SỐ 101 - XUÂN GIÁP THÌN - THÁNG 1 NĂM 2024

 

Tiếng Chuông Chùa Đêm Mồng Ba Tết

Phạm Tín An Ninh

Ngày tôi vừa tròn ba tuổi, mẹ tôi dắt hai anh em tôi đến ngôi chùa khá lớn nằm trên một triền núi ở quê tôi. Ngày ấy tôi có cảm giác con đường đất đến chùa sao mà quá xa và những bậc tam cấp lên chùa cũng cao tận trời xanh. Nhiều lần, tôi kéo trì tay mẹ, phụng phịu không chịu đi, để ngồi nghỉ chân và nghe bà năn nỉ dỗ dành. Không biết lên chùa để làm gì, tôi chỉ nhớ lúc ấy trời đã chiều, sắp tối, mẹ tôi ôm chặt hai anh em tôi ngồi dưới cái đại hồng chung khá lớn, một vị sư già vừa niệm kinh vừa nện chày vào chuông làm anh em tôi hoảng hồn, khóc thét. Vậy mà kỳ diệu thay, tiếng chuông chùa ngày ấy dường như vẫn còn mãi ngân nga trong tâm hồn tôi, vương vấn biết bao nhiêu điều trong cuộc đời tôi sau này. Và đó cũng chính là hình ảnh và kỷ niệm duy nhất để tôi có thể hình dung đến mẹ tôi mỗi lần nhớ tới bà, bởi đến bây giờ khuôn mặt và cả bóng dáng của bà chỉ còn mơ hồ trong ký ức, chưa bao giờ hiện lên rõ nét trong tôi. Bà đã qua đời sau đó chưa tròn hai tháng. Sau này lớn lên, khi có chút trí khôn, được cha tôi kể lại, mẹ tôi bị bệnh nan y và biết mình sắp chết, nghĩ tội nghiệp cho hai đứa con còn nhỏ dại phải côi cút, nên bà muốn đem hai anh em tôi lên chùa gởi gấm cho Phật bà Quan Âm.

Hôm ấy đúng vào buổi tối Mồng Ba Tết. Và những tiếng chuông chùa Đêm Mồng Ba Tết mãi là một điều kỳ diệu đã bao lần dẫn dắt tôi qua nhiều khúc quanh định mệnh.

Chiếc thuyền nhỏ chứa hai mươi ba người vượt biển. Chúng tôi xuất hành vào đúng giờ giao thừa, nhằm tạo yếu tố bất ngờ. Đặc biệt, vào thời điểm này, hầu hết các “cơ quan” còn đang say rượu Tết.

Dù tổ chức khá vội vàng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhưng nhờ sự khôn ngoan, khéo léo và kinh nghiệm của anh chủ ghe, nên chúng tôi đã dễ dàng qua mặt được đám du kích và công an biên phòng, từng nhóm nhỏ lần lượt xuống bãi an toàn. Khuya ba mươi Tết, nên bóng đêm và tiếng pháo giao thừa cũng đồng lõa, tiễn chúng tôi ra đi với bao nỗi lo âu, háo hức và cả đau đớn nữa, khi nghĩ là mình sẽ vĩnh viễn phải rời xa quê hương.

Ra khơi chưa đầy một buổi thì máy ghe bị hỏng. Người thợ máy lại là một anh chuyên sửa xe hơi, trước 75 làm chủ một garage khá lớn, sau này bị tịch thu đưa vào hợp tác xã. Không biết máy ghe và máy xe hơi có giống nhau không, mà cả một buổi mò mẫm cùng với tiếng cầu kinh, niệm Phật của mọi người mà cuối cùng anh đành chau mày, tuyên bố bó tay, động cơ chiếc ghe vẫn không chịu nổ. Một cơ phận nào đó trong động cơ bị gãy mất, không có gì để thay thế được. Vẫn còn một điều may mắn, thời tiết khá tốt, nên chiếc ghe thả trôi cả một ngày, cứ lềnh bềnh trên mặt biển. Cuối cùng, sau khi bàn thảo, chúng tôi quyết định tìm cách xuôi ghe vào bờ lúc ban đêm, cố tìm một nơi vắng vẻ lẩn trốn, rồi tùy tình hình mà tính tiếp. Điều đáng lo lắng nhất, trong số những hành khách bất đắc dĩ này có sáu người mới vừa từ các trại tù “cải tạo” trở về. Những người đã phải chọn việc bỏ nước ra đi là con đường sống duy nhất. Nếu bị bắt, chắc chắn không tránh được những trận đòn thù ghê gớm.

