Cái cần xé
Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi
Trưa thứ Bảy nhớ có party, tôi gọi Quân:
- Hello Quân.
- Tấn, gì vậy, đừng nói ông kẹt này kia…
- Tới chớ. Đem theo một người OK không.
- Đâu có sao… ai vậy tôi biết không.
- Không, bà con tôi, anh Minh bên Canada qua ăn đám cưới con của người bạn; để ổng ở nhà cũng được nhưng muốn rủ đi cho vui.
- Ổng mà hòa đồng thì vui, không thì chán rán chịu.
- Thực tình thì tôi cũng không hiểu ảnh nhiều, chỉ gặp nhau lúc tôi nhỏ ở Quảng Phú. Ổng mới vượt biên qua mấy năm.
- Vậy chắc OK, cùng là dân đi ghe hết mà. Chiều gặp.
- See you. Cám ơn.
Lái xe trong vùng Fairfax vào mùa hè là chạy dưới những tàng cây xanh ngát. Có những đoạn, đường nhỏ, cong quẹo, dài; tôi ôm cua chậm dưới vòm lá hai bên đường đấu liền với nhau trên đầu, lốm đốm vài ô trời xanh dương pha nắng chiều vàng loé, không khỏi nghĩ lan man, hỏi:
- Anh Minh thấy đường sá đây sao? Những con đường này khiến người ta gọi đây là “Đất tình nhân”.
- Đẹp. Duy Tân, Cường Để vòm không dày nhưng cao hơn. “Đất tình nhân” mà khi ngồi trong xe nói lời chia tay thì chắc trời tối sầm lại.
- Hà hà… Còn Toronto?
- Đường cũng đẹp nhưng ít có vòm.
- Hồi bên đảo sao không xin đi Mỹ?
- Chán. Đi đâu cũng vậy.
- Bên đó anh làm gì?
- Lớn tuổi, làm gì qua ngày là được rồi.
Tôi liếc qua anh, “xuôi xị cỡ này mà bay từ Canada qua ăn cưới con của bạn cũng lạ đây”, “chắc chỉ gợi chuyện bạn bè, đồng hương đồng khói mới chịu rôm rả”. Nhà Quân trong vùng này, kiểu xưa, bề thế, sân trước và dọc vách là cây cảnh, hoa lá tươm tất; đất chung quanh khoảng 5 mẫu Anh, mênh mông cỏ, đều rỉ, xanh rì.
Đường vòng trong đất phía trước đậu đầy xe. Tôi mở trunk lấy hộp cognac, nhìn lên thấy anh Minh rút từ trong xách tay hộp màu vàng, có hình chai rượu cổ lùn đỏ thắm từa tựa XO. Anh Minh đã tặng tôi chai Remy XO khi mới tới nhà. Thấy mắt tôi, anh nói:
- Whisky dân Canada thích, Vương miện “Crown Royal”.
- Anh thủ hồi nào vậy.
- Ờ….qua duty free thì bốc vài chai…không bao nhiêu.
- Bên này tụi Mỹ khoái whisky. Phe ta cũng bắt đầu chơi nó nhiều. Món này lạ đa.
Quân bước ra khi tôi và anh Mình vừa lên tam cấp.
- Anh Minh đây sao, giàn giá coi cứng cáp quá đi chớ! Còn cao hơn tụi này.
- Tụi nó kêu “giặc lái” mà.
Quân đón hai hộp rượu:
- Mời, mời vô nhà… bất ngờ gặp mà anh rượu chè gì lỉnh kỉnh… Em xin nhận, ồ…nghe nói chai này là number one của Canada đây mà.
- Hình như vậy, tôi không rành nhưng nghe bên này chuộng whisky...hân hạnh biết anh…
- Ô… kêu em là Quân… xin anh tự nhiên, chỗ anh em hết mà…Tấn nói anh cũng có lúc ở Quảng Phú, em quê Ông Trịnh, em đi 75 lúc còn nhỏ, mình coi như đồng hương đi, anh chịu không?
- Ô…vậy sao… nhà cửa vườn tược anh khang trang quá!
- Cám ơn anh… mình vô, vô đi…cũng đã gần đông đủ.
