QUA CỬA THẦN PHÙ
Thần Phù là một địa danh cửa biển nổi tiếng. Nhiều thế kỷ trở về trước đây là nơi nguy hiểm đối với thuyền bè khi vượt sông bắt đầu ra biển. Sườn núi dốc dựng đứng quanh theo núi đá nhấp nhô, dưới chân ghềnh đá sóng xoáy hun hút, người lái thuyền có tài giỏi đến đâu để vượt thoát được hiểm nguy rất khó khăn.
Người dân trong vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) đều thuộc dòng tộc họ Mai. Chuyện xưa kể lại vào một buổi thiết triều vua Hùng Vương vì nghe lời sàm tấu của gian thần nên nổi giận xuống chiếu đày gia đình người con nuôi là Mai An Tiêm ra đảo hoang. Vượt qua con sóng ra đến cửa biển ngồi trước mũi thuyền, nhìn sau lưng non cao trước mặt là nước biếc mênh mông, phát sinh ngẫu hứng người đi đày Mai An Tiêm ngâm nga :
- “Lênh đênh qua cửa Thần Phù. Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”.
Chốn hoang đảo chiều chiều An Tiêm và Nàng Ba cùng hai con thơ, ngồi trên bãi biển hướng mắt về quê nhà xa xăm với nỗi thất vọng tràn ngập, không biết đến bao giờ mới giải được nỗi oan khuất của mình !!(*)
oOo
Trong làn khói hương trầm ẻo lả vờn bay, như thường lệ sau thời kinh cúng ngọ mỗi cuối tuần sư thầy trụ trì hay có một bài giảng ngắn trên pháp tòa trước khi hồi hướng kết thúc buổi lễ. Trong bài giảng lần này nói về nhân quả nghiệp báo của chúng sanh, không ít vài lần thầy đề cập nhắc đến chấp nhận trả nghiệp của mình trong khoảng thời gian qua mặc dù đã lâu lắm rồi, mười mấy năm có lẽ !
Trong số những người tham gia tụng kinh hàng tuần đa phần là ông bà cô bác lớn tuổi đến chùa thăm viếng tưởng nhớ vong linh thân nhân quá cố hoặc cầu an cho người thân. Ít ai tìm hiểu ý nghĩa những câu chuyện về bài giảng vì hầu hết đều là những từ ngữ mơ hồ trong các bài sám, kinh pháp đọc thuộc lòng. Nhắc đến câu ca dao cũng là ẩn ý nói đến việc lèo lái con thuyền đầy hỷ nộ ái ố trong tâm tư con người đi giữa biển đời trầm luân, mục đích nhắc nhở người ta nên sống tu nhân tích đức, đơn giản tu ở đây là sửa mình, là trở về tánh biết của chúng sinh nhận ra những lỗi lầm trót gặp phải, hoàn nguyên “nhân chi sơ tánh bản thiện”.
Giờ nghỉ trưa tôi gặp Judy người đồng nghiệp trong hãng, cô này nhỏ hơn tôi năm tuổi đang đứng cạnh tôi rửa tay trong nhà vệ sinh. Nhỏ này gốc Tàu Chợ lớn nói được tiếng Việt, ngoài những người da trắng thông thường số còn lại đa phần là người gốc Philippine và vài người Lào. Giờ ăn người Việt tập trung ngồi chung nhau một bàn số lượng đếm chỉ có một bàn tay. Nghỉ chỉ được nửa tiếng nên ai cũng cắm cúi ăn ít khi trò chuyện vì chỉ cần nói dang ca vài chuyện nắng mưa là thấy hết giờ. Tôi quay lưng định đi ra thì Judy kéo tôi lại hỏi :
- Chị Oanh có đi chùa không ?
Tôi bình thản trả lời :
- Có chứ, từ khi chị tôi mất đi vì bị tai biến, không cần phải đi thăm hàng tháng mỗi cuối tuần, giờ đổi lại tôi đi chùa thường xuyên hơn.
