Những Kinh Nghiệm Hãi Hùng
Hồn Vía U Minh
Có những kinh nghiệm suốt đời để lại trong chúng ta những dấu ấn khiếp đảm, hãi hùng. Của thế giới ảo, và thực. Khởi đầu là thế giới mộng mị chập chờn. Thế giới lượn lờ những hồn ma bóng quế.
Nhắc tới lời thiêng ứng vào vận bạn Ngô Vương Toại nhà ta trúng đạn phải nằm viện mất mấy tháng trời, không thể nào không kể đến thế giới hoang đường trong khu vườn cỏ. Nơi đây, CPS/Quán Văn, chốn cư ngụ của bọn giang hồ tứ chiếng chúng tôi; xưa kia, thời Tây, là khám lớn cũ: nhà giam giữ và hành quyết tội đồ. Sau khi Tây bỏ đi, khu vực này trở nên hoang tàn, um tùm cỏ cây lau lách. Chu vi này chỉ được khai quang vào thời Đệ Nhất Cọng Hòa, làm nơi triển lãm công cộng với những dãy nhà tiền chế như đã nhắc ở đoạn đầu. Bởi vậy, huyền thoại về một thế giới vưởng vất tà mị có khi trở nên là sự thật (!?). Không mấy ai tin thế giới hoang đường thần bí là có thật. Nhưng có những sự kiện và biến cố xảy ra không thể nào không đặt để một dấu hỏi lớn. Cho dù đối với người bình tâm nhất. Một vài anh em trong bọn tôi đã thấy ma và bị ma nhát. Phải chăng là sự thật hay chỉ là đắm hồn trong một cơn mê hoảng?
Người đầu tiên là Nguyễn Phùng (Phùng nhỏ). Một hôm nằm nửa mê nửa tỉnh, Phùng nghe tiếng xiềng xích khua loảng xoảng và mơ màng thấy có nhiều bóng người di động chung quanh giường bố. Mở mắt ra nhìn kỹ thì không thấy gì hết. Tiếng động cũng im bặt luôn. Nhưng hễ cứ chợp mắt là cảnh cũ tái diễn. Phùng sợ quá, thao thức trằn trọc cả đêm. Một lúc mơ màng thiếp ngủ, bỗng nghe như có người lay thức dậy. Phùng mơ hồ thấy hình dạng một phụ nữ bận áo dài hoa cao cổ, đeo chuỗi hạt lóng lánh, tóc chải phồng dợn sóng theo thời trang thập niên 50, đứng tựa cửa nhìn Phùng nhoẻn miệng cười. Phùng chết lặng người. Và mãi hôm sau nín thinh không nói năng gì. Chỉ thấy cu cậu lẳng lặng mua sắm hoa quả bánh trái về bày một góc phòng, lên nhang đèn, lâm râm khấn vái. Gặng hỏi. Phùng mới thuật lại mọi điều tai nghe mắt thấy cho anh em tỏ tường. Dù là giang hồ hảo hớn, nam nhơn vạm vỡ, nhiều đấng mày râu nghe xong chuyện ma cũng co rúm người lại. Chắc chắn tối nay có kẻ không thể ngủ yên. Là ai? Là ai? Là . . . TÔI !!!!!!!
Cái đêm hôm ấy, dù không làm việc gì nặng nhọc trong ngày, không hiểu sao tôi bỗng lăn quay ra ngủ giấc mệt mề. Trong cơn mê ngủ chập chờn, ai đó rót âm nhạc vào bên tai, có lúc nghe êm đềm, có lúc nghe chát chúa. Giật mình mở mắt nhìn quanh chẳng thấy gì. Chỉ thấy các bạn đồng phòng đang cơn say ngủ. Nhắm mắt thiu thiu lại nghe tiếng nhạc chen lẫn tiếng cãi cọ rất ồn ào. Bắt đầu nghe lạnh gáy, cơn sợ thấm dần, trùm mền kín mít. Tiếng đôi co lớn dần . . . lớn dần và đột ngột chấm dứt bằng một hồi trống chiêng, phèng la rơi loảng xoảng. Một, hai, ba . . . đánh bạo kéo mền khỏi mặt, nhìn trừng trừng vào khoảng tối: tất cả đều lặng thinh trừ tiếng thở kéo đều những giấc ngủ say. Sự kiện này chỉ xảy đến với tôi một hôm. Rồi thôi. Đồ rằng có anh em nào đùa dai, sử dụng máy phát thanh làm trò biến ảo. Vặn hỏi. Nhưng tất cả bộ mặt đều ngơ ngác. Không tìm thấy câu trả lời.
Chưa hết. Sự kiện xảy ra bên dưới trụ sở Ca Đoàn Nguồn Sống (CĐNS) mới thực sự làm tăng mối sợ hãi của những kẻ cứng bóng vía, cho chuyện thần tiên ma quỷ chỉ là chuyện đùa, bịp bợm.
Ở một xế trưa đẹp trời chan hòa nắng, mọi người bỗng thấy một xe cứu thương đổ xịch ngoài đường Lê Thánh Tôn, có người khiêng băng ca vào văn phòng CĐNS. Ai nấy nhốn nháo. Hóa ra một ca viên của CĐNS bị ngất xỉu được xe cấp cứu chở đi bệnh viện. Sau khi người này hồi tỉnh, nguyên nhân được thuật lại như sau: Trưa hôm ấy, khi ngồi trực bàn trong văn phòng ca đoàn (CĐNS có đông đảo anh chị em thành viên sinh hoạt, luôn luôn có quan khách và thân nhân thăm viếng), anh bạn này tiếp một cụ già râu tóc bạc phơ mặc bộ đồ lụa trắng tới hỏi thăm một ca viên X nào đó. Anh bạn trả lời ông cụ rằng hôm nay ca viên X đi vắng. Xin cụ để lại danh tánh để báo cho người thân. Trong lúc lúi húi biên chép, nhìn trật xuống dưới bàn, anh bạn nhận thấy ông cụ vẫn còn đứng đấy. Nhưng chỉ với hai ống quần trắng phất phơ, không thấy bàn chân đâu cả!!! Anh bạn này sợ quá, lăn đùng té xỉu. Mọi người xúm lại vực dậy, gọi xe cứu thương cấp kỳ. Khiếp quá. Ma hiện giữa ban ngày ban mặt giời ạ!
