Đời Thủy Thủ 2
Vũ Thất
(tiếp theo)
Chương 8
Hải phận Khánh Hòa
Thứ bảy 5/8/1967 11:40G
Bước vào phòng ăn, việc đầu tiên là tôi hướng mắt về chiếc ghế dành cho tên Mỹ. Thật dễ chịu khi không thấy mặt hắn. Vài sĩ quan đã hiện diện. Nơi Võ Bằng ngồi, phần cơm đã được dọn sẵn.
- “Tôi cần về buồng…”
Miệng nói, chân bước vội về khung cửa. Tiếng Võ Bằng đuổi theo:
- “Nhớ có mặt trước 10 phút.”
Tôi kéo kín màn cửa rồi đi thẳng vào buồng vệ sinh. Tôi thấm nước một góc khăn, lau mặt, lau cổ, lau tay. Nước thật mát giúp da tôi trở lại mịn màng và thấy tỉnh người. Khi tôi đang o bế mái tóc, tiếng còi vang lên ba hồi te tít. Tôi nhìn đồng hồ: 11:45. Như vậy còi báo đổi phiên hải hành trước 15 phút. Tôi cũng còn 15 phút mới tới phiên… cơm trưa với Hạm Trưởng. Đó là cả một miễn cưỡng, hoàn toàn ngoài mong muốn. Nhưng tự do thì vẫn còn 5 phút nữa.
Tôi ngả lưng lên giường, hít thở dài hơi. Đó là cách tôi lấy lại sức sau một ngày học hành mệt mỏi. Nhưng ở trên tàu này, mệt mỏi đã là may mắn. Suốt đêm qua tôi đã ngất ngư. Rồi sáng nay, mới qua vài giờ mà sức đã đuối thì lấy đâu sáng suốt mà dối trá như một trước sau! Tôi không hiểu sao lại cứ lo lo khi bữa cơm vắng mặt Võ Bằng. Bắt chước anh chàng, tôi tự hỏi ‘vì sao’ nhưng không tìm thấy câu trả lời. Đúng ra, việc Võ Bằng không hiện diện tôi mừng mới phải vì sẽ khỏi bị tấn công mặt tình cảm trong nhiều mặt khác sắp bị tấn công tập thể.
Tôi ôn lại những gì tôi đã tiết lộ từ khi xuống tàu. Tôi nghĩ là tôi đã quyết định đúng khi không nghe lời Hưng nói dối về lý lịch. Thân thế ra sao cứ nói đúng vậy, không sợ gì sơ hở. Khi quả bom nổ, tôi đã cao bay xa chạy. Tên tuổi địa chỉ đều giả lấy gì truy tầm!
Nhắm chừng 5 phút đã trôi qua, tôi ngồi bật dậy, bước ra phòng ăn. Võ Bằng còn đó hẳn muốn yên trí là tôi không vắng mặt. Anh chàng lịch sự kéo ghế mời tôi ngồi. Không thể làm khác hơn tôi ‘cám ơn’ rồi nhìn quanh nói ‘xin chào’. Mọi người đáp trả vui vẻ. Võ Bằng quay sang nói nhỏ với tôi:
- “Chịu khó ăn cơm… bình dân vài buổi. Về Sài Gòn, tôi sẽ đền bù ‘trừ hao’ ở các nhà hàng ngon lành.”
Phớt lờ cái liếc sắc bén của tôi, anh chàng uống cạn ly trà đá rồi rời bàn. Phút chốc, tôi thấy lúng túng, ngượng ngùng. Tôi nhìn anh chiêu đãi dọn dẹp phần ăn của Võ Bằng và bày biện các phần ăn mới. Tôi thích thú theo dõi cử động nhanh nhẹn khéo léo của anh. Tôi đâm mê cái chén trên cái dĩa màu trắng in hình mỏ neo màu xanh, kèm một bên là chiếc muỗng bạc và đôi đũa ngà, một bên là khăn ăn vải trắng. Lối trình bày gợi tôi nhớ cách nay nửa năm, Hưng đưa tôi đi ăn ở nhà hàng nổi, nơi một năm trước đó đặc công nội thành đã đánh bom làm chết và bị thương hàng chục tên Mỹ. Cũng chén dĩa trắng, cũng khăn ăn trắng. Chỉ có chút khác biệt là hình chiếc mỏ neo được thay bằng chữ Mỹ Cảnh. Bộ dạng anh bước khệnh khạng, cái cách anh bưng hai tô canh, hai dĩa món ăn tôi thấy không có gì bất thường để bị chọc quê là phi hành gia…
Tên Mỹ vừa ngồi lên ghế đối diện mỉm cười chào. Dù tia nhìn của hắn tỏ vẻ thân ái, dù đêm qua hắn không giở trò nhưng tôi vẫn mím môi đáp lễ. Tôi còn phải sống qua đêm nay nữa. Liệu đêm nay hắn có giở trò? Các sĩ quan cùng dòng máu Việt sẽ cứu tôi hay sẽ hùa theo để tận hưởng? Tôi rùng mình và thấy giận Hưng. Một mặt anh nói Mỹ Ngụy tàn ác, một mặt anh đẩy tôi vào tay Mỹ Ngụy! Tôi nhắm mắt xua đi ý nghĩ đen tối. Chợt tôi nghe tên Mỹ gọi thẳng tên tôi:
- “Miss Phượng, cô mạnh giỏi?”
Giọng của hắn cứng, thô nhưng phát rõ tiếng Việt. Tôi sượng sùng không biết xưng hô ra sao! Phải chi hắn hỏi bằng tiếng Anh thì khỏe biết mấy. Địch hay bạn cũng cứ là ‘you and I’. Trả lời bằng tiếng Việt sẽ phải gọi bằng ‘anh hay ông’ thì đều tỏ ra thân mật hoặc tôn kính. Tôi chợt có ý nghĩ chọc ghẹo hắn. Tôi đáp:
- “Mạnh nhưng không giỏi. Còn mi?”
- “Còn ‘me’? Tôi không hiểu!” Tên Mỹ ngẩn ngơ.
Trung úy Lê Giáp Thân ngồi cạnh hắn, bật cười:
- “Không phải ‘M and E’ tiếng Mỹ mà là ‘M and I’ tiếng Việt, có nghĩa là … mày!”
- “Mày?” Tên Mỹ tỏ vẻ ngơ ngác.
- “‘Mày’ có nghĩa là ‘you’. ‘Còn mi’ tức là ‘And you?’”
Tên Mỹ gục gặc đầu, khoái chí đáp trả:
- “Cám ơn cô Phượng, me good.”
Tôi cười, nói với Trung úy Thân:
- “Cám ơn Trung úy giải thích.”
Tiếng hô ‘nghiêm’ từ cuối bàn. Tất cả đồng loạt đứng lên. Tôi miễn cưỡng làm theo. Hạm Trưởng tiến đến chiếc ghế dành cho ông, chiếc ghế cùng mẫu có tay tựa, cùng màu xám nhạt nhưng có phần rộng lớn hơn. Ông nhìn qua một lượt, vui vẻ nói:
- “Mời ngồi!”
Câu đầu tiên sau khi ông an vị dành cho tôi:
- “Ông Hạm Phó lo cho cô đàng hoàng chứ? Có gì khiếu nại không?”
Giọng nói thân tình, thái độ tích cực, tư thế quyền uy khiến tôi lễ độ đáp:
- “Thưa Thiếu tá, hơn cả mong đợi.”
Tôi nói mà kêu khổ thầm. Khi nhận lời Hưng mang bom xuống tàu tôi không mảy may nghĩ mình sẽ lâm vào tình cảnh hôm nay. Theo dự trù, tôi ở khu tạm trú, ăn uống tự túc. Thế mà tôi lại đang được đối đãi như một thượng khách, được xếp ngồi ở vị trí quan trọng thứ nhì sau hạm trưởng. Tên Mỹ cũng xếp hạng sau tôi. Tôi đã nhẹ dạ nghe Hưng để bây giờ ngỡ ngàng, không biết ứng xử sao cho phải. Nội cách xưng hô cũng đầy phiền toái. Theo những gì được học tập, đây là những kẻ xâm lược, bán nước. Nhưng theo lễ nghĩa, tôi phải dạ thưa với chủ nhà, phải nhã nhặn với những người đáng tuổi làm anh. Bằng đang đi phiên nên ngồi sát bên mặt tôi là Trung úy Trần Văn Bạch. Tôi cúi gầm mặt tránh hàng chục cặp mắt đang hướng vào. Tiếng trầm ấm của Hạm Trưởng:
- “Cô là khách đầu tiên của chiến hạm, lẽ ra được thết đãi linh đình nhưng nhằm cuối công tác nên… có gì ăn nấy. Hy vọng cô có cùng chủ trương như tôi: Sống không phải để ăn!”
- “Cùng chủ trương, thưa Thiếu tá!”
- “Sĩ quan Ẩm thực đọc thực đơn hôm nay.”
Thiếu úy Hoàng Văn đứng lên:
- “Thưa Hạm Trưởng và quý vị, thực đơn hôm nay gồm các món sau:
Cơm trắng, cá chiên, thịt bò xào cải, tôm rim, canh rau muống. Hết.”
Hạm Trưởng lại nhìn tôi như chờ tôi cho ý kiến. Tôi thấy thiếu món tráng miệng không thể thiếu đối với tôi:
- “Tôi xin đóng góp món tráng miệng. Xin phép Thiếu tá.”
Tôi đứng lên đi vào buồng lấy hộp bánh LU đưa cho anh chiêu đãi rồi trở về ghế. Hạm Trưởng quét mắt quanh bàn, nói:
- “Nào! Mời cầm đũa.”
Tiếng nói từ quanh bàn:
- “Xin mời Hạm Trưởng.”
Ông dùng muỗng và đũa tách cá chiên thành từng miếng nhỏ. Tôi vừa cầm đũa vừa lén nhìn tên Mỹ. Cái cách hắn cầm tỏ ra hắn đã được huấn luyện trước khi sang Việt Nam tuy nhiên chỉ đủ để các ngón tay sồ sề cầm vững được đôi đũa ốm yếu. Khi tôi nâng chén và cơm vào miệng hắn còn lọng cọng dùng đũa ‘múc’ cơm.
Hạm Trưởng đang chậm rãi nhai hỗn hợp cải xào thịt bò, thấy tôi ngạc nhiên nhìn tên Mỹ gắp miếng cá chiên chấm nước mắm, ông nói:
- “Ban đầu Mister Ward chê nước mắm hôi nhưng giờ thì chịu là thơm ngon. Bữa nào không có nước mắm là hỏi!”
Tên Mỹ mỉm cười gật đầu tỏ ra hiểu câu nói. Tôi thì lại không hiểu chính tôi. Chống Mỹ nhưng lại thích thức ăn Mỹ. Nói cho đúng thì chắc vì lạ miệng. Lần duy nhất tôi ăn ration C cách nay vài tháng khi tôi về nhà nghỉ hè. Ba má tôi thấy bán ở chợ trời, tò mò mua ăn thử và tôi nhất định chọn ration C mang theo tàu thay cho cơm chiên ba má Hưng gợi ý. Ration C bán rất rẻ ở chợ trời Quy Nhơn.
- “Cô Phượng vẫn thường đi quá giang?”
- “Thưa, đây là lần đầu!”
- “Cảm thấy ra sao?”
Tôi vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. Cảm thấy ra sao ư? Thì còn ra sao nữa! Một mình tôi giữa sóng nước mông mênh. Quanh tôi toàn là sắt thép, súng to súng nhỏ và hàng trăm lính nổi danh gian ác. Nhưng nếu thú nhận rằng đang lo sợ thì có khác gì thú nhận đang làm chuyện bất chính! Tôi uống ngụm nước rồi trả lời:
- “Tôi… tôi thấy thật thích thú. Tôi yêu bài Hoa Biển của Anh Thy nên từng mơ ước một chuyến ra khơi. Nay ước mơ đã đạt.”
Trung úy Bạch lên tiếng:
- “Cô Phượng yêu Hoa Biển thì hẳn cũng yêu… lính biển?”
Tôi thấy cần bịa chuyện cho xuôi chuyện:
- “Trước đây thì có…”
- “Còn bây giờ?”
Tôi nghiêng mặt trả lời Thiếu úy Tiến:
- “Bây giờ tôi đang ở trên chiến hạm.”
Thiếu úy Tiến phản đối:
- “Cô Phượng trả lời huề vốn!”
Tôi cười, giả lả:
- “Chuyện thì dài mà tôi cũng không muốn gợi lại.”
Thiếu úy Hoàng Văn chen lời:
- “Đồng ý là không nên gợi lại. Chỉ cần biết hiện tại cô đang… độc thân là đủ vui rồi!”
Hạm Trưởng vừa cười vừa gắp con tôm rim bỏ vào chén tôi:
- “Con tôm này xuất xứ từ miền Tây. Vùng quê hương của cô phải không?”
- “Dạ phải.”
- “Cô ra Quy Nhơn hai tuần, đã đi những đâu?”
- “Ưu tiên là thăm viếng quê nhà của vua Quang Trung.”
- “Cô đã đến chưa? Tôi nghe nói người dân Bình Định chung sức xây Tây Sơn Điện để thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tôi từng muốn đến nhưng đường đi khá xa mà cũng không được an ninh.”
- “Tôi có đến viếng Tây Sơn Điện. Điện thờ có ba gian. Gian giữa thờ Quang Trung Hoàng Đế. Gian bên phải thờ Thái Đức Hoàng Đế tức Nguyễn Nhạc. Gian bên trái thờ Đông Định Vương tức Nguyễn Lữ. Dọc theo hai vách điện là án thờ tổ tiên nhà Tây Sơn và các quan văn thần võ tướng. Trong cùng có Đông phòng, Tây phòng là nơi gác trống chiêng. Càng nhìn càng thấy uy nghi xúc động. Ngoài khuôn viên điện thờ có cây me trên 300 tuổi và giếng nước cùng thời.”
- “Cô có nghe tin tức gì về Lăng mộ Quang Trung? Nghe đồn thì có nhưng chưa tìm thấy.”
- “Đúng vậy. Các hậu duệ vẫn đang khảo sát truy tầm.”
Chúng tôi tiếp tục ăn uống. Tôi vừa nhai vừa e sợ bị hỏi mà nghĩ mãi không tìm được câu hỏi tương xứng với chức vụ Hạm Trưởng. Ông lại lên tiếng:
- “Cô còn thăm viếng những nơi nào?”
- “Tháp Đôi của Chiêm Thành, Bán đảo Phương Mai, Mộ Hàn Mặc Tử.”
Thiếu úy Nguyễn Ấn ngâm nga:
- “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
Hạm Trưởng gõ đũa lạch cạch vào chén:
- “Các sĩ quan nghe cho rõ câu trả lời của cô Phượng. Ngày mai là ngày nào?”
Tôi lúng túng tuôn ra lời thật:
- “Chúng tôi định sau khi tôi ra trường.”
Thiếu úy Hoàng Văn nóng nảy kêu lên:
- “Hóa ra cô Phượng không hẳn còn… độc thân! Vậy chừng nào ra trường?”
- “Hai năm nữa!”
- “Còn độc thân những hai năm nữa.” Hoàng Văn cất tiếng ca. “Đời còn nhiều bâng khuâng.”
- “Nghe giọng nói của cô, tôi đoán cô cùng miền với Hạm Phó. Nhưng chắc không cùng dân Châu Đốc?”
Tôi mừng nghe Hạm Trưởng đổi đề tài. Tôi đáp nhanh:
- “Vĩnh Long.”
- “Học trường Tống Phước Hiệp?”
- “Dạ phải”
- “Nơi sinh?”
Tôi khoái lối hỏi của Hạm Trưởng. Không phải mất công đắn đo tìm lời đáp ứng. Tôi đáp không do dự:
- “Nha Mân.”
Hạm Trưởng đập nắm tay xuống bàn một cách hứng thú:
- “Tôi đoán đúng! Cô phải sinh ra ở Nha Mân chớ không nơi nào khác!”