Judy hỏi tôi :
- Chị đi chùa nào vậy,
- Em nghe tên chắc biết vì ở đây chỉ có vài chùa thôi, tôi thích chùa này tại rộng rãi có chỗ đậu xe tuy hơi xa một chút. Em có đi chùa không ? Tôi hỏi lại :
- Em đi chùa ở phố Tàu. Hạ giọng Judy nói nhỏ “Chùa chị đi em nghe đồn ông thầy trụ trì chùa có qua lại phạm giới cấm với phụ nữ”.?
Tôi ngẩn người vì kinh ngạc :
- Chị đi chùa hàng tuần khi rảnh rỗi đâu có nghe ai nói gì đâu ! Mà em nghe đồn như vậy có bằng chứng gì không ?
- Em nghe nói có hình chụp hai người ôm nhau nữa kìa.
- Trời ơi, lại nghe người ta nói, thời bây giờ họ cắt ghép photoshop quá trời ở đó mà tin.
Judy cãi :
- Em nghe thầy trụ trì chùa của em nói là có video quay nữa. Tại thầy em nói nên em tin.
- Cũng chỉ toàn nghe nói chứ có thấy tận mắt đâu ? Nếu người ta ôm nhau ở đâu có sẵn sàng máy hình chụp lại vậy? Mà quay video thì khó hơn ! làm sao dám công khai ống kính cho người ta thấy giống như quay phong cảnh, cần phải dàn cảnh để có góc hình thì còn gì là sự thật. Bây giờ tôi nói thế này, tôi với Judy đang đứng nói chuyện bất thình lình tôi ôm em một cái khi em không kịp đề phòng. Người cầm máy với tôi đã có thỏa thuận từ trước để bấm máy, tấm hình đưa ra không nói lên được điều gì hết, thấy vậy mà không phải vậy !
Tôi bỏ đi ra ngoài khuyên Judy lời cuối :
- Thôi đừng có nghe lời đồn bậy bạ để nghiệp quật họ đi.
Không cần nói thêm những suy nghĩ ai cũng hiểu ở xứ sở này không phải cứ khoác lên mình bộ áo nhà tu là có thể dứt bỏ hết sân si, cạnh tranh, ganh tị. Nguyên lý chùa nào cũng muốn có người đi theo đông đảo, mục đích để truyền bá phật pháp là phụ nhưng nguồn thu cúng dường từ phật tử mới là chính. Chùa nào cũng cần có tiền bá tánh quyên góp càng nhiều càng tốt. Thậm chí có những vị tăng đề ra phương án xây dựng chùa với chỉ tiêu kế hoạch thu hút bá tánh nghe thấy khủng khiếp. Càng ngày càng nhiều chùa chiền ở mỗi địa phương quê nhà hiện tại phải được xây nguy nga mới gọi là chùa, tất cả đều có hình dáng giống như các cung điện của Trung quốc mà mọi người đã được xem qua từ phim Tàu.
Người đi tu giống ngày xưa đâu rồi điển hình theo lời kể của ba tôi ? Sau khi ông tôi qua đời bà nội của tôi buông bỏ hết tài sản để lại cho thân nhân con cái, ba tôi lúc ấy mới sáu tuổi về ở với bác là anh của cha, vì ông không con cái nhưng có gia sản kếch xù. Bà tôi bỏ tất cả xuất gia theo Phật nên “cắt ái ly gia” dù bà chỉ mới ba mươi tuổi ! Bà tìm đến chốn non cao rừng thẵm, vắng vẻ ẩn dật tịnh tu trong hang đá nghiền ngẫm giáo lý đức Phật với mớ cơm khô làm lương thực, hái rau rừng để sống không tiếp xúc với đời. Mười mấy năm sau cho đến khi ba tôi lên hai mươi tuổi, do thời cuộc chiến tranh, người Pháp trở lại Việt Nam đánh nhau với Cộng sản. Họ đem quân tiến lên các vùng rừng núi miền Nam đuổi hết những vị tu nhân đang nương náu trong các hang, cốc xuống đồng bằng. Trở về quê, gia đình lại xây cho bà một căn nhà ngói ba gian sâu trong đồng lúa vắng vẻ theo lời