Tháng 9 năm 1983, sau đúng một năm chuyển tù từ miền Bắc vào trại Z- 30 C ở Hàm Tân, tôi được thả ra với tấm “Giấy Ra Trại” có ghi rõ địa chỉ tạm trú và ba năm quản chế. Về nhà mới bốn ngày, khi chưa kịp làm quen với ba đứa con nhỏ mà khi tôi vào tù, đứa út đang còn nằm trong bụng mẹ, tôi nhận được “Giấy Mời” đến công an thị trấn “làm việc”. Đúng là trong chế độ Cộng sản, có những điều quái đản mà người ta không thể nào tưởng tượng nổi. Sau khi viết mấy hàng chữ ngoằn nghoèo ở phía mặt sau tấm “Giấy Ra Trại” rồi ký tên đóng dấu, tay trưởng công an nghiêm mặt:

- Nhân dân ở đây không chấp nhận cho anh tạm trú. Bây giờ, hoặc là anh tình nguyện động viên đưa vợ con đi kinh tế mới, tôi sẽ trình lên huyện cứu xét giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh. Còn không, tôi sẽ trả anh lại cho trại cải tạo để họ giải quyết.

Tôi hỏi:

- Kinh tế mới ở đâu vậy anh?
- Ở Đá Bàn, một mật khu của chúng tôi lúc trước. Hắn vừa nói vừa chỉ tay lên tấm bản đồ treo trên vách.

Trong đầu tôi bỗng hiện ra cả một vùng rừng núi xa xôi này. Mùa đông năm 1965, đơn vị tôi đã từng hành quân tảo thanh ở đây gần hai tháng, dưới những cơn mưa tầm tã, áo quần không khô kịp, với những cuộc đụng độ lớn mà cả hai bên cùng tổn thất nặng nề. Khi ấy tôi đang làm trung đội trưởng và đã mất một anh trung đội phó và năm người lính. Tôi thoáng tưởng tượng hình ảnh vợ con cùng cực tăm tối như thế nào nếu phải sống ở đây. Hơn nữa, ngay từ những ngày còn trong tù, tôi đã quyết định sau khi ra khỏi trại, phải tìm mọi cách ra đi càng sớm càng tốt, thà cả nhà phải chết trên biển còn hơn là phải sống ở cái địa ngục trần gian của chế độ man rợ này. Tôi dứt khoát:

- Anh cho tôi trở lại trại tù. Các con tôi còn quá nhỏ dại, không thể nào sống nổi ở vùng kinh tế mới này được.

Trở lại trại tù Z 30C, tôi được tên công an “trực ban” đưa lên gặp tay trại phó, cũng là bí thư chi bộ trại. Hắn ta lên giọng:

- Anh đã được đảng và nhà nước khoan hồng, mới về địa phương mấy ngày đã bày trò phản động, nên bị họ trả về đây. Cứ ngựa quen đường cũ là cách mạng không tha cho anh đâu, biết chửa?

Sau hai ngày nằm chờ đợi ở nhà thăm nuôi của trại, tôi nhận lại tấm “Giấy Ra Trại”. Nơi địa chỉ tạm trú được sửa lại với một dòng chữ khá dài: “Trình diện Ty Công An Tỉnh Phú Khánh để đựợc chỉ định nơi tạm trú.” (Vào thời điểm này, Phú Yên và Khánh Hòa bị chính quyền Cộng sản sáp nhập lại thành một tỉnh, với tên Phú Khánh). Tại đây, tôi được chỉ định về trình diện chính quyền nơi sinh quán. Một làng quê thuộc quận cực bắc Khánh Hòa.

Tôi trở về nơi tôi đã sinh ra và từng chứng kiến đám tang của mẹ khi mới vừa ba tuồi, rồi rời xa từ những ngày còn cắp sách đến trường. Ở đó bây giờ tôi chẳng còn có ai thân quen, ngoại trừ duy nhất bà cô Út, đã từ bao nhiêu năm sống trong ngôi nhà từ đường cổ xưa có mái ngói âm dương của ông bà cố tôi để lại. Cô ở vậy, không lấy chồng để phải chứng kiến bao thời cuộc đổi thay cùng nỗi thăng trầm của cả một gia tộc.

