SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

BỒNG BÊNH QUÊ NHÀ

Con đường dẫn về quê hương, là con đường hẹn hò mà bạn ít bị lỗi hẹn nhất...
(Khuyết danh)

Vâng, không bao giờ bị lỗi hẹn, dù ở nghĩa thực lẫn siêu thực.

Tôi sinh ra ở Hà Nội. Nhưng ký ức về Hà Nội chỉ là một căn phòng kín bưng trong trí nhớ. Tôi như luôn đứng trước cửa phòng ấy với một cảm giác nôn nao, thôi thúc, và cũng buồn bã tự hỏi, bao giờ thì tôi sẽ mở căn phòng ấy để được bày biện mọi thứ tôi đem về từ thực tại?

Ngày rời xa Hà Nội, mẹ kể, tôi chỉ mới ba tháng tuổi, ngủ say trong vòng tay mẹ trên chuyến bay Hà Nội-Nha Trang vào một ngày cuối đông. Hà Nội... Như một tờ giấy trắng bong. Không một cảm nhận rõ rệt từ tâm thức lẫn giác quan. Không đất, không nắng, không gió, không mưa, không mùi trời khí đất, không cả hương vị món ăn nơi ấy, thì làm sao có thể có được một giọng nói Hà Nội? Hà Nội thơ trẻ như Thanh Lan, Hà Nội nhẹ trong như gió của cô Mai Hương, Hà Nội trầm hoàng hôn của Khánh Ly, Hà Nội ấm nồng của Thu Phương, và Hà Nội sang cả của bác Thảo (người mà theo mẹ tôi kể là nhân vật trong Tóc Chị Hoài của Nguyễn Tuân), bởi vậy mẹ tôi vẫn thường nói, chẳng một chút gì là Bắc cho giống mẹ! Chịu vậy thôi. Cái khắc khoải Hà Nội cho tôi hoài đeo đuổi những bước chân nôn nả của giấc mơ. Có thi vị không nỗi chờ đợi ấy? Có buồn lãng mạn không khi nghĩ mình hoài là kẻ tương tư cố lý?

Vâng, Hà Nội là giấc mơ của tôi. Sẽ phải có một ngày đem giấc mơ ấy về đứng ở nơi gió thở tiếng khóc chào đời. Sẽ để mình rét cho thấm thía hết cái lạnh mùa đông Hà Nội. Sẽ đi trong đêm và nhất định là với hương thơm hoa hoàng lan của Thạch Lam, lúc ấy tôi sẽ đủ tư cách để thưa với Vũ Bằng rằng tôi đã cảm nhận được một cách rất thơ cái “trăng non tháng giêng rét ngọt” của ông rồi. Có thể tôi sẽ là người nghệ sĩ đi lang thang trên phố trong bàng bạc nhạc Phú Quang, để đồng cảm với nhà thơ Phan Vũ cái nỗi niềm chẳng nhớ nổi một tên đường, làm sao mà nhớ được khi ở trong cái quá chừng lãng đãng khói sương ấy, ôi, đi và tan vào những con đường từ lâu đã chìm trong huyết mạch thương nhớ của mình…

Tôi sẽ làm một chuyến, như hành hương của riêng tâm linh, về quê ngoại. Bước trên ngõ làng, nơi đã in dấu chân bà ngoại tôi, mẹ tôi thời ấu thơ, từng viên gạch xưa ấy đã trăn trở bao buồn vui cùng họ thời thiếu nữ... Và biết đâu, trời, nghĩ đến đây thì tim tôi run lên, tôi sẽ đặt được bước mình lên ngõ gạch đã từng có dấu chân của một nhà thơ tôi hằng yêu thích, dẫn tôi đến được một căn nhà, cái phòng, cái bàn, và khung cửa sổ đã thao thức cùng người thơ tài hoa yểu mệnh “hoa cỏ mờ hơi sương”… Tôi tự hỏi, nơi ấy bây giờ có không, căn nhà kỷ niệm của nhà thơ Đi Chùa Hương? Nếu có, thì tôi đem tất cả tấm lòng ngưỡng mộ nhà thơ ấy để biết ơn ai đã có một quyết định đầy thi tính như thế. Còn nếu không, thì sẽ là nỗi phiền muộn của nghìn nghìn tấm lòng cô gái nhỏ đã đi chùa Hương mang theo thơ Nguyễn Nhược Pháp trong lòng.