yêu cầu để bà lập “am thất” tịnh tu một mình.Tôi vẫn còn nhớ rất rõ quang cảnh am với bàn thờ Phật rất giản dị, chỉ là những bức tranh hình ảnh của Phật giống như các chùa khác. Từ đàng xa đã trông thấy giàn hoa giấy đỏ rực nhô lên trên cánh đồng lúa nhấp nhô thay cho bảng hiệu vì am không có tên. Mỗi khi ba dẫn chị em tôi về thăm bà nhằm vào ngày rằm hoặc mồng một, tôi gặp người dân quê ở ngoài chợ quận, quanh xóm đến am cúng kiến, họ mang trái cây mới hái, giã vài ký gạo trong lẫm lúa nhà, vài tán đường mía tự nấu, đến am cô Năm cúng dường (họ gọi tên bà tôi theo thứ tự trong gia đình). Bà tôi tự tay làm tương, chao bằng đậu nành với muối ăn và trồng rau quanh đất nhà, dưới ao làm thức ăn hàng ngày. Về thăm bà chứng kiến cách sống đơn giản đạm bạc của một người tu hành thời ấy tôi thấy một trời một vực khác với bây giờ. Năm tôi mười bốn tuổi bà mất vì suy dinh dưỡng. Bác sĩ thăm khám nói ba tôi phải cho bà ngã mặn, ăn thịt bò để lấy lại sức. Ba tôi rất đau lòng nhưng không dám hành động theo lời khuyên sẽ khiến bà phá giới bỏ công lao bà tu tập bấy lâu, nếu bà sống mà không đạt thành đạo hạnh người tu vẹn toàn làm sao bà tôi sống an nhiên những ngày còn lại.
oOo
Thời gian qua tôi ít để ý đến sinh hoạt của chùa, bây giờ nghe vậy tôi cảm thấy có đốm lửa nhỏ tuy chỉ mới leo lét nhưng cũng nung nấu cõi lòng một chút làm tâm chao đảo không còn bình an. Hôm tôi có hẹn đi gặp vị bác sĩ gia đình, tôi gặp ông này vài lần trong chùa, ông cũng là một vị chức sắc tham gia trong ban trị sự của chùa. Sau khi khám bệnh tôi hỏi thẳng ông có biết tin đồn về thầy trụ trì và câu chuyện này có đáng tin ?? Ông bác sỉ trả lời ngay:
- Điều tra rồi, thầy chẳng những không bị khiển trách mà còn được lên chức nữa. Khi ổng bị nó ôm ổng vùng lên bỏ chạy liền. Tôi đã cảnh cáo thầy phải dè chừng người mang cơm nước hàng ngày thầy lại không tin tôi.
Bây giờ tôi mới bắt đầu quan tâm và hiểu thêm, nếu chùa nào trong và ngoài nước thuộc nhóm Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nguyên thủy, có từ trước năm 1975 ở miền Nam là bị sự đàn áp của nhà cầm quyền trong nước. Cộng sản thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi xâm chiếm Miền Nam, tất cả chùa chiền phải đặt dưới sự quản lý của họ nên mọi người gọi là chùa quốc doanh, sư thầy quốc doanh. Nhiều vị chân tu nổi tiếng về đức độ tài năng tu học vô cớ bị bắt giam, bị đày đọa, bị kêu án tử hình, có vị phải bỏ mạng trong tù. Phật giáo Việt Nam Thống Nhất như bầy chim bị tan đàn xẻ nghé bay đi tứ tán tìm đường trốn tránh ra hải ngoại. Chùa của sư thầy nằm trong hệ thống Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại bởi tôi thấy hình ảnh của vị hòa thượng Quảng Độ bị giam giữ trong tù và những bài báo của Tổ chức Phật giáo quốc tế lên án Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, kêu gọi nhà cầm quyền phải thả các vị sư đang bị giam cầm được sư thầy đăng trên bảng thông báo sinh hoạt phật sự của chùa.
