nằm mơ? Tôi đã ‘nói giúp’ cho cô đi, nay nếu muốn quay về, cô hãy tự mình nói với Hạm Trưởng!”

Thấy Bằng đổ quạu, tôi vội phân trần:

- “Đại úy! Tôi chỉ muốn nói ra để xả mối lo chớ có đòi quay tàu lại đâu!”
- “Nhân danh đệ tử của Freud, tôi xác nhận giấc mơ của cô là vớ vẩn. Vậy hãy quẳng gánh lo đi và vui sống!”

Võ Bằng cười, phô bày hàm răng nhuộm ít nhiều khói thuốc. Hàm răng của Hưng còn hơn thế, dù tôi luôn nhắc anh đánh răng thật kỹ. Giờ này hẳn Hưng đang gật gà gật gưỡng trên xe đò. Xe dù đậu nhiều bến, vẫn nhanh hơn tàu, vẫn về Sài Gòn trước tôi. Anh hứa cùng tôi ngồi ở bến Bạch Đằng chờ xem tàu nổ! Bây giờ mới năm giờ sáng, chỉ mới 10 tiếng trôi qua. Phải cần lênh đênh thêm 30 tiếng nữa. 30 tiếng nữa mới được gặp lại Hưng. Thôi đành gặp lại trong tâm tưởng...

Tôi nhìn tô mì chỉ còn nước cặn của Võ Bằng, gợi ý:

- “Đại úy mới hết phiên hải hành, lại thêm no bụng, hẳn là buồn ngủ lắm rồi!”

Thiếu úy Văn lên tiếng:

- “Để tôi đi ngủ thay cho Hạm Phó!”

Tôi bật cười nhìn theo anh chàng biến sau màn cửa. Võ Bằng đẩy ghế đứng lên. Tôi mừng hụt. Anh chàng cầm tô mì đến bỏ vào bồn rửa rồi mở tủ lạnh lấy chai lemonade đổ chia hai ly.

- “Chai cuối.” Võ Bằng đưa tôi một ly. “Chúng ta cưa đôi. Ăn đồng chia đủ. Sống chết có nhau. Mời cô.”
- “Cám ơn Đại úy.” Tôi nâng ly, tiếp lời.” Nhưng tôi chỉ uống nếu Đại úy rút lại câu chót. Câu đó làm mất mùi vị của nước lemonade tôi ưa thích!”
- “Đồng ý!” Võ Bằng vui vẻ nhượng bộ.

Tôi cụng ly, rồi hớp từng hớp, mắt nhìn quanh. Mãi lúc này tôi mới để ý lối trang trí của phòng ăn. Trên bức vách, nơi đặt bộ salon, là ba phù hiệu treo cách đều từ cao xuống thấp.Hai huy hiệu cao nhất có hình tròn, huy hiệu thấp nhất mang hình cái thuẫn. Sợ Võ Bằng đặt câu hỏi, tôi vội hỏi trước:

- “Ba phù hiệu đó là gì, Đại úy?”
- “Phù hiệu ở cao nhất có chữ Quân Lực trên đỉnh, chữ Việt Nam Cộng Hòa bên dưới, ở giữa có hình chim ó mang cờ vàng ba sọc đỏ là phù hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phù hiệu giữa là phù hiệu Hải Quân với hai chữ Tổ Quốc Đại Dương trên vành ngoài có nền vàng với ba vòng chỉ đỏ. Phần còn lại màu xanh với bản đồ Việt Nam, hình mỏ neo và ngôi sao năm góc. Phù hiệu cuối, ở giữa là ngôi sao năm cánh trên nền chiếc mỏ neo. Bên trái là chữ HTH Đống Đa. Bên phải là chữ số HQ 007, là huy hiệu của chiến hạm này.”
- “Các chữ tắt nghĩa là gì?”
- “HTH là Hộ Tống Hạm. HQ là Hải Quân.”
- “Còn số 007? Nghe như mã số của điệp viên James Bond.”
- “007 là mã số của chiến hạm. Hai số 00 chỉ loại tàu Hộ tống. Số 7 chỉ số thứ tự. Nói rõ hơn, chiến hạm mà cô Phượng đang đi là loại Hộ Tống, chiếc thứ 7. Còn vụ điệp viên 007 tôi cũng mê 007 lắm. Theo tin tình báo thì rạp Rex đang chiếu Dr. No. Thành thử, khi về Sài Gòn thế nào tôi cũng mời cô cùng đi xem.”
- “Đại úy ở trên tàu này bao lâu rồi?” Tôi đặt câu hỏi, phớt lờ lời Võ Bằng.
- “Từ lúc đi Mỹ lãnh tàu đến giờ là gần hai năm.”
- “Tên Mỹ cùng đi với Đại úy?”
- “Không. Hắn mới đổi xuống chừng ba tháng. Tôi đã nói với cô là thời ông Diệm không có quân Mỹ hiện diện. Cứ cho là cô hiện giờ ở tuổi 20 đi, thì vào năm ông Diệm bị giết cô cũng đã 16 tuổi, đã đủ nhận thấy không có bóng dáng quân Mỹ. Chỉ sau trận Vũng Rô và hai năm kế tiếp Hải Quân bắn chìm và bắt giữ thêm 6 tàu chở vũ khí của Bắc Cộng, chiến trận vượt khả năng Quân Đội Miền Nam, Mỹ mới nhảy vào!”
- “Thế nào là vượt khả năng?”
- “Một quân đội trang bị vũ khí với súng garant bắn phát một đấu với một quân đội có vũ khí tối tân AK 47 bắn liên thanh.”
- “Sao không làm như Bắc Cộng, là Mỹ chỉ gửi giúp súng đạn tối tân, đâu cần phải nhảy vào!”
- “Cô tưởng Bắc Cộng không nhảy vào Miền Nam? Vậy họ làm đường mòn Hồ Chí Minh để làm gì? Ông Diệm tin rằng Khu Trù Mật và Ấp Chiến Lược đủ loại bỏ cộng sản. Nhưng Ông Minh giết ông Diệm xong, bỏ ngay hai chiến tuyến hữu hiệu đó. Và Việt Cộng lan tràn, trở tay không kịp...”
- “Tại sao không …?”
- “Hãy ngưng! Chúng ta lại đi vào chính trị. Nói qua chuyện khác vui hơn.”

Tôi ấm ức nhìn Võ Bằng:

- “Một câu hỏi cuối: Tên Mỹ làm gì trên tàu?”
- “Làm biếng!” Bằng cười, tiếp. “Hắn xuống tàu với tư cách là Sĩ quan Liên lạc, tức liaison officer. Nhiệm vụ giữ liên lạc giữa chiến hạm Việt Nam và chiến hạm Hoa Kỳ để hỗ tương yểm trợ. Thí dụ như Đệ thất hạm đội khám phá tàu địch xâm nhập, họ báo cho sĩ quan liên lạc để chúng tôi theo dõi và đuổi bắt. Còn khi chúng tôi đụng độ với tàu địch có hỏa lực mạnh hơn, sĩ quan liên lạc xin phi pháo yểm trợ. Bình thường thì hầu hết thời gian hắn chỉ ngủ và đọc sách.”
- “Chớ không phải hắn chỉ huy tàu này?”
- “Tôi không nghĩ là cô thiếu óc suy xét.” Võ Bằng cười tiếp. “Cô đã hỏi hơn câu hỏi cuối. Nếu cô hứa sẽ làm người yêu thủy thủ, tôi cũng hứa sẽ trả lời đầy đủ mọi câu hỏi tiếp theo!”

Burt Lancaster lúc nào cũng vui vẻ dễ thương có đâu như Võ Bằng ưa nói móc họng. Thần tượng bị ghét lây! Tôi nhìn hàng kệ trên vách đối diện chứa những quyển sách to và dày, bìa cứng, gáy in chữ Mỹ: Technical Manual, Mechanic Textbook, Radar & Sonar… Tôi quay nhìn bức vách sau lưng. Ba chiếc tủ ngăn cao ngang ngực, bên trên là dãy kẹp giấy tờ. Nếu vắng bóng người, tôi dám đọc lén lắm, biết đâu lấy được tin quan trọng cho Hưng.

- “Vậy là cô không muốn làm người yêu thủy thủ!” Võ Bằng nâng ly. “Nào, chúng ta cạn ly rồi… đường ai nấy đi!”

Miệng thì nói hùng hổ nhưng anh chàng đưa tôi tới cửa buồng, chúc ngủ ngon, hẹn gặp lại, rồi đi thẳng tới trước. Đến tấm màn cuối cùng, anh chàng quay lại, thấy tôi còn chưa chịu vào buồng, đưa tay vẫy vẫy bắt chước kiểu vẫy của Hưng. Tôi cười, lắc đầu rồi bước vào buồng. Theo Anh Đào, 5 giờ sáng là giờ đi thám sát chiến hạm tiện nhất vì mọi người còn say ngủ. Nhưng đó là lời căn dặn của một người ở khu quá giang, có thể lấy cớ đi tìm phòng vệ sinh. Còn tôi, ở khu sĩ quan, mọi thứ có sẵn, đi lang thang giờ này chỉ tổ gây nghi ngờ.

Đứng tần ngần một lúc, tôi kéo ghế ngồi, hai tay ôm lấy mặt. Da mặt tôi rít chịt, kéo theo cảm giác toàn thân ngứa ngáy, hôi hám. Tôi thèm đi tắm mà ngại ngùng. Gian buồng không cửa khóa, nhà tắm che qua loa bằng tấm nhựa đục mờ. Đang tắm, nếu có người đột nhập, tôi sẽ làm gì? La hét ư? Không chừng trở thành lời mời gọi. Tôi có bi quan quá lắm không? Liệu 10 tiếng bình yên vừa qua có đủ bảo đảm tôi được an toàn? Tôi hồi tưởng những cử chỉ lời nói của Hạm Trưởng, Võ Bằng, các sĩ quan, và cả tên Mỹ. Lúc nào họ cũng nhã nhặn, lịch sự. Nhất là với tên tôi thù ghét nhất. Hắn to xác nhưng trông hiền hậu, chân chất, thân tình.  Xét thực lòng, nỗi âu lo giờ chỉ còn như hơi gió lạnh thoảng qua.

Tôi quyết định đi tắm. Giờ này đã quá trễ để mặc đồ ngủ. Tôi mở túi xách, mò quanh quả bom tìm bộ đồ mới và đồ lót. Tôi tháo đồng hồ và nữ trang để gần khung ảnh gia đình. Tôi chỉnh màn cửa cho kín đáo rồi mở đèn ở bàn, tắt đèn trên trần. Độ sáng đã giảm đi bảy phần. Tôi đi vào phòng tắm trong tâm trạng nửa buồn nửa vui. Vui vì quả bom còn đó, kế hoạch cho đến lúc này rất trơn tru. Buồn vì tôi quá cô đơn, không có Hưng để tâm sự, chia sẻ niềm vui như mọi lần. Tôi cởi quần tây. Tháo các nút áo chemise ngắn tay. Lần lượt các đồ lót. Tôi lấy đồ sạch khỏi bọc và nhét đồ dơ vào.

Theo chỉ dẫn của Bằng, tôi chỉnh độ ấm cho vòi búp sen. Nước âm ấm tỏa khắp người nghe sảng khoái lạ thường. Chả bù với xối từng gáo nước lạnh. Bằng cũng để sẵn cục xà bông Dove, chai thuốc gội đầu…

Tôi lau khô người, mặc bộ đồ mới, đeo chiếc đồng hồ tay đang chỉ giờ 6:05. Tôi bước ra ngồi ở bàn viết, cân nhắc xem có nên đi thám sát. Không có lý do nào hợp lý để bào chữa cho hành động đi lang thang quanh tàu. Ngủ lại thì có thể ngủ quên, bỏ qua buổi bình minh là mục đích chính của việc quá giang ngắm biển như đã nói với Hạm Trưởng. Mọi nhất cử nhất động của tôi ắt hẳn là ông phải biết.

Ánh huỳnh quang ôm trọn mặt bàn khá rộng so với gian buồng. Khung ảnh cô thiếu nữ bồng đứa bé lại gây tôi tò mò. Tôi vói tay kéo gần khung hình. Mẹ bồng con? Cô nàng này không là một trong hai cô ở bức ảnh gia đình. Phải thân thuộc lắm mới được Bằng để trên bàn. Tôi nhớ Bằng có nói về vợ con: yêu cô nào thì cô đó đi lấy chồng, con thì không biết có không. Hẳn đây là một trong những người yêu của anh chàng. Nàng còn trẻ quá. Chừng mới trên hai mươi mà chú bé chừng lên ba. Tôi lẩm bẩm hát: “Mối tình đầu, trót bọt bèo, Vì người ta đã chạy theo bạc tiền.” Tôi bụm miệng, lẩm bẩm mấy lần tiếng ‘xin lỗi’. Hưng cấm tôi hát nhạc vàng nhưng như Bằng nói, những bản nhạc đồi trụy đã vào tiềm thức mất rồi.

