SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

cây bút mực

Hôm qua 3 giờ sáng, trằn trọc hoài không ngủ. Có lẽ vì buổi chiều qua phố Saint-Michel, dồn dập đổ về như nước lũ, bao nhiêu những kỷ niệm êm đềm ngày cũ. Lên phòng viết, mở máy PC, chợt thấy bên cạnh bàn chữ (keyboard) cây bút máy Mont-Blanc, cùng với bình mực, phản chiếu lên khung màn ảnh, một vòng sáng lung linh. Cây bút này là quà sinh nhật nhà tôi cho từ hơn hai chục năm rồi. Tôi rất thích cây bút này, đen huyền, điểm thêm những viền vàng trên nắp bút và ở phần dưới quản bút. Mỗi lần cầm bút, vừa vặn trong ba ngón tay, mở nắp, vạch lên giấy mấy con chữ, ngòi làm bằng thép mạ vàng, không cứng quá, không mềm quá, không cắn vào giấy, nét không to quá, không nhỏ quá. Thật là hạnh phúc thần tiên.

1         2

Gõ chữ đến đây, gõ thẳng vào smartphone như thói quen từ nhiều năm nay, tôi không ngăn được ý muốn lên phòng sách, viết thử mấy chữ, tìm lại niềm vui khi viết bằng cây bút mực này.

Nhưng trong công việc mưu sinh, từ lâu tôi đã quen viết bằng bàn gõ trên máy. Thành thử bây giờ cây bút Mont-Blanc chỉ nằm đó làm cảnh mà thôi.

Hồi mới di cư vào Nam (1954), trước ngày tựu trường vào lớp Năm ở trường Tiểu học Di Chuyển Đa-Kao, mẹ tôi dẫn đi mua một cuốn vở, một cây bút chì hiệu Gibert và một quản bút hai màu vàng-đen tuyệt đẹp.

Hôm đầu tiên vào lớp mới hay học trò có hai ba trình độ khác nhau. Có đứa đã biết đọc biết viết vanh vách. Có những đứa như tôi, còn phải viết chữ bằng bút chì.

Không nhớ nữa, mấy tuần hay mấy tháng sau, cô giáo quyết định cho tôi viết bằng bút mực. Mừng quá, tôi xin phép đến lớp anh tôi, học trên tôi hai ba lớp, để lấy cây bút mực mà mẹ giao cho anh giữ. Đứng thập thò bên cạnh cửa lớp anh tôi, không nhớ đã làm dấu cách nào cho anh tôi hiểu là tôi muốn xin cây bút gỗ. Thằng anh tôi chắc cũng nhút nhát, không dám xin phép ra khỏi lớp, mà lại nhờ một tên bạn, có phận sự viết bài cho cả lớp trên bảng đen, sát bên cửa ra vào, kín đáo đưa cho tôi một cây bút. Nhìn cây bút này, cũ kỹ dính mực tùm lum, tôi thất vọng não nề, đâu phải là cây bút xinh xắn mới tinh mà mẹ đã mua cho tôi trước buổi tựu trường. Tôi đành lủi thủi trở về lớp, trong lòng ấm ức chẳng biết làm sao.

3

Hôm nay, khi viết mấy dòng này, tôi không còn nhớ số phận cái bút xấu xí này về sau ra sao nữa. Anh tôi về nhà có đền lại cho tôi cây bút mới hay không. Nhưng những vết mực lem luốc làm tôi nhớ đến những bình mực Hondo thời đó. Những cái bình mực nhỏ nhắn này hay lắm, làm bằng nhựa, nắp mở kết hợp với một cái ống thông xuống gần đáy bình mực. Khi viết, chấm ngòi bút vô ống, nếu có lỡ để nghiêng bình, mực không bị đổ ra ngoài.

Năm đó, vào giờ tập vẽ, tôi vẽ một cái bình mực Hondo, rất kiểu cọ, mấy chữ Hondo nghiêng nghiêng. Cô giáo chấm điểm 10/10 và bảo tôi lên bảng vẽ làm mẫu cho các trò cùng lớp.

Chợt nhớ tới Jean-Jacques Sempé (1932-2022), họa sĩ và nhà văn người Pháp, có tranh đăng trên trang bìa báo The New Yorker, kể từ năm 1978, trong 40 năm. Ông trả lời phỏng vấn, nói dùng ngòi lá tre để vẽ tranh. Mà các học trò tiểu học cùng thời với tôi 1954-1967, đa số đều dùng ngòi bút lá tre made in France để viết...

4

Sau 5 năm tiểu học, tôi chuyển sang dùng bút máy Pilot của Nhật, những năm trung học, sau sang Pháp du học dùng bút Watermann, Parker...  rồi đi làm có tiền xài bút Mont-Blanc.  Không biết viết chữ bằng bút mực, bút nguyên tử (stylo à bille), bút feutre... tôi có viết được gì hay ho không nhỉ. Chẳng bao lâu, đến thời Internet, toàn viết bằng bàn gõ trên máy điện tử. Hình như có cái gì thay đổi trong tôi. Bây giờ AI (Trí khôn nhân tạo) (*1) đang thao túng con người, tôi có chút gì hóa thành máy móc rồi chăng?

Đặng Thế Kiệt
17/10/2024


Ghi chú 
(*1) AI: xin đề nghị dịch là "Trí khôn nhân tạo", với ý là do người tích tụ dữ kiện (big data) làm ra. Không lẫn lộn "Trí khôn" với "Trí tuệ", là phần Tinh anh - Thần trí của con người.  Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng" 人工智能. Người Nhật dịch là: "Nhân công trí năng" 人工知能. Cf. http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2019/11/tri-khon-nhan-tao.html

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024