SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

NHŨ

Cái này thì đàn ông đàn bà chi cũng có cả. Nhưng cái tên có chữ “nhũ” đính kèm thì chỉ dành cho đàn bà. “Nhũ” là “sữa”. Đàn ông có sữa ở nơi nào chứ có sữa nơi ngực thì không bình thường. Bởi vì không có nên mới xoắn xuýt. Mà xoắn xuýt không phải vì sữa mà vì cái bình sữa. Từ một thứ được con tạo chế ra để hữu dụng cho các đấng nhi đồng, các ông biến chúng thành thứ đồ mỹ thuật. Đồ mỹ thuật là dành cho con mắt. Vậy nên mắt các ông mới lăm le. Vì những con mắt lăm le nên chiếc bình mỹ thuật mới được che chắn cho những con mắt trần gian khỏi xâm phạm. Vậy nên mới có chuyện.

\Chuyện mới xảy ra tại downtown của thành phố Montreal chúng tôi. Ngày 6 tháng 1 năm 2011, bà Shannon Smith đi mua sắm tại cửa hàng bán quần áo trẻ em Orchestra trong Complex Les Ailes nằm trên đường mua sắm chính của thành phố là đường Ste Catherine. Bà đã cho đứa con 5 tháng tuổi bú trong cửa hàng. Một nhân viên nhà hàng tiến tới và yêu cầu bà Smith ngưng cho con bú. Chuyện cho con bú trong khi đi mua sắm là chuyện cực chẳng đã, bà Smith cũng biết vậy nên đã chọn ngồi trong một khu vắng vẻ ít người lui tới. Bà ngưng cho con bú, ra két trả tiền mớ đồ đã lựa. Tại đây bà thoáng nghe người nhân viên cửa tiệm và  người quản lý “mạt sát” bà. Rủi cho cửa hàng này là bà Shannon Smith lại là một chuyên gia về internet, có blog riêng. Bà bèn viết chuyện xảy ra trên blog của bà. Bà kể: “Tôi biết luật. Tôi biết quyền của tôi. Nhưng tôi vẫn còn tức giận…Tôi vội bước ra khỏi cửa trước khi nước mắt bắt đầu rơi”. Vậy là chuyện tùm lum lên. Bà Smith viết tiếp: “Những gì tôi muốn là một lời xin lỗi và một chính sách buộc cửa hàng tôn trọng luật Canada và bảo đảm rằng không có bà mẹ nào khác sẽ bị đối xử tệ hại như vậy nữa”. Các bà nổi cơn tam bành. Họ tụ tập nhau để cho con bú tập thể ngay tại shopping mall này vào ngày 19 tháng 1 vừa qua. Một tuần trước “đại hội” bú, cửa hàng Orchestra đã chính thức xin lỗi bà mẹ 36 tuổi này và bà đã chấp thuận lời xin lỗi. Mặc, các bà đã chơi là chơi cho hết mức. Ngày hội…nhũ đó có khoảng một trăm bà mẹ tới giơ nhũ hoa tập thể trước ống kính của các nhà báo tới tham dự và tường thuật. Họ đổ bộ tới bằng những chiếc xe đẩy và những tiếng khóc của con nít. Bà Shannon Smith cũng có mặt. Bà cho biết là bà nhận được nhiều điện thư ủng hộ trên Facebook và trên blog của bà. Bà cũng chưa quyết định có đưa vụ việc này ra Ủy Ban Nhân Quyền của tỉnh bang hay không. Nếu bà quyết định tiến tới thì phần chắc bà sẽ thắng vì năm 2005, Ủy Ban này đã bắt một cửa hàng bán đồ gỗ bồi thường một ngàn đô cho một bà mẹ cho con bú trong cửa tiệm và bị đuổi như trường hợp bà Smith mới gặp. Cuộc biểu dương của một trăm bộ nhũ hoa không phài là mới. Cuộc biểu dương lực lượng của các bà không phải được gợi hứng từ những cuộc xuống đường lật đổ mấy anh tonton cứ đòi hy sinh tới muôn năm đang thành một phong trào dân chủ tại nhiều nước. Hồi 15 năm trước, cũng tại Montreal, đã có một cuộc biểu dương tương tự để ủng hộ bà Ann Martin, người đã bị nhân viên an ninh ở Westmount Square đuổi khi bà đang cho đứa con gái 3 tháng tuổi bú.

