SỐ 103 - THÁNG 7 NĂM 2024

 

thơ Đặng Q. Tiến

NÓI VỚI TRÒ TRONG BUỔI HỌC CUỐI

[Bạn đồng nghiệp bảo, những buổi lên lớp cuối cùng cho trò 12 trước kì thi và chuẩn bị tham dự vào tấn kịch Đời, luôn luôn là rất khó xử. Tâm trạng nhiều xáo trộn và đầy bất an...]
-------

Những giờ học cuối cùng! Khó nói
Ngôn từ như chạy mất đàng nào
Vài câu cùng trò. Sao khó thế!
Ta sợ lời ta thành tào lao!

Ba năm lận! Thôi không nhắc nữa
Vui buồn! Xin ủ kín trong lòng
Những chúc tụng ngôn từ có cánh!
Không hợp đâu! Ta thấy phân vân.

Hát một bài! Sao mà khó thế
Đọc thơ ư? Biết đọc bài nào?
Ta ngẩn ngơ! Và ta bối rối
Ngôn từ ơi! Mi trốn nơi nao?

Ta lúng túng. Cuối cùng...khẽ nói
Trò của ta được - sống - là - mình
Dám mở miệng. Ngẩng đầu. Lưng thẳng
Sống thiện lành trọn kiếp nhân sinh!

Trò hãy nhớ Nghèo, Hèn là nhục
Ngu xuẩn còn nhục gấp vạn lần
Hãy mở lòng! Hãy giang tay đón
Những niềm vui! Thậm chí nỗi buồn...

Vui buồn, buồn vui...Sống là thế
Thật lòng ta. Thật với bạn bè
Sự chân thành là khôn ngoan nhất
Dịu dàng như  mát gió lành mưa.

Giữa thời hỗn loạn mong trò nhớ
Vô vàn bẫy bả ở quanh ta
Dễ được cũng dễ thua dễ mất
Đời mỗi người cũng ngắn thôi mà!

Không chúc trò thành công thành đạt!
Cũng chẳng chúc yêu nước thương dân
Lời to tát vẫn thường rỗng tuếch
Ta nghe lòng đã chán muôn phần.

Chúc gì nhỉ? Thì đây, ta chúc
Hãy - biết - yêu - lấy - bản - thân - mình!
Một đời được sống theo sở nguyện
Và giữ vẹn nguyên gốc Thiện Lành!

Làm ruộng nương, lái xe...đều tốt
Làm báo, viết văn, mở công ty
Nấu bếp, lắc rượu...Ồ rất được
Nhân gian ba vạn chín ngàn nghề!

Chỉ có một điều mong mỏi nhất!
Đừng cả đời chỉ kẻ làm thuê!

 

NHỚ ĐẶNG DUNG

[Thế sự du du nại lão hà...]
----

Thế sự hẳn nhiên như chỉ rối
Thiên nan vạn nan gỡ không ra
Nghẹn giọng ngâm khúc anh hùng tận
Kiếm gãy, gươm cùn! Ai oán ca!

Bạc đầu! Tiếc nhớ thủa trai trẻ
Những mải mê khuấy nước chọc trời
Chọn minh chủ! Dốc lòng tận hiến
Buồm căng gió mơ vượt trùng khơi!

Tài cao vời! Tấm lòng hào hiệp
Dấn thân! Không e ngại hiểm nguy
Lợi danh không màng. Thẳng lưng sống
Sống sao cho thỏa chí nam nhi!

Tất cả, cuối cùng đều huyễn mộng
Buồn! Chưa kịp chết! Thật sự buồn
Soi mặt thấy trên đầu đã bạc
Nhầu nát! Rạc tàn! Mấy phong sương...

Minh chủ! Ta lầm! Hạng gà vịt
Cũng phường ti tiểu. Vậy. Vậy thôi
Đồng liêu cũng một phường xảo trá
Chỉ biệt tài múa mép khua môi.

Ta xót! Tài ta như gỗ quý
Hóa thành cọc nhọn để buộc trâu
Ta tiếc! Ta sinh nhầm. Uổng phí
Như kim cương liệng xuống gầm cầu.

