SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

 Son Vàng... Tả Tơi!

Thường lệ mỗi buổi tối sau khi cơm nước là giờ tôi ngồi vào “cào” bàn phím xem có tin tức gì mới lạ. Xoay quanh cái tin ấn vàng của vua Minh Mạng triều Nguyễn bị mang ra bán đấu giá, ồn ào nổi lên trong dư luận cuối cùng nhà cầm quyền hiện tại gởi văn thư đề nghị ngưng cuộc đấu giá vì đây là một bảo vật có tính cách lịch sử của một quốc gia. Người ta đề nghị nhà nước Việt Nam xuất tiền công quỹ mua lại bởi chiếc ấn đang thuộc về tài sản của một tổ chức tư nhân, không ai biết rõ tại sao lưu lạc đến nơi này. Không chỉ riêng chiếc ấn, những cổ vật trải qua nhiều thế hệ hàng trăm năm với lớp sóng phế hưng bị vùi dập bởi chiến tranh, thay đổi chủ quyền giờ còn lại những gì ? Đến nỗi ngay cả một biểu tượng của quyền lực tối thượng của một đất nước lại phải lăn lóc trong cảnh xô bồ bán mua trên đất khách. Bỗng chốc ngậm ngùi khi nhớ lại những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường. Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ, Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

Nỗi lòng hoài cổ của nữ sĩ cảm thán khi trở về Thăng Long thành, cũng không khác với niềm đau chung của con dân đất Việt khi thấy chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo tượng trưng cho hồn thiêng dân tộc giờ bị mang ra trả giá cùng với mớ hàng hóa vàng thau lẫn lộn !!

oOo

Năm tôi lấy chồng so với tuổi của đám nhỏ bây giờ tôi còn trẻ lắm chỉ đủ tuổi lập gia đình theo luật lệ. Hồi ấy tôi thấy mình “khờ” quá so với nhiều người đồng trang lứa, tôi biết điều này là từ chồng của tôi khi anh mắng mỏ.

- Người gì mà đầu óc “khờ” khạo gì đâu, mấy thằng đàn ông nói chuyện cười hai ba nghĩa bậy bạ trước mặt đàn bà con gái, em cũng cười theo.

Tôi cãi lại :

- Thì trong phòng làm việc có nhiều người đàn ông lẫn mấy chị em khác, họ nghe rồi cười em thấy vui vẻ thì cười theo thôi.

Từ khi chồng tôi giảng cho tôi nghe nghĩa đen lẫn nghĩa bóng những câu chuyện người ta liệt vào loại ‘tục mà thanh, thanh mà tục’ khiến tôi hiểu thêm một khía cạnh của câu “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Vậy là tôi may mắn khi nghĩ câu này nếu chỉ áp dụng cho việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay của của loại võ biền thì chắc đàn bà con gái nên ở vậy cho yên lành.

Nhớ lại hồi ấy tôi uống phải lời đường mật của nhà tôi nên gan cùng mình dám lấy chồng và làm dâu nhà anh. Bởi tôi hay nghe câu ‘ông già Ba tri’ khi nói về một người đàn ông khó tính. Tôi lại không biết gốc gác quê quán nhà anh là xã Ba tri thuộc tỉnh Bến tre, Kiến Hòa. Mấy ngày đầu vào bếp cùng người chị em bạn dâu lấy chồng trước tôi gần bốn năm, chị là sư tỷ học cùng trường với tôi, chị kể : “Tui nói với ông chồng tui, lấy ông là tui dẫm phải ổ kiến lửa rồi”. Tôi im ru không hiểu ý chị nói là gì ! Nhà chồng nói : ‘Cũng “ngộ” ghê ha, nhà có hai con dâu cùng có quê giống nhau, cùng học một trường nữa’. Chỉ nữa năm thôi là tôi thấy chị khóc lóc chuyện chồng chị có vợ bé nên cứ vào phòng cầu nguyện mỗi đêm cho đừng giống chị chuyện này. Lấy chồng lính cứ phải thui thủi một mình sợ đủ thứ trong cảnh làm dâu, từ thưở ban sơ cứ giữ kẻ không dám ăn cũng như nói.

