SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

Phở và cơm nguội

Nhị Ngã

Đầu mùa xuân, cây cối bắt đầu ra hoa, khí trời ấm áp, ông ấy đột nhiên biến mất. Ở cái thành phố đông người này, chuyện một người biến mất không phải là hiếm hoi; vì vậy, tin này không được lên báo. Tuy nhiên, trong cộng đồng người Việt nhiều lời xì xào. Giả thuyết ông ấy biến mất vì quên đường về, hoặc là tự tử, được nêu ra và nhanh chóng bị loại bỏ. Ông ấy còn quá trẻ để có thể mang bệnh lẫn. Và chẳng ai đi tự tử vào một ngày xuân trời đẹp như vậy. Bạn còn nhớ câu hát “It’s hard to die when all the birds singing in the sky” chứ?

Tôi loáng thoáng biết tin này từ khách hàng đến Quán Nửa Khuya, nhưng bất ngờ nhất, là từ vợ của ông ấy. Có tiếng nấu món gì cũng ngon bà không bao giờ đi ăn tiệm, nhất là ăn tối. Vì thế chúng tôi chưa hề gặp nhau.

Bà đến lúc khá khuya. Quán vắng người. Tôi mang cho bà ly trà cúc đoán rằng bà muốn trò chuyện chứ không đến để ăn. Sớm hơn tôi dự đoán, bà nhập đề ngay lập tức.

“Tôi có việc này xin chị giúp giùm.  Đây là ảnh của chồng tôi, người bị mất tích, chắc chị có nghe nói. Gần đây anh ấy có đến quán này không vậy chị và nếu có thì anh ấy đi với ai?”
“Ông có đến một đôi lần với ông chủ báo Mõ Làng.”
“Tôi có biết ông Mõ. Anh ấy, thỉnh thoảng gửi bài đăng trên báo Mõ Làng. Những lần đến đây, anh ấy có vẻ gì khác lạ không vậy chị?”
“Tôi ít khi để ý đến cuộc trò chuyện của khách đến ăn. Nhất là ông xã chị thì hầu như suốt buổi chẳng nói gì.”

Người đàn bà, mân mê ly trà, ngón tay rà theo mép của cái đĩa nhỏ. Người có nhan sắc. Da trắng như sứ, mảnh mai, tóc ngắn dợn sóng. Trông bà có vẻ nhanh nhẹn và thông minh.

Tôi hỏi ngập ngừng:

“Cuộc sống của ông bà có ổn không? Hạnh phúc chứ?”
“Chúng tôi cũng có một số chuyện lộn xộn nhỏ như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Chủ quan mà nói chúng tôi khá hạnh phúc. Tôi tin là anh ấy rất hạnh phúc.”

Bà nhấn mạnh chữ rất rồi nói tiếp.

“Nhiều người nói rằng anh ấy trốn nhà đi theo tình nhân. Chúng tôi lấy nhau đã hơn hai mươi năm.  Cuộc sống vật chất đầy đủ. Đứa con học xong ra ở riêng. Chúng tôi không bao giờ to tiếng với nhau vì anh ấy luôn luôn chiều ý nhường nhịn tôi.”
“Ông ấy nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Tôi chú ý đến ông ấy vì hôm ấy ông gọi món ăn khá đặc biệt. Phở và cơm nguội.”
“Một vài lần anh ấy không vui với tôi vì tôi không bằng lòng cách ăn như vậy. Nhà đâu thiếu thốn gì. Đói thì ăn thêm, nước phở còn cả nồi, thịt bò đã thái sẵn. Sợ người ta cười cho là keo kiệt. Sau đó anh không ăn như vậy nữa nhưng mỗi lần nhà có phở anh ấy có vẻ không vui.”
“Cách ăn của ông ấy cũng đặc biệt lắm. Nước phở phải nóng, và cơm phải thật nguội. Hạt cơm phải cứng, ông ấy không cho hấp cơm bằng microwave. Ông bảo chúng sẽ tự cân bằng với nhau. Ông Mõ và một số khách khác thấy ông ăn cũng đòi ăn giống như thế.  Thỉnh thoảng còn nước phở mà hết bánh phở tôi đãi khách món này, không tính tiền.”