Thời mạt! Thôi cũng đành nuốt hận!
Nghêu ngao ngâm khúc oán ca này
Nước mất! Tấm thân ta mang nhục
Muôn dân tan tác tựa tro bay.


VÔ HUẾ...

[Có bạn vì bức xúc bảo là không vô Huế nữa, mùa này!]
-----

Nếu chọn nơi chơi lần thứ nhất
Với tôi là Huế
Lần thứ hai là Huế
Lần thứ ba là Huế
Lần thứ tư thứ năm thứ sáu
Lần thứ...
Vẫn là Huế!

Có thể nào lại không là Huế?
Có thể nào?

Chỉ riêng Hương Giang đủ cho tôi một đời say đắm!
Huế đâu chỉ có Hương Giang?
Bạn đã bao giờ đứng lặng dưới tán cây bồ đề sân chùa Từ Đàm?
Đã bao giờ thơ thẩn sân chùa Thiên Mụ?
Đã bao giờ để một hai ngày lang thang không gian Điềm Phùng Thị?
Đã bao giờ thả nhẹ bàn chân trong không gian Lê Bá Đảng?
Đã bao giờ nhìn ngắm và nghĩ ngợi khi bước vô nhà thờ Phủ Cam?
Đã bao giờ lang thang rẽ dọc rẽ ngang xóm nghèo Cồn Hến?
Đã bao giờ xuôi chợ Dinh thử mua trầu?
Đã bao giờ ngẩn ngơ nơi khuôn viên Quốc học ?
Đã bao giờ ngồi một mình trong hoàng hôn tím sẫm cửa Thuận An?
Đã bao giờ bạn lang thang quanh quẹo Đông Ba, Thượng Tứ, Gia Hội...?
Đã bao giờ nhìn trăng treo Ngự Bình độ cuối thu trời xanh văn vắt?
Đã bao giờ một mình nghe mưa miên man buồn như mối tình thủa ấu thơ bỗng dưng dở dang?
Đã bao giờ bạn ghé thăm những ngôi nhà cổ xưa Vĩ Dạ để gặp những cụ ông cụ bà hình mai vóc hạc trầm trầm giọng kể Huế xưa từ độ Kinh thành thất thủ và những ngày rợp trắng khăn tang?
Đã bao giờ?
Đã bao giờ chưa?

Sao nỡ giận Huế?
Sao nỡ giận một dòng nước chỉ biết xanh trong cho mây trắng soi gương miên miên chầm chậm chảy?
Sao nỡ giận những lá trầu mang hình trái tim xanh?
Sao nỡ giận sông Gia Hội như nốt trầm bản đàn xưa đượm buồn mỗi chiều ba mươi Tết u trầm khói hương lành lạnh?
Sao nỡ giận?
Sao nỡ?
Người ơi!

Thuyền ai xuôi về Đập Đá?
Dốc Bến Ngự còn ai ngồi buông câu?
Thuyền ai ngược Kim Long?
Heo may ngô đồng rụng lá
Câu Nam ai nước mắt chảy vào trong
Câu Nam bình vời vợi
Người ơi sao nỡ giận?



SAO TA TỒN TẠI ĐẾN TẬN BÂY GIỜ?

[Tặng bạn tôi - Ng.P]
----

Khi trái tim ta trống rỗng
Khi óc não ta trống rỗng
Biển xanh và sóng muôn trùng không thể lấp đầy
Mênh mông cát trắng mênh mông cát vàng cũng không
Gió đông đặc
Mây ngưng trôi
Hoàng hôn bắt đầu từ ban mai
Trăng nhợt nhạt lặn khi chưa kịp mọc
Trái tim ta trống rỗng
Óc não ta trống rỗng
Tai hết muốn nghe mắt hết muốn nhìn miệng hết muốn nói
Nhân gian bỗng chán ngắt chán ngơ
Úa tàn hoa
Lá cành nát bấy
Chân trời bặt cánh chim bay
Lễ hội đường phố tẻ nhạt
Thư phòng lạnh chập chờn những hồn ma
Giảng đường quạnh
Bài đọc đứt đoạn lảm nhảm
Cà phê hết dậy mùi
Miễn cưỡng trả lời
Bạn bè cũ bỗng trở thành xa lạ
Ta bỗng thấy ngao ngán chính ta
Xa lạ ta
Giật mình ta
Ngờ vực ta
Sao ta tồn tại đến tận bây giờ?