Gian phòng tôi ở nằm phía trong cùng ngôi nhà lớn, vào nhà tôi hay đi bằng cửa sau, băng qua khoảng sân trống có che mái hiên cạnh phòng tôi là một căn nhà nhỏ nằm giữa hai khu biệt thự liền kề, tiền thân gian nhà này trước kia là cái gara xe hơi. Đây là nơi trú ngụ của gia đình chị chồng gồm hai vợ chồng cùng đứa con gái nhỏ khoảng ba, bốn tuổi với một bà cụ già ít khi rõ mặt. Thật tình là tại tôi đi làm từ sáng sớm đến chiều tối về nhà, sau khi phụ giúp bữa cơm chiều, dọn dẹp chén bát xong là tôi rút vào phòng riêng đóng cửa với thế giới của riêng tôi. Ngày chủ nhật nếu chồng tôi không phải trong ca trực được về nhà là anh chở tôi đi xi nê, ăn uống và sống trong thế giới riêng tư của đôi vợ chồng trẻ.

Thỉnh thoảng thật hiếm hoi tôi mới trông thấy bà cụ người nhỏ thấp quanh quẩn trước hiên, bà là má chồng của chị chồng tôi người xứ Huế. Có lần tôi nghe chị kể về những khác biệt khi phải về tham gia giỗ chạp bên gia đình nhà chồng, những lễ nghi phong tục cúng kiến theo thứ bậc, những món ăn trưng bày, lần đầu tiên tôi tròn mắt khi nghe chị nói về số lượng các thức ăn bày lên mâm. Mỗi món chỉ có chút xíu nhưng không kém mấy chục món nếu nói một trăm thứ là không phải nói “ngoa”. Nghe vậy tôi rụt vai lè lưỡi, may mà tôi không làm dâu xứ Huế.Tôi nói với chị :

- Mỗi lần có giỗ bên nhà chồng chị chắc mọi người cực lắm làm sao nấu nướng cho nỗi.

Chị trả lời :

- Thì nhiều con cháu tụ họp lại mỗi người góp năm, bảy món. Nhiều người cộng lại thì có nhiều món.

À ra là thế có lần tôi đọc trong sách kể về bữa ăn của vua chúa có hàng trăm món mỗi khi dọn lên cho ngài “ngự”. Ngài nếm mỗi thứ một chút xíu nếu ngài thích “thời” món đó. Những bậc quyền quý không phải phàm phu tục tử thì cử chỉ nhẹ nhàng khoan thai kể cả ăn uống là cũng chỉ lấy hương lấy hoa thôi bởi “quý hồ tinh không quý hồ đa “.

Khi tôi mang thai đứa con đầu lòng gần chín tháng thì xảy ra biến cố của đất nước. Qua cái cổng rào thông với biệt thự bên cạnh, bên ấy trước khi di tản giao lại những đồ vật họ không tiện đem theo. Nổi bật nhất là khung ảnh truyền thần vẽ hình một vị quan đầy đủ áo mão cân đai, đống giấy tờ kèm cuốn gia phả của dòng tộc, lần đầu tiên tôi có dịp trông thấy một cuốn gia phả chắc là xưa lắm vì cái bìa xám xịt dầy cứng với các góc sờn cũ. Tò mò tôi lật xem những trang giấy mỏng nhưng cứng còng, trang đầu tiên viết chữ Nôm hay chữ Hán không rõ vì bằng bút lông mực đen với nét sổ ngang, sổ dọc, móc chấm và những trang kế tiếp cũng vậy, dĩ nhiên tôi không thể đọc hiểu được mặc dù nó chiếm cả chục trang. Tiếp theo là những trang giấy viết tiếng Pháp bằng ngòi bút mực màu tím, nét chữ cứng cỏi nhưng khoan thai đều đặn cho thấy sự cẩn trọng của người cầm bút, mãi đến gần nửa quyển tôi mới thấy chữ quốc ngữ kế tiếp những trang sau ghi tên nhiều người khác nhau. Người giữ và ghi gia phả chắc phải là trưởng tộc và là những đích tôn của giòng họ.

