SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

thơ Đặng Q. Tiến

CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ...

Có một thời ông bà, cha mẹ (của) tôi, (của) bạn và có thể (của) chúng ta, tất cả đều phải đeo dăm sáu bảy tám chín mười mặt nạ
Thậm chí còn hơn
Đeo mặt nạ gia truyền
Mặt nạ trở thành kĩ năng kĩ xảo
Lặn sâu vào đáy sâu óc não
Đáy sâu gan ruột
Thành mã di truyền ...
Tôi, bạn, chúng ta trượt theo, trượt theo như một thói quen như một nếp nghĩ như một thuận tình như một thuận lí
Ngày mỗi ngày
Tháng mỗi tháng
Năm mỗi năm
Điêu luyện và tinh tế
Mặt nạ thấm vào thịt vào da
Thành thịt da
Thành nụ cười ánh mắt
Thành giọng nói bổng trầm thành âm sắc thành luyến láy tu từ
Thành điệu bộ đứng ngồi chân tay
Đeo mặt nạ hóa thành nhu cầu cơm ăn nước uống
Hóa thành văn chương nghệ thuật
Hóa thành chốn ở nơi ăn
Mặt nạ không rơi mặt nạ treo cao
Mặt nạ không bạc mặt nạ sáng ngời mĩ miều lấp lánh
Mặt nạ tôi đeo
Mặt nạ bạn đeo
Mặt nạ chúng ta đeo
Một
Hai
Ba
Bốn
Năm
Sáu bảy tám chín mười
Mới chồng lên cũ
Cũ phủ lên mới
Trên có trời
Dưới là mặt nạ...

Nỗi kinh hoàng không còn thấy kinh hoàng
Thường nhật
Thói quen
Ăn uống nói cười bắt tay và khóc
Mặt nạ không rơi
Mặt nạ dính chặt
Mặt - nạ - người
Người - mặt - nạ!

 

ĐOẢN CA VỀ SỰ THẬT

[Nhân đọc một cuốn sách vừa phát hành]

Cuối cùng sự thật cũng lên tiếng
Từ đáy biển âm u
Từ đáy vực lòng người 
Từ đáy vực dối trá
Từ đáy vực toan tính 
Từ đáy vực ngôn từ xảo trá...
Sự thật biết tìm cách nảy mầm
Những đóa hoa tận cùng khổ lụy
Nở ra như máu ứa
Máu oan nghiệt không hóa thành ngọc trai
Sự thật buồn thương bi thảm
Mấy mươi năm u hoài
Mấy mươi năm tưởng chừng bị chôn vùi
Mấy mươi năm sự thật lại trở về sự thật
Không thể hóa bùn để nuôi dưỡng những loài hoa giả dối
Không thể 
Không thể 
Không thể
Sự thật ơi!
Người mang gương mặt thảm sầu
Mang hình hài tù rạc
Mang tiếng nói lẻ loi giữa những thanh âm tàn khốc
Mặn chát nước mắt
Bầm dập te tua giữa bầy hải tặc
Mắt trợn trừng núi thẳm rừng sâu
Vứt bên lề tàn rạc 
Góc bể chân trời phận ăn đậu ở nhờ
Nghèo mạt rệp không dám một nửa giấc mơ
Chết nghẹt thở không tuổi tên vô tăm tích...

Mấy mươi năm oán hờn thắng thua được mất 
Nhẹ vơi dần
Như khói tan lễnh loãng
Nhưng còn oan khiên?
Nhưng còn tội ác?
Những vết trầm thương?
Những trống rỗng tâm can?
Những nghi ngại ngờ vực?
Sự thật không thể lãng quên không thể chết chìm 
Sự thật cất tiếng
Một lần thôi
Chỉ một lần thôi
Một lần để nước mắt ta giàn rụa chảy
Chảy đi nước mắt ơi!
Mặn như nước biển
Đắng và chát cuộc nhân sinh bày đặt 
Chảy đi chảy đi nước mắt ơi!

 

BIẾT NÓI GÌ BÂY GIỜ?

