Khi tình yêu có mặt
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
(Tiếp theo truyện “Những ngôi nhà không có đàn ông” và “Những ngôi nhà không có đàn bà”)
Mưa vẫn rắc đều trên mái ngói, những tàn lá ngoài sân xào xạc. Huyền mở cửa sổ nhìn ra ngoài, và thoáng ngạc nhiên khi thấy một thằng nhỏ ngồi co ro bên ngoài bậc thềm nhà nàng. Huyền bật đèn, ánh sáng tỏa ra khiến thằng nhỏ quay người nhìn vào, Huyền chăm chăm nhìn nó hỏi:
- Giờ này sao cháu không ở nhà, mà ngồi ở đây?
Thằng nhỏ nhổm dậy:
- Cô cho cháu trú mưa một lúc…
Huyền bước ra ngồi xuống cạnh thằng nhỏ:
- Được! Hình như cháu ở gần đây, cô thấy cháu quen quen…
- Dạ nhà cháu ở đường dưới kia…(Vừa nói thằng nhỏ vừa chỉ tay về cuối đường)
- Cô sẽ cho cháu mượn áo mưa mặc về, chứ ngồi ở đây biết chừng nào dứt mưa.
Thằng nhỏ nói:
- Cháu không muốn về nhà! Cháu chán ba cháu…
- Ba cháu đã làm gì khiến cháu chán? Rồi cháu định đi đâu?
- Cháu có mấy đứa bạn cùng chí hướng, tụi cháu sẽ họp nhau làm gian hồ hão hán. Cháu ngồi đây chờ tụi nó ra…
- Gian hồ hão hán? (Huyền cau mày nhìn thằng nhỏ chỉ cỡ mười ba, mười bốn tuổi)
Nó làm một cử chỉ khinh bạc (Nó bắt chước diễn viên trong một phim kiếm hiệp…)
- Đúng thế! Chúng cháu sẽ diệt gian, trừ bạo!
Huyền nín cười:
-…thế thì nên gọi là “Anh hùng hão hán” mới đúng! Nhưng cháu nên nhớ, không thể mang sự bất mãn gia đình bởi một việc gì đó với đôi tay trắng đi làm anh hùng…
- Vậy thì cô nghĩ cháu phải làm thế nào?
- Trở về học tập tiếp và chờ thời cơ thực hiện “hoài bão”.
- Cháu chán học rồi
- Tại sao?
- Ba cháu cứ chê cháu học dốt.
Huyền không hỏi về má nó vì biết dãy nhà đó không có đàn bà, vì lý do này hay lý do khác cũng như dãy nhà của nàng không có đàn ông. Nàng gật đầu rồi nói với nó:
- Thì hãy chứng minh cho ông ấy thấy chẳng những mình học giỏi mà còn rất thông minh nữa.
Mặt thằng nhỏ nghệch ra:
- Cháu không biết chứng minh bằng cách nào!
- Không làm những việc trái khuấy, biết nghe lời ba, tập trung vào bài vở và luôn nhắc mình cố gắng học giỏi để ba phục lăn…
Thằng nhỏ chưa hề sợ những đứa du côn đồng trang lứa, ở trường bạn nào làm gì mà thấy chướng mắt là bọn nó kiếm chuyện “xử đẹp”, nó không thấy có gì sai trái vì chung quanh nó đầy dẫy việc đó. Mấy anh thanh niên còn bị đòn nhừ tử chỉ vì một cái nhìn mà đối phương gọi là “nhìn đểu”, những cảnh bạo lực ấy đầy trên mạng mà nó đã xem. Nhưng trước người phụ nữ nghiêm nghị và dịu dàng này nó tự nhiên thấy mình không thể tỏ ra ngang ngạnh, hỗn xược như nói chuyện với “đồng bọn” của nó. Im lặng một lúc như ngẫm nghĩ dữ lắm, nó giật mình trả lời khi nghe Huyền hỏi tên:
- Dạ cháu tên Nguyễn Công Danh… là cháu đời thứ bao nhiêu của ông Nguyễn Công Trứ không biết nữa! Ba nói hồi đặt tên cháu như vậy vì nghĩ đến chữ “Trứ - Danh”…
Huyền bật cười thành tiếng:
- Quả là có lý! Vậy thì cháu hãy làm sao cho mình trở thành một nhân vật trứ danh để không thẹn mặt là cháu của ông Nguyễn Công Trứ. Giờ thì hãy về nhà nhé.