Sữa mẹ là thứ sữa tốt nhất cho hài nhi. Bộ Y Tế khuyến khích các bà mẹ cho con bú. Tại Montreal, có tới 88% các bà mẹ mới sinh đã nuôi con bằng sữa mẹ nhưng các bà hình như không nhiều kiên nhẫn. Khi trẻ được 6 tháng tuổi thì chỉ còn 4% được bú tí mẹ. Tại sao vậy? Bởi vì các bà không được ủng hộ nhiều. Đó là lý do chính thức. Tôi nghĩ còn lý do khác. Có thể là các bà quý cái bầu sữa hơn sức khỏe của con. Cho con bú thường làm cái bình biến dạng khó thương hơn. Có thể là con nít tính tình bất thường, khi thì chăm chỉ  bú khi thì chểnh mảng, mưa mưa nắng nắng, các bà thấy phải phơi bình hơi lâu nên nản. Như cậu quý tử của bà mẹ trẻ trên một chuyến xe lửa. Dí bầu vào miệng mà cậu cứ khóc không chịu bú. Tức mình, bà mẹ dọa: “Bú đi nào, không mẹ cho chú kia bú bây giờ!”. Chú kia là một thanh niên ngồi đối diện. Dọa đến ba lần mà chú bé vẫn cứ đình công không bú biếc chi cả. Đến lúc này, cậu thanh niên mới rụt rè lên tiếng: “Chị nói cháu quyết định nhanh lên, tôi chờ. Tàu đã chạy quá bến xuống của tôi tới 5 ga rồi!”.

Được bú sữa mẹ là một thích thú của trẻ em. Miệng ngậm những giòng sữa ngọt ngào, tay với với cái bàu êm như nhung của mẹ, thân mình được sưởi ấm bằng thân nhiệt của mẹ,còn gì hạnh phúc bằng. Hạnh phúc này nhiều trẻ em trai đã nhớ suốt đời nên tình thương này sẽ chuyển sang cho vợ về sau! Trong một bài viết, Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã ca tụng hạnh phúc của đứa con được bú sữa mẹ: “Trẻ không thể lớn nổi, không thể thành người nếu thiếu tình yêu thương. Và đó là lý do tại sao tất cả các thứ sữa nhân tạo, dù làm bằng sữa bò, sữa trâu, sữa lạc đà, sữa dê, sữa đậu nành… đều không thể so sánh với sữa mẹ. Bởi sữa mẹ, ngoài chất dinh dưỡng tuyệt vời ai cũng biết còn có những thứ khác nữa, không thể tìm đâu ra. Thí dụ… mùi mồ hôi chua lét của mẹ, mùi tóc tai lòng thòng của mẹ, mùi à ơi của mẹ. Trong lúc đang hí hửng nhơi nhơi sữa mẹ, bé có thể cắn một phát đau điếng do thiếu sữa, do ngộp sữa, do mẹ lơ đễnh, không “chánh niệm”, vừa cho bú vừa nghĩ đâu đâu… Mẹ đau quá, đét một phát vào mông bé, rồi hối hận siết chặt con vào lòng… Một tương tác, một khúc hoà tấu. Không thể tìm thấy ở đâu với sữa nhân tạo”.
Sữa mẹ là “vàng lỏng” như người ta vẫn thường xưng tụng. Đó là thứ thực phẩm nuôi trẻ bổ béo nhất, nhiều dinh dưỡng nhất và kinh tế nhất. Nó sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, với một độ ấm chuẩn, không bao giờ bị ôi a, đầy kháng thể và sinh tố cần thiết cho trẻ và free! Mấy thứ sữa hộp, sữa bò, sữa bột, sánh chi nổi. Bởi vậy nên bà mẹ nào không có đủ sữa cho con bú đều muốn con mình được nuôi bằng sữa của bà vú hơn là sữa bò. Dĩ nhiên sữa vú nuôi đâu có bằng sữa mẹ. Một anh chàng có vợ mới sinh viết thư về khoe với mẹ: “Mẹ đã có cháu nội trai. Hơi buồn là vợ con không có sữa nên phài nhờ một bà vú da đen cho bú, vì vậy cháu có tóc xoăn và da đen”. Nhận được thư của con trai, bà mẹ tức tốc hồi âm ngay: “Con trai yêu quý! Mẹ rất mừng khi nhận được thư của con. Ngày xưa khi mẹ sanh con, mẹ cũng không có sữa nên đã phải cho con bú sữa bò, vì thế nên bây giờ con vừa ngu vừa có sừng!”.

