SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Thùy Dương, tiếng hát khói sương

Có lẽ đây không phải là sở trường, là lãnh vực mà tôi dám "mon men" bước vào. Âm nhạc, hơn nữa lại viết về một tiếng hát càng khó khăn hơn. Nhưng với tấm lòng yêu âm nhạc, là một người nghe, người thưởng thức về một tiếng hát mà tôi hằng yêu mến thuở nào, hôm nay và cả mai này. Phần khác, cũng để thay đổi khẩu vị cho người đọc, nếu có "múa rìu qua mắt thợ" thì cũng mong các bạn lượng tình. Bài viết về nữ ca sĩ Thùy Dương.

Vào khoảng đầu thập niên 1990, đúng hơn là năm 1994, thì tôi nhận được quà tặng và lời giới thiệu của người bạn văn về một tiếng hát mới trên trung tâm nhạc Asia 2: kỷ niệm 10 năm thành lập ASIA. Người ca sĩ trẻ và mới có tên Thùy Dương. Lúc đó công việc làm của tôi phải thường xuyên đi lại trên các tiểu bang của Mỹ, thời gian ở nhà rất ít. Nên nhận được, tôi cất lên kệ để đó, hứa lòng sẽ có thời gian thư thả ngồi cà phê, tách trà thưởng thức. Vậy mà mãi vài tháng sau tôi mới có dịp ngồi xuống để lắng nghe.

Một mai xa nhau xin nhớ cho nhau nụ cười
Cho cuộc tình người hẹn hò nhau đến kiếp mai
Đừng hận nhau nữa lệ nào em khóc cho đầy
Tình đã ngủ trong sương khói, theo cơn gió lùa tả tơi...
(1)
           
Lần đầu xem và nghe "Một Mai Em Đi" (Trường Sa) với tiếng hát Thùy Dương, tôi lặng người "nổi gai ốc" và không rõ cảm xúc của mình. Tiếng hát lạ, thật lạ và thật ma mị. Tôi đã xem và nghe đi nghe lại nhiều lần, để khi tắt đầu máy, khúc nhạc dứt, những âm vang và ánh mắt vẫn còn lãng vãng trong tôi không rời. Giọng hát Thùy Dương không dày, mà mỏng như bước nhẹ trên từng phím nhạc và chừng như không hát, chỉ kể lể câu chuyện âm nhạc bằng làn điệu bổng trầm của mình. Nếu nghe cho kỷ, thì phát âm của cô có chút khuyết tật, luôn có vài chữ "bị đớt" và hơi "ngọng" trong âm giọng.  Thường chỉ xảy ra cho người có lưỡi ngắn và dày hơn bình thường. Đây là điều kỳ lạ, tối kỵ đối với người ca sĩ: "tròn vành rõ chữ" gần như là yếu tố căn bản, là điều kiện cần và đủ để khi luyện tập và xử lý bài hát. Nhưng với Thùy Dương thì ngược lại, giọng "đớt hơi ngọng" không phải là khuyết tật mà là ưu điểm, là dấu ấn đầy quyến rũ cho tiếng hát không lẫn lộn của cô. Chỉ có tiếng hát của ca sĩ Thùy Dương, "tiếng hát vàng ròng" (chữ của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng). Không phô trương, không vội vã cầu kỳ, Thùy Dương hát như lời tâm tình đầy xúc cảm, như thủ thỉ lời trần tình với người nghe và đặc biệt là cách xử lý bài hát tinh tế như một câu chuyện kể! Thùy Dương nổi tiếng và được khán giả ái mộ ngay từ bài hát đầu tiên trên Asia 2.
           
Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau
Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau
Nhịp bước bâng khuâng ngoài phố lạnh
Giọt sầu rơi rớt hồn phiêu linh
Nắm tay không rời
Cố hé run run môi cười
Lúc chia tay bên trời tiếc thương
Em ơi đêm cuối cùng gần nhau
Hẹn rằng một ngày mai nối mộng ban đầu...
(2)

"Đêm Cuối Cùng" là ca khúc của nhac sĩ Phạm Đình Chương, cũng là tâm sự có thật đau buồn của tác giả. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ hát, nhưng để hát như Thùy Dương thì là lần đầu tiên. Giọng hát và cách xử lý bài hát của cô không giống bất cứ người ca sĩ đàn anh, đàn chị nào đi trước. Giọng trầm buồn, sâu kín và có chút rã rời, lạc lõng của một người trong đêm cuối cùng chia tay... Đó là tố chất của giọng hát Thùy Dương, là phần thanh. Bên cạnh là nét đẹp thanh tú quyến rũ, với đôi mắt lúc nào cũng như e ấp dịu dàng, u buồn như mang một tâm sự sâu kín nào đó. Tất cả hình thành một tiếng hát riêng biệt, một cõi của Thùy Dương: trầm ấm, nồng nàn, diễm lệ với gương mặt chút lạnh nhạt, chút u buồn và ẩn khuất bao nỗi niềm riêng!

Là tiếng hát được yêu mến, số lượng băng đĩa được ưu ái ủng hộ nhiều nhất của giới nghe nhạc thập niên 1990, nhưng thông tin về ca sĩ Thùy Dương không nhiều. Chỉ biết cô tên thật là Nguyễn Thùy Dương, sinh quán ở Đà Lạt, sang Mỹ năm 1992 và ra mắt khán giả hải ngoại năm 1993 với bài "Một Mai Em Đi" của nhạc sĩ Trường Sa trong chương trình Kỷ Niệm 10 Năm Thành Lập Asia. Người nữ ca sĩ khả ái này sống kín đáo như mang bên trong một tâm sự trầm mặc, chỉ để giữ cho riêng mình. Như cuộc đời không phải chỉ để nói hôm nay, ngày mai mà khi đi vào một kiếp đời khác?

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi...
  (3)

Nghe Thùy Dương hát, nhìn khuôn mặt xinh đẹp trầm buồn và chừng như đôi mắt còn rất nhiều điều ẩn khuất muốn nói với tôi, với các bạn. Nhưng đôi mắt biết nói đó lại muốn lặng thinh để những dòng âm thanh tuôn chảy, những khúc hát qua từng cuộc tình, qua từng cuộc đời và mãi những về sau. Danh vọng đang ở đỉnh cao, tiếng hát vẫn còn nhiều hứa hẹn, đôi mắt u hoài vẫn còn nhiều điều muốn nói, ca sĩ Thùy Dương chợt lặng im rời xa sân khấu. Được biết lần cuối cùng Thùy Dương đứng trên sân khấu là Asia 53 (2007) với bài hát Bến Xuân (Văn Cao & Phạm Duy). Đã thấy nét thời gian đượm trên ánh mắt vương buồn, đã nghe những u hoài trong tiếng ngân nga nhịp khắc:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương...
  (4)
           
Tiếng hát của thành phố sương mù đã chọn cho mình con đường riêng tư khác, để lại bao nhiêu luyến thương nhung nhớ cho nhiều khán giả, cho bao nhiêu khách mộ điệu âm nhạc và đôi mắt ẩn khuất lệ buồn. Tiếng hát và đôi mắt của ca sĩ Thùy Dương, tiếng hát khói sương như một lần đã đến với sân khấu, đã đến với cuộc đời.                       

Durham, North Carolina 
Nguyễn Vĩnh Long


(1) Một Mai Em Đi -  Trường Sa
(2) Đêm Cuối Cùng - Phạm Đình Chương
(3) Khúc Thụy Du - nhạc Anh Bằng, thơ Du Tử Lê
(4) Bến Xuân - Văn Cao, Phạm Duy

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024