Không ngờ, cuối cùng rồi tôi cũng trở về trong vòng tay của cô Út, người đã nuôi nấng, săn sóc tôi khi mới lên ba, sau ngày mẹ tôi sớm bỏ lại anh em tôi, giã biệt cõi đời này. Và cũng không ngờ, ở nơi chôn nhau cắt rốn, tôi gặp lại một số bạn bè thời thơ ấu, thuở cùng học một lớp vỡ lòng dưới mái đình làng, sau này tứ tán mỗi người một phương, hơn ba mươi năm không liên lạc được, trò chuyện một hồi mới nhận ra nhau. Có thằng cũng như tôi, từng bị tù đày nghiệt ngã sau tháng 4/1975, nhưng cũng có thằng học hành chẳng ra gì, bỏ làng lên núi, giờ trở về làm ông lớn trong “chính quyền mới”. Thỉnh thoảng gặp nhau, nó cũng chào hỏi vài câu, nhưng đám bọn tôi luôn dè dặt, đề phòng. Bọn nằm vùng ở địa phương này hầu hết vô học và còn rừng rú, tàn ác hơn cả bọn cộng sản chính hiệu ở các trại tù miền Bắc. Chúng tha hồ hành hạ, nhục mạ bọn tôi, những người lính miền Nam. Bây giờ tôi mới thắm thía thế nào là “nhà tù lớn”. Có lúc bọn tôi nói nhỏ với nhau, giá mà cứ ở lại trong nhà tù nhỏ kia vẫn còn khá hơn, ít nhất là không phải xấu hổ trước những người bà con, thân thuộc, láng giềng và nghe một bọn vô học nói chuyện “cách mạng” hay “làm kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Chính vì điều này, đã gắn kết anh em cùng hoàn cảnh với nhau, và chúng tôi quyết tâm tìm mọi cách tổ chức vượt biên. Tôi có thằng bạn tù rất thân thiết, nhỏ hơn tôi ba tuổi, từng là tiểu đoàn phó Biệt Động Quân, cùng chuyển về Trại Z 30 C và ra tù cùng một lúc với tôi. Còn độc thân, nên anh về ở với gia đình ông anh cả trong khu Xóm Bóng, phía dưới Tháp Bà, bây giờ thuộc thành phố Nha Trang. Ông anh ngày xưa là một hạ sĩ quan Hải quân, bị thương ở Vùng 4 khi phục vụ cho một “giang đoàn xung phong” nên được giải ngũ sớm. Sau này ông vẫn tiếp tục theo mộng hải hồ, ngày ngày ra khơi đánh cá. Ông có chiếc thuyền máy nhỏ, dù đã cũ nhưng được sửa chữa tân trang, chờ thằng em ở tù về. Và chính chiếc thuyền này đã đưa bọn tôi, hầu hết là đám bạn tù và anh em trong nhà, vượt biển vào đúng đêm giao thừa.

Xuống bãi và xuất phát an toàn. Không ngờ chỉ vì một điều không may, một cơ phận trong máy ghe bị gãy, mà nguyên nhân, theo người thợ máy cho biết, đã sử dụng quá tốc độ tối đa trong nhiều tiếng đồng hồ, để cuối cùng phải tìm cách trở vào bờ với bao nỗi phập phồng lo sợ như hôm nay.

Tất cả đàn bà và con nít phải chui xuống hầm ghe. Căng buồm, căng lưới lên để ngụy trang như ghe đi lưới cá trở về. Nhờ anh chủ có kinh nghiệm nhiều năm ở Hải quân cũng như sử dụng chiếc ghe này, giữ cho ghe xuôi theo hướng gió thổi khá mạnh, trôi nhanh về phía đất liền.

Vài chiếc ghe đánh cá khác đi qua, nhưng ở một khoảng cách khá xa, nên không bị lộ. Sau gần ba ngày, chúng tôi nhìn thấy bờ lờ mờ trước mặt khi trời chiều sắp tối. Một số đàn ông nhảy xuống biển, cùng bơi đẩy chiếc ghe đi nhanh hơn. Vậy mà mãi đến tối khuya chúng tôi mới lội được lên bờ. Như kế hoạch đã định lúc còn ngồi trên ghe, mấy thanh niên chuyên nghề đánh cá ở lại cùng anh chủ ghe, dọn dẹp chôn giấu tất cả vật dụng có thể tạo nghi ngờ, kéo ghe lên bờ sửa chữa, như là ghe đi hành nghề thì bị hỏng máy. Số còn lại chia thành ba nhóm nhỏ tìm cách lẩn trốn. Hai cô con gái, em anh chủ ghe (và cũng là em người bạn tù của tôi) được chỉ định tìm cách thoát về sớm để thuê xe người quen đến đón.