Hôm sau ông Mõ Làng đến quán của tôi. Ông là khách hàng thường xuyên vì ông viết ban đêm, đến sáng mới đi ngủ. Tôi gợi chuyện thử xem ông có biết thêm chi tiết về người đột nhiên mất tích.

“Ông Mõ à. Ông nghĩ thế nào về chuyện một người đột nhiên biến mất như tan vào không khí?”
“Bà đang nói về ông Lành-Như-Bụt đấy à? Làm gì có chuyện vanish-into-the-thin air vào thời buổi này. Đi đến đâu cũng để lại dấu vết nào là passport, bằng lái xe, máy thu hình gắn cửa tiệm nơi nào cũng có, lại còn điện thoại nữa chứ. Tôi nghĩ là ông ấy đi trốn!”
“Sao lại trốn? Nợ nần hay phạm pháp?”
“Bà vợ kiểm soát hạnh kiểm ông chồng kỹ quá ông ấy không chịu nổi. Phải nói là ghen quá.”  
“Lại có chuyện ấy à? Tôi nghe nói họ rất hạnh phúc.”
“Thật ra tôi cũng chỉ cóp nhặt những chi tiết từ người này người kia kể lại, chứ không phải nghe từ người trong cuộc. Hôm ấy bà vợ đi chợ, khi trở về thì ông ấy không còn ở nhà. Ông không lấy xe, không mang theo quần áo, tiền bạc, và ngay cả giấy tờ tùy thân. Computer và điện thoại cũng bỏ lại.”
“Có thể nào ông ấy bị bắt cóc không?”
“Không có dấu vết gì chứng tỏ là ông ấy bị bắt cóc ở ngay tại nhà riêng.”

Em gái ông Lành cùng mấy cô thợ làm nail đến quán tôi ăn tối. “Anh ấy đòi có một phòng riêng để anh có thể yên tĩnh viết văn. Nghe buồn cười. Anh có cả căn nhà mà lại đòi có căn phòng riêng. Anh lấy cái phòng của đứa con đã dọn ra riêng, mang bàn ghế và đặt computer để viết. Được dăm ba bữa chị dâu mang đồ đan móc vào ngồi sau lưng anh để đan áo và khăn quàng. Thỉnh thoảng chị dâu ghé qua vai anh đọc ké. Khi anh yêu cầu chị dâu để anh yên, chị than phiền nhà chỉ có hai vợ chồng không nói chuyện với anh thì chẳng biết nói chuyện với ai. Chị dâu không vui lòng là anh tự ý về hưu non, mất nguồn lợi tức, lại còn đòi viết văn. Chị dâu rất giỏi. Chuyện trong chuyện ngoài chị cáng đáng hết.  Chị vẫn nói anh lấy được chị là may mắn lắm.”

Em trai ông Lành cho rằng bà chị dâu ghen bóng ghen gió khiến anh mình khó chịu. “Anh tôi không dám chào hỏi cười nói với phụ nữ nào khác nếu tình cờ gặp họ trên đường phố hay trong siêu thị. Đi đâu với chị ấy, anh cứ cúi mặt mà đi. Chị ấy quan sát từ ánh mắt đến cái vẫy tay chào, và sau đó sẽ phê bình.  Không la hét ngay lúc ấy, chỉ nghiến ngầm, rỉa rói khi về nhà.”

