Anh bây giờ ở đâu
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Còn lại mình tôi ngồi đợi ở một chiếc ghế đá dọc lề đường, Diễm và Thùy thì đi loanh quanh tìm thợ chụp hình dạo để thực hiện cái sở thích mà đa số con gái đều có. Đó là một buổi tối các nàng rủ nhau dạo chơi trên các vỉa hè ngắm phố xá sáng rực ánh đèn. Các cửa hiệu trưng bày hàng hóa đẹp mắt nhưng tôi không mua gì, bởi vì tiền xài vặt của chúng tôi còn lệ thuộc vào ba má nên chỉ đủ rủ nhau vào quán kem rồi chụp vài tấm hình là cùng. Tôi lơ đãng nhìn bối cảnh chung quanh, gần đó có một chị ngồi bán bắp nướng, tay chị phe phẩy quạt lửa đẩy làn khói bay vào không khí thoang thoảng mùi thơm dễ chịu.
Mắt tôi vẫn làm việc của nó, và thấy một người mặc quân phục rằn ri, đầu đội Béret Nâu từ phía đối diện tôi đi tới. Anh ta xăm xăm tiến tới chỗ tôi ngồi bằng những bước sải. Tôi vội quay đầu nhìn sang hai bên xem có ai đứng gần nhưng không có ai, vậy chắc chắn là anh đang đi về chỗ tôi. Vội tua nhanh những khuôn mặt của người quen trong trí nhớ xem có anh ta không? Không có! Còn chưa kịp nghĩ gì thì anh đã đứng ngay trước mặt rồi. Thái độ của anh như quen biết tôi từ lâu:
- Chào cô bé, anh muốn nhờ cô bé chuyện này. Anh đang bị mấy đứa bạn làm khó dễ, tụi nó thách thức anh một việc hơi vượt khả năng. Anh không biết làm sao để không bị chế giễu là… là…!
Tôi chớp mắt nhìn anh, sự tự nhiên của anh khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng thái độ của anh không có vẻ đùa cợt, cả cách xưng hô không khách sáo với một người mới gặp như thế, nên tôi cũng lên tiếng như đối với người lớn hơn:
-…nhưng anh nói với em làm gì?
- Vì anh cần sự giúp đỡ của em, chỉ có thể là em…
Tôi lại chớp mắt, hơi cau mày tỏ vẻ không hiểu. Anh nói:
- Hãy giúp anh, anh sẽ chia “phần thưởng” cho em…
- Không đâu, em không muốn nhận cái gì hết khi chưa biết mình phải làm gì…!
- Tụi nó thách đố rằng nếu anh làm quen được với em thì tụi nó mất cho anh… muốn gì cũng được! Nên chỉ cần em giả bộ vui vẻ, nói nói cười cười một lúc, không thẳng thừng đuổi anh xê ra chỗ khác là coi như anh thắng.
- Đơn giản vậy thôi sao?
Người ấy gật đầu:
- Ừ! Đơn giản vậy thôi. Cám ơn em vì đã nghe anh. À! Anh cũng cần em cho anh biết số nhà luôn, để khi lãnh “giải” anh mang đến cho em…
Tôi ngớ ra mấy giây, rồi tôi bối rối vì trước một chuyện đột ngột mà người lính xa lạ này mang đến. Nhưng trước mặt tôi là một người lịch lãm và vui vẻ, dù chỉ mới vài phút nhưng tôi không cảm thấy đây là người đáng cho vào danh sách phải đề phòng! Ngược lại tôi thấy cảm tình…mới chết! Không lạ khi bầy con gái có máu nghịch ngầm thường lấy địa chỉ các đồn cảnh sát, nhà bảo sanh hoặc một công sở nào đó mang sẵn trong túi, để đưa cho các chàng hay lẽo đẽo theo làm quen xin số nhà, nhưng lần này tôi lại không thể làm như thế, cũng chưa quyết định cho địa chỉ thật của mình. Gõ điếu thuốc lên chiếc hộp quẹt Zippo rồi gắn lên môi, anh nói:
- Trong khi chờ đợi “cho anh xin số nhà…”, em có thể cho biết tên? Còn anh là Nguyên!