- Nếu về ba cháu lại la mà không chừng lại đánh cháu cho mà xem.
- Sao cháu không nghĩ là ba đang lo lắng vì giờ này cháu chưa về? Sao không nghĩ vì muốn cháu nên người mới la rầy cháu? Sao cháu không nghĩ ba đã vất vả kiếm tiền nuôi cháu mà còn phải…
Còn muốn đặt một số “Sao…” nữa nhưng thằng cháu của... cụ Nguyễn Công Trứ nói:
- Ba đi làm suốt ngày không quan tâm tới cháu. Ở nhà cháu rất muốn có ai để nói chuyện, nhưng…
Huyền gật gù tỏ vẻ hiểu tâm trạng thằng nhỏ:
- Nhưng dù vậy cháu vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn khác, có những đứa trẻ suốt ngày đi lượm bịch nylon, lượm nhôm nhựa hoặc bán vé số, có đứa không được đi học, chúng nó mơ ước như cháu mà không được. Vậy nên bây giờ cháu phải chăm ngoan học hành để mai sau thành người có điều kiện mà giúp cho cuộc đời tốt hơn, như thế nghĩa khí hơn là làm “anh hùng hão hán” bây giờ. Ba cháu đã vất vả đi làm, cháu phải hiểu…
Nó im lặng, còn Huyền thì ra sức thuyết phục, giảng giải với nó mọi điều mà nàng nghĩ giúp nó hiểu về một đứa trẻ phải làm thế nào để trở thành người tốt. Mưa vẫn bay bay và thằng nhỏ co ro vì lạnh.
Khu phố này hình thành hai dãy riêng biệt từ bao giờ không ai nhớ, chỉ biết khu phía Đông toàn đàn ông, còn khu phía Tây toàn đàn bà, dãy bên này ngại sang dãy bên kia, tuy gần mà xa nhưng không ai tin có ngày tuy xa mà gần. Riêng Huyền chưa bao giờ có ý nghĩ sang xóm đàn ông vì việc gì đó, vậy nhưng lần này nàng quyết định sang bên đó vì một nhiệm vụ “cao cả”. Nàng phải cứu một tâm hồn đau khổ đang muốn trở thành “Anh hùng hão hán” bằng cách làm bạn với thằng nhỏ và đưa nó về tận nhà. Khi Huyền ngỏ ý thì thằng Công Danh riu ríu đứng lên theo nàng. Như tìm thấy điểm tựa, nó đi sát vào Huyền dưới chiếc dù nàng cầm che cho cả hai.
Ba của Công Danh đang đứng trước hiên ngóng nhìn lên rồi nhìn xuống có vẻ sốt ruột, khi thấy con từ xa anh vội bước về phía họ:
- Con đi đâu mà không cầm điện thoại theo? Ba đi tìm con từ nãy giờ…
Huyền nhắc:
- Cháu xin lỗi ba đi.
Nó lí nhí:
- Con xin lỗi ba, tại…tại…mưa!
Lúc này người cha mới chào Huyền:
- Cám ơn cô đã đưa cháu về. Thật làm phiền cô…
- Không có gì, tôi tự nguyện mà.
