SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Mưa Tháng Chạp

Ngô Nguyên Dũng

Hôm ấy, một tuần trước Tết ta, sau bữa ăn trưa trong một quán cơm chay ở quận bảy, tôi nhờ bạn chở tới chùa Vạn Thọ nằm ven kênh Nhiêu Lộc ở Tân Định, để thắp nhang tro cốt ba má và vợ chồng em gái.

Ngôi thờ phượng này thuở trước là một kiểng chùa nghèo nằm cuối hẻm xóm Chùa. Thuở ấy, lâu lâu tôi lại theo chị vào trong xóm mua món này món nọ của một bà bán chè tại gia. Từ căn nhà mái lá vách ván đơn sơ của bà ngó qua, cách đó không xa, tôi nhác thấy một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên có vài thân cây tán lá rộng. Ngôi chùa trong trí nhớ tôi là một căn nhà giản dị, mái cong, lợp ngói đỏ, vách ván, nằm cạnh ao nước tù đục ngầu trồng rau muống, đầy rác rến.

Giờ đây, sau nhiều thập niên xa nhà, lần thứ ba tôi trở lại Sài Gòn và tới thăm chùa. Lần thứ nhất tôi tới thắp nhang chào ba má cách đây hơn hai mươi năm. Năm ấy tôi đi cùng hai người bạn Đức và ở chơi vỏn vẹn mười ngày. Lần thứ nhì, tôi tới nghe đọc kinh cầu siêu cho người em rể, qua đời chỉ một năm sau ngày em gái tôi mất.

Chùa Vạn Thọ bây giờ khang trang hơn xưa bội phần, có cổng tam quan, bãi đậu xe gắn máy và một nhà trai thoáng đãng. Nơi cất tro cốt người quá vãng nằm ở tầng một. Mỗi hộp gỗ đều gắn một bảng số, họ tên, di ảnh và năm sinh năm mất người quá cố. Ba má và vợ chồng em gái tôi yên nghỉ cách nhau chỉ một khoảng sân hẹp, bên này và bên kia chánh điện.

Mỗi lần tôi tới thắp nhang, vái chào ba má, kéo dài khoảng mười tới mười lăm phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, những hình ảnh ngày xưa trỗi dậy sống động trong ký ức tôi. Đậm nét nhất là những lần má kêu tôi chở má đi "công chuyện". Má mặc áo dài, không trang điểm, đầu quấn khăn lụa. Chân má mang guốc Đa Kao. Những đôi guốc gỗ vẽ bông hoặc tô màu sơn thủy, mà thuở nhỏ tôi hay xỏ chân vô, bước quều quào, lêu khêu, lượn qua lượn lại ỏn ẻn, khúc khích trước tấm kiếng lớn dựng trong phòng ngủ. Tiếng guốc khua lóc cóc vui tai lên nền nhà lót gạch bông… Còn tôi thanh niên đóng bộ quần dài, xỏ xăng-đan, khi thì áo sơ-mi bỏ trong quần, khi thì tròng áo thun Montague dài tay xắn ngang cùi chỏ.   

Má ngồi một bên yên sau, tay phải vòng ra trước, khép quanh bụng tôi, chặt chịa. Má sợ té.

"Công chuyện" của má là những lần tới nhà bà Tám, bà Chín Xẩm, dì Hai cây xăng, bà Hai Trần Hưng Đạo, … để trao đổi, buôn bán nữ trang cẩm thạch hột xoàn, kiếm tiền huê hồng. Mỗi lần chở má đi "áp-phe" lòng vòng là tôi mất gần trọn buổi chiều. Lúc nào cũng vậy, tới nơi, tôi đều nhắn nhe:

"Má vô nói chuyện mau mau nhe má!"

Má gật đầu. "Mau mau" của má kéo dài ít nhất vài tiếng, đôi khi ba, bốn tiếng cũng có. Tôi ngồi trên xe gắn máy Suzuki nữ sơn đen, hai vè nhựa trắng, một chân chống đất, chờ tưởng chừng hóa tượng. Có người bước qua rồi bước lại, vẫn thấy tôi đứng đó, liếc mắt ngó, ái ngại.

Thỉnh thoảng, chờ đợi mòn mỏi, lúc má bước ra, tôi cằn nhằn:  

"Má làm cái gì ở trỏng lâu quá không biết?" 
"Tao nói chuyện làm ăn, kiếm tiền nuôi tụi bây chớ làm gì?", má hầm hè.