Ồ! Hơi vượt qua yêu cầu chỉ cần “..nói nói cười cười..” rồi, anh hỏi liền những điều lẽ ra phải sau những chuyện con cà con kê, tôi hiểu đây là một cách làm quen của anh:
- Tên của anh có ở bảng tên trên túi áo, không giới thiệu em cũng biết mà…
- Vậy để cho công bằng, em vui lòng cho anh biết tên nhé. Người xinh thì chắc tên cũng vậy.
Tôi nhoẻn miệng cười vì lối nói của Nguyên:
- Dạ! Em tên Khánh.
Diễm và Thùy đã quay lại cùng với chú thợ chụp hình, thấy một anh lính đẹp trai, hào hoa phong nhã đang nói chuyện với bạn mình thì chưa chào Diễm đã lập tức nói liền:
- Mới đi một chút mà ở đây mày đã phản bội tụi tao có người mới rồi hả?
Thùy là đứa nói nhiều và nghịch nhất bọn, nó không ngần ngại hỏi ngay:
- Anh ấy là ai?
Tôi nháy mắt, khẽ lắc đầu ngầm bảo nó đừng hỏi nữa. Nhưng Nguyên đã trả lời:
- Lính rừng mới về thành phố, hân hạnh được biết các cô. Hai cô là bạn của Khánh?
Thùy lại nhanh nhẩu trả lời:
- Dạ! Tụi em là bè lũ, là cá mè một lứa, là băng đảng với nhau…
Diễm đập tay vào vai Thùy:
- Đừng nói giỡn nữa. Chú chụp hình đợi kìa…
Câu chuyện tạm dừng. Ba tà áo dài đứng nép vào nhau, miệng cười cười, đầu nghiêng nghiêng làm dáng. Chú phó nhòm chụp xong mấy tấm, rồi gợi ý:
- Các cô không mời anh Mũ Nâu cùng đứng vào chụp một tấm kỷ niệm sao...
Nguyên do dự nhìn tôi, có vẻ chờ sự đồng ý. Diễm dịu dàng nói:
-Dạ! Anh đứng vào cùng chụp hình với tụi em nhé.
Vô tình hay cố ý? Nguyên bước vào đứng cạnh tôi, những tấm hình tình cờ rồi đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của tôi. Tôi chợt thấy thích cái Béret Nâu của Nguyên, nên ngỏ lời mượn đội để chụp riêng một tấm. Trước khi trả lại mũ, tôi săm soi cái huy hiệu gắn trên mũ trầm trồ “Đẹp quá!”. Nguyên nói:
- Đó là “Thần tiễn”, huy hiệu binh chủng của anh.
Chú thợ chụp hình ghi biên lai hẹn ngày giao hình, Nguyên muốn trả tiền, chúng tôi giành qua, giành lại nhưng chú lại lấy tiền từ tay Nguyên. Thùy giả bộ bí xị như bị mất phần:
- Anh trả như vậy mắc công tụi em…mang ơn! Khó ưa quá!
Nguyên cười xòa:
- Em nói anh khó ưa, nhưng anh tự xét thấy mình rất…không phải như vậy!
Nguyên ghi KBC của anh để khi có hình thì tôi sẽ gởi cho anh, vì có Thùy nên việc Nguyên cần số nhà của tôi không khó. Tôi nghe loáng thoáng nó còn nói nhỏ với nguyên “Hối lộ đi, em sẽ làm cái gạch nối giữa hai người!”. Tôi liếc nó một cái dài hơn đường xích đạo, nhưng nó đâu có ngán tôi, thích nói gì đó là quyền của nó mà. Trước khi chia tay ra về tôi hỏi Nguyên:
- Nãy giờ mấy người bạn của anh chắc đợi anh dài cổ?
Nguyên cười hỏi nhỏ:
- Em nghĩ là anh có mấy người bạn nào đó thật ư?
Cho dù không phải là tình cờ nhưng Nguyên đã tự tin tạo ra cơ hội làm quen, tôi thấy vui vì điều đó. Thời chinh chiến, mọi người lính đều nhận được sự cảm mến của người dân. Còn trong suy nghĩ của tôi, họ là người hùng, là người gánh trên vai trọng trách bảo vệ sự bình yên cho hậu phương trong đó có tôi, và trước mặt tôi là một người trong số đó, nên dễ hiểu vì sao Nguyên chiếm được cảm tình của chúng tôi ngay. Tôi còn gặp lại Nguyên một lần nữa trước khi anh về lại đơn vị.