Không muốn cho con ngu, những người mẹ không đủ sữa cho con bú thường nuôi vú em hơn là cho con bú sữa bò. Đó là chuyện ngày xưa, thời thế hệ tôi còn bú sữa.

Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa
Từ mẹ chết cha một đời góa bụa
Sống âm thầm trong mái lá tường xiêu
Xin cho con bú từng hơi sữa lạ
Giọt mồ hôi nhỏ xuống chén cơm chiều.
(Trần Trung Đạo)

Ở bên này, đào đâu ra vú nuôi. Vậy nên mới nảy sinh ra cái nghề mới tinh của bà Toni Ebdon: nghề bán sữa mẹ. Bà này ở bên Anh, được trời cho dư thừa sữa cho con bú. Một người bạn của bà Toni thấy tình cảnh thừa mứa của bà đã phiếm: mày chắc có đủ sữa để mở một nhà máy sản xuất qui mô! Câu đùa vui bỗng gợi ý cho bà Toni. Bà lên mạng internet rao bán sữa. Lập tức có một chục khách hàng bằng lòng mua thường xuyên với giá 15 bảng Anh cho mỗi chai 120ml. Có điều ngộ nghĩnh là tất cả khách hàng của bà Toni đều là đực rựa. Bà tâm sự: “Tôi không muốn hỏi nhiều về đời tư của khách hàng nên cũng không biết lý do họ mua sữa của mình. Tất cả mọi giao dịch được thực hiện qua e-mail, và chỉ thực tiếp gặp khi giao sữa”. Tôi cũng thắc mắc: chẳng lẽ lại có những người dứt sữa trễ đến thế!

Bán sữa kiểu của bà Toni Ebdon không có lợi cho con trẻ ở tuổi bú mớm. Ở Canada chúng tôi, người ta chia sữa cho nhau một cách nghiêm túc hơn nhiều. Người đưa ra chủ trương chia sữa là bà Emma Kwasnica ở Montreal. Bà phóng lên mạng Facebook chương trình Eats on Feets nhằm giới thiệu các bà mẹ dư sữa và các bà mẹ thiếu sữa với nhau. “Các bà mẹ không muốn nuôi con bằng sữa bột nên họ cần sự giúp đỡ và chúng tôi, với tư cách những bà mẹ, chúng tôi làm việc chung với nhau”. Chương trình được khởi phát từ Montreal và nhanh chóng lan ra các tỉnh bang British Columbia, Manitoba và Ontario. Từ những hạt nhân này, chương trình được nhân giống ra khắp thế giới và hiện đã có 200 đường dây trên 26 quốc gia.