Trong số các chùa hiện hữu ở vùng tôi ở hình như chỉ có chùa của thầy là có hoạt động xã hội mạnh mẽ, bên cạnh việc tu tập ông còn sốt sắng tham gia hợp tác với những tổ chức cứu giúp những thuyền nhân Việt Nam bị kẹt tại trại tị nạn Philippine, đang sống trong tình trạng vô vọng. Ông kêu gọi mọi người trong cộng đồng đóng góp theo hình thức năm người công dân Bắc Mỹ có công việc làm, sẽ bảo trợ cho một gia đình kẹt lại tại đảo theo yêu cầu của chính phủ sở tại để nhận cho họ định cư theo quy chế tị nạn. Mỗi người chỉ cần quyên góp một ngày một đồng cho quỹ làm giấy tờ cần thiết về pháp lý cho người tị nạn. Công việc rầm rộ tiến hành, nhà thờ cũng đến tham gia chung. Khỏi phải nói niềm vui những gia đình được chùa tiếp nhận cho họ ăn ở sinh sống từ ngày đầu tiên cho đến khi tìm được công việc làm ổn định không sao kể hết. Thời gian đó tôi gặp nhiều gia đình như thế khi đi chùa. Một bà khá lớn tuổi ở chùa làm công quả nghe mọi người gọi tên là bà Ba, bà nói với tôi :
- Tôi hết sức biết ơn thầy, tụi tôi giống như được sinh ra lần nữa. Cô biết không ? Tôi còn ở đảo mỗi ngày đi qua là biết được sống một ngày, chiều nào tôi cũng mong ngóng con tôi đi ra bên ngoài trại buôn dạo kiếm sống thấy mặt nó trở về tôi mới tin rằng con tôi còn sống. Cuộc đời những người thuyền nhân sống trên vùng đất không còn sự trợ giúp của bất cứ tổ chức từ thiện nào nữa, không ai bênh vực khi xảy ra chuyện vì không có luật pháp dành cho, chỉ biết cam lòng chịu đựng, dẫu có mất mạng đi nữa. Bây giờ sang đến bên nầy giống như tụi tôi được phép lạ tái sinh. Bởi vậy bài hát “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” được viết lên là sự thật !!
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, giông bão nổi lên phá tan chốn trang nghiêm yên bình. Người ta lại thấy tin đồn sư thầy có con. Một đứa con gái khoảng bốn năm tuổi lẩn quẩn chơi đùa với năm sáu đứa nhỏ trạc tuổi con của những gia đình tị nạn về ngụ đỡ trong các dãy phòng quanh chùa. Người ta nói mẹ nó đi về VN thăm gia đình nên gởi thầy giúp giùm. Thầy cũng nhận và cho ở chung với đám trẻ trong chùa, nhưng hơi lạ là có người hỏi ba đâu thì con bé chỉ vào thầy là ba nó.
Một bà phật tử đi chùa nhiều năm thuật lại rành rẽ :
- Má con bé gốc gác ở đâu nghe nói tận bên bờ đông, ly dị có hai con để chồng nuôi. Chán đời xin về đây làm công quả. Hầu hết các chùa đều tuân theo giáo lý Phật dạy mở lòng đón nhận khách thập phương, người đến xin tu học nương tựa không phân biệt hoàn cảnh, gốc gác. Mà công nhận nghe, mẹ con nhà này thoạt đầu nó siêng năng lắm, quét dọn chùa phụ làm bếp với mọi người, giọng tụng kinh cũng hay nữa. Rồi nó phụ trách bưng cơm rót nước cho thầy, sự tận tụy thân tình cũng giống như các đệ tử khác thôi. Bởi vậy khi nó gởi con thì không ai lấy làm lạ nên không để ý. Chỉ khi nó từ Việt Nam trở về nó thay đổi thái độ kỳ lắm.
Bà Ba người lớn tuổi cho biết tiếp theo :
- Mới ba bốn bữa từ ngày nó về, mấy người trong chùa với tôi có rình thấy nó gọi điện thoại cho người nghe đang ở bên VN. Nó xưng con với người bên kia và gọi là thầy, nó chửi ỏm tỏi người bên này kêu là thằng già nọ già kia, rồi không biết bên kia nói gì, dặn dò điều gì, nó trả lời con sẽ làm theo lời thầy.
Chuyện xui khiến đứa nhỏ chỉ vào thầy gọi là ba, các phật tử trong chùa không ai quan tâm và chẳng đồn đoán bàn tán. Ai cũng nghĩ mình đi chùa chỉ để tâm thanh tịnh chuyện ai làm sai quấy có trời Phật chứng minh. Trong các điều răn của Phật dạy người đã quy y : “Không nói chuyện của người “.
