SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Rồng trong những câu ca dao lãng mạn nói về tình yêu đôi lứa.

Rồng (Long) tượng trưng cho sức mạnh của nam. Phượng (Phụng) tượng trưng cho sắc đẹp của nữ. 

Rồng-Phượng tượng trưng cho đôi uyên ương. Rồng-Mây chỉ sự may mắn thành công đỗ đạt. Rồng xuất hiện nhiều trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ.

Trong bài này xin trích dẫn những câu ca dao trữ tình lãng mạn nói về tình yêu đôi lứa qua hình ảnh con Rồng. 

Nếu trong thơ bác học cổ điển thiếu vắng tình yêu đôi lứa thì trong ca dao có đầy dẫy, sẵn sàng bù đắp vào khoảng trống ấy.

NỮ:

Những câu ca dao dưới đây của các cô gái tràn trề tình cảm lãng mạn, hiếm thấy trong thơ bác học cổ điển.

Người nữ trong ca dao có thể là cô thôn nữ trên đồng ruộng, miệt vườn, hay thiếu nữ dệt cửi, thêu thùa trong nhà... thường tỏ tình ngay thẳng thiệt thà, đôi khi táo bạo, trong khi các cô gái đài các thường rụt rè kín đáo "nói không là có". 

Hãy đọc những câu trữ tình lãng mạn xuất phát từ trái tim của họ, như 6 câu sau đây, tình yêu không phân biệt địa lý bắc nam:

Tình cờ anh gặp em đây
Như cá gặp nước như mây gặp rồng
Mây gặp rồng mây lồng cuồn cuộn
Cá gặp nước con ngược con xuôi
Chồng Nam vợ Bắc anh ơi!
Sao anh chẳng lấy một người như em?

(Ca dao)

14 câu tuyệt bút ướt át, tình cảm tràn trề lai láng của cô thôn nữ đang yêu:

Đêm qua mưa bụi gió bay,
Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng.
Em với anh cùng tổng khác làng,
Nào em có biết ngõ chàng ở đâu!
Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm trưa chẳng được, ăn trầu cầm hơi.
Thương chàng lắm lắm chàng ơi!
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng,
Khát khao về nết, mơ màng về duyên.
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên,
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông.
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây.

(Ca dao)

Nàng ngỏ lời chân thật không chút giấu diếm trái tim mình:

Màn rồng một bức giăng ngang
Tôi với mình trời định tam cang ngũ thường
Mình về thưa lại thung đường
Qua đây gá nghĩa cang thường với em.

(Ca dao)

(Nơi người cha ở được gọi là Thung đình, Thung đường hay Thung phủ, đồng nghĩa với Xuân đường.)

Tuyệt vời cô gái Miền Đông đã mở lòng ra với chàng trai xứ Huế lạc loài đến xứ lạ, nàng mở lời trước, không chút đắn đo ngại ngùng:

Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Ðồng Nai,
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về 

(Ca dao)

Hai phương trời cách biệt, nỗi niềm tương tư làm cho tình yêu thêm diễm tuyệt:

Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…

(Ca dao)

Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.

(Ca dao)

Nàng mơ mộng mong thoát khỏi số phận hẩm hiu:

Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng.

(Ca dao)

Thiếp như cá ở biển Đông,
Chờ khi nước cạn hóa rồng lên mây

(Ca dao)

Một ngày ngồi tựa mạn rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài

(Ca dao)

Mai mốt em về lấy chồng
Sang sông đã có thuyền rồng cưỡi chơi.

(Ca dao)

Cô gái trách móc người tình: 

Trách anh một dạ hai lòng
Anh đương chơi với phụng, anh thấy rồng anh mê
Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc
Em trách cho ai làm phụng Bắc rồng Nam.

(Ca dao)

Cô gái cứng cỏi coi nghĩa tình cao hơn địa vị, thà nghèo mà tôn trọng nhau vẫn hơn giàu sang mà bất nghĩa:

Thuyền rồng bất nghĩa thả trôi
Thuyền nan có nghĩa ta ngồi thuyền nan

(Ca dao)

Tiến bộ trong hôn nhân, chống đa thê, đề cao một vợ một chồng: 

Trăm năm tạc một chữ đồng
Dầu ai thêu phụng vẽ rồng cũng không
Trăm năm trăm tuổi một chồng
Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai…

(Ca dao)

Sắt son chung thủy trong tình yêu:

Đôi ta như rồng lượn trong trăng
Dẫu xa nhau đi nữa vẫn khăng khăng đợi chờ.