- Cô cho phép tôi lấy xe đưa về…
Huyền từ chối nhưng người cha cố nài để tỏ lòng cám ơn vì nàng quan tâm tới con mình, nàng ra về sau khi để lại lời mời “Cháu có thể tới nhà cô chơi khi nào cháu thích có người để…nói chuyện nhé!”. Tiếng xe máy dừng trước nhà Huyền, vài cánh cửa bên cạnh có người chồm ra nhìn về hướng ngôi nhà từ lâu không có đàn ông ấy với sự ngạc nhiên.
oOo
Sống một mình lâu dần cũng quen, Huyền không thấy buồn và cô đơn nữa, không riêng nàng mà cả xóm đàn bà đều nghĩ rằng thêm người vào sẽ làm xáo trộn cái trật tự vốn có của họ. Nhưng từ hôm cô Ngọc leo lên mái nhà moi rác trong máng xối, khi trở xuống vô ý bị ngã bong gân. Chị Mai trèo lên chiếc thang tháo màn cửa thế nào lại hụt chân té nhào. Chị Hiền có lẽ vì ham làm việc nên một hôm ngã bệnh vì kiệt sức, các con chị còn nhỏ nên phải nhờ tới một đám đàn bà khiêng chị đi cấp cứu và còn nhiều sự khó khăn mà các chị phải một mình đối mặt nữa! Những người đàn bà ở xóm…đàn bà bỗng mất tự tin vào khả năng chống đỡ mọi việc nặng nhọc của mình, nhưng mạnh ai nấy nghĩ, không ai nói với ai rằng “Giá mà nhà họ có một người đàn ông đỡ đần giúp họ!”
Lúc này có thằng Công Danh hay đến nhà Huyền chơi nên biết hết, nó về kể lại cho ba nó nghe những chuyện xảy ra ở xóm đàn bà, rồi cũng có lần nó kể cho chú Tám nữa. Vốn là người tốt bụng nên chú Tám lấy làm thương cảm, chú kể tiếp cho con của chú nghe, chuyện cứ thế lan truyền đến tai những người đàn ông ở xóm… đàn ông! Họ chợt thấy mình vô tâm nếu không ra tay giúp đỡ những người đẹp kia, làm sao để xứng đáng là phái mạnh đúng nghĩa, nên ai cũng tự nhủ chờ cơ hội. Đầu tiên là chú Tám, với tư cách là người lớn tuổi lại rất đứng đắn, nên chú dạo sang xóm đàn bà mà không e ngại gì. Chú muốn xem họ “đáng thương” đến cỡ nào, tình cờ nhầm lúc Huyền đang loay hoay leo lên ghế thay bóng điện, chú bèn nói lớn:
- Kìa cháu, xuống để chú làm giúp cho…
Huyền giật mình xém nhào xuống ghế, nàng đáp:
- Cám ơn chú, cháu làm được mà…
Chú Tám cương quyết:
- Không được! Leo xuống, để chú.
Rồi chú quay phắt đi thật nhanh, một lát sau chú trở lại với chàng Tí khôi ngô tuấn tú con trai của chú. Chú ra lệnh cho Tí:
- Con leo lên thay cái bóng điện kia, nam nhi đại trượng phu không nên để phụ nữ làm việc này.
Huyền chẳng đặng đừng phải nhường chỗ cho “đại trượng phu” Tí. Lần đầu tiên có người tận tình giúp mình nên Huyền cảm động lắm, nàng lịch sự mời hai cha con chú Tám ngồi lại uống trà, rồi cùng trao đổi câu chuyện về đời sống. Huyền là người tay ngang về xây dựng hạnh phúc gia đình vì nàng chưa lấy chồng lần nào, nên chỉ im lặng nghe chú Tám phân bày rằng ngày trước vì sợ vết thương cũ chưa lành, rước bà khác về có khi gây ra vết thương mới chồng lên, nên chú không tục huyền mà sống đời cô quạnh, đó là sai lầm của chú. Chú thấy điều nghịch lý là khi mới yêu nhau thì ai cũng nhìn vào ưu điểm của nhau, sống chung rồi thì lại chỉ nhìn cái khuyết điểm không chịu dung hòa nên mới xảy ra nông nỗi. Chú mong muốn mọi gia đình hãy nhìn kinh nghiệm của người đi trước để biết giữ hạnh phúc thay vì sợ giẫm lên vết chân cũ rồi…sống cô đơn ráo trọi! Quá khứ dù có xấu bao nhiêu cũng đừng mang theo nó vào tương lai, phải biết từ bỏ những thứ làm ta đau đớn, phải quên nó càng nhanh càng tốt để vui sống. Chú Tám mong muốn mọi ngôi nhà ở xóm đàn ông và xóm đàn bà đều biến thành mái ấm, đôi mắt người đàn ông lớn tuổi với tia nhìn xa xăm nhuốm buồn, rồi chú cất tiếng thở dài nghe não ruột. Chàng Tí nhìn cha, không biết nghĩ sao chàng cũng thở dài! Chàng thấy thương cha và tự nhủ…!