DOITRA LAND

Nói dối thối tai!
Thối tai nếu nói dối!
Khúc đồng dao ai thuộc nằm lòng từ ngày bé dại?
Có ai?
Không có ai!

Từ tấm bé đã nghe lời nói dối
Từ tấm bé được dạy nói dối
Nói dối ngoen ngoét
Nói dối nhem nhẻm
Từ bé tai đã thối
Từ bé đã thối tai
Thối hoài thối hủy
Thành điếc đặc
Một đứa
Hai đứa
Ba bốn năm sáu bảy tám chín mười
Lũ lũ
Đàn đàn
Lớn lên lớn lên lớn lên
Một thế hệ nói dối và thối tai
Hai thế hệ thối tai nói dối
Ba bốn năm sáu...
Và mười
Nói dối
Thối tai
Điếc đặc...

Nói dối thành thạo hơn nói thật
Hay ho hơn nói thật
Hấp dẫn hơn nói thật
Điêu luyện hơn nói thật
Hăng hái quyết liệt hơn nói thật
Như biển dào dạt sóng xô
Như cuồn cuộn ồn ảo gió thổi
Như tuôn trào thác lũ mưa rơi
Lời nói dối như tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Như đại hợp xướng sử thi hoành tráng
Như bolero nhũn nhẽo lả lướt
Như cáo như hịch hùng hồn
Thần kì như cổ tích
U u như văn chiêu hồn
Hùng tráng khải hoàn ca
Nói dối thối tai...

Nếu không nói dối
Tôi biết làm gì?
Nếu không nói dối?
Bạn biết làm gì?
Nếu không nói dối?
Chúng ta biết làm gì?
Nói dối tiếp, cười dối, nhìn dối, khóc dối, phẫn nộ dối, chém gió dối
Yêu dối căm dối chiến dối lạc dối ...
Nói dối muôn năm nói dối vững bền
Nói dối ngày nói dối đêm nói dối tuần nói dối tháng nói dối năm
Nói dối chui vào chiếu vào chăn
Trên đường ngun ngút nắng
Non cao biển rộng đồng bằng
Nói dối nảy mầm bén rễ xanh cây
Thành rừng bạt ngàn nói rối
Quả dối trĩu cành
Bội thu mùa nói dối...

Guliver chàng hỡi!
Cuộc phiêu lưu đến xứ Daingubuxuku Doitra Land
Chết tiệt
Sầu thảm
Thê thiết
Câu danh ngôn treo cao
NÓI DỐI THỐI TAI!
Nhưng xứ ấy không ai biết đọc!

Tận cùng nỗi ai hoài!
Guliver chàng ơi! 

 

BỐN MÙA

1. THU

Mùa thu bắt đầu từ nỗi nhớ
Ta được cha ta cõng đến trường
Đường trơn trượt bước cao bước thấp
Đầu tiên! Những bước chân đầu tiên.

Cũng mùa thu! Một mình ta bước,
Nhá nhem trời đan chéo mưa ngâu
Trường xa. Nhà khó. Không xe đạp
Ta đã hiểu. Không phép nhiệm màu.

Vẫn thu. Xa nhà. Ta đi học
Thái Nguyên, từ đây thành quê hương
Bốn năm! Rồi bốn mươi năm lận
Sướng khổ vui buồn tháng năm trường.

Lại vẫn mùa thu! Ta vào lính
Ba năm! Chớp mắt chốn biên cương
Từ đó Cao Bằng thành kí ức
Cứ thu sang lòng ta rưng rưng.

