Sau những ngày tang tóc
Mùa mưa đã đi qua, mang theo cùng mùa cái không khí ảm đạm của ngôi nhà. Những chiếc lá trên cây ổi trong vườn xanh hơn, và nắng rải vàng trên các đồ vật trước hiên nhà. Mọi thứ như được hồi sinh, uyển chuyển linh động sau những ngày im ắng, phủ trùm những nỗi buồn tang tóc. Tất cả được nhìn thấy trên hàng dây thép, trên những đám quần áo mới mà bà nội đã giặt giũ và đem phơi sáng nay. Bà dặn tôi phải ủi thẳng thớm cho bà khi mớ quần áo khô. Coi chừng bàn ủi nóng quá sẽ bị ố vàng hay bị co rút.
Ai nói người già không có tình yêu. Nét mặt hân hoan của bà nội, hai bàn tay nâng niu những sớ vải, vò vuốt chúng trong vũng bọt xà bông một cách nhẹ nhàng như sợ áo quần đau. Tôi không biết bà có dám mặc chúng vào người không? Hay sẽ cất giữ nâng niu như kỷ niệm. Tôi nghĩ mà phục và thương ông nội. Sự lo lắng, tình thương của ông cho bà thật tinh tế. Bà sẽ suốt đời nhớ đến ông.
Lâu lắm rồi tôi mới vào và ngồi lâu trong căn phòng này. Tôi đang dọn dẹp, lau chùi, kê cất lại mọi thứ đồ đạc. Giường mới, tủ mới, chỉ có chiếc bàn là cũ. Nơi này chỉ để ngủ. Bố nói nếu thấy chật thì đem cái bàn lên nhà trên, hoặc một góc nào đó ngoài hiên. Nhưng tôi giữ lại, và còn xin cái ghế trong phòng bà nội kê vào cho đủ bộ.
Tôi không còn đi học nữa. Bàn ghế để làm gì? Có chăng chỉ là chỗ để phích nước, ấm trà, chai dầu gió xanh của mẹ hay cái kẹp tóc, vài thứ vặt vãnh của tôi. Dù sao cái bàn cũng là kỷ niệm. Tôi nhìn lớp gỗ nhẵn của mặt bàn vừa được tôi lau chùi kỹ lưỡng, nhưng vẫn tin rằng trên mặt gỗ vẫn còn đâu đó dấu tay của chú Thịnh. Và hơi hướng của ông nội còn vương lại trên mặt ghế kia.
Trước đấy, tôi đã rất sợ hãi khi bước vào đây. Bây giờ tôi lại cảm thấy an bình hơn bao giờ hết khi ngồi một mình trong căn phòng này. Bởi vì từ bây giờ, cái chu vi khiêm nhường này đã trở thành một thứ tài sản của riêng tôi, của chúng tôi.
Giữa niềm hân hoan về một đời sống mới, ấm áp hạnh phúc, thì hình ảnh hai người đàn ông bỗng lại hiện về. Đến khi nào tôi mới có thể quên đi những cái chết.
Chú Thịnh nằm trong chiếc bọc nhựa dầy, khuôn mặt phồng lên đầy những lỗ đen sâu hoắm do những mảnh đạn cắm vào. Người nhà của chú đã nói như thế. Có lẽ chẳng khác gì những xác chết mà tôi nhìn thấy vào dịp Tết Mậu Thân năm nào. Còn ông nội, khi tôi được phép bước vào nhà thì ông đã được đặt nằm ngay ngắn ở nhà trên, nơi tấm phản. Bà nội phủ lên người ông một tấm mền mỏng, trước khi chạy ra chợ mua vội vàng một tấm khăn trải giường màu trắng.
Tôi không được phép nhìn ông. Nhưng tôi nhìn thấy những sợi dây thừng mà ông bác gần nhà đã quấn lại và niêm kỹ vào một chiếc túi.
Gương mặt của một người treo cổ chắc phải có gì ghê gớm lắm, nên bọn trẻ chúng tôi mới bị đuổi ra ngoài cho đến khi ông được khâm liệm.
Tôi không khóc khi ông mất. Tôi biết ông thương tôi nhưng ông lạnh lùng với tôi quá. Hình như chúng tôi, hai ông cháu chỉ đối đáp với nhau bằng những phép tắc. Tôi chào ông mỗi khi ra khỏi nhà, gọi dạ bảo vâng khi ông sai bảo tôi một việc gì đó. Những giọt nước mắt chảy ra ngày hôm đó chỉ là sự tủi thân. Nếu có linh hồn, ông nội và chú Thịnh sẽ nhận ra điều này. Nhưng tôi biết ông cũng không trách gì tôi.
