VĂN XUÔI
CAO VỊ KHANH
Tôi có cái thú đọc sách đâu chừng đã lâu lắm. Ở cái tuổi tay chân còn bung thùa như con lật đật vậy mà vẫn có những lúc ngồi lặng lẽ trong một góc nhà... với một cuốn sách trong tay. Hổng biết duyên do từ đâu. Mà điều thây kệ, sao lại phải truy tìm chi cho thêm chuyện - người ta vẫn không hay bảo đọc sách là một thú vui tao nhã (sic) đó sao. Có điều sách vở mở cõi đi vào hồn tôi thuở đó, nhớ lại chẳng có gì đáng huyênh hoang cho lắm. Toàn là mớ truyện Tàu với lại mấy bộ truyện võ hiệp, đao kiếm bay như sao xẹt.
Rồi mỗi ngày mỗi lớn, thế giới tiên ông tiên bà với lại tiên nữ cùng với đám giang-hồ-ba-mươi-sáu-hang-bảy-mươi-hai-động ở hai bên bờ Trường Giang càng lúc càng lộ vẻ huyênh hoang thái quá. Bỏ quên cõi-mộng con nít quay về với cõi-thực dù thực sự thứ cõi-thực này cũng chỉ là một thứ thực tế ngụy tạo trong cõi-mộng-chữ-nghĩa. Đủ loại đủ kiểu.. Đọc lung tung, kiểu loạn xà bần, có gì đọc nấy. Có khi hổng biết thân còn nhảy vọt vô mê hồn trận của mấy ông bà triết gia với lại đạo gia... đến nỗi lạc lối chẳng biết đường ra.
Đọc tới nỗi quên luôn cả mấy nhịp cầu lắt lẻo đã đưa mình tới... bến mê bờ lú. Đọc mà chẳng để tâm chút nào tới mớ chữ kết hợp bằng nguyên âm và phụ âm vốn đã tập đánh vần muốn trẹo lưỡi. Thứ chữ chở nghĩa đã dắt hồn trí mình vọt tới bờ-bên-kia. Danh từ, tính từ, động từ, trạng từ... như những ngón tay đã níu kéo mình bỏ lại cái chỗ thật-rất-thật chán phèo quanh quanh để chồm tới chỗ thật-rất-giả muốn tới - dĩ nhiên cái chỗ muốn tới có đáng hay không lại là chuyện khác. Cái chuyện muốn nói là sao có lúc ta lại phũ phàng đến vậy. Sao lại quên cho đành. Đọc mà chẳng để ý tới đâu là cái hay của câu cú. Đọc cốt để vui buồn hờn giận với tình tiết éo le - mê ly - rùng rợn mà tác giả đã rắp tâm cột thắt tháo mở. Dẫu thiệt tình mà nói làm sao mà bẻ thước để đo đúng lòng người... tác giả!
Vậy đó... rồi có lúc bỗng nghĩ lại sao thấy vai trò của “chữ” giống như công việc của mấy anh dọn tuồng dựng cảnh trong mấy gánh cải lương, lúc nào cũng phải giấu mặt đằng sau mấy tấm cánh gà. Bà con mê mẩn khóc cười với đào kép hực hở phấn son mà có ai thèm nhớ tới mấy cánh tay mấy bờ vai mấy cặp giò thi nhau bưng vác thùng bộng cảnh trí để dựng cho kịp cảnh... thuyền-ra-cửa-biển hay khi-hoa-anh-đào-nở... Thân phận của mớ chữ được viết ra cũng y như của mấy anh dựng cảnh chực chờ núp sau cánh gà đó. Kể ra phải nói là bất công quá đỗi. Thử hỏi coi nếu không có mấy cánh tay khiêng, mấy tấm lưng vác, mấy cặp chân chạy vắt giò lên cổ đó, thiên hạ có được cười ha hả hay khóc mùi mẫn trong những tối cải lương phựt đèn màu xanh đỏ? Ngay như trong cõi văn chương vốn là chỗ thi thố của những khách tài hoa vốn săm soi chữ nghĩa như nựng nịu nhân tình, có khi rồi cũng vậy. Thói thường, người đọc văn hay chú tâm vô cái chỗ mù mù mờ mờ mà người ta gọi là phần nội dung mà lại hay lơ là với cái đẹp tự thân của mớ chữ trước mắt. Từ đó, như một phản ứng dây chuyền, người viết lắm khi cũng đâm ra lơ là với chuyện chọn chữ lựa lời. Cái đẹp - dẫu là một khái niệm tương đối, nhưng với sự đòi hỏi của người đọc và mỹ cảm sẵn có của người viết, sẽ hiện ra đâu đó... Nhưng éo le thay, có những lúc cả hai phía, rồi ít ai chịu dặn lòng như vậy.