Mặt tôi chầm vầm, sanh nạnh:

"Sao má không kêu người khác chở đi, kêu con hoài hà?"
"Chị mầy đi theo tao, con gái con đứa đứng chờ ngoài đường ngoài sá, coi không được. Còn anh mầy, có lúc nào thấy nó ở nhà đâu", má giải thích.

Phải rồi, cũng bởi tôi ít đi chơi. Sáng đi học, chiều quanh quẩn trong nhà, học bài hay tìm chép nhạc ngoại vô tập, ngồi hát nghêu ngao, rồi bật ra-đi-ô nghe nhạc đài Mỹ không chán. Và mở máy hát dĩa, vặn âm thanh ầm ĩ. Tôi nhớ có lần má nói với tôi, sau khi tôi tắt máy:

"Cái bài đó nghe ngộ quá con!"

Tôi ngạc nhiên quá chừng. Lạ quá! Má tôi, một người chỉ thích nghe vọng cổ, chờ tới tối thứ bảy mở truyền hình đài số 9 coi cải lương hay thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, bỗng dưng hôm nay ưng bụng một bài hát ngoại quốc… Cái bài nhạc ngoại má tôi "nghe ngộ" là ca khúc "Here Comes The Sun"  trong dĩa lớn "Abbey Road" của The Beatles.  

Tới tuổi mười ba mười bốn, tự dưng tôi bày đặt làm thơ và viết truyện nhi đồng, gởi đăng nhật báo. Được đăng, tôi hứng chí, "sáng tác" không ngừng. Bạn bè thơ văn thiếu nhi khắp nơi viết thư làm quen nhờ tòa soạn chuyển chất đầy một tủ nhỏ.

Lần nọ, chở má đi "công chuyện", dọc đường dưng không má áp mặt vô lưng tôi, thủ thỉ:

"Trong mấy đứa, má thương con nhứt."

Câu nói này của má đã hằn sâu trong tâm khảm tôi. Mỗi lần nhớ lại là mỗi lần tôi ứa nước mắt. Má còn dặn dò, đừng nói cho đứa nào biết nha con. Vậy mà, sau khi má tôi qua đời, tôi đã cãi lời má, kể lại cho anh tôi nghe. Giọng tôi vấp váp… Nước mắt ứa đầy khóe…

Năm tháng hoa niên cứ vậy trôi qua… trôi qua… Xong kỳ thi tú tài phần nhất, rồi phần hai, tôi rời nhà, lìa quê hương Sài Gòn, du học…

Những phong thư màu xanh hàng không và những tờ giấy lụa mỏng tang cũng màu xanh của ba viết gởi tôi từ những ngày đầu tiên tôi xa nhà cho tới khi ông mù cả hai mắt vì chứng cườm nước, chỉ có thể đọc cho em gái tôi hoặc mấy đứa cháu viết, tôi vẫn còn cất giữ trong nhiều thùng cạc-tông. Thỉnh thoảng, vì một chuyện gì đó hay có lẽ vì nhớ tôi quá, má mới nguệch ngoạc viết gởi tôi nửa trang giấy. Má tôi được ông bà ngoại nuôi, vì hiếm muộn, xin ông bà ngoại ruột đem má lên Sài Gòn dưỡng dục. Bà được đi học vừa đủ biết đọc biết viết, cho nên chữ nghĩa không nhiều, thư má viết vì vậy có rất nhiều lỗi chính tả. Chuyện này xọ chuyện kia, tôi đọc mà tưởng như đang ngồi nghe má kể lể.

"… Cứ mỗi lần má đi ngang tủ kiếng thờ Phật, chỗ con cất mấy cái dĩa hát, má lại nhớ con. Con nhớ siêng năng học hành, có bằng cấp rồi về…" Hoặc: "…Con ơi, mấy tháng nay má không trúng áp-phe nào hết, lại còn bị người ta giựt tiền. Con nhớ bà Tám không? Bà Tám ở Đa Kao đó, bả làm ăn thua lỗ sao đó không biết, nhảy lầu tự tử, nhưng không chết. Bả có mượn má tiền, rồi không trả. Dì Nga với bà Năm xẩm cũng vậy. Cho nên tháng nầy má không gởi tiền cho con được. Con chờ tháng sau, má gởi…"

