A TỶ
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to:
- Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Ông Hai từ trên lầu nghe bà la thế thì chạy xuống. Vợ chồng thằng Hai ngủ ở buồng sau cũng bật dậy. Cả nhà nhốn nháo lo dọn đồ đạc. Bà Hai Kỹ vừa rinh mấy kiện vở học sinh vừa mếu máo:
- Hàng mới về hồi chiều, vậy mà giờ ngập hư hết ráo rồi.
Ông Hai và vợ chồng thằng Hai hì hục khiêng những món đồ còn chưa ngập để lên những bậc cầu thang. Thằng Hai bực mình chửi:
- Đù má tụi nó, xả hồ giữa đêm làm sao người ta trở tay kịp? Mấy năm nay cứ liên tục xả hồ bất thình lình mà không báo trước cho dân biết.
Dọn được chút ít, sức người có hạn không theo kịp con nước đang dâng lên. Nếu nước lụt thì nó lên từ từ từng chút một, có khi cả ngày mới được mười phân, còn nước xả hồ thì nước lên như lửa cháy. Nước từ ống quyển lên đến háng nhanh quá, tủ lạnh ngã ùm xuống, bàn ghế kê đồ cũng ngã chỏng chơ, đến nước này thì cả nhà bó tay đành rút lên lầu. Bà Hai Kỹ khóc lóc:
- Hết rồi, mất sạch rồi, bao nhiêu của nả đổ sông đổ biển hết.
Thằng Hai, con trai bà Hai Kỹ luôn miệng chửi:
- Quân khốn kiếp! Tụi nó xả hồ giết chết người ta.
Từ trên cầu thang nhìn xuống thấy đồ đạc nổi lềnh phềnh ngổn ngang, nước lên ngập cửa sổ, rồi lên đến nửa bức tường. Bà Hai đau đớn nhìn của cải hư hao lòng vừa đau vừa hận đến thẫn thờ, trong lúc ấy thằng Hai lại nói:
- Sao giống hệt cảnh tàu Titanic vậy!
Bà Hai có biết Titanic là gì nhưng ngầm hiểu là cảnh tượng nước ngập như căn nhà này. Cả nhà ra ban công nhìn xuống chợ Bà Bâu, trời ơi nước lênh láng, chỉ có một màu nước bạc. Chợ Bà Bâu xưa nay nổi tiếng sầm uất và khá giả nhất vùng. Nhà bà Hai đã mấy đời buôn bán ở đây. Bà Hai vốn thật thà chấc phác, làm ăn đàng hoàng, uy tín. Bà đi mua hàng thì tuyển lựa thứ tốt nhất, bán thì cũng bán chắc thiệt, tính toán biên lai rất rành mạch, rất kỹ lưỡng, bởi vậy mà bạn hàng buôn chuyến mới ghép chữ kỹ vào tên bà thành ra là bà Hai Kỹ. Người bỏ hàng và người lấy hàng của bà Hai bảo nhau: “ Hàng đã qua tay bà Hai Kỹ thì không cần kiểm tra nữa, biên lai tính tiền qua mắt bà Hai Kỹ rồi thì không cần xem lại”. Mọi người tin bà đến mức ấy thì đủ biết bà quả thật xứng với cái tên Hai Kỹ. Thông thường những xì thẩu Chợ Lớn bỏ hàng cho các tiệm khác thì luôn có tiền cọc và trả gối đầu, riêng bà Hai Kỹ thì bọn họ không cần, thậm chí còn ép bỏ thêm hàng. Trong số mấy xì Thẩu bỏ hàng cho bà Hai, có A Tỷ là gần gũi nhất, thân nhất. A Tỷ chuyên về hàng tạp hóa, văn phòng phẩm… cứ mỗi hai tuần là gởi cho bà Hai một chuyến xe hàng. Dĩ nhiên là A Tỷ không cần bà Hai trả gối đầu, bà muốn trả sao và lúc nào cũng được. Bà Hai mà nói cần món gì là A Tỷ lập tức gởi liền. A Tỷ nói với các bà buôn chuyến
- Bỏ hàng cho bà Hai Kỹ thì không có gì lo lắng cả”
A Tỷ mấy lần xuống tỉnh vừa thăm những bạn hàng buôn bán, vừa đi đòi nợ những mối ù lì. A Tỷ ghé thăm bà Hai Kỹ. Y cười thoải mái híp cả mắt, ôm bà Hai vỗ lưng bụp bụp:
- Ây da, bà Hai Kỹ tốt quá, thật thà quá. Ngộ tin tưởng bà lắm, bà cần bao nhiêu hàng ngộ cũng sẵn sàng cho giao ngay. Tiền bạc bà có thì trả, chưa có thì để đó, không sao, bà đừng có lo lắng nha.