Ngày tôi còn nhỏ, vấn đề vệ sinh không được chú ý lắm. Chính tôi cũng được một vú nuôi cho bú. Có những vú nuôi còn mớm cơm cho trẻ. Thường thì những người vú đều là những người từ nhà quê ra tỉnh đi làm kiếm tiền nên rất ít ý thức về vệ sinh căn bản. Tôi còn nhớ, trong những lần tuyển vú em, cái test duy nhất mà một người vú phải làm để được tuyển dụng là vạch vú ra, bóp cho vọt ra những tia sữa. Bà nào có tia sữa vọt mạnh và nhiều sẽ được chọn. Ngày nay, bệnh tật hình như tinh quái hơn nên việc lây nhiễm cũng dễ dàng hơn khiến người ta phải đặt vấn đề vệ sinh lên trước hết. Cái lối nuôi trẻ bằng sữa của người khác như công việc mà bà Emma Kwasnica khởi xướng đã bị giới chức y tế Canada thổi còi việt vị. Trong một bản nhận xét có ghi rõ: “Có nhiều nguy cơ là sữa có thể bị nhiễm vi khuẩn bệnh như HIV hay các loại vi khuẩn bệnh khác”. Bản nhận xét cũng nói tới những dấu vết trong sữa của những người dùng thuốc có toa bác sĩ hay không có toa bác sĩ và đưa tới kết luận: “Sữa chưa qua kiểm định không thể chia sẻ cho nhau được”. Bà Emma Kwasnica phản ứng lại tức thì. Theo bà thì hai bên cho sữa và nhận sữa đã gặp nhau thường xuyên và thường có làm thử nghiệm máu. “Bạn có thể đi uống cà phê với những người mẹ cho sữa và thấy đứa con trên tay bà này khỏe mạnh hồng hào. Nếu bà ta cho con bú mà đứa con cũng như người mẹ đều khỏe mạnh, lại thêm có thử nghiệm máu nữa thì dùng sữa của bà ta đâu có vấn đề chi”. Bà Sharon Unger thuộc Hội Nhi Khoa Canada,quy tụ ba ngàn chuyên viên về y khoa nhi đồng, không đồng ý như vậy. Bà lý giải: “Cách duy nhất để bảo đảm an toàn của việc cho sữa là qua ngân hàng sữa, nơi mà các bà mẹ được khám nghiệm và được chỉ bảo cách bơm và tồn trữ sữa. Chưa hết, sữa còn được kiểm nghiệm bằng một chu trình thích hợp. Không làm như vậy là nguy hiểm!”. Cái ngân hàng sữa mà bà Unger nói tới, tại Canada mới chỉ có mỗi một cái ở Bệnh Viện Phụ Nữ và Trẻ Em ở Vancouver!

Cho con bú đòi hỏi thời gian và nhẫn nại nơi người mẹ. Tại Canada, tất cả các sản phụ đều được nghỉ một năm ăn 55% lương khi sanh con. Mẹ ở nhà với con, cứ đúng giờ bú là có sữa natural cho con dùng. Khỏe re! Tại Mỹ các sản phụ không được ưu ái như vậy. Theo Từ Điển Mở Wikipedia thì các sản phụ Mỹ có quyền nghỉ 12 tuần nhưng không có lương! Vậy nên chuyện bú mớm của các bà mẹ coi bộ vất vả hơn nhiều. Không biết có phải vì vậy không mà sở thuế Mỹ vừa quyết định trừ thuế cho các dụng cụ mà các bà mẹ dùng cho việc bơm sữa cho con bú. Tin này vừa được loan trên báo chí ngày 19 tháng 2 năm 2011. Tin tức cũng cho biết có bàn tay của đệ nhất phu nhân Michelle Obama nhúng vào trong quyết định này. Theo bà Michelle thì việc cho bú sữa mẹ có thể tránh được bệnh phì nơi trẻ em. Bệnh phì là bệnh phổ thông của dân Mỹ. Ngân sách y tế Mỹ đã khổ sở về thứ bệnh nhiều cân này. Theo một nghiên cứu của Đức thực hiện vào năm 2006 thì chỉ có 22% trẻ được bú sữa mẹ quá ba tháng bị phì trong khi có tới 37% trẻ em không được bú sữa mẹ phát phì.

