Viết, tôi muốn viết, tôi muốn viết ra bằng ngôn ngữ của mẹ tôi.
Để bạn có thể hiểu rõ hơn những gì tôi muốn nói? Được hiểu một phần thôi, cũng là một cảm giác hay?
Mới đây chưa gì đã là một năm, hai năm, năm mươi hai tuần khi tôi đã dịch xong tập thơ của Pháp Hoan và mới đây trong vài tháng tập thơ của anh Nguyễn Hưng Quốc? Cộng lại không bằng một phần những bài thơ tôi hay dịch hàng ngày của anh Lê Vĩnh Tài?
Đâu đó không sai. Không phải là một sự cố ý, ấy chỉ là những sự tình cờ. Như khi đứa con trai đầu lòng của tôi nghĩ mẹ của nó cần đến tác phẩm The Copernican Mediocrity Principle.
Chúng ta là những con cừu màu trắng, chúng ta như nhau thôi. Chúng ta mỗi ngày phải lo ăn lo ngủ, lo làm ra tiền để mà sống sót. Không biết, thì chúng ta học hỏi thêm. Cứ mỗi ngày như vậy, bầu trời của chúng ta càng ngày càng được mở rộng ra thêm.
Tôi là một con cừu, là một sự chấp nhận chứ không phải là một sự cố ý khiêm tốn khiêm nhường.
Mỗi ngày là một khám phá bất ngờ như em Mimosa được trồng trước nhà tôi ngày hôm qua, một chút Đà Lạt mát rươi rượi.
Tôi không tưởng tượng nổi con số lớn như vậy, 8 năm với mỗi ngày một đoạn văn một khúc thơ. 365 ngày lần 8 năm, có hôm tôi đã dịch cả chục tác phẩm.
Một tủ thơ và cả hàng trăm truyện ngắn. Con cừu màu trắng ba ba bập bẹ tiếng mẹ đẻ thật là dễ thương.
Mấy bài thơ, khúc văn, tôi lưu trữ trong tâm trí tôi bằng ngôn ngữ của tôi. Ngôn ngữ của tôi là tiếng Anh, vì tôi đã sống sót vì nó. Ôi lâu quá rồi tôi ít khi đọc những tác phẩm bằng ngôn ngữ của tôi ngoài những tác phẩm tôi đã dịch, lưa thưa chỉ vài khúc văn hai ba cuốn tiểu thuyết, quá ít.
Đọc cuốn Socialist Realism của Tuan Ngoc Nguyen, tôi có một cảm giác giống như mình được ăn một bữa ăn buffet linh đình toàn là những món ăn mình rất thích nhất, những mùi vị trung thực là ngôn ngữ của mình. Từ giờ Bình Minh một ngày chủ nhật đến những giờ phút chạng vạng ánh sáng Mặt Trời qua cửa sổ phòng ngủ của tôi. Chú mèo con của bà ngoại ngủ được mấy giấc rồi, tôi lai rai đã bao nhiêu cốc trà?
Mắt già của tôi mừng khi khám phá ra những tác phẩm mình thích đều đã được thâu thành những audio books đăng trên Spotify. Tôi không đọc, tôi nghe, tôi vẫn được trở lại vị trí xưa.
Tôi ngừng hẳn việc chuyển ngữ, tôi trở về với ngôn ngữ của mình. Như tôi được trở về tử cung ấm áp của mẹ.
Tiếng Việt là chuyện của bạn. Một thời gian dài không phải là ngôn ngữ của tôi. Hơn 40 năm rồi ư? Bạn phải hiểu điều này chứ. Tôi chỉ là một con cừu như bạn. Một trong vô số. Nhờ vậy tôi mới học được ngôn ngữ của bạn. Đơn giản là vậy. Một con cừu trắng, chứ không phải một con cừu đen. Đó mới là The Copernican Mediocrity Principle. Đó là cách tôi đã học ngôn ngữ của bạn.
Những con cừu. Khổ ghê. Tôi nghĩ nhiều người hay nhầm. Không phải vì quá nhiều thơ dở mà vì quá nhiều bài thơ nghe giống nhau.
Thậm chí có rất nhiều bài thơ hay, nhiều lắm luôn, nhiều đến mức đọc thấy ngán vì đề tài của chúng quá quen thuộc.