Bây giờ tôi mới biết bà má chồng chị là người Huế, thứ thất một vị quan lại và có một con trai độc nhất chồng tôi gọi là anh rễ, nhưng anh không được gọi bà là mẹ mà phải gọi bằng dì, cũng như có khi tôi nghe bà xưng là “mụ” khi nói chuyện với con trai và con dâu. Giọng nói bà rặc thanh âm Huế của địa phương rất nặng tôi nghe không thể hiểu bà nói gì với mình.

Biệt thự bên kia cũng có một bà cụ sống với con trai, con dâu và bầy cháu, chị con dâu tầm tuổi trung niên có lần cùng chồng sang bên này dự đám cưới em chồng tôi. Nghe nói anh này đi học tốt nghiệp bên Pháp và đang là viên chức cao cấp của chính quyền. Bà chị chồng nói cô dâu này kể mỗi tối trước khi đi ngủ phải vào thưa với mệ : “Thưa mạ con đi ngủ” đúng theo khuôn phép lễ nghi.

Ông anh rễ học trường Quốc Học Huế trước khi vào đại học sư phạm và đang là giáo sư trung học đệ nhị cấp một trường danh tiếng của Saigon. Hai giòng chánh và thứ khác nhau nhưng tựu trung cũng vẫn cùng một giòng họ, con trai sinh ra phải mang họ là Tôn Thất và con gái là Tôn Nữ, tôi chỉ biết liên quan một chút xíu về người và xứ sở tự hào đất thần kinh của vua chúa thế thôi. Những buổi tối học bài nghe ca ngợi Huế có thôn Vỹ dạ thơ mộng qua lời ngâm thơ của nữ sĩ Hồ Điệp trong ban thi văn Tao Đàn trên đài phát thanh :

- Sao anh không về chơi thôn Vỹ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền....

Hay giọng ngâm thơ của ca sĩ Hoàng Oanh :

- Hơ ơ ơ... Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, thương nhau rồi thì xin kịp về mau
Kẻo mai tê bóng xế qua cầu, còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô...ớ. ơ. hơ !

Mỗi cuối năm trường tôi đều tổ chức quyên góp tặng cho cây mùa xuân chiến sĩ VNCH bằng cách tổ chức văn nghệ bán vé cho gia đình và học sinh xem. Vì thế bạn nào có chân trong ban văn nghệ ngày nào cũng được loa trường gọi đi tập dượt. Mọi người tán thưởng nồng nhiệt màn ca vũ nhạc cùng các thiếu nữ với áo dài tím uyển chuyển, ẻo lả vờn đôi tay với những búp sen lồng trong ánh nến lung linh hòa cùng bài hát Tiếng xưa gợi nhớ hình ảnh cung đình Huế ngậm ngùi vang bóng một thời :

- “Đâu bóng trăng xưa, mơ khúc nghê thường.
Phai tàn một thời liệt oanh, xa đưa gió mây lạnh lùng...
Như tóc mây vương, dáng liễu mơ màng.
Cung đàn nhỏ lệ Tầm dương, ai đó tri âm biết cùng...”