Vợ chồng tôi tay dắt tay bồng mấy đứa con, với sự giúp sức của người bạn tù, em anh chủ ghe, và hai người bạn tù đồng hương khác. Trong bóng đêm, chúng tôi chỉ nhận ra trước mặt là những cây dừa cao, không một tiếng động. Xa xa, chỉ có tiếng xe chạy và vài tiếng chó sủa. Đi được một quãng, vợ tôi không may vấp vào tảng đá nhỏ, bị đau chân, không đi được nữa. Tôi giao mấy đứa con cho bạn tôi, cõng vợ trên lưng và tiếp tục mò mẫm trong đêm tối. Bọn tôi nhắm hướng tìm ra gần quốc lộ, nơi có tiếng xe chạy lúc nãy, nhưng bây giờ thì im bặt. Trong khu vườn dừa rộng mênh mông, bị lạc, không còn định hướng được. Bỗng bất ngờ, trong không gian vắng lặng, mấy tiếng chuông chùa vọng lại. Tiếng đại hồng chung ngân nga làm cho lòng tôi như dịu lại, bớt đi phần nào lo sợ băn khoăn. Đi theo hướng tiếng chuông khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi nhìn thấy ánh đèn. Một ngôi chùa mờ ảo trong bóng đêm. Tôi gõ cửa. Một nhà sư hé cửa ra chào và tròn mắt ngạc nhiên. Sau tháng tư 1975, từng chứng kiến một số sư sãi hoạt động hoặc chạy theo cộng sản, lòng cũng thoáng chút băn khoăn, nhưng trong hoàn cảnh này tôi tuyệt đối đặt trọn niềm tin vào sự chở che của chư Phật. Tôi nắm hai tay thầy, nói thật nhỏ: chúng tôi đều là Phật tử, xin thầy cứu giúp chúng tôi.

Có lẽ đã đoán ra được điều gì, nhà sư nhanh trí, tắt ngọn đèn dầu trước cửa, rồi vội vã kéo chúng tôi vào. Ông gọi thêm một nhà sư nữa và hai chú tiểu, đưa chúng tôi vào phòng riêng của ông, đóng kín cửa, bảo lấy hộp thuốc cứu thương để chữa trị bàn chân của vợ tôi, đang bị sưng vù và chảy máu.

Khi đang phụ thầy băng bàn chân cho vợ, nghe tiếng lộc cộc, tôi ngước lên nhìn, một vị sư khác chống hai cái nạng gỗ bước vào. Thấy vị sư trẻ và hai chú tiểu cung kính chào, tôi đoán ông là sư trụ trì của chùa này. Khi ông bước đến gần, tôi bỗng giật mình, đứng lên nắm lấy tay ông:

- Thưa thầy, có phải thế danh của thầy là Khanh, Lê Đình Khanh?

Thầy tròn mắt nhìn tôi và nhận ra tôi ngay. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi giới thiệu mấy thằng bạn tù và vợ con tôi, nói vội lý do vì sao mà lạc bước tới đây. Ông bảo nhà sư trẻ lo cơm nước cho chúng tôi và lấy áo quần cải trang chúng tôi như là những phật tử đến thăm chùa. Ông cho biết khu này nằm giữa Cam Ranh và Ninh Thuận, và bảo chúng tôi yên tâm, rạng sáng ngày mai ông sẽ nhờ một Phật tử rất thân tín, là chủ chiếc xe đò nhỏ có nhà ở gần đây, đưa chúng tôi về lại Nha Trang. Vì thế nào bọn công an cũng sẽ tìm đến sớm. Ông sắp xếp chỗ ngủ cho vợ con tôi, đưa tôi và mấy người bạn tù sang phòng riêng của ông. Suốt đêm hôm ấy, thầy và tôi không ngủ, chúng tôi trở về vai trò của hai người bạn ngày xưa, ngồi sát bên nhau nói chuyện thâu đêm. Đặc biệt chuyện thầy bị thương làm mất hai cái chân và quyết định xuất gia vì không muốn gây khổ lụy, khó khăn cho người vị hôn thê ngày ấy. Thầy bảo tôi cứ gọi thầy là bạn và hỏi tôi có còn nhớ Liên Hương, bây giờ không biết cô ấy ra sao. Nhắc tới Liên Hương, bỗng nhớ tới trận chiến Tết Mâu Thân, tôi hỏi thầy:

- Bạn còn nhớ tiếng chuông chùa đêm mồng ba Tết Mậu Thân đã cứu anh em và cả đại đội mình thoát chết?