Sự đời thì cứ thế, hay chia phe chia phái. Rồi thì bên chuộng bên chê. Chẳng hạn như giàu-nghèo, trống-mái, đẹp-xấu...
Văn chương cũng không khác, cũng chia hai. Loại đầu đuôi xuôi như nước chảy gọi là VĂN XUÔI, đối lại với loại trắc trở như cầu tre lắt lẻo nối từng câu từng khúc lại thành bài thì gọi là VĂN VẦN hay THƠ. Ở thể loại THƠ thì chữ-nghĩa vốn vẫn được o bế ngay từ khi người ta bắt đầu... làm thơ. Cái ĐẸP của chữ- nghĩa trong THƠ vẫn được coi là yếu tính của thể loại đó. Một bài thơ- bất kể ở thể cách gì, số chữ có hạn hay vô số chữ mà người ta gọi là THƠ TỰ DO... thì chữ-nghĩa vừa là phương tiện vừa là mục đích của THƠ. Thứ chữ-nghĩa mà có lần ông Hồ Dzếnh đã phán một câu xanh dờn đang khi cắn bút tìm chữ làm... thơ. Phút linh cầu mãi không về-Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen. Người ta bóp trán nặn óc tìm tòi cho được thứ chữ-nghĩa đẹp như... thơ, vừa hợp vần điệu vừa hợp ý tưởng. Nhất là đạt cho được cái mà người ta gọi là THI VỊ. Bởi vậy khi gọi là làm THƠ thì mục đích đầu tiên và cuối cùng của người làm thơ chính là CHỮ (+ nghĩa) song song với vần điệu bắt buộc của thể loại. Bởi vậy, không lạ khi từ cổ chí kim, chữ-nghĩa trong THƠ vẫn được chắt lọc, săm soi ra vẻ rất mực cưng chiều.
Ngược lại, với loại VĂN XUÔI thì tội tình ghê, “chữ” gần như bị bạc đãi, cỡ hạng “ô-sin”... Kiểu văn xuôi mà người ta dùng để viết thư tỏ tình hay lưu-bút-ngày- xanh, để làm đơn thưa kiện hay để viết báo... hay để dựng lên cảnh tình éo le với lớp lang tréo ngoe bằng một tưởng tượng nào đó mà người ta gọi là tiểu thuyết... Nói chung là với bất cứ mục đích nào thì điều kiện thiết yếu là “chữ” dùng giản dị, rõ ràng, dễ hiểu... Được vậy, thiên hạ đã vừa lòng. Trong thể văn xuôi, “chữ” chỉ được coi như một thứ công cụ, một tấm bảng chỉ đường hay một con đò chở khách sang sông. Cặp bến rồi thì khách lên bờ, bỏ mặc chiếc đò ngang nằm chơ vơ ngoài bến đợi. Vậy đó, riết rồi thành thói quen. Người ta đọc là để thỏa cái ý tò mò, muốn biết coi người viết muốn tả cái gì, cái nồi hay cái chảo, tả oán hay tả tình... hoặc mon men kiếm cách trốn đời qua mớ chủ thuyết triết học hay tôn giáo... Riết rồi, chẳng ai đâu nhọc công tìm tòi, so đo chữ này chữ nọ làm chi cho mệt óc, dẫu trong kho ngữ vựng vốn đầy ăm ắp có rất nhiều chữ dị âm mà đồng nghĩa, có khả năng làm cho câu cú trở nên mượt mà, dễ đọc dễ cảm hơn. Chịu khó chút biết đâu đời có thêm những áng kỳ văn...
Nghĩ đi nghĩ lại rồi thấy dường như cũng có lý do cho sự chăm chút chữ-nghĩa của người làm thơ và sự lơ là của người viết văn. Lý do có vẻ như... nói chơi. Mà có khi nói chơi lại ăn thiệt. Biết đâu.
Ngay từ đầu như đã nói, “chữ” vừa là công cụ vừa là mục đích của THƠ. Mà thơ thì luật lệ đầy ra đó. Làm thơ thì cần thi hứng mà thi hứng thì thuộc loại bốc đồng. Bốc đồng mà rồi bị kềm kẹp bởi luật lệ thì cũng dễ hết bốc đồng, hết hứng, hết... thơ. Thêm nữa, hứng khởi là một hiện tượng tâm sinh lý rất đỗi phù du. Mới đó mà đã hết đó. Vậy chớ ai mà hứng hoài cho nỗi.
