SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 44 (tiếp theo)

Tariq xin phép hút thuốc.

Gạt tàn thuốc vô cái dĩa tách, Tariq kể anh và gia đình đã sống một thời gian trong trại tị nạn Nasir Bagh, gần Peshawar. Lúc Tariq cùng cha mẹ tới thì đã có 60.000 người A Phú Hãn sống ở đó.

“Ở đó không quá tệ như những trại khác, như trại Jalozai,” Tariq nói.

“Có thể nói có một thời, hồi Chiến Tranh Lạnh, đó còn là một loại trại mẫu, một chổ Tây phương có thể chỉ vào để chứng minh với thế giới là họ không chỉ rót vũ khí vô nước A Phú Hãn.”

Nhưng đó là trong thời kỳ chiến tranh với Sô Viết, Tariq bảo, thời gian Thánh chiến quân Hồi giáo và cả thế giới chú ý đến nước đó và Margaret Thatcher đến thăm và viện trợ thật dồi dào.

“Phần còn lại em đã biết. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, Sô Viết tan rã, và Tây phương bỏ đi. A Phú Hãn không còn là mối đe dọa cho họ, nên tiền cạn dần. Bấy giờ trại Nasir Bagh chỉ còn lại những lều, bụi bặm và cống bể. Lúc gia đình anh tới đó, họ đưa cho một khúc cây và một tấm vải bố, biểu tự dựng lều mà ở.”

Tariq nói điều anh nhớ nhất về trại Nasir Bagh, nơi gia đình anh đã ở một năm, là màu nâu. “Lều nâu. Người nâu. Chó nâu. Cháo nâu.”

Có một cái cây trụi lá hàng ngày anh thường trèo lên ngồi vắt vẻo nhìn những người tỵ nạn nằm la liệt ngoài nắng. Anh theo dõi những thằng bé gầy gò đi xách nước, gom phân chó về chụm lửa, dùng dao cùn đẽo súng AK-47 làm đồ chơi, kéo lê những bao bột mì không thể nào làm thành  bánh mì được. Khắp chung quanh trại tị nạn, gió thổi phần phật những căn lều. Gió ném tung cỏ dại bay tứ tung, nhấc bổng nóc những căn nhà bằng đất bùn như nhấc những con diều.

“Con nít chết nhiều lắm. Kiết lỵ, lao, đói - bệnh nào cũng có. Nhiều nhất do bệnh kiết lỵ quái ác. Trời ơi, anh chứng kiến quá nhiều cảnh chôn con nít. Không có gì tội bằng.”

Tariq tréo hai chân lại. Hai người ngồi yên lặng một lúc lâu.

“Ba anh không qua nổi mùa đông đầu tiên đó,” anh nói. “Ông qua đời trong giấc ngủ. Anh không nghĩ ông bị đau đớn.”

Cũng mùa đông đó, Tariq kể, mẹ anh bị viêm phổi và tưởng đã chết nếu không nhờ một bác sĩ của trại làm việc trên chiếc xe hơi lớn được cải biến thành phòng mạch di động. Bà thức suốt đêm, bị nóng sốt, ho ra đờm đặc màu sét rỉ. Người ta xếp hàng dài thòng để vô gặp bác sĩ, Tariq nói. Đứng xếp hàng, ai cũng lạnh run, rên rỉ ho, có người bị tiêu chảy dài xuống chân, nhiều người mệt quá, hay đói quá hay bịnh quá nói không ra lời.

“Nhưng ông bác sĩ là người đàng hoàng. Ông chữa cho má anh, cho bà uống thuốc, cứu bà sống qua mùa đông đó.”
Cũng mùa đông đó, Tariq đã uy hiếp một thằng bé.

“Nó chừng 12, 13 tuổi,” Tariq kể bằng một giọng đều đều. “Anh kê một mảnh kiếng vô cổ họng nó để lấy cái mền của nó đem về cho má anh.”

Tariq kể, sau khi má anh khỏi bịnh, anh đã thề với lòng là hai má con sẽ không ở trại này thêm một mùa đông nữa. Anh đã đi làm, dành dụm tiền và họ dọn ra một chung cư ở thành phố Peshawar có lò sưởi và nước máy. Mùa xuân đến, anh tìm việc làm. Thỉnh thoảng có một chiếc cam-nhông sáng sớm tới trại, chọn vài chục tên trai tráng, chở đến một công trường để chuyển đá hay đến một vườn cây để hái táo, đổi lại họ trả một ít tiền, hay đôi khi chiếc mền, đôi giầy. Nhưng họ không bao giờ chọn anh, Tariq nói.

