SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

thi tâm

Nguyễn Phước Nguyên

Thư sinh ngẩn ngơ nhìn mỹ cảnh trước mắt. Trời bắt đầu chiều, vầng dương đang lặn dần sau áng mây ửng đỏ. Hàng thanh liễu rủ mình bên sông, lả lơi trong gió. Vài cánh chim rủ nhau bay tìm chỗ trú. Chung quanh tịch lặng. Khung cảnh hữu tình.

Thư sinh là thi sĩ nổi tiếng. Không giống như các thi nhân khác, thư sinh lánh xa những trà đình tửu quán. Chàng không chen chân vào chốn phồn hoa để khoe tài. Thư sinh sống rất đơn thanh, giang hồ cùng bầu rượu túi thơ. Khi nào hài lòng với những bài thơ mới được đúc kết thành một tập, chàng tìm về kinh đô. Nơi đó lúc nào cũng có sẵn những người mua thơ của chàng. Thư sinh đổi thơ lấy tiền, rồi lại lãng du theo tiếng gọi của phong cảnh và hồn thơ của mình.

Chiều nay thư sinh lại ra ven bờ hồ ngồi ngây ngất với nét đẹp của thiên nhiên. Mấy ngày nay chàng không ghi xuống được trên mặt giấy một chữ nào. Chàng dằn vật, khổ sở. Chàng biết muốn đưa thơ của mình đến một cảnh giới mới không phải là dễ. Thư sinh mong cảnh trí tịch lặng nơi đây sẽ giúp mình tìm ra một thi hướng mới. Nhưng đã bao ngày đêm hao tâm mà vẫn chưa đạt được một kết quả nào.

"ÙM..."

Tiếng một viên đá to bị ném xuống nước làm tan vỡ cả một vùng tịch lặng.

"ÙM... ÙM... ÙM.."

Liên tục những tiếng vang của mặt nước bị chấn động làm thư sinh bực mình. Chàng đứng dậy đi về phía tiếng động phát sinh. Qua khỏi một khúc quanh của bờ hồ, thư sinh thấy bóng dáng một người đang ôm những tảng đá lớn ném xuống hồ. Một ông lão. Chàng cất tiếng hỏi lớn:

- Lão trượng làm gì thế?

Ông lão ngừng lại trố mắt nhìn thư sinh, rồi lại cúi xuống ôm tảng đá kế tiếp ném xuống hồ. Thư sinh bước đến gần hơn và hỏi lại:

- Lão trượng làm gì thế?
- Công tử làm gì thế?

Ông lão không trả lời mà hỏi ngược lại thư sinh. Chỉ cuốn sách trong tay thư sinh, ông lão hỏi tiếp:

- Cái gì thế?
- Đây là tập thơ của vãn bối.
- Công tử đến đây để làm thơ?
- Vãn bối đến đây để tìm ý thơ.

Ông lão ngừng lại việc làm điên rồ của mình và hỏi một cách kinh ngạc:

- Ồ, công tử đến đây tìm ý thơ sao? Nó ở đâu?

Thư sinh khoát tay một vòng chung quanh mình và đáp:

- Nơi đây cảnh trí nên thơ, hữu tình. Lão trượng không thấy như vậy sao? Và cả sự tịch lặng nữa. Với vãn bối, là một động lực thúc đẩy cho hồn thơ sinh động.

Nhìn dáng lam lủ của ông lão, thư sinh ngại ngần nói tiếp:

- À, mà chắc lão trượng không hiểu vãn bối nói gì đâu nhỉ.

Ông lão cũng gật đầu đồng ý:

- Thì ra như thế. Hóa ra lão phá rối hồn thơ của công tử. Thật là lỗi quá. Thôi lão không ném đá nữa, công tử yên tâm.
- Cám ơn lão trượng.

Bất chợt ông lão ngồi xuống đất. Ông lão ngoắc tay bảo thư sinh ngồi xuống bên mình và nói:

- Công tử ạ, chúng ta có duyên gặp nhau nên lão có một món quà tặng công tử. Công tử nhận chăng?

Nhìn bộ đồ vá víu quê mùa của ông lão, thư sinh lắc đầu:

- Vãn bối không dám nhận đâu.
- Công tử đừng ngại, món quà không tốn một chút hiện kim nào cả. Nào, công tử hãy ngồi xuống đây.