THƠ tự do cách mấy - ngoại trừ cái loại người ta gọi là THƠ TỰ DO, cũng có sự hạn chế về số câu số chữ. Thêm sự bó buộc của cái gọi là luật bằng trắc đòi hỏi sự khít khao của thứ tự vị trí chữ với sáu dấu giọng. Rồi còn phù bình thanh với lại trầm bình thanh. Rồi tiết tấu, rồi đối ngẫu...v.v... Mọi thứ bó buộc gắt gao đó như mớ áp lực đè nặng lên cơn hứng-bốc đồng. Hứng cách mấy rồi cũng tới một lúc sẽ... hết hứng. Phải ngừng thôi. Ông Nguyễn Du kể chuyện mười-lăm-năm là năm-ngàn-bốn-trăm-bảy-mươi-lăm-ngày-đêm lưu lạc của cô nàng Thúy Kiều rồi cũng phải ngưng ở câu thứ ba-ngàn-hai-trăm-năm-mươi-bốn. Người làm thơ nổi hứng như cái bong bóng được bơm hơi. Hơi rồi bơm riết, bơm riết rồi có lúc cũng... hết hơi. Sáng tạo tự do cách mấy rồi cũng có sự hạn chế tự thân.
Hổng chừng tại vậy, làm thơ với luật lệ gắt gao vừa hao hơi, tổn sức, mòn trí, cạn chữ... dường như trở thành một con dao hai lưỡi. Một lưỡi đào xới xục xạo tìm chữ, gọt giũa cắt xén mớ chữ vừa tìm ra, một lưỡi cứ thì thụt kế bên, đợi lúc đâm toạt cái làm đứt hơi, buông tay, xuôi xị...
Rõ ràng, như vậy làm thơ là một việc làm có giới hạn. Thứ giới hạn đó vậy chớ rồi cũng sanh ra có lợi. Người làm thơ có dịp sửa chữ chọn lời, trau chuốt ngôn ngữ. Lắm khi còn o bế, vuốt ve... từng chữ một. Riết rồi thành thói quen. Làm thơ thì giống như bước vô lâu đài cửa nẻo phòng ốc đâu đó đã sẵn nên tay chân tự dưng đâm ra... rón rén.
Hổng chừng tại vậy mà thơ gần như là một cái gì toàn bích. Dĩ nhiên thơ đó phải là... thơ.
Trong khi đó, “chữ” trong VĂN XUÔI, như đã nói, vốn chỉ được coi là phương tiện chuyển ý, dùng để viết... văn.
Con người vốn dĩ hay tò mò. Và rất... thực tế. Đào mỏ là để tìm cho được cái có trong cái mỏ. Ai đâu mà để công lo săm soi ba mớ đất mới đào ra. Chắc tại vậy mà khi đọc sách, thiên hạ cũng hay nhắm vô phần nội dung mà hay lơ là với phần hình thức. Có lẽ tại quen mắt quá nên đâm ra lờn, ít ai chịu để ý tới. Hay là cũng do cái tâm lý gọi là chuộng của hiếm. Cái gì mà nhiều quá thì bị xem thường. Mà quả thật, cái kho chữ nghĩa của ông bà để lại thì phải nói là nhiều vô số kể, đến nỗi vàng thau lẫn lộn. Người đọc thì có gì đọc nấy. Người viết thì tha hồ viết. Ngăn ngắn gọi là Truyện Ngắn. Dài dài thì gọi là Truyện Dài. Dài tới như không muốn hết thì gọi là Trường-thiên-tiểu-thuyết, kể cả tràng giang đại hải kiểu bản dịch truyện kiếm hiệp mỗi ngày theo máy bay từ Hồng Kông bay sang. Hay những truyện dài đăng báo hằng ngày... ngày này qua ngày khác. Nghe nói có khi còn viết dưới sự thúc hối của nhà in réo gọi, thợ sắp chữ chực chờ, kể cả lúc con khóc vợ nhằn... Nhắc lại những chuyện đó như những giai thoại về khả năng diễn đạt của tiếng Việt cũng như sự phong phú vô cùng của chữ nghĩa.