Ông Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng chính là nhà thơ Đỗ Nghê. Viết bài về sữa mà ông tung tăng như đi vào thơ. Tôi khoái lối viết rất dí dỏm và thông minh của ông bác sĩ nhà thơ này. Lại phải trích thêm một đoạn cho thấy cái…phiếm của ông. “Trở lại câu hỏi thi môn nhi khoa: “Hãy so sánh sữa bò với sữa mẹ”, sinh viên nào cũng hí hửng tưởng trúng tủ, thao thao bất tuyệt nhưng vẫn không làm giáo sư hài lòng. Ông lắc đầu lia lịa và kêu bổ sung, bổ sung nữa. Khi sinh viên chịu bí, ông mới thủng thẳng nói: “Anh quên so sánh cái… bình bú!” Không có cái bình nào đẹp đẽ, căng tròn, phình xẹp, hồng hào, thơm tho… như cái bình sữa mẹ! Lúc nào cũng ủ đúng 37oC không hơn không kém, lúc nào cũng sạch sẽ, tươi mát, hợp vệ sinh, chẳng cần phải hấp luộc, khử trùng chi cả. Người mẹ chỉ cần vạch áo, nặn vài giọt sữa đầu tiên rửa qua cái núm thế là xong.Trong vài giọt sữa đó đã có đủ chất kháng khuẩn rất tốt rồi. Có người cãi, biết đâu đôi khi cũng có mùi khác lạ, như mùi thuốc lá, mùi bia bọt… thì sao? Nhưng đó là chuyện khác. Trẻ sẽ tỏ ngay thái độ, không khoan nhượng.Tôi sực nhớ câu thơ của một nữ thi sĩ hơn 40 năm về trước: “Ngực cho anh còn sữa để cho con” (Hồng Khắc Kim Mai, Mắt màu nâu, Sài Gòn, 1965). Nhà thơ viết những câu thơ đó lúc tuổi mới đôi mươi, nghe nói còn chưa có người yêu! Hồng Khắc Kim Mai còn có những câu thơ viết về cái… bình bú khá hấp dẫn: “Ngực em tròn thật tròn/ Nhấp nhô từng hơi thở/ Áo cài khuy nút hở/ Cho người thèm thân em/ Cho người hôn lên trên…”. Chuyện đáng ngại bây giờ là người ta dần quên vế thứ hai: còn sữa để cho con, mà chỉ nhớ vế thứ nhất”

Chuyện ông bố can thiệp vào cái bình sữa của con nghe ra như chuyện nhảm nhí. Vậy mà không phải. Có khi đàn ông chúng tôi cũng cần sữa của các sản phụ. Ông Tim Browne là một. Ông nay đã 67 tuổi, sống tại Úc. Tháng 6 năm 2007, ông lãnh một bản án: ung thư ruột. Được mổ nhưng bệnh tình của ông đã vào giai đoạn cuối nên không khá. Rất tình cờ, cô con gái của ông tên Georgia coi một phim tài liệu của Mỹ về một người đàn ông trị liệu ung thư bằng cách uống sữa người. Cô mới sanh được 8 tháng, đang cho con bú, vậy thuốc có ngay trong nhà sao không thử chữa chạy cho bố. Vậy là mỗi sáng, ông Tim được uống một bát sữa của con gái. Mặt mũi ông trông hồng hào và sáng sủa hơn, cử chỉ cũng nhanh nhẹn và hoạt bát hơn trước nhiều. Coi như có tiến bộ tuy y khoa chưa công nhận sữa mẹ là một thứ thuốc điều trị ung thư. Tiến sĩ Catharina Svanborg thuộc Đại học Lund đã chứng minh rằng, trong môi trường acid của hệ tiêu hóa ở trẻ em, loại protein alpha-lac thông thường được tìm thấy trong sữa mẹ có thể chuyển hóa thành một hợp chất tiêu diệt các chất gây ung thư và những tế bào có nguy cơ gây hại khác như vi khuẩn pneumonococcus. Chia sẻ với quan điểm này, Tiến sĩ June Meymand cũng cho biết: “Sữa mẹ có thể giúp bảo vệ các tế bào khỏe và tiêu diệt các tế bào ung thư. Một vài bệnh nhân khỏi bệnh tin rằng sữa mẹ đã giúp họ tăng cường sức đề kháng để tiêu diệt tế bào ung thư”. Công nhận vai trò của sữa mẹ trong việc điều trị bệnh ung thư, Tiến sĩ John Stevens thuộc American Cancer Society phát biểu: “Thật khó để có thể biết chính xác sữa mẹ hoạt động ra sao khi tác động với khối u. Đây là một hướng đi hứa hẹn nhưng thực sự còn đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa”.

