SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

HÔN

Vậy là xong cái hôn lễ ồn ào tổn phí vài chục triệu của Hoàng Tử William và cô Kate Middleton. Chuyện cưới xin là chuyện của đôi trẻ nhưng đôi trẻ này có dính máu vua nên cưới xin là chuyện của bàn dân thiên hạ. Không có tôi trong số…thiên hạ này. Nhưng chung quanh tôi người ta cứ rộn lên làm như thế giới chẳng còn chuyện gì quan trọng hơn là chuyện nắm tay nhau tới bàn thờ của hai nhân vật trẻ ở mãi tận bên Anh. Bởi vì ở bên Anh nên mới ra chuyện. Dân Anh có tiếng là dân bảo thủ. Không có vua là chuyện không được. Người ta đã tiên đoán là rốt cuộc trên thế giới này sẽ chỉ còn lại 5 vua: vua nước Anh và vua Cơ Rô Chuồn Bích trong cỗ bài tây!

Vua nước Anh nhưng ăn thua tới Canada và Úc nữa. Bởi vì vua nước Anh cũng là quốc trưởng của hai nước này. Hai anh to đầu, diện tích có thể đè anh Ăng Lê dẹp lép, vậy mà vẫn cứ cung cúc nhận người nước khác làm vua nước mình. Sự trái cẳng…vua này ai cũng biết và đã có nhiều người muốn cởi cái ách…hoàng gia này nhưng trong một kỳ trưng cầu dân ý, dân Úc đã nhất định đội vua Anh trên đầu. Dân Canada cũng đã có nhiều người mỏi cổ, không muốn đội vua nữa (trong đó có tôi là cái chắc!) nhưng chưa bao giờ được hỏi han chi. Đành cứ phải nuôi báo cô hoàng gia Anh và các quan Toàn Quyền từ trung ương tới địa phương, mà chẳng được cái tích sự gì.

Nhưng việc lấy vợ của ông cháu của Nữ hoàng vẫn cứ ầm ĩ quanh tôi. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã ồn ào cử phóng viên qua Luân Đôn. Bà con thì nôn nóng sửa soạn thức từ 4 giờ sáng để coi trọn buổi lễ. Trước ngày cử hành hôn lễ, ngày nào cũng có tí tin tức tiết lộ một chút về diễn tiến lễ cưới mà người ta xưng tụng là lớn nhất thế kỷ, có cả tỉ người theo dõi. Tôi chú ý tới cái tin về chiếc hôn của cặp tân…hôn. Họ sẽ không hôn nhau trong nhà thờ khi hoàn tất thủ tục lễ nghi trước mặt 1900 tân khách vì vị chủ trì không muốn việc hôn hít diễn ra trong chỗ tôn nghiêm. Giám mục Anh Giáo John Hall, sếp của nhà thờ Westminster Abbey, nơi cử hành hôn lễ, đã khẳng định: “Sẽ không có nụ hôn nào trong lễ cưới. Chúng tôi không làm điều đó trong nhà thờ Anh giáo. Câu nói ‘bây giờ con có thể hôn cô dâu’ chỉ có trong kịch bản Hollywood!”. Vậy là không có hôn hít chi cả mặc dù nụ hôn chỉ là một cách biểu tỏ tình thương dành cho nhau. Muốn hôn thì đi chỗ khác mà hôn. Chỗ đó là trên ban công của Điện Buckingham. Tân lang và tân giai nhân sẽ mi nhau vào đúng lúc 1 giờ 25 phút trước mặt hoàng gia, bá quan văn võ, vài chục ngàn dân có mặt tại chỗ và hai tỉ rưỡi người theo dõi qua truyền hình trên toàn thế giới. Như vậy họ theo đúng lộ trình đám cưới của bố mẹ William, Charles và Diana, hồi hai người cưới nhau vào năm 1981. Nụ hôn…ban công hồi đó đã đi vào lịch sử. Trước hàng ngàn người hô to đòi cô dâu chú rể mi nhau, Diana đã hỏi Charles: “ Làm thế nào nhỉ?”. Và rồi họ ôm chặt nhau, mi nhau tận tình.

