SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

MÀU NẮNG HAY LÀ MÀU MẮT EM (*)

TRIỀU HOA ĐẠI & VŨ HOÀNG THƯ chuyện trò qua điện thư
Tháng 2, 2020

Triều Hoa Đại: Trong tập thơ có tên là BA MÉNG của nhà văn Bình Nguyên Lộc dài khoảng chừng 168 câu ông đã tả cảnh buôn bán ở “Sề ghềnh” năm xửa, năm xưa, những chiếc ghe chở đầy sản phẩm miệt vườn để mang lên bán trên thành thị, ngày xưa chuyện đi lại đâu có dễ dàng như bây giờ từ dưới quê lên tỉnh cũng phải mất vài ba tháng trời, rồi sau đó bốc hàng xuống, ghe lại quay về làng mạc. Trong BA MÉNG có câu thơ: “Ghe đi vài bữa ghe về/ hỏi người dưới ruộng cô Quỳ còn không”?, ngày xưa trai gái yêu nhau cũng khác xa bây giờ thế cho nên có những buổi chiều hình ảnh người ta bắt gặp ở cái quán nhỏ một người thanh niên ngồi trầm ngâm với ly cafe xây chừng và một điếu thuốc lá trên tay, người thanh niên ấy đang nghĩ gì đây chắc không ai hơn là một cô Quỳ người anh yêu dấu. Ngày xa xưa, cái thuở thanh bình “ba trăm năm trước” làm gì có những phương tiện hiện đại như bây giờ cho nên việc giao thương rất nhiều reo neo, vất vả. Trở lại chuyện cô Quỳ còn không khi người ta yêu nhau một ngày cũng là đằng đẵng huống hồ chi vài ba tháng, huống hồ gì là nửa năm?  Thế còn những người như chúng ta phải bỏ nước mà đi có người 10 năm, cũng có lắm kẻ trên dưới 40 năm hơn thì lòng dạ nào mỗi khi nghĩ đến quê hương mà không dao bào, ruột thắt.

Qua câu chuyện giữa nhà văn Hồ Đình Nghiêm  và nhà thơ/ văn Vũ Hoàng Thư thì tôi được biết anh đã theo“thương thuyền” dời bỏ quê nhà từ những ngày cuộc chiến vừa tàn, ba mươi hai năm sau vì nhớ cô Quỳ (vì nhớ quê hương đất nước) anh đã trở về thăm lại cái nơi chôn nhau cắt rốn nhưng hỡi ơi bao nhiêu ấp ủ, bao nhiêu mong ước  cho ngày về lại quê nhà này đã bỗng dưng trở thành hư ảo khi nhìn thấy cô QUỲ (đất nước) tàn tạ anh lấy làm đau xót vô cùng,  thương cho thân mình thì ít mà thương cho cả một dân tộc chìm đắm trong nghèo đói, lạc hậu thì nhiều, ngày anh quay gót trở lại nơi chốn tạm dung, và có người đã hỏi anh về chuyến đi, nhà thơ đã lặng lẽ chỉ buông được một tiếng BUỒN.

Nhiều đồng bào ta cũng đã nói như thế với tôi, ở một khía cạnh văn chương anh là một nhà thơ/văn cái nỗi BUỒN ấy chắc phải khác hơn nhiều với cái buồn của nhân thế nhìn chung anh đã thấy những gì để mà BUỒN như thế?