Tôi nhìn mọi người cũng ngẩn ngơ như tôi. Thiếu úy Hoàng Văn lại lên tiếng:
- “Tôi đồng ý với Hạm Trưởng.”
Các sĩ quan ngưng ăn, lao nhao. Thiếu úy Nguyễn Ấn nêu thắc mắc:
- “Thưa Hạm Trưởng, dựa vào đâu Hạm Trưởng cho rằng cô Phượng sinh ở Nha Mân? Mà Nha Mân là nơi nào tôi chưa từng nghe danh!”
- “Nha Mân có một thời thuộc tỉnh Vĩnh Long. Các cô lớn lên ở Nha Mân thường theo học Trung học Tống Phước Hiệp. Năm 1960, tôi đổi về Giang Đoàn 23 Xung Phong đồn trú Vĩnh Long. Suốt hai năm, tôi đeo đuổi một nữ sinh tuyệt đẹp. Cô bảo quê cô ở Nha Mân. Nha Mân thì Giang đoàn chẳng xa lạ gì. Thỉnh thoảng tôi chỉ huy năm ba giang đỉnh vào kinh Nha Mân yểm trợ đồn bót, nên khi biết sinh quán của ‘người yêu’, tôi cho giang đỉnh ghé chợ vừa để mua lương thực vừa dò la hỏi han. Ối chao, các cô ở đó đẹp sao là đẹp. Thành ra khi cô Phượng nói học Tống Phước Hiệp, tôi nghĩ ngay cô hẳn có gốc Nha Mân!”
- “Nhưng đâu phải người nào đẹp cũng đều sinh ra ở Nha Mân!” Trung úy Thạch phản đối.
- “Đồng ý. Nhưng phải là người từng đeo đuổi người đẹp Tống Phước Hiệp mới có linh cảm như tôi.”
- “Vẫn chưa ăn nhậu vào đâu, thưa Hạm Trưởng.”
- “Ăn nhậu là thế này! Có một lần ghé chợ Nha Mân ăn nhậu cùng các thẩm quyền xã ấp, tôi tỏ ý ngạc nhiên sao các cô gái Nha Mân đều có nhan sắc khuynh nước khuynh thành. Một chức sắc kể chuyện, khi chúa Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn ở trận Rạch Gầm, ông đưa cung tần mỹ nữ đến ẩn trú ở Nha Mân. Không lâu sau đó, Nguyễn Huệ tìm ra và truy đuổi. Tình thế khẩn cấp, Nguyễn Ánh một mình chạy thoát thân, bỏ lại dàn mỹ nữ hoa nhường nguyệt thẹn. Và dần dần họ trở thành là vợ là mẹ dân Nha Mân. Điều lạ lùng là các cô gái sinh ra đều giữ nguyên nhan sắc đến độ đã thành câu ca dao ‘Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân’. Thế thì, trước nhan sắc của cô Phượng, sinh quán Nha Mân, các quan ta kết luận thế nào?
Trung úy Thạch to tiếng nhất:
- “Cô Phượng hẳn là hậu duệ của vua Gia Long.”
Tôi thầm phục tài luận xét của Hạm Trưởng. Có lần mẹ tôi kể về gia thế của mình. Bà cố của mẹ tôi là một cung tần của vua Gia Long. Tuy vậy, tôi nửa nhận nửa chối:
- “Nghe như thiệt!”
Hạm trưởng quét mắt hỏi:
- “Có ai có ý kiến gì khác chăng?”
Tên Mỹ lắc đầu trước tiên. Tội nghiệp, mãi đến giờ hắn mới có dịp phát biểu bằng cử chỉ! Trung úy Bạch, đẹp trai nhất đám, gật gù nói:
- “Căn cứ câu ca dao, cô Phượng khó chối cãi mình chính là bằng chứng… lịch sử!”
Tất cả cười rộ. Thiếu úy Văn bồi thêm:
- “Thưa công chúa điện hạ!” Anh chàng nói xong đứng lên chắp tay cúi đầu.
Tôi nghe máu chạy lên mặt nóng bừng. Giọng Hạm Trưởng đều đều, thân tình:
- “Phải nói tâm tính cô thật thuần lương. Là hậu duệ của Gia Long mà vẫn ngưỡng mộ Quang Trung. Có thể nhờ tấm lòng thuần lương đó mà Nguyễn Huệ cho cô cơ hội quá giang chiến hạm này.”
Thấy tôi tỏ ra không hiểu, ông xoay người chỉ vào chiếc huy hiệu treo trên vách:
- “Đây là huy hiệu của chiến hạm, mang tên trận Đống Đa lẫy lừng của Quang Trung.”
Tôi dở khóc dở cười trước nhận xét của Hạm Trưởng. Việc tôi đi quá giang gần như là một bắt buộc chớ có ‘ăn nhậu’ gì với mối thù giữa hai vị vua. Cũng chẳng là sứ giả hòa giải gì hết! Còn tâm tính thuần lương, chỉ đúng trước khi tôi gặp Hưng. Tôi đã từng cực lực phản đối khi ba tôi mua vịt sống về tự cắt cổ lấy máu làm tiết canh. Nhưng giờ đây, thuần lương gì mà đem bom cho nổ giết người. Tôi chua xót tự hỏi vì sao mà bỗng dưng quay đầu 180 độ. Vì đâu nên nỗi!
Tiếng của Trung úy Bạch:
- “Thưa Hạm Trưởng, chuyện tình Tống Phước Hiệp, rốt cuộc giai nhân trở thành Hạm Trưởng phu nhân?”
- “Trung úy đã yêu ai chưa?”
- “Thưa, đang yêu.”
- “Đeo đuổi mấy năm rồi?”
- “Mấy tháng nay.”
- “Cố gắng kiên trì đeo đuổi hai năm như tôi thì cô ta sẽ thành Bạch phu nhân!”
Chúng tôi cười phá lên. Nhìn nụ cười hả hê của Hạm Trưởng mà lòng tôi chùng xuống. Vợ của ông không chừng có dây mơ rễ má với tôi. Tôi cúi nhìn mặt bàn trắng tinh tưởng như mọi toan tính đen tối trong đầu đã xóa sạch. Giọng
Hạm Trưởng thật hiền hòa:
- “Kỳ này về kể chuyện gặp cô Phượng, hẳn nhà tôi mừng lắm! Thế nào bà ấy cũng tìm tận nhà để hàn huyên.”
Gặp người cùng hoàng tộc, còn gì vui hơn nhưng địa chỉ trong giấy phép quá giang là giả, tìm sao được mà tìm. Nghẹn ngào, tôi chỉ biết giương mắt nhìn ông. Bất chợt mắt tôi dừng ở một huy hiệu màu vàng gắn bên trên bảng tên Bùi Việt Quang ở ngực áo. Đó là một vành tròn bằng kim loại ôm lấy ngôi sao năm cánh với mấy chữ không trông rõ. Tôi chộp cơ hội đổi đề tài:
- “Ồ, chiếc huy hiệu trông đẹp quá!”
Theo tia mắt tôi, Hạm Trưởng cúi nhìn rồi ngẩng lên mỉm cười:
- “Cô đã từng uống nước mía ở đường Pasteur?”
Ngạc nhiên trước câu hỏi lạc đề nhưng tôi vẫn thật lòng trả lời:
- “Đó là địa điểm ưu tiên khi đi phố.”
- “Cái huy hiệu tôi đang đeo, Hải Quân gọi là… bánh xe nước mía! Cô nhìn kỹ xem có giống không?”
Tôi chồm người nhìn chăm chăm rồi tưởng tượng hình ảnh bánh xe quay ép cây mía. Tôi nói:
- “Chỉ giông giống thôi. Huy hiệu thật thẩm mỹ và trông như vàng thiệt. Nhất là ngôi sao năm cánh thật nổi!”
- “Chính danh, đó là huy hiệu Hạm trưởng. Ngôi sao tượng trưng cho sao Bắc Đẩu mang ý nghĩa chỉ dẫn hướng đi. Còn tay lái tượng trưng cho chiến hạm. Nói rõ hơn đó là biểu tượng uy quyền của người chỉ huy chiến hạm.”
- “Thưa Thiếu tá, nửa phần dưới vành tròn khắc những chữ gì?”
- “À, đó là Danh Dự, Kỷ Luật, Tài Đức. Một nhắc nhở, một lời thề. Người mang huy hiệu này phải luôn luôn tôn trọng danh dự, gìn giữ kỷ luật và phát huy tài đức.”
- “Một huy hiệu thật ý nghĩa.” Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu biết.
- “Huy hiệu của Hải Quân Việt Nam dựa trên nền tảng đạo đức.” Hạm Trưởng tiếp. “Huy hiệu của Mỹ dựa trên uy quyền. Thay chỗ Danh Dự Kỷ Luật Tài Đức là hàng chữ Latin “Magister Post Deum”, có nghĩa “Chúa tể sau Thượng Đế”. Dịch nôm na là trên có Trời, dưới có Hạm trưởng.”
- “Như vậy có nghĩa là trên thế gian này uy quyền của Hạm Trưởng là trùm thiên hạ!” Thiếu úy Vương Văn Tiến nói.
- “Không hẳn thế!”, Hạm Trưởng lắc đầu. “Chỉ trùm ngoài biển thôi!”
Tôi đang hài lòng với sự khiêm tốn của ông thì lại nghe ông tự đính chính:
- “Tôi nói thế cũng còn quá tự tôn. Đúng ra là chỉ riêng trên một chiến hạm. Còn uy quyền ngoài biển, thì phải dành cho Ngài Đại Hải Long Vương. Cô Phượng có nghe danh Ngài Đại Hải Long Vương?”
- “Có biết qua khi đọc Tây Du Ký!”
- “Chắc cô khó mà tin, chiến hạm này đặc biệt có duyên được Ngài để mắt tới.”
Mọi người gật đầu tỏ vẻ tán thành làm tôi càng nôn nóng muốn nghe tự sự nhưng ông thản nhiên bỏ dở:
- “Trở lại huy hiệu Hạm Trưởng, cần nói rõ thêm để trường hợp cô Phượng muốn làm tài công… lái hạm trưởng thì biết phân biệt. Ông Hải Quân nào đang làm hạm trưởng – thường là xa nhà - thì huy hiệu này đeo bên ngực áo phải. Còn ông nào từng là hạm trưởng - thường như công chức - thì đeo bên ngực áo trái.”
Thấy sự việc chẳng ăn nhậu gì đến mình, tôi nhắc:
- “Thiếu tá chưa nói rõ trường hợp đặc biệt nào chiến hạm được Ngài Đại Hải Long Vương để mắt tới...”
- “Muốn rõ chuyện thì cô buộc phải rời bàn, là điều tôi muốn tránh lúc đang ăn. Hẹn đến trước cơm tối.”
Tôi cụt hứng, lặng lẽ và cơm. Một lúc, Hạm Trưởng buông đũa, nói với tên Mỹ:
- “Hê Rick. Tàu chạy chậm quá. Có phim gì xem cho qua thì giờ?”
- “Có movie Mission Impossible, phim mới, coi hay lắm.”
- “Cái tựa nghe hấp dẫn đấy. Vui lòng chiếu cho mọi người cùng xem, được chứ Rick?”
- “Aye aye, Sir.”
Tên Mỹ lanh lẹ đứng lên bước vào buồng. Tôi hỏi Trung úy Bạch:
- “Aye aye nghĩa là gì vậy?”
- “À, đó là đặc ngữ của Hải Quân Mỹ, dành cho cấp dưới trả lời cấp trên. Có nghĩa ‘Tuân lệnh, thưa ngài’. Trường hợp này, có thể hiểu: ‘Có ngay, thưa Hạm Trưởng.’”
Tôi ngạc nhiên thốt lên:
- “Có thật ‘Aye aye’ mang ý tuân lệnh không đó? Hắn là Mỹ mà!”
- “Mỹ thì mặc xác Mỹ, bộ cô không thấy hắn răm rắp tuân lệnh Hạm Trưởng đó sao! ‘Magister Post Deum’ mà!”
Tuy đã tận mắt chứng kiến, tôi vẫn bán tính bán nghi, nên hỏi:
- “Trung úy xưng hô với hắn thế nào?”
- “Thì lịch sự gọi Mister Ward, rồi dùng ‘you’ mang nghĩa tiếng ‘mi’ của cô!”
- “Chí lý!”
Tôi thấy nhẹ người với cách xưng hô mới mẻ này. Tôi sẽ trực diện với tên Mỹ, muốn đích thân hỏi hắn mang xác đến miền Nam để làm gì!
Anh chiêu đãi nhanh nhẹn dọn dẹp bàn ăn. Tên Mỹ đặt máy ở góc bàn nơi Hạm Trưởng ngồi chiếu thẳng vào vách. Các sĩ quan cuối bàn nhấc ghế sang hai bên.
Phim kể về một điệp vụ của Mỹ gồm một nữ bốn nam có nhiệm vụ đến Santa Costa để tịch thu hai đầu đạn nguyên tử do kẻ thù của Mỹ cung cấp. Hai đầu đạn đó có thể dùng để cho nổ trên đất Mỹ. Cuộc đột nhập rất nguy hiểm hồi hộp. Cô điệp viên rất bạo dạn trong nhiệm vụ giao phó, được sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng của bốn đồng nghiệp. Còn tôi, một tay mơ nhập nghề, nhiệm vụ tôi cũng thật hồi hộp hiểm nguy nhưng lại hoạt động đơn độc, xoay sở một mình. Vừa xem phim vừa thấy mình quá liều mạng…
Được chừng nửa phim, đang lúc nữ điệp viên Barbara Bain dùng mỹ nhân kế che mắt tên tướng địch để đồng nghiệp đột nhập kho chứa hai quả bom thì tiếng chuông nội thoại chợt reo vang làm tôi giật nẩy mình.
Thiếu úy Văn nhấc máy gắn trên vách:
- “Thiếu úy Văn tôi nghe.”
Một thoáng, anh hướng về Hạm trưởng:
- “Thưa Hạm Trưởng, Hạm Phó xin gặp Hạm Trưởng.”
Ông bước đến tiếp nhận ống nghe. Chỉ vài giây sau ông reo to:
- “Tốt quá! Hạm Phó cho lái vào Cam Ranh. Khoảng bao lâu nữa tới cửa vịnh?”
Hạm Trưởng lắng nghe rồi gác máy, trở về bàn nói với tên Mỹ:
- “Cơ phận của máy bơm giảm nhiệt ‘you’ đặt hàng, đã có sẵn ở kho tiếp liệu. Chúng ta ghé vào lấy. Thay cái mới, chiến hạm sẽ… bay về Sài Gòn. Cám ơn đã trợ giúp.”
- “Không có chi.” Tên Mỹ nói tiếng Việt ngọt xớt.
- “Còn một giờ nữa mới tới cửa vịnh, chúng ta có thể xem đến hết tuồng.” Hạm Trưởng quay sang tôi. “Cô Phượng đã đến Cam Ranh bao giờ chưa?”
- “Thưa chưa!”
- “Đến viếng Cam Ranh thường là bằng đường bộ. Còn bằng đường biển thì nghìn năm một thuở. Chính vì vậy tôi đành cho phép cô lên Đài Chỉ Huy chiêm ngưỡng quang cảnh từ biển vào vịnh để chuyến đi của cô thêm thi vị!”
Mấy từ ‘lên đài chỉ huy’ không hiểu sao khiến toàn thân tôi gần như run rẩy. Tôi lắp bắp, suýt nữa xưng tên thật:
- “Phượng chân thành cảm tạ Hạm Trưởng!”
