Ảo Vọng
Trần Yên Hòa
Chàng vẫn còn cái háo hức như những ngày còn trẻ, như thời bước chân vào Đà Lạt, một thế giới trước mặt chàng đầy ánh hào quang. Chàng sẽ giống như người tráng sĩ Phạm Thái trong truyện Tiêu Sơn, sẽ đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Chàng không ngó trước, ngó sau, ngó trên, ngó dưới, ngó chung quanh mình, những bạn bè mình đang làm gì, Có đứa từng khoe oang oang, tau là con đại tá N, chỉ huy trưởng này, kia, nọ. Khi ra trường ba tau sẽ chạy tau về văn phòng ngay. Hay là ba tau làm ở bộ Tổng Tham Mưu, ban quân số, tau muốn về đâu cũng được. Những điều tai nghe mắt thấy này không đánh động gì trong tâm trí chàng. Chàng tuổi trẻ.
Chàng nhớ những ngày huấn nhục, thân thể bị đàn anh quần bầm dập như cái mền rách, nhưng chàng vẫn nghĩ, muốn trở thành người sĩ quan hiện dịch, thì phải trải qua cam khổ. Có cam khổ thì thành công mới vinh quang.
Chàng rất cảm động khi những đêm lạnh Đà Lạt, sau khi huấn luyện suốt ngày ngoài bãi tập, hay trên các con đường chung quanh Vũ Đình Trường, bò, lếch trên những đoạn đường đầy đá cuội, với một thân xác mệt mỏi khôn cùng. Khi được nằm trên giường là ngủ li bì không biết trời trăng mây nước gì. Trời lạnh xuyên qua những bức tường gỗ mỏng manh của khu nhà tiền chế, làm giấc ngủ trở nên nặng nề. Có bạn hớ hênh để tuột cả tấm chăn đang đắp. Có những người đàn anh đi kiểm tra đàn em ngủ như thế nào, thấy vậy liền kéo tấm mền đắp lại cho đàn em. Chỉ cử chỉ và hành động nhỏ nhặt đó đã làm ấm lòng những người trai trẻ, tin tưởng vào tình huynh đệ chi binh
Có lẽ chàng cũng như nhiều bạn khác đã lý tưởng hóa đời sống chăng. Những đàn anh như mục đích của chàng nhắm đến, hiên ngang, hùng dũng, đầy lòng vị tha và độ lượng. Chỉ đối với kẻ thù là cương quyết, còn đàn em thì hãy nâng đỡ và khuyên bảo nhau.
Những buổi sáng, buổi chiều, Đà Lạt mù sương, ra ngồi ở câu lạc bộ sinh viên nhâm nhi ly cà phê đen, hút điếu thuốc Casptan, chàng cảm thấy lòng mình phơi phới. Tình yêu quê hương đất nước dâng đầy trong tâm hồn. Nhìn những đàn anh phẳng phiu trong bộ đồ dạo phố mùa hè, mùa đông, chàng cảm thấy hãnh diện và thấy yêu quí quá ngôi trường đang học.
Chàng cũng biết chiến tranh đang kề cận. Những tin tức chiến sự trên đài phát thanh được đọc lên hằng ngày, hay trên những trang báo, cho đến ngày ngôi trường bị địch tấn công.
Những quả tạc đạn, những tiếng nổ, tiếng hô xung phong, hàng sống chống chết. Thân xác những bạn bè, những vị linh mục, những vị sư, mục sư bị địch bắn, máu đỏ loang cả giao thông hào. Nhìn những quan tài sắp hàng trên nền xi măng trong Vũ đình trường, chàng biết chiến tranh đã cận kề quá rồi. Những người bạn mới học năm thứ nhất bị giết chết...Ôi, chiến tranh không chừa ai.
Rồi những tin tức nghe được về những đàn anh chết ngay trận đầu tiên làm chàng đau nhói con tim và liên tưởng đến số phận mình, sẽ ra sao ngày sau. Chàng vẫn nhớ hình ảnh những đàn anh gương mặt lầm lì, phạt dã chiến cả trung đội chàng trong những ngày đầu huấn nhục. Nhưng sau đó là những nụ cười đôn hậu, bao dung của người anh cả. Bây giờ họ đang làm lính tác chiến thực sự ngoài chiến trường. Họ đang xông pha ngoài mặt trận để tiêu diệt quân thù. Những cái chết tiếp theo của những đàn anh được báo về trường. Trong buổi ăn cơm tại phạn xá, khi tên người chết được xướng lên trong phút mặc niệm, ai cũng thật bùi ngùi thương tiếc cho những người vắn số.
Rồi thời gian trôi qua, chàng cũng như những bạn khác được ra trường. Hy vọng tươi non của ngày mới bước vào quân ngũ nay đã trở thành hiện thực. Nhưng thực sự chàng lo sợ cho viễn ảnh chiến tranh, đối diện với quân thù hung bạo ngoài chiến trường, lại còn phải đối diện với sự cạnh tranh chỗ đứng. Lý tưởng là một chuyện, còn thực tế là một chuyện khác. Ai chọn được về đơn vị không tác chiến coi như một hồng phúc, bảo đảm mang chữ thọ trên người.
Ra đơn vị, chàng lại gặp những đàn anh. Có người rất dễ thương, miệt mài suốt hơn hai năm đi hành quân, họ không có quyền lợi gì, chỉ mang ba lô đi theo đại đội trưởng và chờ dẫm mìn thay đại đội trưởng thôi. Nhưng cũng có đàn anh bon chen, thấy chàng về sợ chàng chiếm mất chỗ của mình bèn dèm pha thế này, thế khác.