Những tấm ảnh từng rất đẹp
Và có lẽ mãi mãi đẹp
Nhưng, giờ nhìn thấy xót
Xót xa
Xót ruột
Tay đứt ruột xót
Máu chảy ruột mềm
Những tấm ảnh một thời chinh chiến
Triền miên
Máu đổ
Xương trắng trộn cát lầm
Máu người tím lịm hoàng hôn
Thây người liệm sấp chôn nghiêng
Hình như không mấy người cả gan thu vào ống kính

Những tấm ảnh
Một thời rất đẹp
Hào hoa
Tươi rói
Ngực nở
Bụng thon
Bao nữ sinh nhìn theo
Đắm đuối

Thung lũng đau thương
Thành cổ cối xay thịt người
Sông mê bến lú máu đỏ loang đầy
Chiều gặp nhau
Uống dăm chén rượu
Ngày mai
Vào trận đánh
Mười người đi
Có thể không có ai về

Những tấm ảnh
Mấy chục năm
Rồi cả trăm năm
Người trong ảnh còn trẻ mãi
Còn trẻ mãi
Nhức nhối bao câu hỏi
Đâu là câu trả lời? 
Đâu là câu trả lời?

Những tấm ảnh
Một thời
Mãi mãi
Day dứt
Khôn nguôi

Vì ai gây dựng
Ra nông nỗi này
Vì ai?
Ai trả lời?

 

TRONG HƠI THỞ MÙA XUÂN...

[Sáng nay, nắng bừng lên, một đàn chim sẻ dễ cả trăm con sà xuống khu nhà tôi đang ở...]


Trong hơi thở của mùa Xuân ẩm ướt
Nắng bừng lên
Đàn chim ríu ran sà xuống khu vườn
Bình yên như chưa bao giờ bình yên đến thế
An lành cũng như chưa từng...

Có gì đặc biệt đâu một buổi sáng mùa Xuân?
Tuổi thơ tôi ngày nao đã từng thấy thế
Trong hơi thở ẩm ướt rạo rực
Cỏ dại mơn mởn triền đê
Rau khúc nhú mầm đều tăm tắp khắp bãi bờ
Chim sẻ ríu ran và đàn sáo bay về
Gạo nhú búp non rời rợi
Lô giang bảng lảng sương khói
Mẹ đem quần áo chăn chiếu ra phơi...
Bình yên một thủa
An lành một thủa
Không biết vì đâu lặng lẽ mất
Lặng lẽ nhạt nhòa
Lặng lẽ tàn phai
Cứ như trong cổ tích...

Như sáng nay
Ẩm ướt hơi thở mùa Xuân
Loáng thoáng mưa bay
Nắng bừng lên hòa cùng sương khói
Mùa Xuân ngày nao
Mùa Xuân hôm nay
Hơi thở nồng nàn ẩm ướt.

 

NGÀY MƯỜI BỐN THÁNG BA

Ngày mười bốn tháng Ba
Với bạn, với tôi, với tất cả chúng ta
Không thể là một ngày bình thường
Không thể là một ngày của những cuộc vui cà phê, bia bọt, rượu chè, quán xá
Không thể và không thể...
Ngày mười bốn tháng Ba!

Gạc Ma!
Gạc Ma!
Đảo nhỏ giữa mênh mang biển khơi
Giữa trùng trùng sóng gió
Giữa bạo tàn súng đạn 
Giữa thách thức đường lưỡi bò chín đoạn
Made in China
Sáu mươi tư người đồng bào chúng ta 
Đã chết trong cuộc thảm sát 
Trong tiếng cười ghê rợn quỷ ma
Trong ánh mắt sắc lẻm gườm gườm một mí 
Sáu mươi tư trái tim nơi lồng ngực bị đạn xé toang
Sáu mươi tư đôi mắt đã kịp nhìn trời thăm thẳm xanh đã kịp nhìn về Tổ Quốc
Ngăn ngắt xanh Trường Sơn
Núi Vọng Phu mưa xối 
Những ngọn đèn khuya lắt lay ngóng trông, chờ đợi
Sáu mươi tư người thịt nát xương tan...

Không có phép mầu đâu!
Không có phép mầu! Không có...
Sáu mươi tư người đã chết đớn đau
Sáu mươi tư mối hận 
Nước biển Đông khôn rửa!
Sáo ngôn sáo ngữ khôn rửa!
Màu mè diễn trò đặt bày khôn rửa!
Mối hận thiên thu không được một phen sống mái với kẻ thù!

