SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Nhớ ngày Hoạ sư Lê Phổ đến thăm

Thi Vũ

Tết ấy năm 1988, Hoạ sư Lê Phổ vào tuổi 80.

Một buổi sáng chuông điện thoại reo. Anh Lê Phổ ở bên kia đường dây : “Anh Thi Vũ khoẻ không? Tôi muốn lên toà soạn mua một ít thiệp xuân, lúc nào anh rỗi?”. - Trời ơi, anh đi chi cho xa, để tụi này mang thiệp xuống cho anh dùng. Lúc nào tiện cho anh?  - “Không. Tôi lên thăm toà soạn luôn”.

Những năm ấy tạp chí Quê Mẹ gặp khó. Sáu năm trước đó, nhà in chúng tôi bị tịch biên gia sản vì thiếu nợ thuế của nhà nước Pháp. Thiếu nợ vì đổ xô hoạt động cho con Tàu Đảo Ánh sáng ra Biển Đông vớt người Vượt Biển cuối năm 78 sang năm 79.

Để góp tiền hoạt động chúng tôi in Thiệp Xuân bán trong dịp Tết. Thông qua thiệp giới thiệu hội hoạ Việt Nam. Nhiều tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Mạnh Quỳnh, Bùi Xuân Phái... Anh Lê Phổ cám cảnh ngộ chúng tôi viết giấy cho phép in tất cả những bức tranh nào của anh mà chúng tôi thích.
Cái phép quí giá như thế, mà nay tác giả lại xin đến mua thiệp xuân tranh mình để chúc Tết bạn bè? Tấm lòng rộng lượng và hào sảng của người nghệ sĩ châu báu biết bao.

Trưa hôm ấy, chiếc taxi đổ trước cổng toà soạn. Anh Lê Phổ bước xuống cùng với chị Paulette, người Pháp vợ anh. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Lâu nay chị ít bước ra khỏi nhà, anh cũng thế. Họ sống xa lánh trong một căn hộ ở Paris quận 15. Anh bảo lớn tuổi rồi ngại lái xe, nên đi taxi cho tiện. Để ý thấy anh mang theo gói giấy xi măng khổ lớn, ở đây ta gọi giấy kraft.

Mời anh lên gác uống trà. Anh trịnh trọng nói mục tiêu thăm viếng: Tôi mang lên tặng anh Thi Vũ tấm tranh làm quà Tết, nhân cám ơn bài anh viết về tôi. Mấy chục năm qua, bao nhiêu nhà phê bình nghệ thuật Âu Mỹ viết về tranh tôi, nhưng không ai hiểu tôi bằng anh. Không bài nào tôi ưa như bài này.

Tôi ngỡ ngàng xúc động, giấu nhanh giọt lệ đang lăn.

Bức tranh khổ 75x100 cm, vẽ phụ nữ và đứa con bên bàn hoa ngoài vườn. Nắng oà vỡ bao quanh thành từng đốm chao lộng, hoá thân ra màu, luân lưu qua vùng lân hư như những lằn ranh luân hồi êm ả. Giai nhân ngồi đó. Không tên. Danh xưng tan toả theo từng làn hương của trí nhớ. Toa rập với phập phồng. Môi vô ngôn và mắt khép địa đàng. Mày ngấn dấu trăng xưa trên vừng trán nhẵn luống thời gian. Mọi vật thể biến thành trăm phiến tâm lung linh. Ít ai vẽ được ngọn nắng tâm hồn nhảy bay trên mắt như thế. Chiếc độc bình màu huyền dạ cắm những đoá bình minh. Màu đen tinh anh của Đêm đầu tiên đẻ ra Ngày đầu tiên mà ta đã quên. Nay người hoạ sĩ trả lại. Như vũ trụ chi viện từ bao thiên kỷ cho mặt trời nhú mọc.

http://www.gio-o.com/ThiVu/ThiVuLePho1.jpg
Bức tranh sơn dầu Lê Phổ tặng Thi Vũ

Thuở ấy anh Lê Phổ không vẽ nhiều như xưa, mỗi năm chừng bốn chục bức. Bức nào vẽ xong các Gallery bên Hoa Kỳ đến chở đi ngay. Mỗi bức giá từ 20 đến 50 nghìn Mỹ kim. Vẽ bao nhiêu bức họ cũng lấy, họ thúc hối thường xuyên, nhưng anh bảo già rồi không ngồi lâu trước giá vẽ được.

Tôi quen anh Lê Phổ vì một sự tình cờ.

Những năm 50 thấy tranh anh trên bìa một tạp chí Công giáo hình Đức Mẹ in vào dịp Noël. Dưới góc tranh đề tên Lê Phổ bằng chữ Hán. Tên anh đi vào trí tò mò của tôi từ đấy. Tôi yêu thơ và hoạ, nên la đà theo hai lĩnh vực này. Bẵng đến đầu thập niên 80 nhân một buổi chuyện trò với anh Đoàn Đức Nhân, người cựu bí thư của Cụ Nguyễn Hải Thần thời cụ về Hà Nội chấp chính. Anh chạy giặc sang Đài Loan rồi về Việt Nam năm Mao Trạch Đông chiếm Trung quốc. Tôi nói với anh Nhân giấc mộng muốn in một cuốn Truyện Kiều thật đẹp, thật trang trọng, kèm theo tranh vài danh hoạ Việt Nam. Gặp Hoạ sĩ nào tôi cũng ngỏ ý, nhưng ai nấy đều thờ ơ với giấc mộng tầm thường lại vô ích. Dù tôi bảo, mỗi gia đình cần có một cuốn Kiều như thế, không lật ra xem, không đọc cũng chả sao. Nhưng trên giá sách phải có một cuốn Kiều thật trang trọng. Hồn thơ thiêng sẽ toả vào đời họ mỗi ngày. Lâu hoá nhập tâm, thành Nguồn Thơ đứng dậy. Mỗi gia đình đã không có một bàn thờ tổ tiên đó sao? Bàn thờ ấy có vô tích sự không?