Tôi biết, nếu bây giờ có đi chùa Hương, dù với mái tóc đã lưỡng lự trắng, tôi cũng sẽ vẫn đi với trái tim của cô gái nhỏ cùng thầy me em dậy, em vấn đầu soi gương, tôi cũng sẽ em không dám đi mau... tôi sẽ... tôi sẽ…, nghĩa là tôi sẽ y chang như cô gái trong thơ Người, ôi Nguyễn Nhược Pháp. Anh bạn tôi nói, người ta bảo đi Chùa Hương đủ ba lần thì sẽ được hạnh phúc. Đúng chăng? Tôi sẽ về, lời hẹn Chùa Hương ơi. Ngàn điều có nói cũng chỉ để chở một vẫy gọi của giấc mơ chưa thành, có duyên nào trong cõi đất trời đẩy đưa cho không, cõi hẹn của tôi?

Bỗng một ngày, trong khoảng thời gian đang phải tập làm quen mọi thứ ở Mỹ này, tôi bỗng lọt thỏm vào hai tiếng Ninh Hòa, trong một bữa tiệc nhà anh Uyển. Ninh Hòa ư? - Tôi cũng quê ở Ninh Hòa - Tôi nghe câu nói của mình vang lên và trong phút giây tôi bỗng lặng người, sao tôi lại nhắc đến Ninh Hòa, trong khi xưa giờ khi nói đến quê nội, tôi thường dùng địa danh Nha Trang hơn. Có lẽ âm của giọng nói hai tiếng Ninh Hòa quá giống giọng ba tôi và làm tôi nhớ đến ông đang bịnh nặng ở Sài Gòn, ông vừa mới kể cho tôi nghe, lễ thượng thọ của ba được làm ở nhà quê, nhà bà nội. Đó là làng Thuận Mỹ, Ninh Hòa.

- Tôi cũng quê ở Ninh Hòa- khi thốt lên tôi muốn khóc. Như thể một câu đi tìm người thân vậy. Và người có giọng Ninh Hòa kia đã tặng tôi một cuốn sách, rồi nói, vào đây cho đỡ nhớ nhà, tôi rất thích chữ “Trang Nhà” trong những web hay dùng. Nhà, nơi mình ở, mình quen, nơi che cho mình mưa gió nắng nỏ cuộc đời, để mình có được những bước gọi là về nhà.

Và tôi đã đi về nhà, như thế. Tôi biết ra rằng bên cạnh giấc mơ Hà Nội kia tôi còn được bồng bênh một bình yên khác nữa là quê nội, cõi, vừa lãng đãng vừa hiện thực, một giấc mơ bất cứ khi nào muốn là sống-với được. Là thấy mình đang ngồi trong toa xe lửa từ Nha Trang về Thuận Mỹ, nơi có một cái hộp ga nhỏ xíu, không gọi là nhà ga được vì nó bé dễ sợ. Chúng tôi xuống ở đó rồi men theo con đường rầy đi xuống một cái dốc, đi, đến khi thấy một cây gạo rất cao ở đình làng là tôi biết sắp đến nhà bà nội, cha tôi kể, có một con ma lớn, cao bằng cái cây đó đổ bóng xuống con đường đất rồi nó ngáp một hơi thiệt dài trong đêm, làm hồi đó mỗi lần đi qua anh em tôi hay nắm chặt tay nhau chạy, giờ nghĩ lại thấy đúng là cha dọa con nít, ma có bóng ư? Chẳng biết.

Hồi đó anh em chúng tôi hay được về quê, bằng xe lửa, (xin mở ngoặc gửi một lời nhắn với Lương Lệ Bích San, nhân đọc một bài văn, tôi được biết chị cũng quê ở Thuận Mỹ, có thể ông bà chúng ta có quen nhau, và nếu chị đồng tuổi tôi, biết đâu ngày ấy đã chẳng có lần chúng ta đi chung một chuyến xe lửa, ngồi cùng một toa tầu?) cứ vào đêm trước cuối tuần, các anh thì xếp giấy thành hình máy bay, tôi thì xếp thuyền. Để chi? Để ngày mai khi con tầu đi qua một cái cầu nhỏ, chúng tôi sẽ thả chúng ra ngoài cửa sổ tầu, chỉ vậy thôi mà lấy về không biết bao nhiêu là tiếng cười. Nhưng chả bao giờ tôi nhìn thấy được con thuyền giấy của tôi đáp xuống dòng sông nhỏ dưới chân cầu. Nó bay đi đâu những chiếc thuyền giấy mỏng mảnh của tôi? Phải chi ngày ấy tôi xếp cánh diều thì tôi sẽ nhìn được nó bay lên, cho giấc mơ của tôi lộng gió. Trò chơi ấy lập lại suốt thời thơ ấu mỗi khi sau bữa cơm tối thứ sáu, cha tôi bảo, mai cả nhà về quê.

