QUÁCH THOẠI
Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế. Tham gia cách mạng và các phong trào chính trị những năm 45. Có lúc vào ở chùa tu dưỡng và học hỏi giáo lý nhà Phật. Năm 1948 vào Saigon cộng tác với các báo Nguồn Sống, Đoàn Kết, Làm Dân, Việt Chính, Người Việt, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi. Tính tình phong khoáng, sống mãnh liệt, sức tưởng tượng quá phong phú, lại nghèo, nên ít bạn bè, tình yêu. Lâm bệnh lao phải vào năm một nhà thương thí ở Thị Nghè (Saigon) không ai chăm sóc.
Chết “trần truồng không cơm áo” vào lúc 4 giờ 15 sáng ngày7.11.57 để lại 3 tập bản thảo: GIỮA LÒNG CUỘC ĐỜI, NHỮNG BÀI THƠ TÌNH, CỜ DÂN CHỦ. Giữa lòng cuộc đời là tập thơ độc nhất được Tạp chí Văn Nghệ (do người anh ruột Lý Hoàng Phong làm chủ nhiệm) xuất bản tại Saigon năm 1963.
Chuyện vãn với các bạn thơ, tôi thường nhắc các câu sau đây của Quách Thoại, mà ít ai còn nhớ:
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm màu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Bài thơ mang tựa đề “Thược dược”. Tên một loài hoa. Nhưng kỳ thực Thoại nói tới tính thể thơ bằng những chữ vô cùng đơn giản qua sáu câu dung dị. Nói tới đạo rất bình thường mà chân xác.
Thơ là lúc ngôn ngữ chồm lên. Ngôn ngữ là suy tư giáng hình. Như ngọn lá không chỉ là tấm phiến đung đưa trong gió. Lá là một toàn thể màu sắc, thớ chất, mùa màng, cộng với sức chuyển vận mặt trời ra cuộc sống cây, tiếp rừng, đơm quả.
Ngôn ngữ Việt thành văn im lặng sau mười thế kỷ lệ thuộc, bỗng chồm lên lần đầu ở thế kỷ 10 với dòng văn thơ thiền Phật giáo. Dấy lên lần nữa qua Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15. Rồi rực rỡ với Nguyễn Du. Mãi gần đây, dường như lại cuồn cuộn qua Bùi Giáng. Mỗi lúc ngôn ngữ chồm lên để hưng sinh là một lần tư tưởng Việt định hình.
Thơ Quách Thoại không đưa ngôn ngữ chồm lên. Nhưng Thoại nắm được sợi giây truyền thống giữ cho thơ Việt không đắm chìm dao động.
Hình ảnh hoa cười dùng trong thơ khá cũ và thường. Nhưng khi nói thược dược mỉm nụ nhiệm mầu thì đã khác lắm. Cũng thế, ví người yêu như hoa là sáo. Song gọi thược dược bằng em đang đứng im ngoài hàng giậu, thì tứ thơ quả là mới và lạ, diễn đạt một cái gì ngoài hoa.. Thi sĩ lại đặt mình ngang hoa. Xem hoa như người, theo chân lý bình đẳng của vũ trụ. Sự chấp nhận ấy tạo nên giao đồng, tương kính, chân nhận giá trị nhau qua mỗi lần kinh ngạc khám phá. Kinh ngạc, cánh cửa đầu của nhận thức đạo. Nhận thức này giúp thi sĩ vượt vùng giới hạn tri thức chỉ thấy hoa qua thực vật của hương và sắc.. Trong khi ấy tiềm năng hoa còn cả thanh âm của tiếng mà lỗ tai người không bắt kịp. Tiếng hát trăm hoa chuyển rung nghìn thế kỷ, qua muôn nẻo tinh hà. Thoại kinh ngạc nắm bắt chân lý ấy.
