SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

Người đàn bà từ Gaza Strip

Người đưa thư không đậu chiếc xe bưu điện dưới bóng cây ở đầu con phố như mọi ngày mà lái thẳng vào xóm nhà tận cuối đường. Anh có một điện thư khẩn phải trao. Anh ngạc nhiên nhìn tàng hoa phượng tím sum suê che rợp cả khoảng đường. Có lẽ thường ngày mãi chú tâm với công việc khiến anh không để ý tới cảnh quang thay đổi chung quanh, ngay cả bóng mát trên đầu. Những ngày đầu bỡ ngỡ về đưa thư ở khu phố nghèo này, tàng cây phượng tím chưa phủ hết chiều dài chiếc xe thư của gã bưu tín viên mới vừa ba mươi. Đã bao buổi trưa, anh dừng chiếc xe dưới bóng cây, quàng lên vai chiếc xách hai màu trắng đỏ trĩu nặng thư từ, đứng nhìn con phố xuôi tắp vào xóm nhà rồi chậm rãi đếm bước. Bao ngày nắng hâm hấp nhựa đường vờn quyện từng lọn gió cát cuồng xoay con trốt. Bao ngày mưa nước trời rây nghiêng một màn xám ngắt không gian. Dù nắng hay mưa, khu xóm với những mái nhà thấp xỉn vẫn im lìm say giấc ngủ ngày. Người đưa thư vẫn âm thầm đều đặn làm công việc mình, lòng chẳng buồn vui nghi vấn. Đong đưa theo nhịp chân là chiếc xách bưu điện căng phồng thư từ đã được lựa xếp gọn gàng theo thứ tự địa chỉ của lộ trình. Thỉnh thoảng là tiếng chó sủa chào quen, hay ánh mắt chờ đợi sau rèm cửa sổ khép hờ anh chẳng mấy bận lòng. Đứng trước mỗi cửa nhà đóng kín, người đưa thư liếc nhìn lại địa chỉ một lần cuối, rành rỏi chuồi tuột phong thư qua cái rãnh nhỏ giửa cánh cửa rồi quay bước qua khoảng sân khô nức hay lầy lội tùy mùa. Anh thích hợp với công việc. Có lẽ tính anh đã quen thế từ những ngày còn nhỏ. Cha mẹ tính toán sắp sẵn, anh cúi đầu bằng lòng với sự định đoạt, nhận lấy như một an bài.

Người đưa thư dừng xe trước ngôi nhà nhỏ nằm riêng khuất ở cuối khu phố. Nhà đổi chủ chừng hơn nửa năm. Địa chỉ hiếm khi có thư, chỉ giấy tờ chính phủ gởi đến vào mỗi cuối tháng. Đôi lần người đưa thư thoáng thấy dáng một thiếu phụ Trung Đông với khăn trùm kín đầu bồng con đứng dưới mái hiên, nhưng lúc anh bước qua khoảng sân nhà thì mẹ con đã biến dạng vào trong. Cánh cửa màu hồng phai cũ kỹ đóng im lìm nhưng cái rảnh nhỏ để phát thư có nắp đậy bằng sắt còn rung hờ có lẽ vì sự máy động thiếu kiên nhẫn của tay người.

Khoảnh sân trước nhà cỏ lan xơ xác thế mà giàn bông giấy bên hiên thì rực rỡ từng chùm hoa màu đỏ tươi. Người đưa thư nhìn địa chỉ và cái tên khó đọc trên tấm điện thư đóng dấu khẩn rồi bấm chuông chờ người nhà ra ký nhận. Sau cánh cửa vừa e dè mở ra là người thiếu phụ Trung Đông kín đáo trong chiếc khăn trùm hijab và trang phục quấn dài lụng thụng cùng bằng lụa đen tuyền. Người đàn bà lộ rõ vẻ lo lắng khi nhìn thấy tấm điện thư trên tay người đưa thư. Nàng lúng túng ký nhận, hối hả cảm ơn, rồi khép cánh cửa sau lưng mình.

