SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

MÙA NÀO THỨC NẤY

nguyễn thị khánh minh

Nếu bạn đang liếm môi hy vọng tìm được món ăn dưới đây, thì coi như thất vọng rồi, vậy xin ghé qua quán Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng để tìm nhé. Hồi vừa qua tuổi sách hoa tím mực tím chi đó, mua cuốn ấy về cứ tưởng sẽ được “phiêu” sướt mướt với cái gì đó lãng mạn, bởi cái tựa đề nghe tình quá sức, dè đâu, tác giả giới thiệu món ăn theo mùa và nói lên cái thú hưởng một trong những cái khoái nhất ở đời, là ăn, một khoái-lạc-thơ-mộng Vũ Bằng. Từ ấy, để ý đến cách thưởng thức, không cứ là thú ăn uống, mà mọi thú sống ở đời. Thế nào để trọn vẹn đôi đường với những vui sống về mặt giác quan lẫn tâm thức. Đó là điều tôi nhặt được sau khi đọc Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng, cũng như Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Cách họ tán thưởng, hưởng thụ thú vui, đều mang hồn văn chương nghệ thuật, họ hòa chất thơ, chất cao nhã vào những lạc thú trần gian. Thật là Biết sống, theo tôi.

Hạnh Phúc của ta thuộc về cảm giác... Một thứ triết học cao thượng phải tạo được cho ta niềm tin vào cái cơ quan đẹp đẽ, nơi tiếp nhận cảm xúc, là cơ thể ta đây. (Sống Đẹp)

Nghĩ như thế thật nhân bản, ngẫm lại thì có phải ngũ quan khiến tâm trạng vui vẻ hay u buồn hay không? Tôi gọi đó là cái tâm-trạng-đáp-lời.

Nhưng cũng phải nói thêm ý tôi, không phải tất cả bắt đầu từ giác quan, có khi cảm xúc tinh thần đưa đẩy hay chế ngự để thân xác có trạng thái dễ chịu. Vũ Bằng gắn liền cái ăn vào nỗi lòng tương tư cố lý, thành ra món ăn trở nên không chỉ là ngon của lưỡi mà còn truyền đi thi vị của tâm tư. Và cảm xúc u hoài ly hương ấy khiến món ăn càng thêm đậm đà, hóa thành nỗi nhớ. Rõ là có qua có lại.

Phải nói Vũ Bằng thanh lịch mà hưởng những thời trân. Này nhé, ở miền nam nhớ về quê bắc vào độ tháng giêng trăng non rét ngọt, ông đi từ cái nỗi say sưa, con vật nằm thu hình trốn rét thấy nắng ấm thì bò ra nhẩy nhót kiếm ăn, thấy trời trong mây nõn rung động như cánh con ve mới lột, sinh ra cảm giác thèm ăn và ăn thiệt ngon một bữa cơm giản dị cà om thịt thăn với lá tía tô... Thế có phải từ Nhìn đi tới Cảm Khoái mùi vị món ăn, rồi cùng dẫn nhau đến ngõ Cảm Xúc?

... khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ, nên thơ... đôi vai mầu ngà ai thơm ngát hương cau. Chẳng còn biết chuột lắt léo mèo đi hay mèo đuổi chuột. Nhưng mà bạn ơi, cảm giác để thấy hạnh phúc một cách nên thơ như thế, là “chuẩn” rồi.

Tôi mê nhất cái lúc Vũ Bằng tháng hai tương tư... Khởi đi từ mùi hoa sữa -ngửi-, đêm -nghe- mưa ngâu sụt sùi, nhóm lửa thổi một nồi cơm gạo vàng ăn với thịt gà mái ấp (gà mái được rồi, sao phải gà mái ấp thưa ông?) để rồi -cảm thấy- sao tháng hai nó ngắn quá, bây giờ thì giác quan mở rộng cửa cho mơ mộng, người đàn ông thấy mình lạc phách, rơi vào giấc mộng hoa đào sơn nữ mặc váy thủy ba đu đưa ven suối. Bạn thấy lộ trình ấy không. Bắt đầu từ giác quan, ngửi-nghe-ăn rồi dẫn đến cảm xúc về thời gian, tiếp thêm bước nữa, mơ mộng… mối liên hệ hỗ tương giữa thể chất và tinh thần.