* * *

Bữa đó, không dưng tôi nhớ tới thời hoa niên và những con bưu hoa ngày xưa, tôi xuống nhà kho dưới hầm, lục tìm trong mấy thùng cạc-tông đựng những xấp thư cũ. Trong vũng sáng ngọn đèn trần vàng úa và mùi thời gian ẩm mốc lắt lay những năm tháng tha hương, tôi ngồi tẩn mẩn cắt những con tem dán trên xấp thư cũ. Từng lá một. Và nhớ lại. Những khuôn mặt của người thân, bạn bè lần lượt hiện về trong trí nhớ. Của ba má. Của đôi ba người bạn thời hoa niên và những cuộc tình không bền… Và không kềm được, nước mắt tôi hoen đầy hai khóe, rồi nhỏ xuống những phong thư dường như còn ấm hơi người. Tôi nhớ…

Lúc tôi và bạn rời chùa Vạn Thọ, trời đổ mưa. Chúng tôi đụt mưa dưới một gầm cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc.

"Anh thích những cơn mưa ấm như vầy", tôi cất tiếng.
"Hơi lạ đó anh, vì chỉ còn vài tuần là Tết."
"Mưa tháng chạp", tôi thì thầm.
"Về nhà em, anh giúp em nấu thêm mấy món cho ba ngày Tết nha anh!", bạn tôi nhỏ giọng.
"Lẽ đương nhiên rồi. Anh sẽ làm giò thủ và món gỏi tôm thịt ăn kèm bánh phồng tôm."
"Ô, ngon quá! Phần em, em sẽ kho nồi thịt ba rọi với trứng vịt, cuốn chả ram và nấu cơm gà Phan Rang."

Và tôi tiếp lời, giọng đều đều, là lạ, như thể của ai khác:

"Lúc trước ở nhà anh, tới Tết, má anh đều kêu bà dì lo chuyện nếp núc chuẩn bị mấy món như thịt ba rọi kho chung với cá lóc, vịt gà tiềm với hột sen, kim châm, nấm mèo, nấm đông cô, bạch quả. Mà ngộ lắm, món vịt gà tiềm này ở nhà anh không ăn với mì mà cuốn với bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt. Cũng rất ngon. Trước đó vài ngày, má anh đã mua về một chục mười hai trái dưa hấu, chất đầy một góc nhà sau. Lẽ dĩ nhiên, không thể nào thiếu bánh tét, nhân mặn và nhân ngọt, gởi lên từ quê ngoại. Và hột dưa cũng như nhiều loại mứt. Mứt bí, mứt dừa, mứt mẵng cầu, mứt hột sen, mứt gừng, mứt me được đựng trong một tráp sơn mài, được đem ra bày mỗi năm chỉ một lần vào dịp Tết, để mời khách. Ba anh là người theo tây học, cho nên nhà anh không có lệ cúng giao thừa. Nhưng trưa và tối mồng một, ngày má anh ăn chay, đều có một mâm cơm chay cúng ông bà. Anh nhớ, ba anh có thông lệ, trưa ba mươi tháng chạp hằng năm, ông đều dẫn tụi anh đi chợ hoa mua vài chậu vạn thọ hay mồng gà về chưng Tết. Trên đường về nhà, ông ghé lại tiệm tạp hóa ở đường Bà Lê Chân có bà chủ đẫy đà, trắng trẻo, dễ nhìn, để mua một chai si-rô bạc hà của Pháp. Năm nào cũng như năm nấy, cho tới khi tụi anh trưởng thành, không còn ai thích đi chung với ông nữa… Những thói quen trước Tết của gia đình anh được lặp đi lặp lại ấy, như những bài học vỡ lòng đã nằm sâu đáy tiềm thức, như một hạt giống ẩn náu dưới mặt đất tâm tư anh, cứ mỗi dịp Tết lại nhú mầm hoài niệm…"
Tôi dông dài một hơi. Khi dứt lời, mới hay mưa đã nhỏ hạt. Quay nhìn bạn, khuôn mặt bạn tôi nhòa nhạt như ẩn sau một lớp kính ám hơi nước.  
"Tạnh mưa rồi anh, mình đi", bạn tôi nhỏ giọng.

Lúc ấy, tôi mới nhận ra hai dòng nước mắt đã lăn dài trên má mình, khi nào chẳng hay.

(10.2023)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024