Khi những gia đình tị nạn từ Philippine đã dọn đi gần hết, người cuối cùng cũng qua hết đến các xứ sở tự do. Chùa lại có đợt vận động tiếp tục cùng với các hội đoàn bên Mỹ lần trước, nhưng kỳ này thì bảo lãnh những gia đình tị nạn và người đang trốn tránh bên Thái Lan. Một số gia đình này đã đến được xứ sở tự do đợt đầu đang trú ngụ tại chùa. Công việc vẫn đang tiến hành tiếp tục thì bỗng....tai họa ập đến...!!!
Tôi nghe thuật lại bữa đó không phải cuối tuần, cũng gần giờ chiều lại có mấy người không biết có phải tình cờ hay không nhưng có lẽ cùng trong một phe nhóm xuất hiện ở chùa. Người phụ nữ dắt đứa nhỏ đến, cãi cọ với thầy, chửi bới dữ dội bằng từ ngữ thô thiển, gọi là thằng già dâm đãng để ép buộc điều gì đó nhưng thầy không đồng ý, mặc dù thái độ vẫn là điềm tỉnh hòa nhã của người tu hành. Thấy không xong theo ý, một người rút phone gọi cảnh sát đến. Lời qua tiếng lại cuối cùng cảnh sát nói nếu không ai chịu nhận nuôi đứa bé thì họ sẽ giải quyết bằng cách mang vào viện mồ côi. Sư thầy đã từng giúp biết bao người rồi và ca dao cũng đã có câu :
- Dẫu xây chín đợt “phù đồ” (chùa chiền). Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Cú đánh knock out vào lương tâm người có lòng từ bi bác ái của một người tu hành đã bắt buộc thầy đứng ra nhận là cha của đứa nhỏ. Theo luật thầy phải trợ cấp cho đứa bé đến hết mười tám tuổi. Mục đích chính không phải vì tiền, chỉ cần bôi bẩn tư cách của người tu hành trong chùa mới quan trọng. Khi điều mong muốn được thỏa mãn, cả bầy cùng người đàn bà dắt đứa bé về. Để lại sau đó cơn giông bao trùm thị phi trên toàn bộ ngôi chùa khi bài bản đã được sắp đặt trước, dìm tận bùn đen tư cách đạo đức người sư thầy xấu số, nạn nhân của đám hệ thống Phật giáo quốc doanh vươn vòi bạch tuộc ra hải ngoại. Trên cửa miệng chỉ cần đồn đoán với nhau chính thầy đã xác nhận đứa bé là con đồng nghĩa việc triệt tiêu con đường tu của thầy sau này. Vẫn chưa hết phe nhóm này từ trước đứng sau là người đàn bà, lợi dụng việc thông thạo luật pháp của đất tạm dung tố cáo chùa hoạt động không giấy phép khiến chính quyền thành phố bắt buộc phải triệt hạ, dỡ xuống toàn bộ nhà cửa kể cả gian nhà chính hợp pháp nơi sư thầy trú ngụ cũng bị cắt hết điện nước, giăng dây cấm ra vào tụ tập hay cư trú, không được sinh hoạt ngoài mục đích chính của khu đất là trồng trọt.
Một lần đi chia buồn tình cờ theo thầy hộ niệm cho cha người đệ tử quen trong chùa, tôi gặp hai vợ chồng con của người bạn khi xưa cùng sinh hoạt với chùa. Hai người cũng đến phúng viếng đám tang gặp tôi họ nói như té nước vào mặt với giọng tức tối :
- Giờ này mà chú thiếm còn đi theo ổng hả ??? Người mất tư cách đạo đức.
Bản thân tôi cũng bị lây chút ngỡ ngàng trong im lặng, tôi không biết cảm giác của thầy ra sao !!! Nhiều người lại thấy trong thời gian xảy ra chuyện, cạnh tấm bảng thông báo phật sự của chùa treo kế bên là tấm bảng ghi mười điều răn dạy đệ tử của Phật, tôi không nhớ hết chỉ nhớ câu thứ mười là câu cuối cùng : “Oan ức không cần bày tỏ”. Phải chăng Đức Phật Quan Âm trên con đường tu tập cũng bị Thị Mầu vu oan nhưng ngài cũng vẫn cắn răng im lặng bởi điều răn thứ mười.