Tôi đẩy khung hình về vị trí cũ và chợt thấy một cái gạt tàn thuốc nằm ở góc sát vách, phía sau cái bị đeo vai của tôi. Nó long lanh màu nghệ, lớn bằng cái dĩa đựng thức ăn. Tôi vói tay kéo gần. Nó không nhúc nhích cục cựa mà dính chặt mặt bàn. Tôi tức mình dùng cả hai tay nhấc lên. Độ nặng nhiều hơn tôi tưởng. Hẳn người ta cố tình chế tạo cho nặng để không bị chạy trợt khi tàu tròng trành. Nó làm bằng thủy tinh, rất dày, quanh vành có bốn khe vừa vặn cho điếu thuốc. Nếu tôi có được một cái để tặng Hưng chắc anh thích mê tơi.

Tôi chợt nhớ tới quả bom. Khi tôi cài đặt nó nơi nào đó, nhất thiết phải có cái gì cùng độ nặng tương đương thay thế để vào túi xách chứ? Đã có vài người xách giùm khi lên tàu, thì khi giúp xách xuống thế nào cũng thấy sự khác biệt. Tôi quyết định ăn cắp cái gạt tàn này, một công hai việc. Nhưng xem ra vẫn còn nhẹ hơn quả bom rất nhiều. Tôi đứng lên. Một dãy kệ chất đầy sách. Sách thì quá nhẹ. Tôi quyết định để giải quyết sau. Tôi tò mò muốn biết Võ Bằng đọc những quyển sách gì. Tôi mở đèn trên trần. Kệ sách được xếp theo thứ tự:

- Nautical Navigation - Dutton
- Handbook of Damage Control
- The Cruel Sea - Nicholas Monsarrat
- The Old Man And The Sea - Ernest Hemingway
- Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Đại – Bùi Giáng
- Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống – Nguyễn Hiến Lê
- Hoàng Tử Bé – Antoine de Saint-Exupéry
- Điệu Ru Nước Mắt – Duyên Anh
- Thất Sơn Mầu Nhiệm – Dật sĩ & Nguyễn Văn Hầu

Trong 9 quyển này, tôi chỉ từng đọc mỗi một quyển: Điệu Ru Nước Mắt. Quyển sách quả là đã ru tôi rơi nhiều nước mắt. Riêng quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm đặc biệt cuốn hút tôi. Nó không chỉ thuộc về sở thích Sử Địa mà còn vì tò mò về sự mầu nhiệm của vùng bảy núi thuộc quê quán của Võ Bằng. Thất Sơn là những ngọn núi nào? Sự mầu nhiệm đó là gì? Tôi rút quyển sách khỏi kệ, đẩy ngọn đèn ở bàn về đầu giường. Tôi xếp chồng hai chiếc gối tựa sát vào bàn rồi ngả người xuống. Tôi trân trọng đọc lời tựa…. “Thất Sơn Mầu Nhiệm! Thất Sơn Mầu Nhiệm! Quả thật như thế. Và cũng vì thế nên bốn chữ Thất Sơn Mầu Nhiệm mới được dùng để đặt tên cho quyển sách này…
Từ nguồn gốc Địa lý đến lịch sử chinh phục, từ bản kê danh hiệu đến sự quan trọng về mọi phương diện của Thất Sơn, từ tiểu sử Đức Phật Thầy Tây An đến tiểu sử các vị Giáo Chủ và các vị Đại Đệ Tử của Đức Phật Thầy, từ tiểu sử các Tu Sĩ đời sau đến lược sử của Đức Huỳnh Giáo Chủ, từ quan niệm của các vị trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương đến những sự nhiệm mầu mà mọi người có thể nhận xét về Thất Sơn… mục nào chúng tôi cũng cố gắng viết cho đúng sự thật và làm cho bạn đọc được sảng khoái tinh thần.”

Danh nhân, giáo phái tôi nghe nói nhưng chưa biết tận tường. Sự nhiệm mầu về Thất Sơn thì coi như mù tịt. Tôi mê mẩn đọc, mải mê lật từng trang. Chừng mỏi mắt, hạ quyển sách lên ngực, tôi mới thấy chiếc đồng hồ chỉ 6:35.
Tôi vội ngồi dậy, mang vào đôi bata. Giờ này hẳn đã sáng. Hy vọng kịp thấy cảnh tượng mặt trời ngoi từ từ lên mặt biển. Tôi bước qua phòng ăn vắng vẻ, bước lần lên boong tàu…

 

Chương 5

Hải phận Khánh Hòa
Thứ bảy 5/8/1967 06:30G

Khi tôi lên đến boong tàu, một lớp sương mỏng phủ lên mặt đại dương mênh mông còn lờ mờ sáng. Một vòm trời xanh lam điểm những mảng mây không cùng sắc màu. Có mảng da cam vàng tươi, có mảng hồng nhạt, tim tím. Vì sao mãi đến nay tôi mới được thưởng thức lần đầu một bình minh tuyệt đẹp? Nhờ một mình đứng giữa mênh mông của biển trời? Ở trên tàu mà gặp mưa hẳn buồn lắm, suốt ngày phải tự giam hãm trong lòng tàu, còn hơn ở tù.

Chợt nhớ đến câu tục ngữ tiên đoán thời tiết, tôi mừng thầm. Đông không thâm tức là trời không mưa. Rồi tôi chợt nghe mặt nóng bừng khi nhớ đoạn cuối. Hưng đôi khi mạnh bạo đòi hỏi nhưng tôi dứt khoát chối từ. Nếu không, không chừng vú tôi cũng đang thâm.

Tôi tựa lưng vào vách, ngắm vùng sáng rỡ của đường chân trời. Không gian tỏ rạng dần, mặt biển chỉ còn lớp sương mong manh. Mảng mây da cam chuyển dần sang màu đỏ nhạt.

Mặt trời ló dạng. Ban đầu như là mảnh trăng non, rồi nửa vầng trăng, rồi nhanh chóng hóa thành mặt trời đỏ ửng. Một dải lụa bạc long lanh chia hai vùng biển còn nghi ngút khói.  Giữa dải lụa, không xa chiến hạm, hai ghe đánh cá im lìm cạnh kề bên nhau như đôi uyên ương còn say hạnh phúc. Xa hơn, về bên trái, lờ mờ bóng dáng một thương thuyền.

Tôi đã quen và hài lòng với hợp âm lạ: tiếng vi vu của gió, tiếng xạc xào của sóng, tiếng rầm rì của máy tàu. Tôi càng thích thú với hình ảnh vài con hải âu lượn lờ săn đuổi những con cá chim tung mình lên cao.

Tôi tưởng chừng mọi lo âu tan biến theo không gian êm ả, theo gió nhẹ mơn man.   Tôi hít vào đầy lồng ngực khí trời tươi mát trong lành, lắng nghe da thịt giãn nở sảng khoái. Và cũng lần đầu tôi thưởng thức mùi hương thật ngọt ngào của đại dương bao la. Biển của Tổ quốc mênh mông và đẹp quá. Tôi vui sướng được dự phần đánh đuổi bọn Mỹ xâm lược.

Nhớ tới công tác, tôi nhìn quanh. Chỗ nào là chỗ đặt quả bom gây hiệu quả tối đa? Giữa boong tàu chỉ là một khối sắt khổng lồ lạnh lẽo vô tri, phân chia sân mũi chễm chệ một ổ súng to đùng và sân lái lỉnh kỉnh các thùng sắt đặt quanh. Xem ra quả bom có được đặt ở bất cứ nơi nào cũng đều quá lộ liễu. Đài Chỉ Huy hẳn là phần trên của khối sắt, dĩ nhiên luôn luôn có người trực phiên hải hành. Làm thế nào ôm quả bom lên đó mà không bị bắt hoặc ít nhất không bị nghi ngờ?

Tôi chợt để ý một dáng người đứng cạnh mũi tàu đang chồm ra ngoài như tìm kiếm cái gì. Rồi anh đứng thẳng, nhìn quanh sân mũi. Tôi cảm thấy vui vui khi nhận ra khuôn mặt của anh Hạ sĩ quan khám xét hành lý. Tôi quên tên anh nhưng vẫn nhớ anh xuề xòa, vui tính. Tôi nghĩ anh Hạ sĩ quan này có thể sẵn lòng đưa tôi quan sát khắp chốn, kể cả hầm máy là nơi quả bom nếu không đánh chìm thì cũng biến chiến hạm thành đống ve chai!

Tôi bước vội đến gần anh. Anh lên tiếng trước:

- “Chào cô Phượng. Cô thức sớm đấy!”

Tôi nhìn bảng tên:

- “Chào anh Tùng. Sớm mà vẫn thua anh! Anh nhìn gì dưới nước vậy?

Bắt chước anh, tôi bám chặt dây an toàn, chồm người nhìn xuống mặt biển. Khi quay lại, tôi bắt gặp ánh mắt kinh ngạc của Tùng. Tôi nói:

- “Tôi thấy một vạt bọt biển bám sát hông tàu. Còn anh, anh thấy gì?”
- “Thấy mũi tàu cán chết mấy con cá.” Trung sĩ Tùng cười.
- “Có con nào bị thương không?” Tôi bật cười lớn.

Tùng nhoẻn miệng:

- “Thật ra tôi quan sát xem chiếc neo có còn trong ổ không.”
- “Tôi không hiểu…”
- “Chiếc neo rất nặng, dây có thể bị chùng khiến neo nằm ngoài ổ. Khi tàu lắc, nó đong đưa, các mũi nhọn có thể làm thủng vỏ tàu. Cũng có khi dây neo bị đứt, neo rơi xuống biển!”
- “À! Thì ra là vậy! Mà anh phải xem xét ngày mấy lần?”
- “Chỉ vào ngày trực, ít nhất bốn lần, sáng chiều tối khuya. Không chỉ xem neo mà đủ thứ. Mục đích là để bảo đảm mọi thứ vẫn ở đúng vị trí, không có gì bất thường.”
- “Bất thường là sao?”
- “Là không bình thường! Là thấy có vật lạ hoặc vật không nằm đúng chỗ.
Thí dụ như thấy có cái gì đó nằm lang thang hoặc ở chỗ đáng ngờ. Như các phao cá nhân và xuồng cấp cứu không còn gắn trên vách. Như việc cô đứng đây vào giờ này cũng coi như là bất thường. Bởi vì sáng sớm sàn tàu thường rất trơn trợt với hỗn hợp sương trời, nước biển do sóng tạt và dầu cặn từ khói tàu mà đêm chưa chịu sáng, cô có thể vô ý té bất tỉnh, thậm chí rơi xuống biển.”

Tôi giật mình nhìn mặt sàn, kêu lên:

- “Quả là tôi đã gặp may, không bị té!”
- “Sáng mai có thức sớm, mong cô cẩn thận!”
- “Cám ơn anh. Mà đã có ai trợt té chưa?”
- “Tàu chưa từng cho quá giang nên không biết. Còn chúng tôi, khi sóng to gió lớn, bị té lia chia. Nhưng rớt xuống biển thì không.”
- “Khi sóng to gió lớn, đi ra ngoài làm chi cho bị té!”
- “Khi sóng to gió lớn lại chính là lúc cần đi tuần nhất!” 
- “Không đi tuần thì cũng đâu ai biết, phải hôn?”
- “Phải đi chứ, vì an toàn chung mà! Quan trọng nhất là phải chắc chắn vỏ tàu không bị rỉ nước. Chiến hạm này hoạt động từ đệ nhị thế chiến, ít nhất cũng đã trên 20 năm tuổi đời. Nếu nó bị rỉ nước mà không sớm khám phá, dễ dẫn đến chìm tàu. Hơn nữa, sau mỗi lần đi tuần phải ghi nhận xét vào sổ Tuần Phòng, phải ký tên. Người duyệt xét là Hạm Phó.”

Thấy tôi lặng thinh nghĩ tới Võ Bằng, Tùng nói:

- “Đừng lo! Có cô trên tàu, mọi sự đều tốt đẹp. Thôi, gặp lại dịp khác!”

Tôi thấy cần biết thêm về giờ giấc đi tuần, nên lên tiếng giữ anh lại:

- “Anh Tùng, tôi rất thích nghe anh kể chuyện mà cũng rất tò mò. Nếu anh không bận, nán thêm chút nữa.”

Tùng trở lại đứng bên tôi. Tôi hỏi:

- “Sĩ quan trực không đi tuần sao?”
- “Có chứ, cũng như chúng tôi.”
- “Anh trực tới chừng nào?”
- “Đây là tour chót để bàn giao lúc 8 giờ.”

Tùng nhìn đồng hồ rồi mặt hướng ra khơi. Cả một vùng biển lấp loáng long lanh chập chùng. Con tàu chỉ đôi chút tròng trành, không đủ sức hành hạ tôi như chiều hôm qua. Tôi lại thăm dò:

- “Đi tuần khắp tàu chắc mất cả tiếng?”
- “Thường thì độ nửa tiếng.”

Như vậy, với hai người đi tuần tổng cộng bốn lần trong đêm, tôi cũng còn khá thì giờ hành động. Thấy tạm đủ, tôi chuyển qua câu hỏi về hải nghiệp để tránh nghi ngờ:

- “Giả thử thấy có người rơi xuống biển, anh làm gì để cứu?”
- “Dễ lắm. Tôi nhận còi ‘Nhiệm sở vớt người’. Nghĩa là báo cho thủy thủ đoàn sẵn sàng các phương tiện vớt người. Hạm Trưởng cho tàu quay lại, Hạm Phó điều động cứu cấp như sẵn sàng ném phao, sẵn sàng xuồng cứu cấp, quần áo ấm, thuốc men, vân vân… Nhưng nhân tố quan trọng nhất là tài nghệ của Hạm Trưởng.”
- “Anh nói rõ hơn.”
- “Ông phải nắm vững quán tính con tàu, cân nhắc chính xác độ giạt do tác động giữa sóng gió và vận tốc để quay lại đúng đường cũ. Cô thấy rồi đó, biển thì mênh mông, con người thì nhỏ bé, sai một li đi một dặm…”
- “Có ai từng bị té xuống biển không? Được cứu sống?”
- “Theo tôi biết thì có một người từng bị té và được báo cáo là… mất tích!”

