SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

Giới thiệu Sách Mới

Văn Nghệ Biển Khơi chân thành cảm ơn Nhà thơ Vinh Hồ và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khắp nơi:

“GÁNH GẠO NUÔI CHỒNG”
Tuyển tập thơ
Tác giả: Vinh Hồ

Bìa: Uyên Nguyên Trần Triết
Dàn trang: Đỗ Huỳnh Đăng Ngọc
Nhận định: Du Tử Lê, Trần Hoài Thư
Lời vào tập: Vinh Hồ
Nhà xuất bản: Nhân Ảnh, 2024
Giá: 25 $US

Liên lạc mua sách từ tác giả: vinhho5555@gmail.com
Hoặc NXB Nhân Ảnh: han.le3359@gmail.com, phone: (408)722-5626

oOo

Đôi dòng về tác giả:

Tên thật Hồ Văn Thịnh, sinh năm 1948, tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, các bút hiệu khác: Tú Trinh, Hồ Tịnh Vĩnh Điềm, ST, Sông Dinh,

Sĩ quan quân lực VNCH, Khóa 8/68SQTBTĐ, cấp bậc cuối cùng Trung Úy Đại Đội Trưởng, hơn 5 năm tù cải tạo, sau 1975.

Qua Mỹ năm 1995, diện H.O 31, định cư tại Orlando Florida, Hoa Kỳ.

  • Có truyện ngắn đăng Nhật báo Dân Quyên , năm 1965.
  • có bài thơ đăng tạp chí Văn năm 1968.
  • Năm 1967 cùng bạn viết lập Thi Văn Đoàn Tiếng Vọng tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.
  • Năm 1989, lập Nhóm thơ Bát Tiên tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.
  • Năm 2008, Sáng lập viên Hội Văn Nghệ Tự Do tại Orlando.
  • Năm 2020, sáng lập viên Trang Văn Học Nghệ Thuật Tình Thơ trên Facebook.
  • Cựu Hội Trưởng Hội Văn Nghệ Tự Do.(2008)
  • Cựu Chủ tịch Hội Hội văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Vùng Đông Nam Hoa Kỳ tại Orlando Florida (2014).

Sách đã xuất bản:

  • Ngàn Thương (thơ, 1994, in chung)
  • Thơ Vinh Hồ, 1999
  • Mưa Nguồn Trầm Tích Chim và Rêu, thơ.
  • Bên Này Biển Muộn, thơ, 2005
  • Quê Hương Ninh Hoa (biên khảo, in chung với 5 tác giả khác)
  • Gánh Gạo Nuôi Chồng (thơ, Nhân Ảnh xb, năm 2024)

oOo

Vài ý kiến về “Gánh Gạo Nuôi Chồng” từ văn hữu:

  • Nhà thơ Quan Dương:

Vừa nhận được tập thơ GÁNH GẠO NUÔI CHỒNG của nhà thơ Vinh Hồ gửi tặng từ Florida . Tập thơ theo đường bưu điện đến đúng vào tháng tư là tháng mà cách đây 49 năm lịch sử đã chặt vào thân thể của đất nước tôi bằng những nhát dao chí mạng . Những nhát dao kết thúc bao ước mơ mộng tưởng mà thế hệ của nhà thơ Vinh Hồ và tôi bị đút đầu vào . Bởi những vết chém đau đó nên mới có chuyện gánh gạo để nuôi chồng của mấy bà vợ mà trước đó đa số là chân yếu tay mềm .

Tôi đọc một lèo 11 bài với chủ đề gánh gạo mà nhà thơ Vinh Hồ đã viết bằng loại thơ 5 chữ và 7 chữ còn gọi là thơ đường luật . Ngay những ngày còn đi học trong giờ cổ văn tôi luôn sợ khổ thơ đường luật này vì nó khô khan, vì hai câu 3 và 4 cũng như 5 và 6 phải đối nhau về từng chữ từng câu và từng nghĩa , đã vậy phải đúng luật bằng trắc thật đau cái đầu . Vậy mà lần này tôi lại vô cùng thích thú vì tò mò muốn hiểu thêm xem chị Đoàn Thuỷ Tiên là bà xã của nhà thơ với vóc dáng liễu yếu đào tơ như thế thì làm sao mà gồng với gánh cách nào đây