Các phòng rộng, thông thoáng; khách đứng ngồi khắp nơi, cầm ly trò chuyện từng nhóm. Tiếng cười nói trẻ trung rộn ràng. Quân đưa ly rượu lên cao nói lớn:
- Đa số đã biết anh Tấn cùng làm network với tôi, còn anh Minh đây là bà con của Tấn từ Canada qua chơi.
Mọi người cho một tràng vỗ tay “welcome to USA!” rân vang, một anh đem đến mời anh Minh ly cognac trong khi tôi đi rót một ly cho mình và loanh quanh một khoảnh bắt tay bạn bè. Bà xã Quân lách người tới phía trước.
- Đây là … à.. cũng tên Minh, vợ em.
- Dạ chào anh Minh, cám ơn anh tới chơi.
- Cơ ngơi này ngoài sức tưởng tượng của tôi, xin mừng anh chị.
- Anh tin đi, tất cả là do một tay cổ. Nhìn thì nhỏ nhắn, xinh như con mèo tam thể mà manager của em là khối sắt nguội đó anh, sắt nguội mà lại có con “chip” sáng nước cờ còn hơn mấy cái computers em làm việc hàng ngày.
Minh cười nụ:
- Ảnh đang nịnh vợ đó anh, nghe như quảng cáo trên TV phải không anh. Tự nhiên nhe anh Minh, mình trùng tên ngộ quá há anh… Em xin đi tiếp khách.
Thấy anh Minh nhìn theo vợ Quân, Tôi bước tới kéo ra nói nhỏ:
- Cô ấy nhỏ con quá phải không!
- Hồi nãy đứng với chồng thì biết là thấp, giờ xôn xao với mấy bà mấy cô cũng thấy rõ là nhỏ thó nhất đám.
- Đầu tư xoay sở, có nhà lớn, có mấy căn nữa cho thuê; làm sao mà cao lớn cho nổi.
- Bên mình kêu “đọn”, “choắt”, lúc nhỏ suy dinh dưỡng đây.
- Cổ qua đây lúc mới bảy tám tuổi mà, dư sức to con. Mấy người biết cổ hồi đó còn kêu cổ “Minh canh me”, nít nhỏ như con dế mà biết rình để chui theo người ta xuống ghe vượt biên thì phải gọi là dế lửa.
- Nước da trắng mịn, mắt sáng rực, cái nhìn thẳng thì đâu tầm thường.
Có người tới kéo anh Minh nói chuyện, giới thiệu thêm với ai đó. Có tiếng vợ Quân mời khách lấy thức ăn, mọi người xê dịch, lòng vòng. Quân xàng qua đụng tôi, cụng ly uống, nói chuyện. Khách đi quanh một bàn đầy thức ăn. Nhìn thấy anh Minh an vị ở một góc, Quân tới kêu anh cùng đi lấy thức ăn. Nhìn dĩa anh Mình, Quân nói:
- Nam thực như hổ mà sao anh lấy ít vậy anh, thêm đi.
- Tôi ăn ít, chừng này mà hết thì vòng hai.
- Vậy là quá ít, làm sao chịu được lạnh bên đó!
- Họ nói “mới qua chưa thấy lạnh đâu, chắc cái nhiệt trong người còn, càng ở lâu càng sợ”.
- Thật không!
oOo
Dứt điệu nhảy, tôi bước về phía quầy rượu, không thấy anh Minh ngồi ở đó. Tiếng Quân sau lưng “chắc lại tới cử”, tôi không nói gì, xoay ghế ngồi lên. Quân nói tiếp:
- Tôi lên nói chuyện với ảnh, một lúc nữa ông lên.
- OK, thanks.
Nói là nói vậy nhưng tôi bước theo. Anh Minh đang an vị ở bàn ăn. Tiếng Quân reo:
- Tính kiếm anh nói chuyện mà tìm không thấy.
- Uống rượu lai rai thì thèm thuốc lá.
- Anh tự nhiên, mình ở đây nói chuyện anh ra vô cho tiện.