Không rõ Tùng nói thật hay chơi, chỉ thấy anh cười. Tuy vậy tôi vẫn nghe sờ sợ. Công việc của tôi chỉ thuận tiện vào sớm tinh mơ, tay ôm quả bom mà bị té thì còn tệ hơn là mất tích. Tôi lại nhìn kỹ sàn tàu, cân nhắc đường đi nước bước. Tôi chợt để ý sàn tàu không cùng một màu xám đậm. Nó loang lổ với nhiều đốm sơn đỏ sơn trắng trông nham nhở, lở loét. Tôi hỏi:

- “Sao không sơn cùng màu mà lại tô màu lốm đốm thế kia? Trông thấy ghê!”
- “Chẳng qua lỗi tại… nước biển. Cô thừa biết nước biển là vua ăn sét. Loại sơn chủ chốt sét không sợ, nó len lỏi ăn sắt như chơi. Vì vậy, vỏ tàu ít nhất phải được phết hai lớp sơn kỵ sét trước khi tô điểm bằng lớp sơn chủ chốt. Lớp sơn lót đầu tiên có màu đỏ. Lớp thứ nhì màu trắng.”
- “Sơn lót có vẻ ít trơn trợt hơn sơn chính.”
- “Đúng, sơn lót thô ráp, còn sơn chính thì bóng láng!”
- “Nhưng làm sao biết chỗ nào bị sét ăn?”
- “Dễ thấy lắm: chỗ đó sơn bị dộp hay bị tróc, nghĩa là đang bị sét ăn!”

Tôi lại nhìn vô số các đốm đỏ xanh trên sàn tàu, lắc đầu:

- “Chắc các anh cạo sét mệt nghỉ!”
- “Chúng tôi không gọi là cạo mà là gõ. Đã có câu cảm khái: “Năm năm gõ sét đau lòng lính. Sét gõ năm năm sét vẫn còn!”
- “Chua xót thật chứ hả?” Tôi cười, hỏi tiếp. “Mà gõ sét là gõ làm sao? Gõ bằng búa?”
- “Gõ sét bằng búa thì phải sửa câu thơ lại thành ‘trăm năm’ chớ không thể ‘năm năm’: ‘Trăm năm gõ sét đau lòng lính. Sét gõ trăm năm sét vẫn còn!’ Nói là gõ chứ đúng ra phải gọi là cào. Đó là một dụng cụ cầm tay dùng điện, giông giống chiếc hủ lô làm đường, được gọi nôm na là con rùa. Cái trục hủ lô có gai, nó nhanh chóng cào sạch mọi bụi sét. Vì công suất mạnh, người sử dụng nó phải đeo mặt nạ bảo vệ mắt và mặt. Mỗi ngày, thường có ba con rùa chạy sáng chiều. Một ở mũi tàu, một ở giữa và một ở lái.”

Tùng nhìn tôi ngụ ý có còn muốn hỏi gì thêm. Dĩ nhiên biết thêm thì cũng thú vị khi những câu hỏi cần cho công tác không chịu xuất hiện. Tôi câu giờ:

- “Anh Tùng, tại sao sàn tàu có chỗ sét chỗ không? Tại sao không chờ cho sét khắp tàu rồi sơn một lượt?”
- “Câu hỏi của cô giống như câu hỏi tại sao chỗ này có ghẻ chỗ kia không; sao không chờ ghẻ mọc khắp người rồi chữa trị một lần! Với ghẻ, tôi không biết tại sao nhưng với sàn tàu là chốn qua lại thường xuyên của người và vật liệu nên dễ bị trầy sướt. Mà bị trầy sướt thì bị sét! Bị sét thì phải gõ sét, phải sơn. Cái vòng lẩn quẩn!”

Như bị hụt hơi, Tùng vươn vai hít vào một hơi dài. Rồi thở ra. Rồi hít vào. Thấy tôi không hỏi gì, lại tiếp:

- “Nói về sơn lót, có hai màu đỏ và trắng như cô thấy, mỗi màu có các đặc tính riêng. Loại màu đỏ được dùng trước hết, gọi là lớp sơn lót chống rỉ sét. Như tên gọi, nó có hai đặc tính: độ bám sắt mạnh và độ chống ăn mòn cao. Khi lớp sơn lót màu đỏ khô, sơn tiếp lớp lót màu trắng. Nó có đặc tính là chống nước biển thẩm thấu và giúp tăng độ bám cho lớp sơn chủ chốt tiếp sau. Màu sắc và độ bóng của lớp chủ chốt tùy nhu cầu thẩm mỹ của từng khu vực, phòng ốc. Như ở phần lộ thiên của tàu thì phải theo quy định chung là dùng màu xám sậm. Như bên trong tàu thì màu trắng ngà. Riêng phòng Hạm Trưởng và Phòng hội sĩ quan thì tùy sở thích của Hạm Trưởng. Như ông Hạm Trưởng này thì thích màu đọt chuối huê tình.”

Thấy đã đến lúc nên ướm lời nhờ anh hướng dẫn thăm chiến hạm thì anh lại tiếp:

- “Như cô thấy, công phu bỏ ra cho việc sơn phết bảo trì chống sét không phải là nhỏ. ‘Con sét’ đáng sợ quá phải không? Nó ‘ăn’ lia chia, chỗ nào cũng ăn cho bằng được. Cứ bình thường mà xét thì khi phần lộ thiên bị sét ăn như vậy, lẽ đương nhiên phần chìm dưới mặt nước lại càng bị sét ăn ác liệt hơn nữa!”

Thấy anh chờ tôi đưa ý kiến, tôi miễn cưỡng nói:

- “Hẳn là vậy!”
- “Không là vậy!” Tùng lắc đầu. “Thật tức cười là phần dưới nước sét không ăn mà lại bị một thứ con khác ăn còn dã man hơn! Cô Phượng có nghe nói đến con hà?”
- “Con hà?”
- “Cô có biết câu ca dao: ‘Một lần cho tởn tới già. Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân?’”
- “Tôi có biết nhưng không mấy hiểu ý nghĩa.”
- “Tôi cũng không hiểu con hà nó ăn chân người ta như thế nào nhưng với sắt đá nó ăn lủng hết!”

Tôi trố mắt nhìn anh tỏ ý không tin. Trung sĩ Tùng tiếp:

- “Nói là sét ăn, nhưng thực tế chỉ là một phản ứng hóa học. Con hà mới ăn thực sự vì nó đúng là một sinh vật, có hình thù như miệng núi lửa, có vỏ cứng như cua và trông như con hàu.”
- “Tôi nhớ ra rồi, tôi có thấy. Nó bám vào đáy ghe…”
- “Với tàu thuyền, nó bám vào lườn, gồm cả hai bên hông, phần chìm dưới nước. Bất cứ tàu nào, sau một thời gian hoạt động cũng đều bị con quỷ sống này bám. Và khi chúng bám vào thì… trời gầm không nhả! Chúng bám thiệt chặt, sinh sôi nẩy nở, hằng hà sa số. Chất bám của chúng rất độc, đủ ăn mòn các lớp sơn và có thể làm thủng lườn tàu. Thêm vào đó chúng còn làm giảm tốc độ chiến hạm. Có khi nó bám quá dày, tốc độ giảm còn một nửa! Vì vậy mà sau thời gian hoạt động vài ba năm, chiếc tàu phải lên ụ để cạo hà.”

Tùng lại vươn vai hít thở trước khi tiếp:

- “Cạo hà so với gõ sét thì đáng bậc đại sư phụ. Nó luôn luôn đi đôi với máu và nước mắt! Bởi vì con hà bám quá chặt, quá bon chen, mà vỏ của nó thì vô cùng sắc bén nên hễ sơ sẩy là đổ máu. Vì thế việc cạo hà cần những người có kinh nghiệm và kiên trì. Rất mừng là chiến hạm được miễn. Hải Quân Công Xưởng đảm trách mướn người.”
- “Con hà nguy hiểm như vây, hẳn việc gõ sét và sơn phết cũng đặc biệt hơn?”
- “Đúng! Sau khi hà được cạo sạch, việc gõ sét coi như toàn bộ. Sau đó phải sơn nhiều lớp sơn lót, nhiều lớp sơn chính và cuối cùng là thêm lớp sơn đặc biệt: sơn kỵ hà.”
- “Chuyện thú vị lắm!” Tôi kêu lên. “Theo lối anh kể rành mạch, tôi đoán anh hành nghề… gõ sét?”
- “Không! Trăm lần không, vạn lần không!” Tùng cười lớn. “Chẳng qua có thời gian đi tàu vào đại kỳ Hải Quân Công Xưởng, tôi để ý thôi! Tôi hành nghề gõ sét chỉ vì bị… tạp dịch. Nói rộng ra, ai trên tàu cũng bị tạp dịch. Người trách nhiệm gõ sét mang chuyên nghiệp Vận Chuyển kiêm nhiệm nhiều việc như lái tàu, bảo trì vỏ tàu, xuồng, phao, neo, xích thả neo và dây cột tàu. Việc thì nhiều, nhân viên chỉ vài người nhất là việc ‘sét gõ năm năm sét vẫn còn’ nên chúng tôi… tạp dịch!”
- “Vậy chuyên nghiệp của anh là gì?”
- “Chuyên nghiệp của tôi là Thám Xuất.”
- “Thám Xuất! Mới nghe lần đầu! Vắn tắt, nghiệp… làm gì?”

Anh nghiêng vai trái cho thấy phù hiệu thêu trên cánh tay áo ngay dưới lon trung sĩ. Đó là một hình tròn có đoạn lượn sóng nằm ngang và có mũi tên xuyên nghiêng hướng thượng. Tôi tưởng Tùng nói ý nghĩa của nó nhưng anh chỉ giải thích về ‘nghiệp’ của anh:

- “Tôi và hai nhân viên Thám Xuất phụ trách việc sử dụng, bảo trì, sửa chữa các máy điện thám như Radar, Sonar, Loran, Fathometer.”
- “Xin nói rõ hơn!”
- “Radar là loại máy điện tử thám sát trên mặt biển, Sonar thám sát tàu ngầm, Loran định vị trí chiến hạm, Fathometer đo chiều sâu…”
- “Còn những chuyên nghiệp khác?”
- “Rất tùm lum. Nào là Giám Lộ, Phòng Tai, Vận Chuyển, Cơ Điện Khí, Trọng Pháo. Nào là Vô Tuyến, Điện Tử, Y Tế, Kế Toán, Tiếp Vụ, v.v...!”
- “Nhiều chuyên nghiệp dữ vậy?” Tôi ngạc nhiên kêu lên.
- “Hải Quân… ngon lành mà!” Tùng cười đùa. “Một chiến hạm mà không có đủ các chuyên viên đó thì không làm ăn gì được.”
- “Thật vậy sao?”
- “Thí dụ nếu không có mấy tay cơ khí lo máy tàu, mấy tay điện khí lo máy điện, thì coi như … dậm chân tại chỗ!”

Tôi hỏi dò:

- “Máy tàu hẳn phải bự lắm. Có thể nào tôi được xem cho biết?”
- “Chỉ được xem khi có lễ lộc.”
- “Như lễ gì?”
- “Như ngày Quốc Khánh, ngày Quân Lực, ngày Hải Quân.”

Tôi nhớ ra năm nào Văn phòng Đại học Sư Phạm cũng thông báo ghi tên thăm viếng chiến hạm nhưng tôi không hề quan tâm. Bây giờ ngơ ngơ ngác ngác, thấy tiếc.

- “Ngoài máy tàu, có được đi coi các nơi khác?”
- “Dĩ nhiên. Gần như là được coi khắp chiến hạm.”
- “Gần như, có nghĩa là còn những chỗ không được tới?”
- “Những nơi đó cấm… vãng lai! Vấn đề bảo mật.”
- “Ngày thường không được xem tàu sao?”
- “Được chứ, nhưng phải xin phép sĩ quan trực nhật..”

Tôi ‘À’ ra vẻ hiểu biết rồi lặng lẽ đắn đo xem có nên nhờ Tùng đưa đi thăm tàu lúc này hay chờ thân mật thêm hơn. Tôi thấy nên chờ bằng cách tạo cơ hội cho Tùng phô trương kiến thức hải nghiệp. Khi chiếm được cảm tình, biết đâu anh dám liều đưa tôi đến những nơi tôi muốn đến. Tôi hỏi:

- “Ở giữa biển thế này làm sao biết mình ở đâu?”
- “Việc này thuộc trách vụ của Giám Lộ. Công việc của chuyên nghiệp Giám Lộ gồm truyền tin bằng cờ hiệu, đèn hiệu, định vị trí, tu bổ bảo trì các dụng cụ hải hành. Tùy vào hải trình cận duyên hay viễn dương, phương pháp định vị trí khác nhau. Nếu đi gần bờ thì dùng radar, tức là đo hướng độ của ba đối vật trên bờ lần lượt kẻ lên hải đồ, điểm hội tụ là vị trí chiến hạm. Còn lúc ngoài xa khơi thì định vị trí bằng cách dùng kính lục phân đo phương vị độ các thiên thể.”