Và đây mới là hiện tượng khủng khiếp nhất trong những hiện tượng ma nhát ở khu CPS:
Một buổi tối Quán Văn đông khách. Mọi người đang tâm tình nhỏ to bên ly cà phê tí tách giọt, bỗng nghe một tiếng thét thất thanh từ phía hậu liêu, dãy nhà vệ sinh, phòng tắm của CPS. Một bóng người trần truồng vụt chạy ra đứng giữa đám đông khách hàng, thở hỗn hễn, trên thân còn dính đầy bọt xà phòng. Hóa ra Nguyễn Huỳnh. Huỳnh toàn thân run lập cập, miệng lắp bắp: Ma . . . Ma . . . ! Tôi không tin con người hiền hậu, đứng đắn như Nguyễn Huỳnh phịa chuyện. Phải có một cái gì đó bất thường!? Sau một lúc hoàn hồn, Huỳnh cho biết lúc đang tắm, mắt nhắm, ngửa mặt lên vòi bông sen, khi nước chảy trôi hết thuốc gội đầu; Huỳnh mở mắt ra chợt thấy trên trần nhà một khuôn mặt người to bằng cái nia sàng gạo, đỏ ong như sáp nặn, màu máu tươi, nhếch miệng cười rộng tới mang tai !!!!!! Huỳnh sợ té đái, rú lên, cứ thế tông cửa nhà tắm chạy ra trần truồng như nhộng. Bọn tôi ai nấy đều run theo cái sợ của Nguyễn Huỳnh: những khuôn mặt tái mét, cắt không ra một giọt máu.
Ôi chẳng biết đâu là sự thật! Có chăng một thế giới ma quỷ vô hình? Cho đến bây giờ, chuyện quỷ thần thiêng liêng lộng hành vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Bán tín bán nghi. Cũng lắm khi mình sợ bóng sợ vía. Thần hồn nát thần tính. Nhưng ngần ấy sự việc xảy ra chứng tỏ khu tứ giác CPS là một địa linh khác thường. Chúng tôi vẫn hằng tâm niệm nơi cư ngụ này là một vùng đất thiêng. Luôn có quỷ thần che chở cho người lành. Đôi lúc họ, những người thuộc thế giới bên kia chỉ hơi bông đùa một tí tị với những kẻ yếu bóng vía (bông đùa kiểu đứng tim chết người như chơi!). Nhưng bù lại, bạn hãy tin này nhé: Những người bị nạn bom đạn như Ngô Vương Toại, như Bùi Hồng Sĩ, như Hoàng Xuân Sơn . . . đều tai qua nạn khỏi. Hơn thế nữa, Việt Cộng vẫn thường pháo kích vào dinh Gia Long, dinh Độc Lập, đạn pháo rớt cả vào khuôn viên CPS nhưng chưa hề phát nổ. Có buổi sáng sớm anh em thức dậy sau một đêm dài chui rúc tránh đạn pháo kích (tránh vào đâu?!), ra vòi nước ngoài vườn đánh răng rửa mặt đã nhìn thấy nhiều trái đạn pháo cắm vào đất mềm, đuôi đạn còn lồi ra ngoài (hú vía!), phải báo cáo với cơ quan an ninh đến tháo gỡ.
Bây giờ, để tôi thử làm thầy bói mù một lần coi chơi: Đa số những anh chị em xuất phát từ mảnh đất thiêng liêng này dù là Văn Khoa, CPS, Nguồn Sống, Hội Họa Sĩ Trẻ v. v. đều thành danh và thành công trên đường đời. Chủ yếu phát về văn nghệ, chính trị và quản trị. Nhưng có một điều, nhìn lại quãng đời đã qua, ông thầy “sờ voi” này không khỏi giật mình khi nghiệm thấy rằng không ít anh chị em chưa bước qua ngưỡng cửa tuổi thọ đã lặng lẽ ra đi vì bệnh tật: Nguyễn Huỳnh, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Ngọc Tuấn, Đỗ Ngọc Yến (Văn Khoa/CPS/Quán Văn) - Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Trịnh Công Sơn (CPS/Quán Văn) - Lưu Trọng Đạt, Ngô Văn Tính (?) ( Quán Văn/Quán Thằng Bờm) - Hoàng Cơ Trường (?), Đặng Tường Vy và còn ai nữa (Ca Đoàn Nguồn Sống) - Nghiêu Đề, Mai Chửng, Lê Thành Nhơn (Hội Họa Sĩ Trẻ ) . . . Trịnh Cung một lần sém bị! (*)
Âu cũng là luật bù trừ: có phát, có tàn! Xin những bạn còn tại thế đừng run en! Nhiêu đó đủ rồi! Những anh em bằng hữu đã ra đi từ trước sẽ phù hộ cho chúng ta rong chơi nốt cuộc ải trần gian vui ít buồn nhiều này. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Sơn ơi!
Hoàng Xuân Sơn
(*) Xin đọc: Cái Huông Của Thời Quán Văn trong Phần Viết Thêm
(trích Cũng Cần Có Nhau, phóng bút, Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh, 2013) |