Người đưa thư dợm bước xuống thềm nhà thì chợt nghe tiếng khóc nấc lên rồi tiếng thân người ngã khụy xuống. Anh lưỡng lự vài giây rồi quyết định mở rộng cánh cửa, chạy bổ vào nhà. Người đàn bà nằm sóng soài bất tỉnh giữa phòng khách. Anh vội vã đặt chiếc xách bưu điện lên bàn, rồi qùy xuống cạnh người đàn bà, loay hoay muốn giúp nàng tỉnh lại nhưng tay cứ bấn lên lúng túng chẳng biết phải làm gì. Rất may anh chỉ lay nhẹ vai người đàn bà vài lần thì nàng cũng vừa thoát qua cơn kích xúc. Đôi mắt đẫm lệ mở lớn nhìn sửng lên trần nhà.

Người đưa thư lúng túng nói lời trấn an rồi khó khăn giúp đưa người thiếu phụ vào giường nghĩ. Anh nhúng ướt chiếc khăn nhỏ, trao cho nàng rồi tần ngần ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Căn phòng nhỏ, ngăn chia với phòng khách bằng tấm màn kéo lại nửa vời, có lẽ để người mẹ từ phía nhà bếp có thể trông chừng đứa con đang ngủ say trong chiếc giường nôi ở cuối phòng.

Người đàn bà nằm yên. Nàng thôi khóc, khuôn mặt chừng đã bình tĩnh lại, đôi mắt to sâu thăm thẳm, mịn màng màu hạt olive. Ánh mắt chưa khô lệ đăm chiêu nhìn xoáy vào một nơi nào đó vượt thoát khỏi trần nhà thấp loang lổ từng bợn mưa ngấm đã khô.

Tiếng chào của người đưa thư kéo nàng trở về với thực tại. Người đàn bà ngồi nhỏm dậy.

- Xin cảm ơn ông. Chỉ là chút chuyện nhà, tôi chờ đợi từ lâu. Biết là sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến thế mà khi hay tin vẫn sững sờ, xúc động. Tất cả đã qua rồi. Chắc chắn là từ nay tôi sẽ không còn phải đợi chờ trong lo sợ. Không bao giờ...

Người đưa thư có cảm tưởng người thiếu phụ đang nói cho chính mình nghe lời tự trầm tích lũy bao nỗi niềm tâm sự cả một kiếp đời. Anh lặng lẽ bước ra phòng khách, chân rón rén không muốn chạm động vào thế giới cô đơn tuyệt vời và quá đổi mong manh của độc thoại vỗ về.

Người đàn bà ngồi bên mép giường, tấm điện thư nhàu nát nằm im lìm trên nền nhà. Nàng chống tay nhìn vào tấm gương lớn treo trên vách. Từ trong sâu thẳm chợt trào ngợp nỗi mừng vui không ngờ. Cô bé Palestine chưa đầy mười tuổi, lớn lên trong trại tị nạn Jabalia ở Gaza Strip, lần đầu tiên có dịp thăm bà con ở trại Shati gần bờ biển. Chuyến đi không dài hơn một giờ xe buýt là cuộc viễn du nhớ mãi suốt đời. Cô bé được thấy biển, được vui bước tung tăng trên bờ cát vàng bãi biển Beach Camp. Nỗi ước ao được tắm trong nước biển Địa Trung Hải, từ lâu bị giam hãm sau dãy tường rào của trại tị nạn, giờ đây là những con sóng bạc đầu từ khơi xa đuổi xô nhau tìm bờ, gần gủi rạt rào. Trong lạ lùng thôi thúc, tiếng cười đùa của bạn học chìm rụng mất tăm, chỉ còn một mình với trời nước. Cô bé đã cởi bỏ khăn trùm đầu và chiếc áo dài choàng kín lụng thụng, trần truồng nhảy trầm mình vào làn nước mặn. Mặt biển lóng lánh từng vệt sáng mặt trời quyện chuyển thành những vầng lục nhạt huyền ảo uốn lượn theo chiều sóng.

Bầu trời xanh trên ngàn khơi Địa Trung Hải trở thành giấc mộng đời người giúp nàng cố gắng học tập, trưởng thành, rồi trở thành cô giáo của ngôi trường do Liên Hiệp Quốc tài trợ trong trại tị nạn Jabalia. Cô dạy Anh Ngữ cho thế hệ sau cô ở trại, luôn nhắn nhủ học trò về một phương trời xanh tự do, về tương lai sáng lạn cho cả dân tộc. Cô mơ ước một đất nước Palestine tự chủ, giải phóng, nhưng cô chán ghét chiến tranh và đường lối hung bạo của những nhóm bạo động khủng bố khát máu. Cuộc thánh chiến trở thành nếp sống kiêu ngạo của một lớp người. Đám kiêu binh HAMAS hô hào tuẩn đạo, hơi thở họ nồng trà rượu và thân thể thì ngạt mùi đá gạch, bom xăng, chất nổ, và sau này là thuốc súng, là hỏa tiễn tầm ngắn tầm xa.

