Ngàn ánh dương rực rỡ
Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch
Chương 46
Laila
Laila nhận biết có gương mặt ở bên trên, hàm răng ám thuốc lá và đôi mắt báo điềm sẽ đến. Cô cũng lờ mờ nhận ra sự hiện diện của Mariam phía sau gương mặt kia, hai bàn tay Mariam đấm túi bụi. Phía trên hai người là trần nhà, và Laila bị lôi kéo chú ý tới nó, tới những đám mốc đen lan trên trần nhà như vết mực lan trên chiếc áo dài, tới vết hồ nứt trông giống như nụ cười lãnh đạm hay cái cau mày, tùy theo nhìn từ chỗ nào trong phòng. Laila nhớ tới những lần cô cột miếng giẻ vô cái chổi để quét màng nhện trên trần nhà đó. Ba lần cô và Mariam đã sơn trắng cái trần đó. Vết nứt bây giờ không còn là nụ cười nữa mà là một miếng da chế nhạo càng lúc càng lùi xa. Trần nhà co lại, rút cao lên, càng xa và trở nên mờ nhạt. Tiếp tục rút lên cho tới khi chỉ nhỏ bằng con tem, trắng và sáng trưng, mọi thứ chung quanh bị bóng tối xóa nhòa. Trong bóng tối, gương mặt của Rasheed như cái đốm đen che mặt trời.
Giờ thì những đốm sáng chói lòa cứ lóe lên như những ngôi sao bạc cứ chớp nổ trước mắt Laila. Trong ánh sáng đó, những hình thể hình học lạ kỳ, những con giun, những vật thể hình quả trứng chuyển động lên xuống, qua lại, nhập vào nhau, tách ra, biến dạng, để rồi mờ dần nhường chỗ cho bóng tối.
Những tiếng nói tắt nghẹn, xa xôi. Sau đôi mi khép, gương mặt hai đứa con bừng lên và vụt tắt. Aziza, tánh cẩn thận và gánh vác, hiểu biết và kín đáo. Zalmai, luôn háo hức tôn sùng cha nó.
Rồi sẽ kết thúc như thế này, Laila nghĩ. Một kết cục đáng thương.
Nhưng sau đó, bóng tối dần dần tan. Laila có cảm giác bay bổng, được nâng lên. Trần nhà từ từ hiện trở lại, mở rộng ra, và bây giờ Laila lại nhìn thấy vết nứt là nụ cười đần độn như trước.
Có ai đang lay Laila. Em có sao không? Trả lời đi, em có sao không? Gương mặt của Mariam, đầy vết trầy xước và đầy lo âu, chập chờn trước mặt cô.
Laila thử thở, nhưng cổ họng cô như bị cháy. Cô thử lần nữa. Càng nóng rát hơn, mà không chỉ trong cổ họng mà còn cả trong lòng ngực. Sau đó cô ho, và thở khò khè. Thở hổn hển. Nhưng thở được. Cái tai tốt chợt ù lên.
Điều đầu tiên Laila nhìn thấy lúc cô ngồi dậy là Rasheed. Y nằm ngửa, mắt đứng tròng không chớp, miệng há hốc. Chút bọt mép hơi hồng chảy dài trên má. Phía trước quần của y bị ướt. Laila nhìn thấy trán của y.
Rồi cô nhìn thấy cái xẻng.
Tiếng rên bật lên từ miệng Laila. “Ôi,” giọng cô run nói không ra tiếng, “Ôi, Mariam.”
Laila đi tới đi lui, vừa rên rỉ vừa đập hai tay vào nhau, trong khi Mariam ngồi gần bên Rasheed, hai tay trong lòng, bình tĩnh và bất động. Một lúc lâu Mariam không nói gì.
Laila lắp bắp, miệng khô quánh, người cô run lên bần bật. Cô cố gắng để không nhìn Rasheed, cái miệng méo xệch và đôi mắt mở trừng của y, vết máu đọng trong chỗ hõm xương đòn.
Bên ngoài, ánh sáng mờ dần, bóng tối càng tăng. Trong ánh sáng đó, mặt Mariam trông gầy và khắc khổ, tuy nhiên không có vẻ khích động hay sợ hãi, chỉ lo và bận suy nghĩ đến độ con ruồi đậu lên cằm, nàng cũng chẳng quan tâm. Mariam cứ ngồi đó, thừ ra, môi dưới đưa ra như thói quen những khi nàng tư lự.