Hóa ra những cánh hoa mỏng manh sớm nở tối tàn kia cứ sống hoài không chết. Thế thì nỗi buồn thương ly biệt mà người than khóc bấy lâu nào khác chi những phát hiện phù phiếm trong cơn thác loạn mất trí nhớ ban đầu ? Không là thi sĩ, làm sao mình trở lại gặp mình như Thoại. Thi sĩ, kẻ có đôi hài vạn dặm vượt bước qua mọi vùng giới hạn kiếp người (Grenzsituation). Ý thức điều này, Thoại “sụp lạy cúi đầu”. Lạy nụ nhiệm mầu đã khiến mình kinh ngạc khi ngó thấy sắc và hương của hoa chuyển thanh ra tiếng hát. Cúi đầu lạy hoa, nhưng hoa đó cũng chính là mình. Mình của một toàn thể vũ trụ tương quan tương liên, khi chưa bị giáo điều cắt vụn thành những mẩu nhân sinh cô độc quằn quại trong đau đớn. Mình-của-xưa-nay bị trầm luân trong muôn vạn mình giả danh.
Người xưa khe khắt với thơ lắm. Thơ hay phải có tứ thơ sâu, ý thơ thực, nhạc thơ tròn, hướng thơ vút, lời thơ mới, bài thơ lạ. Họ rút vào sáu quy tắc: thâm, chân, viên, cao, tân, kỳ. Thiếu một trong sáu yếu tố ấy, thơ xem như non. Mà thơ non thì cũng như không thơ.
Bài “Thược dược” gom đủ sáu chất thơ này. Còn dẫn thơ vào đạo. Đạo là đường đi cho những bước chân chưa biết dẫn đời mình về đâu sau mỗi 24 giờ lao tác, ăn ngủ, lúc nhúc làm tình nơi những hộp nhà giam hãm. Trong khi ấy, bên ngoài vũ trụ vẫn tiếp tục sáng thế. Vũ trụ chưa xong chuyện bảy ngày. Vũ trụ còn duỗi mãi chân không gian vào chốn thơ kỳ vĩ tuyệt vời sau cái nổ bùng "big bang" ban đầu.
Thược dược là cái quải mắt quay nhìn trên dòng đời bải hoải, là tiếng xé tường để nhìn qua hàng giậu một bông hoa giữ mãi đã nghìn triệu năm một thông điệp chân tình ít ai ngó ngàng. Thấy rồi sự đó là thấy tất cả. Chưa, thì dẫu sống mấy cũng phôi pha.
Với bài “Thược dược”, thơ Việt hợp lại hơi thơ đầu triều Lý để nền dựng cõi thơ bây giờ. Chúng ta đã đọc biết bao bài thơ đẹp từ đầu thế kỷ tới nay. Mỹ miều và quyến rũ. Nhưng lắm bài chỉ là cái đẹp mượn, sơn phết lại và nhận làm của ta. Đặt bài “Thược dược” bên những bài thơ hay nhất của các thiền sư thi sĩ Lý Trần, thấy không thua về sự trong sáng, dản dị và kiến trúc thơ. Nói về đạo, “Thược dược” còn vượt xa khá nhiều bài. Vượt ở chỗ vói tới Đạo mà không cần vận dụng những từ ngữ tôn giáo hay triết học. Một số thơ do các Tăng sĩ phật giáo sáng tác gần đây mà tôi được đọc, ít thấy có bài nào “đắc đạo” như bài của Quách Thoại. Dù Quách Thoại chỉ là một cư sĩ, người Phật tử không lánh thế. Quách Thoại đã từng có lúc ở chùa. Nơi chốn giải thoát, cư sĩ với tăng sĩ khác nhau chỗ nào nhỉ ?