Trước chân tình của ông lão, thư sinh vén áo ngồi xuống bên ông lão. Sau khi an vị, chàng nhìn ông lão trong sự chờ đợi. Ông lão đưa ngón tay lên môi ra dấu thư sinh hãy yên lặng. Xong, hai người cùng ngồi bên bờ hồ nhìn ra mặt nước. Bẵng đi một thời gian rất lâu, không thấy ông lão nói gì cả, thư sinh định lên tiếng hỏi thì ông lão đã đưa tay nắm bàn tay của thư sinh, mắt nhìn mắt, ông lão lắc đầu.

Một lúc sau, chừng hết một tuần trà, thư sinh vẫn chưa thấy ông lão làm gì ngoài ngồi yên nhìn ra bờ hồ. Thư sinh không biết ông lão chờ gì. Rồi tự hỏi - Hay ông lão đang chờ quý vật gì hiện lên từ đáy hồ chăng? Dường như đoán được tư tưởng của thư sinh, ông lão quay lại nhìn chàng, đưa bàn tay lên che miệng làm dấu im lặng và quay lại nhìn bờ hồ.

Lại im lặng. Rất lâu.

Thư sinh ngạc nhiên với chính mình trong sự lặng thinh đó.

Thường, sự tịch lặng đem đến cho chàng bao nhiêu ý thơ cao đẹp. Vậy mà trong sự tịch lặng khi ngồi bên ông lão, chàng chỉ thấy bực mình. Chàng tự trách mình sao hay vị nể người trọng tuổi. Càng nghĩ càng bực mình, chàng thấy ông lão đùa giỡn với mình một cách thái quá. Nhất quyết, thư sinh duỗi chân đứng dậy, nhưng ông lão đã nắm tay chàng giữ lại, tay kia vẫn ra hiệu cho thư sinh giữ im lặng. Một người nhất định đứng dậy, một người nhất định níu lại. Thư sinh không nhịn được, định mở miệng nói, thì ông lão đã buông tay thư sinh ra. Ngay lúc đó ông lão nhặt một hòn đá đặt vào lòng bàn tay thư sinh và hét to:

- Ném đi. Ném đi cho hả giận.

Thư sinh hằn học nhìn ông lão rồi quay người lấy thế ném viên đá vào mắt hồ bằng cả sự tức giận của mình.

- Chỉ ném xa được thế thôi sao? Xem ra công tử sức còn thua đứa bé.

Tiếp theo đó, ông lão đặt những viên đá khác vào tay thư sinh và cứ bảo chàng tiếp tục ném. Càng lúc viên đá càng lớn, cần cả sức lực của đôi tay, thư sinh để tập thơ của mình xuống bên cạnh, và ôm những tảng đá to hơn ném xuống hồ. Ông lão cứ reo hò, tán thưởng, khiêu khích. Lạ thay, trong nỗi bực dọc đó, thư sinh thấy có một niềm sảng khoái dâng lên mỗi lần chàng ném một tảng đá lớn vào hồ bằng tất cả sức lực của mình. Thậm chí có khi chàng còn hét to mỗi lần như thế. Làm náo động cả một khung cảnh thanh tịnh.

Sau một lúc, thư sinh thấm mệt. Cổ khô, tiếng khàn. Chàng định ngồi xuống nghỉ mệt thì ông lão đặt một vật gì đó trong tay chàng, rất nhẹ. Không suy nghĩ, thư sinh ném mạnh. Tiếng xé gió giữa không gian của vật bị ném làm thư sinh giật mình nhìn theo. Than ôi, cuốn thơ của chàng. Ông lão đã thừa lúc thư sinh mệt mỏi, không chú tâm để gạt chàng ném cả tập thơ của mình vào hồ. Thư sinh giận dữ, muốn vung tay đánh ông lão, nhưng không còn sức nữa. Chàng ngồi phệch xuống bờ hồ.

Ông lão ngồi xuống bên cạnh thư sinh và bảo:

- Ta không chạy đâu. Ta sẽ ngồi đây để chờ hình phạt của công tử.

Trong tiếng thở hổn hển của thư sinh, ông lão ôn tồn cất giọng:

- Ta biết công tử đang oán ta. Nhưng công tử hãy nhìn bờ hồ đang lặng sóng. Rồi lắng nghe cảm giác trong lòng mình.

Chỉ tập thơ đang bấp bênh, nhòa mực và chìm trôi dần heo sóng nước, ông lão hỏi:

- Cái gì là thơ? Những giòng chữ công tử ghi chép trong đó chăng? Chúng đến từ đâu. Từ ngoại cảnh làm cho công tử ý thơ dạt dào.
- Thơ ở đây. Thơ ở đây, công tử ạ. Không là thiên nhiên. Không là ngoại cảnh.

