Âm xưa
Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi
Có cú phôn qua FB Messenger, người chị bà con ở Mỹ hiện lên, khuôn mặt lung linh, nói bị nhiễu, tiếng được tiếng mất:
- Hel...lo… hel...lo… cau
- Hello, hello chị Lan
-...
Hình nhòa, không chắc là chị hay một người khác.
- …..
- Câu nghe ...được.. khô…?
- Nghe mà không rõ…lắm! Chắc Internet chậm!
- …
- …. tại Internet rồi, đừng bật hình… xem sao
- Se… phôn ...lại
Năm phút sau, phôn FB Messenger, không hình, giọng con trai rõ ràng, giọng ngoài Làng nữa chớ, bọ mạ ơi!
- Hé lô, chạu chào cụ Hóa ạ
- Hai, ai đây
- Chạu là chạu Ò Lan. Phộn Ỏ cọ vấn đề, cháu đáng cọi để sựa giùm o ạ
- Ô, cháu ở bên làng mới qua Mỹ hả… thiệt lâu, lâu lắm cậu mới nghe tiếng quê mềng, quý hóa quá. Cháu qua du học hay răng? Giỏi hè
- …..
- …..
- dà…Ò Lan đang không cọ ở đây ạ, cụ cho cháu số phôn di động…ạ
- Mình đang phôn Internet, vầy cũng được rồi; có gì cháu cứ nói hay đưa ipad cho O Lan.
- …..
- Dạ, chọ cháu phôn tay để cháu chuyển Ò Lan. Ò cọ chuyện muốn trao đổi với cụ…mà internet của ipad có sự cố ạ, khi được khi không, cháu đang tìm cách khắc phục ạ.
- ….
- À… là vậy, cậu hiểu rồi, 416 XXX YYYY, cháu lập lại đi
- Dạ, 416 XXX YYYY
- Cháu giỏi hí
- ….
- Dạ cảm ơn cụ, để cháu báo, Ò Lan sẽ gọi. Chào cụ ạ
- Bye cháu
***
Ngồi ôn lại, thấy người ở quê cũ chữ nghĩa có khác nhưng tiếng nói, nhịp điệu vẫn là âm xưa của bọ, mạ tôi. Nhớ là chưa từng nghe nhiều tiếng “ạ” như vầy. Những tiếng nặng, sái âm, mà lại thánh thót, chữ này ríu rít với chữ kia để lên lên xuống xuống nghe không kịp, mà người thành phố cho là quê mùa đó thật sự là tiếng “mẹ đẻ” của tôi.
Thầm tính là sẽ hỏi chị Lan về chú nhỏ này. Có thể là chị Lan đang ở Việt Nam. Cũng có thể đang ra thăm làng. Đang ở đâu mà phôn hư có người sửa giùm là tốt rồi. Chị Lan đẻ ở Huế, lớn lên ở Sài gòn chắc cũng chẳng thiết tha gì chuyện làng quê; có chăng là thằng “tui” đây vì năm tuổi tôi mới rời làng. Đã biết lặn hụp, xúc cá dưới hói; biết đi đồng bứt lá chùi khu, mới có cớ để viết hoa chữ ngoài Làng.
Nghe một thanh niên đồng hương líu lo, làm như tôi đang bước về làng; giờ tôi không biết ai, không ai biết tôi; nhưng mọi sự sao quen thuộc... “chao ơi! Eng là còn trại thậy Hùng, là chạu ôn cửu Me đây hí!”, để mình được xổ hết xà-léc ký ức ra. Hay ít ra cũng “hí”, “hỉ”, “răng”, “ai rứa hè” để còn nói chuyện cho ra gốc ra ngọn. Hay lại phũ phàng nghi ngại “Nỏ biết, nỏ biết”.
Tôi không lạ gì với “nghi ngại”, chính tôi cũng cẩn thận từng bước trong gần nửa đời người sau 75 vì đụng chuyện gì cũng xui xẻo trở ngại, không dè dặt mất của, mất mạng như không. Đã nghi “nghi ngại” thì lo mà “Ăn theo thuở, ở theo thì”.