Với quả đào biên thùy Bắc Việt thì, đưa lên miệng -cắn- giựt mình vì cái thơm của đào... lại càng -cảm thấy- trái đào hé mở đẹp không biết bao nhiêu... gớm cho nhà thơ nào đã dùng hai chữ “nhụy đào” ... Đấy, Vũ Bằng để cho cái ngon của vị giác dẫn đường tới liên-tưởng…

Đến tuyết lê của xứ Lào Cai, lê như một trái cây bằng thủy tinh, gõ cho bụi tuyết rơi, ăn từng miếng nhỏ, dịu hiền và thơm ngát thơm ngào: một rung động cùng lúc của cảm xúc và thính giác. Ông tả cái ngon của mỗi thứ quả, có tính cách riêng biệt cũng như mỗi dây trong chiếc tỳ bà reo lên một thứ tiếng tơ đồng khác nhau... Có phải là mình thương yêu phần tử nên yêu luôn từ bông hoa mà yêu xuống đến trái cây, yêu từ cái lá hoè lăn tăn yêu lan sang chùm hoa mộc? Tôi đưa ra những hình ảnh trên chỉ là muốn nói rằng tinh thần và thể chất đều có tác động như nhau trong trạng thái hạnh phúc.

Trong gió non của mùa xuân, mùi mưa đêm còn váng vất đâu đó trong hương lá và nhựa cây, hay tôi vừa trôi ra từ mầu xanh nostalgia của tranh Đinh Cường mà bỗng lãng đãng đến u buồn ruột gan vậy. Chắc là đang đi tìm giấc mơ trong hương gây mùi nhớ của thời gian. Cái giấc mơ sương khói địa linh... Thôi thì...

Cứ như chiếc lá phiêu du trên dòng thời gian, nhấp nhô những đậm phai, chắc rồi sẽ bắt gặp được một nhịp nghỉ nào đó vừa đúng cái rơi của giấc mơ. Trong 2 tỉ 500 triệu lần đập của trái tim một đời người, ít ra cũng cho tôi một vài, để đập nhịp của giấc mơ chứ, đó là lúc thực của giấc mộng cuộc đời. Ảo thực ấy đưa tôi đi qua từng phút giây của cuộc sống này với một cảm giác hưởng thụ, biết ơn. Cất bước mà đi vào buổi xuân sớm, chả phải là hợp lúc, cho mầm tươi đang lục sục trong người hé lên chồi hớn hở với đất trời phức thơm đó sao.

Ở bảo điện Đại Hùng chùa Thiên Mụ có bốn ô khắc thơ chữ Hán xen giữa các bức cảnh sắc Huế, là bài ngũ ngôn tứ tuyệt này, Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà trì, Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch tuyết thi. Mùa nào thức nấy. Dường như hợp ý lắm, cái quan niệm sống để hạnh phúc như thế. Thời bây giờ người ta đã có nhiều cái thú khác với miền cỏ thơm, ao sen, rượu cúc, thơ tuyết rồi, nhưng lúc này, tôi muốn trôi đi với bài cổ thi du du. Chắc là tôi sẽ nắm được áo lãng tử Thôi Hiệu ở miền cỏ thơm để xin Người vài câu bạch tuyết thi...

Xuân du phương thảo địa... Mùa xuân dạo chơi miền cỏ thơm. Chan chứa rong chơi nhàn tản, yêu thích vì cái khơi gợi mênh mông đường dài đánh động bước chân bó rọ của mình. Áo mùa Xuân đã dậy mùi, tung tăng đi mà hít thở hương đổi thay của đất trời để cơ thể rạo rực xuân khí. Lan man giữa miền thơm để đàn thời gian lại rung lên những phím thanh xuân.