Quả tình tôi chẳng có, hay chẳng nhớ một điều gì đó dù buồn, dù vui về ông khiến tôi xúc động. Hay điều gì đó có thể gọi là kỷ niệm. Nhưng không thể nói là tôi không thương ông nội mình. Tôi chỉ khóc khi nhìn bà nội ngồi thẫn thờ giữa đống quần áo mới. Tôi nhớ hình như mình cũng không khóc khi nghe tin chú Thịnh mất. Tôi mất chú lâu rồi. Những giọt nước mắt dành cho chú đã khô ráo từ một đêm nào. Tôi chỉ khóc khi không còn ai quanh tôi, khóc tủi thân vì cô quạnh.
Tôi đang tập làm quen với không gian nhỏ bé này. Trên cái giường này, mẹ sẽ nằm trong hay nằm ngoài? Nhưng trong ngoài gì cũng vậy. Gia đình bố sắp dọn hết về đây ở. Vì một ngôi nhà rộng, không thể chỉ có hai bà cháu. Mẹ nói, tôi sẽ không cán đáng nỗi nếu như bà nội có mệnh hệ gì. Và như thế là tôi sắp được ở với mẹ. Thằng Tí trả mẹ lại cho tôi. Nó đã được sống cạnh mẹ nhiều năm tháng rồi, giờ đến phần tôi. Nhưng nghĩ vậy thôi, chứ tôi lớn rồi. Mẹ dặn tôi phải ngoan, phải thương em. Tôi không còn một mình nữa, tôi phải trông nom thằng Tí và cả những đứa em khác.
Bây giờ tôi có thêm hai đứa em nữa. Tôi cũng chưa biết mặt mũi chúng nó ra sao và trông thì trông như thế nào? Đút cơm, tắm rửa cho chúng chăng? Tôi có bao giờ làm công việc này. Và Dì nữa, dì có khó chịu, có hành hạ tôi như những bà mẹ ghẻ mà tôi từng nghe kể, từng đọc trong những truyện cổ tích. Mà tôi đâu phải là đứa trẻ mồ côi, tôi còn mẹ mà.
Mặc, cứ nghĩ ngày mai mẹ về ở hẳn trong ngôi nhà này. Tôi sẽ thấy mẹ những sớm mai thức dậy. Sẽ thấy mẹ nằm bên tôi những khuya giật mình thức giấc. Như thế là đủ, là vui.
Ngôi nhà đã được bố và bà nội bàn bạc tính toán. Nó sẽ được chia ra làm ba phần. Gian bên trái vẫn là của bà nội. Gian giữa rộng lớn dành cho các sinh hoạt của ông mà ngày trước tôi được ké một phần là cái giường ngủ nơi cửa sổ. Cái giường này sẽ dành cho thằng Tí và tất cả sẽ dành cho gia đình bố.
Tôi và mẹ được sở hữu gian phòng này, sát chái bếp. Chẳng đẹp đẽ gì khi hướng giường ngủ có cái cửa sổ mà qua đấy là dãy son chảo treo lủng lẳng trên những chiếc đinh to. Nhưng nhìn những lũ nồi chảo ấy tôi nghĩ đôi khi lại còn đỡ sợ, đỡ buồn hơn là phải thấy cái tủ chè đặt ở giữa nhà có di ảnh của ông nội. Nơi những ngọn nến, khói nhang không ngừng cháy đỏ.
Anh Minh về ăn giỗ bốn mươi chín ngày của ông. Lần đầu tiên tôi mới thấy những người bạn của bố. Những người đàn ông đi một mình và luôn cười to nói lớn.
Lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy những mâm thức ăn đầy ngập. Nào xôi gấc, giò chả, gà luộc, thịt quay, bún miến. Những thứ mà từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy qua các cửa hiệu ăn uống, hàng gánh và dĩ nhiên lúc ấy tôi rất thèm được ăn.
Khách nhiều đến nổi bố phải mượn thêm bàn ghế nhà hàng xóm và đặt trước hiên nhà. Bánh trái, hoa quả khách mang đến cúng ông đều phải cất hết vào nhà bếp, vì không còn chỗ trưng bày. Những người hàng xóm cũng được mời sang. Những đôi mắt quan sát, soi mói và tôi nghe họ thầm thì rằng ông tôi có phước.