A Tỷ tin bà Hai Kỹ nhất bởi A Tỷ cũng biết tánh bà Hai rất sợ nợ, không muốn nợ, có nợ là sớm tối gì cũng lo gom tiền để trả trong thời gian sớm nhất. Nhiều lúc A Tỷ còn ép bà Hai lấy thêm hàng nhưng bà Hai không chịu nhận trong khi những tiệm buôn khác năn nỉ A Tỷ bán chịu mà A Tỷ đâu có chịu. Tình bạn bán buôn giữa bà Hai và A Tỷ khắng khít là vậy.
A Tỷ người Tiều, có sạp hàng ở Chợ Lớn, bán rất đắt, trong nhà có đến năm người phụ việc chuyên đóng hàng đi các tỉnh. A Tỷ mập to, bụng phệ, cổ có nọng, da sậm màu, ăn to nói lớn, tiếng Việt lơ lớ y hệt trong mấy phim Hồng Kông. Nhà A Tỷ ở đường Hậu Giang. A Tỷ giàu lắm, có tiếng là xì thẩu ở đấy. Mới hôm qua xe hàng của A Tỷ chất cho bà Hai xong thì nửa đêm nước xả hồ tràn vào nhà ngập hết ráo. A Tỷ xem ti vi biết tin liền gọi điện thoại cho bà Hai, khổ nỗi hệ thống viễn thông cũng hư theo nên không sao liên lạc được, tuy vậy A Tỷ không lo lắng gì, A Tỷ biết tánh bà Hai như lòng bàn tay mình.
A Tỷ tin tưởng bà Hai Kỹ lắm, mặc dù nhiều người vẫn cứ nói A Tỷ phải cẩn thận chứ đừng quá tin người. Mậu Xìn, chủ sạp bao nylon nói với A Tỷ:
- Người Trung gian lắm, mua bán phải cẩn thận, phải có tiền cọc, phải trả gối đầu mới chuyển hàng tiếp.
A Tỷ cảm ơn nhưng bỏ qua ngoài tai, thật ra thì xưa nay người ta vẫn thường có thành kiến với người miền Trung, cho là họ keo kiệt, giựt nợ… Không phải chỉ có mỗi Mậu Xìn nói thôi đâu, nhiều người nói lắm. Những người ấy chỉ thấy những trường hợp gian như vậy rồi quơ đũa cả nắm, đâu thể nào nói xấu toàn bộ người miền Trung như vậy được! Sông có khúc người có lúc, thiên hạ bốn phương đâu đâu cũng có người ngay kẻ gian. Người xứ nào cũng có kẻ tốt người xấu. Ngay tại Sài Gòn hay niềm Nam cũng đầy nhóc bọn đá cá lăn dưa, lọc lừa xù nợ, ăn quỵt chạy làng… A Tỷ nghĩ vậy, biết vậy nên ai nói gì thì nói. A Tỷ hết lòng tin tưởng ở bà Hai, thực tế cũng cho A Tỷ và nhiều người thấy. Người tốt, ngay thẳng và thật thà như bà Hai dễ gì tìm được ở đất Sài Gòn này. Bà Hai dù có tán gia bại sản bả cũng lo lo trả cho hết nợ cho người ta còn phần mình thì tính sau. Tánh bà Hai tốt như vậy, làm ăn mua bán với bà Hai bao nhiêu năm nay nên A Tỷ tin bà Hai như tin ở chính mình. A Tỷ thường nói với Mậu Xìn, A Chế và mấy xì thẩu khác:
- Mấy nị làm ăn cẩn thận là đúng dồi, tuy nhiên các nị đừng có đa nghi như Tào Tháo à nha! Người có kẻ ngay người gian, nhơn tâm hổng có giống nhau. Bà Hai Kỹ ở chợ Bà Bâu ngoài miền Trung là người tốt lắm, quy tín lắm! Cả miền Nam này chưa dễ có ai tốt hơn bả đâu à nha! Nay bả bị nạn xả hồ, nước làm hư hết hàng hóa nhưng bả sẽ lo liệu để trả nợ sớm. Mấy nị cứ nhìn là biết ngay thôi! Đừng nghi ngờ rồi đồn đại bậy bạ tội cho người ta.
oOo
Ngày hôm sau, nước rút ra hết, cảnh tượng nhà bà Hai thật thê thảm, toàn bộ hàng hóa hư hỏng hết, tài sản trong nhà coi như tiêu tùng, bùn đất ngập ngụa như thể ngoài đồng hoang, cả nhà ngao ngán dọn dẹp. Các tiệm buôn khác ở chợ Bà Bâu đều tương tự, ngoài chợ thì như cảnh tượng thời hồng hoang man dại. Bùn đất, nước đọng, rác rến, xác chó mèo… khắp nơi. Mới hôm qua còn sầm uất khá giả là vậy, chỉ qua một đêm bị xả hồ mà ra nông nỗi này. Tất cả trắng tay, mất sạch tài sản. Bà Tư Hường, bà Đào Điếc, anh Bốn Nhạn, chị Tám Ù… ai nấy khóc mếu máo kêu trời không thấu. Bà Tư Hường nói:
- Hồi nẳm năm Nhâm Tý cũng lụt lớn chưa từng thấy nhưng đâu có tổn thất nặng như vầy, nước lụt lên chậm xịt nên dư sức dọn đồ đạc lên cao. Còn bây giờ tụi cô hồn các đãng xả hồ, xả đập bất thình lình nên dân trở tay không kịp, mất hết ráo rồi!