Tôi cũng nhận ra mình quýnh quáng gọi ông bằng chức vụ nhưng ông chỉ mỉm cười cảm thông. Tôi tiếp tục nhìn lên màn ảnh mà không hiểu gì nữa. Đầu óc tôi cứ mường tượng chiếc cầu thang dẫn lên thượng tầng kiến trúc và lẩn quẩn nghĩ cách đưa quả bom lên đó. Tôi chợt hiểu ra nguồn cơn xúc động. Điều tôi thầm ao ước bất ngờ ập đến. Thiếu tá Bùi Việt Quang, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Đống Đa 007 đâu biết rằng việc cho phép tôi lên đài chỉ huy là ông tự đào mồ chôn chính ông và bộ chỉ huy của mình…
Chương 9
Vịnh Cam Ranh
Thứ bảy 5/8/1967 15:00G
Trên đường lên Đài Chỉ Huy, khi đi ngang cửa buồng ngủ của Hạm Trưởng, bất chợt ông nói:
- “Sẵn ghé qua thăm ‘giang sơn’ của tôi cho biết.”
Không cần tôi đồng ý, ông bước đến xoay cần rồi kéo mở cánh cửa sắt nặng nề. Tôi điếng hồn nghĩ là mình đã bị sập bẫy. Giang sơn của ông hẳn là nơi dành cho ông ngủ nghỉ, nếu tôi bước vào chẳng khác tự chọn tử địa. Và thê thảm hơn, chỉ có tôi với ông và chiếc giường. Tôi có la làng, dù tiếng la vượt ra ngoài, người làng cũng toàn là người của ông. Nhưng phải liều thì mới biết gian buồng có đúng là nơi đặt bom hiệu quả nhất. Nếu không, ít nhất cũng thấy tận mắt cấu trúc phòng Hạm Trưởng để lập báo cáo khi tổ chức cần đến.
Tôi cân nhắc tình thế thật nhanh. Ông cao hơn tôi chút đỉnh nhưng có vóc dáng như tài tử hơn là võ sư. Trường hợp ông sàm sỡ, nếu ông coi thường cảnh cáo, tôi thừa sức đối phó. Cùng lắm thì hạ sát, kéo ông ném xuống biển, coi như tai nạn.
Hạm Trưởng bật đèn. Gian phòng tăm tối đột ngột sáng choang, bày ra một không gian rộng gấp ba căn buồng của Hạm Phó. Sự hòa hợp giữa đèn huỳnh quang và màu đọt chuối các vách phát ra độ sáng mát mắt. Tôi mạnh dạn bước vào. Độ lạnh dường như có phần thấp hơn các nơi khác trong lòng tàu. Tôi hít một hơi dài để thêm dũng khí. Mùi khói thuốc thơm dịu. Tôi thấy cần nhớ tên hiệu thuốc hút này để yêu cầu Hưng thay đổi. Tôi quá sợ mùi Bastos khét nghẹt. Ngay bên phải cửa buồng là một cầu thang thẳng đứng dẫn lên một cửa ô có nắp đậy với vòng tròn vặn đóng mở. Ở góc bên trái là một bệ để đèn đọc sách. Liền với bệ đèn là chiếc ghế bành trông thật êm ái. Bên trên là kệ sách dài, đa số là sách khảo cứu, triết học. Một số tiểu thuyết Việt, Anh, Pháp. Tiếp đến là một bàn viết như của Võ Bằng với ba khung hình. Khung ở giữa là hình ông bà Hạm Trưởng với hai con một gái một trai ba bốn tuổi. Bên phải có lẽ là hình đại gia đình. Và bên trái là hình “tân lang tân gia nhân” phía dưới có ghi ngày 17/11/1962. Tôi tính ngỏ lời khen xã giao thì lại phân vân không biết xưng hô thế nào. Gọi là ‘vợ của Thiếu tá’, ‘bà nhà’, ‘phu nhân’? Tôi chọn từ bình dị:
- “Chị quả là đẹp. Không uổng công hai năm đeo đuổi!”
Hạm Trưởng mỉm cười, bước đến đứng cạnh tôi:
- “Vất vả lắm, cô Phượng ơi! Chỉ mong Hạm Phó của tôi không phải cần đến hai năm!”
Để tránh trả lời, tôi nhấc khung hình giữa ngắm nghía rồi kêu lên:
- “Cháu gái giống mẹ quá!”
- “Có ‘gen’ Nha Mân mà!” Hạm Trưởng cười hể hả.
Nhìn nét bụ bẫm của bé gái tôi nghĩ đến tấm hình tương tự của tôi. Ba mẹ tôi cho rọi lớn, treo ở vị trí dễ thấy nhất. Cho tới bây giờ khung hình vẫn ở nguyên vị trí đó. Ba mẹ tôi nói, ngày nào cũng xem hình cho đỡ nhớ. Tất nhiên ông Hạm Trưởng cũng nhớ con mình không kém. Hẳn mỗi ngày ông đều ngồi đây ngắm vợ con. Những khuôn mặt tươi vui của mọi người trong gia đình ông làm tôi rủn chí. Theo Hưng, lính “Ngụy” rất tàn ác, đáng giết từng người. Chứng cớ tàn ác đâu không thấy chỉ thấy tay mình sắp nhuộm đầy máu, chỉ thấy chính mình phá nát ít nhất vài gia đình. Tôi chợt nghĩ đến một phép thử. Tôi đi qua bộ bàn bốn ghế đặt giữa phòng và đứng lại trước chiếc giường. Nếu ông ôm vật tôi để cưỡng bức, tôi sẽ ra tay không tiếc thương. Tôi nhìn ông cười nói:
- “Chiếc giường của Thiếu tá trông ngon lành hơn giường của Hạm Phó!”
Mi mắt ông chớp nhanh, ánh mắt vui tươi, giọng chân tình:
- “Chỉ là bù đắp nhỏ so với trách nhiệm lớn.”
Thấy hai điện thoại trên chiếc bàn thấp bé cạnh đầu giường, tôi gợi ý:
- “Hạm Trưởng đúng là ‘Magister Post Deum’, một mình có đến hai điện thoại. Hẳn ngày nào Hạm Trưởng cũng ‘thả lời ong bướm’ với… phu nhân?”
Ông lắc đầu, cười:
- “Được thế thì còn gì bằng! Nhưng tiếc là cả hai đều dành cho công vụ. Một để liên lạc nội bộ trên tàu. Còn một mang chữ HOTLINE để liên lạc với các bộ tư lệnh Hạm Đội và các vùng. Từ ngữ ‘HOTLINE’ hẳn đủ cho cô hiểu ý nghĩa của nó!”
Thấy ông vẫn lịch sự coi tôi như một ‘khách quý’, tôi xúc động bước qua khu vệ sinh mà tưởng rằng đang bước từ ác cảm qua thiện cảm. Dãy tủ thấp tủ cao không còn hấp dẫn để cất giấu quả bom, trái lại, khung ảnh tràn đầy hạnh phúc bắt đầu ám ảnh. Gian buồng thật tiện nghi, ấm cúng, gọn gàng này hẳn nhiều lần tiếp đón gia đình Hạm Trưởng. Tôi đành lòng nào cho nổ tan tành...
Khi đến cửa ra, tôi chân thành nói:
- “Phòng của Hạm Trưởng trông thấy mà mê! Chừng nào Hải Quân thu nhận nữ giới, tôi xin gia nhập tức khắc…”
Nói xong, tôi mới thấy mình ngớ ngẩn. Vừa muốn chống Mỹ cứu nước, vừa muốn làm lính Ngụy. Tôi lại vừa khám phá mình cũng chẳng còn có chút gì cảnh giác.
- “Cứ cái đà đánh đấm mãi thế này thì chắc cũng đến lúc các cô phải nhập ngũ thôi! Hải Quân một số nước, hiện tại đã có vài nữ Hạm Trưởng rồi.”
- “Thật sao?” Tôi ngạc nhiên kêu lên.
- “Có ra ngoại quốc mới thấy Hải Quân nước mình còn lạc hậu lắm! Hy vọng đời con cháu sẽ làm rạng rỡ Hải Quân Việt Nam.”
Không nghĩ ra lời đối đáp, tôi chỉ chiếc thang thẳng đứng, gợi ý muốn rời buồng:\
- “Chiếc thang này dẫn đi đâu, thưa Thiếu tá?”
- “À! Nó đưa lên thẳng Trung tâm Chiến báo và Phòng Truyền tin. Hạm Phó đã đưa cô đến đó?”
- “Thưa rồi.”
- “Vậy thì mình lên thẳng Đài Chỉ Huy, không qua các nơi này.”
Hạm Trưởng đưa tay quay cần ngang và đẩy cửa mở. Tôi bước theo ông ra ngoài, người lâng lâng nhẹ nhõm. Tình huống xấu tôi chờ đợi đã không xảy ra. Những gì tôi đã nghe, trái ngược những gì tôi đang trải nghiệm. Kèm với cảm giác an toàn là niềm cảm kích trước thân tình và tư cách của Hạm Trưởng. Ông có đủ uy quyền và cơ hội áp đặt dục vọng vào tôi nhưng trái lại toàn là những cử chỉ lời lẽ thân ái, ân cần. Tôi vẫn nôn nao theo ông lên Đài Chỉ Huy nhưng không vì tìm nơi đặt bom mà vì muốn nhìn cái vịnh nổi tiếng lịch sử, là nơi trú ẩn tránh bão của đoàn chiến thuyền Nguyễn Ánh trên đường ra Quy Nhơn tử chiến với quân Tây Sơn…
Tiếng hô ‘nghiêm’ nhỏ mà sắc khi Hạm Trưởng đặt chân lên thềm Đài Chỉ Huy. Tên Mỹ và toán đương phiên đồng loạt đưa tay chào. Hạm Trường chào đáp. Đó là hình ảnh lạ và đẹp mắt lần đầu tôi thấy trên đời. Toán trực phiên chào xong, quay lui, nghiêm chỉnh đứng quan sát hướng mũi. Hạm Trưởng thư thả ngồi vào chiếc ghế nệm độc nhất màu nước biển, đưa mắt nhìn bao quát rồi nói với tôi:
- “Cô Phượng có thể đứng ở cánh trái.”
Đó là nơi Võ Bằng đang vẫy tay với tôi. Tôi vui mừng bước đến khoảng trống ngay sau anh chàng. Ở vị trí này tôi có thể quan sát toàn cảnh ngoài biển lẫn sinh hoạt trong Đài Chỉ Huy.
Đài Chỉ Huy có hình chữ nhật nằm ngang bên trên Trung tâm Chiến Báo, bốn bề là vách cao ngang thắt lưng. Các cột quanh bệ, chống đỡ cái nóc che bằng vải bố cùng màu xám đậm có độ cao vừa quá tên Mỹ. Phần trước hình cánh cung với tấm kính trong suốt chắn mưa gió.
Lần đầu đứng trên Đài Chỉ Huy của một chiến hạm, tôi rộn ràng ngây ngất như đang bay trên biển trời mênh mông. Một cảm giác bềnh bồng, lênh đênh theo cơn gió hâm hấp, thơm lành. Vẫn biển xanh bát ngát, vẫn trời xanh lồng lộng mà bỗng dưng vời vợi bao la. Tôi hít thở, hít thở rồi hít thở. Tôi đặt các ngón tay vào môi rồi ‘gửi gió cho mây ngàn bay’. Tình yêu của tôi bung ra ôm lấy mọi người chung quanh, ôm cả chiến hạm…
Mọi hình ảnh trước mắt đều dễ thương. Ở hai đầu kính chắn gió, hai thủy thủ mang ống dòm nghiêm chỉnh quan sát hải trình. Một thủy thủ đứng trước một vòng quay có những trục tủa từ tâm điểm trông y như bánh xe nước mía. Ngay trước mắt anh thủy thủ này là một khối tròn có mặt phẳng kẻ số 0 ở đáy, mỗi bên có vạch cách 5 độ đến độ 35. Một đầu kim hình mũi tên chỉ vào các con số này cho biết độ lệch của bánh lái theo lệnh ban hành. Thiếu úy Văn đứng tựa tay trên thành đài, bên phải ghế Hạm Trưởng. Tên Mỹ khoanh tay đứng bên trái, trông như Hạm Trưởng được hữu bật tả phù. Rải rác đây đó toàn là máy móc, dụng cụ lớn nhỏ tôi mới thấy lần đầu.
Thấy tôi chăm chú ngắm, Võ Bằng giải thích từng món. Trên một bàn trước ghế Hạm Trưởng là tấm hải đồ ven biển kẻ sẵn các hướng đi từ cửa vịnh Quy Nhơn đến cửa sông Lòng Tào. Giữa Đài Chỉ Huy là hai cột trụ, một thấp một cao, trên chóp của cả hai có một bộ phận như cái tô lớn khắc 360 độ quanh vành. Cái thấp là la bàn từ, cái cao là la bàn điện. Mặt tròn của la bàn từ thì đong đưa để tự tìm hướng Bắc địa từ, còn la bàn điện thì cố định, luôn luôn chỉ đúng hướng Bắc địa cực.
Tiếng Hạm Trưởng đột ngột vang lên:
- “Hạm Trưởng nhận quyền chỉ huy!”
Người mà tôi vừa cùng dùng cơm nói cười vui vẻ, vừa thân mật đưa thăm ‘giang sơn’ riêng, giờ đây là kẻ lạnh lùng đưa ra các mệnh lệnh sắc gọn. Mỗi lệnh Hạm Trưởng đưa ra, nhân viên thi hành ‘đáp nhận’ và sau đó xác nhận đã thi hành. Cây kim trước người lái đang chỉ số 0 qua số 5 đến số 10 bên phải. Chiến hạm từ từ quay mũi thẳng góc với bờ. Cây kim quay dần về số 0. Anh thủy thủ lái tàu nói to:
- “Đường 280.”
Võ Bằng nói nhỏ với tôi:
- “Không giống như vịnh Quy Nhơn chỉ một cửa với nửa vòng bên trái của vịnh là bãi cát, làng mạc, nửa kia là dãy núi liền với biển, vịnh Cam Ranh được bao bọc bằng vòng cung núi cao, án ngữ bởi đảo Bình Ba chia thành hai cửa ra vào. Chiến hạm đang hướng vào cửa lớn. Tiếng Hạm Trưởng:
- “Thiếu úy Văn nói phòng Truyền tin liên lạc Duyên Đoàn 26 cho ghe đón Hạm Trưởng vào bờ.”
Thiếu úy Văn bước đến một miệng loa có ống dẫn xuống bên dưới. Anh lặp lại lệnh Hạm Trưởng. Tôi nghe tiếng đáp cũng phát từ miệng loa:
- “Phòng Truyền tin đáp nhận hành.”
Phải mất gần nửa giờ chiến hạm mới đến ngang cửa vịnh. Từ cửa nhìn vào, vịnh có dạng một thảm xanh hình tròn long lanh phản chiếu nắng chiều. Vô số ghe không mui, không người dọc mé bờ bên trái. Hai ghe ngoài cùng có cặp chèo gác xuôi. Trên bãi là những chiếc thuyền thúng trơ trọi phơi mình. Cao hơn, sườn núi hình cánh cung hoang vu xám xịt, lem luốc. Bầu trời như xanh hơn trên các đỉnh chập chùng. Một cụm mây có đường viền rực sáng vắt ngang. Rải rác giữa vịnh, một số thương thuyền bề thế im lìm như say ngủ. Dọc theo bờ phải là bãi cát vàng trải dài nối liền vùng cây xanh cuối vịnh ẩn hiện xóm làng.
Con tàu chậm chạp hướng về bờ phải, hiện rõ dần nhiều tàu quân sự đang ủi bãi và bốn thương thuyền khổng lồ chiếm bốn chiếc cầu dài thẳng góc với bờ. Trên mỗi thương thuyền, vô số thùng chứa cồng kềnh chồng chất suốt mũi đến tận lái. Chạy dọc trên khu bãi là con đường nhựa bận rộn đủ loại xe. Bên kia đường, từng cặp ba dãy nhà tiền chế nằm cạnh nhau lúc theo chiều dọc, lúc chiều ngang. Trên các lối đi hẹp, thỉnh thoảng có những dáng người di chuyển. Xa hơn, một chiếc trực thăng vừa đáp tung bụi trắng trời, một chiếc còn vần vũ. Xa hơn nữa, một phi cơ màu nâu loang lổ đang phóng mũi lên vùng trời nhiều mây. Ông Hạm Trưởng đưa tay chỉ cho Hạm Phó:
- “Hai ngôi nhà ngói đỏ là khu Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Một để đào tạo Người Nhái, một cho Hạ sĩ quan và Thủy thủ chuyên nghiệp. Chúng ta nhân tiện ghé viếng thăm, biết đâu tôi và Hạm Phó sau này mỗi người điều hành một trường!”