Đó là thất vọng đầu tiên của chàng tuổi trẻ.
Tuổi trẻ thường xốc nổi và xông xáo. Những mặt trận lớn, nhỏ miền Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có dấu chân chàng qua. Ba Gia, Đồng Ké, Núi Tròn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Trà Bồng...Rồi mặt trận Quế Sơn, Núi Kiếng cả tiểu đoàn bị pháo 130 ly của địch dày nát, phải chạy xuống Hương An. Khi hành quân tái chiếm, những con bò của dân thả ngoài đồng, tiểu đoàn trưởng cho lính bắt xẻo thịt, làm bò khô gởi về hậu cứ đem về nhà cho vợ. Chàng đã chứng kiến những tiểu đoàn trưởng cho lính làm kinh tài cho mình, làm câu lạc bộ bán chịu hàng cho lính hành quân, đế cuối tháng trừ tiền lính gấp hai, gấp ba.
Chàng chứng kiến những chuyện đó thường nhật nên lòng chàng đã vơi đi cái lý tưởng sùng sục trong người ngày cũ. Có tay tiểu đoàn trưởng tham nhũng quá và "đì" lính quá, khiến tụi lính tức giận, trong dịp về Bình Liên nghỉ dưỡng quân để tiếp tục hành quân Quế Sơn, một người lính đã thảy một quả lựu đạn vào tay tiểu đoàn trưởng. May mà lựu đạn nổ khá xa nên tiểu đoàn trưởng chỉ bị thương nhẹ. Người lính thảy lựu đạn dĩ nhiên bị cùm ngay tại chỗ, sau đó tống vào quân lao. Còn vị tiểu đoàn trưởng thì được đề bạt lên làm trung đoàn trưởng, được vinh thăng trung tá.
Đó là những sự việc chàng đã chứng kiến trong suốt chặng đường hành quân qua mấy năm. Những lý tưởng đã lụi tàn, và chỉ còn trong sách vở hay trong những bài tuyên truyền mà chàng cố nặn óc viết ra, để đọc hàng đêm trên đồi đóng quân, để chiêu dụ các cán binh địch "tung cánh chim tìm về tổ ấm."
Có thể nói đó là "ảo vọng tuổi trẻ", như một truyện dài của Duyên Anh, khi những lý tưởng cao đẹp của mình đeo đuổi bị đem ra mua bán, đổi chát, vì quyền lợi và chức quyền của người thủ lãnh.
Trích:
Vào một buổi chiều, tại một quán nhậu nhẹt trên bờ sông gần cầu Tân Thuận, hai người lãnh tụ già ngồi hướng mặt về phía bên kia sông. Chai "Whisky" đã gần cạn một nửa. Những vỏ tôm nướng đỏ ối bừa bãi trên mặt bàn. Lúc ấy mặt trời chưa lặn nên quán hãy còn vắng. Hai người lãnh tụ già của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" ý chừng cũng biết thế nên kéo nhau tới đây bàn chuyện thời cuộc.
...
Ông cương quyết, nếu phải điều đình để nhận chức Bộ Trưởng, thì điều đình trong sự bình đẳng. Do đó, ông cần chiếc xe mới, căn nhà mới, cần nhiều bộ đồ mới. Điều này hai nhà lãnh tụ đã thực hiện xong. Ông Hiển có chiếc "Chevrolet" thì ông Bình cũng có chiếc "Peugeot 403". Số tiền làm đỏm cuộc đời cho hai vị lãnh tụ anh minh, dĩ nhiên là tiền của bọn Hạo xoay sở. Các anh chỉ biết lao mình vào chỗ chết, vào tù đầy để kiếm tiền gây quỹ cho Đảng. Còn Đảng dùng vào việc gì, các anh không cần biết tới. Vốn tin tưởng vào công cuộc cách mạng dân tộc, các anh chắc chắn, tiền ấy sẽ dùng vào việc hữu ích. Không ai lấy tiêu riêng
Bây giờ thì chàng đã gần tuổi thất thập. Những bạn bè chàng cũng xấp xỉ tuổi ấy. Đàn anh chàng cao lắm cũng hơn hai, ba tuổi thôi. Chàng vẫn kính trọng họ như ngày cũ, dù cái tình thân không còn như ngày xưa trong quân ngũ. Bây giờ nó có vẻ tình cảm hơn, hết cấp trên, cấp dưới, hết lon, hết lá. Sống với nhau như những người bạn, những anh em. Thế là đủ rồi.
Thế mà có những người làm nên những việc trái khuấy, khiến đánh đổ hết trong lòng chàng những thân mến cũ. Họ vì một chút cả nhân, muốn làm người lãnh đạo, đã tổ chức gian lận bầu cử để đưa những tay chưn vào hàng tổng.
Chàng trở nên tuyệt vọng hơn khi nghĩ rằng mình đã già, cố tìm chút hơi ấm nơi xứ người. Gặp nhau bắt tay nhau hay choàng vai nhau cũng thấy hạnh phúc. Thế mà không có được.
Những quyền lực ảo vẫn đeo bám lấy họ, giống như những tay lãnh tụ trong ảo vọng tuổi trẻ, chỉ biết lợi dụng sức trẻ, để đem lại danh vọng, quyền lực cho họ mà thôi. Mọi chuyện đã làm chàng thất vọng.
Xin trích một đoạn thơ của Nguyễn Bắc Sơn viết về tình bạn mà chàng thấy sâu sắc:
Ta nghĩ trời sinh ta ra là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời.
Nhưng lại nghĩ, trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.
Trần Yên Hòa |