Tưởng như nhịp sinh học con người đang đập nhịp của thiên nhiên. Trong dòng chảy nôn nao về tim ấy, bạn đẩy mùa xuân mình tới đâu mà chẳng thấy cận kề được cái thơm tho mới mẻ của cuộc sống? Có thể buông đi những bận bịu theo những cánh én bay về mái vòm đỏ giáo đường San Juan Capistrano trong tiếng chuông gọi ước hẹn mỗi đầu xuân, đọc một tản văn của Nguyễn Xuân Thiệp biết là chim én đã quên lời thề không trở lại, nhưng hề gì, hẹn ước càng dài càng nên thơ đá vàng. Có thể theo hương gió mà đến một cánh đồng hoa poppy ngàn vàng để hít đầy lồng ngực mùi đất trời hừng hực tiết xuân phân California.

Bạn thân thiết ơi, mưa tầm tã ở đây đang mở những mơ xa, bạn có muốn theo tôi tới miền xa ký ức? Biết đâu bạn sẽ lấy thêm được năng lượng từ hương xuân thơ dại để đi tiếp những hạ thu đông? Thì hãy cùng tôi,

Ao mùa hạ sen nở, búng thuyền đi mà thưởng lục hà trì. Sen thì siêu sao rồi. Tôi muốn nhắc đến một loài sen ngủ gọi là tiên tử kia. Hoa súng. Sen vừa tàn thì súng lại tím ngát. Nó tựa mình trên nước nở hết sức tự tin, bung mầu tím pha hồng, Chế Lan Viên lại bảo, cái mầu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc / chỉ lặng yên sắc tím để mà đau. Sao vậy, có lẽ nhà thơ buồn theo những cánh thụy liên úp mặt trong đêm tối?

Tôi thì đắm đuối đê mê hồ súng của Monet. Mùa hạ, nhắm mắt mơ một cái thấy mình rơi xuống mảng xanh tím miên man Monet thì chắc chết đi được. bay đi / bay đi / vỡ tôi hạt tím / rơi như mơ / những đóa water lilies / tiếng cọ Monet phết long lanh đôi cánh / thiêm thiếp tôi / hồ mộng... Thưa, hạ thưởng lục hà trì của tôi đấy.

Còn cái thú của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao*. Ơ, chắc mùa xuân hồ chưa có sen nên rộng đường cho Người tắm táp, và ao trước nhà trong cho Người hưởng nước mát vào ngày hè oi ả. Mấy ai đủ bản lãnh để sống đơn giản thế...

Sang thu, có bạn thân mời nhau một chung rượu hoa cúc vàng để thấm vào lòng cái hắt hiu Thu ẩm hoàng hoa tửu, cúc vàng cất thành rượu như thế nào, và cũng không biết ở đâu bán, tôi sẽ làm hay sẽ mua, để dành cho hơi ấm tình bạn mùa thu (rượu vang Calif. cũng tuyệt bạn ơi). Tự hỏi cớ gì mùa thu lại uống rượu hoàng hoa? Biết từ lâu theo sách, thì vào tiết Trùng Cửu ngày 9 tháng 9 âm lịch, số 9 thuộc dương nên còn gọi tiết Trùng Dương, là mùa thu khi cúc vàng nở rộ, chắc có nhiều hoa cúc để làm rượu, hay uống rượu bên hoa cúc? Theo lời cô Viên Trân “cô bán rượu cao cấp” ở Việt Nam thì hoàng hoa tửu, làm bằng hoa cúc Ấn Độ và gạo nếp, đựng trong bình hạ thổ từ sáu tới mười năm. Có không? Thế thì hơi đại gia.

Ngõ vườn nhà tôi có một hàng hoa cúc, cúc mùa Thu thì quả là ánh vàng rực rỡ trên nền u xám buồn, nên quyến luyến người ta lắm. Bỗng liên tưởng đến nghĩa bóng của chữ hoàng hoa, chỉ sự xa vắng, nơi hiu quạnh, là do tích con trai Tàu xưa, đến tuổi, phải lên đường đi lính lại đúng vào thu hoa cúc nở, Kinh Thi có câu Người đi lính thú phương xa nhớ nhà làm thơ hoàng hoa... Chinh Phụ Ngâm cũng Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài... Người xưa lại sánh cúc mùa thu với khí tiết người quân tử nữa. Mới nói, hội đủ mọi yếu tố hấp dẫn để mời bạn, vào thu nâng chén rượu hoa vàng. Nếu không có tửu thì tôi có thể cùng bạn, chén trà bằng sứ trong đó một đóa cúc trắng xoè mềm mại hơi thu cũng được chứ. Hẹn nhé.