Tôi cố nhướng mắt theo tay chỉ của ông. Xa bên trên các mái ngói đỏ là một trụ ăng-ten cao lêu nghêu, đơn độc. Lệnh Hạm Trưởng vang lên:
- “Nhận còi nhiệm sở neo.”
Anh Hạ sĩ đưa ngón tay nhấn một nút trên vách. Nhiều tiếng còi te tít vang lên. Hạm Trưởng quay sang nói với Võ Bằng:
- “Hạm Phó xuống kiểm soát neo và chờ tôi ở sân giữa.”
Tôi nhìn theo dáng Bằng thấp dần trên cầu thang. Mãi đến lúc này tôi mới thấy chiếc chiến thuyền có dạng ghe đánh cá, mui màu xám đậm với hai gạch chéo màu vàng đang chạy song hành cùng tàu. Một thủy thủ đứng cùng với khẩu súng bắn dây ở mũi, hai người đứng phía sau cùng hai khẩu bên hông. Các nòng súng được bọc kín và chĩa thẳng lên trời. Thấy tôi từ Đài Chỉ Huy nhìn xuống, tất cả nồng nhiệt vẫy tay với vẻ ngạc nhiên. Tôi cũng nồng nhiệt vẫy tay đáp lễ.
Khi chiến hạm tiến ngang dãy cầu tàu, Hạm Trưởng ra lệnh ngừng máy. Con tàu tiếp tục lướt tới nhưng chậm dần. Hạm Trưởng ra lệnh ‘máy lùi’ rồi ‘máy ngưng’. Mãi khi con tàu còn trớn lùi thật chậm, ông mới ban lệnh thả neo. Tôi nhìn dây neo tuôn khỏi trục quấn và chạy luồn qua một ô tròn ở gần mũi, nơi Trung sĩ Hoàng kiểm soát sáng nay. Tôi nghe nhân viên âm thoại báo cáo dây neo xuống nước từng đoạn 30 feet. Khi nghe đến số 210, ông cho lệnh ngừng thả. Tôi chợt có cảm giác người bị giật nhẹ, cùng lúc tôi cũng nhận ra lái tàu tạt dần qua trái rồi hướng cố định vào đám ghe câu. Sợi dây neo nghiêng dài trên mặt nước. Khi được báo cáo neo đã cắn, Hạm Trưởng nói ‘giải tán’ rồi bảo Thiếu úy Văn:
- “Hãy canh gác cẩn thận, không cho ghe xuồng gần tàu. Báo Phòng Truyền Tin cho một nhân viên mang PRC-25 theo tôi vào bờ. Nghi ngờ neo trốc, gọi Trung úy Cang và báo tôi ngay.” Ông quay sang tôi, tiếp lời: “Cô Phượng có thể ở trên đây ngắm cảnh, nếu muốn. Gặp lại cô sau.”
Ông hất mặt nói với tên Mỹ còn đứng xớ rớ ôm chiếc la bàn từ:
- “Go with me, Rick.”
- “Aye aye, Sir.”
Tiếng “sir” rõ ràng được phát ra mạnh, dứt khoát, biểu lộ sự tôn kính. Hạm Trưởng rời ghế, bước về phía cầu thang. Thiếu úy Văn hô “Nghiêm”. Các nhân viên và tên Mỹ đứng thẳng người đưa tay chào tiễn Hạm trưởng rời đài chỉ huy. Tôi phát giác mình cũng đang đứng thế nghiêm như mọi người. Khi Hạm Trưởng đặt bước chân lên nấc thang đầu tiên, Thiếu úy Văn hô “Nghỉ”. Đến lúc đó tên Mỹ mới bước theo Hạm Trưởng. Cả hai hướng về mũi tàu nơi Bằng đứng đợi. Bên hông phải, một chiếc chiến thuyền đang nhẹ nhàng cập vào. Bằng nhảy phóc từ tàu lên mui ghe. Tên Mỹ nhảy nối tiếp. Khi Hạm Trưởng ở tư thế sẵn sàng rời tàu, tiếng còi te-tí-tí-te vang lên từ anh Giám lộ đứng trước tôi. Khi ghe tách khỏi tàu, anh ngưng thổi và vói tay kéo lá cờ tam giác trắng có lằn đen nằm giữa, nhỏ cỡ một phần tư.
Một lần nữa tôi thấy hụt hẫng. Tôi có cảm tưởng Võ Bằng rời tàu mang theo cả “điểm tựa” của tôi. Tôi tự hỏi vì sao mình không xin đi theo. Rồi tự trả lời, nếu đi được, Hạm Trưởng đã cho phép…
Tôi nhìn theo chiếc chiến thuyền chở Bằng mỗi lúc một rời xa, bỏ lại tôi với năm người chỉ quen một. Cũng may Thiếu úy Hoàng Văn là người năng nổ và vui tính.
Tôi quyết định gọi là ‘anh’ thay vì ‘Thiếu úy’ cho thân mật, hy vọng anh bộc bạch nội tình.
- “Chào anh Hoàng Văn, tiếng còi và lá cờ vừa kéo lên có ý nghĩa gì vậy?”
- “Đó là hiệu còi tiễn Hạm trưởng rời tàu; còn lá cờ là hiệu kỳ của Hạm Trưởng, khi nó được treo lên, có nghĩa là vị chỉ huy của nó không có mặt trên chiến hạm.”
- “A, hay ho đấy!”
- “Nhưng ngược lại,” Hoàng Văn tiếp, “khi cô thấy hiệu kỳ của Đô Đốc thì có nghĩa vị này đang hiện diện trên tàu!”.
- “Ngộ quá hả! Mà hiệu kỳ Đô Đốc ra sao?”
- “Nó có hình chữ nhật nền xanh điểm các ngôi sao trắng, nhiều ít tùy cấp bậc. Nó cũng là hiệu kỳ của Thuyền Trưởng tàu buôn. Cô thử nhìn quanh các thương thuyền xem có chiếc nào treo loại cờ đuôi nheo này không?”
Thiếu úy Văn đưa tôi chiếc ống dòm. Tôi bước sang thành đài bên phải, ngắm chiếc neo chếch mũi chiến hạm:
- “Chiếc đầu tiên, không thấy treo hiệu kỳ Thuyền Trưởng; chỉ thấy quốc kỳ Việt Nam và lá cờ ba sọc vàng xen kẽ ba sọc xanh. Đó là cờ nước nào vậy?”
- “Nó dạng hình vuông và nhỏ chừng một phần tư cờ Việt Nam, đúng không?”
- “Đúng!”
- “Đó không phải là cờ quốc gia. Đó là hiệu kỳ chữ G, phát âm Golf, mang ý nghĩa là “cần hoa tiêu”. Tức là thương thuyền đó đã dỡ hàng xong, muốn có hoa tiêu hướng dẫn ra khỏi hải cảng. Khi đến, cũng vậy, thương thuyền phải neo ngoài vịnh, phải treo hiệu kỳ này và chờ hoa tiêu đưa vào. Khi đã có hoa tiêu trên tàu thì phải treo cờ chữ H, đọc Hotel. Khi tàu trong hải cảng, cờ quốc gia treo sau lái. Ngắm xem cờ sau lái là cờ nước nào?”
- “Tôi dốt về cờ các xứ lắm!”
Hoàng Văn nâng ống dòm:
- “Cờ Trung Hoa Dân Quốc, nói gọn là Đài Loan. Còn chiếc tàu kế treo cờ ra sao?”
Tôi quét ống dòm qua bên tay mặt:
- “Chiếc này, ngoài cờ Việt Nam, nó treo cờ đỏ sẫm.”
- “Đó là cờ hiệu chữ B, đọc Bravo, cùng cỡ với cờ chữ Golf, nhưng cạnh ngoài bị gãy vào trong. Nó mang ý nghĩa là tàu đang chở hàng nguy hiểm, như đạn dược, xăng dầu. Khi thấy cờ này, không nên đến gần. Tiếp tục với các chiếc còn lại.”
- “Hai chiếc kế tiếp đều treo hiệu kỳ Thuyền Trưởng cạnh cờ vàng ba sọc đỏ. Chiếc gần chiến hạm nhất, thay chỗ hiệu kỳ Thuyền Trưởng là lá cờ vuông, mỗi cạnh kết hợp với hai đường chéo thành bốn tam giác có đỉnh chụm vào nhau. Mỗi tam giác một màu: đen, vàng, xanh, đỏ.”
Thấy Hoàng Văn im lặng hơi lâu, tôi nhắc:
- “Cờ tứ sắc đó có nghĩa là gì?”
- “Nhìn từ mọi góc cạnh, không một lý do hợp lý nào cho thấy cô cần biết ý nghĩa những hiệu kỳ rắc rối này.”
- “Tôi thấy nó hay hay.” Tôi chống chế:
- “Chắc tại vì… Hạm Phó?” Hoàng Văn soi mói nhìn.
- “Hạm Phó thì có dính dáng gì đến cờ xí!” Tôi bực bội.
- “Nếu quả thật cô thấy hay hay thì tôi tiếp tục! Lá cờ gồm bốn tam giác bốn màu chụm đầu là cờ chữ Z, đọc Zulu, mang ý nghĩa là ‘cần tàu kéo’. Tức là chiếc thương thuyền này vận chuyển khó khăn, cần một tàu kéo giúp sức.”
- “Trời ơi! Cờ quạt gì mà ý nghĩa tùm lum quá, làm sao nhớ hết!”
Hoàng Văn nhìn tôi cười tủm tỉm:
- “Chúng tôi có cách để nhớ. Thí dụ như với cờ màu đỏ Bravo. Chắc cô còn nhớ ý nghĩa của nó phải không?”
Tôi muốn khoe mình cũng là tay nhớ dai, đáp nhanh:
- “Nhớ chứ! Ý nghĩa là tàu chở hàng hóa nguy hiểm, chớ lại gần.”
- “Cách tôi nhớ ý nghĩa cờ Bravo là liên tưởng đến các cô… treo cờ đỏ!”
- “Cái anh này!” Mặt tôi nóng bừng.
- “Có một cờ hiệu mà tôi nghĩ là cô nhớ dễ dàng. Đó là cờ chữ O, đọc Oscar, mang ý nghĩa “có người rơi xuống biển.” Người ta chọn mẫu tự O là từ chữ Overboard. Cờ này có màu nửa vàng nửa đỏ theo đường chéo xuôi.”
Nhớ lời dặn buổi sáng sàn tàu trơn trợt, tôi tò mò:
- “Ví dụ tôi bị rơi thật thì làm sao các anh biết?”
- “Làm sao biết? Cũng dễ, chỉ sớm hay muộn thôi! Sớm thì như cô thấy, chúng tôi luôn luôn có nhiều người quan sát trên đài chỉ huy và người đi tuần phòng quanh chiến hạm. Trễ thì khi không thấy cô ở bữa ăn, không thấy cô trong phòng ngủ và khi cho gọi máy, cho người đi tìm cũng không thấy.” Hoàng Văn hạ giọng như sợ có ai nghe. “Mà cô việc gì phải lo. Trường hợp cô bị rơi thật, bất cứ giá nào Hạm Phó cũng đích thân tìm cứu cô cho bằng được.”
Tôi nghiêm giọng:
- “Sao ai trên tàu cũng gán tôi với Hạm Phó. Chúng tôi chỉ mới biết nhau, cũng như tôi quen anh”.
Hoàng Văn cười, ánh mắt tinh quái:
- “Vậy thì tôi rất vui để tiếp tục. Chuyện ‘người rơi xuống biển’ là chuyện sinh mạng con người, không chỉ trách nhiệm riêng nội bộ chiến hạm mà còn là một nghĩa vụ quốc tế. Tàu có nạn nhân buộc phải thông báo cho quốc gia lân cận để họ điều động phi cơ, tàu bè đến tiếp cứu.”
- “Rắc rối thật!”
- “Không chỉ rắc rối mà còn… tức cười nữa! Thí dụ có một thương thuyền nào đó treo lá cờ chữ W, đọc là Whiskey. Nghe chữ whiskey hẳn cô nghĩ ngay đến rượu nhưng cờ Whiskey không có nghĩa là họ cần tiếp tế rượu mà lại có nghĩa là ‘Cần thuốc men, y tế’. Lại thí dụ có một tàu khác treo cờ chữ T đọc là Tango. Treo cờ này, không có nghĩa tàu đó đang mở dạ vũ Tango, mà là muốn cảnh báo ‘Tôi đang cào cá, xin đừng qua mặt’.”
- “Hay ho thật đấy! Nhưng… sao phải treo cờ làm gì cho rắc rối. Cứ nói chuyện trực tiếp có phải nhanh chóng, tiện lợi hơn không?”
- “Cho dù các nước đồng ý thống nhất dùng tiếng Anh làm tiếng quốc tế thì vẫn không như cô tưởng. Mỗi người một cách phát âm, lại qua máy truyền tin thì khó nghe cho rõ. Cứ phải hỏi tới hỏi lui có khi… quá muộn! Cho nên, dùng cờ hiệu là ăn chắc. Trông thấy cờ là biết đối phương muốn nói gì.”
- “Nhưng hiểu ý nghĩa trọn 26 cờ mẫu tự thì chắc … khùng luôn!”
- “Nếu chỉ có 26 cờ mẫu tự thì dễ như… ăn cơm. Chúng tôi còn phải học ý nghĩa của sự kết hợp hai, hoặc ba, hoặc bốn mẫu tự với nhau. Thí dụ như kết hợp chữ N và chữ C – N treo trên C – để báo rằng ‘tàu tôi đang lâm nạn, xin tiếp cứu’. Lại có cờ mang ý nghĩa qua sự kết hợp các màu. Có cờ toàn màu trắng, có cờ nửa đỏ nửa trắng. Có cờ toàn màu vàng, có cờ nửa vàng nửa đen. Có cờ gồm ba màu như cờ Pháp. Có cờ ba màu theo thứ tự ngược cờ Pháp. Có cờ có tới bốn màu. Rồi mỗi màu lại có dạng hình tròn, hình vuông, tam giác, lằn ngang, lằn dọc, gạch chéo…”
- “Trời! Làm sao các anh nhớ hết!”
- “Không nhớ thì không là… Hải Quân!”
Thấy tôi lè lưỡi, Hoàng Văn cười to:
- “Đó chỉ mới một nửa rắc rối thôi cô Phượng ạ! Bởi vì hiển nhiên cờ xí thì chỉ dùng ban ngày, khi trời quang mây tạnh, đến đêm hay gặp thời tiết xấu, coi như vô ích! Lúc đó, phải dùng đèn hiệu và còi hiệu. Ý nghĩa muốn truyền đạt là sự kết hợp của ánh đèn chớp tắt, hoặc của tiếng còi ngắn dài. Như trường hợp có người té xuống biển ban đêm: tàu phải phát thường xuyên những tiếng còi S.O.S và trên cột đèn phải bật một đèn xanh giữa hai đèn đỏ cách nhau một mét.”
- “Ôi trời! Có cho vàng tôi cũng không đi Hải Quân!” Tôi ta thán.
Hoàng Văn tươi cười:
- “Tôi hù cô Phượng cho vui thôi chớ đến Thánh cũng không nhớ hết! Yêu nghề lắm thì cũng chỉ nhớ những lá cờ mang ý nghĩa thường gặp. Còn thì tàu nào cũng có quyển ‘hải thư’ the International Code of Signals. Chỉ cần nhớ mục lục tổng quát để tìm ý nghĩa cho lẹ.”