Ngày mười bốn tháng ba
Với bạn với tôi với tất cả chúng ta
Không thể là một ngày bình thường!
Không thể!

 

THÊM MỘT LẦN...

Giặc hạ nòng pháo bắn thẳng
Từng loạt đạn cuồng loạn
Những người lính giữ đảo gần như bị tận diệt
Trong tiếng reo hò của bầy quỷ China...

Thêm một lần Tổ Quốc bị tấn công
Thêm một lần đất ông cha bị cướp
Thêm một lần người Việt ta bị nhục
Đau đớn, xót xa, uất nghẹn khôn cùng...

Biển đảo xa, đất đai Tổ Quốc
Đường lưỡi bò toan ngoạm sạch sành sanh
Hình Đất Nước có nguy cơ bị xé nát
Gạc Ma đau như một nỗi tủi hờn...

Vậy cơn cớ nào nhà thơ đánh tráo?
Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra(?!)
Ngôn từ rập rờn trang kim hàng mã
Thơ viết trơn chu rất mực có nghề

Thật quái quỷ lại đem khoe khắp chỗ
Lại tung hô tâng bốc mới thật ghê
Sáo rỗng chích chòe ba hoa điêu chác
Thơ mua tiếng cười và phỉ nhổ khinh khi.

 

HÌNH NHƯ LÀ THẾ

[Tự nhiên nhớ những ngày làm học trò...]

Giữa thế kỉ bạo tàn Ta  ca ngợi Tự do
Giữa thời đại đồ vật lấn át con người đến mức con người có nguy cơ trở thành đồ vật Ta gieo mầm phản kháng giúp con người thoát ra khỏi những đồng phục cứng đờ nhạt nhẽo
Giữa kỉ nguyên héo khô và rũ chết con người trước nguy cơ số hóa Ta ca ngợi những thiên thần nổi loạn những thiên thần dám ngoảnh mặt quay lưng với những hào quang giả dối(*)
Giữa một biển ngôn từ sáo mòn cũ kĩ vờ vịt khóc cười vờ vịt yêu thương vờ vịt nổi giận Ta một mình tìm lối đi cheo leo
Con đường cho Ta, con đường cho Thơ...
Con đường nào giữa điệp trùng lối cũ, điệp trùng những cây lưu niên già nua, điệp trùng những thói quen đại chúng, điệp trùng những thờ ơ, bất lực buông xuôi...
Con đường nào cho Ta để đến phía rộng mở Chân Trời?
Con đường nào cho Thơ để đến với Con Người?
Con Người đứng thẳng trên đôi chân và đầu ngẩng cao kiêu hãnh, mắt sáng trong những mộng mơ sáng tạo, mắt u buồn vì những khổ đau, ngang trái, bất công
Thơ! Liệu có ích gì không?
Có đánh thức nơi Con Người những nghĩ suy những khát vọng hướng về Ánh Sáng?
Thơ có ích gì không trong thế giới ngày càng hỗn loạn khôn lường?
Thơ có ích gì không!

Ta lựa chọn lối đi giữa muôn trùng ngã rẽ
Ngã rẽ nào cũng có nguy cơ trở về chỗ cũ
Trở về nơi bình yên nhạt nhòa
Trở về nơi điệp trùng những thói quen và sự biếng nhác
Trở về trong những mặc cảm tội lỗi đứa con hư
Muôn vàn ngã rẽ
Con đường nào cho Ta?
Con đường nào cho Thơ?
Ta tự tìm thôi đừng mong và tin một bàn tay dẫn lối một tấm biển chỉ đường...
Ta tự tìm thôi.

----
(*) Ai từng đọc chắc chắn đều có liên tưởng đến rất nhiều nhà văn Tây Phương thế kỉ 19 và 20

 

THƠ...

1.

Những bài thơ mùa Xuân ngôn từ như hoa giả
Thơ mùa Hè ồn ào. Kiểu ồn ào hội chợ
Thơ mùa Thu nhàn nhạt nhàn nhạt đã đang và sẽ
Mùa Đông? Thơ liêu xiêu gầy guộc lá rụng mưa bay tấc lòng chia li...cũ mèm
Quẩn quanh thơ bốn mùa quen như dự báo thời tiết chàng màng 
Nàng thơ già nhăn nheo mặt thời gian điểm phấn tô son mỗi ngày mỗi cỗi cằn 
Bên bờ vực của sự tuyệt tự
Thơ biếng lười theo nhịp thời gian 
Uể oải...