Quách Thoại cũng có lúc theo đạo Cao Đài thời gian ngắn. Rồi một thời theo cách mạng, mong hiến thân cho chính trị để cứu đời. Có lẽ Quách Thoại là một trong những người hiếm hoi và sớm nhất nghĩ tới Con đường thứ Ba từ những năm 45, thoát ly con đường cộng sản và chế độ thực dân. Ở đây nên hiểu Con đường thứ Ba trong ý nghĩa siêu việt mọi con đường ý thức hệ tàn phá. Đối với Thoại, tham gia chính trị không vì tham vọng quyền chức hay cá nhân, Thoại sống mãnh liệt quá đấy thôi. Mọi thi sĩ đích thực, là một nhà chính trị. Trong nghĩa hành động. Trong nghĩa sống thực, để khỏi sống thừa, sống bám, sống dòi.
Tôn giáo, cách mạng, văn nghệ, rồi bệnh tật... Quách Thoại đi qua tất để tôi luyện thơ mình. Với Thoại, thơ là khao khát và chia sẻ. Thơ là tụng ca sự phá vỡ hình hài tự kỷ. Nhưng rồi Thoại đã chết vì bệnh lao năm 27 tuổi, đúng như Thoại dự báo chết trần truồng không cơm áo trong một nhà thương thí ở Thị Nghè ngày 7.11.57 lúc 4 giờ 15 sáng. Cạnh giường còn để vài cuốn kinh Phật, cuốn “Vũ trụ và nhân sinh” và tập thơ chép tay mà Thoại mơ ước xuất bản khi còn sống nhưng không nhà xuất bản nào nhận. Lúc tắt thở chỉ có Hiếu, một người em bà con chứng kiến. Không gia đình, bạn hữu. Người anh, Đoàn Tường, tức nhà văn Lý Hoàng Phong chỉ tới sáng hôm sau.(1)
“Giữa lòng cuộc đời” gồm 58 bài sáng tác những năm 50 là tập thơ độc nhất của Thoại được tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1963 ở Saigon. Còn hai tập bản thảo “Những bài thơ tình đầu tiên” và “Cờ dân chủ” nay chẳng biết thất lạc về đâu.
Tôi đã ngỡ Thoại sống đời với bài “Thược dược”.
Sau này đọc tập “Giữa lòng cuộc đời”, do nhà thơ Thanh Tâm Tuyền gửi tặng, mới thấy còn nhiều bài khác. Tuy nhiên “Thược dược” vẫn là bài thơ duy nhất ngát đạo nơi trầm luân đã dứt.
Vì sao đã thu phục nội tâm tới chốn chân như, còn làm thêm 57 bài thế tục kia? Hỏi thế là chưa hiểu Thoại. Chưa biết rằng Niết bàn và Địa ngục không có lằn ranh. Bởi cả hai không là địa vực. Niết bàn và Địa ngục chỉ cách nhau bằng một ý nghĩa
Có ai dùng danh từ thi sĩ bồ tát chưa nhỉ? Bồ tát không mang nghĩa tôn giáo. Nghĩa thực của bồ tát là kẻ tỉnh thức, kẻ đã an nhàn trong tâm, trong đời, nhưng lòng cứ canh cánh chuyện nhân sinh. Quách Thoại mang dáng dấp ấy trong thơ anh. Dáng dấp một chứng nhân tham dự.
Vô tình hay cố ý, lâu nay một số nhà thơ thường làm thay việc cho những tên đồ tể chính trị. Bởi đó, thơ kêu gọi hờn căm, thơ phân chia giai cấp, thơ chia bạn rẽ thù để súng nhắm bớt tốn đạn! Hoặc là thơ mộng mị về những điều khó thực hiện trong đời sống. Ít có thơ nào tới giữa lòng thời sự, vẫn giữ nguyên niềm bình thản như Thoại để xác định sự thật. Thoại không vạch mặt chỉ tên, không điểm chỉ, gọi kêu thù oán, dù đứa em gái mười lăm tuổi của Thoại vừa bị thảm sát:
“Phải chăng đây người em gái mà tôi vốn quá thương yêu”.
