Sài Gòn của tôi xưa
Tim Nguyễn
Ước chi được một lần trở về... nhìn Sài Gòn thấy lại phố xá y nguyên như ngày xưa ấy.
Sao bỗng dưng lại nói về Sài Gòn. Phải chăng vào xuân lòng tư hương lại dâng lên dào dạt.
Đúng rồi. Với Nguyễn và nhiều anh em đồng hội đồng thuyền thì Sài Gòn là hình ảnh thân thương quý mến nhất. Thỉnh thoảng khi thời gian trở mình, hình và bóng của Sài Gòn lại trở về. Cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, vẫn không quên được những con đường với hàng cây xanh tỏa bóng và phố xá đông vui, người người sống chan hòa hạnh phúc. Đặc biệt gần đây khi được đọc một bài viết của Phạm Công Luận với tựa đề ‘Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố: Nhộn Nhịp Từ Bonard đến Lê Lợi' và một bài khác của Nguyễn Đạt ‘Sài Gòn Của Tôi 50 Năm Trước', lòng mình xiết bao bồi hồi xúc động.
Còn nhớ ngày nào Nguyễn đã mở một mục thường xuyên trên Phố Văn được nhiều bạn đọc và tham gia: Yêu Mãi Sài Gòn. Phải rồi Sài Gòn với các đại lộ Bonard-Lê Lợi, Charner-Nguyễn Huệ, Catinat- Tự Do những năm cuối 50 đầu 60 của thế kỷ trước là thành phố của một thời tuổi trẻ. Thuở ấy, mình tóc còn xanh, vừa mới chân ướt chân ráo từ Huế vào Sài Gòn, thấy cái gì cũng lạ. Phố xá, nhà hàng lộng lẫy, phần lớn mang tên Tây. Vài năm sau, có sự thay đổi: tên Việt thay thế tên Tây - vẫn giữ lại tên những danh nhân thế giới, dù danh nhân ấy là người Pháp, như Calmette, Pasteur, Alexandre de Rhodes . Những đường phố mang tên Tây, đa số là quan chức Pháp, được thay thế, như: Bonard - Lê Lợi; Charner - Nguyễn Huệ; Galliéni - Trần Hưng Đạo; De la Grandrière - Gia Long; Catinat - Tự Do; Lacaze - Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, theo nhà văn Nguyễn Đạt, dân Sài Gòn vẫn nói: Đi bát phố Bô-na, Catinat; đi mua hàng ở thương xá Charner... luôn là gọi tên Tây, cho 3 đường phố đẹp bậc nhất của Sài Gòn. Một bạn ở lứa tuổi trẻ hơn một chút, gần đây viết comment trên báo sau khi đọc bài của Phạm Công Luận: Những cái tên như đường Lê Lợi, rạp hát Vĩnh Lợi (tuy khán phòng không lớn lắm nhưng sang), Thương xá Tax, Mini Rex A, B nơi để tuổi ô mai đôi khi «cúp cua» xem phim đầy nét dễ thương ...Và nhất là nhà sách Khai Trí. Những ai sống ở Sài Gòn trước 75 ít nhất đôi lần ghé vào đây. Kho tàng kiến thức đúng như tên gọi. Đường Lê Lợi với nét kiến trúc nhà cửa đặc trưng không thể lẫn lộn... Nó đã trở thành một phần văn hóa của đời sống.
Thuở ấy, khi mới đặt chân tới Sài Gòn, như đã nói, Nguyễn thấy cái gì cũng đẹp cũng mê. Mê hàng me xanh trên đường Catinat, mê ly nước mía Viễn Đông và ly kem Mai Hương. Đã bao sáng bao chiều dạo bước trên đường Bonard, Catinat, một mình hay với người yêu. Đi để ngắm cảnh ngắm người chứ chẳng có mục đích gì đặc biệt. Mới vào Sài Gòn, trong túi đâu có tiền nong gì nhiều. Cho nên Nguyễn chỉ đi bát phố, thỉnh thoảng gặp Đinh Cường đi với Tô Mặc Giang. Hai chàng e cũng rách như mình thôi. Rách là chỉ bề ngoài nhưng tâm hồn thì đầy thơ và mộng tưởng. Những ngày tháng bông lông thế mà vui. Mãi tới hơn năm sau đi dạy học có tiền mới dám ngồi cà phê ở Kim Sơn, ăn kem ở Mai Hương, uống bia ở La Pagode, Continental, cùng với người yêu ăn suông ở nhà hàng Thanh Thế ngay phía sau Kim Sơn. Những sáng Chủ Nhật hai đứa dắt nhau vào hẻm Casino ăn món Bắc: Bún chả, bánh cuốn, bún riêu, phở ... Ôi tuyệt vời. Bonard là đường quen thân nhất. Ở đây mình gặp lại Quách Thoại và Minh Đăng Khánh sau lần đầu tiên ở Huế. Thoại thì gầy xanh, còn Minh Đăng Khánh vẫn béo tốt, yêu đời. Đường Bonard... Đường Charner với những kiosques bán hoa và đồ lưu niệm, đặc biệt có quán cơm Bà Cả Đọi cũng là nơi hấp dẫn. Ôi những nơi ấy đã từng bao lần in hình bóng của Nguyễn và bạn bè.