Tùng nín lặng nhìn lên bầu trời đầy sao. Tôi sốt ruột:

- “Kính lục phân là kính gì vậy? Làm sao mà định được vị trí chỉ với một chiếc kính?”

Tùng thở ra như đã quá mệt với việc phải trả lời:

- “Nếu cô muốn biết rõ hơn, hãy hỏi Trung sĩ Giám lộ Lê Tín hoặc các vị sĩ quan.”
- “Đừng làm khó tôi, anh Tùng. Tôi đang nôn nóng muốn biết đây!”
- “Tôi có làm khó gì đâu. Không biết, nói bậy bạ sao được!”
- “Chuyện hải hành nghe hay ho mà còn bổ ích nữa. Thế nào tôi cũng hỏi Trung sĩ Tín để lỡ sau này có đi lạc đường, tôi biết đo thiên thể mà tìm đường về!”

Trung sĩ Tùng lắc đầu cười:

- “Nhớ là chỉ nhờ Trung sĩ Tín dạy cách dùng la bàn chớ đừng nhờ dạy dùng kính lục phân. Cô chỉ cần ngỏ ý thôi, cũng đủ Trung sĩ Tín chết vì cười!”
- “Sao dữ vậy?”
- “Là vì kính lục phân chỉ dùng… trên biển!”

Tôi mỉm cười, tiến thêm bước mới:

- “Nghe giọng nói, anh là người miền Tây?”
- “Gốc Rạch Giá.”
- “Vợ con ra sao?”
- “Một trai.”

Một cảm giác xao xuyến lạ lùng gờn gợn khắp châu thân. Nỗi buồn trĩu nặng cũng lan nhanh. Một người hiền hậu, vui tính, dễ thương, vợ con đề huề thế này mà phải chết dưới tay tôi. Làm sao rủ rê anh cùng tôi rời khỏi tàu?

- “Còn cô? Nghe cũng giọng miền Tây.”
- “Quê Vĩnh Long.”
- “Năm ngoái chiếc Giang Pháo Hạm tôi phục vụ hoạt động tại sông Cổ Chiên - Mang Thít thường ghé nghỉ bến Vĩnh Long. Tôi thích ngồi nhà hàng Ba Vị ngắm cảnh Long Hồ.”

Tôi e ngại, làm thinh. Mặt biển long lanh, hiền hòa. Trên bề mặt xanh biếc, rải rác vài vùng xanh thẫm. Một chiến hạm lạc lõng giữa hàng chục ghe đánh cá. Tôi nhớ tuần rồi Hưng thuê ghe đưa tôi viếng Ghềnh Ráng Tiên Sa và đổ bộ thăm mộ Hàn Mặc Tử. Tôi quay ngang, nhìn Tùng:

- “Chắc anh đang nhớ vợ con lắm?”
- “Đúng, đang nhớ lắm! Trước đó thì không. Thường thường, mỗi lần công tác lâu vài ba tháng, tuần đầu tuần cuối thì nhớ lắm, khoảng giữa quen dần.”
- “Còn cô, đi thế này hẳn… hết nhớ?”
- “Hết nhớ? Nghĩa là sao?”
- “Nghĩa là cô được sống bên người yêu.”
- “Người yêu của tôi là ai?” Tôi ngạc nhiên.
- “Hải Quân có tai và mắt tinh tường mà! Nói là thân nhân mà hai người cư xử với nhau như là mới quen nhau. Người thì kêu cô, người thì kêu Đại úy. Tôi suy ra hai cô cậu chắc mới quen nhau và chuyến đi này là để tiến đến… yêu nhau!”
- “Anh nghĩ trật lất! Tôi và Đại úy Bằng là ‘thân nhân’ kiểu này: Anh tôi cùng khóa Hải Quân với Đại úy Bằng. Tôi chỉ lợi dụng tình đồng khóa để đi tàu một chuyến cho biết, thế thôi! Đây là lần đầu tôi và Đại úy Bằng gặp nhau.”
- “Xin lỗi đã hiểu lầm.”

Tôi thấy vui vui và nhân cơ hội giải tỏa một thắc mắc:

- “Tôi thấy ở phòng của Đại úy Bằng hình một thiếu nữ bồng con, có phải là vợ con của ổng?”
- “Tôi không biết. Ổng kín tiếng lắm! Chỉ thấy đa số thời giờ ông ấy ở trên tàu.”
- “Phải thân thiết lắm mới để ảnh trên bàn, phải hôn, anh Tùng?”
- “Đúng như vậy!” Tùng cười mỉm tiếp. “Xem chừng cô đã có phần để mắt tới ông Hạm Phó!”

Tôi phật ý, định đốp chát nhưng thấy tiếp tục gây cảm tình là tốt hơn. Mà cũng chả cần gì phải đính chính. Chỉ hơn một ngày nữa tôi đâu còn gặp lại Tùng. Tuy nhiên tôi cũng phải xỉa xói nhẹ nhàng:

- “Nếu tôi để mắt tới ông Hạm Phó của anh, anh thấy ổng có xứng đáng với tôi không?”

Tùng đăm đăm nhìn tôi như không ngờ tôi nói ra câu đó. Tôi tiếp tục tấn công:

- “Anh Tùng, nghe đồn Hải Quân hay có con rơi con rớt, có thể chú bé trong hình là con Võ Bằng?”
- “Bây giờ thì biết chắc cô đã yêu Hạm Phó!”

Như để biểu lộ sự cả quyết, Tùng đẩy sợi dây an toàn ra vẻ đắc chí. Bụng tôi đang tựa vào sợi dây bị bật mạnh khiến nửa phần trên của thân nghiêng ra ngoài. Tùng chụp cánh tay tôi, miệng rối rít:

- “Tôi vô ý quá, xin lỗi cô Phượng.”

Hai tay ôm lấy ngực, tôi gọi ba hồn bảy vía. Tùng rút tay về, đứng ngẩn ngơ, bối rối. Tôi trêu chọc:

- “Suýt nữa cả tàu khốn khổ vì… nhiệm sở vớt người, phải hôn anh Tùng?”

Tùng cười cười, đáp:

- “Rất mừng cô đã không rơi xuống biển để còn dịp trả cô về với Hạm Phó. Chúc gặp người yêu nhiều hạnh phúc.”

Nói xong anh bước dọc theo hành lang mạn hữu về phía lái. Khi tôi hướng mắt qua mạn tả, Võ Bằng đang đi tới…

 

Chương 6

Hải phận Khánh Hòa
Thứ bảy 5/8/1967 08:30G

Từ sân lái, Võ Bằng bước thong dong như người dạo mát, miệng cười duyên trông dễ ghét. Tôi ôn lại xem mình đã nói những gì khiến Trung sĩ Tùng đề quyết tôi đang yêu Võ Bằng? Thắc mắc về tấm ảnh mẹ bồng con là triệu chứng của bệnh ghen? Mà tôi cũng kỳ, sao thắc mắc làm chi chuyện chẳng dính dáng gì để phải bị nghi oan. Trăm sự cũng tại Võ Bằng, lấy danh nghĩa bạn cùng khóa, anh chàng săn sóc em gái bạn hơi kỹ! Nghĩ đến phải giao tiếp thêm một ngày một đêm nữa mà ngao ngán…

Bằng đứng thay chỗ của Tùng, vui vẻ giãi bày:

- “Không thấy cô ở phòng ăn lẫn phòng ngủ nên tôi có phần lo. Tôi quên dặn cô là sáng sớm đừng lên boong tàu.”
- “Tôi vừa được dặn dò.”
- “Cô quen Trung sĩ Tùng?”
- “Mới vừa quen.”
- “Hy vọng cảnh biển buổi sáng không quá đẹp khiến cô bỏ cữ cà phê. Sinh viên nào mà không nghiện cà phê, phải không?”
- “Tôi có quên đâu.” Tôi nâng cổ tay xem giờ. “Còn một tiếng rưỡi nữa mới hết giờ điểm tâm mà! Vả lại Đại úy nói ăn sáng tự do, thì việc tôi không ăn cũng đâu có phạm… quân lệnh!”
- “Nào ai ép uổng chi đâu!” Bằng cười nụ, nhún vai. “Chỉ đoán rằng cô mất ngủ, hẳn cần nhâm nhi tí cà phê cho tươi tỉnh, vậy mà!”
- “Bây giờ tôi bắt đầu thấy mệt hơn.” Tôi bóng gió.
- “Tôi đề nghị thế này: trước là cà phê cà pháo, sau là thăm một vòng chiến hạm. Cô từ chối một, coi như từ chối cả hai!”

Tôi thích chí cười thầm. Cả hai tôi đang tối cần, từ chối sao được. Nhưng việc thăm chiến hạm, ưu tiên hơn. Tôi nói:

- “Tôi nhận lời với điều kiện đảo ngược.”
- “Đồng ý!”

Võ Bằng chỉ khối sắt chễm chệ giữa tàu:

- “Khối sắt đó phân chia boong tàu hai phần: sân mũi và sân lái. Bên trong khối sắt là phòng Hạm Trưởng, cao hơn là Trung tâm Chiến Báo và Phòng Truyền Tin. Trên hết là Đài Chỉ Huy. Chúng ta đang đứng ở sân mũi. Ngay trước mắt cô là khẩu súng to nhất của chiến hạm, có tầm bắn xa 18 cây số. Quanh nó là các thùng đạn. Cạnh đó là máy kéo và thả neo.”

Tôi nhìn hai thùng đạn khá lớn đặt sát vách khối sắt, và hai đặt hai bên khẩu pháo. Các nắp thùng đạn chỉ được cài bằng các chốt vặn, dễ dàng mở nắp đặt vào quả bom. Tôi cân nhắc địa hình. Thật là một địa điểm lý tưởng. Ngay phía dưới là Khu Sĩ Quan, bên trong là Phòng Hạm Trưởng, trên cao là Đài Chỉ Huy. Chỉ cần đặt quả bom vào bất cứ thùng đạn nào, quả bom sẽ kích nổ dây chuyền cả bốn thùng, chắc chắn chiến hạm cùng toàn bộ sĩ quan sẽ bị banh xác. Việc mang quả bom lên chỗ này không đến đỗi nguy hiểm vì đây là lối đi dành riêng cho sĩ quan. Chỉ cần né tránh giờ đổi phiên trực. Việc đặt bom thực hiện sau 5 giờ sáng là lý tưởng nhất. Trường hợp bị bắt gặp, sẽ viện cớ vừa khám phá mua lầm thùng margarine hết hạn sử dụng nên đem ném bỏ. Tôi thở ra sảng khoái với địa điểm tìm được và lý do hợp lý. Tuy nhiên, biết đâu còn nơi khác lý tưởng hơn.

Tôi bước theo Võ Bằng dọc hành lang mạn trái đến sân sau. Đây là khu vực tôi ói mửa đêm qua. Sân tương đối rộng là nơi tập họp toàn thể thủy thủ đoàn để điểm danh và phân chia công tác. Mỗi bên mạn tàu có một dàn thả thủy lôi chống tàu ngầm, một khẩu súng trung liên và một đại liên. Chỉ là các thùng đạn nhỏ để quanh các khẩu súng. Không địa điểm nào hấp dẫn để đặt bom ở khu vực này.

Võ Bằng đi ngược về phía mũi dọc mạn phải và dừng lại trước khung cửa dẫn vào lòng tàu. Anh chàng nói lớn:

- “Bây giờ chúng ta đi thăm nhà bếp và khu ăn ngủ của hạ sĩ quan và thủy thủ.”

Chà! Nơi này mà cho nổ thì hốt trọn cả trăm người.’ Tôi nghĩ thầm khi bước đến bên Võ Bằng. Ngay trước khi bước qua khung cửa, tôi chợt nhìn thấy một bờ biển cát trắng chạy dài nối liền một thành phố. Phía sau là dãy núi đen thẫm, chập chùng. Tôi hỏi:

- “Thành phố nào vậy, Đại úy?”
- “Mình đang đi ngang Nha Trang.” Bằng chỉ tay về một khu nhà cô lập. “Kia là quân trường Hải Quân, nơi tôi từng thụ huấn.”
- “Đại úy học ở đó bao lâu?”
- “Hai năm.”
- “Cực khổ lắm hả, Đại úy?
- “Thử tưởng tượng cô học đại học bốn năm mà bị dồn ép phải học trong hai năm. Đó là chưa kể huấn luyện quân sự.”
- “Huấn luyện viên người Mỹ?”
- “Đại học Sư phạm của cô có giáo sư Mỹ?”

Tôi lắc đầu. Võ Bằng gật gù:

- “Trường Sinh viên Sĩ Quan Hải Quân cũng vậy. Ngay cả lớp học tiếng Anh cũng do giáo sư Việt.”
- “Cô bạn tôi có bồ là Sinh viên Sĩ Quan Thủ Đức, cuối tuần là cùng nhau dung dăng dung dẻ. Suốt hai năm, chắc Đại úy… cũng vậy, phải hôn?”
- “Chúng tôi không dung dăng dung dẻ vì tôi đóng đô ở nhà nàng.”
- “Bây giờ cô ấy là phu nhân Đại úy Võ Bằng?”