Nụ hôn đó có diễn tả tình yêu không? Chắc không! Đám cưới lịch sử của thế kỷ 20 đã đưa tới sự chia lìa…lịch sử với cái chết của công nương Diana cùng với người tình mới Dodi của nàng. Chỗ xảy ra tai nạn cướp đi mạng sống của cặp tình nhân cũng là một địa điểm…lịch sử. Khi tôi theo một đoàn du lịch tới Paris ba năm trước đây, một trong những nơi mà anh hướng dẫn viên lẻo mép làm hồi hộp khách là cây cột trong đường hầm, nơi chiếc xe định mạng va vào. Anh bắt chúng tôi đếm từ cây cột thứ nhất tới cây cột thứ 13 (tôi nhớ không rõ, nhưng hình như vậy), để hồi hộp tới khi nhìn được cây cột cũ mèm y như những cây cột khác!

Chiếc hôn của Charles và Diana trong ngày cưới không phải là chiếc hôn của tình yêu. Cái mi của William và Kate sắp tới chắc cũng không phải là chiếc hôn của một đôi trai gái trao cho nhau. Hôn là một hành động tự phát khi hai tâm hồn yêu nhau, dìu nhau tới đỉnh tình yêu. Bởi vậy nên hôn có hẹn giờ, mang tính chất biểu diễn, chẳng bao giờ là biểu hiện cho tình yêu cả. Hoàng gia làm chuyện gì cũng theo nghi lễ. Hôn…nghi lễ nhất định là một thứ già dối, nặng phần trình diễn, không có…ruột như cái hôn lén lút của hai người yêu nhau, muốn thuộc về nhau.

Hôn…chính thống là một hành động gây ra nhiều biến đổi trong cơ thể. Khi hôn, cả hai nhân vật nam và nữ đều căng thẳng. Căng thẳng quá đi chứ. Cứ nghĩ tới những nụ hôn tình nhân trong đời chúng ta thì biết, nhất là nụ hôn đầu, chìa khóa mở cửa vào một cuộc tình. Vì căng thẳng nên cơ thể sẽ tự động tiết ra một số hóa chất có khả năng khống chế các hormone gây ra căng thẳng.

Các nhà khoa học đã tò mò nhìn vào sự căng thẳng này. Giáo sư Wendy Hill, chuyên viên về thần kinh của đại Học Lafayette ở Mỹ đã làm một cuộc thí nghiệm. Họ chọn ngay các sinh viên tình nguyện của trường để nghiên cứu. Điều kiện để được lựa là họ phải là một cặp yêu nhau. Trước khi tiến hành thí nghiệm, các chuyên gia lấy mẫu máu và nước miếng của họ. Mỗi cặp được cho nghe nhạc và hôn nhau. Sau đó lại lấy mẫu máu và nước miếng để tìm hiểu sự thay đồi nồng độ oxytocin và cortisol trước và sau khi hôn nhau. Oxytocin là một loại hormone tạo cho con người sự khao khát với người yêu, gây cảm giác sảng khoái. Cortisol là một hormone gây ra sự căng thẳng vì nó tác động tới phản ứng của cơ thể đối với tình trạng stress. Cortisol làm tăng huyết áp và nồng độ đường trong máu, đồng thời làm giảm các phản ứng miễn dịch. Kết quả thí nghiệm cho thấy nồng độ của cả nam lẫn nữ giảm xuống sau khi hôn, đồng nghĩa với việc giảm mức độ căng thẳng. Hàm lượng oxytocin ở nam giới, sau khi hôn, tăng lên cho thấy họ chú ý hơn tới hành vi hôn tình nhân. Nhưng nó lại giảm xuống ở phái nữ. Vậy mới khó hiểu. Chính Giáo sư Wendy cũng phải nói: “Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên!”.