- Mấy anh xuống chơi đi, tôi OK, đừng bận tâm làm tôi áy náy. Ngồi đây nhâm nhi, nghe nhạc vọng lên là thú vị rồi.
- Hay mình qua mé kia ngồi ghế nệm?
- Ở đây OK mà.
Tôi nói:
- Đi chơi như vầy em cũng hút thuốc, mình ra làm một khói đi.
- Cậu đừng đổ thừa hút lại là tại tôi nhe.
Hai người bước ra hiên, ngồi ghế mây phì phà, trên bàn có sẵn gạt tàn. Rượu trong người, lâu lâu mới hút, tôi rít sâu.
- Vậy là Tấn cũng đã từng hút nhiều.
- Không anh, thỉnh thoảng thôi, lúc này em thấy ngon.
- Đừng nghĩ là tôi đang chán, cám ơn Tấn dẫn đi chơi.
- Cứ thật tình, muốn về không?
- Không. Tôi đang hưởng cái vui vẻ chung quanh. Mọi người trẻ trung, hòa nhã. Chủ nhà ân cần. Cứ để tôi tự nhiên. Nhớ nói với Quân tôi ổn. Ngoại cảnh không chi phối tôi nhiều đâu.
- Em có cảm tưởng Quân tò mò, muốn tìm hiểu anh vì một lý do nào đó.
- Vậy sao… người thật lịch lãm.
- Manager của em.
Hai người vô tới, manager vẫn ngồi đó, trên bàn có dĩa nem chua, thịt nguội, đậu phụng rang, chips; 4 ly loại hột mít đít dày và chai Crown Royal. Chắc vợ Quân mới soạn ra các thứ, đang quay lưng mở cửa xuống basement; tiếng nhạc giựt ùa lên một tích tắc.
- Xin anh Minh làm chủ xị, mình làm tới, có say thì ở lại.
Anh Mình nhìn Quân một lúc, khui chai rượu rót ra ly, ba người cụng:
- Kẻ trước người sau, nay mừng tao ngộ. Em có kêu mèo tam thể cụng ly đầu nhưng cổ không muốn xuống dưới khách nghe mùi rượu.
Nốc, cạch. Rót.
- Vừa nghe Tấn nói hồi anh ở Quảng Phú, lên núi làm củi bi được mười mấy thước mà lại bỏ dưới chân núi không đem về bán; sao kỳ vậy anh?
- Bị không có tiền thuê xe bò.
Tôi nói:
- Sao anh không kêu người lên bán lại tại chỗ?
- Chuyện không đơn giản như cậu biết. Lúc đó tôi không còn ở Quảng Phú.
- Ô! Em nhớ rồi.
Quân nói:
- Hay anh kể tụi em nghe từ đầu đi.
- Dài dòng nản lắm.
- Giờ này dưới basement đã nóng máy, không ai còn để ý sao không thấy ông chủ nhà, nhất là đã có vợ em làm chủ tình hình. Anh không còn ở Quảng Phú, sao lại vô núi làm củi?
Anh Minh trầm ngâm một hồi, tôi tưởng là rượu đã ngấm.
- Anh Quân đã quan tâm thì tôi cũng mượn rượu mà tiếp chuyện, chuyện không ngắn, lâu ngày có thể xục xịch không liền mối, nhưng là kỷ niệm dù chẳng đẹp đẽ gì, không chừng còn nghe như một bản tự kiểm. Hay mình dọn qua bên kia để anh Quân và Tấn dựa lưng thoải mái, có chợp mắt cũng OK.
- Dọn liền.
Tôi ngồi với Quân bên sofa, anh Minh ngồi riêng một ghế. Rót, nốc, cạch.
Cái lúc cả nhà tôi chạy vô tá túc với dì dượng Ba, ba mẹ Tấn, tôi theo ghe nhà làm củi tràm, củi mắm mấy tháng mà thấy bế tắc: tạm trú bị làm khó, mấy đứa con không được đi học. Có người chỉ cho đường dây làm hộ khẩu ở một khu kinh tế mới trong hóc bà tó, tiền tốn ít, lợi thế là cầm giấy đó về Sài Gòn xin tạm trú dễ hơn; vì có được ghi, ký tên, đóng mộc: “Không đủ sức lao động nặng, con cái bệnh hoạn, xin chuyển”.