VŨ HOÀNG THƯ: Trước hết xin cám ơn anh đã dành thì giờ cho cuộc hàn huyên hôm nay mà tôi dự đoán sẽ rất thú vị đối với tôi. Hôm nay ngày Rằm tháng giêng Tết, ngày Nguyên Tiêu, không khí Tết vẫn còn phảng phất và mùa Xuân chỉ mới bắt đầu, tôi xin mượn dịp để chúc Tết trễ đến anh. Ước mong một năm mới đầy may mắn và như ý đến cùng anh và gia quyến. Thưa anh, nhà văn, nhà thơ hay nhân thế vốn vẫn là một. Nếu tôi phải nói trại đi một câu thơ Kiều thì “cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Tôi về Việt Nam một lần độc nhất, năm 2007, cũng đã lâu rồi. Một điều ghi nhận đáng được nhắc đến trên chuyến đi từ Nam ra Bắc, đó là mọi cổng vào phường xóm đều treo bảng đề tên "Khu phố văn hóa …." Sao bỗng nhiên người ta đề cao văn hóa ở khắp nơi như vậy nhỉ. Sự thiếu vắng văn hóa ở mọi tầng lớp quá trầm trọng nên bây giờ người ta phải nhấn mạnh, phải đề cao? Che lấp một tự ti? Hay họ nghĩ rằng chỉ cần nhắc đến hai chữ văn hóa lập tức mình có văn hóa? Văn hóa không thể là mì ăn liền. Văn hóa thể hiện trong lối sống từ những điểm thông thường nhất, nhỏ nhặt nhất đến những phạm trù rộng lớn như chính trị, xã hội. Ví dụ người dân phải đóng tiền hối lộ để giấy tờ có chữ ký của chủ tịch ủy ban nhân dân khu phố, của công an khu vực là chưa có văn hóa. Nạn tham nhũng làm đường sá, cầu cống hư hỏng ngay vừa khi hoàn tất vì chính quyền ngó lơ cho “đối tác” xây cất làm việc thiếu tiêu chuẩn, đến nỗi phải cấm bảng “Cầu chờ lún”, “Đường chờ lún” là thiếu văn hóa. Những sự việc này tôi nghe được ngay từ miệng của “nhân dân”, những tài xế taxi, người chạy xe thồ, xích lô, tài xế xe chở mướn, người hướng dẫn du lịch tức là những thành phần lao động vật lộn với đời sống hàng ngày ở trong nước chứ không phải từ những Việt kiều “xấu mồm, tiêu cực, chống phá cách mạng” ở nước ngoài.  Nhìn lên cao, đảng độc quyền yêu nước, khống chế phê bình đối lập. Không chấp nhận ai nói khác đảng là chưa có văn hóa. Khổ thật, văn hóa không phải là sự hiện hữu của hai chữ văn hóa ở trên biểu ngữ treo đầu khu phố. Hãy mời văn-hóa-banderole bước xuống cuộc đời để đi vào mọi ngõ ngách đời sống bằng hành động.

Việt nam 32 năm nhìn lại khiến tôi không thể không liên tưởng đến một câu nói vừa khôi hài vừa đầy đủ sự thật của một chính khách Tây phương: “chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất đi từ chủ nghĩa tư bản đến... chủ nghĩa tư bản.”

Vào thời điểm tôi về (2007) có một vụ bố ráp ở Hà nội bắt giữ các cậu ấm cô chiêu mua bán và xài thuốc lắc đến cả hàng ngàn đô la. Đó là một số tiền rất lớn ở thời gian đó. Bây giờ năm 2020, có lẽ sự chênh lệch giữa giới cai trị giàu sụ và dân vô sản phải gấp trăm ngàn lần so với năm 2007. Xin trích một đoạn trong bài thơ tôi làm lúc đó, đêm cuối ở Nhatrang,

đêm cuối ở nhatrang
em bé tật nguyền mời nài
hai ngàn đồng lon đậu phụng luộc
chú ơi… mua giùm…
tôi sẽ làm gì với hai ngàn đồng bạc việt
người ta vừa bố ráp hơn 500 khách xài thuốc lắc
trăm vạn đô la mỹ đốt đêm thâu
tại quán nhảy nằm sát bộ công an hà nội
đêm ma túy ngần lên ngàn gân máu mắt
trong thiên đường đỏ
này bé, em sẽ làm gì với hai ngàn đồng bạc việt?