“Chỉ nhìn thấy cái chân của anh, là xong.”

Cũng có những công việc khác. Đào mương, cất nhà, xách nước, xúc phân cầu tiêu. Nhưng bọn thanh niên tranh nhau những việc đó, và Tariq không mảy may hy vọng.

Rồi một hôm, vào mùa thu 1993 năm đó, anh gặp một người chủ tiệm.

“Y trả tiền cho anh để đem một chiếc áo khoác bằng da đến Lahore. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ, đủ một hay có thể hai tháng tiền mướn nhà.”

Tariq kể, người chủ tiệm đưa cho anh một vé xe buýt và địa chỉ là một góc đường gần ga xe lửa Lahore, nơi anh sẽ đến giao hàng cho một người bạn của y.

“Anh biết ngay. Tất nhiên anh biết,” Tariq nói. “Y nói nếu anh bị bắt thì anh phải chịu một mình, rằng anh phải nhớ là y biết má anh nhà ở đâu. Nhưng tiền nhiều quá, không từ chối được. Và mùa đông lại sắp đến.”

“Anh đi được bao xa?” Laila hỏi.

“Không xa,” Tariq trả lời và cười, như có vẻ xin lỗi, xấu hổ. “Chưa lên xe buýt nữa. Vậy mà anh tưởng anh an toàn. Cứ thể như có một người kế toán nào đó, cây viết chì vắt mép tai, kiểm điểm tất cả mọi việc, từ trên cao nhìn xuống nói, “Được, được, tên này được, mình cho qua. Còn tên này, nó đóng lệ phí rồi.’”

Cần sa dấu trong gấu áo đổ tuôn xuống đường lúc cảnh sát dùng dao rạch áo.

Khi nói điều này, Tariq lại cười, giọng cười run run, khiến Laila nhớ lại hồi hai đứa còn nhỏ, Tariq vẫn hay cười như thế để che dấu sự bối rối, để làm nhẹ đi những chuyện liều mạng hay tai tiếng anh đã làm.

“Ông đó đi cà thọt, Zalmai nói.

“Có phải là người tôi nghĩ không?”

“Anh ta chỉ ghé thăm,” Mariam nói.   

“Mày câm miệng,” Rasheed búng tay chỉ vô mặt Mariam. Y quay lại Laila. “A, thì ra Mỵ Châu tái hợp Trọng Thủy. Tình cũ.” Mặt y đanh lại. “Rồi cô cho nó vô nhà. Vô đây. Vô nhà của tôi. Cô cho nó vô. Nó ở ngay trong nhà của tôi với con trai của tôi.”

“Ông lừa tôi. Ông nói dối tôi,” Laila nghiến răng nói. “Ông cho người đàn ông đó ngồi trước mặt tôi và … Ông biết tôi sẽ bỏ đi nếu tôi nghĩ anh ấy còn sống.”

“Còn cô không nói dối tôi hả?” Rasheed gầm lên. “Cô tưởng tôi không biết hả? Đứa con hoang của cô? Mày tưởng tao là thằng ngốc hả, con đĩ?”

Tariq càng nói, Laila càng lo sợ sẽ đến lúc anh dừng lại. Sợ sự yên lặng sau đó, dấu hiệu đến phiên Laila phải kể, phải cho biết tại sao, như thế nào, lúc nào, phải xác nhận những điều mà Tariq chắc chắn đã biết rồi. Hễ anh ngừng nói là Laila cảm thấy hơi buồn nôn. Cô tránh nhìn thẳng vào mắt anh. Cô nhìn xuống hai bàn tay của anh, những sợi lông thô cứng đã mọc trên lưng bàn tay của anh trong những năm xa cách đó.

Tariq không kể nhiều về những năm tháng trong tù, ngoài việc anh đã học tiếng Urdu (ngôn ngữ chính của Pakistan - dịch giả) trong đó. Lúc Laila hỏi, anh lắc đầu có vẻ sốt ruột. Qua cử chỉ này của Tariq, Laila nhìn thấy những chấn song rỉ sét, những thân thể dơ không tắm, những người đàn ông hung  bạo, những hội trường đông nghẹt, và những trần nhà mốc mục. Qua nét mặt của Tariq, Laila đọc được nơi đó hẳn là một chỗ hạ cấp, suy đồi và tuyệt vọng.