Lại nghe, Tuyết Giang Phu Tử, có thú thu ăn măng trúc*, ai cùng tôi, một đĩa măng luộc, tước thành sợi, trộn với rau thơm, tỏi, mè, lạc rang, xíu nước mắm, ít giọt chanh, xúc với bánh tráng nướng, và rượu gì mà bạn thích, ngồi bên thềm hoa cúc, cùng nhau? Thế là trọn vẹn mùa thu. Hay là mùa Thu cuộc đời, thì chẳng còn buồn cái chữ trần ai.

Nghĩ thèm cái thong thả của người xưa. Đông ngâm bạch tuyết thi, tôi có nhiều thơ lắm (!) ngặt ở miền Nam Calif. mùa đông không có tuyết nên chưa được kinh nghiệm đọc thơ hòa với mầu trắng lạnh câm. Mất một nửa cái trọn. Nhưng mà, hình như trong mỗi trầm lặng tâm tư, ai cũng có một miền tuyết lạnh, để mỗi khi đông đời một mình lắng vào, nghe một vọng âm xa ... ta khắc thơ trong tuyết, chờ nhau... Chờ là một chữ rất dài, tuyết lại rất mỏng rất xa... (chữ xiên, thơ Nguyễn Lương Vỵ)

Mơ màng tưởng... Kia cái cảnh u cư, gió tre xao xác lạnh, trong vườn, có ngôi nhà bằng gỗ, nền gạch nung nâu nâu. Ngồi bên chiếc bàn sơ sài, so đũa cùng Bạch Vân cư sĩ đông ăn giá*

... Từ sớm tôi đã muối một ít giá tươi với hành, Người không thích hẹ, rồi với hai bìa đậu mua vài xu từ cô gái bên kia dậu mồng tơi, cắt thành những miếng vuông, một nửa lăn qua mè muối, một nửa lăn qua cốm xanh. À, cốm này Người để dành từ độ thu rồi, gói vào một vuông lá chuối khô rồi để vào cái âu đất đặt cạnh cửa sổ mát lạnh hương khuya. Đậu ấy chiên dòn ăn kèm dưa giá muối sổi, gạo quê nghe như còn mùi đòng sữa, với những bát đĩa sành thô, không tròn trịa của khuôn thước, chiếc đĩa hơi vênh, ấy thế mà ai được hít thở một không khí trang nghiêm kẻ sĩ lạ thường. Cũng hợp lòng khi đọc thơ cùng Người, bạch tuyết thi thì chắc không vui. Thơ càng buồn thì cảm càng động. Muốn trang nghiêm quạnh quẽ với đông hàn sĩ kia phải sắm sửa mình với cái buồn, “chỉ nỗi buồn mới thực của ta, riêng” (Du Tử Lê).

Dường như trải dài miền cỏ thơm Anh Vũ đến tận ao tắm mùa hạ kia, tôi nghe phiêu du tiếng Thôi Hiệu, trong khói sóng trời chiều hương quan hà xứ thị**... Cõi vắng vẻ Bạch Vân vang lên những lời thơ nôm đáp lại, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / người khôn người đến chốn lao xao*... Làm sao để theo được lời dạy của Người, đi giữa cõi lao xao bằng một tâm an tịnh? Và tôi thấy hai người thơ ấy, rượu đến cội cây, ta sẽ uống / nhìn xem phú quí tựa chiêm bao. Coi như đã đi qua một vòng thời gian xuân hạ thu đông... rồi xuân. (À, bạn có coi phim này chưa?)

THÊM MỘT MÙA THỜI GIAN...,

Nghe nói nhiều rằng, ta phải quên đi thời gian, đồng ý thôi, nhưng sao phải quên khi bản chất của nó là phôi pha? Theo định nghĩa ở Wikipedia thời gian là thuộc tính của vận động, và chỉ có một chiều duy nhất quá khứ hiện tại, đến tương lai (có chiều ngược lại không nhỉ?)