Khi chỉ cho các cô các cậu sinh viên tình nguyện cầm tay nhau, sự thay đổi hóa chất diễn ra giống nhau. Vậy phải giải thích ra sao? Một chuyên gia thần kinh khác, bà Helen Fisher, cho rằng mỗi nụ hôn tượng trưng cho ba thứ: tình dục, tình yêu và sự gắn kết nam nữ. Vậy thì hàm lượng oxytocin tăng nhiều hơn ở phái nam, phái chinh phục, có nghĩa là phái nam có xu hướng nghĩ rằng nụ hôn là sự khởi đầu của việc làm tình. Họ thích sử dụng lưỡi trong khi hôn để các hóa chất, trong đó có hormone nam testosterone, có thể truyền sang người nữ qua nước miếng. Testosterone có khả năng kích thích ham muốn tình dục ở cả nam lẫn nữ.

Các nhà nghiên cứu đã vạch rõ mặt thật của các chàng khi hôn. Nụ hôn của họ đẫm chất dục tính. Thì mang trách nhiệm của một kẻ đi chinh phục, họ có thể làm chi khác hơn được! Họ phải là người tạo ra cơ hội để cuộc tình đi tới đoạn chót. Ông nào cũng vậy, trong thâm tâm muốn dùng cái hôn để làm chiếc chìa  mở khóa động đào. Hiền như bụt thì cũng cứ toan tính theo bản năng. Trách chi được!

Hôn là chuyện…chỉ hai đứa mình thôi nhé. Thời của chúng tôi cái hôn rất…trầm trọng. Hôn là một mật ước cần phải tôn trọng tới giây phút chót là rước nàng về dinh. Hôn thời đó có nơi có chốn kín đáo chứ không tanh bành như tuổi trẻ trong nước ngày nay. Tôi mới được đọc một bài báo trên trang mạng VietnamNet trong nước có cái nhan đề rất…thoáng: “Điểm Danh Những Nơi Hôn Công Cộng ở Hà Nội”. Tôi tưởng chỉ có toa-lét công cộng hóa ra thủ đô nước ta ngày nay có cả nơi hôn công cộng! Đường Cổ Ngư ở Hồ Tây từ ngàn xưa đã là một nơi tình tứ. Thời Tự Lực văn Đoàn, con đường tình này đã leo vào các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam hơi nhiều. Ngày nay đường Cổ Ngư xưa đã mất tên để dân Hà Nội có con đường Thanh Niên nẳm giữa một bên là Hồ Tây và một bên là hồ Trúc Bạch. Vậy nên không gian Hồ Tây bao giờ cũng là đất thánh của các đôi tình nhân. Ngày nay đất thánh này là đất…hôn. Một người trẻ ký tên Shymanhn viết trên blog thodia.net: “Một buổi chiều mùa hè ngồi trên Ilu Café nhìn lại phố, thấy rợp sắc xanh của lá, và rực rỡ màu đỏ của phượng…Là cả những sắc tím của bằng lăng và ngát một mùi ngọc lan trong gió. Những gốc cây to dài xòa bóng để khách bộ hành “mưa không đến mặt, nắng không tới đầu”, để những nụ hôn của bao cặp tình nhân sâu và dài tưởng chừng mãi mãi. Đường Thanh Niên gắn với biết bao nhiêu mối tình của những con người Hà Nội, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nếu có cái tên gọi “bến tình yêu” thì Thanh Niên xứng đáng là bến đầu tiên xét về góc độ lịch sử và văn hóa. Tôi yêu đường Thanh Niên – vì đúng như cái tên của nó – Youth Street – con đường của những con người trẻ”.