[Tới đây có lẽ cũng nên mở một dấu ngoặc để nhắc lại một sự kiện văn học ở một nơi không đắc địa chút nào. Đâu khoảng những năm 80, 90... rộ lên một danh xưng mới trong giới viết và đọc ở hải ngoại, gọi là văn-chương-miệt-vườn. Những bài viết, với một văn phong rạch ròi giọng điệu miền Nam nước Việt-của-tui, miền đất vốn được gọi là Nam-kỳ-lục-tỉnh. Những truyện ngắn, truyện dài với câu cú, chữ nghĩa... gần như được các tác giả cố tình diễn đạt bằng thứ tiếng- nói-hằng-ngày của số dân sống quanh quanh hai con sông Tiền và sông Hậu. Thứ ngôn ngữ hồn hậu, chất phát, thiệt thà... rặt tiếng địa phương, thổ ngữ- phương ngữ, kiểu nghĩ-sao-nói-vậy-người-ơi. Thứ tiếng nói chơn chất lắm khi cục mịch mà không thiếu phần rạch ròi, mộc mạc, thẳng thắn, nôm na mà thấm thía nhất là đối với “dân lục tỉnh”. Thứ tiếng nói chắt lại sau bao nhiêu đời lưu dân đi phá rừng làm rẫy, đắp đê bo bờ chắn nước... biến đầm lầy thành ruộng vườn, tạo nên một phong cách riêng của... miệt-vườn miền Nam. Cách viết đó, như một sự cố tình, không ít thì nhiều có thể coi như một cách xác nhận lý lịch giữa lúc lòng người loạn bát nháo, một phản ứng từ vô thức của hồn dân miền Nam khi phải bỏ xứ ra đi vì lý do chính trị, lưu vong vì một cuộc... xâm lăng chớ không phải là... giải phóng. Như một hoài niệm về một quãng đời đã sống. Và đã mất một cách tức tưởi. Và còn như một phủ nhận dù chỉ là một cách tiêu cực, thứ chữ nghĩa mới đang trào theo làn-sóng-đỏ đổ vào vùng quê hương bỏ lại của họ, thứ tiếng nói và chữ nghĩa... dị hợm !
Chuyện làm với dụng ý riêng đó, như một thứ chuyện-chẳng-đặng-đừng, không dính líu gì với dụng ý riêng của bài viết.
Trở lại với chuyện muốn nói, ở đây.
Rõ là tiếng-nước-tôi giàu có lắm. Có điều cũng vì sự giàu có đó nên cũng dễ rơi vào sự phung phí bất cẩn. Chuyện viết lách tha hồ đó rồi đôi khi cũng là con dao hai lưỡi. Một lưỡi tha hồ tung hoành thì lưỡi kia cũng tha hồ sơ sẩy. Viết văn như xách giỏ đi chợ lại gặp buổi chợ đông, tha hồ mà bốc hốt. Từ đó, người viết văn xuôi trở nên dễ dãi với chính mình. Có chữ nào xài chữ nấy, miễn không lạc khỏi đề tài đã chọn đưa đến những trái ngược đáng tiếc. Bên cạnh những bông hoa hương sắc vẹn toàn vẫn không thiếu đó đây cỏ dại. Cái chuyện ít bị kềm chế bởi luật lệ dẫu là lợi điểm của việc sáng tác nhưng lỏng lẻo quá đôi khi rồi lạc vô chỗ... lạt lẽo. Vậy mà riết rồi cũng trở thành thói quen. Mà thói quen thì thường hay khó cưỡng. Vả lại, thị hiếu của người đọc gọi là đại chúng, xưa nay vốn theo cái triết lý đại-đại, ăn đại, chơi đại, làm đại, đọc đại... nên cũng thường... thích đại. Miễn truyện có tình tiết ly kỳ, dễ hiểu... là coi như ăn khách. Hổng chữ nầy thì cũng có chữ khác thế vô. Miễn sao diễn được cái ý còn ba chìm bảy nổi đâu đó trong mớ ne-ron chằng chịt. Hơi đâu mà tính chuyện đắn đo sàng sẩy cho mệt. Kề cả khi đọc lên thành tiếng một bài văn xuôi nhiều khi nghe... xuôi xị. Vả lại theo thói thường xấu đẹp, hay dở... còn tùy người đối diện nữa ! Độc giả đã dễ dãi thì tội tình chi mà tác giả lại làm khó mình. Người ta vẫn thường ca ngợi loại văn chương bình dân đó mà ! Có điều nghĩ lại nếu cứ chiều theo thị hiếu của số đông thì làm sao cùng nhau thăng hoa được một đam mê.
Tuy nhiên, nói vậy cũng không có nghĩa là đòi hỏi... tuyệt đối. Không có nghĩa là lúc nào cũng phải trau chuốt, lựa lời, tìm chữ... đẹp. Đòi vậy ai mà chịu nổi. Thật ra, như đã nói, cũng tùy theo đoạn mạch, tùy theo khúc nhôi của bài viết mà cắn bút... lựa lời. Khi đang kể chuyện đánh đấm thì làm sao mà xài chữ thanh tao. Lúc tả cảnh dầu sôi lửa bỏng thì lấy đâu ra chữ thanh thoát. Còn khi tả tình tả oán thì sao không chịu khó bay bướm chữ nghĩa chút cho thêm cái não nùng hay cái thiết tha... tăng thêm mỹ lệ cho phần hình thức vốn bạc phận của loại văn xuôi. Làm như chèo ghe trên sông vậy, cũng tùy khúc tùy lúc mà chèo chống. Với ước vọng làm đẹp chữ nghĩa, câu văn ít ra cũng không thiếu chữ để dùng. Trong ngữ pháp tiếng Việt có cả một lô “pháp thuật” mà các bậc tiền bối đã gọi là “mỹ từ pháp”. Rõ ràng là tâm niệm của bao lớp người đi trước.