Triều Hoa Đại: Anh trở về quê hương, về thăm lại cô QUỲ chỉ vì anh đã nhớ, đã thương cho nên “Tôi đã nhớ và tôi về”, nhiều đêm không ngủ được vì nhớ khi xưa mùa nắng chan hoà nơi góc phố quen, nhớ tiếng guốc khua vang trên con đường dẫn đến ngôi trường có áo trắng, có muôn ngàn hoa phượng và tiếng ve kêu ngoài ra không phải bất kỳ một lý do nào khác, không mang một thoả hiệp, một sự hội nhập nào cả. Vậy thì có phải quê hương là “chùm khế ngọt” ?

VŨ HOÀNG THƯ: Đúng vậy, tôi đã nhớ và tôi về sau 32 năm. Tiếng “nhà” êm ái làm sao khi nói đến nhớ nhà, về nhà... Khế ngọt là một biểu tượng đầy mâu thuẫn cho đất nước chúng ta. Khế thông thường vốn là loài trái chua, tìm được loại ngọt không phải là dễ dàng. Đất nước mình vốn nghèo khổ chua chát nhưng không phải là không có chất ngọt ngào bao dưỡng, chịu khó tìm tất sẽ gặp. Cho nên quê hương luôn là “chùm khế ngọt”, tình cảm ấy đã có trong lòng người Việt tự ngàn năm, đã hiện hữu rất lâu trước khi cọng sản cai trị trên đất nước chúng ta. Không ai có thể nhân danh bất cứ điều gì để giành lấy sự độc quyền yêu nước và gạt bỏ những ai không đồng chính kiến với mình ra ngoài. Tôi yêu bài hát “Tình Ca” của Phạm Duy rất đỗi vì có những câu như thế này: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời... Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh...” Đó chính là sự thỏa hiệp muôn đời của muôn triệu con Việt đối với Mẹ Việt Nam, không ai khác. Chỉ cần nhắc đến hai tiếng quê hương là “Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đoá hoa...” Ai sẽ nhắc ta trong giờ cô độc ở xứ người? “Ôi cô độc như sợi nắng chiều trong rừng ngủ / Quê hương vờn những đêm gấm. Bạn về trong chiều lụa” (Thi Vũ, Hoa Nắng)

Triều Hoa Đại: Tại làm sao mà con người với nhau lại gieo giắc những đau thương, những hận thù cho nhau nhiều như thế có đôi khi tôi tự hỏi lòng mình, sao mọi người không giống nhà thơ Phạm Cao Hoàng dắt nhau trên hè phố, vui mừng vì hoà bình: “ Em yêu dấu đây là lần thứ nhất trong đời mình anh thấy hân hoan, anh muốn nói với muôn người trên mặt đất rằng nơi đây sắp hết điêu tàn/ và có thể đêm nay không còn tiếng súng không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế ăn một tô mì thơm ngát bình yên, có thể nào sáng mai trên phố cũ người ta bảo nhau hôm nay hoà bình người ta dắt nhau trên đường trẩy hội/ riêng một bông hồng nở giữa tim anh” tự trong sâu thẳm của một nhà thơ/văn có khi nào, bao giờ anh nghĩ rằng ngòi bút của mình sẽ được viết lên để ngợi ca thế giới hoà bình, trong anh và muôn triệu con người những bông hồng sẽ nở giữa tim không?

VŨ HOÀNG THƯ: Đúng thế, thật bất hạnh cho quê hương chúng ta. Mấy chục năm nội chiến, đất nước thành nơi thử lửa của hai bên. Biết bao người chết, máu chảy thành sông, thịt xương vun đầy như núi. Anh có nhớ lời tình ca của người mất trí hát trên những xác người “Không hận thù nằm chết như mơ…” (TCS)? Trong bài “Về Mẹ” ở tập Bắt Nắng, có một đoạn tôi viết như thế này:

Có một câu nói bất hủ từ một bà Mẹ Nam bộ trước cảnh chết chóc hàng hàng lớp lớp của thanh niên Việt Nam : ‘Chết nhiều quá dzầy... rồi đây đẻ không kịp đó!’ Trước mắt bà, không có hận thù, không có chiến tuyến, không có ý thức hệ, chỉ thuần là một đàn con ngỗ nghịch chơi trò dao gậy súng đạn, không phải lối đùa giỡn như hồi còn bé mà thật sự đã chém giết lẫn nhau. Chết nhiều quá... đẻ không kịp, tiếng than thật ngây thơ muốn phá vỡ tan lồng ngực người nghe. Tiếng than từ một người mẹ bất lực trước sự tàn sát giữa những đàn con ‘người lớn’ của bà. Mẹ yếu đuối tuyệt vọng, mẹ làm gì được ngoài bổn phận sinh đẻ và hết lòng nuôi lớn đàn con. Việc phán xét ai phải ai quấy không phải là chuyện của mẹ. Đẻ không kịp, không đơn thuần là tiếng kêu của một bà mẹ Nam bộ mà chính là tiếng kêu trầm thống của cả một dân tộc đang can qua trong sự chém giết, hận thù không lối thoát. Lòng Mẹ càng bao la, càng lớn rộng, càng làm cho thấy chúng ta thật nhỏ mọn biết chừng nào. Có ai chịu khó nhìn lại người Mẹ Việt Nam trong suốt cuộc chiến vừa qua để rút tỉa ra một bài học về thế nào là tình thương thật sự?

Tôi nhớ đến một bài thơ ngắn của Thi Vũ làm năm 1965 vào thời điểm quê hương mình đang ngút ngàn khói lửa,

Lời Ước

Ước chi thù hận cuộc đời
thu gồm trong viên đạn
một viên đạn cuối cùng
nằm yên trong nòng súng
để ngực tôi xin đón
như đưa tay hái quả úng cuối cùng
trên chùm đào mơn mởn
để cây đàn ngàn tiếng ngân ca
(Thi Vũ – Dặm Thơ)

Triều Hoa Đại: Thi Vũ Võ Văn Ái trong lời giới thiệu cho cuốn BẮT NẮNG của anh đã viết: “Từ mất quê hương trên mặt đất, Vũ Hoàng Thư tìm thấy quê hương trong tâm hồn, trong chữ nghĩa”. Vâng, nếu đúng như vậy thì cái “quê hương trong tâm hồn” của anh phải chăng nó nằm ở chỗ “bắt thinh không khi chuồn chuồn lách cánh bay đi”, và rồi thì: “Bàn tay nhỏ dại ôm đầy vũng nắng

VŨ HOÀNG THƯ: Chúng ta còn gì khi mất quê hương? Thuở ấu thời, bắt chuồn chuồn là một thú vui, khi cánh chuồn vụt lách mất, còn chăng là một thinh không và chút nắng sót lại ở bàn tay. Ta ngắm bàn tay trống, một vũng nắng vàng ươm đọng lại,

tay thập thò
cánh chuồn bay
bắt nắng

Bắt nắng là vốc nắng vào tóc nuôi lãng mạn lớn, còn hay mất, đời là cuộc bắt nắng dài... một sự vươn lên để nắm những điều bất khả. Thinh không đó là của chung không tùy thuộc sở hữu của ai. Bây giờ nhìn lại, cánh chuồn như quê hương, như tự do đã vuột mất. Vũng nắng trong lòng bàn tay hôm nay và vũng nắng ngày xưa có gì khác?  Vẫn là một màu thơm ngát hoàng lan nhưng có bao giờ ta tắm được hai lần trên một giòng sông như Héraclite nói?

Triều Hoa Đại: Anh có ý kiến gì về chuyện viết lách ngày nay không, vẫn biết rằng “chợ” càng đông thì càng vui nhưng khốn nỗi có nhiều mặt hàng giả được bầy bán la liệt, nhiều cuốn sách được viết ra rồi sau đó gọi là “tác phẩm” nhưng thật sự mà nói đó chỉ là hàng nhái của rất nhiều người mà nhà văn Mai Thảo lúc còn sinh tiền đã gọi họ những kẻ này là “ngoại đạo” độc giả mua lầm hàng nhái họ đâm ra mất dần tin tưởng ở những tác phẩm văn chương có giá trị ?