2.

Những bài thơ huê tình, ái tình, dục tình, diễm tình như mùi phở như mùi nước sốt, như mùi nước hoa giá rẻ, rạo rực bong bóng xà phòng 
Nhảm như ái tình văn phòng công sở
Như ái tình phố đèn đỏ hợp đồng miệng hợp đồng bằng chỉ hiệu ngón tay
Nhanh thoáng chốc
Nhanh như chớp
Nhanh như một mảnh thơ tình vắt vai
Những bài thơ mang âm hưởng một thời thổ tả
Thời của những thánh thần ru ngủ
Thời của những điệu nghệ diễn trò...

3.

Những bài thơ tấp nập ồn ào sáng choang giao đãi 
Quen nhẵn mặt đồng phục ngôn từ
Ăn mày quá khứ
Ăn mày vinh quang 
Ăn mày đạo đức
Ăn mày đạo lí luân thường
Ăn mày niềm kiêu hãnh
Ăn mày tình nghĩa 
Ăn mày và ăn mày tất tật
Những bài thơ trang trọng in hệt tấu hài
Những giao đãi đầy vẻ to tát như diễn ngôn quảng cáo
Nàng thơ giả hình
Nàng thơ hô khẩu hiệu giọng véo von như vẹt
Nàng thơ bợ đỡ xun xoe quỵ lụy cường quyền
Nàng thơ thoắt ẩn thoắt hiện đổi dạng thay hình 
Trò diễn vui dễ sợ
Dễ sợ vui vẻ ồn ào
Chất thơ lật đổ, đấu tố
Mĩ học đỏ màu máu
Thơ sấm vang lở đất long trời
Thi ca vắng mặt con người...

4.

Những bài thơ bảo là để mua vui
Mua vui bằng thơ mua vui bằng cờ mua vui bằng chè mua vui bằng rượu mua vui cùng giai đẹp gái đẹp...
Mua vui bằng những lời vinh danh dễ dãi những vinh danh chạy loạn cào cào những vinh danh theo mùa theo vụ
Thơ mua vui không đem lại tiếng cười
Sau cuộc mua vui là những sân si những dèm pha những cuộc phong thần và những cuộc hạ bệ
Sầu muộn lệ rơi
Án văn tự ngục 
Thơ cay đắng ngục tù
Thơ bơ vơ luân lạc
Thơ và người không còn chốn nương thân!

5.

Bài thơ viết dở
Có tiếng chuông gọi cửa
Nhìn ra không có ai
Chợt nhớ 
Những chiếc ghế...
Khi đồ vật lên ngôi!

 

BAO GIỜ CHÚNG TA CÓ MỘT W.WHITMAN?

Bạn hỏi tôi! Tôi biết hỏi ai!
Hỏi Trời thì cao hỏi đất thì dày
Thôi thì ta hỏi người
Người là bạn là tôi là tất cả chúng ta
Ai cũng như tôi đều có thể trả lời
Đều có thể...

Bao giờ chúng - ta - thực - sự - là - người 
Khi ấy cỏ hoa hoang dại không còn mang danh "cỏ nội hoa hèn"!
[Khi ấy kì hoa dị thảo hết thiêng]
Khi ấy tôi và bạn và chúng ta sẽ biết yêu 
Chưa phải là cả trái đất
Chưa phải là cả bầu trời
Chưa phải là cả vũ trụ
Cũng chưa phải là nhân loại bốn biển năm châu
Khi ấy ta dám yêu dám yêu giọt mồ hôi mặn chát chảy dòng dòng trên thân thể ta dưới nắng
Dám yêu mái tóc bù xù đỏ khé ướp mùi cỏ mục
Dám yêu những cọng lông đen nhánh, mướt mượt trên thân thể ta đang bốc khói hừng hực 
Dám yêu hàm răng ta trắng bóng chắc khỏe nhai ngô nướng thơm lừng
Dám yêu bờ vai ta, bộ ngực trần nâu bóng, bắp tay bắp chân ta cuộn chắc
Dám yêu bụng ta săn chắc có những sợi lông đen mịn màng hút mắt những cô nàng
Dám yêu đôi mắt ta trong veo nhìn trời xanh thăm thẳm
Dám nói to lên niềm kiêu hãnh của một người đàn ông biết cách làm cho người đàn bà của mình vơi cơn khát sục sôi cuồng dại
Dám xách ba lô lên đường rất có thể trong túi chỉ còn vài đồng bạc lẻ
Khi ấy sẽ có một W.WHITMAN...

