SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Độ Nắng Trong Mắt Người

Bước chân phiêu lãng còn trên phố
buổi chiều tà có mắt ai trong
bàn tay năm tháng mềm như lụa
ngồi đây thương nhớ cũng tang bồng . . .

Ngồi đây thương ai nhớ ai? Ở một nơi chưa từng có tên gọi. Hay ở một nơi đã từng gọi tên? Trong mộng mơ rì rào, thỏ thẻ.

Ở ngoại vi trời mây xám thu đông đẹp buồn, vẫn có những giọt nắng lung linh dưới tàng cây long não. Nắng Huế đẹp như má xuân ửng đào - và nắng xinh thêm buổi hẹn đầu - Nắng Huế đẹp là thế, mong manh là thế. Rồi phụt tắt. Vẫn còn những bước chân phiêu lãng và nắng ngời phương xa mời gọi. Thắp tiếp cái nắng tiểu thư qua đàng mệnh yểu. Vậy thì lên đường thôi. Lên đường nhé! Chao ơi cả một trời mộng mơ thao thức mời gọi!
(Viết đến đây tạm mở một dấu ngoặc để lại xin thứ lỗi: nếu bạn đọc gặp quá nhiều thơ trích thì mong hiểu cho rằng đó chỉ là những lời minh họa của kẻ chuyên làm thơ trên mỗi chặng đời đã qua! Và để bù đắp cho cõi viết hãy còn lỏng lẻo này)

Mấy ai đo được độ nắng trong mắt người như lường được từng ước mơ thắp sáng. Đứa con trai Huế nào lớn lên cũng một lần mộng mơ bay thoát ra ngoài khung cửa hẹp. Thoát khỏi cái khung cảnh trầm uất của con sông xanh, thành phố nhỏ và đền đài miếu mạo âm u. Phải đi. Huế ở lâu mụ người. Bỏ thì thương vương thì tội. Nhã Ca đó, phận nữ nhi mà cũng phải một thời giã biệt tiếng chuông, đoạn đành cắt chéo áo. Huế là xứ tình phải bỏ đi để mà thương, mà quay quắt nhớ về. Huế thiệt nhiều kỷ niệm thời trai. Nhưng không thể ôm kỷ niệm mà sống - cho tôi ôm lấy vai thon

- Vai thon Huế rồi như cánh vạc. Thôi đành chia xa!

Ngô Vương Toại là định mệnh. Ngô Vương Toại, một cái tên gắn bó suốt cuộc đời tôi! Chính bạn ta, cho đến giờ này, là kẻ duy nhất còn cầm tấm khố nối dài cõi chúng mình từ thời tiểu học qua trung đại học cho đến những ngày long đong ở xứ người. Thương yêu trân quý biết mấy!

Toại học tiểu học Lý Thường Kiệt với tôi. Hết lớp nhì thì chàng bỗng biến mất. Tái ngộ năm đệ lục trường Bán Công Huế. Hỏi ra mới biết: gia đình chàng Công Giáo chính gốc. Chàng được chọn con đường theo Chúa phụng đạo để tạo ân phúc. Nhưng chàng vụng tu sao đó (hay định mệnh muốn như thế?) khiến chàng trở lại con đường trần tục. Như đã nhắc trong chương trước, lên đệ tứ Bán Công lớp tôi có 4 tay làm luận văn cứng, xuất sắc thay phiên nhau được tuyên dương bảng vàng. Đó là bốn chàng “ văn nhân ” Ngô Vương Toại, Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Thành Tân và Hoàng Xuân Sơn. Hết trung học đệ nhất cấp, chúng tôi chuyển trường vào Quốc Học Huế. Riêng Hoàng Ngọc Tuấn theo gia đình lên xứ Buồn Muôn Thuở. Ở Ban Mê Thuột, Tuấn cũng có nhiều kỷ niệm để viết nhiều thiên truyện hay. Nhưng chính thời gian học ở Huế và cư ngụ bên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho Hoàng Ngọc Tuấn viết nên đoản thiên thơ mộng Mưa Mùa Đông Trên Tuổi Thơ mà nhà văn Võ Phiến rất tâm đắc và hết lời ca ngợi.

Hầu như bọn tôi đều vào được đệ nhị cấp Quốc Học sau khi thi đỗ trung học đệ nhất cấp (gọi nôm na là đỗ đíp-lôm) vào hạng khá. Võ Thành Tân học ban B (chàng vốn cũng rất giỏi toán). Toại và tôi đeo đuổi nghiệp văn chương, theo C. Thân Trọng Mẫn, Lê Viết Võ cũng theo ban C ngồi cùng lớp. Lớp đệ tam đánh dấu thời kỳ trổ mòi “hoang đàng chi địa” của mấy trự con trai mới lớn: học thì ít mà “cúp cua” thì nhiều, chui vào xi nê, ngồi Lạc Sơn, cà phê cô Dung ... hoặc đạp xe lang thang lên Ngự Bình, qua Trà Am, Thiên An hoặc xa hơn đến các vùng lăng tẩm vua chúa. Trời ơi ngon ngọt làm sao chén bánh bèo Ngự Bình, quả bứa chua Trà Am! Và những cây si đã mọc lên khắp vệ đường trường Đồng Khánh. Quốc Học Đồng Khánh chỉ cách nhau một con đường. Những cột trụ trời trồng này thời ấy chỉ biết “nghễ” gái, mà chưa dám học nghề “cua”!

