SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Chỉ là đồ chơi

Trịnh Y Thư

Trong cuốn tạp bút nhan đề Cuối cùng xuất bản năm 2009, nhà văn Võ Phiến hạ bút viết một câu mà khi đọc tôi phải giật mình. Ông bảo, “Chuyện sáng tác có gì đáng nói?”

Một nhà văn với tuổi đời như ông, lừng lẫy với sự nghiệp văn học đồ sộ trên dưới năm mươi tác phẩm để lại cho đời sau, nói câu nói như thế, thoạt nghe qua tưởng như có cái gì khinh bạc, nghịch lý bên trong.

Chưa hết, ông bảo tiếp:

Tôi e những món thơ thẩn với tùy bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài mãi bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ... một thời, các món nghệ thuật là cùng chơi thôi.

Nhưng có thật đấy chỉ là câu nói suông của một Cristoforo Colombo, sau khi khám phá ra Tân Thế giới, nhún vai, bĩu môi, quay sang bảo kẻ thán phục đứng bên cạnh, “Hey, man. It's no big deal.”

Biết bạn sốt ruột với câu trả lời nhưng xin bạn cho tôi bắt đầu bằng trích đoạn dưới đây trong truyện ngắn Mưa mùa đông của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn viết văn như làm thơ trước 1975 ở miền Nam:

... Khi đò trôi vào cổng nhà Bích Câu, đã thấy nàng ngồi trên cửa sổ, khuôn mặt nàng không hiểu sao trông thật buồn bã, bàn tay thả những tờ giấy màu xanh rơi lả tả trên mặt nước. Bích Câu ngẩng đầu lên. “Tôi buồn quá Đông ơi.” Nàng làm tôi ngạc nhiên, tôi nhìn thấy đôi mắt nàng hơi đỏ vì hình như đã khóc. “Tại sao buồn? Trời lụt được nghỉ học mà còn buồn gì nữa. Bộ nhà hết gạo ăn rồi hả?” “Không phải. Tại vì tập thơ của tôi, tôi mất hết tập thơ rồi.”

Đã bao nhiêu lần tôi đọc thiên truyện này của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn? Tôi không nhớ, nhưng mỗi lần đọc lại tôi thấy sự thú vị trong lòng như tăng lên. Trời mưa bão dầm dề suốt mấy ngày liền, nước dâng ngập nhà trong nhà ngoài, gạo trong nhà hình như cũng chẳng còn để ăn. Vậy mà cô gái buồn, buồn khóc đến đỏ mắt, chỉ vì tập thơ chép tay trên giấy pelure màu xanh những bài thơ cô yêu thích bị nước ngấm nát nhàu tèm lem, và cô ngồi bên cửa sổ, hai chân buông thõng dưới mặt nước, thả từng tờ, từng tờ thơ xuống dòng nước. Chao ơi, có gì lãng mạn, trữ tình, thi vị hơn thế? Có gì “văn chương” hơn thế? Tôi như “nhìn” thấy tâm hồn Hoàng Ngọc Tuấn qua đoạn văn này.

Giả sử đoạn văn trên được thay thế bởi mẩu tin trên báo đại khái như sau:

“Thành phố Huế đang bị trận bão số 9 nhận chìm dưới biển nước. Hàng trăm ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Tại căn nhà số 22 đường X, cô gái tên Trần Thị Bích Câu ngồi bên cửa sổ thả từng tờ tập thơ chép tay của cô xuống dòng nước. Vừa làm cô vừa khóc thút thít đến đỏ hoe hai mắt..."

Mẩu tin trên mà đăng báo thì chỉ tổ làm thiên hạ cười bò lăn bò càn. Dĩ nhiên chẳng ai viết tin như thế, mặc dù viết tin nghĩa là tường thuật chuyện mắt thấy tai nghe. Nội dung mẩu tin do tôi bịa ra so với đoạn văn tuyệt vời của Hoàng Ngọc Tuấn không khác nhau bao nhiêu nếu nhìn thuần túy từ diện thông tin, nhưng hiển nhiên một bên là tác phẩm nghệ thuật còn bên kia là chuyện ngớ ngẩn chưa từng thấy.

Nhưng tại sao cùng một câu chuyện, một tình tiết, một cảnh huống, trong văn chương thì tuyệt vời còn khi tường thuật trên mặt báo như một mẩu tin thì ngớ ngẩn, thậm chí điên khùng?