Cánh đồng bỗng trả lời:
“Phải rồi lúc bị chém
Máu chảy rất nhiều
Phải rồi trước khi chết
Cô ta chắp tay ngó lên mặt trời chiều
Phải rồi lúc bị chặt đầu
Trước sau cô ta không nói được một điều
Mà thưa ông người bắt cô ta thì rất nhiều
Mà thưa ông người cầm dao thì rất nhiều
Mà thưa ông người đọc bản án thì rất nhiều
Mà thưa ông người tán thưởng cũng rất nhiều
Mà thưa ông người cắt cổ cũng rất nhiều
Mà thưa ông người hỏa thiêu cũng rất nhiều
Mà thưa ông ông có hiểu những người đó
Là ai không để mà tính liệu
Vì đến lượt ông rồi ông cũng sẽ bị chúng nó thủ tiêu.
(trích Người em gái, Giữa lòng cuộc đời, tr. 102)
Mà thưa ông, lập đi lập lại tới bảy lần. Mà thưa ông không là từ ngữ thơ. Thế mà thơ lại dựng lên. Dựng lên cả khí hậu bốn mươi năm đâm chém. Sử gia cần vài ngàn trang ghi chép. Thoại chỉ viết 31 câu, trọng tâm đặt vào ba từ mà thưa ông, gọi lên lời cảnh tỉnh bức thiết: ta tính liệu sao đây, hầu tránh tới phiên mình? Bởi vì đơn vị người, thiểu số tuyệt đối nhưng lại là tuyệt đa châu báu, luôn luôn bị đa số vô danh đàn áp giết chóc: Người bắt thì rất nhiều, người cầm dao thì rất nhiều, người đọc bản án thì rất nhiều, người cắt cổ cũng rất nhiều...
Rất rõ qua Quách Thoại, và qua rất đông các người làm thơ ở miền Nam, hướng tư tưởng của thi ca là chiếu sáng cõi như thật. Không mộng mị. Không cưỡng bức. Làm sáng cõi như thật giữa nhân sinh đen trong địa ngục đỏ trầm luân bằng máu và chiến tranh. Thật khác với thi ca chính trị của nhiều nhà thơ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nói thế không có nghĩa các nhà thơ miền Nam lẫn tránh thời sự chính trị:
Tự nhiên trong chùa có truyền đơn
Cảnh Phật vì đâu chứa căm hờn
Người ta đem giết nhà sư lớn
Gục đầu bế não trước bao lơn
Chú tiểu run run mắt bạt chợn
Nhìn người đang dẫn những bàn chân
Lên tượng từ bi vừa đạp đổ
Còn chi linh hiến chẳng gì trơn
Chú cầm giọt lệ nhìn chùa trống
Quên đi tất cả tiếng nam mô
Chú nghe những kẻ cười la rống
Thấy chưa hư không với hư vô
Tổ cha tôn giáo quả hồ đồ
Chúng ta chôn bây cùng một lỗ.
(trích trọn bài Hư không, sđd, tr. 115)
Ngoại trừ hình ảnh chú tiểu cầm giọt lệ, các câu như tổ cha tôn giáo, tự nhiên trong chùa có truyền đơn... nào khác chi tin đăng báo, tin đọc đài ? Loại ngôn ngữ khá chống thơ, mà sao dưới ngòi bút Thoại bỗng hóa ra thơ? Thật hiếm người vượt được Quách Thoại trong việc nâng thành thơ những phóng sự sỗ sàng. Thơ trước hết là chữ. Thơ hay nhờ chữ bất ngờ và tân kỳ. Thế mà thơ Thoại toàn những chữ bình dân vang vọng khắp đầu đường xó chợ. Nhưng cái lối sắp ghép thật lạ lùng, cộng với vận đuôi trùng điệp đưa những hàng chữ lêu lổng nhập vào tiết điệu thơ. Hãy đọc thêm một bài thơ thời sự khác:
Người ta gọi tôi là địa chủ
Đây một lũ người tự xưng là cùng đinh
Đem bắt trói tôi vào cột đình
Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
Số là tôi khát nước lắm rồi
Ôi chao tôi ước ao tôi ao ước
Và không thể cầm lòng tự cao
Tôi kêu hãy cho tôi nước nước nước
Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời: được
Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
Lúc đứng gần sau lưng tôi nó nói thỏ thẻ
Hãy hả họng cho tao đổ tội nghiệp đồ chết khát
Tôi cảm động nhắm mắt run run hả họng khô rát
Nó hắt ngay vào một nắm cát.