Cuối cùng nàng cất tiếng, “Ngồi xuống đi, Laila.”
Laila ngoan ngoãn ngồi xuống.
“Mình phải di chuyển ông ta. Zalmai không thể nhìn thấy cảnh này.”
Mariam lôi trong túi Rasheed ra cái chìa khóa phòng ngủ trước khi hai người quấn y lại với tấm khăn trải giường. Laila nắm hai chân của Rasheed, phía sau đầu gối, còn Mariam, dưới hai cánh tay. Hai người cố nhấc Rasheed lên nhưng y nặng quá, cuối cùng họ phải kéo lôi y. Khi kéo qua cửa trước để ra sân, một bàn chân của Rasheed mắc vô ngạch cửa làm cái chân của y banh ngang. Thế là họ phải lùi lại và thử lần nữa, thì lúc đó có tiếng đập mạnh trên lầu, thế là chân Laila quỵ xuống. Cô buông Rasheed, ngồi thụp xuống đất khóc nức nở và run lên, khiến Mariam phải đến bên cô đứng chống nạnh, bảo cô phải bình tĩnh lại, chuyện đã xảy ra rồi không thể thay đổi.
Sau một lúc, Laila đứng lên, lau nước mắt, và họ đem Rasheed ra tới sân suông sẻ. Họ lôi y vô trong nhà kho, bỏ y sau cái bàn làm việc trên đó có cái cưa, đinh, cái đục, cái búa của y và một khúc gỗ tròn mà y định dùng để đẽo món gì đó cho Zalmai nhưng tới giờ vẫn chưa làm.
Sau đó họ trở vô nhà. Mariam rửa tay, đưa tay chải tóc, hít một hơi thật mạnh rồi thở ra. “Bây giờ để chị lo mấy vết thương của em. Em bị cắt nát hết rồi, Laila.”
Mariam nói cần một đêm để suy nghĩ. Để tập trung tư tưởng và nghĩ ra một kế hoạch.
“Phải có cách,” Mariam nói, “và chị phải tìm ra.”
“Mình phải đi! Mình không thể ở đây được,” Laila nói với giọng nghẹn ngào, khàn khàn. Laila thốt nhiên nghĩ tới âm thanh của cái xẻng lúc đập xuống đầu Rasheed, và người cô chợt ngã chúi về phía trước, miệng đắng ngắt.
Mariam kiên nhẫn chờ cho Laila bình tỉnh lại. Rồi nàng bắt Laila nằm xuống, và trong lúc nàng vuốt tóc Laila, Mariam bảo Laila đừng lo, mọi sự sẽ êm đẹp. Mariam nói họ sẽ đi – Mariam, Laila, hai đứa nhỏ và Tariq nữa. Họ sẽ rời khỏi ngôi nhà này và cái thành phố chẳng biết tha thứ này. Họ sẽ cùng nhau rời bỏ đất nước tuyệt vọng này, Mariam nói, trong khi bàn tay nàng không ngừng lùa vô mái tóc Laila, đi đến một nơi xa xôi và an toàn không ai tìm ra họ, một nơi họ có thể ẩn trú và dứt bỏ quá khứ.
“Một nơi nào đó có cây xanh,” Mariam nói. “Ừ, thật nhiều cây xanh.”
Họ sẽ sống trong một căn nhà nhỏ ven thị trấn nào đó mà họ chưa bao giờ nghe nói đến, Mariam nói, hay ở một ngôi làng hẻo lánh đường xá nhỏ hẹp, không trải nhựa nhưng hai bên có đủ loại cây và bụi cỏ. Có lẽ sẽ phải đi đến bằng con đường mòn, con đường dẫn đến một đồng cỏ nơi trẻ con có thể chơi đùa, hay có lẽ một con đường trải sỏi dẫn họ đến một hồ nước trong xanh có cá hương bơi và lau sậy mọc. Họ sẽ nuôi trừu và gà, và họ cùng nhau làm bánh mì và dạy các con đọc. Họ sẽ tạo cuộc sống mới cho chính họ - một cuộc sống an bình, tịch mịch – và ở đó họ sẽ cất đi gánh nặng những gì họ đã phải chịu đựng, và rồi họ sẽ xứng đáng được hưởng tất cả những điều hạnh phúc và phồn thịnh đơn sơ mà họ sẽ tìm thấy.