Có gã kiêu binh thường hay đến trường tuyển mộ học sinh, dẫn chúng về Tây Ngạn tham gia trò chơi chiến tranh quá sớm cho lớp tuổi mười hai, mười ba và cũng để tìm dịp ve vãn cô giáo có nhan sắc. Hắn nhờ người có quyền thế đến gia đình hỏi cưới nàng. Không tình yêu, không bổn phận, chỉ là những lần vội vã ghé nhà trong đêm tối, thỏa mãn rồi bỏ đi. Cô giáo có thai. Những chuyến vượt biên giới về trại tị nạn thăm gia đình của người chồng ngày càng thưa dần. Cô giáo bụng mang dạ chửa tìm về Tây Ngạn. Nàng hiểu thêm ra nếp sống của bầy kiêu binh tuẫn đạo, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, sống dưới bóng những ngôi đền mái tròn, gạch đá u linh đẫm vàng màu trăng sa mạc. Nàng không muốn con mình phải trở thành một kẻ khủng bố vô luân khi lớn lên. Nàng bỏ trường, tìm xin được việc làm thông dịch cho một cơ quan xã hội của Liên Hiệp Quốc ở Beirut. Nàng sinh đứa con trai đầu lòng, âm thầm vui làm mẹ đơn thân.

Có những sớm mai bồng con đón ngày lên xanh ngắt vùng trời Địa Trung Hải, người mẹ mường tượng đến cuộc sống tự do cho mình cho con. Cơ hội đến, hai mẹ con ra đi. Họ được định cư trên vùng đất bình yên cuối biển Thái Bình Dương. Thấm thoát mà đã gần một năm trên đất Úc Đại Lợi. Cơ quan xã hội của chính phủ thường giao cho nàng công việc phiên dịch để giúp đỡ phụ nữ Trung Đông trong bước đầu bỡ ngỡ của đời kiều cư. Cuộc sống dần dà ổn định nhưng người đàn bà vẫn luôn buồn nhớ về gia đình quê hương. Những buổi tối lúc con đã ngủ say, một mình trong căn nhà vắng nàng mơ hồ cảm thấy sự cần thiết một bóng dáng đàn ông trong đời sống. Người đàn bà chẳng luyến tiếc chi phần đời cay đắng nàng đã rẫy bỏ mà đi. Xa rồi vành trăng khuyết, lửng lơ vết chém treo nghiêng trên vòm mái đền thả bóng tối thâm u xuống mệnh hệ của một dân tộc không còn đất sống. Điêu linh lớp người ôm mãi lòng thù hận. Họ si mê với độ xa tội nghiệp của đường bay gạch đá, của cây súng phóng lựu trên tay, hoặc loay hoay với giàn phóng hỏa tiễn nhận được từ thế lực muốn người Palestine chết thay ở trận tiền. Tiếng bom nổ bên vệ đường hay trong thương xá nhầy nhụa từng mảnh vụn máu xương của con người bên kia đường thánh giới và biết bao trẻ em, người già vô tội chết oan.

Còn nàng vẫn phân vân bơ phờ với sự ràng buộc của chiếc khăn trùm niqab vướng víu mắt nhìn và y trang phiền toái quấn quanh thân xác nàng căng tràn rạo rực thanh xuân. Bức điện thư đến trưa nay như ngọn giáo cắt phăng sợi dây thòng lọng treo cổ nàng đong đưa cạn nguồn dưỡng khí. Cha đứa bé đã chết. Tiếng kêu bật lên vào lúc thân thể nàng đổ qụy xuống. Sự cảm nhận đau điếng vì độ rơi một lần thoát xác cùng lúc với lồng ngực mở trào luồng sinh khí tươi mát chính là sự bắt đầu của người vừa sống qua điều chết. Nỗi hạnh phúc đầu tiên lóng lánh lệ cười.