Tôi không rõ các vị Thượng tọa khác suy nghĩ ra sao, nhưng vào khoảng những tuần lễ cuối cùng phải đóng cửa chùa theo lệnh của thành phố, có hai vị là Hòa thượng và Thượng tọa từ miền Nam nước Mỹ trước kia đã sang viếng chùa nhiều lần. Đứng trước quang cảnh tiêu điều hiện tại khác với khi trước. Hòa thượng nhân tiện thuyết pháp cho đại chúng nghe một bài giảng ngắn, ngài nói :
- “Trên đường hành đạo có không ít những chuyện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn không lường trước, “thấy vậy nhưng không phải vậy”. Hạnh nguyện tu tập của một người đi theo con đường của đức Phật sẽ thể hiện cho thấy người ấy đạt được cảnh giới đến mức độ nào trước những thị phi. Có một nhà sư đi tu đã lâu năm, đức độ của ngài khiến mọi người chung quanh hết sức tôn kính mỗi lần gặp ngài rời nơi nhập định đi khất thực. Nhà nào được ngài ghé thăm đều rất xúc động và hãnh diện. Hôm ấy tình cờ đi qua gia trang của một phú hộ trong vùng, vị sư được gia chủ mời vào nhà một cách trọng thể, chủ nhà có đem khoe với vị sư một viên ngọc phát sáng tự nhiên rất quý định bụng sẽ khảm vào trán pho tượng Phật trong nhà. Sau khi vào trong gọi gia nhân mang phẩm vật dâng cúng, trở ra ông này thấy viên ngọc lúc nảy để trên bàn đã biến mất. Hỏi vị sư thì ông này chỉ im lặng lắc đầu không nói, có lẽ biết nói ra sẽ phạm vào “ngũ giới cấm” của nhà Phật. Một mất mười ngờ bởi chỉ có một mình vị sư ngồi đó khi chủ nhà vào trong. Câu chuyện đồn đại lan ra khắp địa phương về lòng tham của vị sư, ông bị lăng nhục, chửi bới, có khi còn bị ném đá mỗi khi ra đường, từ đó người ta không thèm cúng dường hay bố thí như trước. Vị sư lâm vào cảnh bữa đói bữa no vì theo giới luật mỗi ngày sư đi khất thực chỉ nhận đủ dùng cho ngày đó và thọ thực một lần trước giờ ngọ mà thôi.
Một thời gian ngắn sau, hôm ấy có sự tranh chấp giữa hai con vật nuôi trong nhà là con chó trung thành và con ngỗng đầu đàn chủ nhà rất quý. Quen thói được cưng chiều, con ngỗng xông vào giành phần ăn với con chó khiến con này tức giận cắn cổ con ngỗng chết. Thấy vậy chủ nhà sai gia nhân mang ngỗng đi làm thịt, họ phát giác trong bầu diều có viên ngọc phát sáng. Mọi người mới biết vị sư bị ngờ oan, ông giải thích rằng dù thấy con ngỗng nuốt viên ngọc quý giá nhưng không thể nói, vì nếu ông phú hộ biết được đương nhiên sẽ giết con ngỗng để lấy lại viên ngọc. Chỉ là một lời nói vị sư lại mang tội sát sanh, phạm điều răn đầu tiên trong ngũ giới cấm, sư thà rằng chịu mang tiếng để mình “trọn thành Phật đạo”.
Trở về chuyện của ngôi chùa, xem như tan hoang không còn nơi chốn tụ tập tụng kinh. Vẫn có những người đệ tử còn chút lòng nhân từ, họ sẵn sàng cưu mang cho thầy thuê tầng trên căn nhà hai phòng và một phòng khách tạm thời để thầy tụng kinh cùng đệ tử hàng tuần. Được chừng hai ba tháng diện tích quá nhỏ không đủ chỗ cho phật tử tu tập. Đành phải lòng vòng mướn gian phòng gym của một trường tiểu học một tháng bốn lần từ tám giờ sáng đến ba giờ chiều của ngày thứ bảy, để duy trì những buổi dẫn chúng tụng kinh theo thầy là các đệ tử. Thầy sắp xếp phân công người thì chở trên xe hai ba chục bồ đoàn và mấy chiếc chiếu từ nhà đến. Người thì mang bông hoa thật lẫn hoa nhựa sau giờ hành lễ tạm mang về chỗ ở để dành cho tuần sau. Riêng thầy phụ trách các pho tương phật nhỏ cùng chuông mõ. Một nhóm khác nấu một ít cơm chay để sau khi tụng kinh thì xúm xít ngồi dưới đất cùng ăn. Thời khắc này ai cũng cảm động vì sư vẫn trong chiếc áo thầy tu tiếp tục hành đạo giúp mọi người duy trì lòng tin đối với phật pháp, đoàn kết vượt qua hoạn nạn.