(trọn bài Nước, sđd, tr. 114)
Hình ảnh sống sượng và thực. Thực hơn lối tả chân, lối hiện thực có hậu ý. Chính sự thực trần truồng này là thực tại nhân sinh, là nguồn gốc của Thơ, là cái máy động trái tim người làm cho người là người, vừa dị nhưng đồng với nghìn triệu sự vật hành tinh. Thơ là những điều dản dị nhất. Như hơi thở, như nụ cười, ngọn lá, chiếc hoa, giọt sương, con dao, viên đạn. Thơ là sự lặng câm những chủ ý siêu thực hay hiện thực, lãng mạn hay tượng trưng... Bởi thơ là chất sống vô bờ nhìn qua đôi mắt lặng im luận lý. Nguồn thơ như thật này, tưởng như Thoại là một trong vài ba thi sĩ đã đạt tới.
Thơ cần gì phân chia giai cấp, tả hữu? Thơ cần chi tố cáo, gọi thù ? Đời đâu có hai hạng giết người? Nhớ kỹ đi để còn tính liệu. Người địa chủ khát nước, cũng là một quê hương mấy mươi năm bị bó buộc “yêu nước”.
Nhưng rồi cát khô là lời đáp chung vừa cho kẻ khát nước vừa cho người yêu nước. Cái nhìn thơ ấy cởi trói ta khỏi bao điều ảo vọng.
Thi sĩ kết tinh chuyện thời đại.
Thơ Thoại như một hoạt cảnh phim. Một ghi chú lịch sử. Bao nhiêu là Phạm Văn Thông chết đi không ai nhớ, không ai nhắc, nếu không có thi sĩ? Không có Quách Thoại:
Anh có thấy không
Hai chân nó trôi lên mặt đất kìa
Giữa khoảng đồng không
Anh có nhớ không
Lúc người ta bắt nó ngoài đồng
Thì nó vẫn còn sống
Đến khi nhận đầu nó xuống
Thì nó vẫn còn sống
Anh có nhớ không
Khi người ta lấp đất rồi
Thì nó vẫn còn sống
Anh có hiểu không
Khi người ta chôn nó rồi
Thì nó vẫn còn sống
Nó vùng nó vằng
Nó nghe nó ngửi
Nó nhai nó nuốt
Toàn đất là đất
Kìa nó cử động
Ngo ngoe hai chân không
Tôi tưởng còn nghe nó rống
Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không
“Tôi tên Phạm văn Thông... Tôi không!
Tôi không tôi không”
“Mặc kệ nó cứ nhận đầu chôn sống”
“Không ! Không”
“Kệ xác nó, cứ nhận đầu chôn sống
Đồ lũ bay Việt-gian cả giống
Cứ nhận đầu chôn sống !”
Thì “nó” vẫn sống:
Phạm văn Thông.