Thay xe đổi chuyến bao lần rồi
Gánh gạp nuôi chồng tận cuối trời
Đường đến trại tù xa diệu vợi
Lối lên biên giới lạnh mù khơi
Sói tru cú rúc buồn se sắt
Rắn quấn trăn bò sởn cả người
Bấc thổi hồn bay đời thống khổ
Mình em giữa núi rừng chơi vơi

Khi nhận được tập thơ qua đường bưu điện , đọc tựa đế Gánh Gạo Nuôi Chồng , tôi mĩm cười nói thầm bà xã ông còn gạo để gánh giữa thời buổi người dân ăn cơm độn là quá giỏi nhưng khi lật vào trong thì mới thấy rằng chị cũng như hầu hết những người phụ nữ miền Nam Việt Nam đã gánh cả một non sông bị gãy đổ tơi bời hoa lá sau khi mấy ông chồng bất lục để lọt vào tay địch . Gói gọn trong tám câu thơ tôi có thể hình dung ra được hình ảnh tơ tớt của những người vợ lính miền Nam sau ngày đoạt mệnh . Đó cũng là hình ảnh của tất cả mọi gia đình người dân Miền Nam sau ngày 30/04 oan nghiệt ngoại trừ một rất ít còn đang ngấy ngây ăn chiếc bánh vẽ xả hội chủ nghĩa chưa kịp nuốt vào cuống họng

Tôi với nhà thơ Vinh Hồ là người cùng được sinh ra và lớn lên từ Ninh Hoà một địa danh ít được nhiều người biết đến nếu địa danh này không gắn liền với huấn khu Dục Mỹ. có nhiều quân trường huấn luyện những chiến binh Việt Nam Cộng Hoà . Tôi cũng như anh là những người lính còn rất trẻ sau ngày đổi đời đó và cơ duyên quen biết nhau vì cả hai cũng yêu thích thơ văn cùng say men chữ nghĩa . Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần mỗi khi có cơ hội và cũng như những người lính coi rất nhẹ chuyện rủi may .

Xuyên suốt 105 bài thơ tù trong thi tập đó là nguyên nhân xảy ra chuyện gánh gạo , nhà thơ viết dành cho bà xã với lòng trân quí ngậm ngùi và biết ơn

Những đêm dài nhục hình
Ta nằm im như ngủ
Em vơ vơ dịu dàng
Về ru ta an nghĩ
Ta giờ nhủ thây ma
Trôi hoài trên tuyệt lộ
Xin ru em mặn mà
Bằng muôn lời vĩnh phúc
(Ta còn lại tình em)

Tôi thật thích thú khi thấy trong thi tập này có mấy bài thơ của chị Đoàn Thuỷ Tiên là bà xã nhà thơ đáp lại . Đúng là một cặp song kiếm hợp bích

Cho đời em lắm gian nan
Cho thân chinh phụ bao năm chết mòn
Cho con cò trắng long đong
Gánh gạo nuôi chồng tận chốn rừng sâu
Nghe như gió thổi hững hờ
Nghe hồi chuông đổ bên bờ bư không
Mười năm xưa nghe chuông ngân
Lòng như con suối mùa xuân yên hoà
(thơ của Đoàn Thuỷ Tiên)

Cám ơn nhà thơ Vinh Hồ đã ưu ái gửi tặng tập thơ với vài dòng viết vội xin giới thiệu đến quí bạn yêu văn thơ . Thấy giá khi ấn phí cho mỗi tập thơ là $US 25.00 và quí bạn nào muốn có tập thơ thì liên lạc với tác giả Vinh Hồ qua địa chỉ e mail: vinhho5555@gmail.com
hoặc nhà xuất bản Nhân Ảnh
địa chỉ e mail hanle@gmail.com

26/04/24
Quan Dương

***************

  • Nhà văn Lê Tam Anh:

THƠ VINH HỒ "GANH DẠO NUÔI CHỒNG"
TẤM CHÂN TÌNH!
letamanh

Sau kỳ trại Hướng Đạo tại Houston TX, về lại Cali , tôi mới phát hiện mình bị vướng Covid-19! Nằm nhà cách ly, uống thuốc. Nhận được Tập Thơ từ nhà thơ Vinh Hồ gởi tặng đã gần nửa tháng, hôm nay mới có dịp ngồi đọc!