Người đàn bà sửng nhìn bóng mình. Quãng đời ba mươi năm cuồng xoay cơn bão cát dồn tụ trở về trong phút giây này, loáng thoáng những cánh hồng tả tơi trong gió. Khuôn mặt nàng chợt mờ chìm vào đôi mắt cô gái nhỏ Palestine đang hiện rõ dần. Làn mi dài khẽ rung như tơ động trên đôi mắt mở to đen láy. Ngất say trong giấc mộng du trở về theo từng bước chân cát vàng của đứa bé gái trần truồng đi vào biển ấm, người đàn bà tháo gỡ chiếc khăn trùm đầu, mái tóc hạ huyền tung xõa buông lơi. Nàng run rẩy trút bỏ hết mớ y trang trùm kín lê thê vướng víu và không còn cần thiết. Lụa rủ chìm dưới chân, người đàn bà đứng đó với nụ cười đẹp lạ lùng, mắt vuốt ve thân xác mình lồ lộ dáng Trung Đông phơi phới mượt mà. Những giọt nước biển Tyre thẫm xanh màu trời Trung Hải hai mươi năm cũ vừa tròn cuộc hoá thân tươi đọng trên rười rượi vai nàng.

Tiếng động khẽ từ cửa ngoài khiến người đàn bà bừng tỉnh cơn mơ. Chiếc khăn lụa quàng vai phủ hớ hênh trên cặp vú no tròn chẳng đủ dài cho khoảng bóng tối giữa vùng thân thể.

Nàng nhìn người đưa thư bối rối ngoái nhìn về phía cánh cửa khép hờ rồi quày quả bước vội qua sân nhà. Dáng người ông dỏng cao so với đàn ông Đông Á. Có lẽ nào ông ta đã thấy mình đứng hớ hênh giữa phòng thế này? Người đàn bà thầm nghĩ rồi nhột nhạt với cảm giác e thẹn lúc ý niệm thời gian vụt quay về. Ý nghĩ lạ hoắc mà đằm thắm chạm thấu niềm sâu kín nào đó không tên vừa thức giấc trở mình. Nàng cắn môi lắng nghe thân xác tê rần trong cảm tình rạo rực không tên. Người đàn bà mỉm cười dõi mắt nhìn theo chiếc xe đưa thư vừa khuất sau con dốc nhỏ ngược về phía đầu phố.

Người đưa thư sẽ trở lại khu phố ngày mai. Mỗi ngày. Vào buổi trưa. Dù mưa. Dù nắng. Ông đi ngang mỗi nhà với từng bước chân đều đặn. Từ cửa sổ nhà bếp, người đàn bà có thể nhìn thấy một phần khuôn mặt ông với chiếc nón bưu điện theo nhịp bước nhấp nhô sau chiếc màn cửa vải hoa. Lòng người đàn bà dợm vui nỗi chờ đợi mơ hồ. Phải chăng sự có mặt chừng mực tín cẩn là điều bắt đầu cho hạnh phúc, gần gũi và đằm thắm. Hay đó chính là sự mơn động của ước ao được bắt nhịp thăng hoa rồi thấm lậm vào sâu cùng cảm giác có bồi hồi, xao xuyến tiếng chuông cửa rung hối hả đôi lần.

Con đường trưa nắng chang, người đàn bà thèm một cơn mưa.

Người đưa thư có thói quen đi ngủ sớm thế mà đã mấy đêm từ sau buổi trưa đến nhà người thiếu phụ Trung Đông trao bức điện thư khẩn, tối nào anh cũng trằn trọc trở lăn. Nằm mãi chẳng dỗ được giấc ngủ, anh ra ngồi dưới hiên nhà, trí tưởng đắm chìm vào đêm mông lung. Những chùm hoa phượng tím trước sân giờ chìm theo lá trùng chập vào đêm. Anh ngồi bất động lòng chìm rạt vào suy nghĩ ngổn ngang như bãi sông chiều dạt nước, thấp thoáng bóng đời mình.

Đầu năm 1987, anh vừa lên 8 tuổi cùng em gái sống với cha mẹ ở Sài Gòn. Vì tương lai của con trai, cha mẹ anh cắn răng tom góp vòng vàng chỉ đủ để gởi anh vượt biên theo một người bà con. Chuyến vượt biên đầu tiên thất bại. Người bác họ sau sáu tháng tù và tiền vàng hối lộ được phóng thích. Anh chỉ là đứa bé con nên được công an thả cho về nhà sau mấy ngày khóc lóc đói meo. Lần vượt biên kế tiếp may mắn thành công.