Nghe bà Tư Hường nói, ai ai cũng uất hận, nguyền rủa chứ có biết làm được gì tụi nó. Anh Bốn Nhạn góp vô:
- Mấy năm nay có lụt lội gì đâu, toàn ngập là do xả hồ, xả đập. Tụi nó xây hồ búa xua, nắng thì giữ hết nước lại, mưa thì sợ bể nên xả vô tội vạ, dân lãnh đủ! Năm rồi xả hồ làm cuốn hết hoa màu, ruộng vườn của nông dân. Năm nay xả đập làm ngập hết nhà cửa, tài sản, hàng hóa của bà con xóm chợ. Cái nạn xả hồ, xả đập chỉ chừng mươi năm đổ lại và hổng biết bao giờ mới hết nạn này.
Bà Tám Ù ra vẻ rành rọt:
- Tui thấy ti vi ở nước ngoài người dân đi kiện chính quyền nếu làm thiệt hại đến họ, ở xứ mình có mà con kiến kiện củ khoai.
Bà Tư Hường rầu rĩ:
- Kiện gì được chị ơi, ai xử? Tụi nó một giuộc với nhau, phủ bênh phủ, quận bênh quận! Con bà nó, ăn ở thất nhân ác đức, rừng núi cạo sạch, xây hồ, xây đập tùm lum để rồi khi mưa lớn thì xả ì xèo. Chỉ có thằng dân lãnh đủ! Dân sống chết mặc bay! Tụi nó ngồi trên cạp như hạm. Tụi nó làm hại dân hại nước bất chấp tất cả, miễn tụi nó và gia đình tụi nó hốt bạc là được.
Mọi người đang than vãn kể khổ, chợt thấy bóng ông Bảy Búa đi đến nên im bặt. Thằng bảy Búa là chủ tịch xã, nó bán sạch ráo ruộng ở khu Mỹ Phước, ruộng tư, ruộng công, ruộng hương hỏa từ đường...nó phân lô bán hết ráo. Những người mất ruộng đất đi kiện nhưng chẳng ai xử, thâm chí còn bị đe dọa bỏ tù vì tội gây mất đoàn kết, bôi nhọ cán bộ, tập trung gây rối… Dân mất ruộng oán hận lắn nhưng chẳng biết làm sao. Thấy thằng chả là bắt ghét nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Thằng Bảy Búa đảo qua đảo lại, dòm ngó rồi nói vu vơ:
- Lũ lụt lớn quá, nước ngập khắp nơi.
Bà Hai Kỹ đang sẵn bực tức nên nói xẵng:
- Lụt gì, tụi nó xả hồ đó! nước lụt lên từ từ chậm chạp, còn nước xả hồ nó bất thần ập vô.
Thằng Bảy Búa biết nhưng nó giả vờ thế thôi, nghe bà Hai Kỹ nói vậy nên giả lả:
- Có lẽ mưa to quá, người ta sợ bể đập nên mới xả.
- Con bà tụi nó, có xả cũng xả từ từ, trước khi xả cũng thông báo cho dân biết chứ, đằng này xả bất thần chẳng cho ai hay.
- Có lẽ khẩn cấp quá nên không kịp thông báo.
Hắn ta thấy bà con có vẻ bất bình qua nên nói cà lơ vài câu nữa rồi chuồn.
oOo
Nhà bà Hai Kỹ và các tiệm buôn khác ở chợ Bà Bâu hai ngày nay không có điện thì nói chi điện thoại. Bà Hai nóng ruột lắm, muốn báo tin cho bạn hàng bỏ mối và A Tỷ biết nhưng không làm sao báo tin được. Bà Hai bảo thằng Hai, con trai lớn của bả:
- Con ra trạm bưu điện ngoài lộ kêu tụi thợ bảo hành vô sửa đường dây, nói với nó mình chịu chi phí riêng.
Điện thoại sửa xong, bà Hai lập tức gọi cho A Tỷ:
- A lô, A Tỷ đó hả? Tui, Hai Kỹ đây! Tụi cô hồn xả đập, xả hồ làm ngập cả chợ Bà Bâu, hàng hóa của tui và mấy bà khác hư hết ráo rồi, tài sản mất hết rồi. Cái xe hàng của ông vừa chất xong cũng hư hết mẹ rồi. Chuyến này tui nợ ông, chưa trả liền ngay được. Ông đừng lo lắng tui sẽ trả nhưng chậm chút, tui hổng có giựt nợ đâu!