Trước hết, xin cám ơn người bạn thơ đã nhớ đến kẻ hèn này; đã trang trọng gởi tấm lòng thơ! Thi Sĩ Vinh Hồ là người cùng quê hương với Bà Xã tôi. Xứ Ninh Hòa nỗi tiếng về nem chua nem nường, bún cá, cũng là nơi sản sanh nhiều nhân tài về văn thơ lỗi lạc.

Tập thơ "GÁNH GẠO NUÔI CHỒNG", ta có cảm giác rất thoáng với hình bìa giản dị nhưng ý nghĩa, với bóng dáng người đàn bà đội nón lá quằn lưng, trên vai là hai bao tải nặng, băng rừng vượt suối nuôi chồng đang tù ngục...!

Sau 30 tháng tư năm 1975, hầu như toàn thể Sĩ Quan QLVNCH đều bị cưởng bức vào tù, bị nhốt trong các trại giam từ Nam ra Bắc! Hãy tưởng tượng hoàn cảnh những người vợ tù với cảnh neo đơn ôm con chờ chồng trong thiếu thốn. Hơn thế nữa là tần tảo làm việc quằn vai, mong tìm nơi chồng tù tội để cố sức "gánh gạo nuôi chồng"! Bà xã của Vinh Hồ nuôi chồng dọc theo các tỉnh miền Trung và cao nguyên. Bà xã tôi thì lặn lội từ Nam ra Bắc, vượt bao chông gai lên xuống xe lửa này qua xe lửa khác đến tận Hoàng Liên Sơn, Tân Lập Vĩnh Phú...

Người đàn bà Việt nam nói chung, từ khai quốc, đã là những tấm lòng hướng về người chồng thân yêu đang làm lính biên cương. Bốn câu thơ sau đây nói lên tâm trạng giống như người tù đang bị đày khổ sai xứ Bắc sau năm 1975:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con
Để anh đi rẫy nước non Cao Bằng!

Tâm trạng người tù bị lưu đày miền Hoàng Liên Sơn sau 1975 giống y như thế!

Tôi lại nhớ đến câu chuyện "Anh Phải Sống" trong Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh: Hai vợ chồng chèo thuyền vớt củi trên sông Hồng mùa lũ... Khi thuyền bị chìm, hai vợ chồng dìu nhau cùng bơi vào bờ; nhưng cả hai cùng đuối sức, có thể cùng chết chìm. Lúc đó người vợ nghĩ đến ba đứa con thơ và tự hy sinh thân xác cho chồng được sống; "Thằng Bò, cái Lớn, Cái Bé... Không anh phải sống..."

Người đàn bà Việt Nam của Vinh Hồ, người đàn bà Việt Nam của letamanh, người đàn bà Việt Nam của Việt Nam... Ôi! gương hy sinh vô bờ trong mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thể chế!

Vợ Vinh Hồ quằn vai gánh gạo
Dọc Trường Sơn rồi vượt cao nguyên
Chắc chiu nào gạo nào tiền
Thân gầy xe sợi tơ duyên vì chồng!

Cho nên, đã mấy mươi năm đã qua, Gia đình Vinh Hồ đã được tị nạn Hoa Kỳ, đã gầy dựng thiên đường hạnh phúc... Nhưng, Vinh Hồ vẫn luôn nhớ đến công lao người vợ tần tảo nuôi mình thời gian tù tội! Những vần thơ gói trọn tình yêu, gói trọn hương ân ái trong mọi hoàn cảnh; được thể hiện nhiều nhất trong thể thơ Đường và những bài theo thể tự do, lục bát... Phải công nhận rằng: Vinh Hồ ca tụng vợ chân thành và; theo letamanh, Vinh Hồ nịnh vợ hết ý!

letamanh - tháng 5 năm 2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024