Ông trầm ngâm giây lát rồi gật đầu:

- Và cũng chính tiếng chuông ngày ấy đã dẫn dắt tôi vào cõi tu hành hôm nay đây.

Như vừa bất ngờ khám phá ra một điều kỳ diệu, tôi quên giữ ý, choàng qua vai thầy:

- Bạn có thấy sự trùng hợp kỳ lạ không? Tối qua cũng là đêm mồng ba Tết, cũng nhờ tiếng chuông chùa của bạn mà chúng tôi tìm đựợc đến đây.

Một mảng quá khứ nữa lại hiện lên từ ký ức của tôi.

Đầu năm 1967, sau một cuộc hành quân dài hạn ở Lâm Đồng, tiểu đoàn tôi được lệnh di chuyển về Đa Nhim bảo vệ an ninh cho công trường xây dựng nhà máy thủy điện. Anh đại đội trưởng vừa bị thương trong trận tao ngộ chiến với một đơn vị địch tại vùng Di Linh, tôi được chỉ định tạm thời thay thế.

Sau gần hai ngày hành quân tảo thanh quanh khu vực Sông Pha, chưa kịp nghỉ ngơi, đại đội tôi có lệnh biệt phái cho Tiểu Khu Ninh Thuận để tham dự một cuộc hành quân hỗn hợp. Đại Đội có nhiệm vụ tùng thiết một Chi Đoàn Thiết Quân Vận, phối hợp với Hải Quân, Duyên Đoàn 27, đổ bộ đột kích bất ngờ vào Sơn Hải, ngôi làng hẻo lánh nằm ven biển, bị địch chiếm đóng từ nhiều tháng trước và đang tổ chức thành một sào huyệt kiên cố. Lực lượng địch gồm một đại đội địa phương và các toán du kích. Có thể có cả ban chỉ huy tỉnh đội.

Ngôi làng nằm cách biệt những vùng dân cư khác, sát biển, giữa một bên là những động cát mênh mông, một bên là thung lũng tiếp giáp với khu rừng khá rộng. Địch quân chọn vị trí này làm sào huyệt vì nằm ngoài tầm Pháo Binh diện địa, hơn nữa, các đơn vị của ta khó tiếp cận, muốn đến đây phải băng qua một sa mạc cát, vừa mất sức lại dễ bị phát hiện, và nếu có biến động, chúng sẽ thoát ra biển bằng ghe xuồng, hoặc chạy biến vào khu rừng bên cạnh. Lần này chúng không ngờ cuộc hành quân phối hợp qui mô gồm lực lương Duyên Đoàn, Bộ binh và thiết vận xa M- 113 từ biển đánh vào, chúng không còn con đường nào khác để thoát thân.

Sau chiến thắng này tôi được ông Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn cho đặc cách thăng cấp trung úy và chính thức làm đại đội trưởng, thay thế người tiền nhiệm, có lệnh thuyên chuyển đến một tiểu đoàn khác làm tiểu đoàn phó, khi ông cũng vừa nhận quyết định thăng cấp lên đại úy.

Sau hơn một tuần được nghỉ và khao quân tại bờ biển Ninh Chữ, quê hương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, như một phần thưởng dành cho chiến thắng lớn bất ngờ, đại đội tôi nhận lệnh trở về gặp tiểu đoàn tại Tháp Chàm, để cùng di chuyển vào Bình Thuận, phối họp với một lực lượng Thiết kỵ Hoa Kỳ, hành quân giải tỏa Mật Khu Lê Hồng Phong, một mật khu nổi tiếng của Cộng quân, chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn từ rừng núi xuống bở biển, kể cả một đoạn đường hỏa xa và Quốc lộ số 1 dài hơn 40 cây số, mà nhiều năm lực lượng của ta chưa hoàn toàn chiếm lại được.