Hoàng Văn bước đến bàn hải đồ, kéo hộc tủ lấy ra một quyển sách tương đối mỏng. Anh lật nhanh cho tôi xem trang nào trang nấy toàn cờ là cờ, màu là màu. Tôi nói:
- “Có một lần tôi đi dạo bến Bạch Đằng vào dịp lễ húy nhật Thánh Tổ Hưng Đạo Đại Vương, tôi thấy cờ đủ kiểu đủ màu treo rợp trời. Ý nghĩa ra sao?”
- “Chỉ nêu ý nghĩa đây là lễ của Hải Quân, cũng như thêm phần long trọng, đẹp mắt!”
Không biết hỏi gì hơn, tôi tò mò lấy ống dòm ngắm các lá cờ treo trên mỗi con tàu trong vịnh. Chỉ ba chiếc là treo cờ ‘cần hoa tiêu’. Đặc biệt tất cả đều treo cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- “Anh Hoàng Văn, không thấy có tàu Mỹ ở đây. Chỉ thấy toàn là tàu Việt Nam. Tôi nghe nói Mỹ đã mua đứt Cam Ranh rồi mà!”
- “Hơi đâu mà nghe Cộng Sản tuyên truyền! Cô hiện ở ngay trong vịnh, hãy tự quan sát. Cô thấy có gì chứng tỏ Cam Ranh thuộc về Mỹ?”
- “Tôi không thấy dấu vết chủ quyền của Mỹ.”
- “Còn dựa vào đâu cô bảo đều là tàu Việt Nam?”
- “Tàu nào cũng treo cờ Việt Nam Cộng Hòa.”
- “Tàu treo cờ Việt Nam Cộng Hòa không hẳn là tàu của Việt Nam Cộng Hòa. Luật Hàng Hải quy định rằng tàu ngoại quốc nào hoạt động trong các hải cảng Việt Nam Cộng Hòa đều phải treo cờ Việt Nam Cộng Hòa và phải có hoa tiêu Việt Nam hướng dẫn vào cảng. Hầu hết thương thuyền đều có hai cột cờ. Cột cờ thấp ở lái, cột cờ cao ở giữa. Khi tàu ngoại quốc vào hải cảng, quốc kỳ của tàu đó phải hạ xuống treo ở cột lái, còn quốc kỳ của nước sở tại được kéo lên ở cột cờ giữa. Đó là lý do cô thấy tất cả các thương thuyền đều treo cờ Việt Nam Cộng Hòa. Điều đó chứng minh Cam Ranh vẫn là Cam Ranh của Việt Nam. Ngay với chiến hạm này, nếu Cam Ranh thuộc chủ quyền của Mỹ, chúng ta phải neo ở ngoài chờ hoa tiêu dẫn vào. Cờ Việt Nam phải treo sau lái và cờ Hoa Kỳ phải treo giữa. Nhưng thực tế cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn treo cao và chiến hạm nghênh ngang ra vào, đâu cần hoa tiêu.”
Tôi đặt ống dòm nhìn vào các cột cờ sau lái của các tàu hiện diện trong vịnh. Đa số là cờ sao sọc. Có một chiếc cờ Nhật. Một số khác, không rõ cờ nước nào. Đúng là tất cả đều treo cờ vàng ba sọc đỏ ở vị trí cao nhất. Tôi hết nhìn Thiếu úy Hoàng Văn, lại nhìn các thủy thủ đương phiên. Nhìn rộng hơn, rõ ràng người đang chỉ huy chiến hạm này là một Thiếu tá người Việt, thủy thủ đoàn đều là người Việt. Một thực tế hiển nhiên. Cũng hiển nhiên như suốt thời gian xuống tàu đến giờ, tôi chưa từng nghe một mệnh lệnh nào của tên Mỹ, chỉ nghe hắn ‘aye aye, sir.’
Nhưng… biết đâu chừng thấy vậy mà không phải vậy! Tôi vẫn còn ít nhất 24 tiếng nữa để quan sát và xem xét tận tường. Chế tạo được một quả bom không phải là chuyện dễ dàng. Mang được quả bom xuống tàu lại là cả một gian nan. Hưng có thể chủ trương ‘Thà giết lầm còn hơn bỏ sót!’. Tôi chỉ muốn giết đúng người đáng chết.
Chương 10
Nhật Đạo Thái Bình Dương
Thứ năm 9/2/1967 12:00G
Nếu không có nắng hanh khô rát da mặt, nếu không có gió Lào đẫm áo mồ hôi, tôi sẽ vẫn ở trên Đài Chỉ Huy để chờ ngắm cảnh Hạm Trưởng, Hạm Phó và tên Mỹ trở lại tàu. Lúc đi, Hạm Trưởng là người sau cùng qua ghe, còn lúc về thì sao? Và anh giám lộ có thổi còi chào đón?
Tôi về đến phòng hồi 4 giờ 05 chiều trong niềm vui được thêm nhiều hiểu biết thú vị. Lại được Hạm Trưởng ân cần, lòng an tâm thanh thản, tôi bất cần kéo kín màn cửa trước khi vào buồng tắm. Tôi tắm gội thỏa thuê rồi thay bộ đồ sạch cuối cùng. Đó là chiếc quần tây xanh và áo sơ mi lụa trắng. Hưng rất thích bộ đồ này vì theo anh, trông tôi thanh lịch và quyến rũ.
Tôi mỏi mệt ngả lên giường, nhưng cái lệ có mặt 10 phút trước cơm chiều làm tôi cứ phải trằn trọc, gật gờ. Rồi bỗng chợt nhớ tới quả bom, từ lúc đem vào buồng, tôi chỉ lo tìm nơi đặt nổ mà quên kiểm soát nó còn đó hay đã bị lấy mất! Tôi cười nhạo chính mình: Hẳn nó phải còn đó, nếu không thì tôi đã không còn được nằm trong phòng mát rượi thế này…
Tuy nhiên tôi vẫn bật dậy bước tới rờ rẫm túi xách. Quả bom còn đây. Tôi mở nắp túi xách kia. Thời chỉnh còn đây. Tôi nghĩ tới giấc mơ lạ lùng. Giấc mơ gợi ý tôi đặt quả bom dưới bàn ăn sĩ quan. Tại sao tôi không đặt ở đó mà cứ tìm đâu cho xa. Quả bom nổ, tàu sẽ chìm và mang theo toàn bộ sĩ quan. Còn thành tích nào hơn? Tôi thử khoảng cách. Một bước, tôi ra khỏi cửa buồng. Đúng bảy bước, tôi vào phòng ăn. So với địa điểm thùng đạn ở sân mũi, tôi phải ôm quả bom leo một cầu thang và đi vòng vòng, nguy cơ gấp mười.
Nhưng giấc mơ cũng cho thấy tôi quay lại Quy Nhơn thay vì về Sài Gòn. Phải chăng nó gợi ý tôi nên bỏ cuộc? Hay nó báo rằng tôi có thể cho nổ quả bom nhưng chính tôi cũng không trở về quê quán, vĩnh viễn xa lìa mẹ cha.
Tôi bần thần trở vào phòng ngủ, ngồi ngẩn ngơ nghĩ về chuyện hôn nhân giữa tôi và Hưng. Tôi yêu Hưng và muốn làm vợ Hưng. Cả hai bên mẹ cha đều đã tán thành. Nhưng điều kiện để được tổ chức cho phép kết hôn thì khó khăn quá. Phải tạo thành tích cách mạng. Và tôi đang ra sức tạo thành tích đó.
Điều đáng buồn là, để có thành tích, tôi phải giết những người đang ân cần tiếp đãi tôi, đang đối xử với tôi bằng tình đồng bào với lý do vì họ bán nước…
Thấy đồng hồ chỉ 6 giờ kém 5 phút, tôi vội bước vào phòng ăn, nhưng chưa thấy ai hiện diện. Anh chiêu đãi cho biết giờ ăn tối dời lại lúc 7 giờ vì Hạm Trưởng và Hạm Phó còn bận ở hầm máy. Cái tin làm tôi ngỡ ngàng. Tôi vẫn tưởng họ chưa về tàu. Đúng rồi, tàu không còn im ỉm như khi neo. Tiếng máy đang chạy rầm rì. Sàn rung nhẹ, thỉnh thoảng bị giật sóng. Tôi hỏi anh chiêu đãi:
- “Tàu đang chạy, phải hôn?”
- “Chạy cả tiếng rồi cô, đã ra khỏi vịnh. Cô cần uống gì không?”
Tôi bước đến bàn đựng ly tách. Anh chiêu đãi bước theo:
- “Để tôi lấy nước cho.”
- “Tôi muốn tự tay làm cho biết.”
Tôi lấy một gói trà Lipton, mở bỏ giấy bọc rồi phân vân giữa ly và tách. Tôi thích uống trà nóng nhưng nhớ ly trà đá sáng nay của Võ Bằng, tôi quyết định nhấc chiếc ly. Anh chiêu đãi chỉ tôi vòi nước sôi và nơi chứa nước đá cục. Năm phút sau, tôi cầm ly trà đá về ghế ngồi. Năm phút kế tiếp, anh chiêu đãi mang ly trà đá đặt trước chỗ ngồi của Hạm Phó. Đó là ly thường lệ của Võ Bằng cho suốt bữa ăn.
Tôi hỏi:
- “Anh Tốt có vợ con gì chưa?”
- “Có rồi, một con. Còn cô?”
- “Chỉ mới bồ bịch thôi. Ảnh hẹn sáng mai sẽ đón ở cầu tàu mà xem ra kiểu này không biết bao giờ tàu mới về tới.”
- “Hẹn với xe đò còn chưa chắc đúng giờ, huống hồ hẹn với tàu chiến!”
- “Nào có biết!” Tôi thở dài.
Tôi nâng ly, uống vài ngụm. Trà đậm nhưng không thơm như trà Bảo Lộc của ba tôi. Giờ này chắc ba mẹ tôi đã bắt đầu trông ngóng tôi về. Ông bà hẳn đang ngồi ở bộ salon nhìn hình ảnh tôi thuở bé. Tôi bỗng nhớ đến tấm ảnh ‘mẹ bồng con’ trên bàn Hạm Phó và tấm ảnh ‘tân lang tân giai nhân’ trên bàn Hạm Trưởng. Cả hai ‘bà’ đều đẹp, nhưng với hai vẻ đẹp đối nghịch. Người thì sắc sảo, tinh ranh, kẻ thì kiêu sa, phúc hậu. Tôi không biết so mình với ai, chỉ biết thích lời khen của Hưng mượn thơ Nguyễn Bính: ‘Nàng là con gái trời cho đẹp. Tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi!’ Mà nay ‘nàng’ đã hai mươi. Đẹp càng ác liệt càng tươi má đào! ‘Đẹp ác liệt’ có thể là giữa sắc sảo và kiêu sa chăng? Còn phúc hậu bỏ đâu? Chắc bỏ vào quả bom sắp nổ! Mẹ tôi đều được mọi người khen phúc hậu mà tôi sao quá ác liệt? Vì đâu nên nỗi?
Võ Bằng và tên Mỹ bước vào cùng với tiếng cười như vừa trao đổi chuyện vui. Cả hai áo quần xốc xếch, mặt mày ướt đẫm. Tên Mỹ về thẳng buồng riêng. Võ Bằng reo mừng gặp lại tôi:
- “A ha, chào cô Phượng. Hạm Trưởng nhắn là cô hãy đọc cái chứng chỉ rồi ổng sẽ kể chuyện sau…”
Anh chàng chỉ cái khung mạ vàng treo trên vách sau lưng tôi rồi đi thẳng. Tôi đứng lên, bước đến cái khung vài lần tôi thoáng thấy. Bên trong là mảnh giấy trình bày như một bằng cấp.
VIỆT NAM CỘNG HÒA
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN
“Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo”
Chứng nhận Hộ Tống Hạm ĐỐNG ĐA HQ 007
đã xuyên nhật đạo ngày 9 tháng 2 năm 1967
nhằm ngày Mồng Một Tết Đinh Mùi
tại Vĩ độ 19° 58’ Bắc – Kinh độ 180° 00’ Đông
Nay cấp chứng chỉ này để làm bằng.
Thừa lệnh Đại Hải Long Vương,
Đề Đốc Trần Văn Chơn
Tư Lệnh Hải Quân
Tôi mỉm cười thích thú, thầm nghĩ mấy anh chàng Hải Quân bịa cái này cũng hay. Tôi biết vĩ tuyến, kinh tuyến nhưng xuyên nhật đạo là gì? Phải tạo thành tích đặc biệt gì mới được Long Vương cấp chứng nhận? Tôi mong tới bữa cơm để nghe ông giải đáp.
Tôi nhìn xuống mặt kệ tầm ngang ngực. Có hai bản kẹp tài liệu in các chữ in lớn trên tờ bìa KÍN, THƯỜNG. Hưng dặn tôi nếu có cơ hội ăn cắp các tài liệu MẬT và TỐI MẬT. Các tài liệu này ở đâu? Chờ vắng người, tôi sẽ tìm trong các ngăn tủ.
Tên Mỹ xuất hiện với bộ quân phục kaki vàng thẳng thớm. Vài phút sau là Võ Bằng với bộ kaki xanh rất mới. Chúng tôi chưa kịp trao đổi xã giao thì Hạm Trưởng bước vào. Vẫn thủ tục chào đón như cơm trưa. Không như lần trước hoàn toàn miễn cưỡng, lần này tôi chào đón ông bằng tấm lòng quý mến. Vẫn như buổi trưa, tôi được ông dành cho lời đầu tiên:
- “Cô Phượng đã bắt đầu chán cảnh trời, cảnh biển chưa?”
- “Vẫn thấy thích thú, thưa Hạm Trưởng.”
- “Còn với chiến hạm, có gì khiếu nại?”
- “Rất tuyệt. Cám ơn Hạm Trưởng và tất cả.”
Ông mỉm cười hướng về Thiếu úy Hoàng Văn:
- “Thực đơn ra sao, Sĩ quan ẩm thực?”
- “Thưa Hạm Trưởng, thưa quý vị, thực đơn hôm nay gồm có: Cơm trắng. Thịt gà xào đậu. Trứng chiên với củ hành. Và canh bí hiểm. Hết”
- “Canh bí hiểm? Sáng tác mới của sĩ quan ẩm thực chăng?” Hạm Trưởng ngạc nhiên.
Tôi nhìn tô canh có các lát màu vàng, lên tiếng:
- “Tôi nghĩ là bí rợ …”
Hoàng Văn nói:
- “Thưa Hạm Trưởng và quý vị. Hôm qua đi chợ Quy Nhơn, tôi hỏi bà bán hàng trái gì, bà nói tên bằng giọng Quảng nghe không rõ nhưng không dám hỏi lại. Bà quả quyết trái đó nấu canh rất ngon rồi chỉ tôi cách nấu. Xin bảo đảm tôi nấu y như cách bà chỉ, nhưng ngon hay không tùy người thưởng thức.”
Tất cả cười rần. Hạm Trưởng múc một muỗng vừa thổi vừa húp. Ông gật đầu:
- “Ngon đấy chứ!”
Tên Mỹ cũng múc một muỗng, cũng gật đầu: ‘Taste good!’ Tôi theo thói quen chan canh xăm xắp chén cơm, rồi múc cả cơm canh đưa lên miệng.
- “Ngon!” Tôi khen. “Phân chất thì thấy có tôm khô, mùi nước mắm và còn gì gì nữa, hả Thiếu úy?”
- “Tác giả xin giữ bản quyền!” Thiếu úy Văn tươi cười.
Hạm Trưởng nói:
- “Giữ bản quyền, là phải lắm. Một sáng tác vô tiền khoáng hậu!”
Sau những tiếng cười, mọi người lặng lẽ ăn. Tên Mỹ bắt chước tôi, chan canh vào cơm rồi dùng muỗng múc. Trông đỡ ‘thê thảm’ hơn lối dùng đũa lúc trưa. Hạm Trưởng lên tiếng:
- “Cô Phượng đã đọc Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo chưa?”
- “Thưa rồi!”
- “Cô thấy sao?”
- “Qua việc lộng kính và trưng bày trân trọng, hẳn không phải là chuyện đùa cho vui?”