Mùa thu! Vẫn mùa thu! Thiệt lạ...
Các con ta cất tiếng chào đời
Và lại đến một mùa thu đẹp
Như chim bay! Tìm những chân trời!

Viễn xứ! Những chân trời rộng mở
Mộng mơ! Ước vọng! Tự khi nao...
Ta không thể biết. Không thể biết...
Vào thu! Ta gởi! Chút xôn xao...

Còn lại ta! Mùa thu năm ấy
Mùa hoa vàng! Sương đọng long lanh
Mối tình đầu! Đành thôi. Khép lại
Vệt khói lam lẫn vào trời xanh.

2. ĐÔNG

Trời đất! Những mùa đông buốt giá!
Thủa thiếu thời! Hiu hắt cố hương
Trâu mẹ, trâu con lông dựng ngược
Cỏ trơ gốc! Đói. Gầy. Trơ xương...

Mùa đông! Mùa đông! Ngằn ngặt rét...
Bữa cơm chiều! Đạm bạc! Thắt lòng
Gương mặt mẹ cha chừng héo hắt
Mùa đông! Bao giờ hết mùa đông...

Những ngày đông Thái Nguyên. Tê tái
Nhà xiêu. Mái thủng. Gió. Gió lùa
Đêm dài đói! Đói quay đói quắt
Tàn kiệt! Không có nổi giấc mơ...

Lại mùa đông những ngày trên chốt
Trăng sáng xanh! Sáng đến lạnh người
Hẻm núi đá! Cái chết rình rập
Lập lòe. Xanh lét. Lửa ma trơi!

Rừng sầu thảm! Cây trơ, lá rụng
Suối khô tận đáy. Nước lạnh tê
Chắt chiu gạn. Đủ ngày hai lượt
Cơm và canh! Tắm gội, thôi nghe...

Những mùa đông cũ như đã lắng
Nỗi nhớ như một mảnh sao trời
Sáng nơi ta! Trong, không mảy bụi
Thành tiếng gọi mùa. Mùa đông ơi!

3. XUÂN

Nhớ bài thơ đầu tiên ta đọc
Thuộc nằm lòng...mà như vô tri!
Ồ! Xuân thì, trăm hoa nở, rụng!(•)
Vừa vui đó thoắt đã thành bi!

Chợt lại nhớ mùa xuân trên chốt
Chập trùng núi lạnh miệt biên cương
Giật mình! Gốc đào bung hoa thắm
Trong ánh thiều quang! Ôi! Tháng Giêng.

Nghe bạn kể. Lòng ta bừng sáng
Có chàng lính trẻ quê dưới xuôi
Năm ấy, mùa xuân chàng trả phép
Gốc đào tơ theo chàng lên đây...

Chốt núi đá cỗi cằn không đất
Ai lên! Đất, một vốc, theo lên
Tưới cây thôi thì nước rửa mặt
Đất mới đào hoa dần bén duyên...

Cây lớn dần. Theo ngày theo tháng
Lính chốt thay phiên trải mấy mùa
Tiết xuân hoa đào bung sắc thắm
Những ai từng thảng thốt? Như ta?

Hoa rụng cuối xuân! Ừ hoa rụng
Ta, cuối mùa hẳn sẽ rụng rơi
Vọng hỏi mai ngày, xa vời vợi
Liệu còn thơ? Mỏng manh tơ trời?

4. HẠ

Giữa nắng đổ phượng hoa rực cháy
Ta giã từ bè bạn. Giã từ
Buổi liên hoan mặt ngời mắt sáng
Rồi bất ngờ bật khóc như mưa.

Sau buổi ấy! Đường đi trăm nẻo
Ta lạc giữa đời. Bạn lạc ta
Lời hẹn ước! Ai quên? Ai nhớ?
Dửng dưng nắng đổ, dửng dưng hoa.

Hạ về! Gốc phượng già đã chết
Âm thầm, ai trở lại chốn xưa?
Dáng mệt mỏi, trên đầu tóc bạc
Bâng khuâng! Nào ai biết thực - mơ?