Khi đến Tháp Chàm, đại đội tôi được bổ sung một sĩ quan cùng một số hạ sĩ quan và binh sĩ. Người sĩ quan đến trình diện tôi là một Thiếu úy, cao lớn, khá đẹp trai. Sau này tôi biết anh nguyên là một sĩ quan Quân Cảnh, tốt nghiệp ở Thủ Đức sau tôi hai khóa, nhưng không biết vi phạm điều gì, bị đưa ra Bộ Binh. Thời gian đầu, biết anh chưa quen với chiến trường, nên tôi đề nghị ông tiểu đoàn trưởng, để anh tạm đi theo tôi, thay vì ra nắm trung đội. Do hợp nhau nhiều điểm, nên chúng tôi sớm trở thành bạn thân. Ngoài những lúc bận hành quân, chúng tôi thường đi chơi chung và tâm tình đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

Hơn hai tháng cùng với một đơn vị Thiết kỵ của Hoa Kỳ dẫm nát Mật Khu Lê Hồng Phong và giữ an ninh cho Công Binh Sư Đoàn thiết lập hai căn cứ Nora và Mara, giao lại cho lực lượng Địa phượng quân trấn giữ, tiểu đoàn tôi tăng phái cho Tiểu Khu Bình Thuận, cùng với Chi Đoàn Thiết Kỵ, chúng tôi tổ chức hành quân tảo thanh các vùng tương đối bất an, Tà Dôn, Tùy Hòa, Bình An, Tầm Hưng, Thiện Giáo. Sau mỗi lần hành quân, chúng tôi được kéo về nghỉ quân tại hậu trạm Trinh Tường, nằm bên vành đai thành phố. Phan Thiết là một thành phố nhỏ, nhưng dân chúng rất hiền hòa, hiếu khách, đặc biệt có nhiều cô con gái đẹp, nhất là các nữ sinh trường trung học Phan Bội Châu. Đám sĩ quan trẻ bọn tôi gần như thằng nào cũng có một cô bạn gái. Lúc này, bạn tôi, Thiếu úy Lê Đình Khanh may mắn có cô bạn Liên Hương, hiền lành, xinh xắn dễ thương. Liên Hương không phải nữ sinh mà đã là cô giáo, vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn . Đôi tình nhân này mặn nồng và bền chặt nhất trong đám bọn tôi.

Thấy Khanh là sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất, và tính tình dễ mến, nên tôi đề nghị Khanh lên làm đại đội phó, một chức vụ đang còn khiếm khuyết, nhưng do anh bị chuyển ra khỏi ngành Quân Cảnh, lại không có kinh nghiệm tác chiến, nên tôi phải xin nhiều lần ông tiểu đoàn trưởng mới chịu gật đầu. Từ đó, chúng tôi lại càng gần gũi nhiều hơn, nhờ vậy tôi có nhiều dịp được gặp, quen biết thân tình hơn với Liên Hương, người yêu của Khanh. Quê ở vùng biển Mũi Né, tiếp giáp với mật khu Lê Hồng Phong, mất cha từ sớm, nên từ lúc nhỏ đã sống cùng ông bà ngoại, chuyên nghề làm nước mắm. May mắn được ông cậu cả, chưa lập gia đình, hết lòng yêu thương, chăm sóc, chỉ vẽ học hành. Sau này ông đi tu và lập một ngôi chùa ở Phan Thiết. Thời gian dạy học ở đây, Liên Hương thường về chùa thăm, có khi ở lại một vài tuần với ông cậu, bây giờ đang là sư trụ trì.

Cuối năm 1967, do một “biến cố bất ngờ”, tôi được điều động về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, bàn giao đại đội (và cả Khanh) lại cho một sĩ quan Khóa 19 Thủ Đức, (sau tôi một khóa và trước Khanh một khóa)

Đầu năm 1968, Trung Đoàn tôi hành quân trong khu vực ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Tết đến, đơn vị được tạm nghỉ quân, riêng tiểu đoàn 3 (đơn vị cũ của tôi) bố trí dọc theo quốc lộ, từ Cà Ná đến Tuy Phong. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, đóng quân tại nhà máy nước suối Vĩnh Hảo.

Rạng sáng mồng ba Tết, nhận lệnh từ Quân Đoàn, tìm mọi phương tiện di chuyển khẩn cấp về giải tỏa Phan Thiết. Thành phố này bị một lực lượng hùng hậu của Cộng quân bất ngờ tấn công từ tối hôm qua, và đang chiếm giữ nhiều vị trí trọng yếu. Lực lượng diện địa của Tiểu Khu và Cảnh sát đã anh dũng chiến đấu, nhưng không đủ khả năng ngăn chặn và đẩy lui địch quân khi chúng đang được tăng cường. Đặc biệt, các lực lượng Hoa Kỳ trú đóng trong thành phố không hề bị tấn công và họ cũng hoàn toàn bất động, không tiếp ứng quân ta.