Bản thể của văn chương là cốt đi tìm... cái đẹp. Dĩ nhiên nói tới cái đẹp là y như chui đầu vào một bụi rậm, chẳng biết đâu mà rờ. Ai cũng có cái đẹp của riêng mình. Thì thôi nghĩ sao nói vậy, ai cũng có quyền thì người viết cũng có quyền dành cho mình một thứ mỹ cảm riêng tây. Và nói theo mình vậy.
Văn chương- để thể hiện chuyện đời- có cái đẹp của sự giản dị, mà cũng có cái đẹp của sự phức tạp, có cái đẹp của thực tại mà cũng có cái đẹp mộng mơ thoát ra từ cái thực tại đó. Có cái đẹp sần sùi thì cũng có cái đẹp láng lẩy. Có cái đẹp sắc sảo thì cũng có cái đẹp lả lướt. Có cái đẹp gân guốc thì cũng có cái đẹp lả lơi. Có cái đẹp đoan trang thì cũng có cái đẹp lí lắc. Vấn đề là chữ dùng đúng nơi đúng chỗ. Nếu có những chi tiết, những đoạn mạch đòi hỏi sự giản dị, rõ ràng... thì cũng có những khúc nhôi có thể văn-chương-hóa, mỹ-hóa trộn lộn với nhau tùy khúc tùy lúc biết đâu sẽ làm hồn người đọc thăng giáng liên hồi như nghe một bản giao hưởng nào đó chăng ?
Cái thằng con nít đang lớn vừa ham chơi xả láng ngoài đời thực vừa mê mãi ham chơi... vơi trong cõi không thực, cứ vậy mà lớn thêm với hai con đường song song và đối nghịch với nhau. Trường học với quán xá. Phố phường lê la với sách vở lếch thếch. Cứ vậy mà sóng đôi. Kể cả giữa chữ và nghĩa.
Rồi có một lúc nào đó -đâu khoảng tuổi giữa chừng trung học- mà hổng chừng cùng lúc với cái phát giác rụng rời là người nữ quanh quanh tuy cùng loài mà không cùng giống. Bên thì được nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, cứ săm soi như ngọc như ngà. Còn đám trái giống thì bất kể. Y như giữa chữ và nghĩa vậy. Rõ là kỳ thị hết mức. Vậy rồi, trong cơn quýnh quáng vì cái phát giác “ẩn mật” đó, y như một mặc khải, bất ngờ được đọc tập sách có tựa là ĐỜI PHI CÔNG của một tác giả lạ hoắc. TOÀN PHONG. Lần đó, làm như chữ có ma thuật hay sao mà lỡ chúi mắt vô rồi là cứ đăm đắm cho tới khi... hết chuyện. Mà thật ra cũng hổng có chuyện gì để.. hết. Chỉ là những bức thư của một ông con trai đi học lái máy bay bên trời Tây gởi cho cô em con gái ở trời Nam. Có lẽ, điều làm mê mẩn là những câu văn đọc lên nghe sao mà nhẹ nhàng, chữ nối chữ êm xuôi như nước trôi xuôi những sớm trời im gió. Và nhất là thỉnh thoảng chen vô những chữ dùng có vẻ như đã được sàng lọc như khi người ta đãi vàng. Khám phá ra vậy y như vừa làm một cuộc cách mạng để trả lại sự bình đẳng của hai phe hai phái. Trai và Gái. Hình thức và Nội dung. Chữ và Nghĩa.
“Mái tóc của giai nhân có hoe vàng như những sợi tơ nuột, mầu mắt có xanh lơ như hồ thu dịu và khóe cười có say đắm như ánh ly rượu ngọt có lẽ anh cũng không cảm thấy nữa vì tất cả chỉ thoảng qua đi như một cơn gió dịu. Đối với anh, nếu có gì vĩnh cửu có lẽ sẽ là hình ảnh màu hoe vàng của đồng lúa chín, mùi cốm thơm xanh như hương thơm mái tóc, và ánh mắt ngây thơ nũng nịu của cô em gái ngần ngại nhìn ly cà phê ban đầu một chiều nào ở quê hương.
