SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

Gió lúc nào cũng thổi

Nguyễn Thanh Sơn

Sau một tháng ròng rã ngoài khơi. Bành gọi điện thoại di động về nhà cho cô vợ yêu rằng con tàu anh đang ở hải phận Quy Nhơn. Bành nắm vô lăng từ suốt đêm qua sau khi rời khỏi hải phận ngư trường quen thuộc Trường Sa một vài hải lý. Đang trên đường trở về và hẳn sẽ có một chuyến bội thu. Gần bảy mươi con cá bò gù (cá ngừ đại dương), dự kiến khoảng trên ba tấn cá. Một món quà tết hậu hĩnh, Bành dự định tàu sẽ cập bến vào chiều 28 tết.

oOo

Thời trước, câu cá bò gù theo thời vụ. Chính vụ từ tháng tám đến tháng ba năm sau. Rộ nhất là tháng mười, mười một, theo những mùa gió chướng cấp áp thấp, mùa biển động, nhọc nhằn, nhưng năng suất lại thấp. Ngư dân ta “cái khó ló cái khôn” luôn cải tiến công cụ đánh bắt, thấu hiểu cặn kẽ cội nguồn luồng chảy để đạt năng suất cao nhất. Bây giờ, câu cá theo mùa trăng. Đầu tháng, ngày không trăng, đoàn tàu ra khơi, đến ngư trường quen thuộc, dùng những bóng đèn cao áp để nhử cá, cá trào lên lên theo dòng ánh sáng để đớp mồi. Cách câu này ít tốn kém lại năng suất rất cao. Đến khi trăng lên, ánh trăng bàng bạc trải khắp mênh mông mặt biển thì tàu lại về bến.

Trong sách “Nước Non Bình Định” cụ Quách Tấn dành hẳn một chương nhằm giới thiệu ẩm thực đất Bình Định, có câu ca:

“Chỉ điều xe sáu đậu tư
Để anh câu đặng con cá ngừ biển đông.”

Câu ca trên chỉ sự khó khăn trong công việc đánh bắt loại hải sản cao cấp thời bấy giờ. Còn nay chỉ năm mười bữa nửa tháng gặp chuyến biển may mắn, bạn thuyền ta mang về đất liền vài ba tấn là chuyện thường. Ngày trước, loại cá này dân ta chỉ “chặt to kho mặn” nên ít người ưa. Nay cá ngừ xuất khẩu, ta lại “nhập khẩu” cách ăn để bổ sung nguồn tươi sống cho dân thích nhậu.

Cá bày lên dĩa, có màu huyết dụ, rắt lên đó màu vàng nhạt, màu của đậu phộng rang giã nhỏ, vắt thêm chút chanh gây cảm giác rất thèm ăn. Món chấm không cầu kỳ, chai tương, lọ xì dầu, mù tạc hay gừng. Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà thêm mù tạc nhiều hay ít, nếu quá lố chỉ cười ra nước mắt, lúc đầu rất khó ăn nhưng sau lại đâm nghiện. Cải cay để nguyên lá, xếp lên đó vài ba lát, rồi rau răm, chuối chát,vài ba lát khế, có khi thêm lớp bánh tráng mỏng. Ăn nhỏ nhẻ, từ tốn, nhấm nháp từng thớ thịt tê lạnh, thơm ngon nơi đầu lưỡi, dư vị cay nồng khó mà chê được, nó rất khác với cách ”phàm ăn tục uống“ như gỏi cá chuồn hay cá rựa. Nhớ đừng quên chai bầu đá, uống bia nặng bụng, mau no lại khó cảm hương vị thơm ngon của cá.

Nghề câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp ngày được phát triển và có thu nhập cao. Sau vài chuyến biển nếu gặp thời, chủ tàu có thể thu vài trăm triệu đến tỉ là chuyện thường. Phương tiện đánh bắt cá ngày trở nên hiện đại, những con tàu tầm cỡ, thường có chiều dài hai mươi mét trở lên. Khi còn neo đậu trên dòng sông, những con tàu như những con chiến mã uy nghi, hùng dũng, sẵn sàng buông cương say trong sóng to, gió lớn.

Ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp, khó khăn dần bởi tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Nhà nước ta có chính sách hỗ trợ nhiều cách để ngư dân bám biển.