Ồn ào gió. Rền vang tiếng sấm
Sáng lòe ánh chớp. Ràn rạt mưa
Giật mình! Mùa hạ! Ồ, mùa hạ
Mưa khóc, đón ta lúc trở về!

----
(•) Xuân khứ bách hoa lạc. Xuân đáo bách hoa khai...Thơ Mãn Giác.



CHIỀU NAY CÓ GIÓ MÁT THỔI VỀ...

[Thiện lành chi ca]
----

Không còn như cơn gió mát lành trong mơ ước
Chiều nay gió đã thổi về
Mát và lành và mưa
Thoáng chốc
Tan biến
Oi nồng ngột ngạt
Tan biến tan biến như chưa từng
Chiều nay có gió mát thổi về
Gió mát chiều nay...

Cỏ cây hoa lá rạt rào gió
Trẻ già lớn bé rạng rỡ vui
Đàn vịt lơ ngơ hóng nước
Gió mát lành chiều nay
Mưa mát lành chiều nay...

Chiều nay có gió mát thổi về
Tạ ơn Trời! Thế thôi! Ta thầm thì tạ - ơn - Trời!
Rào rạt mưa rơi
Rào rạt gió
Trong mát lành lòng ta như dịu lại
Những muộn phiền những ấm ức vơi đi
Một giấc ngủ ngon lành không mơ không mộng mị nặng nề
Ta như được ướp cùng trong lành trời đất trong lành gió trong lành mưa trong lành cỏ cây hoa lá
Chiều nay gió mát đã thổi về...

Gió mát thổi về theo bước bộ hành
Cả ngàn người nhiều ngàn người như chợt tỉnh
Tìm cho mình chút thiện lành
Chút thiện lành bấy lâu tưởng chừng đã chết
Bởi u mê bốn phía giăng giăng
Bởi nỗi sợ nhiều khi đến hãi hùng
Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề
A tỳ ngục, cõi âm u địa ngục rừng rực lửa diêm lửa sinh ngun ngút
Hồn ma bóng quỷ trái chủ oan gia
Hung tinh chiếu mệnh
Những bước chân gieo duyên làn gió mát
Thiện lương như mưa thấm đất
Cả ngàn người vang tiếng tâm ca...

Có thể ngày mai, ngày mai trời sẽ không mưa
Không gió lành không gió mát
Chẳng sao đâu
Ta có cớ để chờ.

 

VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ MƯU SINH TRONG BÓNG ĐÊM...

Tôi luôn biết những dòng chữ này không bao giờ họ đọc
Những dòng chữ này có thể họ chẳng cần
Những dòng chữ tôi biết
Nhiều phần vô dụng
Những dòng chữ buồn...

Dưới chân cầu Long Biên
Cây cầu một thời xếp hạng nhất
Cây cầu già nua và ọp ẹp
Dấu thời gian 
Tàn phai 
Rồi đây có thể gẫy gục và biến mất
Có thể được tái sinh vẻ đẹp kiêu hãnh một thời 
Và mãi mãi
Rồi đây...

Dưới chân cầu này
Chợ
Hàng hóa đổ về
Chất chồng
Chợ
Chốn mưu sinh
Quần tụ mọi kiếp người
Tài sản duy nhất - cơ bắp
Công việc duy nhất - làm thuê
Âm thầm
Lặng lẽ
Náo nhiệt 
Ồn ã
Lúc đêm về
Cười
Nói
Văng tục
Chửi thề
Ẩu đả
Khói
Bụi
Bùn
Mồ hôi
Rác rến
Ăn
Uống
Rượu và bia và nước đóng chai và cơm hộp 
Quần tụ nơi đây chúng dân thập loại...

Những người đàn bà
Sao nhiều đàn bà đến vậy
Trẻ và già 
Sồn sồn và không ít người bụng mang dạ chửa
Họ giống nhau đêm thức ngày ngủ
Làm nghề gánh vác thuê...
Những người đàn bà đêm thức ngày ngủ
Có lẽ chưa khi nào ngắm cây cầu đẹp tàn tạ lúc hoàng hôn và bình minh ngái ngủ
Cuộc mưu sinh vĩ đại trong lam lũ, trong nắng, trong gió, trong mưa, trong lạnh buốt và trong sự lãng quên của rực rỡ phố phường...