Nói tới Bonard mà không nói tới nhà sách Khai Trí là điều thiếu sót không thể tha thứ. Đây là địa điểm dừng chân của bao người trẻ mê chữ nghĩa. Đi dạo đường Bonard thế nào cũng phải vào Khai Trí để nghỉ chân, mua sách và đọc sách cọp. Sách nhiều vô số mà ông chủ Nguyễn Hùng Trương cũng như các nhân viên không bao giờ có thái độ bất nhã với người yêu sách. Không khí ở đây thật thoải mái, dễ chịu. Khai Trí xứng đáng là trọng điểm văn hóa của một thời. Trên đường Tự Do cũng có một nhà sách lớn là nhà sách Xuân Thu nhưng không đông khách bằng. Bên ngoài nhà sách Khai Trí là một dọc những sập hàng bán đồ linh tinh, sửa bút máy, đồng hồ, khắc chữ lưu niệm. Nguyễn đã có lần đưa Sương Trúc từ Quy Nhơn vào chơi, tới đây khắc tên trên bút máy. Ôi, làm sao quên được. Trên đường về, ngồi trong taxi, hai đứa nắm tay nhau. Làm sao quên buổi chiều tiễn đưa Sương Trúc lên xe lửa về lại Quy Nhơn. Tại sân ga đường Lê Lai gần đó, Sương Trúc đã trao tặng Nguyễn cuốn Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết, bảo anh hãy giữ làm kỷ niệm.
Bên kia đường đối diện với Khai Trí là một loạt những cửa tiệm, kiosques sách. Mình cũng đã từng dạo qua nơi đây, xem sách, gặp bạn bè. Còn nhớ ngồi với Tạ Ký ở Thanh Bạch ăn cánh gà chiên, uống bia. Tạ Ký kêu hai ly đá lạnh, thả vào đấy ít cọng hành lá. Một lát, lấy hành ra chấm muối tiêu, ăn, uống bia, sướng rên mé đìu hiu (chữ của Duyên Anh). Sát gần với Thanh Bạch là cinema Vĩnh Lợi. Nói tới những rạp chiếu bóng thời cuối thập niên 50 đầu 60, ngoài Lê Lợi phải kể đến Vĩnh Lợi, Eden, Majestic, Đại Nam ... Một thời tuổi trẻ của Nguyễn ở đó. Mùa hè, có hôm Nguyễn coi tới 3 phim ở 3 rạp khác nhau. Ôi, làm sao quên. Làm sao không nhớ.
Đêm thỉnh thoảng còn theo Hồ Đăng Tín tới phòng trà nghe nhạc. Cho tới bây giờ còn nhớ tiếng hát Lệ Thanh ở Mỹ Phụng và Bạch Yến ở Tự Do. Bích Chiêu hồi ấy với Nỗi Lòng và Cao Thái trong ca khúc Mexico. Đây. Đây. Mexico, Mexico... Sous tonsoleilqui chante/Le temps paraît trop court /Pour goûter au bonheur de chaque jour.
Chiều nay . Một chiều phai nắng, ngồi một mình bên ly vang đỏ, nghe điệu kèn thê thiết vọng lên từ một phố xưa. Chiều xóa thành đô / thế nhân bàng hoàng / Giọng hát lời ca / Ôi sao nhịp nhàng / Dừng trên hè phố / Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi / Lá rơi bên thềm nhà /thềm nhà...*Ôi, giọng ca Mai Hương chợt vang lên đâu đây, trong trẻo và da diết, làm sống lại Sài Gòn xưa của tôi. Những trang viết này gởi cho gió cuốn bay đi, bay đi, về lại hè phố xưa.
TN
*Ca khúc Đường Chiều của Hồng Duyệt.
(Trẻ Magazine 1394, 4/4/2024) |