Rồi những cánh thư bắt đầu đi, về kết nối tình thân, như một chuyện thường tình phải đến, tôi thành “Người yêu của lính” cũng từ đó tôi hay mơ mộng, hay đứng nhìn lên bầu trời đầy mây như chờ thơ từ trên đó rớt xuống.
“Chiều nay như những buổi chiều
Nhớ ai hồn thấy thật nhiều xót xa
Đời phong sương biết đâu nhà
Anh nơi biên trấn nên xa em hoài…”
Thư gởi cho Nguyên tôi hay để vào đó một cánh hoa ép, hay rắc vài giọt dầu thơm vào lá thư trước khi bỏ vào phong bì dán lại, Diễm và Thùy thấy là trề môi “Bả sến chịu hổng nổi”. Ừ! Tôi là vậy đó, là người yêu của lính tôi còn biết lo lắng khi nghe bất cứ ở đâu có tiếng súng. Tôi càng thương Nguyên nhiều hơn vì sự gian nguy mà một người lính là anh phải đối mặt.
Tôi chợt không muốn tham gia vào các cuộc vui vì nghĩ đến người tôi yêu đang gian khổ nơi rừng sâu, tôi thích ngồi một mình rồi buồn bã “Này chiếc bóng kia sao mày cô đơn đến vậy?” Tụi bạn của tôi ngán ngẫm vì sự thay đổi đó:
- Chuyện tình của mày hãy để dành mà viết tiểu thuyết, vì lâm ly quá. Tại vì đâu mà khiến một kẻ ham rong chơi bỗng biến thành người ở ẩn?
Tôi phân trần:
- Tình yêu là thứ không ai có thể thắc mắc tại với bị làm gì. Cứ sao y bản chánh! Anh sao thì em vậy bởi vì tuy hai mà một. Người ta đang đối mặt với muôn ngàn hiểm nguy làm sao mình yên tâm mà vui chơi, thế thôi...
Ai đã từng yêu thì sẽ cảm thông nỗi lòng của tôi. Ai sống trên một đất nước có chiến tranh loạn lạc sẽ yêu thương người lính. Huống chi người tôi yêu đang nơi tuyến đầu lửa đạn, sự gian khổ của anh là nỗi xót xa của tôi.
oOo
“Ta yêu nhau mùa Xuân để rồi tàn theo mùa Xuân…”. Câu hát của ai đó nói về một cuộc tình tàn nhanh quá! Còn tôi “Ta yêu nhau mùa Xuân…” nhưng tàn theo mùa gì? Bây giờ là mùa Hạ.
Mọi thứ đang xáo trộn, báo hiệu những điều rất tệ sắp xảy ra, như mọi thứ bị tung lên không trung rồi rơi tan tác khắp nơi, cuộc sống không còn bình yên nữa. Ngày cứ nối tiếp theo nhau và ngày cũng dài ra như gộp bao nhiêu thời gian vào chữ đợi chờ. Tôi không liên lạc được với Nguyên nữa mà cũng không biết hỏi thăm tin tức về anh ở đâu. Tôi sống nơi một vùng đã im tiếng súng và phải tập dần quen với nếp sống mới, nhưng những nơi khác chiến sự vẫn đang rất căng thẳng chưa đến hồi kết thúc và không thể đoán trước được những gì Nguyên và đồng đội phải đối mặt. Tôi không xé hồn ra mà cái đau vẫn thấm tận xương tủy. Nỗi lo lắng khiến tôi không còn cảm thấy những khó khăn cũng đang đến với mình.
Tôi sẽ chờ đợi và chấp nhận những điều xảy ra. Tin rằng mọi thứ trên đời đều theo luật tự nhiên, như đóa hoa dù bị dốc ngược nó vẫn uốn cành vươn lên nếu nó còn sống. Con người dù bị hoàn cảnh nghiệt ngã cũng phải tìm cách đứng dậy bằng cách này hay cách khác. Tôi sẽ bám chặt vào niềm tin để sống...
Có một điều không có câu trả lời, sau mấy mươi năm vẫn cứ đeo đẳng trong lòng tôi “Anh yêu dấu! Anh bây giờ ở đâu? Chúng ta có còn gặp lại nhau không?”
Hồ Thụy Mỹ Hạnh |