Con gái ùa ra ngợp cổng trường
buổi chiều như vỡ xuống hồn gương
những the nắng chín dường như cũng
hò hẹn giam chân kẻ đứng đường           
.........và
áo trắng ai đi chiều lộng gió
vành nón che nghiêng nửa mặt cười
giữa giờ tan học người đông quá
theo bước ai về, ngại bước ai
lầu ở bên ni dòm bên nớ
trường lớp chung nhau một quãng đường
nợ nần chi ai nhìn kỹ rứa
thẹn thùng thương hết cả mười thương

Dạ! Dị thì dị thiệt nhưng thương thì đã thương rồi phải không o nớ?

Thời gian học Quốc Học, tôi còn đàn đúm theo ban văn nghệ của trường tập dợt đàn ca múa hát và diễn kịch cho hội hè cuối năm. Hậu quả là tôi không đủ thời gian hiện diện trường lớp để tiếp tục theo năm cuối đệ nhất Quốc Học. Thôi đành thí sinh tự do, mượn bài vở bạn bè tụng ở nhà vậy. Rứa mà cũng xong tú tài toàn phần.

Thời gian bọn tôi trưởng thành ở Huế, hình như anh Trịnh Công Sơn đã tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn và lên dạy học ở miền cao nguyên. Giai đoạn này anh sáng tác hàng loạt bài cho Ca Khúc Da Vàng, gây nên một phong trào hưởng ứng và chống đối rất sôi nổi về sau. Về sinh hoạt giai đoạn này của TCS, xin đọc thêm hồi ký Về Một Quãng Đời Trịnh Công Sơn của Nguyễn Thanh Ty, một bạn đồng học và đồng nhiệm sư phạm của anh.

Sau trung học, bạn bè lần lượt chắp cánh giang hồ. Có nhiều bạn đã bỏ đi từ trước. Như Dương Phước Duy vào quân đội, mất tích từ Mậu Thân. Mai Quang Giá bộ binh Thủ Đức tử trận lúc còn trai trẻ. Lê Văn Châu, Nguyễn Văn Côi vào cảnh sát v. v.. Mẫn, Võ lên Đà Lạt học Chính Trị Kinh Doanh. Thân Trọng Mẫn bỏ Đà Lạt xuống Sài Gòn học Quốc Gia Hành Chánh, rồi sau Luật? Lê Viết Võ trở về Huế làm đám cưới với hoa khôi Hoàng Cần. Sau 75, Võ vượt biên một mình. Trở lại quê nhà tìm vợ con. Bị giam cầm, một khoảng thời gian dài không biết Võ ở đâu (nay nghe bạn bè cũ mách Võ đã được định cư ở nước ngoài, với người nữ mới). Liên Kỳ vào Thủ Đức, đi lính đồn trú vùng hiểm nghèo mà cuối cùng vẫn được an toàn, sau 75 qua Mỹ theo diện H.O. Liên Bằng chạy vạy đi Nhật theo diện con cháu Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Võ Thành Tân tốt nghiệp ngành Dược và lấy vợ hoàng phái ở Huế, hiện hành nghề ở Toronto, Ontario - Canada. Võ Công Liêm vượt biên định cư ở Calgary, Alberta - Canada. Liêm mấy năm gần đây làm thơ, viết, vẽ không ngừng nghỉ, tràn ngập các diễn đàn khiến bạn bè cũ mới ngạc nhiên, khâm phục.

Mặc dù tốt nghiệp tú tài đôi ban C, Ngô Vương Toại, và tôi đều ôm mộng trở thành ... “Bác Sĩ”! (theo đúng ước vọng truyền thống con nhà xứ Huế). Năm 1965, tôi vào Sàigòn trước, sau đó gặp Ngô Vương Toại cùng nộp đơn xin vào Y Khoa Sàigòn. Không có duyên với nghề lương y, Toại và tôi bỏ mộng làm bác sĩ, lang thang ở các bực thềm đại học tìm con đường dấn thân cho mai hậu. Đang phân vân thì cơ duyên đã đến khi Toại và tôi cùng gặp Nguyễn Huỳnh ở hành lang Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Nguyễn Huỳnh vốn ở Hội An, học trung học Trần Qúi Cáp. Huỳnh ra Huế thi tú tài có trọ ở nhà tôi và quen biết Toại. Nguyễn Huỳnh đã ghi danh ở Văn Khoa, dụ dỗ tôi và Toại tháp tùng. Một trong những lý do nghe rất bùi tai là Văn Khoa có rất nhiều con gái đẹp (đáng thuyết phục quá đi chớ?!). Thủ tục ghi danh cũng dễ dàng. Và như thế bọn tôi trở thành sinh viên văn khoa, ban Triết; tiếp tục cái truyền thống văn chương tốt đẹp manh nha tự hồi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường trung học.

Thôi thì không trèo cao, khỏi té đau. Một năm sau, không biết từ đâu lại, Hoàng Ngọc Tuấn nhập bọn. Cũng Dự bị Triết văn Khoa (chúng tôi đã một bước qua cầu, Tuấn theo sau một nấc).

Từ khởi điểm Văn Khoa, người và việc lan dần như những vòng tròn sóng trên mặt hồ đã không còn yên tĩnh. Bắt đầu bước vào một thế giới động, không hẹn chờ mà đến nhiều khuôn mặt của một thời. Thời của những khuôn mặt trẻ tuổi dấn thân, hành động, hoặc phá phách, gây hấn . .

Hoàng Xuân Sơn

(trích Cũng Cần Có Nhau, phóng bút, Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh, 2013)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024