Ở Sài Gòn gặp lại bạn bè cũ giúp chỗ ở, việc làm. Sau họ hùn vốn mua ghe sông, sửa chữa, gắn máy trong máy ngoài. Tôi với hai cậu em ở dưới ghe lo mọi chuyện, tập nghề ghe; cơm gạo mắm muối tự lo, coi như phần đóng góp của mình. Ghe cũ sửa lui sửa tới, máy muốn nổ thì nổ muốn tắt thì tắt, sửa xong cái này lại lòi cái khác. Anh em cạn tiền. Nằm ụ.
Nằm ụ nhưng “thủy thủ đoàn” vẫn phải ngày ba bữa, mắm muối cũng là tiền. Bèn lên kế hoạch: tìm hiểu đường đi nước bước, các khoản chi phí, tiền sẽ thu được…khi gom tiền nhà để chi đã đủ, xách ghe (tháo hộp số máy trong, chỉ chạy đuôi tôm) về miệt Quảng Phú, Ngọc Hà đánh củi bi về Sài Gòn. Có lời ít lắm cũng phải bằng tiền ăn một tuần. Được vậy thì đi tiếp, thành sinh kế, một công hai chuyện: chờ bao lâu cũng không tốn tiền ăn, tiền lót chủ ụ; lại quen đường đi nước bước, sông rạch cửa biển.
Chị Minh lên bưng gì đó, đứng lại như nghe một lúc mới trở xuống basement.
Từ ngoài vàm sông Thị Vải, con rạch tới bến Ngọc Hà ra vô thuận tiện hơn bên Quảng Phú, bến lại rộng rãi, gần nhà dân hơn nên sầm uất, không lúc nào vắng người. Anh em tôi đẩy ghe trồi hẳn lên bãi. Tờ mờ sáng xách vác đồ ăn, đồ nghề băng qua lộ theo chân người địa phương vô núi Thị Vải. Trước lạ sau quen, cùng chí hướng hạ cây, cưa củi bi về bán kiếm cơm nên chuyện trò vui vẻ, không biết gì thì hỏi, ai cũng sẵn sàng chỉ vẻ. “Tới chỗ này là mình quẹo tay phải, theo đường mòn lên dốc núi, ngoài này trụi rồi, vô sâu lên cao mới có cây xấp xỉ vòng ôm cho mình hạ. Cây nào có xắn mấy rìu làm dấu thì đừng đụng tới, là để cho người đã mất công tìm, mình phá luật cây đè chết ráng chịu. Nhìn bên tay trái, nó giống như con suối rộng bị khô, lòi toàn đá tảng; có người kêu là “phi đạo” vốn là giòng nước đổ mùa mưa, củi cưa rồi bộ vác từng cục xuống sao! Cứ trên cao đó mà thảy xuống theo phi đạo, có kinh nghiệm thì nó lăn, nhồi, nhảy tưng tưng xuống tới dưới, không kinh nghiệm thì tưng không đủ đà, mắc kẹt hốc đá….”
Anh em tôi lùng mãi mới tìm được một cây không to lắm, tương đối gần phi đạo. Kẹt là ai đó đã làm dấu. “Kệ”.
Lần đầu tiên hạ cây rừng. Tay nghề không có. Đồ nghề không đúng, chưa biết dũa lưỡi cưa là gì; vậy mà nhờ sức trai của hai người em, tới chiều ngày thứ tư thứ năm gì đó thì “đại công cáo thành”: khoảng 8 thước củi bi nằm thẳng thớm dưới chân núi đúng như dự tính. Cái dự tính sai là chuyện ăn, trưa ngày cuối cơm không được nửa bụng. Do trước đã có nhờ dì Ba mua thêm gạo, mắm muối, bầu bí, đậu đen, đường táng cũng như nhờ dượng Ba hẹn xe bò nên tôi xuống núi về Quảng Phú một mình. Dì Ba đã để tất cả trong một cần xé cỡ trung. Dượng Ba cho biết xe bò đòi mỗi chuyến 3 trăm, tối đa 3 thước. Tôi rụng rời tay chân vì trước đó khi khảo giá cứ nghe 2 trăm một chuyến mà cả dượng lẫn cháu đều hồ đồ, không rành là chở được bao nhiêu. Như vậy là mọi sự sụp đổ, nhất là khi bụng đang đói, lội bộ mệt, không suy nghĩ gì được.