Ánh sánh kinh thành huyền ảo như mờ dần yếu ớt qua những lớp sương đêm. Tình quê hương lại nhóm bồng bột trong lòng người lãng tử. Ánh điện nê ông xanh rợn hay ánh lửa hoe vàng màu hoả hoàng của ngọn đèn dầu, nhạc điệu samba dậm dật hay tiếng sáo vi vu, Phượng ơi, nào anh có biết? Chỉ biết đêm hôm nay có một anh chàng say cà phê ngồi giữa ánh sáng kinh thành mà nhớ đến quê hương” (ĐỜI PHI CÔNG)
Thì ra cái kho từ ngữ của ta chẳng thiếu gì thi vị. Nếu chịu khó lọc lựa hổng chừng những bài văn xuôi cũng sẽ đẹp như thơ. Những bài thơ... không vần.
Thêm nữa, bài tùy bút CẢM THU của ĐINH HÙNG lại thêm một bằng chứng về khả năng làm đẹp của chữ Việt ta.
“Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh ? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ ? Chao ôi ! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vảng.”
Làm thơ hay viết văn cũng đều xuất phát từ một thứ mỹ cảm nào đó, do bẩm sinh hay từ kinh nghiệm thu thập qua những va chạm với cuộc sống, khiến có người bỗng thấy mình nặng nợ văn chương. Đã vậy thì có chắt lọc chữ nghĩa thêm chút đỉnh chắc cũng không đến nổi nào, mà rồi còn như tiếp tay đắp đổi những thao thức của cổ nhân. Đã có thành ngữ non-sông-hoa-gấm, sao không thêm ngôn-ngữ-gấm-hoa cho hả lòng chữ nghĩa. Kể ra, nghề chơi nào rồi cũng lắm công phu. Cố gắng làm đẹp câu văn hẳn cũng là phong cách của một tay chơi điệu nghệ.
Thật vậy, chữ nghĩa khi được đặt đúng chỗ đúng lúc thêm chút chút hoa mỹ trong một câu văn, sẽ gây nên tác động rõ ràng nơi người đọc. Nếu không nói là “rung động”. Y như ngón tay chỉ trăng. Dĩ nhiên ai cũng đòi cho được trăng, nhưng nếu ngón tay mà thon thả hổng chừng dễ thấy trăng hơn chăng. Thích, không thích... chuyện đó là của người thiên hạ. Chuyện muốn nói ở đây là cái tác động hiển nhiên của cách dùng chữ trong một câu văn, một bài viết, kể cả lời của một bản nhạc. Thử coi. Trong một bản nhạc rất nổi tiếng của nhạc sĩ TRƯỜNG SA, XIN CÒN GỌI TÊN NHAU, ở đoạn cuối, sau khi đã kể lể về chuyện tình lỡ tình lạc gì đó là một lời thú nhân... gì thì gì tui vẫn yêu em, nhớ em. Và để minh chứng cho lòng chung thủy đó, người đàn ông -hay ông nhạc sĩ- đã dùng một chữ thiệt là đắc địa. “Tiếng hát ru em còn NUỐI trên môi”. Hẳn là ý ông muốn nói “Tiếng hát ru em còn “vướng” trên môi”. Nhưng “vướng” thì có nghĩa tiêu cực. “Nuối” mang cái nghĩa tích cực, ý như nó vướng lại mà tại mình muốn nó vướng lại. Chẳng những vậy, “nuối” còn ẩn ý là “tiếc”, là “vương vấn”. Nhưng thay gì dùng chữ “tiếc” như bàn dân thiên hạ hay dùng, ông viết là “nuối”. Và chính chữ “nuối” này với ý nghĩa và âm thanh phát ra làm người nghe có cảm tưởng như ông tác giả còn muốn... gọi-tên-nhau-hoài. [Tiếc là tiếc. Âm cụt ngủn, gọn bâng. Y như một nhát dao bén ngót chém cái đứt lìa, ngọt sớt. Tiếc rồi là hết... tiếc. Hết tiếc rồi ai biết có tìm quên chỗ khác hông ! Còn “nuối” thì cũng là tiếc. Mà cái tiếc này là loại có-hậu, nó có thêm cái nghĩa nấn níu, nấn nuối vì chữ có dư âm, dội lại trong tâm tư làm người nghe (đọc) cảm thấy cái tiếc đó còn dài dài, y như một lòng chung thủy còn hoài hoài, dẫu cho.]
Hết ý !