Con đường mà người bạn trẻ khoác cho một cái tên Mỹ Youth Street, có hai cái bến: bến Hàn Quốc và bến Nhật Bản. Việt Nam bây giờ hội nhập vào thế giới thật là khít khao! Bài báo tả tình tả cảnh hai cái bến…ngoại lai này như sau: “Bến Hàn Quốc chính là lựa chọn hàng đầu trong lịch trình yêu đương của những đôi tình nhân. Nằm ở địa điểm ít người qua lại, có lẽ không mấy khi có cảnh tắc đường, khói xe, còi bấm inh ỏi. Phía xa xa, thỉnh thoảng từng đoàn chim bay qua trong hoàng hôn hay bình minh trong vắt, không thể tốt hơn cho những giây phút ngọt ngào, âu yếm….Tất nhiên rồi, nhắc đến bến Hàn Quốc mà bỏ qua bến Nhật Bản sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn với những cặp đôi yêu nhau. Bến “tình yêu” Nhật Bản cũng là con đường nhỏ quanh co lối đi dẫn vào phủ Tây Hồ. Là điểm nối dài của bến Hàn Quốc, bến Nhật Bản cũng là một lựa chọn khá thú vị mà các đôi bạn trẻ tìm đến để được cùng ngồi bên nhau tâm sự, yêu thưoơng lãng mạn. Nếu để so sánh bến Hàn Quốc và bến Nhật Bản bên nào đẹp hơn thì thật khó. Khung cảnh trên bến Nhật Bản cũng lãng mạn không kém gì bến tình yêu Hàn Quốc với con đường nhỏ nằm giữa hai bên là Hồ Tây quanh năm lộng gió cùng những hình vẽ graffiti rất đẹp và lạ mắt”.

Thắng cảnh…hôn chắc không đâu có ý nghĩa bằng bức tượng hôn tại bến cảng San Diego ở Nam Cali. Đây là bức tượng của nhà điêu khắc lừng danh thế giới J. Steward Johnson mang tên “Đầu Hàng Vô Điều Kiện” (Unconditional Surrender). Cái tên nghe thật thất bại! Bức tượng diễn tả cảnh một chàng lính Hải quân bồng thân hình ngả nghiêng của một nàng y tá, hai đôi môi gắn chặt vào nhau. Đây là bức tượng được tạc theo bức hình của nhiếp ảnh gia Victor Jorgensen chụp cảnh ăn mừng chiến thắng trận Thế Chiến Thứ Hai tại Times Square ở Nữu Ước. Anh chàng hải quân và cô y tá có lẽ là hai người xa lạ tình cờ đứng cạnh nhau và ôm hôn diễn tả niềm vui chiến thắng. Không có tình yêu chi trong cái hôn bất tử này. Nhưng tại sao chiến thắng lại trở thành…đầu hàng vô điều kiện, đó phải chăng là cái cắc cớ của nhà điêu khắc? Vui chiến thắng nhưng vẫn phải đầu hàng một nụ hôn, thứ biểu tỏ tâm tình của con người.

Nụ hôn như vậy có cái uy của nó. Hăng hái trong nụ hôn, có khi các chàng sa bẫy. Một cô gái ỏn ẻn với người yêu: “Em muốn anh hôn em ở những nơi đặc biệt cơ!”. Chàng trai khoái chí không bỏ lỡ cơ hội: “Vậy em muốn anh hôn em ở chỗ nào trước?”. Cô gái bẽn lẽn: “Trước hết em muốn anh hôn ở Paris, sau đó ở Luân Đôn, rồi Nữu Ước, còn sau đó thì em để anh chọn lựa!”.

