SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

những câu chuyện ngắn

1.

Cậu Mười, tôi không rõ tên tộc (tên cúng cơm) là gì, xưa nay người trong làng tôi thường lấy thứ bậc trong gia đình làm tên, chẳng hạn như anh Hai, cô Ba, dì Tư. Lâu ngày tên cúng cơm không còn nhớ nữa. Vã, nếu gọi tên tộc họ cho là hỗn hào, gọi xách mé. Ngay trong gia đình, con cái cháu chắt đôi lúc lẩn thẩn với tên tộc của ông bà mình. Lại nữa, trong gia đình họ thường lấy tên đứa con đầu lòng để làm tên chung, nên người ở đâu xa về cần hỏi thăm một người nào đó mà gọi tên tộc đôi khi người trong làng ít biết.

Cậu Mười ở xa về thăm nhà, ông hỏi thăm một hồi lâu mới đến được nhà tôi. Ông mang vào nhà mùi đặc trưng của người đàn ông lâu ngày không tắm giặt, mùi bụi bặm đường xa, mùi va chạm nhiều thứ của kiếp người lêu bêu lõng bõng. Ông tuy già nhưng còn tráng kiện, mái tóc chỉ điểm vài sợi bạc, cứng như rễ tre chỏi thẳng lên trời, đôi răng vàng khè, ám khói thuốc. Cậu mười không hút thuốc bằng tẩu, không nhai xì gà rồi thả lên trời sợi khói thơm lừng hoặc những điếu thuốc thông dụng mà bằng điếu thuốc rê. Ông lấy xấp giấy quyến mỏng, hà hơi vào đó để những tờ giấy rời ra, quấn nhúm thuốc rê to bằng hoa loa kèn rồi liếm qua liếm lại như keo kết dính, đốm lửa xòe lên, thả khói mùi khét lẹt.

Điếu thuốc ông chỉ kéo vài hơi là tận đót, tàn thuốc không vứt đi mà dán khắp vách, đuôi của nó hít chặt vào vách như đàn dơi ngủ trên cành cây lộn đầu xuống đất. Khi rít một hơi thuốc là ông nhổ phẹt bất cứ chỗ nào, bạ đâu nhổ đó.

Ông kéo rê cuộc đời của những bảy mươi năm, qua những bước ngoặt, những giai đoạn vui buồn đã qua. Ông đã từng làm anh, làm chồng làm cha để đó rồi bây giờ lại đi tìm những kỷ niệm thời xa cũ, những ký ức nào đó không còn có ở trên đời, tìm thằng cu, con cải. "Cải ơi!" tiếng kêu khản giọng của con vịt già giữa cánh đồng bất tận. Ông trà trộn vào đám đông, va chạm đủ hạng người, những cơn mưa mùa đông buồn hiu, ảm đạm hay buổi trưa hè nắng gắt, mồ hôi ướt sũng lưng. Cứ thế, ông nhặt mọi chuyện vui buồn của cuộc đời rồi ghi vào ký ức như thứ của cải riêng.

Câu chuyện ông kể cứ dài mãi khi gặp tôi, câu chuyện đời thường, mộc mạc, chân chất ít pha tạp ngữ nghĩa văn chương. Tôi cố ghi lại những câu chuyện mà ông đã kể. Cậu Mười đến nhà dăm ba bữa rồi đi, lúc đó tôi rủ rê, mời mọc có thể ông ở lại... Ông đi rồi tôi thấy mình cạn cợt, nông nổi và buồn tẻ. Hẳn ông buồn cho tôi lắm, không hiểu đúng tâm trạng được dồn nén của một đời người chực chờ cơ hội để vỡ ra! Có thể ông đã chọn lầm người để trao gửi, thổ lộ, tâm tư nhiều nỗi niềm riêng?

2.

“Công cha như núi Thái Sơn./Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca này nghe quá cũ, hồi còn bập bẹ nằm nôi tôi đã nghe bà hát ru theo tiếng võng đưa buổi trưa hè. Những năm học vỡ lòng, thầy giáo già viết trên bảng rồi gõ nhịp để học trò nhái theo. Câu ca cũ theo suốt cuộc đời ta.

Gã ngồi ở góc bàn, cử chỉ chưa hẳn đã niềm nở hoặc bàng quan với người khách tình cờ ghé thăm. Gã vớ bình nước trắng rót ra ly: "Mời các anh". Người mẹ từ nhà dưới lên, xương xẩu, gầy kém, đôi mắt mờ đục quờ quạng lấy chỗ ngồi trên chiếc giường kê góc nhà. Không khí chừng như nặng trịch, trên mặt mẹ còn giọt nước mắt chưa khô.

"Hai chú người lạ, khách tình cờ ghé chơi, tui nói để hai chú nghe có đúng không. Nhà vừa bán con nghé, thân già có chừng ấy mà nó đòi công chăn dắt. Ối trời ơi là trời,con ơi là con.!" Gã bật dậy, sừng sộ "Mỗi buổi sáng mở cửa là bà đã có mười ngàn, bà cần tiền này để làm gì?”