Như đề tài về tình yêu, đọc một hồi thì bạn sẽ nhận ra ý nào giống cụ Nguyễn Du và ý nào là của anh Shakespeare. Cả khi bạn viết về bạn thôi, cách bạn yêu có khác gì cách cô hàng xóm của bạn yêu không? Có thể chỉ khác là cô ta thích ăn cơm, bạn thì thích ăn phở.
Bạn đọc càng nhiều thì ý tưởng của những tác giả bạn nể và phục sẽ thấm vào từng chân lông của bạn. Cuộc đời của bạn sẽ thành một hành trình đạo văn của những tác giả bạn đã đọc. Khác, thật ra có khác nhiều lắm không?
Đề tài nào cũng đã được in ra mà, nhờ anh Henry Miller mà từ “l..” được phổ biến trong Văn Chương.
Bạn nghĩ bạn khác chỉ vì bạn có thể là đứa con yêu quý nhất của mẹ, bạn là thế giới của mẹ, bạn tuyệt vời nhất trong mắt mẹ.
Nhưng ô kìa, ai cũng có mẹ.
Nên trước khi bạn lên án sự đạo văn, hãy nhìn lại cuộc đời mình xem.
It is a double-edged sword. Your life.
Thơ như nghệ thuật cần đến sự tinh thần hơn là vật chất.
Đã là thuyền nhân, tôi làm sao quên rằng sự vật chất, bạn có thể đánh mất nó một cách dễ dàng. Tinh thần ngược lại, sẽ được lưu lại mãi trong mỗi chúng ta. Là một gia tài to lớn vô giá.
Thơ vui mà, như hơi thở vậy, cứ viết đi, dở rồi sẽ hay, hay rồi sẽ thành một tuyệt tác của cuộc đời bạn. Tôi sẽ là một người đồng hành của bạn.
Tôi sẽ đọc.
Cảm giác được mẹ tôi đọc những bài thơ bằng tiếng Anh tôi viết, tôi đã thấy vui. Nhưng khi nghe mẹ tôi đã đọc những khúc văn tôi viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình, thì tôi thấy lòng mình càng xôn xao hơn, nhưng luôn luôn là một sự hạnh phúc đẹp nhẹ nhàng của cuộc đời tôi.
Thơ ca là một cuộc đối thoại dài đáng yêu với những người thân thương của tôi.
Qua những cuộc đối thoại, qua những trang digital, tôi đã và tiếp tục học cách đánh vần lại cuộc đời mình, bằng tiếng Anh lẫn lộn, trộn chung với ngôn ngữ của mẹ.
Mẹ tôi hay hỏi:
– ngữ pháp tiếng Anh con cũng đã không học à?
– mum, con không nhớ, qua Úc học dở dang mọi lớp. Lo học đủ điểm vào đại học. Thành người, có chồng, có con, cần gì đến ngữ pháp mum.
Tôi sai nhiều. Tôi vấp ngã. Tôi bò dậy. Tôi đứng lên lại.
Công khai.
Bạn có phải là người đã hỏi:
– bạn ổn chứ?
Một thời gian dễ thương nhất là chặng đường SONGNGUTAITRAM.
Hai con đường đi song song với nhau như đường rày. Sự thực tế không như thế. Mức độ ngôn ngữ của tôi chênh lệch với anh Lê Vĩnh Tài chồng chất lên cao vút như cái file đầy ngập những trường ca anh đã gửi tôi qua messenger trong những ngày đầu. Ngôn ngữ của tôi ôi nghèo nàn thiếu sót. Nên khi nghe những lời khen, tôi hay bật ra cười, vừa xấu hổ vừa thích cùng một lúc. Những cảm xúc này gần như luôn luôn đi song song với nhau; bạn xấu hổ, bạn đầu to.
Hôm nay, blog của tôi với cái tên ba tôi đã đặt cho tôi, là một sự thực tế. Nó dễ thương như những sợi tóc bạc của tôi.
Vâng.
TÔI.
Không có cái TÔI, làm sao tôi dám học đánh vần lại cuộc đời của tôi một cách công khai?
Tôi là con của mẹ, là người Việt Nam.
Sự kết lành
đã bắt đầu
từ tháng ba.
Nguyễn Thị Phương Trâm
Sydney, Australia.
April 1st, 2024 |