SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Quê mẹ

- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai !”.

Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.

Quê chồng cách quê mẹ một con sông, con sông quê đỏng đảnh lớn ròng theo mùa trăng, theo nhịp tuần hoàn của trời đất. Khi triều xuống thì trơ cái cồn thoi loi giữa dòng, dòng nước như dải lụa mềm vắt vẻo đôi bờ có rặng dừa nghiêng soi bóng nước. Lúc triều cường, con sông mênh mông là nước. Nhà cô nằm gọn thỏn trong cái vịnh che chắn bởi dãy núi vươn ra biển, dãy núi này ngày xưa có tên là Kim Bồng, cái tên đẹp đẽ như vậy lại trôi vào quên lãng, ít người nhắc tới nên giới trẻ bây giờ ít biết, âu cũng là lẽ thường tình của đời.

Mới ngày nào mà chừng đã xa xưa lắm rồi. Cô là con gái tuổi cập kê nhưng có biết thế nào là yêu đương hò hẹn, chuyện dựng vợ gã chồng là của người trên, kẻ trước. Cha mẹ cứ đặt đâu là con ngồi đó. Đám cưới gặp con nước cạn, con sông quê phơi gò cát vàng hâm hẩm, lớp bùn non sền sệt, hai họ lội bộ một đoạn khá xa mới đến bến đò. Bốn chiếc xuồng diễu qua một đoạn ngắn, đứng trên bờ nhìn tà áo dài bay bay, in xuống dòng sông tạo bức tranh quê nhiều màu sắc trông thật linh động, cô dâu giản dị, đơn sơ với chiếc nón lá Gò Găng thẹn thò nghiêng soi xuống dòng sông quê loang loáng nước.

Lần đầu tiên về ngôi nhà lạ lẫm, cô tựa như con chim non bị nhốt trong lồng, co ro trông tội nghiệp. Nhà chồng đông anh em, cô dâu mới ngồi ké né bên nồi cơm, cả bữa có được món nào đâu, đêm về  úp mặt vào ngực chồng đói lả mà không dám nói.

Những ngày sau đám cưới cô năng về thăm mẹ, nhớ và thèm cảm giác được gục đầu vào lòng mẹ mà kể chuyện riêng tư. Tháng ngày lặng lẽ trôi, lo quán xuyến cơ ngơi nhà chồng, lo cho anh chồng tuy cục mịch nhưng chí thú làm ăn, cho cô con gái Hoài Hương nên cô ít còn tâm trí nhớ nhiều về mái nhà xưa, có khi dăm ba tháng mới về thăm mẹ.

Cô gái Hoài Hương, càng lớn cô giống ngoại như khuôn đúc và được cưng chiều nhất. Nhân ngày thôi nôi, ngoại tặng món quà tinh thần là đặt cho cháu cái tên Hoài Hương. Ngụ ý là sau này cháu có lấy chồng gần hay xa vẫn luôn nhớ về quê mẹ, nhớ một phần máu thịt đã gởi gắm nơi đó.

Lúc còn nhỏ mỗi khi về quê ngoại, cô thường hỏi cắc cớ:”Tại sao con họ Nguyễn ngoại lại họ Đào?” Ngoại giải thích là cháu theo họ cha và còn nói thêm là cụ tổ nhà ta là người Thanh Hóa theo thuyền đánh cá trôi dạt về xứ này mà tạo lập quê kiểng, gia phả không được ghi chép rõ ràng mà chỉ truyền miệng nhân ngày giỗ chạp, tam sao thất bản, lâu ngày con cháu mờ nhạt gốc gác của mình, cội nguồn xưa chỉ còn trong ý nghĩ.

“ Thế còn ngoại, cụ tổ nhà ta là cụ Đào Duy Từ?”

Ngoại trả lời cụ Đào Duy Từ là danh nhân đất nước, đền thờ cụ ở tại thôn Tài Lương, Hoài Thanh Tây cách huyện lỵ Hoài Nhơn chừng sáu km về hướng đông bắc. Hằng năm, ngày mười sáu, tháng giêng con cháu gần xa về kính viếng cụ, ngoại hứa đến ngày đó sẽ đưa Hoài Hương về ăn giỗ tổ. Đôi mắt con bé sáng, lúng liếng lung linh như đôi hạt nhãn, cháu vỗ tay reo với vẻ thích thú lắm vì tự hào rằng trong người mình luân lưu dòng máu của một danh nhân.