Bằng quay sang tôi cười:

- “Không, bây giờ cô ấy là phu nhân một vị giáo sư. Tôi đã nói với cô rồi mà…”

Bằng lại nhìn về phía thành phố mà tôi đoán là chàng ta đang tìm ngôi nhà đóng đô xưa. Chợt nhớ là đã tự hứa không thắc mắc về đời tư của Võ Bằng, ấy vậy mà giờ tái phạm, tôi chuyển đề tài:

- “Cái đảo đó là đảo gì, Đại úy?”

Võ Bằng nhìn theo hướng tay tôi chỉ:

- “Hòn đảo lớn đó tên là Hòn Lớn. Khóa chúng tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với hòn đảo này. Buổi chiều của tháng đầu tiên huấn luyện thể lực, chúng tôi được một tàu đổ bộ thả lên bãi bên này đảo và đón nhận ở bãi bên kia. Trời cũng góp phần huấn luyện nên mưa xối xả suốt trọn đêm chúng tôi mò mẫm lần qua đỉnh núi. Sau đêm đó chúng tôi thấy mọi huấn luyện khác đều… nhẹ nhàng!”

Nhìn bộ mặt tươi tắn trẻ trung của Bằng tôi không thể không nghĩ anh chàng nói xạo. Rồi bỗng nhớ tới lời cô bạn kể về anh bồ than thở chuyện bò hỏa lực sống chết như chơi, tôi muốn đưa ra một nhận xét mang chút cảm thông nhưng tự nhủ mắc mớ gì… thông cảm! Võ Bằng lại lên tiếng:

- “Chuyện hòn lớn nhạt nhẽo quá phải không? Thì kể chuyện mấy hòn nhỏ nghe thú vị hơn. Cô hãy nhìn hai hòn đảo có dạng hình parabol kia!”

Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Bằng. Quả thật có hai hòn đảo, một cao lớn, một thấp nhỏ nhưng đồng dạng như hai anh em đang ngồi đùa cùng sóng biển. Màu nước trở thành xanh thẫm trước hai khối đá loang lở rong rêu. Tôi xoay nghiêng và bắt gặp tia mắt đam mê của Bằng. Tôi hỏi:

- “Hai hòn đảo đó tên gì, Đại úy?”
-  Một mang tên Hòn Nội và một là Hòn Ngoại. Do những yếu tố đặc biệt nào đó chưa ai rõ, chim Yến các nơi đua nhau về đây làm tổ và từ đó hai đảo mang chung tên Hòn Yến. Tổ yến nổi tiếng khắp nơi vì được đồn đại là thuốc tiên dành cho giới nhà giàu!”
- “Sao gọi là dành cho giới nhà giàu? Bộ người nghèo là chịu chết sao? Mà tổ yến là thần dược cho bệnh gì?”
- “Suy nhược. Nó đắt như vàng, nghèo đừng mong rớ tới!”
- “Tôi chưa từng nghe. Thật khó tin!”
- “Đặc tính này của loài chim yến càng khó tin hơn. Đó là lòng chung thủy.”

Võ Bằng lặng thinh đăm đăm nhìn tôi. Tôi sốt ruột:

- “Đại úy kể tiếp đi chứ, lòng chung thủy thế nào đến nỗi khó tin?”
- “Kể chuyện mà cứ nghe cô gọi Đại úy ơi Đại úy hỡi, làm mất hứng! Gọi bằng anh đi, cho thân mật.”
- “Quen Đại úy chưa đầy một ngày mà! Cần thêm thời gian.”
- “Đồng ý. Hạn chót là trước khi rời tàu.”

Tôi lờ điều kiện của Võ Bằng, nhắc lại câu hỏi;

- “Lòng chung thủy của loài yến ra sao?”
- “Mấy năm trước, tôi được nghe một ông thượng sĩ già kể chuyện về loài chim Yến. Chúng bé nhỏ, yếu đuối vì thế tìm sống nơi các vách núi để tránh các loài hiểm ác. Một khi đã thành chồng vợ là thủy chung một đời. Tổ ấm xây ở đâu là suốt đời ở đó. Hàng ngàn tổ yến trên cùng một vách đá mà luôn luôn về đúng tổ của mình. Tổ yến được cả vợ lẫn chồng tạo thành bằng nước miếng kết với cỏ cây và với chính những chiếc lông của chúng.
Loài chim yến hiền hòa tránh được ác thú nhưng rất không may gặp phải loài người. Họ cho rằng tổ yến là thần dược trị suy nhược nên tổ yến trở thành nguồn sống của người nghèo và là thuốc trường sinh cho người giàu. Do đó loài chim yến nhận lấy thảm kịch. Có người lấy trọn tổ, ném yến con xuống biển. Khi bị lấy mất con hay mất tổ, chim mẹ đau buồn bay đâm đầu vào vách núi tự sát đúng ngay nơi cái tổ của mình. Chim cha sau khi bay vài vòng kêu gào thảm thiết rồi cũng một lòng tự sát theo vợ. Lại còn có tiếng đồn tổ yến hồng mắc hơn tổ yến thường. Do đó có người khi lấy tổ yến đã cố tình chừa lại một ít, Yến phải xây lại tổ thật gấp cho kịp ngày sinh nên không đủ nước miếng đến phải khạc ra máu.”
- “Nghe thảm thương quá! Có thật vậy sao?”
- “Tôi nghe vậy hay vậy chớ chưa có dịp nhìn tận mắt. Nếu cô muốn kiểm chứng, hôm nào tôi và cô cùng đi Nha Trang, ra Hòn Yến…”
- “Hiện tại Đại úy nên tiếp tục đưa tôi đi xem tàu.” Tôi ngắt ngang.

Võ Bằng nở nụ cười miễn chấp, bước qua khung cửa. Khi đến ô vuông trên sàn có thang đứng dẫn xuống phòng ăn sĩ quan, Võ Bằng nói:

- “Thay vì xem tàu rồi ăn sáng, tôi e hết giờ ăn sáng. Vì vậy đề nghị chúng ta cà phê cà pháo rồi hãy tiếp tục.”

Tôi nhìn đồng hồ: 8 giờ 30. Tôi gật đầu đồng ý. Bàn ăn trống trơn. Phòng ăn chỉ có mỗi tên Mỹ ngồi ở sofa chơi với bộ bài. Võ Bằng đưa tay nhấn chuông rồi kéo ghế cho cả hai. Chúng tôi cùng ngồi. Anh thủy thủ hôm qua xuất hiện, vui vẻ hỏi:

- “Chị uống cà phê?”

Tôi đứng lên muốn tự làm lấy nhưng anh thủy thủ lên tiếng:

- “Cà phê pha sẵn, để tôi mang đến.”

Anh trở lại với một cái khay gồm hai ly cà phê, hũ đường và hộp sữa ông Thọ.

- “Hạm Phó và chị dùng gì? Có trứng chiên và bánh mì hoặc cháo hột vịt muối.”

Võ Bằng chờ tôi chọn trước. Tôi nói với anh thủy thủ:

- “Nhờ anh chỉ chỗ cho tôi tự làm lấy!”
- “Trên chiến hạm. mỗi người mỗi việc mà cô thì không được chia việc. Hãy cho biết cô thích ăn gì!” Võ Bằng nói nhỏ.

Nếu đang ngồi với Hưng thì tôi đã làm mặt giận không ăn. Nên đành nói:

- “Anh cho bánh mì trứng chiên.”
- “Tôi cũng vậy.” Võ Bằng lên tiếng.

Anh thủy thủ ‘đáp nhận’ rồi hối hả rời phòng. Tôi nhăn nhó:

- “Tôi đã quen tự lo cho mình, Đại úy làm tôi vô cùng áy náy!”
- “Hãy dành sự áy náy cho việc cô từ chối lời mời đi xem Dr. No. Còn ở đây, đó là nhiệm vụ của Hạ sĩ Tốt mà chuyên nghiệp gọi là Chiêu Đãi Viên.

Tôi mỉm cười với cái chuyên nghiệp trong quân đội mới nghe lần đầu. Võ Bằng như hiểu nụ cười của tôi, nói:

- “Chưa lạ đâu. Các Chiêu Đãi Viên còn bị bè bạn đặt biệt danh là Phi Hành Gia.”
- “Sao mà từ cái nghề tầm thường lại vọt lên cao quý đến thế?”
- “Cô thử tưởng tượng hai tay bưng hai dĩa thức ăn chạy như bay xuống cầu thang.”
- “Còn biệt danh của Đại úy?”

Anh Phi Hành Gia đặt thức ăn lên bàn. Võ Bằng nhấc hũ muối tiêu rải lên trứng, xé mảnh bánh mì chấm vào trứng rồi đưa lên miệng lặng lẽ nhai. Được vài miếng, anh chàng nghiêng mặt nhìn tôi:

- “Biệt danh của tôi hả? Nói không được!”

Tôi nhấc chai xì dầu xịt lên trứng. Trứng chiên thật khéo. Tròng trắng và tròng đỏ tạo thành hai vòng tròn đồng tâm. Tôi dùng dao cắt trứng và dùng nĩa đặt trứng lên bánh mì. Tôi nói trước khi đưa vào miệng:

- “Nói không được, tức là có biệt danh không được thơm tho.”

Võ Bằng lặng thinh, không phản đối. Tôi ăn tiếp miếng thứ nhì, vừa nhai vừa tự trách mình ăn nói sỗ sàng. Dù có ghét, cũng phải lịch sự cho qua chuyến đi, huống hồ Bằng đã tận tình giúp đỡ. Tôi tự trách rồi dịu giọng như một biểu hiện xin lỗi:

- “Chừng nào mình mới về tới Sài Gòn hở Đại úy?”
- “Bình thường từ Nha Trang về đến Sài Gòn là mất 24 tiếng, nghĩa là nếu không có gì trở ngại, cô có thể rời tàu sáng mai. Thử chiêm nghiệm xem, lúc đó cô vui hay buồn!”

Tôi thầm trả lời ‘tất nhiên là rất vui’ nhưng miệng nói khác:

- “Còn tới 24 tiếng nữa mà! Đến lúc đó mới biết!”
- “Tôi thì bắt đầu buồn rồi! Cứ mỗi giây phút trôi qua là càng buồn thêm. Tới lúc đó hẳn là rơi nước mắt!”

Dù với cái giọng nửa đùa nửa thật, và dù tôi đang yêu Hưng, những lời của Võ Bằng cũng gây trong tôi ít nhiều xao xuyến. Tôi lại phải chuyển đề tài:

- “Đại úy nói gia nhập Hải Quân là do bạn bè rủ rê, vậy có khi nào Đại úy hối hận?”
- “Hối hận? Ý cô là sao? Tôi nhớ đã có nói tôi gia nhập Hải Quân là đúng thời điểm quân đội cần thêm người.”
- “Thí dụ như Đại úy thấy quân đội… không như ý mình!”
- “Tôi chỉ tự hỏi mình có làm đúng ý quân đội!”

Tôi thất vọng với câu trả lời của Bằng: ‘Thế thì có chết cũng đáng kiếp!’ Đúng lúc tôi tìm lại được sự thanh thản, Bằng lại gây dao động:

- “Bây giờ tôi còn khám phá một điều hay ho. Nhờ nhập ngũ mà tôi nghiệm ra trên đời có lắm điều kỳ bí, thú vị. Như nhờ đi Hải Quân mà hôm nay tôi mới được hân hạnh đi chung tàu với người đẹp Phan Kim Phượng.”
- “Đang nói chuyện đứng đắn, Đại úy cứ nói chuyện đâu đâu.”  Tôi càu nhàu.
- “Chuyện thật đứng đắn đấy! Thì cô cứ đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Ai xếp đặt cho tôi và Đính học cùng khóa? Ai xui cô quá giang tàu này? Và như vậy, trăm năm biết có duyên gì hay không?”

Tôi nâng ly cà phê. Mùi thơm hơn mùi cà phê tôi uống hàng ngày. Tôi nhìn về bàn cà phê nhưng không tìm thấy thương hiệu. Tôi nhấp vài ngụm, vị đắng nghét. Tôi chưa để đường. Võ Bằng thấy tôi nhăn mặt, mỉm cười đẩy sang chiếc đĩa đựng hộp sữa đặc. Tôi lắc đầu. Bằng đưa sang hũ đường. Tôi múc đầy muỗng như thường lệ. Vừa nhâm nhi cà phê tôi vừa ngẫm nghĩ cái ‘duyên’ gặp gỡ Võ Bằng. Không, chả có cái duyên nào hết. Chẳng qua anh chàng chỉ mượn ‘Kiều’ để tán tỉnh lăng nhăng. Vấn đề là tôi phải làm sao ngăn chận. Võ Bằng đột ngột hỏi:

- “Có thật là cô chưa yêu ai? Đẹp như cô dĩ nhiên có hàng tá người đeo đuổi.”

Tôi nhìn đồng hồ và đề nghị:

- “Kém 5 là 9 giờ. Anh Tốt đang chờ dọn dẹp. Chúng ta tiếp tục xem tàu.”

Võ Bằng mỉm cười đứng lên, kéo ghế cho tôi dễ rời bàn.

Chúng tôi bước qua khung cửa, đi về phía lái trên một hành lang đầy mùi gia vị.