Lại nhớ tới một tuyệt cú khác đã có lần tụng ca tới hết mức. Chữ dùng trong một nhạc khúc của TRẦM TỬ THIÊNG có tựa là TƯỞNG NIỆM. Bây giờ có nhắc lại chắc cũng không thừa. Lần đó, sau một bữa nhậu nhẹt với bạn bè được nghe lần đầu ... “Ta nghiêng vai nghe lại cuộc đời. Thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới...” TRỜ tới... TRỜ tới... Tại sao không “chợt tới”, không “nhào” tới, không “ào” tới... mà lại “trờ” tới. Cùng âm cùng nốt ! Sao lại “trờ” tới ? Thắc mắc vậy cái rồi là bèn ra sức lý luận:
Sao không là ... thì “hãi hùng hoàng hôn ào tới”, hay là “hoàng hôn nhào tới”, hay là “hoàng hôn trào tới” mà lại là ... “hoàng hôn trờ tới” ? Mà cái chữ " trờ " này phải nói nó thâm trầm thâm thúy thâm sâu quá mạng ! “Ào” tới nghe ra hung hăng quá đáng. “Nhào” tới nghe ra cộc cằn quá độ. “Trào” tới nghe ra cuống cuồng quá mức. Không. Không ào, không nhào, không trào gì ráo trọi. Mà phải là trờ, nhất là đã hãi hùng thì hoàng hôn chỉ có trờ tới là đúng điệu nhất. Nghiêng tai nghe lại cuộc đời (có lúc nào không, trên cái dòng đời đang trôi chảy phăng phăng, bỗng dưng khựng lại, nghe ngóng như có một cái gì đó đang rón rén đi tới, không vội vàng, rất từ tốn, mà lại chắc nịch, bước đi của thời gian, từng bước, từng bước một, rất đĩnh đạc, không xắn xả cũng không thập thò, không dọa nạt cũng chẳng rụt rè, chỉ độc một nhịp đều đều, lì lì ...) . Nếu đã có lần ngong ngóng như vậy thì chắc sẽ có lúc giựt mình hay hoảng hốt hay hãi hùng khi chợt thấy hoàng hôn (chiều tà xế bóng, hay ... nét phôi phai, hay ... trò hư hoại ... sự hủy diệt v.v... và v.v...) không phải đang lù lù ở đó mà là đang ... trờ tới. “Trờ” tới nghĩa là một giây, một sát na trước đó chưa có ở đó, trờ tới nghĩa là một giây, một sát na sau đó đã có ở đó. “Trờ” tới nghĩa là thời gian, không gian, tình yêu, hạnh phúc, đau khổ ... không ngừng động đậy, không ngừng chuyển hóa. “Trờ” tới nghĩa là vui mới đó đã buồn tức thì. “Trờ” tới nên mới có bàng hoàng, sững sờ, hốt hoảng, chết đứng, chết điếng... mới có hãi hùng vì không nghĩ vậy mà lại vậy, vì tưởng là vậy mà lại không phải vậy... đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng bất ngờ vụt mất trong tay ... tình chợt tới rồi tình vụt mất ! “Trờ” là dịch. Mọi thứ đều là một cuộc chuyển dịch không ngừng ...Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ !
Nghĩ vậy rồi mới thấy cái gọi là tài hoa của người viết nhạc... Nghĩ vậy rồi mới thấy thế nào là phút-linh-cầu-mãi-không-về mà bỗng không... rồi-về-cái-một.” Hết biết !
Mượn ông nhạc sĩ này ông nhạc sĩ nọ để nói chuyện văn chương có khiên cưỡng quá không? Dĩ nhiên âm nhạc hẳn là thuộc một phạm trù khác. Có điều lời ca, tách ra khỏi nhạc cũng là một thứ văn xuôi, ngoại trừ những nhạc khúc phổ từ những bài thơ.
Rõ là tiếng Việt đâu có thiếu chữ. Mà còn phải nói là... thiếu gì chữ ! Vậy có nên để tâm làm cái việc lục lọi kho từ ngữ khi viết lách cho câu cú thêm phần thanh thoát, thêm chút thi vị cho cái thể loại vốn ít khi được nâng niu...
Dĩ nhiên không ai đòi hỏi một sự toàn bích cho mọi thể loại văn xuôi. Rõ là một chuyện bất khả. Ba cái chuyện thông tin hay nghiên cứu tranh luận... thì hoa mỹ cái nỗi gì. Vả lại cũng không cần thiết. Với lại đã tới cái thời người ta thăm hỏi, tán tỉnh, bàn cãi qua lại toàn bằng tết-tô với bộ chữ gõ lắc-ca-lắc-cắc trên điện thoại cầm tay... thì thêm thắt hoa lá cành là chuyện không tưởng. Hơn vậy nữa, mai mốt đây, khi ba cái Chat GPT... gì đó mà thịnh hành rồi hổng chừng mấy chuyện vẫy tay phóng bút cũng sẽ được nhắc lại như thứ cổ tích mà ông bà hay kể lại cho con cháu nghe bằng hai chữ Ngày xưa...
Thôi kệ, còn nước thì còn tát... giờ đây, còn có khi nào ngồi im trong một góc riêng, thả hồn... sáng tác văn xuôi thì cũng có nên chăng tỏ chút lòng ưu ái với mớ chữ tội nghiệp của chúng ta, đã quá nhiều dâu bể !?