Dù chỉ có trên dưới hai mươi mấy người cùng nhau đồng lòng hộ trì tam bảo. Nguyên lý đời sống ai cũng biết “Cùng tắc biến, biến tắc thông”. Đẩy đưa đến khi thầy gặp một anh bạn trẻ chưa phải là đệ tử, anh này làm công việc mua đi bán lại bất động sản, may mắn mua được một cái hall nhỏ trước kia làm nơi sinh hoạt của một cộng đồng người sắc tộc thiểu số. Gian nhà trống trơn có một sân khấu nhỏ và hệ thống vệ sinh tối thiểu cho nam nữ, thế là hết. Thầy bèn thuê lại với giá gấp đôi khi thuê trường học, bù lại được hội trường rộng rãi thầy che chắn một gian phòng để ở lại và sinh hoạt luôn toàn thời gian, bàn thờ Phật được đặt yên vị chứ không mang chạy đi chạy lại. Do đã được phép từng là nơi tụ tập sinh hoạt của nhiều người từ trước nên giờ không bị hàng xóm chung quanh phàn nàn. Điều kiện mua bán bất động sản muốn tránh bị đóng thuế cao khi mua đi bán lại, ít nhất phải hơn một năm mới có thể thay đổi chủ.
Vậy là thầy trò cùng yên vị hơn hai năm. Khi anh bạn thấy thời khắc thuận lợi và có người mua lại bất động sản này có lời, anh cho thầy hay thời hạn phải dọn đi. Phật pháp nhiệm mầu đúng lúc khiến xui thầy mua được gian nhà thờ với giá rẻ vừa mới đăng bán được ba ngày. Ở hải ngoại việc xin phép xây chùa rất khó khăn hầu như không thể. Nhà ở hay cơ sở thương mại không được làm chùa. Muốn hoạt động dành cho tôn giáo, làm chùa phải mua lại từ những ngôi nhà thờ họ đạo không xử dụng nữa, có giấy phép được tụ tập hoạt động về tôn giáo. Không đầy một tuần lễ sau khi mượn được tiền ngân hàng, ngôi chùa mới được hình thành. Tuy có xa hơn chỗ xưa chùa bị dỡ bỏ nhưng bù lại là một ngôi chùa hợp pháp đối với luật lệ bắt buộc liên quan về tôn giáo ở Bắc Mỹ.
Qua bao chỉ trích, mạ lỵ tranh chấp được dàn dựng, trong họa lại có phước. Chùa bây giờ được danh chánh ngôn thuận hợp lệ về mọi mặt. Các đệ tử khi xưa bỏ chùa giờ dần dần quay lại với lời chống chế. “Tôi đi chùa là để đảnh lễ Phật cầu phước, còn cá nhân ai làm sai sẽ chịu tội vì ‘Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng’”. Ngôi chùa mới đã trả hết nợ ngân hàng chỉ trong thời gian ngắn bởi miếng đất trồng trọt cũ bán được giá khi vào thời điểm đất đai lên giá. Kết quả viên mãn là câu trả lời cho thấy ai có lòng giúp đỡ người khi hoạn nạn, bế tắc lâm vào cảnh đường cùng nếu gặp tai họa sẽ không bị vùi dập mãi. Âu cũng là nâng đỡ của đấng vô hình đối với người tu tập có tâm từ bi khéo tu thì nổi khi lênh đênh qua cửa Thần Phù.
Cỏ Biển
Tháng bảy Mùa Vu Lan 2024.
(*) Tư liệu trích trong Google.
|