Bà nội bớt buồn hơn. Bà nói với mẹ rằng, ông không muốn đám tang ông chỉ có chiếc gậy treo lủng lẳng cạnh quan tài. Ông sống cúi mặt nhưng chết phải được rỡ ràng nghi lễ. Ông đã tiên đoán và dự trù lo liệu trước. Ông chọn thời khắc ra khỏi cuộc đời mà mọi người, nhất là bố còn tự do đi lại, có thể lo cho ông được chu đáo. Ở một cõi nào đó, hẳn linh hồn ông đã nhẹ nhàng thanh thoát. Vì mọi điều đang xảy ra còn hơn sự tưởng tượng của ông trước khi ông tròng vào cổ mình sợi dây treo trên xà nhà, thắt nút rồi đạp đổ chiếc ghế.
Tôi thích ngửi mùi lụa mới. Trước khi cất vào va li, tôi ngắm mãi những chiếc áo dài vừa lấy ở tiệm về. Chưa bao giờ tôi được may một lúc nhiều áo quần đến thế. Bố đã cho tôi một xấp tiền, dầy hơn rất nhiều lần những tờ giấy bạc mà mẹ dắm dúi cho ngày trước. Đó là điều tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Nhìn xấp áo dài, mẹ lộ vẻ không bằng lòng. Mẹ nói, tôi còn nhỏ lẽ ra không nên mặc những thứ vải hoa màu, sặc sỡ như thế. Nhưng mẹ nào hiểu những bông hoa, những chiếc lá, những vòng tròn, vòng xoắn kỷ hà uốn lượn từng lớp vân trên vải. Những nét chấm phá trên lụa mềm sẽ làm thân thể tôi đầy đặn hơn là những chiếc áo màu trơn bình dị, hiền lành như mẹ muốn. Chúng sẽ giúp tôi che đi những khuyết điểm trên thân thể ốm yếu của mình. Ngoài chiếc áo dài trắng đi học ngày trước, chưa bao giờ tôi có áo dài hoa. Tôi mong có dịp để khoác nó lên người, và cái dịp đó đã đến.
Ngày mai tôi lại được theo anh Minh rời thành phố. Tôi sẽ có hai tuần gặp lại cha mẹ nuôi của mình. Hai tuần ở biển tôi không hiểu sẽ như thế nào? Nhưng tôi tin chắc nó sẽ là những ngày tươi đẹp.
Tôi không muốn nghĩ thêm một điều gì khác. Thế mà bỗng nhiên tôi nhớ đến người bạn của anh Minh. Người con trai tôi đã gặp vào một buổi chiều ở Đà Lạt. Lần gặp gỡ chóng vánh và cũng chẳng lấy gì vui. Anh Minh không nói gì thêm về chuyến đi, mục đích chính chỉ là thăm cha mẹ nuôi của tôi. Người đã giúp ông nội làm khai sanh cho tôi khi di cư, khi bố với những mưu toan lợi ích của riêng ông, ông không muốn nhận tôi là con ông trên giấy tờ pháp lý. Thực sự, ngay những ngày còn nhỏ, cho đến khi có đủ trí khôn, tôi có khác nào một đứa trẻ mồ côi.
Tất nhiên đây cũng là một dịp cho tôi biết thêm phố biển và cách gì tôi cũng gặp lại người con trai ấy. Hai người học chung một trường. Anh Minh đi đâu mà chẳng có bè, có bạn.
Đã khuya lắm rồi mà tôi vẫn bồn chồn không ngủ được. Bà nội có lẽ cũng chưa ngủ. Tôi nghe tiếng ho húng hắng của bà, tiếng chân đi đi lại lại. Tôi nhớ đến xấp quần áo tôi ủi hồi chiều. Tôi đã mang vào phòng và để gọn một chỗ nơi góc giường cho bà thay vì cất vào tủ. Từ ngày ông mất, bà không muốn ai đụng tới những đồ vật nào trong phòng bà. Có thể giờ này bà còn ngồi nâng niu, nhìn ngắm những bộ quần áo như tôi mơ mộng mãi với những tà áo mới của mình.
Và rồi tôi cũng đã thiếp đi, giấc ngủ muộn nhưng êm đềm. Giấc ngủ không có những con chim mộng về bay đầu giường như trong một bài hát tôi hay nghe ở nhà Mỹ Linh. Chỉ có những dải lụa mềm bồng bềnh trong gió thoảng. Những ngọn gió của một ngày xuân.
(Trích đoạn từ truyện dài "Sương Ký Ức")
Đặng Mai Lan |