Ngoái nhìn lại cuộc thăng trầm của lịch sử cận đại, dẫu sinh mệnh con người gần như lúc nào cũng treo lơ lửng giữa cái sống và cái chết, vậy mà văn chương chữ quốc ngữ đã có những thăng hoa vượt bực. Từ năm 1954, ở miền Nam nước Việt, sinh hoạt văn chương ( thơ+văn xuôi ) đã nở bung ra với những đột phá đầy sáng tạo nhằm nhịp bước với trào lưu tư tưởng mới. Toàn cảnh sinh động, hoạt náo kiểu như rừng già đang thiu ngủ chợt bùng lên sinh khí khi cô nàng-công-chúa-ngủ-trong-rừng, bừng mắt tỉnh dậy. Rỡ ràng trăm hoa đua nở.
Vâng, cả một thời vàng son của văn học ngay giữa hồi nghiệt ngã nhất của chiến tranh. Thơ thì khỏi nói. Như một trời trăng sao lấp lánh. Văn xuôi cũng vậy. Dẫu giới hạn hơn nhưng cũng không thiếu những giá trị có thể coi như tài hoa kết tụ của một dân tộc trọng văn vốn đã tự ngàn năm. Vậy đó mà sau vài mươi năm tứ tán, người trong nước thì vật vã với loại chính trị phi nhân, cả đến tiếng nói lẫn câu văn cũng không khỏi bầm dập. Hẳn là không cần dẫn chứng ra chi cho phiền mắt người tri kỷ. Còn cái đám lạc lỏng giữa xứ người, dẫu đã nhận xứ người làm xứ mình, cũng có khác gì đám con nuôi không cùng máu mủ. Chữ người ta thì rốt lại cũng vẫn là chữ người ta. Chữ của ta thì càng lúc càng giống đời ta... ba rọi, nửa nạc nửa mỡ, nửa ta nửa tây, mỗi lúc một thu vén xén bỏ, chín-bỏ-làm-mười cho đúng kiểu ăn nhờ ở đậu. Viết như chỉ để thông tin. Một thứ văn-nói. Càng lúc càng thưa thớt những sáng tạo bằng mỹ cảm văn chương. Chắc ai rồi cũng mỏn hơi...
Trong khi đó, từ hơn mươi năm nay, trên vòm trời thưa thớt trăng sao, những ngôi sao đã có lúc là những điểm tựa cho kẻ xa quê định hướng, cũng lần lượt tắt ngúm.
... Những Võ PHIẾN, NHẬT TIEN, VŨ KHẮC KHOAN, NGUYỄN XUÂN HOÀNG, PHẠM CÔNG THIỆN, HOÀNG HẢI THỦY... rồi gần đây, MAI THẢO, TÔ THÙY YÊN, NGUYỄN ĐÌNH TOÀN... đã lần lượt bỏ chữ lại mồ côi mà đi mất.
Đọc lại trong một bài viết cũ có tựa là VÀ RỒI, NHỮNG CUỘC CHIA TAY VĨNH VIỄN :
... Họ đi rồi chúng ta mất thêm lần nữa, quê hương.
Và nhất là nhìn từ một góc nào đó, họ còn là hình ảnh của sự tái tạo từ tro than, của sự phục sinh từ cơn bức tử. Hay nói cách khác, của một giấc mơ vĩnh cữu về một cảnh đời tạm bợ.
Họ đi rồi, bỏ lại dở dang ta, những hồi mơ xuân hiếm muộn.
Khi những ngôi sao bắt đầu tắt lửa, vòm trời giống y như một cõi lòng trống hoác.
oOo
Chấm hết... Rồi đọc lại sao có cảm tưởng như mới vừa lải nhải trong mấy lúc... chiêm bao. Thật ra, viết cũng chỉ để mà viết ra những ẩn ức và mơ ước trong lòng. Chớ rồi, đứa con nít cũng hiểu, chuyện phải đến... rồi sẽ đến ! Một ngày nào đó, giữa mênh mông xứ người...
Cái đáng hận là chuyện ở tại quê hương của tiếng Việt ta, sau gần nửa thế kỷ cải-tạo, học-tập, ăn nói viết lách theo cung cách con-người-mới-xhcn đã, đang và sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho một thứ ngôn ngữ dị biệt đến... bẽ bàng, dẫu vẫn cùng chung đó mớ vần o-tròn-như-quả-trứng-gà...!
Rồi còn đâu nữa, những áng kỳ văn thiên-cổ-lụy !
Đã nói là định luật của tự nhiên, nhưng sao cứ thấy xốn xang...
Rồi lải nhải !!!
Cao Vi Khanh |