"Cần gì kệ chó tao, tao đói khát không cần chó mày nuôi!" Gã buông tiếng cười huềnh huyệch, nhe hàm răng trắng dã, giơ đôi tay khô ráp của gã lực điền chỉ vào khoảng không."Tui làm đầu tắt mặt tối chưa đủ nuôi miệng, nuôi gì bà". Rồi gã buông một câu độc địa "Có tiền để dợ nuôi trai!'

Trên bàn thờ có bằng tổ quốc ghi công, có tấm hình được che kín bằng vải đỏ, đàn ông hay đàn bà, chết già hay trẻ. Người mà cứ mỗi buổi sáng bà mở cửa là có mười ngàn, tiền nuôi mẹ liệt sỹ, để nhìn cuộc đời mẹ già còn nhiều lận đận lao đao.

3.

Tôi người cùng xóm với anh ta, là một tay mánh mung chuyên nghiệp, cả làng đều biết như thế, không hơn. Đi buôn bán, mánh mung, chạy cò máy nổ yanmar, kubota…. Mánh mung nhưng anh ta ít láu cá, ít khôn vặt như những tay buôn khác, vui vẻ trẻ trung với láng giềng. Cuộc đời của anh ta trôi qua như thế, buồn tẻ và chán ngắt với những lần mất mánh, thua lỗ. Cho đến một hôm, bỗng dưng anh ta trở thành chiến sỹ.

Có một nhân vật nào đó ở cấp cao, đang công tác hay đã về hưu, một lần trở về thăm chiến trường xưa, nơi hoạt động của những con tàu không số. Nhân vật đó nhớ lại rằng trong lúc luyện quân, một thằng nhỏ có mặt trong những buổi hôm đó, thằng nhỏ đó chính là anh ta. Thư từ qua lại, nhiều lần thăm viếng, ngẫu nhiên anh ta trở thành chiến sỹ trong đội quân của những con tàu không số. Câu chuyện này cũng có những xầm xì to nhỏ ở xóm làng, tán gẫu, ngồi lê đôi mách rồi cũng trôi qua như muôn ngàn câu chuyện vốn có trên đời.

Bây giờ, anh ta đột tử ở tuổi năm bảy, cái tuổi mà theo người ưa táy máy nhẩm tính lại về những năm tàu không số hoạt động, anh ta chỉ chừng mười, mười bốn tuổi. Trong buổi tiễn đưa, có đồng đội kẻ thân người sơ ở binh chủng tàu không số đến mặc niệm. Âu cũng là cái tình, cái nghĩa của đồng đội cũ, kiếp chết là kiếp mất, chấp nê làm gì.

Tôi nhớ lại của những năm xưa, những năm 60 của thế kỷ trước. Làng tôi là vùng trắng, làng tranh chấp giữa hai thế lực thù địch, ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản. Làng tôi cách làng bên một con sông, nên có lúc, lính quốc gia lười biếng không đến kiểm soát cái làng thì cứ giao lại cho bên cộng sản nằm vùng. Lũ trẻ chúng tôi, lính cũng vậy, cộng sản như nhau, cũng đi theo các ông mà rờ mó táy máy tay chân về súng ống đạn dược. Tôi nhớ rõ những anh du kích địa phương, có anh là bộ đội chủ lực. Anh Mai, anh Huynh, anh Đệ, ba anh em ruột, người ở xóm tôi là bộ đội chủ lực, tôi theo các anh vì có cái ống dòm nhìn qua bên kia sông thấy rất rõ, cực đã! Bây giờ cả ba anh em đều là liệt sỹ, mẹ các anh là mẹ Việt Nam anh hùng.

Một lần khác, khi du kích chui vào hầm bí mật thì làng tôi giao lại cho lính Địa Phương quân kiểm soát, quản lý làng. Sỹ quan của lính địa phương quân quận Tam Quan có anh Cát, thiếu úy, một sỹ quan nom còn non choẹt, mặt búng ra sữa, đẹp trai vẻ con nhà giàu học giỏi, người miệt trong. Anh ta có khẩu carbin báng súng khắc chạm đẹp, anh ta có tài bắn súng. Tôi đã theo anh ta suốt ngày để xem hoặc thu lượm chiến lợi phẩm như chim sẻ, cu, chào mào. Những con chim đậu trên tán lá dừa cao, đung đưa, nhìn còn khó huống chi là bắn, nhưng mỗi lần anh giương súng lên thì thế nào cũng có một con rụng xuống.

Tuổi trẻ tôi đi qua một thời chiến tranh. Thời chiến trong đôi mắt trẻ thơ tôi là những lần đi theo các anh đi bắn chim, ngắm khẩu carbin có báng súng chạm khắc đẹp, tán phục tài nghệ bắn của một sỹ quan. Hay cầm cho được cái ống dòm là mừng lắm, mừng là được ngắm trời, ngắm đất, ngắm một thời bom đạn qua đôi mắt trẻ thơ.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024