…thời gian thắm thoát thoi đưa! Có người ngạc nhiên, có người thì xem chuyện ai đó đi lấy chồng, lấy vợ cũng bình thường, nhưng thằng Công Danh thì khỏi phải nói, nó buồn mất mấy ngày vì hay tin cô Huyền của nó sắp về làm dâu chú Tám, vì nó cứ đinh ninh có ngày cô sẽ… về nhà nó, vì từ ngày nó “kết giao” với cô tâm tánh nó thay đổi biết nghe lời ba nó, không đàn đúm với bạn bè quậy phá, còn học hành tiến bộ nên ba nó có lần ghé thăm cô để cám ơn vì nhờ cô khuyên nhủ nên nó mới được như vậy, hai người chuyện trò vui vẻ, tâm đắc lắm nhưng sao bây giờ cô Huyền lại đám cưới với chú Tí? Người lớn luôn khó hiểu, khó hiểu như ngày ba má nó đang sống chung một nhà bỗng dắt nhau ra tòa, rồi thì em gái theo mẹ, còn nó ở với với ba?
Trong thời gian trong xóm đang chuẩn bị lễ cưới cho Huyền, ai nấy đều hớn hở. “Xóm đàng trai” có cơ hội qua lại “xóm đàng gái” thường xuyên, nhưng không phải các anh tới nhà Huyền mà rằng thì là họ đến nhà chị nào họ mới làm quen được. Chú Tám không muốn chuyện vui chỉ riêng nhà chú, chú thu xếp cho từng đôi đưa, rước dâu. Chú cứ âm thầm làm việc mà chú cho là tốt. Ngày trọng đại của con trai chú Tám càng vui hơn khi người ta thấy má thằng Công Danh bên cạnh ba nó đi đón dâu, và chồng cô Thảo trở về cùng với cô trong đoàn đưa dâu, miệng cô luôn cười thay vì càu nhàu “đọc thần chú” như trước đây. Có lẽ sau này cô Thảo sẽ viết lại bản hợp đồng hôn nhân với chồng cô, phải thêm, bớt sao cho đẹp lòng cả hai, vì thời gian xa cách đủ cho cô nghiền ngẫm thế nào là phải, trái. Chú Tám hài lòng lắm, chú cứ gật gù nói thầm khi nghĩ đến những cặp lòng trong như đã…“Chỉ chờ chúng nó tuyên bố yêu nhau là xong nhiệm vụ của ta”. Riêng cô Nga vẫn xinh đẹp và vẫn…dữ, nên không có anh nào bén mảng đến nhà cô, khiến cô thấy không vui khi nhìn người khác hạnh phúc, cô không tham gia lễ cưới mà còn hậm hực: “Chỉ có những kẻ ngốc mới khẳng định rằng thực sự yêu ai đó. Và chỉ có những kẻ dại khờ mới tin mình thực sự được yêu. Hừm! Lấy chồng đi, rồi sẽ sáng mắt ra nghen cưng!”. Với tánh cách đó, e rằng cô Nga còn cô đơn dài dài...
oOo
Nơi nào tình yêu có mặt, nơi đó sẽ ấm áp. Chỉ có tình yêu mới chữa lành vết thương do tình yêu gây ra, nên tôi (Người kể chuyện) xin kết thúc câu chuyện bằng cách sáp nhập hai xóm lại, để những người cô đơn ấy tìm thấy hạnh phúc mới, còn giữ được điều đó hay không là tùy vào việc họ biết sống vì nhau, chấp nhận sự khác biệt, vì có ai trên đời luôn hoàn hão mà không có lần mắc sai lầm, khuyến điểm, phải không?...
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
http://hothuymyhanh.blogspot.com/ |