Về quê. Ngày ấy chỉ đơn giản là nỗi mừng vui được đi xe lửa, được chơi dông dài hai ngày không bị học bài, được ăn đủ thứ trái cây, nhất là vú sữa, ở vườn nhà nội.

Bà nội tôi ngày ấy cũng đã già, theo ký ức 9, 10 tuổi của tôi, lưng bà còng nên trông bà bé tí, chỉ nhỉnh hơn tôi chút xíu thôi, bà sống một mình ở căn phòng thờ rộng, bà đi ra đi vào và thường lẩm nhẩm cái gì đó một mình, thỉnh thoảng bà gọi tôi, cá cum, con ăn cum chưa (tôi choắt lắm nên bà đã gọi tôi là cá cơm, còn anh Khải thì bà kêu, cá ồ, không biết là con cá gì, anh Khoa, cá thu, chắc tại anh trắng và mạnh khỏe, mà sao toàn là cá vậy hả bà?)

Rồi bà chỉ tôi nghiền trầu trong cái cối gì mà cũng bé xíu như bà, tôi không làm được, thế là bỏ chạy đi chơi. Ngày đó tôi nghĩ bà buồn tẻ quá, bây giờ thì tôi thấy bà quả là một phụ nữ can đảm, chịu đựng u buồn từ thời trẻ đến cuối đời kể từ khi ông nội tôi mất, kể từ khi bác Tám tôi bị chết thiêu trong một nhà tù, kể từ khi cha tôi, đứa con út, lãng tử đi xa. May là bên cạnh bà còn có gia đình bác Mười lớn, các chị họ của tôi đẹp lắm, nức tiếng từ Thuận Mỹ đến các trường trung học ở Nha Thành. Bà như một cái bóng nhỏ loanh quanh căn phòng rộng, thấp thoáng nâu giữa những hàng cây vú sữa, xoài, xanh um trong vườn, trên tay cầm một con dao, hay cái rựa tôi chẳng biết. Và bà hay nói chuyện một mình. Đó là hình ảnh tôi nhớ về bà nội.

Khi gõ tới đây, tôi nghe tiếng mưa rơi ở ngoài thềm, gió thốc vào lạnh buốt, con trai lại quên khép cửa sổ, tôi nói thành tiếng (hơi giống bà nội rồi) và đi ra ngoài thềm, cụm hoa trâm trâm tím trong mưa, trời ơi, hay là hư bóng trâm ổi bên vệ đường xe lửa từ ga Thuận Mỹ về tới nhà bà? Anh cả tôi cũng thầm thì Trâm Trâm trong thơ của anh, xe lửa xa rồi những bụi trâm trâm..., ngày đó, tôi hay buông tay mẹ để cúi xuống hít cái mùi hăng hắc thơm, để mút vị ngọt từng cánh nhỏ đủ mầu ấy. Tôi nghĩ hoa trái nào mà chim bướm ăn được thì tức mình cũng ăn được, và hay thử...

Mùa xuân ở miền nam California bắt đầu bằng những ngày xám lạnh như hôm nay, mưa dai dẳng buồn. Những tin tức chiến tranh nơi đây nơi kia và động đất ở Nhật làm đông giá cảm xúc. Phải làm ngay những điều có thể, câu nói ấy bây giờ thấy thấm thía nhiều lắm trước những chia lìa mấp mé bên ngưỡng cửa cuộc sống. Phải nói ngay lời thương yêu với người thân, bạn thiết, nhất là, ôm hôn cậu con đã lớn kia mỗi sáng nữa. Tôi sẽ. Nhất là, tôi sẽ mở được giấc mơ lung linh của tôi, phải chạm mặt nó, dù một lần trong đời...