Laila thầm thì hưởng ứng. Sẽ là một cuộc sống đầy rẫy khó khăn, Laila hiểu, nhưng thú vị, những khó khăn họ có thể tự hào, có thể chiến thắng và trân quý như báu vật gia truyền. Giọng nói êm ái, mẫu tử của Mariam tiếp tục vang lên, đem lại phần nào an ủi cho Laila. Sẽ có cách, Mariam đã nói, và sáng ngày mai Mariam sẽ cho Laila biết những việc phải làm, rồi họ sẽ làm, và có thể giờ này ngày mai họ sẽ đang trên đường tiến đến cuộc sống mới của họ, một cuộc sống giàu cơ hội và niềm vui cùng những khó khăn họ sẵn sàng chào đón. Laila biết ơn Mariam đã lo toan tất cả, đã sáng suốt và tỉnh táo, suy nghĩ giải quyết vấn đề cho cả hai trong lúc trí óc của cô là một mớ hỗn độn.
Mariam đứng lên. “Bây giờ em phải đi lo cho con đi.” Trên mặt của Mariam, Laila bắt gặp vẻ cam chịu nàng chưa từng thấy ở một người nào bao giờ.
Trong bóng tối, Laila thấy nó đang nằm co người trên giường phía chỗ nằm của Rasheed. Laila chui vô nằm cạnh nó và kéo mềm đắp cho cả hai.
“Con ngủ chưa?”
Không quay lại nhìn cô, nó nói, “Chưa ngủ được. Ba chưa đọc kinh với con.”
“Hay là mẹ đọc với con tối nay nhé.”
“Mẹ không đọc được như ba.”
Laila bóp đôi vai nhỏ bé của nó, hôn lên gáy nó. “Mẹ thử đọc nhe.”
“Ba đâu rồi?”
“Ba đi rồi.” Laila nói, cổ họng nghẹn lại.
Và như thế, lần đầu tiên lời dối trá to tác, tội lỗi đã được thốt lên. Còn bao nhiêu lần nữa phải nói dối? Laila đau khổ tự hỏi. Còn bao nhiêu lần nữa cô phải dối gạt Zalmai. Cô hình dung cảnh thằng bé tưng bừng chạy đến mừng cha về và cảnh Rasheed bế nó lên, quay nó vòng vòng cho tới khi hai chân nó duỗi thẳng ra, để sau đó cả hai cha con cùng cười khúc khích khi Zalmai loạng choạng như người say rượu. Cô nhớ đến cảnh hai cha con chơi bày bừa và cười om sòm, đến ánh mắt bí mật của hai người.
Laila cảm thấy buồn và hổ thẹn với con.
“Ba đi đâu?”
“Mẹ không biết con à.”
Chừng nào ba nó về? Khi về, ba có mang quà cho nó không?
Laila đọc kinh với Zalmai. Hai mươi mốt lần - một cho mỗi đốt của bảy ngón tay.
Laila nhìn thằng bé úp hai bàn tay lên mặt, thổi, rồi đặt lưng bàn tay lên trán, làm động tác liệng bỏ, nói thì thầm, đi đi, đừng đến Zalmai, Zalmai không muốn. Ɖi đi. Sau đó, để kết thúc, hai mẹ con đọc kinh Kính Mừng ba lần. Khuya lắm đêm đó, Laila giật mình bởi có tiếng nói thật nhỏ: Có phải ba đi vì con không? Tại con kể về mẹ với cái ông ở dưới nhà phải không?
Laila cúi xuống, muốn trấn an thằng bé, muốn nói Không phải tại con đâu Zalmai. Không. Con không có lỗi gì cả. Nhưng thằng bé đã ngủ, ngực nó nhỏ xíu phập phồng lên xuống.
Lúc đi ngủ, trí óc Laila bị bóp nghẹt, che mờ, không thể suy nghĩ một cách thăng bằng và hợp lý. Tuy nhiên lúc cô thức dậy theo tiếng gọi cầu nguyện buổi sáng, thì cái màn mù mờ gần như đã giở lên.