oOo

Sau ngày quê hương đổi chủ, vật đổi sao dời đi kèm lòng người thay đổi. Bầy con trai mười bốn, mười lăm ai cũng nghĩ là trẻ người non dạ nhưng có ngờ đâu chúng được chính quyền mới sai khiến,  ‘tùng tam tụ ngũ’ cánh tay đeo băng đỏ đi từng nhà có thân nhân là lính Việt Nam Cộng Hòa hạch sách tra xét. Đây là thành phần đắc lực góp công cho việc thảm sát quân dân VNCH năm Mậu Thân 1968 tại Huế khi cộng sản chiếm thành phố này. Bây giờ bọn quỷ nhỏ này chiếu cố đầu tiên là căn biệt thự bên tay phải kế cận nhà chúng tôi chủ nhân đã đi nước ngoài trước đó mấy tháng, chỉ còn hai ba người là bà con và người giúp việc là được đám băng đỏ ra lệnh cho tất cả phải ra khỏi nhà để ủy ban quân quản tịch thu làm trụ sở Ủy ban nhân dân Phường, nơi đặt bàn ghi tên tập trung những người lính cấp bậc thấp trước tiên. Ngày nào bên ấy cũng inh ỏi tiếng loa tay kêu gọi mọi người bằng những từ ngữ lạ lùng tôi mới được nghe. “Đăng ký” là cái quái quỷ gì mà cứ the thé gọi yêu cầu vào đăng ký lại ! Tại sao không nói thẳng là ghi tên, ghi danh, do cần phải sáng tạo chữ mới để tỏ ra là thành phần Mác Lê Nin vỹ đại bách chiến bách thắng. Sau màn ghi danh tất cả phải mang thực phẩm ăn trưa tập họp tại các trường tiểu học ba ngày dưới họng súng của vài tên bộ đội chính quy và bầy khuyển mã đeo băng đỏ. Tất cả được cấp giấy chứng nhận về nhà khi được giáo dục xong chủ trương chính sách nhồi sọ của đảng. Tiếp theo là thông báo tập trung mười ngày đối với các sĩ quan các cấp VNCH, được lệnh trình diện tập trung đúng ngày vừa mới ra khỏi nhà không đầy mười phút có ngay bọn “băng đỏ” đến nhà thúc đẩy kiểm tra, người nhà phải trả lời xác nhận thân nhân của mình đã ‘chấp hành’, họ lại dùng chữ nghĩa mới mẻ tiếp tục. Song song cùng thời gian biệt thự bên tay trái bị lực lượng an ninh nội chính tiền thân là Công an Phường quản lý. Vậy là gian nhà của gia đình chồng tôi bị ép “dẹp lép” bởi hai bên đều do chính quyền cộng sản cai quản. Chờ đợi mười ngày rồi ba tháng lại có thông báo ít nhất ba năm tập trung. Không được tin tức của chồng, buồn rầu tôi bồng đứa con mới sinh chưa đầy tháng lui về tá túc với gia đình cha mẹ tôi để tìm phương cách sinh sống, kiếm tiền mua sữa cho con !

Những năm khốn khổ tiếp nối, người Saigon gồng mình chịu đựng sự thiếu thốn khắc nghiệt người trẻ cố lây lất sống chỉ tội cho đám con nít và người già. Cả xã hội chứ không riêng ai, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men không làm khó được dân miền Nam. Đám băng đỏ trong giới sinh viên, học sinh thì được ở lại thành phố tham gia chiến dịch đánh tư sản, mại bản. Còn lại thì tập họp vào lực lượng thanh niên xung phong, tôi đứng nhìn họ khua chiêng gióng trống hò reo cờ mở xếp hàng với chiếc ba lô lép kẹp vài bộ quần áo đeo sau lưng chân mang dép râu, nghe theo lời hô hào của cán bộ ‘khung’ là những đảng viên đoàn viên thanh niên Cộng sản xung phong bỏ phố lên rừng, phát hoang làm rẫy đẩy dân thành phố đi theo xây dựng kinh tế mới. Sau này tôi gặp vài em trong nhóm này mặt mày xanh rớt vì sốt rét rừng, hậu quả của việc hăng tiết xung phong làm việc bằng hai ba, ăn thì cứ một ký thịt bò bằng ba ký rau muống nên mỗi ngày đều được một ký thịt bò được cải biên với chén thịt “cọp” là đủ tiêu chuẩn. Ban đầu tôi cứ tưởng họ săn được cọp để thêm trong khẩu phần ăn nào ngờ một người khác giải thích, thịt cọp ở đây là muối hột mỗi lần ăn phải đâm nát “cộp, cộp” cộng thêm chút ớt ăn với ký “thịt bò” để đỡ ngán.