(toàn bài Phạm văn Thông, sđd, tr. 109)
Đây là hạng người bất tử. Sống thực trong đời sống, và sống hiên ngang trên cõi chết. Người đó chỉ nói nửa câu khi bị chôn sống, vì đất ém hay vì nhà thơ cố ý lửng lơ:“Tôi không tôi không”. Nửa cầu tuy quá đủ để phủ nhận cái-mình-bị-người- trao, cái mình không phải là mình đang tha hóa nơi hư vô. “Tôi không tôi không” cũng là gạt bỏ màn che thiên kiến đang cấm người không được là người, để được nghe, được nói, được phán đoán hầu được làm người. Đó là tuyên ngôn của sự sống. Sự sống mọc ra chân ra tay cử động, ngo ngoe, vùng vằng trồi lên mặt đất. Sự sống khi ngửi, khi nuốt. Sự sống rống động chân không cho tới lúc thành danh tên người sống: Phạm Văn Thông. Khi tên người được hiện hữu, bầy lũ mới thôi hoành hành tác quái.
Thơ ở đây rời bỏ văn chương du dương, hay sách động; rời bỏ bút pháp kênh kiệu, đe rắn, lập dị, đi vào nền nghệ thuật thứ bảy trung thực của điện ảnh. Một điện ảnh không máy quay máy chiếu. Diễn qua ngôn ngữ đôi mắt. Đôi mắt biết nhìn và đã thấy. Thoại thấy trước cuộc chết mình khi nhìn hoa gạo rưng rưng ánh mặt trời đang nhắc nhở sự đến đi, hay lẽ sinh diệt:
Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Để nhìn các anh
Như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.
(trích Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo, sđd, tr. 16)
Chu kỳ thái dương hệ diễn quanh vòng sống chết, thì thi sĩ đem lại sự tái sinh bằng sáng tạo. Do đó, thi sĩ là bộ lưu những căn cước lý lịch của trái đất. Người đẹp khuynh thành khó giữ nhan sắc quá trăm năm. Anh hùng nổi tiếng chỉ một thời. Không nhờ thi sĩ, ai đây còn nhớ tới Tây Thi, Dương Quý Phi, Phạm Lãi...
Cho nên nơi trăng sao kia, Thoại không ngừng nhắc bảo chúng ta đừng quên sáng tạo.
Thơ Thoại vài khi mang dấu vết Hàn Mặc Tử, vài khi pha chút Xuân Diệu và Huy Cận. Nhưng may thay Thoại đã biết thoát ly ảnh hưởng ấy, dựng lên cõi thơ mình trong thể, trong ý, trong hướng tiến khơi lại nguồn thơ Việt. Thoại là một nguồn thơ ròng Việt.
Tội nghiệp Thoại sống không tình yêu trong cuộc đời 27 tuổi. Dù tim Thoại nồng nàn thương mến. Đó là cảm giác Thoại để lại trong thơ. Những hình ảnh đầy trong thơ Thoại không là giai nhân mà là: em bé ăn mày, em bé mồ côi, mưa gió, máu, chiến tranh, chùa, địa chủ, cùng đinh, mẹ già bị hãm chết, đại lộ, dân chủ, tự do. Rất ít trăng là mối ám ảnh lớn của các thi sĩ miền Trung. Cũng rất ít bóng người yêu, dù Thoại tha thiết, khao khát, chờ mong:
Mà Như Băng ơi hỡi môi em tươi
Mắt em ngó nhiệm mầu là biết mấy
Giữa tim em nguồn thiêng ngào ngạt dậy
Vầng trán em phảng phất bóng hư linh
Em hát đi cho ta hết giật mình
Em cầu nguyện để ta còn tin tưởng.
(trích Như Băng trường tình, sđd, tr. 37)
Thoại thổ lộ:
Lệ rất nhiều mà khóc chẳng ai lau
cho nên thơ tình của Thoại chỉ là kinh cầu:
Viết lời thơ thành lời kinh kêu gọi (bđd)
Tuy nhiên Thoại nhận xét người nữ khá tinh:
Em sâu kín giữa đôi đường mũi nhỏ
Em nở nhụy giữa đôi môi hồng đỏ
Căng căng mềm ứ đọng sữa tình tươi
...
Mát hồn ta khoảng gáy trắng phô bày
...