- A Lô, A Tỷ đây! Tui cũng nghe tin rồi, tui có gọi điện liền cho bà nhưng không được. Tui biết bà , tin bà, bà đừng lo lắng chi cho mệt! Khi nào có thì trả, bà cần hàng gì thì cứ gọi, tui sẽ cho xe chở xuống. Ai chứ với bà thì tui hổng có lo gì hết!
- Cảm ơn ông nha A Tỷ, ông tốt với tui quá, hiện giờ thì tui phải lo dọn dẹp và kiểm kê lại hàng hóa mất còn bao nhiêu, khi cần tui sẽ gọi, chuyến hàng vừa rồi tui nợ lại hén!
- Ây da, bà Hai à, bà yên tâm đi mà, tui hổng có lo lắng gì đâu! Bà cứ lo lắng hoài, khi nào có thì trả cũng được.
- Cảm ơn ông hết sức luôn nha, ông trời cay nghiệt quá A Tỷ ơi, ông trời hại tui với bà con ở chợ Bà Bâu này, làm ăn dành dụm bao nhiêu năm trời, nay ổng làm một cơn là mất trắng!
- Ây Da, bà Hai, bà lẩn thẩn rồi, ông trời đâu có hại ai. Người hại người đó! Tụi nó xả hồ, xả đập mới ra nông nỗi này! Tui ở Sài Gòn mà giờ cũng mệt thấy bà luôn, nhà tui bao đời nay ở Sài Gòn nhưng chưa bao giờ mệt như bây giờ, hễ mưa là ngập, mưa to ngập sâu, mưa nhỏ ngập nhỏ, hổng mưa cũng ngập; ra đường thì kẹt xe kinh khủng, cướp giựt như rươi.
- Mấy nay ông có coi ti vi không? Có thằng cha gì đó làm lớn lắm, chả nói: “thế nước đang lên, có bao giờ được như thế này chăng?” đúng là nước lên thiệt đó A Tỷ, nước lên khắp nơi luôn.
- Ừ, tui cũng có nghe dân giang hồ đồn đại tùm lum, nước lên kiểu này thì chết cả đám. Tui coi ti vi thấy không chỉ nước ngập chợ Bà Bâu không đâu, giờ Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội, Sa Pa, Đà Lạt, Đắc Lắc… đều ngập hết ráo, chỗ nào cũng ngập, đúng là thế nước đang lên đó bà Hai.
- A Tỷ ở Sài Gòn còn đỡ khổ, tụi tui dưới quê thê thảm hơn nhiều.
- Sài Gòn ngày xưa chứ giờ cũng tệ lắm bà Hai. Thôi, bà lo dọn dẹp đi, khi nào rảnh có lên Sài Gòn thì ghé sạp tui hén! Giờ tui phải coi mấy cái đơn hàng cho tụi nhỏ đóng hàng.
Bà Hai Kỹ vừa cúp điện thoại xuống thì chuông lại reo lên, bắt máy thì nghe tiếng con gái út:
- Má, nhà mình có sao không? con nghe nước lụt ngập chợ Bà Bâu nên thấy nóng ruột quá.
- Trăng sao gì nữa con, trắng tay rồi, đồ đạc, tài sản hư hết rồi, giờ đang dọn dẹp và mướn người kéo hàng hóa hư đi đổ rác.
- Trời, giờ con chạy về phụ hén!
- Đừng, con đừng về, về cũng không làm được gì! Ở Sài Gòn lo học hành cho tới nơi tới chốn, rồi kiếm công việc gì ở đấy mà làm. Ở nhà có ba má và anh chị Hai lo được rồi. Xui qúa con ơi, mới tháng rồi đường ngập nước con bị sụp ổ gà, té bị thương, xe hư tốn mấy triệu bạc, giờ nước ngập nhà, hàng hóa hư hết, năm tháng xui gì đâu á!
- Năm tháng xui gì má! Tụi nó xả hồ xả đập là xui tận mạng cho dân, xui thường xuyên, giờ hổng xui bởi cái năm cái tháng nữa. Tai họa cứ chờ chực mỗi khi chúng xả nước,
- Con yên tâm đi, má ráng nuôi con ăn học cho xong rồi tính tiếp. Má bye con đây, kiếm gì ăn chứ hai ngày nay có nấu nướng gì được đâu. Con đừng về đấy! tiền tàu xe mắc mỏ, việc học hành lỡ buổi, có về cũng chẳng được gì! Xưa lũ lụt thì trời làm, giờ xả hồ mình lãnh đủ con ơi!
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 1223 |