“Cứ độ mùa vụ, tàu ta đến tọa độ 111 độ 30 hướng đông bắc Hoàng Sa hay đông nam Trường Sa là bắt đầu nhắn tin về trạm kiểm ngư. Tùy theo công suất máy, 300cv có năm mươi triệu một tin nhắn. Mình thay đổi máy công suất 5oo cv. Một tin nhắn là có một trăm triệu tiền bù dầu, tiền bảo vệ chủ quyền, làm người lính đi đầu bảo vệ biển đảo”. Cách theo dõi ngư trường đánh bắt bằng tọa độ, tin nhắn của trạm kiểm ngư. Đi biển với cậu ta, tôi luôn tâm phục khẩu tính gan dạ, luôn tìm hướng đi đúng để đạt năng suất cao nhất.

Bành, người con trai hiền lành, cần mẫn, khí chất bình tĩnh của con người ăn sóng nói gió. Một chàng trai hơn ba mươi tuổi, vừa mới cưới vợ, cô ta mang bầu, sắp đến ngày ở cữ. Đó là những gì tôi nói được về chàng trai này. Phía sau cái điềm tĩnh, thàng hậu của người dân Bình Định là cuộc đời đầy sóng gió. Nghề biển không có sóng gió mới lạ. Sóng gió từ hòn Gành Gà, cửa biển Tam Quan, Bình Định trở ra. Từ Hoàng Sa, Trường Sa đổ vào.

Nhà Bành cạnh bờ sông Tam Quan Bắc, ở cuối nguồn. Ngồi trong nhà nhìn ra là thấy hòn Gành Gà rõ mồn một. Ngày trước, dòng sông này rất rộng và sâu. Nhìn từ bờ bên này sang bờ bên kia tít tắp mùa nước lớn. Con nước ròng, lòng sông lại phơi ra, đầy sình lầy, những con cua, cái tép tha hồ nhảy nhót, tung tẩy, mùa của những người sống ven bờ, chuyên mò tôm, bắt ốc.

Ngày trước, thời còn bao cấp, mẹ con nhà Bành sống bằng nghề này kiêm nghề đưa đò, đưa những người khách lèo tèo sống bên này Trường Xuân sang bên kia bờ Thiện Chánh. Tính hai mẹ con luôn chịu thương chịu khó, nên dù nắng hay mưa, dù sớm hay tối cũng không nề hà gì. Hễ nghe ai cất tiếng bên kia sông :”Bớ đò, bớ đò!” là cậu ta lại buông chèo xuống nước. Sau này, với sức dài vai rộng, đất nước càng đổi thay, sản sinh nhiều nghề mới, cậu ta chuyển sang nghề đánh bắt cá ngừ đại dương như tôi đã kể trên. Dòng sông vẫn trơ vơ đôi bờ, con đò gát bãi ngắm nhìn những con tàu buông neo trên sông nước.

Nghiệp biển, ngư dân ta lấy thuyền làm nhà, biển cả là quê hương. Bành coi biển là máu thịt, là xương xẩu, là sự sống của cả con người ven bờ. Cứ vào độ trăng non là người làng tôi, những bà nội trợ, những “hậu cần” ở bến bờ lại ngong ngóng bóng dáng người thân. Như con nước dòng sông quê tôi, cảng cá Tam Quan, Bình Định ghình lên, dập dềnh nước thủy triều, sóng lăn tăn gợn như mong đợi những con thuyền về bến.

Những ngày không ra khơi, cậu ta lại nhớ biển. Ra bãi, lặng ngắm nhìn hòn Gành Gà soi mình bên sóng. Lại nhớ.

Những chuyến biển khơi xa, Bạch Long Vỹ ở địa đầu đất nước.

Ơ hay! Đảo đứng trơ vơ đó
Như đợi chờ ai ở giữa dòng.

Đứng trước mênh mông của biển, không bị vật gì che chắn tầm mắt, chỉ mây nước một mùa, những con chim hải âu bay chập chờn trên sóng, in vào nền trời tạo nên nét chấm phá bức tranh thủy mặc trông thật sinh động. Dưới dòng sâu đen thẩm, con tàu như chiếc lá lấp lênh theo dòng nước. Sự sống và cái chết như lật ngửa bàn tay, cách nhau một lớp ván mỏng, chúng tôi bềnh bồng trên những đám mây. Những lúc rảnh rỗi, tôi duỗi nằm trên cabin, dang đôi cánh tay mà đo trời đo nước, đo nghìn trùng thăm thẳm. Trời thì rộng, nước thì sâu nhưng cũng chỉ bằng gang tay, vói tay lên trời như thể kéo được vầng trăng thấp xuống.