Tariq kể má anh đã cố gắng đi thăm anh sau khi anh bị bắt.

“Má đến ba lần. Nhưng không lần nào anh được gặp,” anh nói.

Tariq viết cho má anh một lá thư, rồi sau đó nhiều lá thơ nữa, cho dù anh ngờ bà không nhận được.

“Và anh viết cho em.”

“Thật hả?”
“Ô, nhiều lắm,” Tariq nói. “Rumi (nhà thơ nổi tiếng - dịch giã) của em hẳn phải ganh tỵ với lượng sản xuất của anh.” Rồi anh cười, lần này cười thật to, như thể anh cũng giật mình vì sự táo tợn của chính mình và bối rối vì điều anh đã thố lộ.

Trên lầu thằng bé Zalmai bắt đầu la to.  

“Tình cũ chứ gì,” Rasheed nói. “Hai đứa tụi bay. Tao chắc mày cho nó coi mặt mày nữa.”

“Có,” thằng Zalmai nói. Rồi quay ra nó nói với Laila, “Có, mẹ có. Con thấy.”

“Con trai em không thích anh lắm,” Tariq bảo lúc Laila trở xuống nhà.

“Xin lỗi anh,” Laila nói. “Không phải đâu. Nó chỉ … Đừng để ý đến nó.” Và thật nhanh cô đổi đề tài vì cảm thấy mình sai lầm và tội lỗi khi nghĩ như thế về Zalmai. Nó chỉ là một đứa trẻ, một thằng bé biết thương cha và ác cảm tự nhiên của nó đối với người lạ này là điều dễ hiểu và chính đáng thôi.

Và anh viết thư cho em.
Nhiều lắm.
Nhiều lắm.

“Anh ở Murree bao lâu?”

“Chưa tới một năm,” Tariq bảo. 

Tariq kể, trong tù anh kết bạn với một người đàn ông lớn tuổi, tên Salim, người Pakistan, cựu cầu thủ khúc côn cầu đã vào tù ra khám nhiều lần, hiện đang ở tù vì tội đâm một tên cảnh sát chìm. Mỗi nhà tù đều có một người như Salim,Tariq nói. Lúc nào cũng có một người xảo quyệt và quen biết nhiều, biết lợi dụng guồng máy để làm lợi, một người chung quanh họ đầy cơ hội mà cũng đầy nguy hiểm. Chính Salim đã nhắn tin ra ngoài tìm kiếm má của Tariq, Salim là người đã bảo Tariq ngồi xuống và nói cho anh biết bằng giọng nhẹ nhàng của một người cha, rằng má anh đã chết vì đói lạnh.

Tariq đã trải qua 7 năm tù ở Pakistan. “Anh được thả khá dễ dàng,” Tariq nói. “Anh may mắn. Vị quan tòa xử anh, sau mới biết, có người anh lấy vợ người A Phú Hãn. Có lẽ ông khoan hồng cho anh. Anh cũng không biết.”

Đầu mùa đông năm 2000, khi Tariq mãn hạn tù, Salim cho Tariq địa chỉ và số điện thoại của người anh tên Sayeed.

“Ông ta nói Sayeed làm chủ một khách sạn nhỏ tại Murree,” Tariq kể. “Hai mươi phòng và một phòng khách nhỏ nơi bán thức ăn cho du khách. Salim dặn Tariq nói Salim gửi anh tới.

Vừa bước xuống xe buýt, Tariq đã thấy thích tỉnh lỵ Murree: những cây thông phủ tuyết; không khí lạnh và trong sạch; những căn nhà gỗ miệt quê cửa sổ có cánh; khói lượn bay từ ống khói.

Lúc gõ cửa khách sạn của ông Sayeed, Tariq đã nghĩ, đây là một nơi không những khác xa ngàn dặm với những khốn khổ anh đã trải qua, mà còn khiến cho cả ý tưởng về sự nhọc nhằn và buồn khổ trở nên lố bịch và không tưởng.

“Anh tự nhủ, đây là một nơi người ta có thể sống được.”