Thời gian đối với riêng tôi là một dòng chảy mộng ảo, mặc chiều đi tới, chẳng cần biết khi nào thì con người khám phá ra con đường đi ngược, mỗi khi chuông cảm xúc reo là cảm thấy những điều đã hay chưa thuộc về nó, thời gian. Thưởng thức nó như, đi đường xa, uống một ly nước đầy cho đến cạn, một hơi. Dặn dò đừng nặng lòng với quên, nhớ, nó đến, nó đi, nó ở, cứ sẵn lòng mà đón, rồi đưa, thôi thì, hoài niệm, hay giấc mơ, là điểm nào đó của đêm hôm qua, sáng ngày mai, ngày kia, kìa...

Ai đó đã nói, người ta thật sự không quên điều gì cả, chỉ có là mỗi lúc người ta biết cách đối xử hơn với những điều đã qua. Tôi tin mỗi lúc ấy là mỗi nhẹ lòng đi và biết rõ giá trị của phút giây đã, đang sống. Trong dòng chảy ảo mộng ấy, có những thăng giáng tình cờ, để nẩy một nốt nhạc thời gian không chuẩn thang âm. Lửng lơ. Đó là lúc tấm gương trong suốt của thời gian long lanh dưới chân, soi tỏ bước tôi đang đi, ... Phương đông hẹn nên chân trời rất khác / Thao thao con đường kể chuyện hôm nay...

Đó là lý do tôi rủ bạn đẩy cánh cửa ký ức, bạn thân của tôi. Tôi tin nơi cuối trời cánh diều ước mơ sẽ đặt vào bàn tay chúng ta sợi dây lộng gió ngày cũ, chỉ cho chúng ta biết cõi hẹn của ngày mai. Và chúng ta yên tâm với những bận bịu của phút giây này, trả ơn thời gian đang làm cho chúng ta vui sống, hôm nay.

Trên thềm nhà tôi đọng thẫm nước mưa, những cánh mai rụng như bèo dạt, và trên cành vẫn đang nở tiếp những nụ vừa hé hồi tinh mơ, Hôm Nay đấy.

Đáng lý tôi đã tạm biệt bạn để đi với ngày đang đến. Nhưng ông thầy dạy anh văn (là nhà văn Nguyễn Tiến Đức) vừa kể cho tôi nghe một tai nạn giao thông của một cô gái 23 tuổi, khi cảnh sát điều tra hiện trường thì biết trong điện thọai của cô, cái text cuối cùng là cho người yêu với bốn chữ xxxx (là nụ hôn). Một cái chết trong những phút cuối với những nụ hôn gửi trong máy (cõi trời mung lung?) Thật nao lòng người. Tôi sững sờ trước hình ảnh vừa buồn vừa đẹp não nùng của hạnh phúc. Một tích tắc ác mộng đưa cô vào vĩnh viễn thời gian một giấc chiêm bao bất tận những nụ hôn với người yêu. Ai nói mùa xuân sẽ tàn, ai cho là thời gian sẽ qua, có một mùa xuân ở mãi với đất trời qua thông điệp nụ hôn của hạt bụi ngây thơ ấy.

Cho dù có rất ít điều đẹp đẽ trong cuộc đời đi nữa, huống chi là chúng ta đã có nhiều, thì thời gian cứ ảo mơ chở chuyên những đến, những đi, những ngẫu nhiên tình cờ, cho ta được sống, được lập lại cảm xúc, được nuôi nấng cảm xúc, để sẵn sàng với một ngàn lần hơn, những dự báo bất an của ngày mai.

Xin mời cạn chén mùa xuân với bao nhiêu hương vị, Cá Tháng Tư, Easter, Phật Đản, Ngày của Mẹ, Ngày Của Cha, Memorial Day, Flag Day..., rồi sẽ, bạn thân ơi, Hạ thưởng California lộng lẫy nắng vàng.

Santa Ana, 30 tháng 3.2014
ntkm


* Bài thơ “Nhàn” trong tập thơ Bạch Vân Quốc Âm Thi Tập, viết bằng chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú đường luật của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn năng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”

** trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu: ... Phương thảo thê thê Anh Vũ châu / Nhật mộ hương quan hà xứ thị:  ... Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ xanh tươi / Trời về chiều, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024