Người đàn bà trò chuyện cùng tôi
Chừng năm mươi
Tôi hỏi quê 
Người đàn bà chỉ cười
Tôi hỏi gia cảnh
Cũng chỉ cười
Chiếc đòn gánh chắc nịch làm bằng thân tre đực
Bóng loáng
50 cân
60 cân
70 cân
Tùy vào người thuê mướn
Mỗi đêm mươi mười lăm chuyến
Tôi nghe ớn lạnh rùng mình
Người đàn bà
Những người đàn bà trong cuộc mưu sinh
Ngày ngủ đêm thức
Chợ dưới gầm cầu ...

Bỗng ngân lên giọng thơ não nùng văn tế thập loại chúng sinh
...chín rạn hai vai đòn gánh tre những người đàn bà âm thầm trong đêm trường dạ
Bỗng thấy nhạt thếch những bài ca
Nhạt thếch những mùa hoa
Nhạt thếch những hàng cây
Nhạt thếch đàn sâm cầm vỗ cánh
Cả sông Hồng cũng trở nên nhạt thếch
Cây cầu già nua 
Già lại thêm già
Vẻ đẹp tàn tạ nhợt nhạt trong mưa...

 

LỊCH SỬ TAM KHÚC

1.
NÀO HÃY TRÉT LẠI LỖ THỦNG LỊCH SỬ!

Nhờ thi ca biết lịch sử có lỗ thủng
Hắn tự nguyện gánh trách nhiệm trét lại
Như truyền thống gia đình, gia tộc chừng 367 năm
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Hắn ngộ ra rằng đó là gia phong có nghề trét trét lại lỗ thủng lịch sử
Như người ta trét lỗ thủng trên tường
Nhưng người ta trét ổ gà ổ voi trên đường
Hay đơn giản hơn là trét một vết nứt trên cái lu đựng mắm
Cho bớt khắm
Cho bớt thối
Cho bớt nhơ
Cho bớt dơ

Lịch sử thỉnh thoảng có ai đó cứ lật lại
Thành ra đang yên đang lành lỗ chỗ lỗ thủng
Ồ cái vị anh hùng tuyệt vời ấy
Hóa ra cũng mắc bệnh trĩ độ ba
Ồ cái nhân vật đàn bà kia vĩ đại ghê gớm
Hóa ra cũng linh tinh lang tang ra gì và này kia ấy nọ
Ồ cái nhân vật bị bao đời nguyền rủa thực ra là do bọn viết sử nói bậy
Ông ta là người đức độ vẹn đạo hiếu trung đã tự tận để giữ trọn tiết tháo
Ồ cái ông những tưởng là oai phong lẫm liệt hóa ra chỉ là kẻ ham làm loạn
Và rước họa vào thân
Cả giòng tộc lãnh đủ oán ân

Đại thể là thế
Những lỗ thủng của lịch sử cứ thỉnh thoảng lại toạc ra
Khiến cho tất cả giật mình ngơ ngác
Hắn lãnh sứ mạng trét lại
Trét lại
Trét lại
Nhưng càng trét lỗ thủng càng nhiều
Vỡ lung tung
Vỡ tanh banh từ bắc vô nam
Từ nam ra bắc
Từ đông sang tây
Từ tây sang đông
Trét trét đầu năm đến cuối năm
Mệt nhoài hắn thấy mình thất bại
Mải mê trét đến bỏ cả đi đái
Mải mê trét quên mất cả món đàn bà con gái
Mải mê trét quên hẳn làm thơ
Hắn trở thành ngáo ngơ
Cũng gọi là ngáo đá
Hắn vô chùa xin quy y tam bảo và mặc áo cà sa
Tưởng đã thoát khỏi cõi ta bà
Nào ngờ từ đó
Bận rộn hơn rất nhiều
Vì phải trét miên man đầu năm cho đến cuối năm
Hắn vừa trét vừa văng
Đủ cả l b c d.