Tariq được thuê để gác cửa cho khách sạn và sửa chữa lặt vặt. Anh làm tốt, anh nói, trong thời gian một tháng thử việc và được Sayeed trả nữa lương. Lắng nghe Tariq nói, Laila hình dung ông Sayeed mắt hí, mặt hồng hào đứng bên cửa sổ nơi quầy tiếp tân theo dõi Tariq chẻ củi và xúc tuyết cho sạch con đường vô khách sạn. Laila thấy ông ta khom người quan sát đôi chân của Tariq trong lúc Tariq đang nằm dưới cái bồn, sửa chữa một đường ống bị rò rỉ. Laila hình dung cảnh ông ta kiểm soát sổ ghi tên khách để xem có thất thoát tiền không.

Tariq kể, căn chòi anh ở nằm kế bên căn nhà trệt của người đầu bếp, một bà góa mập và già tên Adiba. Cả hai căn đều cách rời tòa nhà chính của khách sạn bởi những cây hạnh nhân mọc rải rác, một ghế công viên và một phông-tên bằng đá hình kim tự tháp, mùa hè suốt ngày róc rách tiếng nước. Laila hình dung Tariq ngồi trong căn chòi, trên giường, quan sát thế giới rậm lá bên ngoài khung cửa sổ.

Hết thời gian thử việc, ông Sayeed tăng lương cho Tariq và trả đủ, nói anh được ăn trưa miễn phí, đưa tặng anh chiếc áo choàng bàng len, và làm cho anh cái chân mới. Tariq nói anh đã khóc trước lòng tốt của ông Sayeed.

Với nguyên tháng lương đầu tiên trong túi, Tariq đã ra phố và mua Alyona.

“Lông của nó trắng tinh,” Tariq cười nói. Có những buổi sáng, khi tuyết rơi suốt đêm, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy hai con mắt của nó với cái mõm.”

Laila gật đầu. Một khoảng im lặng tiếp theo. Trên lầu, thằng Zalmai lại bắt đầu thảy quả bóng vô tường.

“Em tưởng anh đã chết,” Laila nói.

“Anh biết. Em có nói.”

Giọng Laila nghẹn ngào. Cô hắng giọng, và cố bình tĩnh lại. “Người đàn ông đem tin đến, ông ta rất nghiêm trang … Em đã tin ông ta. Phải chi em đừng tin, nhưng em đã tin. Và lúc đó em cảm thấy cô đơn và sợ hãi quá. Nếu không, em đâu chấp thuận lấy Rasheed. Em sẽ không chấp thuận…”

“Em không cần phải nói,” Tariq nhẹ nhàng nói và tránh ánh mắt của Laila. Không hề có ẩn ý trách móc hay phản đối trong cách anh nói những lời này. Cũng không hề có ý quở trách.

“Nhưng em phải nói. Bởi vì có một lý do quan trọng hơn khiến em lấy ông ta. Có một điều anh không biết, Tariq ạ. Có một người. Em phải nói cho anh biết.”

“Còn cậu cũng ngồi nói chuyện với nó hả?” Rasheed hỏi Zalmai.

Zalmai ngồi im. Trong đôi mắt nó, bây giờ Laila thấy có sự ngập ngừng và lưỡng lự, hình như nó vừa nhận ra những điều nó tiết lộ hóa ra lớn hơn nó nghĩ nhiều.

“Tôi hỏi cậu đó, cậu bé.”

Zalmai nuốt nước bọt. Mắt nó láo liên. “Con ở trên lầu chơi với Mariam.”

“Còn mẹ cậu?”

Zalmai đưa mắt nhìn Laila xin lỗi, nó sắp khóc.

“Không sao đâu,” Laila bảo, “Con cứ nói thật.”

“Mẹ … mẹ ở dưới nhà, nói chuyện với ông đó,” nó nói thật nhỏ, gần như thì thầm.  

“Thì ra,” Rasheed nói. “Thông đồng với nhau.”

Lúc sắp ra về, Tariq nói, “Anh muốn gặp con bé. Anh muốn thấy con bé.”

“Em sẽ thu xếp,” Laila nói.

“Aziza. Aziza” Tariq mỉm cười sung sướng. Cứ mỗi lần Rasheed thốt ra tên con bé, Laila nghe âm thanh sao như bất thiện, gần như thô tục. “Aziza. Dễ thương quá.”

“Đúng vậy. Rồi anh sẽ thấy.”