Một kỷ niệm tôi không thể quên. Số là, sau chuyến biển khơi xa, tàu chúng tôi về neo ở Bạch Long Vỹ. Mùa tháng mười, trời lạnh, sương mù lướt thướt bay. Càng sâu vào đêm, sương mù càng đậm đặc, xòe bàn tay ướt nhẹp, tầm nhìn rất thấp, đồ vật cách một mét nhìn chỉ thấy loáng thoáng trong sương. Tiếng còi tàu rỉ rả đâu đó trong sương mù. Không lâu sau đó. Tiếng còi rậm rã, thôi thúc mỗi lúc một gần hơn. Linh tính một chuyện chẳng lành sắp sửa xảy ra. Tất cả thuyền viên bật dậy.

“Thằng Sản vào đề pa máy. Thằng Xuất phụ với anh em kéo neo”

Tiếng Bành la to trong cabin.

Tiếng còi hụ càng lúc gần hơn. Lanh lãnh, chát chúa, giậm giật như xé nát màng nhĩ.

“Không kéo nữa, chặt bỏ ngay. Thằng Sản cho tàu chạy hết ga” Tiếng Bành thét lên, giọng khản đục. Con tàu như con ngựa bất kham, nhảy chòm lên, gần như dựng ngược. Một bóng đen nhờn nhợn lướt sát sau đuôi tàu vài ba mét, tung bọt trắng xóa. Cái chết đến với chúng tôi chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Một chuyến biển khác. Trung Quốc đơn phương lệnh cấm đánh cá trên vùng biển Đông mà họ gọi là vùng chủ quyền. Nhưng với ngư dân làng tôi, từ đời này sang đời khác, họ đã từng sống với nó, thuộc nằm lòng từ vịnh san hô, chỗ nào cạn, nông sâu đều nằm lòng như sợi chỉ tay. Lệnh cấm đánh bắt cá kia không ngăn được ngư dân làng tôi vươn khơi. Tàu chúng tôi xuất hành vào thời điểm đó. Ngư trường quen thuộc từ nam Côn Sơn đến Trường Sa. Chuyến biển đó gần nửa tháng. Sáng hôm đó, tàu giàm lại, nghỉ ngơi sau một đêm mệt nhoài. Bất chợt tàu Hải Giám Trung Quốc, như bóng ma hắc ám đâu đó thình lình xuất hiện. Bành cắt giàm, khởi động máy với tốc độ cao nhằm tránh sự truy sát của tàu Trung Quốc. Nhưng sức người có hạng, tàu nhỏ, công suất thấp, làm sao đọ lại với tàu sắt đồ sộ kia. Nó chặn đầu tàu lại, rồi như mèo vờn chuột, những chiếc vòi rồng thi nhau nhả nước. Nó tưới ướt nhẹp không từ bộ phận nào của con tàu. Nó cố nhận chìm tàu. Nửa lưng tàu ngập nước, tàu ngất ngư ngỡ như đang chìm xuống, Tàu hải giám Trung Quốc biến mất như một bóng ma như lúc đến. Chống chọi một hồi với con nước, may mà máy vẫn còn hoạt động, anh em bỏ bớt những vật dụng không cần thiết để con tàu thêm nhẹ, gọi tàu bạn đến cứu giúp, thất tha thất thểu cố lết về bến.

Sau chuyến biển đó, tàu chúng tôi lên ụ sửa chữa gần tháng trời.

oOo

28 tháng chạp, những ngày cuối năm. Sau một chuyến đi dài ngày lênh đênh trên biển. Những nao nức, những niềm vui chờ đợi cho ngày cuối năm, bờ đang gần kề ở phía trước. Biển trời năm nay có khác hơn những năm trước, trời cuối năm mà sóng vẫn yên, biển lặng. Con tàu chạy với tốc độ vừa phải, 7 hải lý/giờ. Bành nắm tay lái suốt đêm đến gần về sáng. Hừng đông đang ở phía trước, cậu vươn vai ngáp dài rồi vói cái điện thoại di động gọi cho cô vợ yêu: “Anh đang ở hải phận Quy Nhơn, khoảng đầu giờ chiều là về bến!”. Bành gọi người bạn thay nắm vô lăng, bước ra boong sau làm vệ sinh. Trời vẫn chưa sáng hẳn, làn nước trơn lỉn, ướt đẩm phía sau ca bin tàu, do sơ ý và căn bệnh mất ngủ, cậu ta trượt chân ngã xuống nước. Chỉ mới tích tắc đó, khi con tàu giảm tối đa tốc độ thì không còn bóng dáng cậu ta đâu. Gió lúc nào cũng thổi phía sau boong tàu, sâu hun hút.

Nguyễn Thanh Sơn
Bến đò xứ
2014-2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024