Trở lại với người Saigon cũ, cố gắng do may mắn có chân trong giới công nhân viên nhà nước để khỏi bị vận động đi kinh tế mới, cho dù lãnh đồng lương một tháng chỉ sống lây lất một tuần lễ vẫn thấy hãnh diện. Để sống còn tồn tại qua ngày người ta quơ quào ngó nghiêng các đồ vật trong nhà cung cấp cho cán bộ miền Bắc ‘vào, vơ, vét’ về. Cứ cái gì cán bộ miền Bắc mua là người ta bán hết.

Một bữa đạp xe đi làm ngang qua khu chợ trời mua bán đồ cũ, ngang gian hàng bày các chân nến, đồ đồng thừa tự tôi trông thấy chị chồng. Chị lấy trong cái giỏ đệm cặp dĩa sành to, thếp vàng sơn son trả giá kỳ kèo với người mua. Bán xong chị quay lưng đi tôi đạp xe theo chị một đoạn giả vờ gọi mừng, hai chị em đứng bên đường nói chuyện không dám mời nhau ly nước bởi chị thừa biết tôi một mình vất vả nuôi con :

- Hôm bữa em gặp anh rể đạp xe đi ngoài đường, mới biết anh may mắn hơn chồng em được thả sau hơn một năm tập trung.

Tôi buồn buồn khi nghĩ đến hoàn cảnh mình, hỏi thăm đến bà má chồng chị dạo này ra sao, chị than thở :

- Bệnh người già mà bà càng ngày càng yếu, cũng do kham khổ. Trước kia chị cho nhà thuốc mướn bằng dược sĩ nên sống được cộng thêm lương giáo sư của anh cả gia đình sống thoải mái, bởi vì hồi trước anh đang là giáo chức biệt phái bên quân đội, sau khi được thả anh về xin đi dạy trở lại là công nhân viên nhà nước. Còn chị nhà thuốc tư nhân dẹp tiệm bị quốc doanh hết tất cả, chị trở thành công nhân viên bán hàng thôi. Ba năm nay mỗi lần bà trở bệnh là chị lại lấy thêm mấy món đồ xưa của bà đem bán để thuốc thang cho bà, giờ cũng cạn sạch hết đồ rồi.

Tôi định nói một câu với chị nhưng cuối cùng im lặng thầm nghĩ : ‘Chị còn có đồ đạc mang ra bán, còn mình bồng đứa con mới sinh với hai bàn tay trắng, không có cái chén đôi đũa, ai hơn ai ? !’ Tôi hỏi chị:

- Nhà bên kia của anh có thư từ liên lạc với bà không ? Em thấy dạo này những gia đình có người di tản đều có thư vài người may mắn được nhận tiền thân nhân gửi chui về.
- Anh chỉ viết thư kể về sức khỏe của ‘Dì’ thôi, nghe bên ấy nói sẽ gửi thuốc cho Dì qua đường dây bên Pháp.
- Vậy cũng mừng cho anh chị đỡ được phần thuốc men mua cho bà.

Xưa người ta có câu : “Nát giỏ cũng còn bờ tre”. Dù không còn thời vàng son nhưng hơi hướm cũng vẫn đọng lại chút nào đó dẫu rằng đã tả tơi !

oOo

Tôi vừa mới nghe chiếc ấn vàng đã được một người tư nhân mua lại với vai trò là Chủ tịch Hội cổ vật tỉnh với giá tương đương 6,2 triệu Euro và được xếp vào di sản văn hóa của Bộ Văn hóa thể thao du lịch Việt Nam bảo trợ, để không được mang ra khỏi Việt Nam lần nữa. Giống như nàng Kiều sau bao năm truân chuyên lưu lạc, giờ đây chiếc ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo được trở về, ngẫm nghĩ đọc lại hai câu thơ của Tiên Điền tiên sinh cũng an ủi một chút cõi lòng chua xót :

“Trời còn để có hôm nay.Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.”

Cỏ Biển
Mùa xuân Giáp Thìn 2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024