- “Không đùa đâu.” Hạm Trưởng nghiêm giọng. “Chuyện nghìn năm một thuở, mà riêng với tôi là vinh dự một đời người.”
- “Xin Hạm Trưởng giải thích.” Tôi nôn nóng.
Ông và miếng cơm, gắp thức ăn rồi chậm rãi nhai. Mắt ông đăm chiêu nhìn xuống bàn như đang sắp xếp ý tưởng. Mấy phút sau ông mới ngẩng lên nhìn tôi:
- “Cô Phượng có biết ‘Xuyên Nhật Đạo’ là gì không?”
- “Thưa, mới nghe lần đầu!”
- “Cô có biết ‘kinh tuyến’ và ‘vĩ tuyến’?”
- “Dạ, rất rành.”
- “Tức là cô đã biết địa cầu được chia theo đường dọc qua hai cực Bắc Nam thành 360 kinh tuyến và các vòng theo chiều ngang là vĩ tuyến, mà xích đạo là vĩ tuyến 0?” Tôi gật đầu. Ông tiếp, “Do quả đất tự nó quay quanh trục trong 24 giờ mà có ngày đêm, nghĩa là giờ nơi này khác giờ nơi nọ. Để tính sai biệt, cho dễ hiểu, người ta phóng chiếu quả cầu lên mặt phẳng và chọn kinh tuyến 0 đi qua Đài Thiên Văn Greenwich ở Luân Đôn là múi giờ quốc tế GMT. Cô theo kịp đến đây chứ?”
Ông tiếp tục ăn như dành thì giờ cho tôi nghiền ngẫm. Tôi nói:
- “Đại úy Bằng có cho tôi xem các kinh tuyến và vĩ tuyến được phóng chiếu trên hải đồ theo trục dọc, trục ngang.”
Ông gác đũa, nghiêng mặt theo lối nhìn của Rhett Butler khi mới gặp Scarlett O’hara:
- “Cô đang học ban gì?”
- “Dạ, ban Sử Địa.”
- ‘Thảo nào! Vậy thì tôi chỉ lướt qua thôi. Từ kinh tuyến Greenwich, về phía Đông 180° gọi là múi giờ Đông và về phía Tây 180° gọi là múi giờ Tây. Mỗi 15 kinh tuyến cách nhau một múi giờ, tức là mỗi bên múi giờ Đông và Tây có 12 múi giờ. Kinh tuyến 180° được gọi là đường Nhật Đạo, nôm na là đường đổi ngày. Theo quy định, khi đi từ Đông sang Tây phải thêm một ngày và từ Tây sang Đông phải giảm một ngày. Ví dụ chúng ta đang ăn tối là ngày 5 tháng 8 và chiến hạm chúng ta vừa qua đường Nhật Đạo, chúng ta phải sửa ngày thành ngày 6 tháng 8. Giờ vẫn là giờ hiện tại, tức 19:20.”
Nhớ ngày tháng năm ghi trên Chứng Chỉ, tôi ngạc nhiên hỏi:
- “Tức là chiến hạm này, hồi nửa năm trước, đã xuyên nhật đạo ngày 9 tháng 2?”
- “Chứ gì nữa!” Hạm Trưởng cười khoan khoái.
Tôi tính nhẩm. Chu vi địa cầu là 40 ngàn cây số, có 360 kinh tuyến, mỗi kinh tuyến cách nhau trên 100 cây số. Nước Việt Nam ở vào kinh tuyến 108°, cách kinh tuyến 180° đến 72 kinh tuyến. Có nghĩa là vào ngày 9 tháng 2, chiến hạm ở xa Việt Nam đến trên 7 ngàn cây số! Tôi ngờ vực hỏi:
- “Thưa Thiếu tá, Thiếu tá thi hành công tác gì mà phải đi xa đến gần phần năm địa cầu?”
- “Không phải đi xa mà đi về. Nói rõ hơn, chúng tôi lái chiếc chiến hạm này từ Mỹ về Việt Nam, một hải trình xuyên suốt Thái Bình Dương. Nghĩa là không phải xa bảy ngàn cây số mà hơn gấp đôi số đó!”
- “Xa dữ vậy! Vậy nên nhận được Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo của Ngài Đại Hải Long Vương là phải quá rồi.” Tôi khen thật lòng.
- “Lúc cơm trưa, cô nói có biết Ngài Đại Hải Long Vương qua truyện Tây Du Ký.”
Hạm Trưởng tiếp. “Tôi cần minh xác điểm này. Truyện Tây Du Ký nói đến Tứ Hải Long Vương tức là bốn vị thần hùng cứ bốn biển: Đông hải, Tây hải, Nam hải, và Bắc hải. Cả bốn ông vua này đều có giúp đỡ Tam Tạng trên đường thỉnh kinh. Còn Đại Hải Long Vương là vị thần khác. Vị thần này giúp Đinh Bộ Lĩnh vào năm Mậu Thân 968. Tương truyền vào năm đó, Đinh Bộ Lĩnh trên đường dẹp loạn thập nhị sứ quân, đến bờ sông ở làng Xuân Phả tỉnh Thanh Hóa thì gặp bão tố. Bỗng có con rắn lớn nổi lên giữa sông, rồi biến thành một tòa miếu nguy nga cho Đinh Bộ Lĩnh và quan quân vào trú ngụ. Sau khi thống nhất sơn hà, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, cho lập đền thờ tại bờ sông và phong cho vị thần chức Đại Hải Long Vương.”
- “Thì ra là vậy!” Tôi thích thú nói. “Cám ơn Thiếu tá giải thích tận tường!”
- “Nói thêm cho đủ ý. Ngài Đại Hải Long Vương là thần Việt, còn Tứ Hải Long Vương là thần Tàu. Đâu lẽ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam lại thừa lệnh thần Tàu cấp Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo cho chiến hạm!”
- “Thậm chí lý, thưa Thiếu tá!”
Tất cả cười ồ. Tôi thấy ngường ngượng nghĩ thầm, ‘Mình được khen là một cây Sử Địa mà ngay Sử Việt cũng không rành! Mới chỉ ‘đụng’ sơ với Hải Quân mà đã lòi ra còn nhiều thứ cần phải học. Hạm Trưởng gác đũa, hỏi tên Mỹ:
- “Có hiểu câu chuyện không Rick?”
- “So so, Sir!”
Hạm Trưởng thuật bằng tiếng Mỹ. Hắn thích thú cười to. Tôi cũng cười nhưng thầm chửi: ‘Cười cho đã đi rồi… chết!’ Tôi lên tiếng để lấp liếm nỗi sượng sùng:
- “Sẵn dịp, xin Thiếu tá kể chuyện vượt Thái Bình Dương. Phượng ở trên tàu này chỉ mới ‘vượt bao hải lý, chưa nghe vừa ý’...”
- “À, gian nan lắm! Chiếc tàu Mỹ viện trợ được tân trang ở Hải Quân Công Xưởng Norfolk Naval Shipyard, tiểu bang Virginia. Tôi, Hạm Phó, 6 sĩ quan trong đó có Trung úy Võ Bằng và 90 nhân viên được một toán đặc huấn của Mỹ tận tình huấn luyện và thực tập. Sáu tháng đầu vừa học Anh ngữ vừa học chuyên môn. Sáu tháng kế tiếp làm quen chiến hạm. Phải học sử dụng rành rẽ đủ loại máy móc, phải thông thạo hải hành cận duyên và hàng hải thiên văn, phải thuần thục các nhiệm sở như nhiệm sở cập cầu, nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở phòng tai, nhiệm sở vớt người, nhiệm sở neo, nhiệm sở đào thoát…”
- “Nhiệm sở đào thoát! Nghe ghê quá!” Tôi nói.
- “Rất quan trọng. Có đánh đấm là có chìm tàu. Mỗi người phải có đủ năng lực và điều kiện để sống còn nếu phải qua nhiều ngày chịu sóng gió nắng mưa, chờ tiếp cứu.”
Ông ngưng lại cho mọi người tiếp tục ăn. Rồi tiếp:
- “Sau một năm học tập mờ người, chiến hạm khởi hành về nước. Đầu tiên là 12 ngày trên Đại Tây Dương, từ tiểu bang Virginia đến Panama. Chờ thủ tục và qua kinh đào mất thêm 3 ngày. Rồi từ đó vượt Thái Bình Dương suốt 45 ngày. Tổng cộng tròn 2 tháng lênh đênh!”
- “Vì sao phải đi qua kinh đào Panama?”
- “Đường từ Mỹ về Việt Nam có hai lối. Con đường ngắn nhất là đi băng qua Thái Bình Dương, biển thường êm ả. Con đường vượt Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương vừa xa hơn vừa biển động thường xuyên; lại phải vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi nổi tiếng sóng to gió lớn. Cuối cùng phải qua eo biển Malacca giữa Nam Dương và Mã Lai.”
Hạm Trưởng lại ngưng, nhìn tôi dò dẫm. Tôi nói:
- “Xin Hạm Trưởng tiếp tục.”
- “Dĩ nhiên chúng tôi chọn con đường êm ả Thái Bình Dương. Nhưng vì chiến hạm đang ở phía Đại Tây Dương nên muốn qua Thái Bình Dương, chiến hạm phải dùng kinh đào Panama. Ngày xưa khi chưa có kinh đào, người ta phải đi vòng qua mũi Sừng, tức mũi Horn của Nam Mỹ, mất thêm ít nhất nửa tháng!
- “Thưa, ai có sáng kiến đào kinh Panama?”
- ‘Năm 1881, Pháp khởi sự cho đào kinh với 44 ngàn công nhân. Năm năm sau, có đến 6 ngàn người chết vì dịch bệnh nên công trình bị bỏ dở. Hai mươi năm sau nữa, Mỹ tiếp nhận công trình. Vì không thể đục xuyên núi, người ta tạo ra 6 ụ nước để nâng tàu vượt qua núi. Khi tàu vào ụ nổi đầu tiên, người ta bơm nước vào cho tàu nổi lên cao để vào ụ thứ hai. Đến ụ thứ ba, tàu lại được nâng cao để vào hồ nhân tạo Gatun dài 33 cây số, lớn nhất thế giới. Từ hồ này tàu sẽ vào các ụ nước xuống thấp dần và cuối cùng ra đại dương. Tính ra có đến 10 năm với 27 ngàn công nhân mất mạng, công trình dài 82 cây số này mới hoàn tất vào tháng 8/1914.”
- “Nghe thiệt ớn… chè đậu! Xin hỏi, trong 45 ngày trên Thái Bình Dương, chiến hạm chạy ròng rã hay có ghé bến nào không, thưa Hạm Trưởng?”
- “Vượt đại dương dài 15 ngàn cây số, dĩ nhiên chúng tôi cần tiếp tế lương thực, dầu nhớt và dưỡng quân. Mỗi trạm ghé 3 hay 4 ngày. Trạm đầu tiên là Trân Châu Cảng, sau cuộc hành trình 9 ngày. Trạm kế đến đảo Guam, sau 18 ngày hải hành liên miên. Rồi thêm 7 ngày đến Subic Bay của Phi Luật Tân. Và trạm cuối Phi - Việt 4 ngày.”
Ông lại ngưng nói như để tôi hình dung trọn vẹn con đường thiên lý chiến hạm đã vượt qua. Khi tôi thầm nhủ ‘chắc chắn là không có tôi’, Hạm Trưởng tiếp:
- “Đúng là Thái Bình Dương, đúng là ‘tháng ba bà già đi biển’. Nhưng khi qua eo San Bernardino trước khi vào vịnh Subic, eo thì hẹp mà trời thì mịt mù, chúng tôi rã người mới an toàn qua được.”
- “Trong 45 ngày đó, chiến hạm làm gì cho thủy thủ đoàn đỡ nhớ nhà? Phượng ở trên tàu này mới một ngày mà đã thấy nhớ!”
- “Có chứ! Đại khái là các trò giải trí, các lớp ôn tập ngành nghề. Đặc biệt, vì hải hành nhằm dịp Tết nên tôi cho lệnh sĩ quan ẩm thực tìm mua đầy đủ bánh mứt và trò giải trí ở các tiệm tạp hóa Tàu.”
Hạm Trưởng lại ngưng nói nhìn tôi, tia mắt như tỏa mùa Xuân tươi vui:
- “Cô Phượng biết không, một tình cờ lạ lùng đã giúp ngày Tết vui thêm. Ngày 8 tháng 2, vào đúng khi mặt trời lên thiên đỉnh, mình nôm na là đúng ngọ, khi đo đạc để định vị trí chiến hạm, tôi giật mình khám phá ra chiến hạm vừa qua kinh tuyến Nhật Đạo 180°. Thành thử mâm bánh mứt chuẩn bị cúng Giao thừa, chuyển sang cúng mừng Tân Niên Đinh Mùi cùng lời chúc Tết! Bầu Cua Cá Cọp được bày ra. Vài sòng bài xì dách nho nhỏ mua vui. Treo giải domino, cờ tướng. Tổ chức ca hát. Mọi người vui chơi suốt tuần, trong ảo tưởng là được về nhà sớm một ngày!”
Ông bất ngờ hướng về Trung úy Lê Giáp Thân:
- “Nói tới về nhà sớm, tôi cũng nôn nao. Này, Sĩ quan cơ khí. Liệu hai máy cho tiến full được không?”
- “Tôi phải xuống xem tình hình mới có thể trả lời Hạm Trưởng.”
- “Ăn xong đi đã!”
- “Thưa Hạm Trưởng đã xong. Xin phép rời bàn.” Anh đứng lên.
Hạm Trưởng móc túi lấy gói thuốc Pall Mall. Ông mời Võ Bằng. Chàng ta lắc đầu.
Giọng Hạm Trưởng ngạc nhiên:
- “Hạm Phó bỏ thuốc?”
- “Đang cố gắng, thưa Hạm Trưởng.”
- “Hút thuốc được mấy năm rồi?”
- “Từ thời lên Trung học. Cũng hàng chục năm rồi!”
- “Hút hàng chục năm mà lại bỏ! Uổng công không!”
Nhiều tiếng cười. Hạm trưởng lại tiếp:
- “Hẳn phải có lý do quan trọng?”
- “Sợ buồng ngủ hôi mùi thuốc, cô Phượng chê!”
Võ Bằng nói tỉnh bơ. Mọi người xuýt xoa. Tôi vừa nghèn nghẹn vừa bực mình nhưng chỉ biết lặng thinh. Hạm Trưởng rút một điếu gắn lên môi. Tôi nghe tiếng “tích”. Tên Mỹ đưa ngọn lửa đến trước ông. Chiếc bật lửa bằng thép trắng có khắc hình nổi một chiếc chiến hạm. Ông nghiêng người mồi thuốc. Tiếng “thank you” nhẹ nhàng bay theo đợt khói nhả đầu tiên. Và, theo như tôi nghĩ, đợt khói cũng là hiệu báo mọi người đã được phép. Tên Mỹ mở gói Lucky, và một lần nữa tiếng ‘tích’ giòn giã vang lên. Hắn đặt hộp quẹt và gói thuốc trên bàn. Mùi Lucky hòa quyện mùi Pall Mall vẫn là mùi thơm dễ chịu.
Tôi lẩm cẩm nghĩ, nếu người quẹt máy cho Hạm Trưởng mồi thuốc là Võ Bằng thay vì tên Mỹ, đố tránh khỏi bị nhìn là nịnh bợ.
Anh chiêu đãi nhanh chóng dọn sạch bàn ăn rồi mang ra hai dĩa bánh LU tráng miệng như buổi trưa. Vẫn Hạm Trưởng bốc miếng đầu tiên. Ông hớp trà nóng và hít vài hơi thuốc. Rồi nheo mắt với Võ Bằng:
- “Hạm Phó đâu có muốn tàu tiến full, phải không?”
- “Hạm Trưởng đi guốc trong bụng Hạm Phó!” Võ Bằng cười.
- “’Tiến full’ là sao?” Tôi hỏi.