“Phải có cái gì xảy ra trước đó khiến bà ấy ghen chứ.”
“À chị dâu đọc được một truyện ngắn anh ấy viết, nhân vật chính là một người đàn bà.  Vì muốn có phòng riêng để viết mà không được toại ý nên nhân vật lén chồng thuê một căn phòng trong nhà người ta đang ở, kiểu người mình nói là share phòng. Chủ nhân căn nhà là người đàn ông góa vợ. Hằng ngày nhân vật đến căn phòng thuê ngồi viết chừng một hai tiếng đồng hồ. Viết được hay không được cũng đến ngồi đó. Rồi nhân vật tơ tưởng chuyện ngoại tình mỗi khi có gì bất mãn với chồng. Chị dâu tôi cho rằng anh ấy có ý muốn ngoại tình nên kiểm soát gắt gao hơn.”

Tôi hỏi ông Mõ về truyện ngắn người đàn bà tơ tưởng chuyện ngoại tình của ông Lành. Ông Mõ nói: “Tôi nghĩ vì ghen quá nên bà Lành kềm chế chuyện viết văn của ông Lành. Bà không cho phép viết truyện tình yêu nhảm nhí, phê bình rằng truyện của ông chẳng có gì hay, nhân vật chỉ kiếm cớ đưa nhau lên giường cởi áo cởi quần. Bà Lành nói, ‘viết gì thì viết không được viết truyện ngoại tình về âm mưu giết vợ. Không được làm thơ ca tụng các nàng thơ trẻ.’ Bà ghét những chuyện tình các ông già sồn sồn mê gái trẻ cứ chú chú cháu cháu. Không được phê bình hay điểm sách của các nhà văn nhà thơ nữ. Bà cấm ông dùng facebook, nhưng ông phản đối mạnh quá đòi dọn ra riêng nên bà nhượng bộ đôi chút. Tuy vậy, ông vẫn phải giao mật mã facebook cho bà.  Bà xóa tất cả những người bạn trên facebook nếu họ là phái nữ. Ông Lành sợ vợ đi gây chuyện với độc giả làm ông mất mặt nên lặng lẽ chịu thua. 

“Nếu như ông Lành làm lơ bà vợ, cứ ‘chơi facebook’, cho tới bến thì sao?” 
“Ông ấy bảo rất khổ tâm vì bà dựng đầu ông dậy lúc nửa đêm để hỏi cung, như cảnh sát hỏi cung tội phạm, không cho ngủ.  À! Ông Lành rất bực bội vì bà đòi đọc bài trước khi ông gửi bài đến báo.  Bà muốn kiểm duyệt tư tưởng của ông. Bà nói bà sẽ giúp ông viết cho hay hơn.  Hai cái đầu thì tốt hơn một cái. Có thể bà nghĩ là suy nghĩ của bà tốt hơn của ông. Bà ấy lục tung trên mạng tìm xem ông viết văn nói xấu bà như thế nào, giỡn hớt với cô nào, âm mưu hãm hại bà như thế nào. Còn nhiều nữa kể không hết đâu. Ông ấy nói có cảm tưởng như đang sống trong truyện 1984 của Orwell vậy.”
“Viết văn mà bị kềm chế quá căng thẳng thần kinh như vậy làm sao viết cho được. Tôi không hiểu được làm sao ông có thể chịu đựng được lâu như vậy.  Có lẽ muốn giữ hạnh phúc phải chịu thiếu tự do.”  Tôi nói.
“Ông ấy trốn đi hoang một thời gian chừng vài ba tuần sẽ về.  Bất quá bỏ viết lách vớ vẩn thôi. Thời buổi này viết văn thì có được ích lợi gì đâu.”
“Nhưng tại sao lại phải trốn. Cứ đường hoàng đi ra cửa chính, xem chừng bà yêu ông lắm không ly dị đâu.”
“Tôi đoán ông muốn chắc chắn là bà không thể nào tìm ra ông để bắt về. Bà ấy nói bà có đạo, dù gì đi nữa cũng không bao giờ đồng ý ly dị.”