Em tỉ mỉ đẹp người nơi ba ngấn
Thân hình em uốn khúc quá yêu quen
Cả người em ướm lửa chất thơm men
Tràn ngực đồi vú sen còn kín búp
Hương trinh tiết vẫn còn nguyên ẩn núp
Trên làn da và trong tận hồn xanh
(trích Em, sđd, tr. 44)
Nhìn mà chẳng dám làm chi. Thoại tự thú:
Vết thương lòng đau một nét mai xanh
Rồi tự an ủi rằng yêu thế mới bao la
Em mãi làm gió bão ở trong ta
Bởi yêu em ta hùng vĩ bao la.
(bđd.)
Chúng ta yêu nhau mà không biết
Không biết rằng nhau đã mê say
(trích Dạ lan hương tình, sđd, tr. 72)
Cuộc đời tình của Thoại là cơn gió nhớ giấc hương qua không ở lại:
Gió ngậm ngùi
Thương một chút hương bay.
(trích Bé ăn mày, sđd, tr. 85)
Kẻ hướng tới chân trời đạo hẳn phải nhẹ cuộc đời tình:
Hư vô ơi hỡi im lìm quá
Bát nhã hồn ta khát nhiệm mầu.
Trái lại, những bài ca tụng dân chủ, tự do, tranh đấu, thơ Thoại có những nụ cười rất đại lộ:
Suốt trăm năm nô lệ cúi đầu đi
Qua mười năm cộng sản nhét ngu si
Hồn tin tưởng biết tìm đâu chí hướng
Ta ngưỡng vọng hôm nay trời lý tưởng
Ngát màu xanh xanh thắm của yêu thương
...
Ta bước tới nắng tương lai đầy ứ
Phố lớn cười đại lộ hát nghênh ngang
(trích Cờ dân chủ, sđd, tr. 132)
Phố lớn cười thành đại lộ, rồi cất lời hát nghênh ngang? hay phố lớn ngồi cười, trong khi đại lộ hát nghênh ngang? Cách ngắt câu thế nào cũng đủ ý. Mà ý nghĩa ở đây đã chân tả được một thành phố sống, nhộn nhịp, máu thịt với người trong giấc mơ cường thịnh. Đâu cần về núi mới kiếm được Bồng Lai. Thi sĩ ở đâu tiên cảnh ở đó. Thi sĩ là kẻ đánh thức sự thô thiển ra thơ. Đặc biệt khi tụng ca thủ đô Saigon, tưởng như chưa ai lạc quan, thân yêu và hiểu rõ một thành phố như thế. Xưa nay, bị ảnh hưởng lối nhìn bóp méo của chủ trương đấu tranh giai cấp, hoặc đạo đức rởm, ta có thói quen tuy sống là nơi thành thị nhưng vẫn khinh chửi thành phố. Chê là chốn xa hoa, trụy lạc, nơi bon chen lừa đảo. Ít ai nhìn thành phố như sự phát triển tự nhiên của đời sống kinh doanh dân tộc. Do đó, ta phũ phàng với thành phố, nơi nuôi sống quốc gia, và tiếp thu nguồn văn minh nhân loại.
Quách Thoại từ giã miền Trung nghèo khó tới Saigon đô hội, không mang mặc cảm này. Thoại ca tụng:
Kia nắng trắng nắng xanh nắng vàng
Nắng hát nắng múa nắng cười
Trên thành phố trên vỉa hè
Trên tà áo em tươi
Đường Tự Do chảy thẳng
(trích Đường Tự do, sđd, tr. 124)
Thoại từng hứng chịu khổ đau, bội bạc nơi đây, nhưng vẫn thấy được chất tươi:
Saigon ơi
Có ai úp mặt chết giờ này trong bệnh viện
Biết chăng người
Kìa vạn đóa hoa hường
Đang nở trên những thảm cỏ xanh tươi của các học đường
...