Lớn lên Hoài Hương có điều kiện hiểu sâu sắc về quê mẹ. Mảnh đất hiền hòa, lòng người hiếu khách, là nơi đất lành để con chim xa về đậu. Hoài Hương về thăm nhà thờ tổ, uy nghi, cổ kính trong không gian sâu lắng của hồn người muôn năm cũ, trong thế giới yên bình, tĩnh lặng của làng quê trù mật. Mỗi khi có lễ hội ở đền chùa miếu mạo, người ta tổ chức những đêm hát bội là cô náo nức đến thăm, nhập hồn vào các vai diễn công hầu khanh tướng mà tưởng chừng như người xưa hiển hiện đâu đây.

Thời bây giờ khác xa cô Hai của thời xưa, cái nếp ăn ở, cái nếp nghĩ cũng khác, xưa nay vật chất thay đổi tinh thần cũng nhiều, áo mặc sao qua khỏi đầu là chuyện của người xưa. Cô Hai lại đăm chiêu về ký ức của mình.

Một hôm, nhân ngày nghỉ hè, Hoài Hương đưa bạn tình, anh chàng “con lai” về thăm quê mẹ, về Trung Lương ăn bòng, thăm đập ngăn sông Lại lấy nước tưới cho cánh đồng Hoài Nhơn, đâu đó còn vương dấu vết của guồng xe nước ở phía bờ đông. Nhớ về cội nguồn gia tộc, cô chợt hỏi.

“Tại sao anh họ Nguyễn?”

“Anh theo họ mẹ.”

“Sau này Hoài Hương theo anh về xứ ấy, hẳn em sẽ kèm thêm một họ Bill Clinton hoặc Bill Gates thì thật là thú vị !”

“Mỗi một con người cần có cội nguồn để tìm về. Trái đất này không rộng như người ta vẫn tưởng, phải vậy không Hoài Hương?”

Hoài Hương theo chồng định cư ở nước ngoài theo diện con lai. Hôm đưa tiễn cháu về thành phố Hồ Chí Minh, cô Hai khóc nức nở lòng bịn rịn không muốn rời xa con. Ngoại cáu gắt, bà bảo:” Vận mệnh mỗi con người mỗi khác, cháu đi rồi sẽ trở về, đừng để nó thêm rối lòng. Con người có tâm địa tốt tất không đánh mất cội rễ của mình.” Nhưng cô Hai lại nghĩ khác, cô mong muốn dựng vợ gã chồng cho con mình quanh làng xóm là luôn được nhìn chúng nó như ngày xưa cô đã vui buồn cùng mẹ, miếng thơm thảo, bữa đói bữa no luôn có mẹ cùng con. Bây giờ chúng đi xa, xa tít tắp. Sinh con cô biết tính con, Hoài Hương vốn đa cảm đa mang rồi nó biết xoay xở làm sao nơi đất khách quê người, làm mẹ ai không xót lòng!

Thời gian sau Hoài Hương gửi thư về thăm ngoại, thăm mẹ. Ngoại nhìn ảnh chụp về mùa đông, những bông tuyết trắng xốp phủ trên mái nhà, đọng trên tàn cây rợp một màu trắng xóa. Ngoại cứ tặc lưỡi hoài “Nhìn cũng thấy rét run nữa là!”. Trong thư Hoài Hương nhớ ngoại, nhớ mẹ, nhớ những món ăn đặc sản quê mình. Nhớ bánh tráng nước dừa có rắc hạt mè cầm muốn trĩu tay, nướng bằng lửa than phồng rực, thơm điếc mũi. Nhớ đến dĩa xôi nếp nấu bằng nước cốt dừa chưa và vào miệng đã cảm cái béo ngầy ngậy, nhớ bánh ít lá gai lấy chồng Bình Định, về Tam Quan uống nước dừa Xiêm ngày trời nắng… Đọc thư và nhìn ảnh con, cô Hai cứ bần thần trong dạ.

oOo

Ngoại đã không chờ được cháu Hoài Hương về thăm , ngoại đã đi xa. Như con hạc trắng về đậu trên mảnh đất này, chỉ một thoáng thôi, bây giờ lại vỗ cánh bay về bến hư vô.

Mấy hôm trước như biết mình sắp đi về cõi khác, ngoại mặc những thứ đẹp đẽ nhất của mình rồi đi thăm từng đứa cháu, từng người thân kẻ sơ, rồi ra ngoài kè chắn sóng cửa biển Tam Quan như nhìn quê hương lần cuối. Một buổi sáng như chọn ngày lành tháng tốt để đi, đó là cái phúc muốn gửi lại điều tốt lành cho con cháu. Cầu cho linh hồn ngoại yên bình ở cõi vĩnh hằng.

Tôi kể lại câu chuyện này mang tâm sự của người trong truyện, hồn quê cứ mãi đầy ắp trong tâm tư, cất cao tiếng hát gửi bạn cùng gió núi mây ngàn chút vui buồn tình yêu xứ sở.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024