Chị Minh lên cùng với một chị khác, chỉ chỏ nói năng gì đó. Chị kia trở xuống, chị Minh đến ngồi xuống chiếc ghế trống còn lại của bộ salon. Hình như nghỉ mệt. Anh Minh nhìn qua những vẫn đều giọng.
Dì Ba bỏ thêm vô lô hàng mấy củ khoai mì gói trong lá chuối khi tôi nói không ở lại ăn tối vì em út trong núi đang chờ gạo về nấu cơm. Thật tình tôi đuối, chỉ muốn nằm vật ra. Đang như vậy mà một tay cầm rựa một tay vòng lên vai túm quai cái cần xé máng trên lưng để đi thì lên núi thì đúng là không tù mà khổ sai. Nhưng phải đi thì đi. No choices.
Từ lộ vô một khúc, có vật gì đó nằm ngay giữa đường. Trời trăng non, đường đất lờ mờ, cục ấy đen; nhìn từ xa hình như là đống cứt bò, đường này thiếu gì xe bò ra vô.
Chị Minh thò tay rót rượu vô cái ly trống, thả hắn lưng ra sau, nhấp một hớp. Quân mỉm cười, đưa ngón tay làm dấu “number one”.
Đi tới gần, tay rựa của tôi cung lên: mèng đéc ơi! Cục cứt bò nó nhúc nhích! Con gì đây? Một con mèo đen to? Tôi đứng lại nhìn kỹ: là một đứa nhỏ ngồi bệt, lưng đeo bao cát cộm; tay chân mặt mũi áo quần tóc tai đen thui. Chỗ hai con mắt thấy có tí da trắng và vệt đen như quẹt nước mắt. Tôi xấn tới đi tiếp thì nghe thút thít “chú ơi con sợ…chú ơi con sợ… tối quá…”
Sao mày ngồi đây?
Cháu mệt
Thì nghỉ chút rồi đi
Cháu đói…cháu không đi nổi…chắc cháu chết
Hừ… sao không ở nhà mà vô đây, tao phải đi gấp…
Cháu sợ… chú chờ có xe bò ra chú kêu người ta cho cháu quá giang … được không chú
Tao phải đi… mày ráng mà xin
Đã mấy chiếc không cho
Cái bao là bao gì
Than, cháu mót
Tao phải đi. Đây, cho mày củ khoai mì
Tôi đi dù tiếng khóc kêu của con bé nghe rất rõ. “Tao làm gì được, tao cho mày cả gói khoai mì đấy thôi! Đúng là họa vô đơn chí”. Kệ.
Chị Minh lại rót, ly mình và 3 ly kia. Cụng, Nốc, cạch. Rót. Quân nói:
- Thấy tam thể của em chịu chơi chưa?
Một lúc sau tôi thấy phi đạo, mừng ơi là mừng, tôi quẹo ngang vô, theo lối mòn lên núi. Mệt, đói, chân mõi, nên đường đi gập ghềnh hẳn. Gắng thêm tí nữa, sắp tới rồi. Mình sẽ nghỉ, tụi nó nấu cơm, chè. Ăn chè trước, thèm ngọt quá!