Ta ngựa mặt ngó trời xanh
Mây trắng trôi về không vấn vương
(bđd.)
Chưa ai phân chất nắng ra nhiều màu như Thoại: trắng, xanh, vàng. Màu nắng trên tường vôi, trên da em trắng? Màu nắng trong veo lá xanh ? Màu nắng trong cốc bia hay nước mía vàng rượi? Cũng chưa ai nghe nắng phát âm và nhảy múa như Thoại. Ấy là vì Thoại đã nắm được sợi giây cương buộc ràng hòa điệu giữa sự vật đang tràn lấn hiển sinh.
Và cũng ít bài thơ nào tả Saigon ân tình như bài “Sáng Saigon”.. Nhìn mãi khía cạnh xấu của một thành phố để làm gì ? Để tạo tranh chấp? Để đánh đổ cướp quyền, rồi tồn sinh cái xấu ấy? Thoại khác. Thoạt nhìn phía tốt lành của phố xá. Từ phía ấy, và phía ấy thôi, thi sĩ phản công đời để dọn đẹp chốn trần gian. Kẻ nào nhìn mãi màu đen khi bình minh tới, sẽ vĩnh viễn mất Ngày.
Sáng nay tôi bước ra giữa thị thành
Để nghe phố nói nỗi niềm mới lạ
Tiếng xe tiếng còi tôi nghe đường sá
Cả âm thanh của cuộc sống mọi người
Một nụ cười chạy ẩn giữa môi tươi
Trên tim nóng trong linh hồn tất cả
...
Đời sống bởi cuộc đời sẵn có
Chúng ta muốn thì chúng ta hắn có
Một cành hoa hay ổ bánh thơm tho
...
Mộng quá cao thế kỷ thấy chưa vừa
Trái đất nhỏ bởi vô cùng hoài bão
Ý muốn bỏ tình nhân trong túi áo
Để phiêu lưu trời đất rộng tự do
Mai Âu châu chiều Mỹ quốc chung đò
...
Tôi xin chào lần nữa người ngày mai
Người hiện tại đang giữ gìn đất nước
Tôi vui quá nhìn người đi lên trước
Phải, trăm năm ta chậm bước quá rồi
...
Thoáng đâu đây lời trẻ con réo gọi
Má má ơi làm sao bước qua xe
...
Ông chủ quán hàm răng cười trắng lộ
Cho chai bia tôi khát nước quá trời
Tôi sẽ uống hết cốc một hơi.
(trích Sáng Saigon, sđd, tr. 126)
Từ Saigon vui thế nhưng Thoại đã dự báo được tâm tư Người Vượt Biển sau này tràn đi khắp mặt địa cầu qua bài “Một chuyến đi”. Kể cũng lạ trực giác một nhà thơ. Xé rách tâm tình riêng, thi sĩ ôm trọn cõi nhân gian, trong an vui cũng như bất hạnh.
Thoại cung kính thốt “Ta sụp lạy cúi đầu”, hay cười vui gọi: “Cho chai bia tôi khát nước quá trời !” thì vẫn là một Quách Thoại thi sĩ đã phá được lằn ranh hư ám đạo và đời, giao hưởng được chân như đế với thế tục đế.
Điều chỉ xảy ra nơi tâm hồn vàng lịm đóa Thơ. Như tâm hồn Quách Thoại.
Thi Vũ
Paris, 13.4.89
- Xem “Những giờ cuối cùng của Thoại”, Lý Hoàng Phong, Sáng Tạo số 18, tháng 3.58. Xem thêm “Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc” của Thanh Tâm Tuyền, Sáng Tạo số 16, tháng 1.58; và “Họp mặt ngày giỗ Bạn” của Mai Thảo, Sáng Tạo số 26, tháng 11.58.
(Nguồn: “Bốn mươi năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985 – Thi Vũ – NXB Quê Mẹ - Paris 1993) |