Gần nhà tôi ở bây giờ, trời thương sao có một nhà trồng một hàng tre, tre Calif. lào xào nắng. Tôi đang mong nắng cho bớt sợ hãi về cơn bão dự đoán, anh bạn tôi bảo, phải có nắng thì đời mới vui và người ta mới có tinh thần được, anh nói hoài khiến tôi cũng tin thế, để hàng tre kia có cái rì rào mùa hè, và mở ra mơ màng cho tôi con đường đất Chợ Bến, nơi đẫm một mùi, gọi là hương được không, một mùi mà muốn trọn vẹn với nó phải nhắm mắt lại... mùi đất bùn khô dưới nắng, phải là nắng trưa oi nồng, cộng mùi đống rơm trong sân gạch nhà, mùi cỏ, mùi phân trâu bò trên đường đất, quyện vào trong gió tre, bạn ơi tôi mong là bạn cũng đã từng ngửi thấy để có thể chia sẻ cùng, tôi gọi là mùi nhà quê, với tất cả thương yêu gắn bó, cũng giống như mùi đất xông lên ngào ngạt sau mưa, cũng giống như mùi dưới cầu Trương Minh Giảng ở Sài Gòn tôi bắt gặp một lần vào lúc 11, 12 tuổi khi ngồi trên một chiếc xích lô máy cùng với bà ngoại. Biết nói sao, cũng như đâu thể cắt nghĩa rốt ráo được duyên và nợ? Tôi cho những mùi ấy là “duyên nợ” của tôi, vì hợp với nhịp đập tim tôi, rung động với tôi ở một tần số cao nhất của tâm linh, cho nên, nói như ai kia, là chẳng lẽ mình mong quê nhà cứ lạc hậu mãi sao, thì thật là một kết luận hơi oan ức, đối với tôi.

Lý tưởng là, có đủ khôn ngoan, tinh tế để vừa phát triển vừa giữ được tiết tấu riêng của Nhà Quê. Nhưng nếu, để đổi lấy văn minh mà mất hết trơn cái nhịp, cái mùi gần gũi ruột thịt như thế, tôi chọn, thà đi về trên con đê bên đường rầy xe lửa ngắt nụ trâm trâm mà hút mật ngọt, thà trở lại quê nhà, tắm trong đêm dưới ánh trăng bên cái giếng xưa gạch đóng đầy rêu, cười rúc rích với người chị đang tuổi dậy thì, chị Bích ơi, em biết sẽ có ngày chị em mình lại về nhà nội và tắm khuya bên bờ giếng ấy, phải là đêm có trăng để em thấy được những mảnh sáng bắn tung tóe từ làn da trắng của chị, hẹn thế nhé, nhưng đừng dọa em, dưới giếng có con rắn thật to nghe, mà cho dù thế cũng không cưỡng được em cái thích tắm dưới trăng khuya bên giếng cũ của bà nội đâu, chị Bích à.

Chỉ đơn giản âm giọng Ninh Hòa, nghe được đêm ấy mà tôi được miên man Nha Trang... Bây giờ nói về quê, không chỉ là một nơi chốn nữa, mà là về một cõi tâm linh tĩnh lặng với tha thiết rất riêng. Cũng với tâm trạng ấy tôi gõ vào trang nhà quê hương, với nôn nao của một kẻ xa nhà lâu ngày đi về trước cổng nhà cha mẹ, hồi hộp gõ. Và cửa đã mở.

Trâm trâm tím vàng và tiếng xe lửa kéo con tầu cũ kỹ phía chân trời bên kia những cánh đồng lúa. Đó là hình ảnh biểu tượng cho nỗi hoài hương của tôi.

Cũng vào đêm tôi nghe nhắc đến Ninh Hòa, tôi nhớ đến cha tôi đang bịnh ở Sài Gòn, hôm nay khi tôi viết những dòng này thì ông đã đi xa, xa hẳn rồi, mãi mãi. Không bao giờ còn nghe nữa như hồi bé “ba sớm về thôi mà” khi cha bước lên bực toa tầu xe lửa đi dạy học ở Sài Gòn...

Giờ chắc ba đang thảnh thơi miền gió tre rì rào thơm, trong ánh trăng êm ả ngôi đình làng Chợ Bến. Ba ơi, nơi giấc mơ xanh non đồng lúa quê nhà, trong bay bổng trời chiều bình yên Thuận Mỹ, con biết ba sẽ đọc những điều con viết hôm nay...

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, tháng 3.2011
Về quê nội, Thuận Mỹ, Nha Trang
Và quê ngoại, Phượng Dực, Hà Nội

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024