Hôn như vậy tốn tiền thấy mồ! Mà tiền dính tới hôn nhiều khi là cái boomerang dội ngược lại. Một anh luật sư người Punjab làm việc ở Dubai viết thư về cho vợ: “Em Sunita yêu dấu, tháng này anh không thể gửi lương về cho em được vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới công việc của tổ hợp luật sư nơi anh làm việc. Vậy anh gửi về em một trăm nụ hôn. Em yêu, mong em sẽ thích hợp được với hoàn cảnh. Ký tên: Jita Singh”. Ít tuần sau, anh luật sư nhận được thư hồi âm của vợ. “Chồng yêu quí, cám ơn anh đã gửi một trăm nụ hôn. Dưới đây là bản tổng kết những nụ hôn em xài để thích hợp với hoàn cảnh: người giao sữa bằng lòng nhận 2 nụ hôn cho một tháng sữa; người biên điện bằng lòng không cắt điện với 7 nụ hôn; ông chủ nhà Balkar Singh đồng ý mỗi ngày tới nhà mình nhận 1 hoặc nhiều nụ hôn thay cho tiền nhà hàng tháng; ông chủ tiệm thực phẩm Jaswant Singh không đồng ý nhận những nụ hôn nên em phải trả ông ấy thứ khác, hy vọng anh hiểu em ám chỉ cái chi; còn lại những thứ linh tinh là 40 nụ hôn. Xin anh đừng lo lắng cho em, em còn giữ lại 21 nụ hôn để phòng khi cần thiết. Tháng tới em có phải tính y như tháng này nữa không, xin anh cho em lời khuyên. Vợ yêu của anh: Sunita”.

Hôn không phải là thứ để trao đổi. Cũng không phải là thứ thi đua. Vậy mà người ta cứ thi đua. Thành phố Venise của Ý là thành phố của mộng mơ. Điều đó cả thế giới đều biết. Thành phố lềnh bềnh trên nước với những con thuyền gondola chở những cặp tình nhân luồn lách qua các con rạch của thành phố. Những anh lái thuyền, với chiếc khăn choàng đỏ bay bay theo gió, vừa xoải tay chèo vừa hát những bản tình ca bằng tiếng Ý. Những bản tình ca này, thế hệ những người Việt Nam trưởng thành trong nước đều đã thuộc nằm lòng. Con thuyền tôi đi được trang hoàng bằng những mẩu tượng nhỏ của chim, cá, hoa lá và người khá mỹ thuật. Dòng nước có mầu nâu đục không được mộng mơ lắm. Anh lái căng người chèo vội để còn trở về chờ lượt khách khác. Nếu nhắm mắt lại có lẽ cũng có được ý nghĩ, như vẫn được quảng cáo, đây là thành phố lãng mạn nhất thế giới. Muốn củng cố thêm sự lãng mạn, đồng thời kéo thêm được du khách, thu thêm được lợi nhuận, Venise đã tổ chức vào đêm giao thừa năm 2008 màn hôn tập thể với 60 ngàn người mi nhau một lúc. Nơi nặng những nụ hôn là quảng trường lớn nhất của thành phố: quảng trường Saint Marc. Giao thừa năm sau, 2009, họ chơi bạo hơn với lễ hội “Tình Yêu 2009”. Đã có 70 ngàn cặp hôn nhau. Trước khi hôn, các tham dự viên đã được thuyết trình về cách hôn hoàn hảo. Sau màn hôn là màn biểu diễn nhạc jazz và bắn pháo bông hình trái tim trên bầu trời đêm.

Cũng giao thừa, tại khu trượt tuyết ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh nằm ở phía đông bắc Trung Quốc, cũng có cuộc thi hôn với sự tham dự của 120 cặp. Đặc biệt là trời rất lạnh, nụ hôn sưởi ấm nhau càng lâu càng ấm. Có những cặp trẻ ở tuổi đôi mươi, chắc còn nhiều năng lực nên dễ sưởi ấm nhau hơn. Nhưng cũng có những cặp tuổi đời đã khá cứng. Cứng nhất là một cặp 85 tuổi. Hai cái máy sưởi chắc không còn được tốt lắm. Vậy mà họ cũng mi nhau tới cùng!