Trước khi tôi học tới cái bài có câu “nhập gia tùy tục” thì thằng cu năm tuổi này đã nghe “bọ” hắn dặn ngay buổi sáng đoàn tụ đầu tiên khi mấy mẹ con di cư từ ngoài làng vô Huế:
- Mình đã vô đây ở, phải nói như người ta: không kêu ‘bọ’ mà kêu ‘ba’, ‘cụ’ bây giờ kêu ‘cậu’, ‘mự’ là ‘mợ’…’eng, ả’ là ‘anh, chị’…
Bọ tôi bị động viên đi lính ở Mang Cá trước chia đất mấy năm. Ông dặn rứa vì có gia đình cụ mự vô trước lâu và người O lấy chồng Huế mà cả nhà sẽ đi chào. Bọ tôi rành sự đời như rứa nhưng tôi thấy nhiều người ở Huế không hiểu bọ tôi nói chi, “ba mi noái nhanh, nặng mà lên xuống như chim hót, ai mà nghe được!”.
Tôi nghe dặn từng nào thì làm theo từng đó, những gì không dặn thì khỏi. Có thể ba tôi quên không nói tới, nên “mạ” tôi vẫn là mạ tui. Tui vẫn là “tui” cho đến khi lên ở trại gia binh vùng núi Pleiku bắt chước tụi người Bắc xưng “tớ” kêu “đằng ấy”. Mãi đến trung học Nha trang mới tự đổi thành “tao, mày”. Chưa yên, khi ra đời kiếm cơm “tao” không ổn mới thành “tôi”. Khi cần phép tắc, tránh “ta đây”, thì “chúng tôi”. Ai nói tiếng Việt phong phú nhất thế giới, tôi không chắc; nhưng cái khoản xưng hô này thì bạn bè tứ xứ ở Saigon cũng gật gù “dzậy chớ gì nữa”.
Khi Tây tới xứ mình thời gian, cậu ấm cô chiêu nói “toa, moa” chớ không mày tao, không toa - moa là dân “i-tờ-rít” (ít học).
Khi đến lượt Mỹ thì còn giữ được “mày, tao”, phải tới lúc qua đây (mà tuổi nhỏ còn đi học) mới chịu “you, me”. Người lớn qua tới xứ người ta, ai cũng xưng “I hoặc me” thì mình phải “Ai, mi”, không nghĩ thì thôi chớ nghĩ thấy tức cười, tự mình nói mà còn “ai?” vô đây nữa! tự mình nói mà kêu “mi” là người đối diện. Cái “tréo cẳng ngỗng” này tượng trưng cho cả một hệ quy chiếu mới, một xã hội mới, phong tục tập quán mới; mới đến độ mọi thứ lộn tùng phèo.
Cám ơn ông bà thuở trước tiên liệu con cháu mình sẽ có ngày long đong, cung thiên di toàn lưu lạc mới truyền khẩu quyết “…, nhập sông tùy khúc”, đi cho được bài quyền “hội nhập” để kiếm sống. Lúc đầu biết bao nhiêu là trục trặc, tức tối; đến nỗi có người hạ quyết tâm “học chưởi trước, học chữ sau” để đối phó với mấy đứa du côn ăn hiếp mình trong hãng, ngoài hè phố. Rồi 99% phe ta sống, nói năng cũng thông suốt qua ngày. Thậm chí có người bằng cấp cao còn làm giáo sư đại học “tụi nó nghe cái giọng mình chệch âm sắc, nhấn không nhằm âm, lên xuống không nhằm chữ, cũng phải ráng mà hiểu, vấn đề là của tụi nó, not my problem”. Ờ, làm sinh viên cần moi chất xám của thầy thì phải chịu vậy thôi!
Ngồi quán cóc nói dóc ở thành Hồ, tôi thuộc hàng cao thủ; cứ nhìn ấm trà nhôm lật nắp mấy đợt, hay mấy cái miệng bạn bè hé ra nhìn mình để hớp, thì nói tôi có nghề cũng không ngoa.