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi không biết thế nào là “ngoại đạo” và thế nào là “chính thống” khi nói về văn chương nghệ thuật? Khi Tự Lực Văn Đoàn ra đời, các cụ đồ Nho cho đây là văn chương của đám Tây học. Picasso khởi phát trường phái lập thể cũng không được chấp nhận dễ dàng trong giới hội họa ở đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên tác phẩm có giá trị hiển nhiên sẽ trường tồn, ngược lại những gì không đạt được tầm vóc thẩm mỹ thì sẽ bị đào thải theo với thời gian, anh đồng ý không?

Triều Hoa Đại: Nhà thơ Đỗ KH có lần mỉa mai: “Không có sách thì lấy gì mà châm củi” là một người làm thơ và viết văn anh có ý kiến gì về vấn đề này:

 

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi không rõ nhà thơ Đỗ KH nhắm vào đối tượng nào khi ông phát biểu như thế. Cá nhân tôi liền nghĩ ngay đến mấy ngàn năm trước khi Tần Thủy Hoàng đốt sách vở và chôn sống hàng trăm ngàn học trò dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Sự điên cuồng và thiển cận của một bạo chúa lại tái diễn một lần nữa ở Việt Nam sau 1975: nạn “phần thư” đốt hết sách vở của một nền văn học nhân hậu miền Nam và trăm ngàn sĩ quan, trí thức bị lưu đày trong các trại cải tạo từ Bắc chí Nam. Khi con người từ chối học hỏi từ lịch sử và thù hận che lấp, cả một dân tộc phải trả giá rất cao.  
                                    
Triều Hoa Đại: Nhiều người quan niệm “thơ là sự xuất phát ở nhu cầu bản thân, còn văn xuôi đáp ứng nhu cầu ở bên ngoài”. Riêng anh thì anh quan niệm thế nào?

VŨ HOÀNG THƯ: Trong một, chứa muôn ngàn và đại thể nằm gọn trong một lẻ loi. Tôi nghĩ thơ hay văn đều ẩn chứa những nhu cầu bên trong cần biểu lộ và hiệu ứng bên ngoài dấy lên rung động bên trong. Tâm ấy, cảnh kia nương nhờ nhau mà có, dưới dạng thơ hay dạng văn, chỉ là hình thức biểu tưởng.

Triều Hoa Đại: Nhà văn quá cố Nguyễn Thị Vinh khi nói về truyện ngắn đã bảo thế này: “Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn lạc quan của tác giả đối với văn chương và cuộc đời”, nhưng với nhà văn Nguyễn Quốc Trụ thì lại khác ông cho rằng: “Truyện ngắn là bài toán nhỏ về bút pháp”. Anh đã viết BẮT NẮNG ở phương pháp nào?

VŨ HOÀNG THƯ: BẮT NẮNG là một tuyển tập tản mạn có liên quan đến nhiều đề tài về văn chương, thi ca, triết học... nhưng đúng hơn đó là cảm niệm của một cá nhân trước những biến chuyển cuộc đời trước mắt. Tuyển tập của 17 bài tản mạn, bút ký, hoài niệm về một quê hương xa cách và trong một chiều hướng nào đó, một quê hương đã mất, từ đó bắt lại những kỷ niệm đã không còn, bắt những cánh chuồn chuồn xanh, đỏ, những con chuồn chuồn điểm nước trên những giòng sông ấu thơ. Mênh mông ý bay trôi khi chiều chao muôn ngàn niềm dâng, nghe những khoảng không im, dấu lặng giữa hai nốt nhạc. Và từ đó ta tự hỏi phải chăng thế giới này khởi đầu từ hạt bụi? Hạt bụi cũng là hạt cải. Hạt cải bay từ thiền trượng của Khánh Hỷ vào thinh không, Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung. Nhật nguyệt nằm trong lòng hạt cải. Mặt trăng có mặt trong hạt sương, Sương lóng giọt trăng tà (Quách Tấn). Trong hạt sương nhỏ nhoi có hình ảnh ánh trăng đang rạng rỡ bên ngoài và ánh trăng đang rạng rỡ bên ngoài chiếu long lanh trong một hạt sương, phải chăng cái MỘT và cái TẤT CẢ hàm chứa trong nhau? Có một lần đi du lịch Bồ Đào Nha, tôi đứng bên bờ sông Tejo bạc trắng nhìn Lisbon trải dài mái ngói đỏ, tường trắng bỗng nhiên những ngói âm dương phôi pha rêu cũ che hiên gió bão miền Trung hiện về. Và một ngày tháng sáu đứng bên bờ sông Hương dưới giàn hoa tím mấy chục năm sau nhớ về một ngày tháng sáu nắng đứng đã xa xưa,