Laila ngồi dậy nhìn Zalmai ngủ một lúc, bàn tay nó nắm lại đặt dưới cằm. Laila hình dung giữa đêm trong khi cô và Zalmai đang ngủ, Mariam đã bước thật nhẹ vô phòng, nhìn hai mẹ con rất lâu, tính toán kế hoạch trong đầu.
Laila tuột xuống giường. Phải khó khăn lắm mới đứng lên được. Khắp người cô đau. Cổ, vai, lưng, cánh tay, đùi, tất cả đều hằn dấu cắt của khóa giây nịt của Rasheed. Mặt nhăn vì đau, Laila lặng lẽ rời khỏi phòng ngủ.
Trong phòng của Mariam, ánh sáng đậm hơn màu xám, màu ánh sáng này luôn làm Laila liên tưởng đến tiếng gà gáy và sương rơi trên lá cỏ. Thật chậm, Laila hạ người ngồi xuống đất, đối diện Mariam.
“Em phải đi thăm Aziza sáng nay,” Mariam nói.
“Em biết chị tính làm gì.”
“Đừng đi bộ. Đi xe buýt, để khỏi bị chú ý. Taxi thì dễ lộ, chắc chắn em sẽ bị chặn lại nếu đi một mình.”
“Những điều chị hứa tối hôm qua …”
Laila không nói được hết câu. Cây cối, hồ nước, ngôi làng không tên. Chỉ là ảo tưởng, chỉ là lời nói dối đáng thương để xoa dịu, để an ủi đứa bé khốn cùng.
“Là những điều chị thật sự muốn,” Mariam nói. “Chị thật sự muốn cho em, Laila.”
“Em không muốn điều gì cả nếu không có chị,” giọng Laila khàn.
Mariam mỉm cười gượng gạo.
“Em muốn như chị nói đó, Mariam, tất cả chúng ta cùng đi, chị, em, hai đứa nhỏ. Anh Tariq có một chỗ ở Pakistan. Mình có thể ẩn náu nơi đó một thời gian, chờ cho mọi chuyện lắng xuống -”
“Đâu có được,” Mariam kiên nhẫn nói, như cha mẹ nói với đứa con có tâm tốt nhưng bị súi bậy.
“Mình sẽ lo cho nhau,” Laila nghẹn ngào nói, nước mắt tuôn rơi. “Như chị nói. Không. Lần này em sẽ chăm sóc cho chị.”
“Laila ơi.”
Laila lắp bắp nói, hứa sẽ làm tất cả công việc vệ sinh trong nhà, tất cả việc nấu nướng. “Chị sẽ không phải làm gì cả. Không bao giờ phải làm gì nữa. Chị chỉ nghỉ ngơi, ngủ cho đã, làm vườn thôi. Chị muốn gì, cứ nói em biết, em sẽ có cho chị. Đừng làm vậy Mariam. Đừng bỏ em. Đừng làm tan nát trái tim của Aziza.”
“Ăn cắp bánh mì, họ chặt tay,” Mariam nói. “Em nghĩ họ sẽ làm gì khi họ tìm thấy một người chồng bị chết và hai người vợ mất tích?”
“Có ai biết đâu,” Laila thở mạnh. “Không ai tìm ra mình.”
“Họ sẽ tìm ra. Sớm muộn thôi. Họ là chó đánh hơi.”
Giọng của Mariam nhỏ và thận trọng, khiến những lời hứa hẹn của Laila nghe kỳ cục, giả dối và điên rồ.
“Mariam, em xin chị -”
“Khi họ tìm được mình, thì em cũng sẽ có tội như chị. Tariq cũng vậy. Chị không thể để cho hai em sống trốn chui trốn nhủi. Các con của em sẽ ra sao nếu em bị bắt?”
Mắt Laila cay xè, nước mắt dâng trào.
“Rồi ai sẽ lo cho chúng?Taliban hả? Phải suy nghĩ như một người mẹ, Laila. Suy nghĩ như một người mẹ. Như chị.”
“Em không làm được.”
“Em phải làm được.”
“Thật không công bằng,” Laila kêu lên.
“Có. Em đến đây. Đến đây nằm.”
Laila bò đến bên Mariam và một lần nữa gối đầu lên đùi Mariam. Laila nhớ lại những buổi trưa họ đã sống bên nhau, bím tóc cho nhau, Mariam kiên nhẫn lắng nghe những ý tưởng lan man và những câu chuyền tầm thường của Laila với vẻ biết ơn, với vẻ mặt của người được ban cho ân huệ độc đáo, đáng thèm.