Câu trả lời rõ rệt lắm, ai cũng thấy, bởi có những điều chỉ văn chương mới có khả năng nói được. (Hình như đấy là một trong những câu nói nổi tiếng của Milan Kundera.) Đọc văn chương, hoặc thưởng ngoạn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, chúng ta không tìm kiếm những tình tiết, chi tiết có tính thông tin hay lịch sử. Chúng ta đọc, xem, nghe “cái hồn" của người nghệ sĩ sáng tạo ẩn nấp đâu đó đằng sau tác phẩm. Văn nghệ sĩ là người phơi trải một cách tha thiết và chân thât cái phần tinh hoa của tâm hồn mình như một con người, và trải nghiệm đời sống, xấu cũng như tốt, của chính mình như một kẻ đồng loại. Nhà văn Gustave Flaubert bảo ông viết văn vì ông muốn “đi vào linh hồn của sự vật,” nhưng chúng ta phải hiểu là nếu dưới ngòi bút của ông, sự vật như có linh hồn và cái linh hồn đó trở nên sống động, linh hóa thì chẳng qua đấy chính là do tâm hồn nhà văn thổi vào.

Trở lại với cô gái tên Bích Câu của Hoàng Ngọc Tuấn, có lẽ bạn cũng nghĩ như tôi, nói cho cùng, chẳng có gì là hợp tình hợp lý trong hành vi của cô. Vâng, nhà bị lụt, không có gạo ăn mà cô buồn bã chỉ vì mất tập thơ! Nhưng cô không vô lý (trái tim cô có lý lẽ riêng của nó), cô lại càng không phi lý (ý thức buồn bã cho thấy cô không ở trong trạng thái phi lý). Cô ở giữa cái hợp lý và cái vô lý mà tôi gọi là cái khả lý. Chính cái khả lý này đã đem lại sinh khí mới cho văn học hiện đại mà người có những bước đi tiên phong chính là Franz Kafka.

Kafka mở đầu tác phẩm Hóa thân bằng câu văn, “Một buổi sáng sau giấc ngủ chập chờn nhiều mộng mị, Gregor Samsa thức giấc và thấy mình biến thành con bọ khổng lồ nằm trên giường.” (Câu văn như tiếng láy rền của chiếc chuông đồng khổng lồ vang vọng suốt thế kỷ.) Nhưng bạn có thể băn khoăn, thắc mắc: Có chuyện ấy thật ư? Bạn có quyền bán tín bán nghi chứ, bởi Kafka ở đây không viết truyện ma quỷ, thần kỳ. Tác phẩm tiểu thuyết của ông không phải là truyện khoa học viễn tưởng, nó có chủ đề xã hội, triết học hẳn hoi và trong suốt gần thế kỷ là đề tài tranh biện không ngớt giữa những xu hướng, quan điểm, luận thuyết khác nhau, từ Mác-xít cho đến Hiện sinh. Nhưng nhìn từ góc độ nào cũng thấy Kafka là người đầu tiên dám đem cái khả lý phi hiện thực vào văn học. Và nó chỉ là trò đùa. Hình như truyện nào Kafka cũng mang hơi hướm một câu chuyện hài như thế, mặc dù thật khó cho chúng ta nhìn thấy thực chất đùa cợt trong văn chương ông. Kỳ thực, dòng văn học kế thừa từ thời Rabelais, Cervantes của châu Âu là một chuỗi những câu chuyện đùa. Chẳng có gì hợp lý, hợp tình ở những cuộc phiêu lưu hành hiệp đầy tính buồn cười của Don Quixote cả.

Bởi thế Võ Phiến liệt những chuyện đùa ấy vào loại “đồ chơi.” Ông lập luận nó khác với “đồ dùng” bởi nó chẳng nhằm mục đích hữu dụng nào trong cuộc sống bình nhật. Nó khác với phát minh khoa học bởi “phát minh khoa học liên hệ đến kiến thức, đến lý trí; sáng tạo nghệ thuật liên hệ đến tâm hồn, đến xúc cảm, đến cá tính, bẩm chất từng người.” Ở một đoạn khác, ông nói nghệ thuật “không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thỏa thích mê tơi thôi.”

Nhan đề cuốn sách của Võ Phiến là Cuối cùng, cũng là tác phẩm cuối đời của ông, và bởi với ông nó là “đồ chơi” nên tôi tin ông đã chơi “thỏa thích mê tơi” đến tận cùng hơi thở. Sau mỗi món “đồ chơi” ấy của ông bao giờ cũng là nụ cười tủm. Hóm hỉnh. Thông minh. Tất cả chỉ là chuyện đùa. Tất cả chỉ là đồ chơi.

Trịnh Y Thư

(trích Chỉ là đồ chơi, Tạp bút, Trịnh Y Thư, Định dạng eBook, Văn Học Press, 2023)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024