Bao giờ chúng ta dám nói to lên ý kiến của mình
Không xấu hổ, không lo lắng ví sợ nó tầm thường
Không bám víu uy quyền, không trích dẫn khuôn vàng thước ngọc
Tôn kính thần linh nhưng không quỳ lạy thần linh
Biết ơn những đấng bậc tiền bối nhưng không xem họ như thánh như thần
Cũng như ta họ đã về cát bụi 
Cũng như ta họ có thể cũng nhiều tật hư thói xấu
Cũng như ta
Chỉ có điều họ đã có mặt trước ta trên thế gian này và đã xong bổn phận chứ không hề muôn năm sống mãi
Khi ấy sẽ có một W.WHITMAN

Bao giờ chúng ta biết bất bình nổi giận
Trước ngang trái bất công
Trước sự ngu dốt của những đấng bậc học giả suốt đời giam mình nơi thư phòng ẩm mốc
Trước thói lưu manh trí thức và trí thức lưu manh
Trước những tủn mủn vặt vãnh tiểu cảnh bonsai bày đặt
Trước những bon chen đua đòi thời thượng
Trước những u mê trống rỗng nực cười
Trước những trang trọng vờ vịt 
Trước những tiểu xảo tiểu kĩ lòe đời bịp bợm
Trước những ngôn từ sáo mòn những tân kì rởm 
Bao giờ tôi, bạn, chúng ta
Rũ sạch sành sanh "văn dĩ tải/quán/hoằng/minh đạo" như rũ sạch bụi bặm, xích xiềng 
Những xích xiềng tô son trát phấn mạ bạc khảm vàng 
Những tuyên bố tuyên ngôn từ miệng những thánh nhân đại nhân cao nhân ác nhân suốt đời vân vi chữ...
Khi ấy ta sẽ có một W.WHITMAN
Nhiều W.WHITMAN!

 

NHÀ THƠ

[Từ những quan sát quanh tôi và chỉ của tôi...]

1.

Hầu hết họ có gương mặt nhầu nhò
Gương mặt lem nhem mốc meo 
Gương mặt hình như bị tàn phá bởi rượu, thuốc lá và bóng đêm
Bởi trăm thứ bà rằn 
Kể cả nỗi sợ
Sợ trời
Sợ đất
Sợ bị hiểu nhầm, uýnh nhầm, khảo tra nhầm, đè đầu cưỡi cổ nhầm
Sự nhầm lẫn nhuốm màu định mệnh
Trông mặt mà bắt hình dong
Gương mặt thi nhân nhàu nhò 
Nửa bụi bặm giang hồ 
Nửa ngu ngơ lẩm cẩm 
Một sự pha trộn kì lạ mơ hồ bí hiểm 
Gương mặt nhà thơ...

2.

Hầu hết nhà thơ đều tóc tai râu ria bơ phơ xác xơ 
Hình như chẳng được chăm sóc tỉa tót bao giờ
Câu tục ngữ cổ về răng về tóc cái góc con người dường như vô nghĩa
Hầu hết nhà thơ tôi gặp là như thế
Một số người trọc đầu nhưng không lộ rõ cá tính của bọn đầu trọc khét tiếng!
Nhà thơ hầu hết không tìm sự nổi tiếng bằng tóc bằng râu
Trừ một ít người bẩm sinh nghề diễn...

3.