“Công bằng chứ,” Mariam nói. “Chị đã giết chồng của chúng mình. Chị đã cướp đi cha của con em. Chị không thể trốn chạy. Không thể được. Dù cho họ không bao giờ bắt được chúng mình, chị cũng chẳng thể nào …” Môi Mariam run lên. “Chị chẳng thế nào thoát được sự đau khổ của con trai em. Làm sao chị nhìn mặt nó được? Làm sao chị còn có can đảm nhìn mặt nó hả Laila?”
Mariam xoắn một lọn tóc của Laila, gỡ rối một lọn tóc khác.
“Đối với chị, mọi chuyện chấm dứt ở đây. Chị không muốn gì hơn nữa. Tất cả những gì chị ao ước từ ngày còn bé, em đã cho chị hưởng. Em và các con em đã mang lại cho chị thật nhiều hạnh phúc. Không sao đâu Laila. Không sao đâu. Em đừng buồn.”
Laila chẳng tìm ra được câu trả lời hợp lý cho những điều Mariam nói. Tuy nhiên Laila cứ lan man nói, thiếu mạch lạc và ngây thơ, về những cây ăn trái còn phải trồng và những con gà họ còn phải nuôi. Laila miên man nói về những ngôi nhà nhỏ ở những thị trấn vô danh, những cuộc dạo chơi đến những hồ đầy cá. Và rồi cuối cùng, khi lời đã cạn, nước mắt thì không, Laila chỉ còn biết chào thua và khóc nức nở như đứa trẻ chịu phủ phục trước lý luận chắc nịch của người lớn. Laila chỉ còn biết cuộn tròn người và dấu mặt vào lòng ấm áp của Mariam một lần cuối.
Trời sáng tỏ, Mariam gói cho Zalmai một ít bánh mì với trái sung khô để ăn trưa. Cho Aziza, nàng cũng bỏ ít trái sung và mấy cái bánh ngọt hình những con thú vô một bao giấy và đưa cho Laila.
“Hôn Aziza dùm chị,” Mariam nói. “ Nói nó là ánh sáng của mắt chị và báu vật của lòng chị. Em nói dùm chị nhé?”
Laila gật đầu, hai môi mím chặt.
“Đi xe buýt, như lời chị dặn, và nhớ cúi đầu xuống.”
“Chừng nào em sẽ gặp lại chị, Mariam? Em muốn gặp chị trước khi em ra làm chứng. Em sẽ nói cho họ biết chuyện xảy ra như thế nào. Em sẽ giải thích đó không phải là lỗi của chị. Chị bị bắt buộc phải làm thế. Họ sẽ hiểu mà, phải không chị? Họ sẽ hiểu.”
Mariam dịu dàng nhìn Laila.
Nàng ngồi thụp xuống ngang tầm mắt của Zalmai. Thằng bé mặc chiếc áo thun màu đỏ, quần kaki rách tua tủa và mang đôi giầy bốt cao-bồi cũ Rasheed đã mua cho nó. Hai tay nó ôm trái bóng rổ mới của nó. Mariam đặt một chiếc hôn lên má nó.
“Bây giờ con ngoan, con lớn rồi,” Mariam nói. “Con phải đối xử đàng hoàng với mẹ con nhé.” Nàng đua hai tay ôm mặt nó. Nó kéo ra nhưng bị nàng giữ lại. “Dì xin lỗi con nhé Zalmai. Con hãy tin là dì rất lấy làm tiếc đã làm cho con đau buồn.”
Laila nắm tay Zalmai, và hai mẹ con cùng bước đi. Ɖến cuối đường, trước khi rẽ khuất, Laila quay lại nhìn và thấy Mariam đứng nơi cửa, đầu đội khăn màu trắng, mặc áo len màu xanh dương đậm cài nút phía trước, quần vải trắng. Một lọn tóc bạc lòa xòa trên trán. Những vạt nắng gạch chéo trên mặt và trên vai Mariam. Mariam trìu mến đưa tay vẫy.
Hai mẹ con bước rẽ, và Laila không bao giờ còn gặp lại Mariam.
(còn tiếp)
|