Lên tới chỗ có bếp lửa anh em đóng quân. Không thấy bếp, không thấy đồ đạc. Bước tới bước lui đụng cành lá, banh mắt nhìn quanh không có gì ngoài cây rừng, tăm tối, rì rào. Sức sống còn lại tuột theo hai ống chân, tay buông rựa, tay thả cần xé; người xụm xuống. May là cần xé nằm đứng nên lưng không ngả ra. Làm như tôi thiếp đi một lúc, không biết bao lâu. Khi tôi trở lại nhìn xung quanh, không có cây cao, toàn cây toàn lá như rừng chồi. Tôi cố nghĩ lại tôi đã làm gì, đi đứng thế nào mà lại ngồi ở đây. Tôi không thấy mình, dù mệt dù đuối, đã sai một bước nào: tôi quẹo ngay lên đường mòn khi thấy “phi đạo” thì sao lại lạc. Tôi đứng dậy cầm rựa lách người dò dẫm tứ phía, bóng đêm và cành lá xao xác làm tôi thấy những bóng ma hù dọa. Tôi sợ run, nghĩ và quyết định phải chui về phía tay trái, ít ra sẽ đụng phi đạo, ở đó ít bóng ma hơn, ngồi ở đó chờ ánh lửa, hai em tôi ở đâu đây phải đốt lửa chống muỗi, chống khí núi lạnh và ấm cái bao tử co thắt. Tôi đúng, vì phi đạo toàn đá, phản chiếu trăng non nên có thể yên tâm ngồi nhìn quanh.
Tôi sai, không một ánh lửa nào… không còn hy vọng gì nữa, đầu hàng. Không anh em, không lửa củi, không chè cháo, không cơm nước; chỉ còn mình tôi với tôi và một đêm dài.
Mò tay tìm mấy củ khoai mì, phải đổ hết ra ngoài tìm…cơn đói dồn lên tận óc, hoa mắt…”con mèo đen…tại con mèo đen oan gia”. Chỉ có một thứ nhá được: trái bầu non. Cầm cạp như cắn ổ bánh mì. Xực một nửa mấy ông ạ.
Tấn, Quân ồ lên:
- Thật không! Nốc Cạch rót!
Chị Minh cạn ly xong đi xuống basement. Quân nói:
- Minh lo việc gì cũng chu đáo, lúc này là lo tiếp khách. Anh ăn bầu sống xong thấy sao?
- Thấy sợ, không phải sợ chột bụng.
Nhìn quanh một lúc hai mắt cụp xuống, thảng thốt giật mình, thấy sờ sợ; sợ mình bây giờ là bóng đen trên nền phi đạo trắng, lỡ có con thú rừng, cọp chẳng hạn, chồm tới vồ khi mình đang ngáy thì chết. Bèn thử lấy cái cần xé chụp lên đầu, co hai vai cho vô lọt. Tự cười. Lại nghĩ ai đó vô phúc lạc lối lên tới đây thấy cái cần xé có chân thòng, chắc xỉu. Tự cười. Một hồi tù túng quá, lột cần xé ra thủ một bên, thủ cây rựa ngang đùi. Thôi. Kệ.
Nhớ lại đống cứt gò… con mèo đen… chắc nó sợ lắm. Mình lớn, trầm trầy trầm trật, lao tù lao cải, mà còn khùng cỡ này thì một đứa con nít đói mệt sợ ngồi giữa đường rừng phải làm sao! Khủng hoảng vậy làm sao nó lớn được! Con nhà ai nhỏ xíu mà cho vô núi mót than. Hay nó thấy nhà không có ăn thì tự theo chúng bạn. Nó phải đi với nhau chứ. Hay nó bị bỏ rơi . Địa ngục này có mấy tầng vậy ông Trời!?... Thôi, kệ.
***
Nốc Cạch rót!
Không ai nói gì. Anh Minh nhấp, vần cái ly trong lòng tay.
- Sáng ra mới biết phi đạo tôi lên là phi đạo trước đây họ dùng, khi mé núi ấy hết cây thì người ta tìm tới phi đạo kế là phi đạo anh em tôi đã lên. Sáng đó cứ đi theo họ nên không biết có phi đạo 1. Nhiều lúc nghĩ lại tôi rùng mình. Tấn hỏi mười mấy thước củi bi. Thì như tôi nói, với chi phí như vậy thì thứ nhất không đủ tiền thuê xe bò, đi kiếm người địa phương bán tại chỗ cũng khó, họ tự làm củi, bán được là tiền công của họ, nếu phải mua để bán thì còn gì ăn. Thôi thì củi rừng của họ, có người đánh dấu thì để đó ai lấy thì lấy.