2.
NHỮNG BÍ BÁCH LỊCH SỬ

[Nói leo NHHM]
~~~~

Lịch sử biết bao điều bí bách
Ậm ạch chướng khí
Lạch bạch như đàn vịt bầu
Quanh quẩn nẫu nhừ bấy nát
Lịch sử biết bao điều bí bách
Quá nhiều
Quá nhiều

Những bí bách lịch sử
Kết tụ thành huyền thoại
Thành truyền thuyết
Thành cổ tích
Và phần lớn thành tin đồn
Tin đồn cấp cao là huyền thoại
Tin đồn cấp gần cao là truyền thuyết
Tin đồn cấp giữa là cổ tích
Tin đồn cấp thấp là...tin đồn
Vỉa hè đường phố xó chợ đầu đường
Tin đồn sống lâu muôn tuổi
Những bí bách lịch sử kết lắng trong tin đồn...

Tin đồn người đẻ ra trứng
Tin đồn về cuộc li hôn hoành tráng
Tin đồn ông con nhờ biết làm bánh mà có cả giang sơn
Tin đồn về chuyện ghe tuông
Tin đồn món mắm thịt người khiến quạ kêu quàng quạc
Tin đồn tận diệt giành ngôi
Tin đồn rắn báo oán chín họ ba đời
Tin đồn đào chín mả
Tin đồn giam sọ trong ngục tối
Tin đồn tin đồn tin đồn
Lịch sử đầy nhóc những bí bách
Lịch sử trở thành ậm ạch
Như rùa
Như vua
Như nửa mùa mưa
Như nửa mùa nắng
Như chinh chiến quyết ăn thua
Núi xương sông máu
Lịch sử ồn ào cào cào châu chấu
Làm vua nhờ ranh ma
Làm quan nhờ biết cướp
Những đồn thổi sao mà nhăng nhít
Làm thành những bí bách/ung thư  lịch sử
Có vẻ đã di căn....

3.
LỊCH SỬ KHÔNG XANH

[Gần sáng bỗng nghe thấy thầm thì bên tai và ghi lại]
____

Chúng ta đã tàn kiệt vì chiến tranh
Chúng ta xơ xác sau cuộc chiến
Chúng ta trở thành anh hùng tự xưng
Chúng ta trở thành con tin trong những vụ bắt cóc
Chúng ta trở thành lá bài trong những canh bạc lớn
Chúng ta là vật tế thần cho những trò phù thủy chính trị
Chúng ta trở thành nạn nhân của những trận đấu pháo
Chúng ta trở thành bãi chiến trường nơi thử nghiệm các vũ khí sát thương
Lịch sử...tàn nhẫn và tàn khốc
Lịch sử ma dẫn lối
Lịch sử quỷ đưa đường
Lịch sử những đoạn trường tiếp nối đoạn trường
Chết cả nghìn người chưa đủ
Chết cả vạn người
Chết cả triệu người
Ma cũ và ma mới
Ma lính và ma dân
Đất ngập máu
Trời trắng mây tang
Lịch sử bi thương
Não lòng lịch sử...

Những cuộc chiến tàn khốc đã qua
Liệu có còn diễn lại?
Chỉ có trời mới biết!
Thế còn người?
Không biết?
Vì sao?
Vì sao?
Vì sao?
Có phải vinh quang chiến thắng khiến chúng ta mờ mắt?
Có phải niềm tự hào đã khiến chúng ta mê muội?
Vòng nguyệt quế đừng biến thành vòng hoa tang
Niềm tự hào đừng bao giờ đo bằng hi sinh chết chóc
Lịch sử những trang buồn thì hãy viết là buồn
Những trang đau thương cứ viết là đau thương
Những trang đen tối cứ viết là đen tối
Những trang ngu muội phải viết là ngu muội
Để ta tự thoát ta
Thoát những trò trẻ ranh không chịu trưởng thành
Thoát những ảo tưởng hàng mã
Chúng ta sẽ lớn
Tất cả sẽ được gọi đúng tên. 

Đặng Q. Tiến

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024