Ba năm sau, ông Lành vẫn không trở về. Cảnh sát không tìm kiếm ông Lành vì họ bảo rằng ông tự ra đi. Ông không cờ bạc hay nợ nần với ai. Anh em ông Lành nghe có người gặp ông ở nước ngoài. Bà Lành có thuê thám tử tìm nhưng không ra dấu vết của ông.

Cũng theo lời ông Mõ, có vài truyện ngắn ông Lành viết dùng bút hiệu khác. Những truyện này có điểm chung là, nhân vật trong truyện luôn tìm cách chạy trốn bằng cách này hay cách khác.  Truyện một người đàn bà mê hoa lan, tìm ra một giống lan hiếm màu xanh lá cây nhạt và rất thơm. Bà gặp một người có thể biến hương hoa thành nước và màu hoa thành vật thể. Ông ấy đưa bà đến dòng sông có nước xanh nhạt và thơm ngát mùi lan. Trên sông có con thiên nga xanh đang chờ đưa người đàn bà xuôi dòng sông xanh đến cuối chân trời. Sau đó người ta phát hiện thi thể người đàn bà trong trại trồng lan, có lẽ chết ngạt vì hương hoa. Truyện một người đàn ông đến xếp hàng đầu tiên mỗi ngày liên tiếp ba tháng để chờ một phi thuyền của người không gian đến trái đất muốn đem người ra ngoài vũ trụ để dùng DNA của người trái đất chữa bệnh cho người hành tinh. Khi được phỏng vấn vì sao ông hăng hái tìm cách được tuyển chọn lên phi thuyền, ông ta bảo rằng muốn được thoát khỏi những luật lệ của xã hội ông đang sống.  Truyện một người liên lạc với AI Robot hỏi cách viết codes để xây một cái hầm bí mật và vô hình làm chỗ trốn trong lúc nguy cấp.  Người này tưởng chừng như biến mất nhưng thật ra vẫn ở ngay trước mặt mọi người chỉ có điều mắt thường không nhìn thấy. Trong computer của ông Lành có một tấm ảnh chụp một ngày trước khi ông Lành mất tích. Ảnh chụp con đường trail trong rừng, ở cuối đường hàng cây hai bên đường chụm vào nhau tạo thành hình bán nguyệt, giữa là sương mù trắng đục.  Khi mở tấm ảnh ra to hết cỡ màn ảnh computer, có một vệt đen mờ giống như bóng người lao rất nhanh vào cửa động sương mù.

Cách đây vài ngày bà Lành đến quán của tôi. Bà gọi phở và cơm nguội khi thấy bảng trắng treo trên tường tôi có viết bằng bút lông màu. “Hết phở. Nước phở và cơm nguội không tính tiền.”

“Trong một lần đôi co anh ấy nói tôi là phở còn anh ấy là cơm nguội. Tôi đòi anh ấy giải thích nhưng anh ấy không trả lời. Im lặng thường xuyên là cách anh ấy trả lời tôi. Có lẽ anh muốn nói rằng cuộc hôn nhân của hai chúng tôi là một sự kết hợp không tương xứng, có thể hòa hợp nhưng tạm thời và bất đắc dĩ. Tôi muốn hiểu thêm cách ăn của anh ấy, tuy hơi trễ. Khi anh ấy bỏ việc làm để theo đuổi văn chương, tôi chế nhạo anh ấy bỏ phở để theo cơm nguội.”

Khách hàng vào quán tôi bảo rằng ra đi không mang theo của cải là một sự đoạn tuyệt quyết liệt. Người ta đo lường giá trị của sự thành công bằng sự hy sinh để đạt mục đích. Có lẽ, để được tự do viết văn, ông Lành đã hy sinh hạnh phúc hôn nhân. Giữa tự do và hạnh phúc, cái nào là phở cái nào là cơm nguội còn tùy theo quan điểm mỗi người. Hạnh phúc phải chăng như con bướm, chỉ đậu lên vai những kẻ không rập tâm giam giữ đôi cánh mong manh.

Nhị Ngã
1 tháng Tư năm 2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024