lẳng giò hoa
em cười lúm
mùa nắng

Tôi không biết mình đã áp dụng phương pháp nào, chỉ biết ghi lại những niệm tình lân hư bay về đậu từ ký ức...

Triều Hoa Đại: Viết đối với anh thì thế nào có dễ dàng lắm không?

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi chẳng phải là một nhà văn chuyên nghiệp nên chuyện viết lách thường xảy ra khi ngẫu hứng. Những lúc đó tôi viết tương đối nhanh.

Triều Hoa Đại: Sau BẮT NẮNG và MỘT THOÁNG dự tính cho tương lai?

VŨ HOÀNG THƯ: Dự tính cho tương lai? Có lẽ sẽ gom một số bài viết và ra đời một tập tản mạn nữa chăng? Chỉ là dự tính và nếu thực hiện được cũng là một duyên văn nghệ cho vui với đời. Thị trường sách vở ở hải ngoại như anh biết bây giờ trì đọng lắm.

Triều Hoa Đại: Nhìn chung về sinh hoạt chữ nghĩa ở bên ngoài Tổ Quốc anh có nhận xét gì và nếu được yêu cầu để đưa ra những lời đề nghị thì anh sẽ đề nghị những gì và nhận xét thế nào để chúng ta cùng nhau dương buồm ra khơi chào đón những ngày mới chứ không phải dong buồm ra khơi mà nhìn thấy “Chiều nay ra khơi, thoáng thấy cô em mắt buồn”?

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi có thấy một số nhỏ người Việt lớn lên và trưởng thành tại Mỹ đã du nhập và đóng góp thành công vào văn chương dòng chính Hoa Kỳ mới đây như “Bướm Vàng” (Butterfly Yellow) của Lại Thanh Hà, thơ và truyện của Ocean Vuong (Night Sky With Exit Wounds, On Earth We’re Briefly Gorgeous) đã gây ít nhiều bàn thảo trong giới phê bình Mỹ. Đó là một điều thật đáng hãnh diện và hoan nghênh. Riêng thế hệ chúng ta sẽ già lần và đến một ngày nào đó sẽ không còn nữa. Trong những gì có thể làm được, tôi ước muốn nền văn học hải ngoại qua những sáng tác đầy nhân bản được trở về quê mẹ để đem luồng gió mới, tích cực thay đổi lối nhìn vong tính, thiếu tình người đã dày xéo trên quê hương chúng ta hơn nửa thế kỷ qua. Từ đông phương ra đi, chúng ta hãy trở về tính Việt giống nòi để thổi tan những chủ thuyết Marxist ngoại lai, lỗi thời từ nhiều thế kỷ trước đã và đang làm nền tảng cho xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam.