Nhặt một hòn đá nhỏ lão đặt vào tay thư sinh, ông lão nói tiếp:

- Thơ không là hòn đá này, cũng không là tiếng động mặt nước vỡ, không là sóng gợn mặt hồ. Thơ là cơn giận dồn nén thúc đẩy công tử ném tảng đá bằng tất cả sức lực của mình. Mỗi phần trong đó không phải là thơ, mà tất cả sự việc liên tục đó là thơ. Công tử hiểu chứ.

Bàng hoàng với sự thông đạt của người đối diện, thư sinh cảm khái gật đầu. Chàng nói:

- Xem ra, thơ của vãn bối chỉ là chiều ngang của mặt hồ. Cả một đời sống cùng thơ, mà vãn bối chưa hề nghĩ về chiều sâu của nguồn thơ. Hỡi ôi...

Ông lão đặt tay lên vai thư sinh:

- Hiểu, là đã thấy bờ. Công tử chỉ việc bơi dần là tới. Nhớ, đích đến không là vào bờ. Mà là thấy bờ để biết mình là đâu, ở đâu. Từ đâu. Về đâu. Công tử hiểu chứ?

Thư sinh lại gật đầu. Ông lão cười:

- Lao lực thế, bây giờ ta mời công tử về nhà dùng một bữa ăn chiều.

Thư sinh đứng dậy vái ông lão và nói:

- Vãn bối được lão trượng hướng lối như vậy là quá hân hạnh, không dám làm phiền lão trượng thêm nữa.
- Không có gì. Công tử đừng ngại. Vả lại ta muốn hối lộ công tử một bữa ăn chiều vì có chuyện ta muốn nhờ công tử ấy mà.

Nhìn vẻ e dè hiện lên mặt thư sinh, ông lão cười lớn:

- Công tử đừng lo. Ta không đùa gạt công tử nữa đâu.

Thư sinh vui dạ tươi cười. Hai người cùng bước bên nhau rời khỏi bờ hồ. Chợt nhớ một điều, thư sinh ngừng bước, quay qua ông lão hỏi:

- Chẳng hay lão trượng có thể cho biết quý danh là chi?

Ông lão nhìn thư sinh thật lâu rồi điềm đạm đáp:

- Ta sống nơi đây đã lâu, không dùng đến tên họ. Nhưng công tử đã hỏi thì ta cũng thật lòng mà trả lời. Ngày xưa ở chốn kinh đô, người gọi ta là Thôi Hiệu. Nào, ta đi mau. Trời tối rồi...

oOo

Hoàng Hạc Lâu, ba năm sau...

Gã tiểu nhị khó chịu nhìn khách vẫn còn gục ngủ ngay trên bàn. Dưới chân khách là một túi hành trang nhỏ, trên bàn thì ngổn ngang một cái chén và nhiều bầu rượu. Đã sắp đến giờ quán đóng cửa. Gã định đi đến đánh thức khách dậy nhưng chủ quán đã khoát tay:

- Đừng, để công tử ngủ. Nhà ngươi không biết ai đấy sao?

Tiểu nhị lắc đầu. Chủ quán cười nhẹ:

- Mà thôi, ngươi cũng đừng bận tâm. Cứ đóng cửa quán rồi đi ngủ đi.

Hiểu tính hiếu khách của chủ quán, tiểu nhị lắc đầu thở dài, lo dọn dẹp đóng cửa và đi ngủ.

Nửa đêm...

Khách ngẩng đầu ngó quanh. Hoàng Hạc Lâu nằm trong bóng tối dầy đặc. Khách cho tay vào túi hành trang dưới chân tìm một vật gì đó.

- Tối quá...

Khách khẽ thốt rồi bước về phía cửa sổ một bên quán, dáng đi thật nhanh nhẹn, không phải của một người vừa tỉnh ngủ. Khách mở một cánh cửa sổ. Ánh trăng chiếu vào. Khách đặt túi hành trang lên bàn rồi mở ra.

Tách !...

Ánh lửa nhoen lên. Trong tay khách là một cây đuốc nhỏ. Cảnh vật bên trong hiện lên rõ hơn. Khách bức lại bức tường gần cửa sổ nhất và đưa ngọn đuốc cao và gần hơn. Khách lẩm nhẩm đọc:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tịch xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Những hàng chữ trên tường hiện ra, mập mờ, bay nhảy trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa. Như những cánh hạc tung tăng. Khách đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài ánh trăng gần rằm chiếu ánh sáng trên dòng sông và vạn vật. Vài đám mây lơ lửng, ửng vàng màu nguyệt quang. Hàng cây trầm lặng như ngàn đời an phận làm bạn cùng dòng sông.