Lại vịn vào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi phải trích thêm: “Thiên nhiên cũng lạ, có người hồi nhỏ nhỏ xíu (“Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương” – Trần Tiến), vậy mà khi có con, sữa tràn đầy thì ngực cũng lớn lên theo sữa. Nói khác đi, cái bình bú thiên nhiên đó phát triển theo nhu cầu, nó nhấp nhô… theo từng hơi thở, mới ngộ!”. Không phải mọi chuyện phát triển đều…ngộ như vậy. Chuyện trục trặc thiếu giống chi. Nhiểu cô gái không có ngực như cô gái tên Thu, 28 tuổi ở Hà Nội. Qua tuổi dậy thì, trong khi các bạn cùng trang lứa người nào người nấy phổng phao thì Thu vẫn trước sau như một, vòng một chỉ nhú như cái núm cau. Vậy thì làm sao mà có sữa nuôi con! Nghĩ vậy nên cô chẳng dám bồ bịch chi. Sợ sự thực bị phát hiện. Chung một cảnh ngộ, cô Thu, 20 tuổi, cũng ở Hà Nội tâm sự với bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung: “Có mặc áo độn vào cũng chả đẹp được, vì là đồ giả nên trông biết ngay. Con gái đang tuổi làm dáng thế mà cứ suốt ngày bị mấy thằng con trai kêu là trông như cá rô đực. Biết là mọi người chỉ đùa thế nhưng nhiều khi nhìn xuống ngực mình cũng thấy tủi thân”. Bác sĩ Dung cho biết các cô này chẳng nên lo lắng. Bằng phẳng là vì nội tiết oestrogen hơi yếu, không ảnh hưởng chi tới việc sanh sản. Có chồng, sanh con là xong tuốt. Một loại trục trặc khác là vòng một cũng đầy đặn phổng phao như ai nhưng cái núm thì chẳng chịu chui ra. Cứ lặn sâu vào bên trong. Làm sao cho con bú! Nạn nhân tên Hà ở Phương Mai, Hà Nội, tâm sự: “Mặc nịt ngực vào thì chẳng ai thấy có chi khác biệt, nhưng mà bỏ ra thì lộ ngay. Trong khi các bạn khác thấy lấp ló đầu vú còn của mình thì cứ phẳng lặng. Sau này lấy chồng, có con thì không biết cho con bú bằng cách nào”. Theo Bác sĩ Dung thì chẳng nên  lo lắng quá khi thấy đỉnh núi không nhô lên được. Thường chỉ bị tụt nhẹ có thể dùng cách đơn giản để kéo lên, chẳng hạn như dùng dụng cụ hút sữa, dùng tay kéo lên. Nếu có chồng thì có thể nhờ chồng phụ một tay sẽ hết sức hiệu quả!

Đó là bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung thuộc Trung Tâm Y Tế Lao Động Thái Hà, Hà Nội, nói vậy. Tôi không nói chi cả. Nhưng quả thật tôi có cười. Cười mỉm. Kể ra đàn ông chúng tôi lúc nào cũng được việc đấy chứ!

Song Thao
02/2011

(songthao.com)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024