Triều Hoa Đại: Trong một lần trả lời phỏng vấn với Lê Thị Huệ ở GIÓ-O về việc làm mới ngôn ngữ khi chúng ta viết văn và làm thơ trong lúc chúng ta sống xa lìa Tổ Quốc anh đã nói rằng: “Không biết tôi có chú tâm đến sự làm mới khi viết hay không, chỉ thấy những khắc giây căng thẳng một cách tự nhiên”, và rồi thì: “Đôi khi tìm ra chữ vừa ý thấy có chút thích ý với cái bắt tay cùng thơ mộng, còn nếu không thì xem đó như một sự đùa vui với chữ nghĩa vậy thôi” Thưa anh, thực sự mà nói tôi vẫn chưa nắm bắt hết được sự giải thích này, anh có thể một lần nữa khai triển thêm?

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi cho rằng những khắc giây căng thẳng một cách tự nhiên là khoảnh khắc của sáng tạo, những chữ “đắc địa” thường xuất hiện ở giây phút này, mà cũng có thể là kết tụ từ nhiều lần chung đụng ở quá khứ bây giờ bùng vỡ ra. Tôi chẳng biết gọi thời khắc ấy là gì ngoài hai chữ thơ mộng.

thơ,
ngẫu nhĩ
vương sợi tơ,
trầm trọng chi?
một thoáng
            khơi
            vơi
cùng.

Triều Hoa Đại: Nhà văn Hồ Đình Nghiêm cho rằng chữ nghĩa của anh “dường như là nắm đất sét có trong tay một điêu khắc gia, nhào nắn ra bao vật thể lạ, trưng bày mà không ghi giá bán” nhận xét này có điều hơi khó hiểu với tôi, là người “trong cuộc” anh hiểu rõ và như vậy nhà thơ/ văn Vũ Hoàng Thư phù phép “nắm đất sét” này ra sao?

VŨ HOÀNG THƯ: Có lẽ những bài viết của tôi đòi hỏi một đồng cảm khi đọc, nên có vẻ chọn lọc người đọc chăng? Anh nhắc đến bài viết về tập Bắt Nắng của anh Hồ Đình Nghiêm làm tôi nhớ lại một bài thơ ngắn của nhà thơ Đại Hàn Ko Un, “A Friend”. Tôi chép lại cùng đọc cho vui,

A Friend

Hey! With the clay you dug out
I fashioned a buddha
It rained
The buddha turned back into clay
Pointless as the clear skies after rain.
(Ko-un) 

Tạm dịch:

Người bạn

Này! đất sét bạn đào ra 
Tôi nặn tượng Phật chơi
Rồi mưa xuống
Phật lại hoàn đất sét
Không dấu vết như trời trong khi tạnh mưa

Xin kể lại câu chuyện nặn tượng trên bằng vài câu 6-8:

Mở cuộc chơi, đất sét nhồi
Chào Phương Trượng tôi Phật ngồi ở đây
Nặn từ bi diệu pháp dầy
Vốc tan hợp, vẽ cho vầy nhân duyên
Thể trầm ngâm, tác như nhiên
Đủ tướng tốt mở cửa miền thái hư
Từ thái không một cơn mưa
Nghe thành trì vỡ nhặt thưa đất hồi
Nhào tượng thân, tàn cuộc chơi
Lời thương hải chảy liên hồi về không
Chút thịt da gởi sương bồng
Cơn mưa kéo tạnh ngày trong thế thường

Tất cả như một cuộc chơi mọi người dự phần tạo nên thế giới, nặn ra hình tượng [hay huyễn tượng?]. Cơn mưa đến, hình tượng tan biến, đất sét sẽ hoàn lại đất sét. Dòng duyên sinh của muôn vàn sự vật trên cuộc đời luân chuyển theo chu kỳ vòng tròn: thành lập, bám víu, hủy hoại và trở về không hư. Mất/còn, không/có là gì sau khi mưa tạnh trời trong...?

Triều Hoa Đại: Ở Việt Nam những người đánh cá khi gặp nhau họ không nói chuyện đánh cá đó là ý của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cũng vậy người ta bảo: “Ông buôn cháo lòng thì chỉ biết đánh tiết canh thôi nhé chứ hiểu đếch gì về thơ mà phán” anh đi nhiều nơi giao tiếp nhiều chỗ chắc hẳn rằng anh chứng kiến nhiều bàn cãi về thơ văn nhận xét của riêng anh thì hế nào?