Cuối hành lang, một khu vực mở rộng, sáng choang, với nhiều dãy bàn và một số thủy thủ. Có tiếng hô “nghiêm” từ đâu đó, tất cả đứng lên và sau tiếng “nghỉ” của Bằng, tất cả ngồi xuống. Nhân viên chào Hạm Phó của họ mà tôi thấy ái ngại như mình đang được chào. Phải biết thế thì đã không đòi đi.

Tôi cố giữ bình thản, quan sát. Tổng cộng bảy dãy bàn bọc formica xanh, ba nằm ngang và bốn nằm dọc theo tàu. Hai bên mỗi dãy bàn là băng ghế bọc nệm, đủ chỗ cho năm người ngồi. Tính theo chỗ ngồi, tổng cộng bảy bàn, là 70 chục người. Hiện diện ở một bàn nằm ngang có năm hạ sĩ quan đang nhậu với bia quân tiếp vụ, trong đó tôi nhận ra Trung sĩ Tùng. Ở hai bàn nằm dọc mỗi bàn có một nhóm người chơi cờ tướng, domino tôi chưa từng gặp mặt. Một tấm lưới sắt thay cho bức vách của khu vực nấu nướng nằm trên khe hở của một quầy dài, một phần là các ngăn đựng đũa muỗng nĩa. Ở một vách treo đủ cỡ nồi niêu xoong chảo. Ở một vách khác là các hộc trống vừa cho quả bom. Có bốn lò điện, mỗi lò là một tấm phản đen tròn, khác cỡ, có núm điều chỉnh độ nóng. Nối tiếp bốn lò điện là hai chậu lớn đựng chén dĩa dụng cụ đã dùng, chờ rửa. Cửa vào nằm sát mạn tàu, dễ vô ra nhưng có vào đặt được quả bom thì cũng chỉ uổng công. Theo ước lượng, nhà bếp ở trên phần nổi, quả bom chỉ làm hư sơ sài con tàu và sát hại vài ba người nhà bếp. Còn đặt bom khu bàn ăn, có thể giết gần cả tàu nhưng chỉ toàn là lính. Mục tiêu chính là Hạm Trưởng, tên Mỹ, sĩ quan, và chiến hạm.

- “Đây là nhà bếp,” Võ Bằng nói, “là nơi cung cấp ba bữa ăn cho cho Hạ sĩ quan và thủy thủ. Mỗi người tự lấy thức ăn đựng trong khay để dọc theo quầy dài. Theo tổ chức nhà bếp, đi chợ và nấu ăn thì có chuyên nghề tiếp vụ. Trông coi bảo quản thực phẩm là quản kho. Tính toán tiền nong lương bổng thì là kế toán. Trách nhiệm tổng quát là Thiếu úy Hoàng Văn. Giờ này các nhân viên nhà bếp được nghỉ ngơi trước khi lo bữa ăn trưa.”
- “Họ không có Phi Hành Gia như sĩ quan?” Tôi hỏi móc.
- “Theo cấp số thì không! Nhưng hạ sĩ quan du di hay lắm.”
- “Du di thế nào?”
- “Tôi không muốn biết vì biết thì phải cấm!”
- “Còn chỗ ngủ, có khác biệt không?”
- “Có chút khác biệt. Họ đều nằm giường treo nhưng với hạ sĩ quan thì có thêm tấm nệm cá nhân.”
- “Tôi muốn xem tận mắt!”
- “Xem tận mắt thì không được.” Võ Bằng tủm tỉm cười.
- “Sao lại không được?” Tôi thắc mắc.
- “Tôi nói không được là không được.”

Lại ‘nói không được’. Cho là anh chàng cố tình chọc giận, tôi nằn nì:

- “Nhưng tôi muốn xem!”
- “Bình thường, trước khi tiếp đón quan khách, chiến hạm cần sẵn sàng ở tình trạng hoàn hảo nhất. Hiện tại chưa sẵn sàng!”
- “Chưa sẵn sàng thì xem theo chưa sẵn sàng. Tôi chỉ là kẻ quá giang chớ có là quan khách gì đâu!”
- “Với riêng cô thì còn hơn cả quan khách!”
- “Tại sao?”
- “Cô nhất định muốn biết?”

Tôi gật đầu. Võ Bằng ghé miệng sát tai tôi nói nhỏ:

- “Tại vì không chuẩn bị sợ e có nhân viên ngủ… ở truồng!”

Tôi nghe nóng ở mặt và tự mắng mình: “Cứ ham đòi hỏi. Cho đáng đời!” Tôi vờ không nghe, bước đến bàn của Trung sĩ Tùng. Tùng và bốn người gật đầu chào. Tôi đáp bằng nụ cười. Võ Bằng giới thiệu bốn người tôi chưa quen: Trung sĩ Trọng pháo Hà Quang Lâm, Trung sĩ Giám lộ Lê Tín, Thượng sĩ Cơ khí Đoàn Văn Thức và Thượng sĩ Quản Nội Trưởng Trịnh Minh Hoàng. Hoàng rót bia vào hai ly giấy mời:

- “Xin mời Hạm Phó và cô đây chung vui với chúng tôi vài ly!

Tôi lắc đầu:

- “Xin cám ơn, Phượng không biết uống rượu.”

Võ Bằng không khách sáo, đi liền một hơi tới đáy. Anh chàng cầm luôn ly của tôi:

- “Tôi uống thay cho cô Phượng.” Nói xong là nốc sạch.

Tất cả vỗ tay hoan hô. Trung sĩ Lâm lên tiếng:

- “Hạm Phó uống ngọt lắm, đại diện cô Phượng lần nữa, Hạm Phó?”
- “Hai ly liền tù tì là quá đủ ngất ngư rồi! Hai ly nữa là dám đưa cô Phượng xem phòng ngủ của các anh lắm!”

Tôi quắc mắt nhìn Võ Bằng. Anh chàng cười nham nhở. Quản Nội Trưởng Hoàng cười nói:

- “Bộ Hạm Phó sợ Hạm Trưởng ghi vào Nhật ký Hải hành: ‘Hôm nay Hạm phó say rượu’?”

Trung sĩ Tín họa theo:

- “Cứ uống đi, Hạm Phó. Có bị Hạm Trưởng ghi thì ghi lại ‘Hôm nay Hạm trưởng không say rượu’!”

Tôi hòa tiếng cười vang cùng mọi người. Người thứ tư lớn tuổi nhất, Thượng sĩ Thức rót đầy ly rượu của Bằng và của ông, hai tay nâng hai ly, nụ cười hiền hòa không làm giảm các nếp nhăn ở đuôi mắt:

- “Uống ngọt như Hạm Phó, phải liệt vào hàng cao thủ! Ly này để mừng cao thủ!”
- “Cao thủ về rượu thì không có tôi. Hôm nay đặc biệt chỉ vì muốn ‘cứu bồ’!”
- “’Cứu bồ’. Tôi nổi nóng. “Tôi đâu cần cứu bồ! Tôi xin uống trả ly ‘cứu bồ’.

Tôi cầm ly rượu mời Võ Bằng đưa lên miệng nhắm mắt uống cạn. Tiếng vỗ tay của tất cả hiện diện đồng loạt vang lên. Người tôi bắt đầu rạo rực, nóng bừng. Hơi thở gấp gáp. Bằng lên tiếng:

- “Cám ơn các anh. Tiếp tục cuộc vui nhưng đừng say xỉn. Cô Phượng còn cần đi xem vài nơi nữa.”

Chúng tôi từ giã, đi ngược về khu sĩ quan, dùng cầu thang nghiêng lên tầng trên. Bằng nói:

- “Cô sắp được viếng hai nơi đặc biệt quan trọng, coi như là linh hồn của chiến hạm. Đó là Trung tâm Chiến Báo và Phòng Truyền Tin. Trung tâm Chiến Báo là nơi thu thập tin tức địch còn Phòng Truyền Tin là nơi trao đổi tin tức giữa ta và bạn. Tổng hợp tin tức hai nơi, sĩ quan hành quân sẽ nghiên cứu, phân tích và đề ra các đường lối hành động hiệu quả nhất trình Hạm Trưởng.

Lòng tôi rộn vui. Cơn chếnh choáng say như tan biến. Hưng mà có được tin tức này thì mừng phải biết! Vừa dợm bước thì một nhân viên quần áo ướt đẫm mồ hôi đi vội đến trước Võ Bằng. Anh hổn hển nói:

- “Thưa Hạm Phó, máy chánh tả đang tăng nhiệt độ. Chưa biết lý do.”

Võ Bằng trầm tĩnh nói:

- “Anh trở lại hầm máy, tiếp tục theo dõi. Tôi sẽ báo ngay cho Hạm Trưởng. Nếu thấy nhiệt độ tăng nhanh, cho giảm hoặc ngưng máy.” Võ Bằng quay sang tôi. “Cô Phượng đi với tôi.”

Khi đứng trước buồng Hạm Trưởng, Võ Bằng nói:

- “Xin lỗi tôi phải gặp Hạm Trưởng. Cô Phượng hoặc ra boong chính hoặc về buồng ngủ. Tùy nghi. Sẽ gặp lại sau.”

Võ Bằng gõ vào chữ Hạm Trưởng. Tôi nghe tiếng vọng ‘cứ vào’. Anh chàng đẩy cánh cửa và khuất sau đó. Tôi đứng ngẩn ngơ không biết về hướng nào? Có đi hướng nào thì cũng không thoát khỏi con tàu đang gặp rắc rối!

 

Chương 7

Hải phận Khánh Hòa
Thứ bảy 5/8/1967 09:25G

Đứng tần ngần một lúc, tôi quyết định bước ra ngoài. Gió từng cơn hâm hấp tạt vào người. Nắng chói chang lấp loáng trên các cuộn sóng lan xa. Những cụm mây trắng bềnh bồng. Vài con hải âu nhởn nhơ. Cả một vùng trời thanh bình, thênh thang. Vậy mà tôi lại đang tìm chỗ thật ngon để đặt bom giết người thật ngọt!

Sàn tàu dưới chân tôi run nhẹ và con tàu hơi sựng lại. Tôi đoán máy tàu vừa giảm như Võ Bằng căn dặn nhân viên. Tôi bước đến cột cờ cuối lái, tò mò nhìn hai cuộn nước thi đua ra sức đẩy khối sắt khổng lồ. Khó mà ngờ lái tàu lại thấp đến thế, chừng không quá một sải tay là đụng mặt biển. Tiếng rầm rập của chân vịt, tiếng xạc xào của nước xoáy tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn vui tai. Vùng nước cuồng xoay càng xa đuôi tàu càng dịu dần, cuối cùng hình thành một vệt dài như dòng sông bạc giữa đại dương xanh.

Sảng khoái trước cảnh tượng lần đầu được thưởng thức, tôi ngẩng mặt hít thật sâu. Vừa thở ra tôi vừa xoay người nhìn về hướng mũi. Nói cho đúng, tôi nhìn về phía cửa hông, với hy vọng Võ Bằng xuất hiện. Tôi tìm bóng dáng anh chàng ở tầng cao hơn. Lá Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ bay phất phới ở đỉnh cột giữa tàu. Tôi thực sự ngạc nhiên trước hình ảnh sống động hiện tại so với hình ảnh lặng lờ của lá cờ treo ở cột sau lái tôi thường thấy khi cùng Hưng quan sát sinh hoạt của chiến hạm cập bến Bạch Đằng. Tôi đoán rằng với chiến hạm, lá Quốc Kỳ được treo ở một trong hai vị trí, tùy khi cập bến hay hải hành. Tôi say sưa ngắm hình ảnh mới mẻ vừa khám phá. Nắng vàng và trời xanh tô điểm lá cờ thêm lộng lẫy, uy nghi. Dù Hưng nói gì thì nói, tôi vẫn yêu lá cờ vàng ba sọc đỏ. Còn ý nghĩa nào đẹp hơn ba miền chung dòng máu đỏ da vàng. Tôi chào kính lá cờ đó từ lớp mẫu giáo cho đến ngày nay và chắc chắn tôi còn tiếp tục chào kính cho đến hết đời. Lá cờ đó không chỉ là biểu hiện của dân tộc trường tồn mà còn là biểu hiện quãng đời trưởng thành tươi đẹp của tôi và cuộc sống đầy trọng vọng của ba má tôi. Khi nghe lời Hưng chống Mỹ cứu nước, tôi mụ mị quên mất là lá cờ này ngày ngày vẫn ngạo nghễ phất phới khắp Miền Nam. Bọn Mỹ mang quân đến xâm lược chẳng lẽ quên một việc ưu tiên sơ đẳng là thay thế cờ vàng bằng cờ sao sọc? Con đường tôi chọn hiện tại có đúng là lý tưởng?

Tôi nghe mệt mỏi, chán ngán chừng như sắp quỵ ngã. Hai cột trụ quấn dây hình số 8 cách tôi dăm ba bước xem ra là chỗ ngồi hấp dẫn. Khi tôi vừa ngồi xuống thì chợt thấy trên khoảng sơn đỏ dưới chân có những vệt trắng tinh anh. Tôi khom người đưa tay xoa nhẹ. Thì ra là những hạt muối từ nước biển tạt lên bốc hơi. Tôi nhớ đã bị nước bắn tóe khi đứng ở giữa tàu và đưa tay xoa hai má. Cả hai rin rít các hạt li ti. Trán và cổ tôi đã bắt đầu rịn mồ hôi. Khi đứng lên tìm chỗ tránh nắng, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là tên Mỹ ngồi sẵn từ bao giờ ở hai trụ bên mạn đối diện. Hắn mỉm cười, tay vẫy chào. Tôi không cách nào hơn là huơ tay đáp lễ.