- “Là máy chạy tối đa với tốc độ đường trường. Còn khi hải hành tuần phòng, chỉ nửa tốc độ. Cô Phượng có như tôi không, chỉ muốn tàu chạy… nửa tốc độ?”
Võ Bằng quả có tài bóng gió. Tôi trêu chọc:
- “Tôi tưởng Đại úy cũng mong sớm về gặp ‘mẹ bồng con’ chứ?”
- “Người ta đã bỏ tui rồi, cô Phượng ơi!” Võ Bằng hát trả lời.
Mọi người cười rộ.
- “Vậy thì câu ‘Còn con thì không biết có hay không’ là ám chỉ chú bé trong hình?”
- “Còn ai trồng khoai đất này!” Võ Bằng buồn rầu đùa cợt.
Tôi lặng thinh. Trường hợp này, lặng thinh tốt hơn là lời an ủi. Một giọng nói phát lên từ cuối bàn:
- “Tôi có một thắc mắc, nhờ cô Phượng giải đáp.”
Tôi ngoảnh nhìn Thiếu úy Nguyễn Ấn đang nở nụ cười tinh quái. Tôi khiêu khích:
- “Mời Thiếu úy”.
- “Tôi tự hỏi một người đẹp như cô thì làm sao mà leo đến năm thứ ba đại học được?”
Tôi suýt nổi xung với câu hỏi thoạt nghe như đầy vẻ miệt thị nhưng kịp ghìm lại. Anh chàng chỉ bóng gió chuyện yêu đương chứ không ngụ ý hễ người đẹp là không có … đầu óc! Tôi hỏi cho ăn chắc:
- “‘Người đẹp’ với ‘năm thứ ba’ thì có ăn nhậu gì hở Thiếu úy?”
- “Mỹ nữ là tiêu điểm của thanh niên. Lẽ ra có người rước cô về dinh từ khuya!”
- “Lấy chồng sớm hay muộn là do… duyên nợ chớ đâu phải do xấu đẹp. Đồng ý là Phượng được nhiều người để tâm nhưng đến nay duyên nợ chưa tới!”
- “Chưa duyên nợ nhưng cô Phượng… có để tâm?” Bằng chen vào.
Tôi thấy đến lúc nên cho Bằng chấm dứt mọi tán tỉnh vô ích:
- “Đúng, Phượng có… để tâm một người!”
- “Anh chàng diễm phúc nào đó hẳn tu chín kiếp!” Võ Bằng trở giọng xót xa.
- “Đâu cần phải tu mới được. Miễn không là… lính biển!” Tôi thẳng thừng.
- “Vậy, xin Hạm Trưởng làm ơn ký ngay cho tôi cái lệnh giải ngũ!” Võ Bằng thản nhiên.
- “Giải ngũ cũng vẫn còn gốc lính biển!” Tôi thẳng tay.
Hạm Trưởng nhíu mày và tất cả lặng thinh làm tôi hiểu mình đi quá trớn. Tôi còn đang lựa lời cứu vãn thì Võ Bằng đã tặng tôi lời cay đắng:
- “Vậy khi nào cô báo “tin mừng”, nhớ báo “tin buồn” cho tôi biết!”
Tôi cười để che giấu xúc động. Câu kế tiếp của anh chàng chuyển thành rúng động:
- “Cũng xin đừng nhận còi nhiệm sở vớt người khi không thấy tôi trên tàu!”
Đúng lúc đó Hạm Trưởng lên tiếng:
- “Cô Phượng sao lại ghét Hải Quân đến thế?”
- “Phượng chỉ có ý nói chơi với Đại úy Bằng!”
- “Cô học trường nào?”
- “Thưa, Đại học Sư phạm.”
- “Cô biết Huỳnh Tấn Mẫm?”
- “Thưa không!” Tôi nói dối.
- ‘Có đi dự biểu tình chống chính phủ?”
- “Thưa không!” Tôi tiếp tục nói dối.
- “Huỳnh Tấn Mẫm dùng lời dối trá để lôi cuốn sinh viên biểu tình chống Mỹ. Nó là tên ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’. Đừng dại mà nghe tên nằm vùng đó. Nó bị bắt nhốt rồi.”
Tôi lặng thinh. Huỳnh Tấn Mẫm đang học Đại Học Y Khoa, là thủ lãnh ‘Phong trào Thanh niên-Sinh viên-Học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy. Tôi và Hưng luôn luôn hăng hái nghe lời kêu gọi của Mẫm. Hai năm trước, chúng tôi quen nhau trong một cuộc biểu tình. Chúng tôi bị cảnh sát dã chiến xịt nước giải tán. Tôi chạy bán mạng và trợt té. Hưng kéo tôi đứng lên và giúp tôi vượt thoát. Từ đó anh là điểm tựa của đời tôi.
Vờ không hiểu câu nói của Hạm Trưởng, tôi nêu câu hỏi ngu ngơ để đánh tan nghi ngờ:
- “‘Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’ là ý gì, thưa Thiếu tá?”
Ông trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
- “Một ví dụ cho dễ thấy. Hãy coi chiến hạm này như là một Quốc Gia. Chiến hạm đang giúp cô thực hiện chuyến đi mong ước, cung cấp cho cô ngày ba bữa no, mà về tới Sài Gòn cô lại đi theo lũ vẹm biểu tình chống đối!”
Tôi muốn trả lời ông đâu phải mình tôi ăn cơm Quốc Gia. Những người đi biểu tình cũng ăn cơm Quốc Gia. Còn việc thờ ma Cộng Sản thì có lý do của nó. Một chính quyền dâng đất nước cho ngoại bang thì phải chống đối. Đó là bổn phận. Nhưng câu nói của ông buộc tôi im lặng suy xét nghiêm chỉnh vấn đề. Thực sự Quốc Gia này còn hay mất? Cộng Sản là hạng người nào? Là ai thì tôi chưa tỏ tường, chỉ thấy các hành động ám sát, thủ tiêu, khủng bố. Và tôi đang bước đầu làm một tên khủng bố!
Khó thể chối rằng tôi đang ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’! Đời tôi rồi sẽ về đâu?
Chương 11
Hải phận Ninh Thuận
Thứ bảy 5/8/1967 21:00G
Khi Trung úy Thân trở lại báo cáo hai máy đã hoạt động bình thường, Hạm Trưởng đứng lên, ra dấu Bằng theo ông. Bằng nói nhỏ với tôi: ‘gặp lại sau’. Tôi nói thầm: ‘còn trốn nơi nào khác mà chẳng gặp lại’. Lý trí thì cười nhạo nhưng tình cảm thì lại hụt hẫng. Tôi ghét bộ mặt nhởn nhơ của Võ Bằng nhưng vắng nó tôi lại thấy bồn chồn, lo lắng. Tôi không hiểu nổi chính mình. Tiếng của ai đó vang lên:
- “Làm một ván Belote chăng, các quan ta?”
- “Nên lắm!” Nhiều tiếng đáp.
Thiếu úy Nguyễn Ấn mở hộc tủ lấy bộ bài đặt lên bàn với một tập giấy trắng và cây viết. Cuộc chơi gồm bốn người chia làm hai phe ngồi chéo nhau ở cuối bàn ăn. Thỉnh thoảng khi lá bài đánh xuống, một phe thì cười hét ầm lên, còn phe kia thì mặt mày nhăn nhó! Tôi tò mò hỏi cách chơi. Theo lời Trung úy Bạch, Belote là môn bài cốt để đấu trí chớ không sát phạt. Người chơi phải vận dụng bộ óc không những phải nhớ các lá bài của mình đánh ra lật sấp mà còn phải đoán bạn và địch đang cầm những lá bài nào. Lại có nhiều cách đánh. Như Atout, Sans atout, Tout atout. Với mỗi cách đánh, mỗi con bài được định điểm giá trị khác nhau. Nghe xong tôi hết muốn học.
Tên Mỹ cũng chơi bài, nhưng chơi một mình. Đối diện với hắn là bảy cột bài. Mỗi cột có số lá bài tăng dần từ 1 đến 7. Lá trên hết được lật ngửa. Tên Mỹ mở một lá bài của phần còn lại rồi tìm đặt vào cột thích ứng. Hắn tỏ vẻ hào hứng nhưng tôi không hiểu gì hết.
Hắn chợt nhìn tôi, cười hỏi:
- “Chào Miss Phượng. Mi mạnh khỏe?”
- “Cám ơn. Còn mi?”
- “Khỏe! Cám ơn.’ Hắn cười, tiếp: “Mi muốn học cách chơi game Solitaire không?”
- “Không! Chỉ muốn hỏi mi vài câu?”
Hắn khoanh chéo hai tay tựa lên bàn, tỏ ý lắng nghe. Tôi mở cuộc tấn công:
- “Rất ngạc nhiên thấy mi trên tàu này?”
- “Tôi cũng vậy!”
Tôi đăm đăm nhìn hắn. ‘Tôi cũng vậy’ là ý gì? Đâu lẽ hắn tự ngạc nhiên về chính hắn? Không, hắn chủ ý trả đũa câu hỏi của tôi, cũng ngạc nhiên thấy tôi trên tàu. Người Việt đi tàu người Việt, có gì đáng ngạc nhiên? Tôi phớt lờ hỏi tiếp:
- “Mi ở tiểu bang nào?”
- “Colorado.”
- “Ở đó có gì đặc biệt?”
- “Núi cao và vực sâu.”
- “Mi có gia đình chưa?”
- “Có rồi và một con.”
- “Sao không ở nhà với vợ con mà qua Việt Nam làm chi?”
Đến lượt tên Mỹ đăm đăm nhìn tôi như không tin vừa nghe một người Việt nêu lên câu hỏi ngớ ngẩn. Tôi cười cười làm như chỉ đùa thôi. Hắn nói:
- “Lính mà. Lệnh bảo đi đâu thì tới đó.”
- “Nhưng ít nhất, mi cũng biết lý do chứ?”
- “Dĩ nhiên là biết.”
- “Riêng trên tàu này, mi có nhiệm vụ gì?”
- “Làm những gì ông Hạm Trưởng yêu cầu.”
- “Thí dụ?”
Hắn nói chậm rãi thật đúng giọng Việt như muốn chắc chắn tôi hiểu:
- “Thí dụ ông ấy bảo tôi tìm hiểu lý do cô có mặt trên tàu này!”
Tim tôi thót, người ớn lạnh nhưng làm như đó là câu đùa hay, tôi cất tiếng cười vang. Hắn cũng cười thoải mái. Tôi tiếp tục, giọng thân mật:
- “Mi xuống tàu này từ Hoa Kỳ?”
- “Không, xuống ở Sài Gòn cách đây ba tháng!”
- “Chừng nào rời Việt Nam?”
- “Tám tháng tám ngày nữa!”
- “Sẽ trở lại?”
- “Không, trừ phi tình nguyện.”
- “Mi sẽ tình nguyện?”
- “Không! Nhưng có lệnh thì đi.”
- “Chúc may mắn!”
- “Cảm ơn!”
Tôi không hiểu sao lại chúc hắn may mắn. Kẻ đi xâm lược bao giờ cũng đáng chết! Tôi thấy hỏi vậy là đủ. Hỏi thêm e rằng chính mình phạm sơ hở. Qua đối đáp, hắn không phải là tay mơ. Tôi đứng lên, ra dấu tay chào tất cả.
Tôi lên sân chính, đi dần về phía lái, đứng đúng vào nơi tôi ói mửa. Một kỷ niệm khó quên. Con tàu hục hặc nhưng không tròng trành. Gió còn hâm hấp, mạnh hơn trong vịnh. Tôi mong Hạm Trưởng đứng đâu đó thấy tôi nói thật: Tôi đi tàu vì mê biển, cho dù trời tối mù mờ. Những ngọn sóng chập chờn óng ánh lân tinh như đang tranh nhau vượt khỏi màn đêm. Vài ba ánh đèn đủ sáng cho thấy hình dạng các ghe câu. Một đám lửa nung đỏ đỉnh núi. Cao hơn, một trái hỏa châu bừng hồng chốc lát rồi trả lại bầu trời đầy sao.
- “Cô Phượng!”
Tôi giật mình, quay lui. Một dáng người lù lù như ma quỷ hiện hình. Tôi ôm lấy ngực, cố nhận dạng nhưng trời quá tối. Tuy nhiên nghe tiếng nói quen quen:
- “Thấy cô đứng một mình, anh em cử tôi đến mời cô cùng ‘lai rai’ với chúng tôi cho vui.”
Tiếng ‘lai rai’ gợi tôi nhớ ba tôi. Ông có thói quen lai rai vài chung rượu đế cuối ngày. Ông không say, chỉ đủ để kể các chuyện vui xảy ra trong lớp học. Tôi hy vọng rượu sẽ đẩy đưa họ nói nhiều và hé lộ những gì tôi muốn biết. Nếu họ đáng chết, tôi sẽ không có gì ân hận.
- “Có những ai vậy anh Tùng?” Tôi thăm dò, mong Bằng có mặt.
- “Quen có, lạ có. Mà trước lạ sau quen, cô đừng ngại.”
Tôi nhớ đến ông Quản nội trưởng hoạt bát vui tính:
- “Có Thượng sĩ Hoàng chứ?”
- “Ông ấy chủ xị mà!”
- “Chủ xị là sao?”
- “Là sếp sòng của buổi nhậu, như nhạc trưởng của dàn đờn.”
Tôi thích Thượng sĩ Hoàng, ông có cái vẻ gì đó giống ba tôi. Tôi dứt khoát đứng lên.
- “Tôi đến nhưng cái mục “lai rai” thì cho xin.”
- “Chỉ là bia quân tiếp vụ, nhẹ lắm, không say đâu!”
- “Tôi bị dị ứng với rượu.”
- “Yên trí! Có trà và bánh ngọt!”
Chúng tôi lần lượt leo lên thang đứng. Thấy tôi đến, ‘toán lai rai’ dồn chỗ dành cho tôi.
- “Mời cô Phượng ngồi cạnh tôi đây.”
Nghe tiếng Thượng sĩ Hoàng, tôi vui mừng nói:
- “Chào bác Hoàng, xin chào tất cả”.
Chiếc quần tây bó sát làm tôi co gối một cách khó khăn. Thượng sĩ Hoàng lại lên tiếng:
- “Đứa nào chịu khó đi lấy thùng đạn cho cô Phượng ngồi dễ hơn.”
Tôi xua tay, vội nói:
- “Xin miễn. Tôi thích ngồi… như các anh”
Thượng sĩ Hoàng giới thiệu theo chiều kim đồng hồ. Trong ánh lờ mờ của ngọn đèn hải hành trên cột radar, tôi cố nhớ mặt và tên từng người: Hạ sĩ Trường, Thủy thủ Minh, Trung sĩ Trọng, Thủy thủ Tạo. Trung sĩ Tùng ngồi bên phải tôi, lên tiếng:
- “Thủy thủ Minh, rót trà mời cô Phượng.”
Minh ngồi đối diện, nhấc chiếc bình rót nửa ly đưa cho tôi. Đó là loại ly giấy cỡ nhỏ.
- “Mời cô Phượng. Đây là trà Bảo Lộc thứ thiệt. Sản phẩm quê nhà tôi đó! Cô biết quận Bảo Lộc?”
Tôi tiếp nhận ly trà, mỉm cười:
- “Biết! Mà biết trên sách vở thôi chớ chưa có dịp đến tận nơi. Thậm chí Đà Lạt cũng còn trong ước ao thăm viếng!”
- “Chừng nào cô đi được, cho tôi biết. Tôi sẽ làm hướng dẫn viên cả hai nơi!”
- “Chắc chắn tôi sẽ nhờ anh!”
Mọi người nâng ly:
- “Dô! Dô!”
Tôi nhấp từng ngụm nhỏ, lần đầu thưởng thức hương vị đặc biệt nổi tiếng. Tôi hỏi:
- “Bộ tối nào các bác và các anh cũng tụ tập ‘lai rai’ thế này?”