VŨ HOÀNG THƯ: Tôi cho rằng cả hai giới sáng tác và phê bình đều cần thiết có nhau. Dĩ nhiên văn chương có nhiều hạng bậc và phê bình cũng thế. Những bài khảo cứu giá trị luôn giúp ích cho độc giả làm quen và theo dõi những trào lưu mới trong nghệ thuật. Trái lại, phe đảng, áo thụng vái nhau thì chỉ làm cho nghệ thuật đi xuống mà thôi.

Triều Hoa Đại: Giữa chính trị và văn chương theo anh hai vấn đề này có thể thoả hiệp được với nhau chăng. Và, như thế anh nghĩ đã đến lúc chưa để bàn về chuyện giao lưu văn hoá bên trong và bên ngoài Tổ Quốc?

VŨ HOÀNG THƯ: Ngày xưa quan niệm “văn dĩ tải đạo” luôn được đề cao trong giới nho giáo cũng như vua chúa trị vì. Đạo được hiểu như là con đường hay phương thức sống cho hợp với những giá trị đạo đức và luân lý của xã hội, cũng như đường hướng của vua chúa vạch ra. Văn chương vì thế luôn luôn được dùng như công cụ để phục vụ cho chính quyền, nhất là dưới chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa. Đối với những nền dân chủ pháp trị như của Tây Phương ngày nay, văn chương và chính trị là những thực thể độc lập với nhau. Trái lại ở Việt Nam hiện nay, chính quyền nắm quyền kiểm soát trên tất cả mọi mặt. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” phải được hiểu là văn hóa chỉ đạo từ đảng và phục vụ cho đảng cộng sản. Quan niệm ấy dựa trên căn bản “bạn thù phân minh”, theo đường lối của đảng là bạn, khác khuynh hướng với đảng là thù. Mặt trận văn hóa mà chính quyền trong nước nhắm đến người Việt hải ngoại là ve vãn kêu gọi “tình tự dân tộc”, đại loại như “quê hương là chùm khế ngọt” như chúng ta đã nhắc đến ở trên. Mưa lâu thấm đất là chủ trương của đảng nhằm giao động và lung lạc giới văn nghệ sĩ sáng tác với khẩu hiệu “hòa giải dân tộc”. Mục tiêu không gì khác hơn là giảm sức đề kháng của cộng đồng hải ngoại trước những vi phạm nhân quyền trong nước. Đã có một số văn nghệ sĩ, trí thức về nước cộng tác và thất vọng. Bao lâu chưa có sự thực tâm đổi mới, mọi lời kêu gọi “hòa giải” chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền. 

Triều Hoa Đại: Chiều đã lên dần ở ngoài xa có lẽ anh em chúng ta cũng nên dừng ở đây vậy anh con điều gì cần chia xe thêm không?

VŨ HOÀNG THƯ: Vâng, chúng ta cũng đã trò chuyện khá nhiều qua nhiều đề tài. Xin cám ơn anh rất nhiều đã dành cho tôi cơ hội có được một buổi hàn huyên rất thú vị như hôm nay. Xin chúc anh thành công mọi mặt trên hành trình văn chương anh theo đuổi.

Triều Hoa Đại:  Thưa anh, mới quen biết nhau mà tôi đã níu kéo anh quá đỗi, thôi thì tôi xin chắp hai tay mà sám hối mong cũng vì cái tình văn chương thi phú với nhau mà hỷ xả cho. Xin cám ơn nhà thơ/ văn VŨ HOÀNG THƯ.

2/27/2020

(Trích từ Trăm Cây Nghìn Cành, Phỏng vấn 14 tác giả, Triều Hoa Đại, NXB Văn Học Mới, 2020)


(*) Trích một câu trong nhạc của TCS.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024