“Anh sẽ đếm từng phút.”

Đã gần mười năm kể từ khi hai đứa gặp nhau lần cuối. Trong trí Laila thoáng qua tất cả những lần hai đứa hò hẹn nhau trong con hẻm và lén lút hôn nhau. Laila tự hỏi không biết anh thấy cô như thế nào bây giờ. Có còn thấy cô đẹp không? Hay thấy cô khô héo, còm cõi, đáng thương, như một bà già đầy sợ hãi và lộn xộn. Gần mười năm. Tuy nhiên, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đứng đây với Tariq trong ánh nắng chan hòa, dường như những năm tháng đó không hề có. Cái chết của cha mẹ cô, việc cô lấy Rasheed, những vụ chết chóc, hỏa tiễn, Taliban, những trận đánh đập, những cơn đói, ngay cả hai đứa con của cô, tất cả giống như một giấc mơ, một đường đi vòng kỳ lạ, một tạm nghĩ giữa hai màn kịch giữa buổi trưa cuối cùng đó và giây phút này.

Rồi nét mặt Tariq thay đổi, trở nên nghiêm trọng. Laila biết nét mặt này. Cũng nét mặt này cái hôm, đã lâu lắm hồi hai đứa còn con nít, Tariq tháo chân ra và phóng tới thằng Khalim. Tariq đưa tay sờ góc môi dưới của Laila.

“Y làm,” Tariq lạnh lùng nói.

Cái chạm tay của Tariq khiến Laila nhớ lại buổi trưa điên cuồng hai đứa đã tạo ra Aziza. Hơi thở của anh trong cổ Laila, các bắp thịt hông của anh co nhún, ngực anh đè lên ngực cô, tay đan tay.

“Phải chi anh đem em đi với anh,” Tariq gần như thì thầm. Laila phải nhìn xuống, cố gắng không khóc.

“Anh biết em bây giờ đã có chồng, có con. Thế mà anh lại đến, sau bao nhiêu năm, sau tất cả  những biến cố đã xẩy ra, đứng trước cửa nhà em. Có lẽ đó là một điều không nên làm, không tiện cho em nhưng anh đã đi từ rất xa để được gặp em, và … Laila ơi, phải chi anh đừng bỏ em.”

“Đừng anh,” Laila cất giọng khàn.

“Đáng lẽ anh phải cố gắng hơn nữa. Đáng lẽ anh phải cưới em lúc đó. Thì mọi chuyện đã khác rồi.”

“Đừng nói như thế. Em xin anh. Làm em khổ lắm.”

Tariq gật đầu, dợm bước về phía Laila, nhưng rồi dừng lại.

“Anh không muốn chủ quan điều gì. Anh cũng không có ý muốn làm đảo lộn cuộc sống của em khi anh bất ngờ xuất hiện như vầy. Nếu em muốn anh đi, nếu em muốn anh trở về Pakistan, em cứ nói, Laila. Anh nói thật. Chỉ cần em nói, anh sẽ đi. Anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa. Anh sẽ - ”

“Không!” Laila nói mạnh và dứt khoát. Cô nhận ra mình đã đưa tay ôm chặt cánh tay của Tariq. Cô buông tay ra.

“Không. Anh đừng đi, Tariq. Đừng. Xin anh ở lại.”

Tariq gật đầu.

“Ông ta đi làm từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối. Trưa mai anh trở lại. Em sẽ đưa anh đi gặp Aziza.”

“Anh không sợ ông ta đâu.”

“Em biết. Trưa mai anh trở lại đi.”

“Rồi sau đó?”

“Rồi sau đó … em cũng không biết. Em phải suy nghĩ …”

“Anh biết,” Tariq nói. “Anh hiểu. Anh xin lỗi. Anh chịu lỗi với em về nhiều việc lắm.”

“Anh không có lỗi. Anh hứa anh sẽ trở về. Và anh đã trở về.”

Tariq rơm rớm nước mắt. “Anh mừng gặp đưọc em, Laila.”

Laila đứng yên run rẩy nhìn theo Tariq bước đi. Laila nhớ lời Tariq nói Nhiều lắm, khiến cô lại rùng mình vì một luồng điện buồn và tuyệt vọng nhưng đồng thời cũng háo hức và hy vọng liều lĩnh chợt thoáng qua.             

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024