- Thảo nào... thảo nào...

Khách buông tiếng trong cảm khái. Cắm cây đuốc vào một bình rượu cạn, khách bước đến sau quầy xách một bình rượu mới rồi về ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ. Khách khui bình rượu, đổ ra chén và nâng lên môi. Một chén. Hai chén. Ba chén. Vừa uống mắt khách vừa di chuyển giữa hai hình ảnh. Bên ngoài là cảnh vật yên tĩnh. Bên trong là bài thơ ẩn hiện trên tường. Tuy hai. Mà một. Khách lại tự thốt:

- Phen này ta không thể nào thực hiện lời hứa cùng Thôi lão huynh. Xóa làm sao được bài thơ này. Hủy hoại mà chi. Đâu cần thiết. Mà cũng không sao. Khi gặp lại đúng hẹn ngày trăng tròn tới đây, ta tin Thôi lão huynh sẽ hiểu. Thi thành tự, phi thành sở tự...

Đưa tay dụi ngọn đuốc, khách mỉm cười ngó ra cửa sổ. Khách nâng chén rượu mới rót lên cao như để mời ai đó. Khách lẩm nhẩm:

- Cử bôi yêu minh nguyệt. Đối ảnh thành tam nhân. Hà... uống rượu như lão huynh họ Lý quả có nhiều thú vị đặc biệt...

Sáng...

Khách giựt mình thức giấc, mở mắt nhìn quanh. Chủ quán thấy khách tỉnh ngủ, bước đến tươi cười ôn tồn nói:

- Công tử dậy rồi à.

Chỉ ngọn đuốc tàn cắm trong bình rượu rỗng, chủ quán nói tiếp:

- Quả là cái hứng của thi nhân có khác. Bán dạ bỉnh chúc, độc thi tam đáo. Mời công tử thay đồ rồi dùng điểm tâm. Nhà bếp đã nấu gần xong món ưa thích mà công tử thường gọi mỗi năm ghé qua đây.

Khách nhìn bó đuốc, nhìn bài thơ trên tường rồi mỉm cười khó hiểu. Khách khoát tay:

- Không cần đâu. Ta đi ngay bây giờ.

Nói xong khách đứng dậy. Chủ quán vội vàng nói:

- Công tử, không mấy khi công tử ghé lại đây. Mỗi năm chỉ một lần. Để ghi lại giai thoại nửa đêm đốt đuốc đọc thơ này, xin công tử lưu lại vài chữ làm kỷ niệm cho người sau thưởng ngoạn.

Nhìn vẻ khẩn khoảng chân thành của chủ quán, và cảm lòng hiếu khách đã cho mình yên ngủ đêm qua, khách gật đầu. Cầm ngọn đuốc lên tay, khách bước về phía bức tường bên cạnh bức tường có bài thơ của bạn mình. Khách nhắm mắt định tâm, rồi mở mắt vung tay ném những vệt than đen từ bó đuốc lên tường. Xong, khách đặt bó đuốc lên bàn rồi quay lưng bước đi không ngó lại.

Chủ quán ôm túi hành trang của khách bước vội theo:

- Công tử... công tử... công tử quên hành lý tùy thân...

Khách ngừng bước quay lại:

- Quán chủ hãy giữ lấy. Những thứ trong đó, bán được bao nhiêu, quán chủ dùng để trả tiền rượu đêm qua.

Chủ quán lấy trong túi hành trang ra vài cuốn sánh, đưa lên và nói:

- Nhưng còn những tập này. Thơ của công tử.

Khách dứt khoát xua tay:

- Quán chủ cứ giữ lấy nếu muốn. Còn không, thì vứt đi, đốt đi cũng được. Thơ đâu có trong đó.

Chủ quán nhìn những trang giấy chi chít chữ trong tay, rồi nhìn khách với vẻ không hiểu. Khách cười to và nói:

- Quán chủ đọc những chữ ta viết kia sẽ hiểu.

Nói xong khách vòng tay chào quán chủ rồi bước đi. Chủ quán mừng rở với di bút của một thi nhân nổi tiếng vừa vào tay mình. Lắc đầu, chủ quán bước vào lại trong quán rồi đưa mắt nhìn lên bức tường. Nơi đó, là hai hàng chữ khách đã viết bằng than của ngọn đuốc.

Thi tâm vô tự thi dung tự
Tự bất tại tâm thi dĩ tâm

npn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024