Cũng lạ! Khổng Tử chẳng bao giờ dậy người ta hôn nhau nhưng tổ chức các cuộc thi hôn thì con cháu Ngài cũng hăng say chẳng kém chi các nước Tây phương vốn có truyền thống mi nhau từ ngàn xưa. Bên Trung Quốc làm thì bên Việt Nam trước sau gì cũng theo. Mà phàm sự gì đã theo thì bao giờ cũng lên gân cho nổi hơn.

Cú mi tập thể ở Việt Nam được tổ chức rất…hoành tráng! Có tất cả 100 cặp được tham dự qua một cuộc tuyển chọn bằng cách kể lại câu chuyện tình của mình. Được chấm đậu mới có quyền…mi. Mà mi trên khinh khí cầu đàng hoàng. Thực ra chỉ có 99 cặp qua tuyển chọn. Chỗ của cặp còn lại được mang ra bán đấu giá và một cặp tình nhân đã mua được với giá 9 triệu đồng. Cuộc mi tập thể được tổ chức trên cầu Ánh Sao, thuộc quận 7 Sài Gòn, được treo bong bóng, kết hoa hồng…xanh như trong truyện cổ tích. Trăm cặp tình nhân được tuyển chọn trên khắp nước sẽ được tặng 5 món quà. Mỗi cô gái sẽ được bạn…hôn trao cho một bó hồng xanh gồm 999 bông. Ban nhạc Flaminco sẽ hát tặng riêng cho mỗi cặp bản tình ca họ thích nhất (bảo đảm ban nhạc sẽ rất mỏi miệng!). Nụ hôn được gọi là “nụ hôn thế kỷ” của 100 cặp sẽ được diễn ra trên khinh khí cầu. Nụ hôn thế kỷ này ra làm sao, khó hình dung ra! Cô gái may mắn nhất trong đêm Valentine sẽ nhận được một chiếc nhẫn cầu hôn trên tay “vị thần Cupid”. Chiếc nhẫn trên tay vị thần Cupid là một cái cũng khó hiểu không kém. Đất nước ta càng ngày càng khó hiểu! Mười nhiếp ảnh gia thượng thặng sẽ chụp hình. Hình sẽ được triển lãm tại cái gọi là “bức tường đêm Valentine thế kỷ” tại nhà Văn Hóa Thanh Niên.

Một nước Á châu khác là Thái Lan cũng tổ chức thi hôn. Nhưng đâu có “hoành tráng” bằng nước ta được. Cuộc thi hôn lâu để tạo kỷ lục hôn lâu nhất thế giới được tổ chức cũng vào dịp Valentine tại thành phố du lịch biển Pattaya. Tất cả chỉ có 14 cặp dự thi với độ tuổi từ 21 tới 51 tuổi. Họ không được rời môi nhau trong suốt cuộc thi dù đi vệ sinh! Tôi thật không thể nghĩ ra là người ta có thể hôn nhau trong khi đang làm công tác thủy lợi hoặc, trầm trọng hơn, công tác sản xuất hậu cần! Lại còn khi ăn cũng vẫn môi dính môi. Không biết ăn kiểu chi mà có thể làm…xiệc được như vậy? Kỷ lục thế giới về hôn lâu được thiết lập tại Đức trong năm 2009 với thời gian lâu là 32 giờ 7 phút 14 giây. Bảy cặp dự thi tại Thái Lan đã phá được kỷ lục này! Phần thưởng dành cho cặp vô địch là một chiếc nhẫn kim cương trị giá 1630 đô Mỹ và 3.300 đô tiền mặt.

Hôn thi chắc cũng sêm sêm như hôn có canh giờ của Williams và Kate trên ban công điện Buckingham trước hoàng gia và hai tỉ rưỡi người vừa chứng kiến tại chỗ vừa nghía trên ti-vi. Đó chỉ là những nụ hôn trình diễn. Những nụ hôn bán linh hồn cho đám đông! Chắc chắn không có cái phê của nụ hôn kín đáo khi đôi tình nhân dìu nhau lên tới tột đỉnh của cuộc tình.

05/2011
Song Thao
(songthao.com)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024