Chuyện vãn với anh Nhân tôi vụt miệng bảo không biết Hoạ sĩ Lê Phổ còn sống không. Vẽ được Đức Mẹ tất sẽ vẽ Kiều thành công. Những họa sĩ khác chỉ biết Kiều bằng chữ, chưa thấy Kiều qua hình tướng vô hình.

Lê Phổ học khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà nội với 12 sinh viên đầu và tốt nghiệp năm 1930. Trường này do hoạ sĩ Victor Tardieu, bạn của Matisse và Rouault, sáng lập. Sau đó Lê Phổ qua Pháp rồi mất tích trong dư âm tôi.

Anh Nhân bảo Lê Phổ còn sống, ở Paris này này. Tôi vừa ăn cơm nhà anh bữa nọ, anh Thi Vũ muốn tôi dẫn đến thăm? Thế là chúng tôi gặp nhau trong bữa cơm tối tại tư thất anh Lê Phổ. Hôm ấy anh làm món thịt kho mà theo anh nói kho liu riu mười lăm giờ đồng hồ. Quả là ngon. Thịt vào đầu lưỡi tan nhanh chất béo rượi quyện theo vị ngọt dịu và thơm. Bí quyết nấu ăn là định lượng pha trộn giữa hai chất mặn và ngọt. Không ngọt đường mà chất ngọt lẵn trong vật liệu thực phẩm. Anh khui chai rượu vang Chateau Lynch Bages, loại Pauillac Medoc, năm 1954, nói với chúng tôi : Năm thay đổi cuộc đời chúng ta.

Đêm thân tình hiếm quý. Anh Lê Phỏ kể lại quãng đời ly hương, thoạt đầu khổ như thế nào, vô danh như thế nào, khó chen chân với các danh hoạ ở Pháp như thế nào... Năm 1946 anh gặp ông Hồ Chí Minh. Anh mời ông Phạm Văn Đồng đến gặp nhóm bạn hữu của anh và dùng cơm nơi xưởng vẽ của anh. Anh háo hức biết bao với nền độc lập dân tộc. Nhưng cùng với một số trí thức, văn nghệ sĩ ở Pháp thời ấy, anh thất vọng với nhóm Cộng sản đệ tam khi hay tin họ thanh toán anh em yêu nòi giống bên nhà.

Tôi ngỏ ý xin trở lại xem tranh và làm cuộc phỏng vấn cho tạp chí số Xuân. Từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên chí tình.

Nhớ như trong bài phỏng vấn ấy anh ước vọng tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam 20 tấm tranh. Bài viết in ra gây hai điều lý thú. Một là rất đông người Việt tưởng anh đã quy tiên từ lâu, ai ngờ anh còn sống và lừng danh quốc tế. Điều sau, là Hà Nội cử một Việt Kiều ở Pháp tới tiếp xúc, rồi gửi một hoạ sĩ từ Việt Nam sang thăm anh để xin anh 20 tấm tranh cho Bảo tàng quốc gia ở Hà Nội. Anh gọi dây nói cho tôi hỏi ý kiến. Tôi đáp : “Anh phải dành 20 tấm tranh cho quê hương Việt Nam, anh nhớ dặn chị và các cháu thi hành việc đó. Nhưng anh ơi, mấy ông Cộng sản chưa biết yêu người thì làm sao họ yêu tranh “tiểu tư sản” của anh”.

Nói là nói thế thôi, lâu sau gặp lại tôi hỏi anh đã gửi tranh về Hà Nội chưa? Anh bảo: Tôi dặn Paulette nếu tôi có chết trước, thì chờ Việt Nam thanh bình, tự do mới gửi tranh về.

Anh Lê Phổ mất tại Paris ngày 12.12.2002, năm 94 tuổi, yên ả giữa vòng tay vợ con thân yêu và chôn tại nghĩa trang Montparnasse.

Thế là đã sáu năm tôi xa anh, một người anh hiền từ và tài hoa thiên phú. Anh Lê Phổ và anh Quách Tấn là hai người Việt Nam độc nhất trong đời này chưa phát một lời phê phán, nói xấu bất cứ ai khi chuyện vãn hay thư từ với tôi. Dù tôi biết hai anh gặp rất nhiều chuyện bạc bẽo trong đời.

Và đời tôi chưa lần nào được khoản tiền nhuận bút cao như thế khi viết bài. Mỗi bức tranh Lê Phổ trị giá từ hai mươi đến năm mươi nghìn Mỹ kim vào thập niên 80 thế kỷ trước.

Chuyện đã lâu, bài viết “Hoạ sĩ Lê Phổ, Người vẽ Nắng” không chắc có ai đọc hay nhớ, tôi đem ra nhuận chính để đăng lại dưới đây làm kỷ niệm mối tình bạn.

Thi Vũ
Paris, giáp Tết Mậu Tý, 2008

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024