(Ca dao)

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo…

(Ca dao)

NAM: 

Những câu ca dao dưới đây của các chàng trai cũng tràn trề tình cảm, trữ tình lãng mạn hiếm thấy trong thơ bác học cổ điển.

Mười câu tương tư tha thiết dạt dào mà hay nhất là 2 câu cuối: 

Anh ăn cơm cũng thấy nghẹn
Uống nước cũng thấy nghẹn
Nghe lời em bậu hẹn, ra bãi đứng trông
Biển xanh bát ngát, nhìn không thấy người
Mênh mông sông nước xa vời
Biết rằng còn nhớ những lời thề xưa
Trông ai như cá trông mưa
Ngày đêm tưởng nhớ, như đò đưa trông nồm
Bậu ơi! Bậu có nhớ không?
Anh trông ngóng bậu, như rồng ngóng mưa.

(Ca dao)

Những câu tỏ tình quá táo bạo của chàng trai mới lớn trên sông nước: 

Ngựa ô trổ mã thành rồng
Anh đây trổ mã thành chồng của em.

(Ca dao)

Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt mình thương tui không mình ?

(Ca dao)

Tình yêu không phân biệt, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên:

Rồng chầu biển bắc, phụng múa Hà Tiên.
Anh thương em gặp mặt thương liền
Tỉ như Lữ Bố, Điêu Thuyền thuở xưa.

(Ca dao)

Tình cảm nồng nàn tha thiết và đầy lo lắng khổ sầu:

Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nửa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây

(Ca dao)

Những lời tỏ tình như mật rót vào tai, thề hẹn trọn đời yêu nhau:

Làm sao cho hiệp vợ chồng
Cho lê hiệp nhãn, cho rồng hiệp mây

(Ca dao)

Lúc mà tình yêu thăng hoa: 

Ngày nào nên nghĩa vợ chồng
Đôi ta như cá hóa rồng lên mây

(Ca dao)

Khi mà cuộc tình không được như ý nguyện: than trách nhẹ nhàng nhưng chua cay:

Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc
Trách ai làm phụng bắc rồng nam

(Ca dao)

Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi.

(Ca dao)

Kết luận: 

Ca dao là tiếng nói của trái tim, là tiếng lòng của đôi lứa trên mọi miền đất nước VN.  

Lạ lùng là những người bình dân trên đồng ruộng, nương dâu, miệt vườn, hải đảo... dù không được học hành đỗ đạt như giới nho sĩ, trí thức khoa bảng, nhưng Trời cho năng khiếu làm thơ đã sáng tạo nên những câu ca dao, nhiều nhất là lục bát, đẹp lung linh, trữ tình, lãng mạn, có ý tưởng mới mẽ đi trước thời đại như đả phá tục lệ đa thê, đề cao một vợ một chồng, ca ngợi tình yêu, quan niệm tình yêu không phân biệt giai cấp giàu nghèo sang hèn, địa vị, địa lý...

Hình ảnh "rồng-phượng" đã ăn sâu trong tâm thức, hiện diện trong trái tim, với nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nhân cách hóa, tạo ra những câu thơ tuyệt tác làm say mê người đọc. Con Rồng trong ca dao góp phần trong kho tàng thi ca bình dân truyền khẩu VN. 

Là hậu sinh nay đọc lại, chúng ta hiểu được trái tim, tâm hồn tiền nhân như thế nào? 

Họ cũng đã từng yêu, từng hạnh phúc, từng tương tư, từng mơ mộng. Từng đa cảm đa sầu. Từng tràn trề cảm xúc/ soi sáng. Từng rung động mãnh liệt và đầy lãng mạn trong tình yêu muôn thuở. 

VINH HỒ
Dec., 15, 2023
(Ca dao: sưu tầm trên NET)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024