Tiểu đoàn 3 di chuyển theo sau Chi Đoàn 4/8 Thiết Quân Vận. Riêng đại đội của Khanh được tùng thiết, mở đường tiến vào thành phố Phan Thiết, cách điểm xuất phát Vĩnh Hảo khoảng 90 cây số. Đến Phú Long, một xã nằm bên ngoài thành phố, chúng tôi bị một đơn vị Cộng quân án ngữ phục kích, bất ngờ tấn công bằng B.40 và nhiều loại vũ khí cộng đồng. Nhở hỏa lực trên các M- 113 và đại đội Bộ binh tùng thiết tinh nhuệ, nên kịp thời phản phục kích, cày nát hầm hố, tiêu diệt nhanh chóng đám địch quân. Tuy nhiên bên ta, bị thiệt hại một M- 113 và đại đội của Khanh có sáu người bị thương, trong đó có anh đại đội trưởng. Vì đại đội của Khanh là mũi tiến công chính, nên ông trung đoàn trưởng ngại khả năng và kinh nghiệm của Khanh, đã chỉ định tôi tạm thời ra thay anh đại đội trưởng vừa bị thương để chỉ huy đại đội. Ông nghĩ là tôi biết rõ đại đội này vì đã từng đảm trách nhiều năm trước đó, cũng như địa hình trong khu vực hành quân, Tôi theo xe tản thương đến nhận đại đội, bắt tay Khanh, báo cho anh Chi Đoàn Trưởng và tiếp tục hành trình.

Tiểu Khu cho chúng tôi biết địch đã chiếm trường Trung học Phan Bội Châu, nằm ngay cửa ngõ vào thành phố, và tổ chức một lực lượng hùng hậu với công sự kiên cố dọc theo vòng đai, cùng một hàng rào bằng những thùng phuy đầy xăng giăng ngang quốc lộ, để đánh chặn thiết giáp cùng đoàn quân tiếp viện. Chi đội Thiết Quân Vận đi đầu bị tấn công bởi hỏa lực mạnh mẽ của địch. Một M- 113 bị hư hại. Chúng tôi nhận lệnh lui ra bố trí bên ngoài, và sẽ tấn công vào lúc nửa đêm để tránh sự phát hiện của địch. Kế hoạch được thay đổi. Thay vì đánh thẳng vào hướng Trường Phan Bội Châu theo Quốc Lộ, nỗ lực chính gồm Chi Đoàn 4/8 TQV được một đại đội Bộ binh tùng thiết, sẽ tiến theo con hương lộ bên phải, được các toán thám báo tiền sát ghi nhận là không có sự xuất hiện của địch, sau đó bất ngờ đánh vào khu vực Sân Vân Động, được tin tức tình báo ghi nhận là nơi địch đặt bộ chỉ huy.. Một đại đội phân tán, mở rộng đội hình đánh vào Trường Phan Bội Châu, với nhiệm vụ nghi binh, đánh lạc hướng địch, sau đó tiến về hướng Sân Vận Động để hổ trợ và phối họp với nỗ lực chính. Đại đội tôi trách nhiệm bên cánh trái, tiến vào bắt tay lực lượng tại Ty Cảnh sát, làm đầu cầu cho nỗ lực chính khi từ Sân Vân Động tiến đánh về phía Tiểu Khu. Tôi bỗng nhớ tới ngôi chùa toạ lạc trong khu vực này, nắm bên trái Quốc lộ khoảng 700 m, ngay phía trước tuyến xuất phát của đại đội theo kế hoạch hành quân. Đó chính là ngôi chùa của cậu cô Liên Hương, người yêu của Khanh. Tôi đã từng theo Khanh đến đây vài lần nên biết qua địa thế. Tôi đề nghị Khanh chia đại đôi làm hai cánh, tiến quân xâm nhập theo hai bên hông chùa. Đêm mồng ba, trời đen như mực. Khi chúng tôi đến tuyến xuất phát và chuẩn bị mở đội hình, bỗng nghe tiếng chuông đại hồng chung vang vọng trong một khoảng không gian im lặng đến rợn người. Tôi có cảm giác khác thường, vì tiếng chuông không khoan thai mà dồn dập, kéo dài nhiều tràng không dứt.