Thượng sĩ Hoàng lắc đầu:
- “Không đâu cô. Chỉ trên đường về. Bởi vì ai cũng nôn nao không ngủ được, nên tụ tập nói chuyện tào lao cho qua thì giờ.”
- “Thường là… chuyện gì?”
- “Tùy người mở lời…”
- “Một thí dụ?”
- “Thí dụ như hôm nay, cô là người mở lời …”
- “Tôi? Sao lại tôi?” Tôi hồi hộp hỏi.
- “Tại vì cô là khách đặc biệt, xin mời …”
Tôi tự trách mình nhận lời đến dự làm chi để bây giờ ở vào thế kẹt.
- “Mở lời đi chớ.”
- “Biết nói gì đây!”
- “Thí dụ cô kể trường hợp cô gặp gỡ Hạm phó.” Trung sĩ Trọng gợi ý.
- “Với Hạm Phó, tôi chỉ mới gặp ở cầu tàu khi đến xin quá giang”.
- “Vậy mà tôi tưởng hai người là…” Thượng sĩ Hoàng ngạc nhiên.
- “Không! Không có gì hết!” Tôi kêu lên.
- “Nếu ‘không có gì hết’ thì cho qua. Nhưng cô vẫn phải mở lời …”
Ngẫm nghĩ, chợt nhớ mục đích nhận lời là để tìm hiểu, tôi hỏi:
- “Bác Hoàng vào Hải Quân chắc lâu hơn mọi người ở đây?”
- “Đúng đấy cô ạ. Tôi đã có mười năm thâm niên quân vụ.”
- “Lúc bác vào lính, còn Tây chỉ huy không?”
- “Không! Tôi vào lính năm 1957, tụi Tây đã rút hết về xứ!”
- “Nhưng Mỹ thay thế!”
- “Không! Mỹ không thay thế. Tôi không thấy có tên Mỹ nào ở Cần Thơ, hậu cứ của Hải Đoàn 21 Xung Phong tôi phục vụ lúc đó.”
- “Bác thụ huấn ở đâu?”
- “Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.”
- “Trung Tâm Huấn Luyện của Mỹ?”
- “Của Pháp, năm đó cũng đã bàn giao cho Việt Nam. Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên, mà cũng là vị chỉ huy suốt năm tôi thụ huấn là Hải Quân Thiếu Tá Chung Tấn Cang, mấy năm sau ông lên làm Tư Lệnh Hải Quân.”
- “Còn nhớ năm 1965, các báo đăng tin quân đội Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng. Vậy là rõ ràng Pháp đi, Mỹ tới. Cũng lại bị đô hộ!”
Thấy mọi người mải mê câu chuyện, Hạ sĩ Trường sốt ruột kêu to ‘Dô! Dô!’ Các ly bia được nâng cao. Mồi cá khô được gắp. Một lúc, Thượng sĩ Hoàng lên tiếng:
- “E rằng chúng ta đang vào đề tài chính trị. Vậy tôi chỉ phớt qua, hy vọng đủ để giải tỏa thắc mắc của cô Phượng! Hẳn cô đã biết, năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc trở thành nước Cộng Sản, miền Nam trở thành quốc gia Tự Do. Miền Nam chủ trương an cư lạc nghiệp trong khi miền Bắc chủ trương nhuộm đỏ luôn miền Nam. Đầu tháng 2/1963, Cộng quân mở trận Ấp Bắc rồi năm sau mở trận Bình Giã…”
Sau một chầu ‘Dô! Dô!’, Thượng sĩ Hoàng lại tiếp:
- “Vào thời điểm đó, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có quân số ít ỏi, vũ khí lỗi thời, phương tiện hành quân giới hạn, do đó việc chống trả gặp nhiều khó khăn. Hải quân cùng hoàn cảnh với quân đội, chỉ có 14 chiến hạm để canh phòng một bờ biển dài 1200 cây số, và chỉ với 250 chiến đỉnh phải bao vùng sông ngòi miền Đông, miền Tây, thậm chí cả đến miền Trung! Với số lượng tàu bè ít ỏi, dĩ nhiên khó thể bao vùng. Đầu tháng 2/1965, phe ta tình cờ phát giác một chiếc tàu đang tiếp tế súng đạn cho Cộng quân ở vịnh Vũng Rô. Chiếc này bị đánh chìm. Báo nào cũng đăng tin, chắc cô biết. Cùng năm đó Hải Quân đánh chìm thêm ba tàu nữa ở cửa Tiểu, cửa Bồ Đề, cửa Ba Động. Vũ khí tịch thu cho thấy, từ súng trường đến súng cối do Trung Cộng và Liên Xô cung cấp đều tối tân hơn Việt Nam Cộng Hòa. Như súng AK 47 bắn liên thanh so với súng carbine, garant, bắn từng phát. Như súng cối 81, B40 phe ta chưa có loại tương đương. Việc tình cờ khám phá, cho thấy trước đó địch hẳn đã xâm nhập nhiều chuyến.”
Quản nội trưởng lại dừng để ‘Dô, Dô’, còn tôi thì nôn nóng muốn nghe tiếp.
- “Sơ sơ ở chiến trường là vậy. Còn hậu phương thì bị địch gây rối liên miên. Tháng 5/1963, phong trào Phật giáo đấu tranh nổi lên ở miền Trung. Ở Sài Gòn thì họ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền. Họ đặt chất nổ khủng bố nhiều nơi, thậm chí với cả Tòa Đại Sứ Mỹ. Trong thời gian gây rối, bọn Cộng quân tăng cường xâm nhập tối đa và chuẩn bị đánh chiếm cao nguyên miền Trung. Trước tình hình nguy hiểm đó, chính quyền có tổng động viên tăng quân cũng không kịp. Chỉ còn cách nhờ Mỹ ‘cứu bồ’! Đó là lý do Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng.”
Thượng sĩ Hoàng nốc cạn ly bia, khà một tiếng, rồi tiếp:
- “Mà đâu chỉ một mình quân Mỹ đến cứu bồ. Còn có thêm năm nước gần nước ta là Thái Lan. Phi Luật Tân, Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan.”
Tôi nhắm mắt duyệt lại sự việc. Thượng sĩ Hoàng nói có lý. Họ đổ quân ở miền Trung để tăng cường bảo vệ miền Trung chớ có đổ quân vào Sài Gòn để chiếm chính quyền đâu. Chính quyền vẫn là của người Việt đang do các tướng tranh giành quyền lãnh đạo. Cộng Sản trà trộn vào sinh viên, xuyên tạc việc Mỹ đổ quân là xâm lược để khích động biểu tình. Và tôi cũng đã tham gia.
Thượng sĩ Hoàng ra lệnh Thủy thủ Tạo rót thêm bia và trà. Chúng tôi lại cụng ly ‘Dô! Dô!’. Mọi người bận rộn nhai đậu phộng và khô cá. Tôi hỏi:
- “Bác Hoàng nghĩ sao về việc tên Mỹ có mặt trên chiến hạm này?”
- “Nó lịch sự, đàng hoàng.”
- “Tôi muốn hỏi về nhiệm vụ của hắn.”
- “Tôi không rành, đề nghị cô hỏi Hạm Phó.”
- “Bác thấy Hạm Phó ra sao?”
- “Cô Phượng thấy sao?”
Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng. Tôi nhăn mặt:
- “Cháu hỏi bác trước.”
- “Ổng … xứng với cô lắm!”
Nhiều tiếng cười càng làm tôi bối rối. Tôi cằn nhằn:
- “Ý cháu là muốn biết Hạm Phó đối xử với bác và các anh như thế nào.”
- “Không có gì phàn nàn. Còn cô, có gì phàn nàn Hạm Phó không? Tôi là Quản nội trưởng, sẵn sàng chuyển lời phàn nàn của cô!”
Tôi bật cười giòn. Tôi thích cái cách họ ăn nói vô tư, cười đùa thoải mái. Có thể ảnh hưởng từ trời nước bao la mà tâm hồn phóng khoáng. Ngay với một khách quá giang như tôi, họ cũng coi như người thân thích và tôi cũng bắt đầu dành nhiều cảm tình. Rồi bỗng tôi nghe ớn lạnh. Sao tôi lại có ý nghĩ phản động như vậy! Tôi mới sống với họ chỉ hơn một ngày đêm. Tất cả những gì tôi thấy có thể chỉ là bề ngoài. Biết đâu tâm hồn họ đã tiêm nhiễm thói tư bản xấu xa. Tôi phải vững tin ở Hưng, phải tin ở người mình chọn sống chung trọn đời.
Chợt Trung sĩ Tùng lên tiếng:
- “Thú thật với cô Phượng, xin đừng giận. Anh em đây thách tôi, nếu mời được cô đến chung vui thì khi về Sài Gòn sẽ đãi một chầu tưng bừng. Cám ơn cô đã giúp tôi chiến thắng vẻ vang. Theo thỏa thuận, người chiến thắng được quyền mời một người khách, tất nhiên người đó ưu tiên là cô. Mong cô không từ chối…”
Tôi nghĩ đến Hưng, mỉm cười:
- “Tôi nhận lời với điều kiện được đi kèm một người.”
Nói xong mới nhận ra mình lại ngớ ngẩn. Hưng kỵ nhất vụ này mà tôi thì lúc đó coi như đã cao bay xa chạy, tìm đâu ra mà mời. Thủy thủ Tạo lên tiếng:
- “Nếu người đi đó là Hạm Phó thì tán thành trăm phần trăm.”
Tất cả bật cười vang. Trung sĩ Trọng nói:
- “Nếu đúng là Hạm Phó, tôi là người kế tiếp mời cô Phượng!”
- “Khi không tôi lại được hai bữa ăn ngon. Cám ơn các bác các anh.”
Hạ sĩ Trường hỏi giọng khiêu khích:
- “Cô Phượng có dám nhận lời tôi mời không? Bữa ăn thứ ba.”
Tôi cười thầm. Có thêm mười người mời nữa thì cũng chả có bữa ăn nào! Nhưng chuyện đã lỡ. Phóng lao thì đành theo lao. Tôi mạnh dạn nói:
- “Dĩ nhiên là dám chứ. Tuy nhiên, tôi đành từ chối vì sợ lại được mời thêm, rồi thêm nữa. Chắc ăn bể bụng luôn!”
Tiếng cười lại rộ lên. Tôi cũng thực sự vui lây. Bên Hưng, tôi thấy hạnh phúc nhưng không thấy vui. Anh lúc nào khó đăm đăm, lúc nào cũng bàn giải phóng với cách mạng. Có vài khi tôi cười đùa với anh mà lòng vương vấn ưu phiền. Còn ở đây, bên những người vừa quen biết, tôi hoàn toàn thoải mái.
Chợt tiếng của Võ Bằng vang lên:
- “Cô Phượng đây rồi!”
Tất cả vội đứng lên tiếp đón. Võ Bằng ra dấu mời ngồi. Vòng tròn tự động bung rộng bên Trung sĩ Tùng để Hạm Phó ‘được’ ngồi bên tôi. Quản nội trưởng Hoàng đích thân rót bia vào ly:
- “Xin mời Hạm Phó. Đúng ra, tham gia trễ, phải bị phạt vài ly. Nhưng với Hạm Phó thì được miễn, chỉ phải đi thật ngọt ly này!”
- “Tuân lệnh chủ xị!” Bằng cười rồi đi ngọt thật.
Tất cả vỗ tay hoan hô. Trung sĩ Tùng bất ngờ đặt câu hỏi:
- “Cô Phượng trước sau vẫn đính chính rằng cô không phải là người yêu của Hạm Phó. Sẵn Hạm Phó có mặt đúng lúc, xin thỉnh ý Hạm Phó.”
Tôi tiếp nhận cái nhìn say đắm của Võ Bằng với cảm giác khó chịu. Lẽ ra anh chàng phải tức khắc xác nhận đúng ý tôi thay vì chần chừ. Không những thế, anh chàng còn đặt câu hỏi khiêu khích:
- “Cô Phượng muốn tôi trả lời sao đây?”
Tôi nghiêng mặt tặng Võ Bằng một cái liếc sắc bén và nói gằn từng tiếng:
- “Là Hạm Phó, xin Đại úy đừng nói trái… sự thực!”
Bằng cười nhẹ:
- “Tôi luôn luôn tôn trọng sự thực. Vậy trước khi tôi trả lời, mong cô xét lại… lòng cô!”
Tôi bật cười để ngăn cơn giận đang bùng vỡ:
- “Đại úy… tránh né hay thật!”
- “Tôi đâu có tránh né. Tôi trả lời theo sự thật đây: cô là người yêu của tôi!”
Tôi giận dữ, co chân dợm đứng lên thì Võ Bằng chụp cánh tay, ghìm giữ tôi ngồi yên. Bằng nói:
- “Cô muốn tôi tôn trọng sự thật và tôi vừa nói thật, sao cô lại giận? Tôi nói ‘cô là người yêu của tôi’ chớ có nói cô yêu tôi đâu!”
Mọi người im lặng chờ phản ứng của tôi. Tôi thua lý lẽ của Võ Bằng. Quá nóng giận tôi đã không kịp suy nghĩ! Võ Bằng nói đúng. Ai cũng có quyền coi tôi là người yêu của họ. Nhưng tôi yêu ai thì lại là chuyện khác. Mà cứ làm người yêu của Võ Bằng thì đã sao! Không việc gì phải giận ra mặt. Thời gian gần họ chẳng còn bao lâu nữa. Cùng lắm là tới chiều mai. Tôi cố đưa ra một câu đùa:
- “Tôi đề nghị chúng ta tiếp tục cuộc vui, coi như không có mặt… Hạm Phó.”
- “Thưa Hạm Phó, xin ghi nhận đó là lời của cô Phượng chớ không phải của chúng tôi.”
Thượng sĩ Hoàng cười nói rồi rót thêm bia vào ly mời Võ Bằng. Anh chàng ực một hơi, đặt ly lên sàn, thấm khăn giấy lên môi rồi chậm rãi nói:
- “Có một bài ca, tôi nghĩ là rất thích hợp để chứng minh tôi có mặt! Tôi bỏ hát lâu rồi nhưng tối nay lại muốn lên tiếng tặng cô Phượng.”
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu уếm nhìn tôi không nói năng
Ta gặp nhau уêu chẳng hạn kỳ
Mâу ngàn gió ‘biển’ đọng trên mi
Áo baу mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi - em nói đi…
Võ Bằng đột ngột ngưng hát, nói trổng ‘Em nói đi, nói đi em!’. Tiếng vỗ tay lẫn tiếng cười vang. Tôi nghe mặt nóng bừng. Tôi không sợ tướng tá của anh chàng nhưng rất sợ lời ca. Không thế võ nào đỡ nổi. Tôi ấm ức cúi mặt. Giọng Thượng sĩ Hoàng nồng nhiệt:
- “Hạm Phó hát quá hay, vậy mà lâu nay giấu nghề. Tới luôn cho trọn bản, thưa Hạm Phó!” Ông ra lệnh cho người đối diện. “Hạ sĩ Trường, còn chờ gì mà chưa chịu lên dây đàn!”
- “Có ngay, thưa ông Quản!”
Hạ sĩ Trường xoay người ra sau. Cây đàn đặt nằm sẵn trên sàn gần đó. Tôi đăm đăm nhìn Võ Bằng. Anh chàng vừa hát đúng bản nhạc tôi ưa thích mà đã hai năm rồi, từ sau ngày quen Hưng tôi bị cấm hát. Hưng không chỉ cấm tôi hát nhạc vàng mà cấm luôn tôi xem phim tư bản. Anh buộc tôi nghe nhạc cách mạng, xem phim cách mạng. Hai năm rồi tôi nghe cho anh vui chớ chán ngấy đến tận cổ. Đêm nay, dù chỉ mới nghe hai đoạn Mộng Dưới Hoa mà tôi đã rụng rời. Đêm nay tôi sẽ nghe, sẽ hát những bản nhạc tôi cố chôn vùi nhưng chưa bao giờ rời khỏi tâm khảm…
Ít nhất tôi sẽ hát tặng Võ Bằng bài ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’…
(còn tiếp) |