Sự hiện diện của tên Mỹ khiến tôi bước về phía mũi tàu dù chưa biết tránh nắng nơi nào. Khi đến bên dưới chiếc ca nô treo kề hông khối sắt, đúng nơi tôi gặp Trung sĩ Tùng vào sáng sớm, tôi đứng nhìn ra biển khơi, nắm dây an toàn bằng cả hai nắm tay. Chân trời gập ghềnh theo dãy Trường Sơn. Hòn Lớn, Hòn Yến không còn bóng dáng. Vẫn biển xanh lao xao, óng ánh, chập chùng. Vẫn trời xanh vời vợi mây trắng lang thang …

Tôi còn phải ngắm những hình ảnh nhàm chán này đến bao lâu nữa? Tàu đã giảm máy nghĩa là chuyến đi kéo dài. Dự trù về đến Sài Gòn sáng mai hóa thành chiều tối? Hưng sẽ chờ… mệt nghỉ! Anh đã quá lạc quan cho rằng sau khi chọn xong nơi đặt quả bom, tôi chỉ việc nằm khểnh nghe ca nhạc kịch. Tổ chức đã cấp cho tôi một cassette nhỏ với hai cuộn băng nhạc Trịnh Công Sơn, một cuộn kịch Kim Cương, một cuộn cải lương Sân Khấu Về Khuya nhưng đêm qua khi về tới buồng là đã ngất ngư, là ngủ thiếp. Rồi khi thức dậy thì bị Võ Bằng bám riết!

- “Mới ra nắng mà đôi má đã ửng hồng. Chắc tôi phải nuốt lời đã thề là không bao giờ còn dám yêu ai nữa…”

Tôi nghiêng mặt về tiếng nói của Võ Bằng. Anh chàng từ sân mũi bước vội đến đứng bên tôi.

- “Gặp Đại úy là nghe Đại úy nói… ‘dớ dẩn’!” Tôi cằn nhằn.
- “Chuyện yêu đương mà chê ‘dớ dẩn’ thì chuyện gì không ‘dớ dẩn’?”
- “Tàu hư gì, Đại úy? Tôi đã cảm thấy tàu chạy chậm lại.”
- “Hệ thống làm nguội máy gặp trở ngại. Cơ khí đang sửa chữa. Hy vọng vài tiếng là xong.”
- “Bớt máy thì chừng nào mới tới Sài Gòn?”
- ‘Cô khoe là chưa yêu ai mà sao nôn về quá vậy? Tưởng đâu tàu chạy chậm, thì giờ ngắm biển dài hơn, cô mừng mới phải!”
- “Đại úy nói bầu trời chỉ đẹp lúc hoàng hôn và bình minh. Thời gian còn lại chỉ thấy dài lê thê, chán ngắt!”
- “Với tôi thì ngày nào cũng đẹp, cũng ngắn nếu ta biết sử dụng nó.”
- “Đại úy sử dụng thế nào?”
- “Thí dụ như khi ngắm bình minh và hoàng hôn, tôi không chỉ ngắm bằng đôi mắt mà bằng cả tâm trí. Tôi vừa thưởng thức vừa đặt câu hỏi vì sao bình minh và hoàng hôn lại đầy sắc màu như thế! Tương tự, tôi cũng tự hỏi vì sao bầu trời và đại dương lại màu xanh và tại sao màu xanh đại dương lại đậm hơn màu xanh bầu trời. Rồi lại hỏi vì sao có mây và vì sao mây có nhiều loại, lắm màu. Lại hỏi vì sao có bão, gặp bão làm sao tránh? Ngắm lơi khơi, thời giờ không tốn bao nhiêu nhưng để giải tỏa các thắc mắc, có khi phải mất nhiều ngày. Phải đến thư viện. Phải tìm đúng sách. Phải đọc. Phải nghiên cứu!”
- “A! Một gợi ý rất hữu ích, thiết thực, đáng thực hành.” Tôi thích thú kêu lên. “Lâu nay tôi vô tâm quá! Từ nay phải học hỏi theo lối của Đại úy. Bắt đầu, Đại úy làm ơn cho tôi mượn sách giải đáp các câu hỏi Đại úy vừa nêu.”
- “Tàu có thư viện, nhưng rất tiếc không có sách cô cần!”
- “Vậy Đại úy có sẵn lòng thay thế… thư viện?”
- “Với ai khác thì tôi sẽ nói không huởn, nhưng với cô thì tôi sẵn lòng bất cứ lúc nào!” Võ Bằng mỉm cười với vẻ âu yếm. “Vì sao biển và trời có màu xanh? Hẳn cô còn nhớ, thời trung học, chúng ta đã biết ánh sáng là tổng hợp của bảy màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Khi ánh sáng chiếu vào bầu khí quyển trong đó có các phân tử, các hạt bụi, hạt nước, mỗi màu của ánh sáng có độ dài sóng, tần số và năng lượng khác nhau sẽ bị hấp thụ hoặc phản xạ hoặc khuếch tán khác nhau. Màu có độ dài sóng lớn như đỏ, cam, vàng sẽ bị hấp thụ nhiều; có độ dài sóng ngắn như xanh, lam, chàm, tím sẽ bị khuếch tán và phản xạ. Do mắt người nhạy cảm với màu xanh nên nhìn bầu trời chỉ thấy màu xanh. Môi trường của biển tương tự môi trường khí quyển. Nhưng màu xanh của nước biển đậm hơn màu xanh của bầu trời là vì ngoài khuếch tán màu xanh của ánh sáng còn phản chiếu thêm màu xanh bầu trời.”

Tôi hân hoan tương đắc với hiểu biết mới. Chỉ cần hai chữ ‘vì sao’ để thêm kiến thức mà lâu nay quá vô tình! Để bày tỏ chút lòng biết ơn Võ Bằng, tôi nồng nhiệt hỏi:

- “Đại úy, vì sao lại có sóng bạc đầu? Có phải vì phần trên đỉnh sóng tan vỡ thành bong bóng, đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua, không khuếch tán, không khúc xạ, nghĩa là giữ nguyên màu trắng?”

Võ Bằng kêu lên như khoa học gia Archimedes khám phá chân lý:

- “Eureka! Eureka! Cô phải là tri kỷ của tôi mới được.”
- “Đại úy nói, khi ánh sáng chiếu vào bầu khí quyển, bảy màu của ánh sáng bị khúc xạ, khuếch tán tùm lum, nhưng ta chỉ thấy màu xanh vì màu xanh nhạy cảm với thị giác. Xin hỏi, vậy thì vì sao khi mặt trời mới mọc và sắp lặn, ta lại thấy màu đỏ?”
- “Vì sao ư?” Võ Bằng tươi cười đáp. “Vì vào thời điểm đó lớp khí quyển của trái đất dày nhất nên các màu đều bị khuếch tán, trừ màu đỏ. Màu này có độ dài sóng lớn nhất nên dễ dàng xuyên qua. Khi mặt trời lên cao dần, bầu khí quyển mỏng dần, màu đỏ bị khuếch tán dần. Cho đến thiên đỉnh, tức giữa trưa, lượng khí quyển mỏng nhất nên mặt trời trở thành trắng lóa.”

Thấy Võ Bằng nhìn đồng hồ, tôi vội hỏi:

- “Còn về mây? Đại úy nói mây có lắm loại, có nhiều màu.”

Võ Bằng mỉm cười, cặp mắt không rời khuôn mặt tôi:

- “Cô thật sự muốn biết? Có ăn nhằm gì môn Sử-Địa đâu?”

Thay vì thú nhận rất muốn biết, tôi trêu chọc:

- “Để giết thì giờ mà!”
- “Đại khái mây là khối tập họp hơi nước. Một đám mây nhỏ có thể nặng tới 500 tấn. Nhưng tại sao chúng không bị rơi xuống đất mà lại trôi lang thang? Là vì hơi nước nhẹ hơn không khí nên có khuynh hướng bốc lên cao nhưng lại đủ nặng để chịu lực hút của trái đất. Khi mức độ tích tụ tăng cao, tùy nhiệt độ của khí quyển mà ngưng tụ thành giọt nước hay tinh thể nước đá và rơi xuống thành mưa, thành tuyết hay mưa đá.”

Võ Bằng ngưng nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi hơi ngượng, nhắc:

- “Còn loại mây, màu mây?”

Võ Bằng chớp mắt làm như sực tỉnh:

- “À, mây được ghi nhận có 10 loại mang tên bằng tiếng Latin rất khó nhớ. Dù chỉ phải nhớ một tên thôi, tôi thà nhớ tên Phan Kim Phượng.” Võ Bằng nhăn nhở cười duyên. “Mười loại mây này được đặt tên theo độ cao của nó và được xếp vào ba tầng: tầng thấp, tầng trung và tầng thượng. Tầng thấp từ mặt đất lên 2 ngàn mét gồm 4 loại: Cumulus, Stratus, Stratocumulus và Nimbostratus. Tầng giữa từ 2 ngàn mét đến 7 ngàn mét gồm 2 loại: Altocumulus và Altostratus. Tầng thượng từ 7 ngàn mét tới 18 ngàn mét gồm 4 loại: Cirrus, Cirrocumulus, Cirrostratus và Cumulonimbus. Còn màu của mây thì tùy thành phần cấu tạo, tùy độ dày mỏng… mà có mây trắng, mây đen, mây ngũ sắc, v.v...”

Võ Bằng chỉ một cụm mây gần chân trời:

- “Đó là loại mây Cirrus, có dạng tơ trắng mong manh, giăng lơ thơ rất cao trên nền trời khiến không thể không nghĩ tới câu thơ Đỗ Phủ: ‘Thiên thượng phù vân như bạch y’.”

Anh chàng nhìn quanh, tìm kiếm, lại tiếp:

- “Cụm mây như cục bông gòn kia là loại mây Cumulus tôi thích nhất.  Nó báo hiệu một ngày trời rất đẹp. Gặp gió, loại mây này biến hóa thiên hình vạn trạng trong đó có bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Nhưng tôi lại rất ghét một loại mây tương tự cumulus mang tên cumulonimbus. Loại mây này rộng hơn, dày hơn, cao hơn, có màu xám đậm gây những trận mưa rất lớn. Có thể đây là loại mây được người xưa mô tả là … thâm đông, chúng ta đề cập hôm qua!’

Tôi tặng Võ Bằng một cái liếc xéo trước khi nghe tiếp:

- “Người xưa cũng hay nói ‘sau cơn mưa trời lại sáng’ nhưng ít khi nói về một hiện tượng đặc biệt là sau cơn mưa còn có thể có ‘mống chuồn’.”

Tôi phì cười lớn. Võ Bằng có cái tài là không để tôi giữ được vẻ mặt bình thản hay trang nghiêm. Anh chàng phát âm ‘mống chuồn” thay vì ‘móng chuồn’, gợi tôi nhớ thời mới lớn bạn bè hay dùng để chọc ghẹo nhau. Hưng rất hiếm khi nói đùa hoặc anh có nói mà vì ngôn ngữ bất đồng, tôi không hiểu đủ để bật tiếng cười. Lắm khi tôi phải yêu cầu anh nói lại. Nhưng với Võ Bằng, cùng miệt vườn, cùng ngôn từ dân dã, thật dễ cảm thông và gần gụi. Tôi vui vẻ khuyên can:

- “Đại úy nên dùng danh từ ‘cầu vồng’ cho nó đúng sách vở, chớ dùng ‘móng chuồn’ tôi nghe… nhột quá!”

Võ Bằng cười thiệt tươi:

- “Tiếng Việt mình thật tuyệt vời. Móng chuồn là một cách ám chỉ, mây mưa là một cách ám chỉ khác. Nhưng… vì sao có móng chuồn? Giải thích hiện tượng này thì dông dài, chỉ cần biết đại khái là do mặt trời chiếu qua triệu triệu giọt mưa, bị phản xạ và khúc xạ liên miên nên hiện nguyên hình bảy màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím.”

Võ Bằng lại nhìn đồng hồ, tôi vội hỏi:

- “Như vậy Hải Quân học về mây để tiên đoán thời tiết?”
- “Chỉ phần nào thôi, như phong vũ biểu Barometer, là một cảnh giác trong khi chờ xác nhận từ bản tin chính thức do các đài khí tượng chuyển đến. Bản tin khí tượng đặc biệt hữu ích khi có bão. Nó cho biết tâm bão đang ở tọa độ nào, hướng di chuyển, vận tốc, sức gió ra sao, nhờ đó chiến hạm tìm vùng an toàn để tránh.”

Tôi nghiêng mặt, định hỏi tiếp thì đã nghe giọng cợt đùa:

- “Bây giờ là 11 giờ 15 phút. 15 phút nữa tôi phải chuẩn bị để nhận phiên hải hành. 15 phút đó đủ để tôi trả lời các câu cô hỏi về tôi, như tôi đã yêu ai và đang yêu ai!”
- “Đại úy có hứa sẽ đưa tôi viếng Trung Tâm Chiến Báo!” Tôi thản nhiên nhắc nhở.
- “Tôi luôn luôn giữ lời hứa. Thì viếng Trung Tâm Chiến Báo!”