Hầu hết các nữ thi nhân tôi từng gặp
Hoàn toàn khác Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan hay Đoàn Thị Điểm
Ở vẻ ngạo nghễ và đoan trang
Ở vẻ kiêu hãnh hay nết na thùy mị
Hầu hết nhà thơ nữ mà tôi từng gặp
Cái nết bị cái đẹp giết chết
Cái đẹp cũng bị tử hình vì cái nọ cái kia cái này cái khác 
Nông nổi, bon chen, váy vó, phụ kiện, mơ màng...
Cứ khiến tôi nghĩ đến bà - phó - đoan - cô hoàng hôn - nàng - tuyết hoặc nàng em - ma - bô - va - ry hay an - na - kha - lệ - ninh nào đó!
Rõ khổ
Hầu hết nữ nhà thơ!

4.

Hầu hết nhà thơ cả đàn ông lẫn đàn bà!
Đều sao sao ý...
Sao sao là sao sao không ai có thể cắt nghĩa
Không ai có thể trả lời
Họ thông minh trong cái vẻ dở hơi
Họ bơ vơ trong cõi người đông như nong tằm ăn rỗi
Họ cô đơn cô độc ngay giữa những người thân
Họ luôn mang trong lòng những muộn phiền gì đó
Một bậc lương
Một phần thưởng
Một lời khen vu vơ nhạt nhẽo
Một nỗi bất an mang tính toàn cầu
Một con mèo một con chó...bị bỏ rơi
Một thằng cha căng chú kiếc ngủ ngon lành bên vệ đường bụi đỏ
Họ thường trực nỗi sầu muộn
Nên rất ít khi thấy nhà thơ cười!

5.

Hầu hết nhà thơ đều hiểu rõ sức mạnh ngôn từ
Một số ít dám chống lại những thói quen và trượt dài trượt dài
Phần còn lại bị ngôn từ mê hoặc, quyến rũ, bỏ rọ trôi sông 
Trên mênh mông những thói quen
Trong dòng xiết quyền lực
Trong lặng thầm các phép tu từ
Trong rào rạt sóng xô thời thượng
Trong mênh mang sướt mướt thậm chí điếm đang
Trong mù mờ tậm tịt của những giả trang triết học mĩ học phật gọc thần học...
Hầu hết nhà thơ tự nguyện làm tù nhân

Rất chi là hậm hực.

 

CHỮ SẼ BIẾT TÌM CHỖ NẢY MẦM...

[Kính tặng Khieu Linh ]

Đủ những e dè, sợ hãi
Đủ những răn đe, dọa dẫm hung hãn và ngọt ngào
Đủ những đâm sau lưng và phỉ nhổ công khai
Đủ đao bút, đủ giáo gươm, đủ ngục tối hầm sâu, đủ nhục hình tàn khốc
Đủ gạch đá bôi tro trát trấu
Mấy ngàn năm văn tự ngục khốc hình
Nhưng kì diệu thay
Chữ vẫn biết tìm chỗ nảy mầm
Trên những mong manh giấy nhiều khi chỉ như cánh bướm
Trên những đôi môi se sắt rướm máu
Trong trí nhớ trong trái tim người...
Chữ biết tìm chỗ nảy mầm
Như hạt cây nhỏ bé
Như những hạt cây âm thầm lặng lẽ
Những hạt cây tự biết tìm nơi
Theo gió cuốn mây bay
Theo những cơn mưa giêng hai ba bảy
Theo cá nước chim trời
Và theo trí nhớ con người
Chữ biết tìm nơi để nảy lộc đâm chồi
Để tươi cành xanh lá
Để đơm hoa kết trái
Để lại được tự mình nảy nở sinh sôi...

Những ngục thất kinh hoàng sẽ đến ngày hoang phế
Những đao bút sẽ đến ngày sa âm ti địa ngục
Những hăm dọa những khủng bố sẽ đến lúc hóa trò hề
Những ném đá giấu tay sẽ đến ngày lộ mặt
Nụ cười sẽ trở lại trên những đôi môi từng héo hắt
Vòng tay nhân ái sẽ trở lại cùng tất cả những ai biết yêu lẽ phải trên đời...
Giữa những tháng những ngày
Trập trùng nỗi buồn 
Thẳm sâu nỗi buồn
Mênh mông nỗi buồn
Bốn phía chân trời vắng bóng chim bay
Bạn tin tôi đi
Chữ vẫn biết tìm chỗ tìm nơi
Chữ sẽ biết tìm chỗ tìm nơi...

Đặng Q. Tiến

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024