Linh tính cho biết có điều gì không ổn. Tôi bảo Khanh bỏ hướng tấn công này, chuyển xa hơn khoảng một cây số. Cuộc đột nhập thành công. Trung Đoàn chúng tôi đã tạo được chiến thắng lẫy lừng. Đánh tan lực lượng địch, giải tỏa hoàn toàn thành phố Phan Thiết, đặc biệt là khu vực lao xá, nằm sát bên tòa tỉnh, bị Cộng quân chiếm rồi cố thủ.
Sau đó, chúng tôi gặp lại Liên Hương. Cô cho biết, hôm ấy chính cô là người đã liên tiếp đánh đại hồng chung, khi bất ngờ phát hiện rất nhiều Việt cộng đào hầm hố nằm phục hai bên hông chùa, nên đã báo cho ông cậu, sư trụ trì, và xin dộng chuông báo động cho quân ta, mà Liên Hương tin chắc là sẽ có chúng tôi trong đoàn quân tiếp viện.

Ngay sau trận Mậu Thân, tôi trở về lại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, bàn giao đại đội lại cho Khanh. Toàn bộ đơn vị di chuyển về trú đóng tại Sông Mao, bản doanh của Sư Đoàn 5 lúc trước do Đại Tá Vòng A Sáng để lại, sau khi đại đơn vị này di chuyển vào Quân Đoàn III mấy năm trước đó..

Mấy tháng sau, Khanh tìm gặp tôi báo tin và mời tôi về Phan Thiết dự lễ đính hôn của anh và Liên Hương. Rất tiếc, đúng ngày ấy, tôi phải tháp tùng ông Trung đoàn trưởng về dự một cuộc họp tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở Ban Mê Thuột, nên không có mặt để chung vui. Tôi chỉ nói lời chúc mừng và hẹn đến ngày đám cưới, nhất định tôi sẽ xin được làm phụ rể.

Nhưng tôi không bao giờ có cái diễm phúc ấy. Chỉ một tháng sau ngày đính hôn, khi tham dự cuộc hành quân ở Quảng Đức, Khanh bị mìn, mất cả hai chân. Cũng từ đó tôi mất liên lạc với Khanh. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, kéo tôi theo như cơn lốc xoáy. Năm tháng cùng đơn vị sống chết với chiến trường Kontum, Pleiku. Chúng tôi đã tạo bao chiến thắng lẫy lừng để giữ vững vùng Tây Nguyên trọng yếu này, nhưng rồi theo vận nước điêu linh, cuối cùng phải làm kẻ bại trận với bao nhiêu điều đắng cay tức tưởi.

Khanh kể lại, Liên Hương thường xuyên vào Tổng Y Viện Cộng Hòa chăm sóc và dù đau đớn lắm, vẫn tỏ lòng yêu thương chung thủy với Khanh. Mặc dù Khanh tìm mọi cách hất hủi, chối từ, nhưng Liên Hương vẫn quyết liệt, chờ Khanh xuất viện, làm chân giả xong hai người sẽ làm đám cưới. Xuất viện, Khanh ghi danh học tạm ở Đại học Vạn Hạnh, nhưng dành nhiều thì giờ để nghiên cứu về đạo Phật. Liên Hương vẫn thường đến thăm nom và hối thúc Khanh làm đám cưới. Tình yêu đó đã làm Khanh vô cùng cảm phục, nhưng anh không muốn một người con gái xinh đẹp và đạo hạnh như Liên Hương phải sống với một người chồng tật nguyền, không có chút tương lai. Cuối cùng Khanh đã quyết định tìm cho người yêu - và cho cả chính mình - một lối thoát. Anh xuống tóc qui y.

Không muốn cho Liên Hương phải khổ tâm tìm kiếm, Khanh đã dành dụm tất cả tiền bạc của mẹ cha để lại, lập ngôi chùa này. Ngôi chùa đã cứu chúng tôi bằng những tiếng chuông đại hồng chung, cũng vào một đêm mồng Ba Tết.

***

Khi ngồi viết lại những dòng này, thì nhà sư, người bạn đồng đội bất hạnh nhưng rất chí tình của tôi không còn trên thế gian này nữa, và cũng không biết có khi nào cô giáo Liên Hương đã gặp lại anh không.

Mỗi năm, cứ đến đêm Mồng Ba Tết, tôi lại thấy lòng mình dâng lên nhiều bâng khuâng, cảm xúc. Có điều gì trùng hợp với tiếng chuông chùa, mà năm tôi vừa mới lên ba, mẹ tôi đã ký thác anh em tôi cho Phật Bà Quan Âm, trước khi rời bỏ thế gian đầy nghiệp chướng, khổ đau này?

Phạm Tín An Ninh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024