Anh được sang định cư tại một vùng ngoại ô Sydney, Úc Đại Lợi sau gần hai năm chờ đợi ở trại tị nạn Thái Lan. Thời gian đầu anh sống với người chủ tàu, sau đó may mắn được một gia đình bản xứ tốt bụng nhận làm con nuôi, cho ăn ở đi học. Ngày tốt nghiệp trung học anh đã là một thanh niên 20 tuổi, đang vui mừng đếm từng ngày chờ đoàn tụ với gia đình từ Việt Nam sang sau hơn 5 năm đơn từ chờ đợi, nhiêu khê. Gia đình anh dọn về Cabramatta, nơi có nhiều người Việt để cha mẹ sinh hoạt, chợ búa cho tiện.

Mấy năm dùi mài ở trường Cao đẳng và một mối tình thất thường như Giáng sinh giữa mùa Hè ở Úc với cô bạn thời trung học. Ra trường, không thể tìm cho mình việc làm đúng ngành học, anh phải đành lòng với công việc mình không thích, những công việc khác nhau và kéo dài như thế trong nhiều năm vì cơm áo gạo tiền. Vào cuối thời gian này, cô bạn tóc vàng “thanh mai trúc mã” thời trung học lại ca bài Sayonara sau gần 3 năm hai đứa chính thức sống với nhau như vợ chồng.

Anh trở về Cabramatta, cố gắng bận rộn để quên đi ngày tháng cũ đau buồn và gầy dựng lại đời mình. Sau nhiều tháng thâu đêm chăm chỉ cần cù với công việc lựa thư nhàm chán, cơ hội tốt đã đến khi anh thi đậu và trở thành bưu tín viên cho một vùng của khu vực Fairfield không xa phố Cabramatta nơi anh cư ngụ. Anh bằng lòng với công việc này, biên chế công chức với lương bổng và phúc lợi khá cao.

Khu xóm nghèo hầu hết là kiều dân Trung Đông và Bắc Phi từ đó quen dần với bóng dáng người đưa thư gốc Châu Á vẫn hàng ngày lặng lẽ, chừng mực tìm giao đến cho họ từng nỗi vui buồn niêm kín…

Trời đã chìm vào đêm sâu hút. Người đưa thư vẫn ngồi im lặng dưới mái hiên ngập bóng tối. Anh muốn trí tưởng mình đắm chìm vào muộn phiền cũ để khỏi phải đối mặt với những cảm giác vẫn rần rần trong thân xác từ buổi trưa mấy hôm trước. Từ bên ngoài cánh cửa rón rén khép hờ, anh đã sững sờ nhìn thấy rồi bước đi trong cảm xúc tràn bờ. Hình ảnh quá tươi còn đọng trên võng mô, tròn căng lồng lộng trong đêm từng lọn sóng trào đầm đìa xúc động. Anh nghĩ tới bóng dáng người đàn bà trong giây phút thoát thân thành cánh bướm. Suối tóc đen tuyền buông lơi trên vùng sa thạch rợp óng cát vàng mơn man bờ ốc đảo rền xanh bóng lá.

Người đưa thư bước ra khỏi bóng tối hiên nhà. Con đường vắt qua đêm khuya im lìm những ngọn đèn chong chờ sáng, hao hớt từng vũng ánh sáng vàng vọt nhỏ dần chìm khuất.

Người đàn bà chợt tỉnh, nghe tiếng chuông gọi cửa mà tưởng còn trong mơ. Nàng run rẩy mở khung cửa khép. Đêm bao la bên ngoài. Người đàn ông đứng đó, khuôn mặt chìm trong bóng tối mà gần gũi như tiếng chuông réo gọi giữa giấc mơ nồng nàn da thịt. Bóng tối phủ quanh, lột trần cảm xúc. Chút lụa là cuối cùng rớt chìm xuống đêm thâu. Đêm rưng rưng da thịt. Ngừng trôi.

Một lúc nào đó họ thức dậy, lạc loài ý niệm nơi chốn thời gian. Giữa sàn bếp thô cứng mà cứ ngỡ là êm đềm chăn chiếu. Họ ôm chặt nhau cố ghì níu lại cơn thoáng chốc nhân duyên say đắm. Thân hình người đàn bà còn rung lên theo ngân vang của cảm xúc tột cùng. Nàng cắn vào vai người đàn ông trách móc.