Chúng tôi leo lên sân thượng bằng chiếc thang thẳng đứng tựa vách khối sắt. Sân thượng là một khoảnh sân vuông vức mỗi cạnh năm thước. Giữa sân có một cầu thang bắc lên tầng cao hơn, tôi đoán là Đài Chỉ Huy. Một cạnh là vách của tầng giữa. Ở mỗi cạnh dọc hông tàu là một ổ súng máy. Cạnh cuối cùng nhìn thẳng hướng lái tàu. Lên cao hơn, phối cảnh đổi thay, tôi mải mê ngắm biển và trời. Xem chừng biển bao la hơn, trời vời vợi hơn, sắc màu tươi sáng hơn, tàu thuyền rõ nét hơn.

Võ Bằng mở cánh cửa nặng nề phía sau cầu thang phô bày một buồng nhỏ chất chồng nhiều khối máy móc đang hoạt động. Có khối với những ô chữ số, có khối nổi sóng tín hiệu. Có khối mang dãy gạch đỏ đen. Một nhân viên tháo gỡ ống nghe đứng lên chào. Võ Bằng giới thiệu chúng tôi rồi theo một lối đi hẹp vào sâu hơn. Một chiếc bàn vuông lớn đặt giữa gian phòng rộng mát, quanh bốn vách gắn lỉnh kỉnh các dụng cụ tôi chưa từng thấy bao giờ. Võ Bằng nói:

- “Trung Tâm Chiến Báo là đây. Mỹ gọi là CIC, viết tắt chữ Combat Information Center. Hai khí cụ có màn ảnh tròn đặt ở hai góc là máy Radar và Sonar. Như tôi đã có dịp nói qua, Radar là máy phát giác tàu và phi cơ địch. Sonar phát giác tàu ngầm. Rất tiếc chiến hạm đang trên đường về bến nên không thể cho cô xem tận mắt, nghe tận tai các hình ảnh và âm thanh tuyệt vời của chúng. Ba dụng cụ gắn ngang hàng trên vách hông là đồng hồ 24 giờ, phong vũ biểu Barometer và máy đo chiều sâu Fathometer.”

Võ Bằng đứng sát mép tấm bản đồ chiếm trọn mặt bàn, bên trên có bút chì, com-pa, thước kẻ song song:

- “Đây là tấm hải đồ và các thước đo cần thiết cho việc hải hành và săn tàu ngầm. Việc hải hành được chia thành hai loại: Hải hành cận duyên và hải hành viễn dương. Một phương pháp hải hành dùng chung cho hai loại này là Phương pháp Hải Hành Phỏng định, tiếng Mỹ gọi là Dead Reckoning.

Võ Bằng chăm chú nhìn tôi dò xét. Thấy tôi tỏ vẻ lắng nghe, anh chàng vui vẻ tiếp:

- “Để dễ thấy phương pháp này, một so sánh cụ thể rất nên đưa ra. Ví dụ mình tính đi đâu đó bằng xe hơi với vận tốc trung bình 60 cây số giờ và dự trù đến nơi sau 10 tiếng. Nếu không bị kẹt xe, hoặc không bị Việt Cộng đắp mô thì đến đúng giờ dự trù. Ảnh hưởng của gió không làm thay đổi tốc độ, vì chỉ cần bớt hay tăng thêm ga. Với tàu biển thì gió và dòng hải lưu có tác động rất lớn. Bởi vì khác với xe chạy trên mặt đường, tàu thì chạy trên mặt biển. Nghĩa là dù hướng đi và vòng quay chân vịt giữ nguyên, con tàu bị gió và hải lưu đẩy giạt ít nhiều khỏi đường đi và đồng thời làm tăng hay giảm tốc độ. Nói cách khác, con tàu sẽ đến ngoài địa điểm đã định đồng thời đoạn đường di chuyển cũng dài hơn hoặc ngắn hơn.

Võ Bằng lại ngưng nói, nhìn tôi. Chỉ đến khi tôi cho biết đã hiểu anh chàng mới chịu trình bày tiếp:

- “Một rắc rối nữa là trên thế giới, tùy theo vùng và theo mùa, chiều và vận tốc của gió và của dòng hải lưu khác nhau. Nói riêng về bờ biển của chúng ta, có hai mùa gió, là mùa gió Đông-Bắc tức mùa Gió Chướng, thổi từ đông-bắc xuống tây-nam khoảng tháng 11 đến tháng 4. Và mùa gió Tây-Nam, thổi ngược lại, từ tháng 5 tới tháng 10. Về dòng hải lưu thì coi như gió chiều nào dòng hải lưu chảy theo chiều ấy.”

Võ Bằng chỉ một vòng tròn lớn in sẵn trên hải đồ:

- Đây là Vòng Tròn Định Hướng, tiếng Anh gọi là Compass Rose, được chia đều thành 360 góc độ. Đường thẳng qua số 0 và 180 là trục Bắc Nam của Trái Đất. Đường thẳng qua số 90 và 270 là hướng Đông Tây.”

Anh chàng chỉ một đường thẳng kẻ sẵn bằng viết chì trên hải đồ và vẽ thêm hai gạch chéo hai bên đường kẻ:

- “Còn đây là đường đi thật 190 độ của chiến hạm và giả thử một bên đường đi có một đảo chìm và bên kia là vùng đá ngầm. Khi bị gió và hải lưu đánh giạt, con tàu sẽ va phải một trong hai đối vật này. Vì vậy, tùy mức độ nguy hiểm của hải trình, thỉnh thoảng sĩ quan đương phiên phải xác định vị trí chiến hạm. Xác định bằng cách dùng la bàn đo ba góc độ của ba đối vật trên bờ. Điểm giao nhau của chúng là vị trí thật của chiến hạm lúc đó. Khi thấy vị trí này nằm ngoài đường đi thật, sĩ quan đương phiên phải tính toán để định ra hướng đi mới sao cho con tàu dù bị giạt vẫn nằm trên đường đi thật. Thí dụ như chúng ta đang trong mùa gió tây nam, gió và dòng nước tác động vào chếch mạn phải của con tàu, đẩy con tàu giạt ra ngoài đường đi thật về phía trái. Vậy muốn giữ con tàu nằm trên đường đi thật, hướng đi phải chếch bên phải. Việc tính toán để tìm ra hướng đi nhờ vào công thức: khoảng cách bằng vận tốc nhân với thời gian và các dụng cụ đo đạc. Thí dụ ta tìm ra hướng đi mới là 200 độ. Cho lái hướng này, thực tế con tàu chạy trên đường đi thật là 190. Theo miệt vườn của chúng ta, cách thức này gọi là lái trừ hao, phải hôn cô Phượng?”

Tôi cười gật đầu. Võ Bằng hỏi:

- “Cô có bao giờ thấy chiếc la bàn?”
- “Dĩ nhiên. Dân sử-địa mà!”
- “Cô từng có dịp ứng dụng nó?”
- “Chưa.” Tôi thú thật.
- “La bàn cô thường thấy là la bàn từ. Hải Quân chúng tôi… chê loại này bởi nó không chính xác. Như cô biết, do cấu tạo địa chất khác nhau, mỗi địa phương có địa từ trường mạnh yếu khác nhau. Lại thêm độ lệch địa từ variation mỗi năm một khác. Lại còn chịu ảnh hưởng sắt thép máy móc của con tàu, gây thêm độ lệch deviation. Cho nên, để tìm hướng Bắc thật của la bàn từ, sĩ quan hải hành phải tính toán lôi thôi lắm! Chính vì vậy la bàn từ chỉ dùng đến khi la bàn điện bị hư. La bàn điện là khí cụ đã được khử từ, đã được điều chỉnh các độ lệch để lúc nào cũng chỉ đúng hướng Bắc của địa cực.

Võ Bằng nhìn tôi như đo lường mức độ tôi nhận hiểu. Thật tình tôi chỉ hiểu lơ mơ nhưng đủ thấy mới lạ và thú vị rất đáng nghe tiếp. Hơn nữa tôi đã nhập tâm ‘ranh ngôn’: thà nghe Võ Bằng nói hơn là bị nói; tức thà hỏi hơn bị hỏi. Tôi hăng hái khích lệ:

- “Mục đích chuyến đi của tôi là ngắm biển và tìm hiểu đời sống trên biển. Đại úy vừa cho tôi một số kiến thức mới lạ và thú vị. Tôi chưa từng biết khi hải hành dọc ven biển, người ta định vị trí tàu bằng cách dùng la bàn điện đo hướng ba đối vật. Cũng chưa hề nghĩ đến gió và hải lưu làm tàu chạy lệch đường. Vậy trong trường hợp hải hành viễn dương, như chuyến đi xuyên Thái Bình Dương của Đại úy, cả tháng lênh đênh không bến bờ, tìm đâu ra ‘đối vật’ mà định vị trí?”
- “Đối vật thì ở đâu chẳng có! Hải hành cận duyên thì có đối vật trên đất. Hải hành viễn dương thì có đối vật trên trời. Dĩ nhiên dụng cụ để đo hướng đối vật trên trời và cách đo cũng khác. Đối vật trên trời là các thiên thể như mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Đây là phương pháp rất nhiêu khê, gọi chung là phương pháp hải hành bằng thiên văn. Tôi chỉ đưa ra vài ‘khái niệm’ gợi ý, chớ muốn hiểu rõ thì cô phải gặp tôi liền tù tì vài tháng.”
- “Khó dữ vậy sao?” Tôi giả lả.
- “Có lẽ đó là môn học khó nhất của nghề đi biển. Để định vị trí bằng thiên văn, cụ thể là Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh, các định tinh …”
- “Xin lỗi, thế nào gọi là hành tinh, định tinh?” Tôi ngắt lời.
- “Chúng ta đều biết Thái Dương Hệ gồm Mặt Trời và 9 hành tinh quay quanh. Chín hành tinh đó đặt theo thuyết ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, đặt theo trời, biển, địa ngục là Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, Diêm Vương Tinh và đặt theo hứng là Địa Cầu tức Trái Đất. Còn định tinh là những ngôi sao sáng, có vị trí ổn định trên thiên cầu. Định tinh gần ta nhất là Mặt Trời, cách hơn 4 năm ánh sáng. Tốc độ ánh sáng là 300 ngàn cây số mỗi giây. Năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong 1 năm, tức là gần 10 ngàn tỷ cây số. Vậy Mặt Trời cách ta gần 40 ngàn tỷ cây số!”

Tôi thè lưỡi:

- “Đường xa chi mấy!”
- “Cô có đọc tập truyện của Lan Đình hả?”

Tôi gật đầu nhưng kéo Võ Bằng trở lại chủ đề:

- “Cám ơn Đại úy cho tôi hiểu rõ về hành tinh, định tinh. Xin tiếp tục.”
- “Định vị trí bằng thiên văn là một việc làm đòi hỏi sự lanh lẹ, khéo léo và chính xác. Các dụng cụ cần có là Sextant, Chronometer, Timer, The Nautical Almanac…
Dùng kính lục phân Sextant để đo độ cao và phương vị độ thiên thể. Dùng đồng hồ Chronometer, Timer để đo thời gian và dùng Lịch thiên văn The Nautical Almanac để có tọa độ các thiên thể. Từ các số liệu đó tính ra vị trí con tàu.  Đặc biệt Lịch thiên văn còn cho biết giờ Mặt trời, Mặt trăng mọc lặn, sự bắt đầu và kết thúc của bình minh và hoàng hôn. Tôi yêu bình minh và hoàng hôn vì đó là các thời điểm vừa thấy được rõ ràng chân trời vừa còn nhận ra thiên thể muốn đo đạc. Cô muốn nghe tiếp chứ?”

Tôi sốt sắng gật đầu. Võ Bằng cười mỉm:

- Tôi nói đúng phải không? 15 phút trôi thật mau. Cô muốn nghe tiếp, hẹn sau khi tôi xuống phiên. Giờ thì chúng ta xuống phòng ăn.”

Tôi nhìn đồng hồ:

- “Còn sớm mà Đại úy, mới mười một giờ rưỡi.”
- “Bộ cô tính cho tôi nhịn đói nhận phiên hải hành sao chớ? Cho tôi ít thì giờ dằn bụng, cô cũng cần thì giờ chuẩn bị đón tiếp Hạm Trưởng chủ tọa bữa ăn.”
- “Bộ bữa ăn… vắng mặt Đại úy?” Tôi lo ngại hỏi.
- “Cô là người đại diện!”

Nghĩ đến việc ngồi ăn với toàn là thứ dữ, tôi cảm thấy hụt hẫng:

- “Đại úy cho tôi miễn…”

Võ Bằng lại nở nụ cười dễ ghét:

- “Miễn đại diện Hạm Phó thì được nhưng miễn với tư cách thân nhân Hạm Phó thì không!”
- “Cho miễn đi mà!”
- “Như tôi đã nói, bữa ăn trưa và tối, không ai được phép vắng mặt và cũng không ai được rời bàn trước Hạm Trưởng. Nếu cô nhất định không dự, hãy đích thân xin phép Hạm Trưởng với lý do chính đáng.”

Tôi ngẩn ngơ bước theo Võ Bằng. Trên đường đến phòng ăn, tôi chợt khám phá ra một sự thật khó tin: Gần bên Võ Bằng, mọi lo âu của tôi tan biến…

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024