- Tấn à, bỏ củi, bỏ công, thiệt vốn -nghĩ cho cùng- không quan trọng.
Anh lại nhấp. Quân rót cho anh đầy ly, chồm tới nhìn sát:
- Vậy quan trọng là anh bỏ con bé giữa đường giữa đêm?... Hoàn cảnh bắt buộc anh à…
Anh Minh nhìn Quân trân trân, cụng, nốc cạn.
- Nghe anh làm computers, xem ra anh làm một nghề khác cũng thành công, chỉ vậy mà anh bấm trúng quẻ. Cám ơn anh an ủi. Cái làm tôi hoảng là tôi đã phần nào hóa thạch khi còn sống.
- Anh đùa, làm gì có chuyện đó. Rót ly anh đi.
Cạch!
Từ lúc nào chị Minh đã lên, lúc này ngồi co hai chân, tay trên mặt nệm, lưng ngả tới, cằm tựa lên đầu gối, nhướng mắt mà nhìn rất lung, đột nhiên chị khóc oà, Quân bật dậy, chồm tới quỳ xuống ôm gọn vợ vô lòng mình. Tôi nhìn anh Minh ngồi bất động, mặt chết trân.
Chị Minh ngưng nấc, đẩy Quân xuống ngồi trệt một bên ghế mình.
- Sorry anh! Vợ chồng mà em chưa bao giờ kể anh nghe. Chôn nó không chặt em sợ không đủ sức đi tới. Cám ơn anh không hỏi “Minh canh me” là sao. Nghe Anh Minh, giờ em muốn cười muốn khóc…
Mặt Quân giãn ra, hình như cười:
- Anh đi 75, nghe thì đoán lơ mơ; nhưng để ý khi nghe ai nói vậy thì mặt em tối sầm lại một tích tắc, rồi tươi lại, hoạt bát lướt qua. Không chỉ vậy, đôi khi thấy em ngồi một mình với sắc mặt ấy, những lúc ấy anh muốn ôm em, nhưng sợ; em oà vỡ còn đỡ chứ em co rút lại như thép lạnh luôn thì anh mất em. Sau mỗi lần như thế, có việc gì cần giải quyết thì em lạnh như tiền, không còn là tam thể dễ thương của anh nữa….trời! Con nít mà biết canh me.
Chị Minh ôm vai chồng, hình như cười mỉm.
- Anh Minh, tới phiên em: ăn xong khoai mì ông kẹ ấy cho, em tỉnh người, nửa như khỏe ra nửa như mê đi; bỏ bao cát than lại đó, lần mò bước, nửa thức nửa ngủ. Rồi cũng ra tới lộ, rồi băng qua lộ; mệt quá em ngồi bệt xuống nghỉ, chờ có ai đó để cùng đi. Xe đò đổ khách sát bên làm em thức giấc, mơ màng nghe tiếng con nít, người lớn, tiếng giục đi.. cứ đi.. gặp đất gập nghềnh té thì có người lôi dậy, có đứa kêu la gì đó bị người lớn bịt miệng…em cũng kêu ba má gì đó, cũng bị bịt miệng lôi đi…rồi bì bõm…bì bõm….lên xuồng…lên ghe…bao nhiêu chuyện kinh khủng……cuối cùng qua đây…cực nhọc vất vả…
Em chỉ biết đi tới, bịt đầu đi tới… …gặp anh Quân, ảnh không chê mà còn thấy nhỏ xíu ảnh thương…
Quân ghì vợ trong ngực mình. Mặt hắn nửa khóc nửa cười.
Anh Minh đứng dậy, trịnh trọng:
- Chị Minh, nói thì thừa nhưng xin chị nhận cho tôi lời xin lỗi. Nãy giờ tôi tưởng chị ngồi nghe vì tò mò, giờ chị nghe hết, chị có thể tin là chị đã trả lại cho tôi một quý vật mà tôi vẫn dằn vặt vì chính mình đã tự tay đánh mất. Cám ơn chị, cám ơn anh chị, cám ơn Tấn.
- Khổ thân đám mình, anh và em than củi đã qua mấy chục năm mà cái cần xé còn đội lên đầu.
|