- Ông sẽ bị phạt vì tội để người khác chờ, rồi hấp tấp vội vã khiến cả hai phải nằm trên sàn bếp.
- Vậy thì khi nào tôi bị gặp lại cô để thọ phạt đây ?

Người đàn bà ngồi dậy. Nàng với tay lấy chiếc khăn quàng lụa hijab, nghịch ngợm quàng qua vai kéo người đàn ông gần lại đôi bầu ngực căng tròn.

- Ngày nào ông thấy chiếc khăn này treo trên rãnh cửa bỏ thư thì tối đó sẽ là đêm thọ hình.

Người đưa thư đùa với lọn tóc buông trên bờ vai trần.

- Còn lúc tôi bất ngờ muốn thọ phạt thì biết làm sao đây ?

Người đàn bà xé đôi chiếc khăn lụa hijab.

- Ông cứ cột nửa chiếc khăn này lên xách bưu điện, tôi sẽ quét dọn cái sàn bếp chờ tội nhân đến.
- Vậy thì cô sẽ thấy chiếc khăn lúc nào cũng được buộc chặt trên xách của tôi. Anh cười.

Người đàn bà trao nửa chiếc khăn lụa cho người đưa thư.

  1. Đừng quên là ông phải thấy nửa chiếc khăn kia trên rãnh cửa thì ngục thất mới mở.

Người đàn ông kéo nàng nằm lại bên mình trên nền nhà. Ngón tay thênh thang như gió rờn rợn qua lũng đồi mịn màng sa thạch.

- Cô ích kỷ quá thôi! Hoá ra chỉ khi nào cần thì tôi mới được vời đến.
- Có lẽ là như vậy. Giữ được chừng mực này cho đến một lúc nào đó... cũng đã là hạnh phúc không ngờ.

Tiếng người đàn bà nhẹ như hơi thở chìm xuống. Hình như có giọt lệ mềm vừa âm thầm lăn qua khóe mắt.

Tháng ngày hạnh phúc êm đềm trôi. Dải khăn lụa đỏ trên chiếc xách bưu điện phất phơ theo nhịp bước dồn vui của người đưa thư. Từ sau chiếc màn cửa vải hoa, người đàn bà nhón chân nhìn theo bóng dáng dỏng cao với chiếc nón bưu điện đội lệch trên đầu. Nàng nhắm mắt lắng nghe âm vọng tiếng chuông luôn réo gọi hai lần của người đưa thư trong đêm khuya, tiếng cánh cửa mở cho đêm ấm tràn vào, tiếng xác thân vật vã cơn giật động nhấp nhô như sóng cuốn vùi. Dải lụa đỏ mềm mại đong đưa trên cánh cửa như cánh tay vẫy gọi.

Cho đến một ngày, người đưa thư chờ mãi mà chiếc khăn quen vẫn không thấy treo bên rãnh cửa. Như con sói hiền, anh kiên tâm chờ dấu lụa hồng của cô bé choàng khăn sẵn lòng. Đến lúc có thư để phát tận nhà, anh khấp khởi mừng bấm chuông gọi cửa. Người ra nhận thư là một ông lão người Trung Đông mới định cư. Hôm đó người phát thư lại là người nhận thư buồn bã. Vì tương lai của đứa bé, người đàn bà đã quyết định đoàn tụ với thân nhân ở Hoa Kỳ. Nàng không muốn đối mặt nói câu từ giã, chỉ buồn thêm cho kẻ ở người đi.

Người đưa thư đứng lặng hồi lâu dưới giàn bông giấy. Nhớ tới đêm cuối cùng hai người trút cạn cho nhau, anh chợt hiểu ra. Giữ được chừng mực này cho đến một lúc nào đó... cũng đã là hạnh phúc không ngờ. Anh nghĩ tới câu nói của người đàn bà lúc bước xuống bậc thềm nhà loang nắng.

Trong một thời gian dài, hàng ngày đi phát thư ngang nhà, người đưa thư vẫn nhìn qua cửa sổ mường tượng bóng người đàn bà Trung Đông thấp thoáng sau rèm cửa. Anh hy vọng, ở một nơi nào đó, người đàn bà Palestine từ Gaza Trip đang sống vui với đời mình, thiết tha nhịp đập trái tim đơn giản đắm say.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024