Thiên hạ sự mà tôi thuyết chẳng sâu xa, hay ho gì; vì trình độ đâu nhiêu, chẳng qua chịu thêm mắm muối. Gia vị các thứ gom được nhiều do tôi giang hồ tứ chiếng (dân móc túi xe đò không dám đụng), ở nhiều nhà tù, trại lao động hơn, từng làm phụ (tức làm cha) đủ nghề, biết nhiều giọng địa phương hơn, thất nghiệp cà lơ thất thểu nhiều hơn. Tụi nó cũng loài ăn đong, lâu ngày đuối, buông cho lười luôn (vợ thủ loong bơ gạo); ngồi nghe tôi xạo sự coi như sinh kế (sống qua ngày). Biết chúng sanh lạt miệng chán đời, tôi chơi muối, tôi chơi ruốc, tôi chơi ớt bột, tôi chơi đường táng; khi trúng mánh chơi tới ngũ vị hương. Mạ ơi, lúc đó cơm cháy cũng thèm!
Qua đây, bạn bè không còn tập tụ quán cây xoài; cái khoản nói dóc chơi cả buổi thuộc về quá khứ. Chỉ phôn. Mà nói phôn với thân nhân bạn bè, giỏi lắm tôi chỉ vài câu cho xong công chuyện rồi tịt ngòi. Làm như phôn, dù có dây hay wireless, không cho tôi cái hứng như đối mặt; nhiên liệu cho cái miệng phải là mắt đờ, miệng hớ, môi trề, lưng đổ tới trước. Mà dù có kiếm được “quán cây xoài” nào thì còn ai wởn mà ngồi đồng. Mà có ngồi thì TV, Internet đã đặc cái đầu, còn chỗ nào chứa chuyện tào lao xịch bộp.
Học nói tiếng Anh lâu ngày mà luôn khựng giữa câu vì không dịch được một chữ nào đó, nói tiếng Việt giọng Sài gòn lai gặp vài chữ cũng quên bẵng, phải chêm tiếng Anh; huống chi tiếng của bọ mạ tôi. Quên dần…hay ...quên hẳn.
Người Ca-na-điên hay đệm cuối câu nói chữ “eh”. Dân nhập cư ở lâu cũng nhiễm thói quen này. Người nói tiếng Anh ở xứ khác nghe, thấy kỳ kỳ, thử xài chữ này nhưng chêm không đúng chỗ, đúng âm sắc; nghe không có được cái băng tần vừa dĩ nhiên, vừa tìm cái đồng tình của người Ca-na-điên với nhau, mà phô.
Vốn dân ghe (boat people) ở đảo, xin và được Canada cho qua định cư nên trong sinh hoạt cộng đồng, tôi hăng hái hô theo đồng bào “Thank you, Canada!”, đầy “nhiệt tình”; đã thử xài “eh” cho giống Ca-na-điên mà cứ trật chìa. Có thể vì sống mũi không cao bằng họ, mà cũng có thể tại tôi bất giác bật ra chữ “hí” hay “hỉ” khi phải “eh”. Nói tiếng Việt ở Sài Gòn mà “hí, hỉ” đã ngộ, chêm vô tiếng Anh nó nghịch nhĩ, ai nghe cũng ngớ, bèn giải thích “it’s just the Vietnamese for your ‘eh’ ”.
Tôi ngồi thừ: Đã luôn nghĩ là cảm xúc tỉ lệ nghịch với tuổi tác. Đã chai sạn. Không ngờ cái giọng nói của thanh niên kia lôi ra bao nhiêu là chuyện. Cái đầu già xông xáo như tuổi 20 sau vài cái trăm phần trăm với bạn nhậu. “Tưởng rằng đã quên”... !
***
Nửa tiếng sau, có phôn tay hay qua Viber, không phải của chị Lan mà của vài người khác cho biết: FB account của tôi đã bị hacked, họ đã nhận được phôn/text từ FB Messenger của tôi. Toàn chuyện lừa bịp.
Trời đất! Sao dễ dàng vậy được, lúc nào tôi cũng cảnh giác kia mà. “Mạ ơi, chệt con rồi mạ ơi!”./. |